Một vấn đề liên quan đến bạn
BẠN có đặc biệt thân thiết với ai trong gia đình hoặc trong vòng bạn bè không? Nếu có người xuyên tạc mối quan hệ đó, cho rằng bạn kết thân chỉ nhằm mục đích vụ lợi thì sao? Bạn có cảm thấy bị tổn thương, thậm chí phẫn nộ không? Đó chính là điều Sa-tan Ma-quỉ đã buộc tội tất cả những người có mối quan hệ mật thiết với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Hãy suy nghĩ về ý nghĩa của thắng lợi Sa-tan giành được khi xui giục tổ tiên của loài người, A-đam và Ê-va, vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời và theo phe hắn trong cuộc phản nghịch. Phải chăng điều đó có nghĩa loài người chỉ vâng lời Đức Chúa Trời khi có lợi cho mình? (Sáng-thế Ký 3:1-6) Khoảng 2.500 năm sau khi A-đam phản nghịch, một lần nữa, câu hỏi này lại được Sa-tan nêu ra, nhưng lần này liên quan đến một người đàn ông tên Gióp. Vì trong lời buộc tội Gióp, Sa-tan đã nêu rõ vấn đề, vậy chúng ta hãy xem xét kỹ lời tường thuật trong Kinh Thánh.
“Không bao giờ tôi từ bỏ sự vẹn toàn”
Gióp là người “trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác”. Tuy nhiên, Sa-tan đã bôi đen sự ngay thẳng của Gióp. Hắn nêu nghi vấn với Đức Giê-hô-va: “Gióp há kính-sợ Đức Chúa Trời luống-công sao?” Sau đó, hắn nói xấu cả Đức Chúa Trời lẫn Gióp bằng cách đổ tội Đức Chúa Trời che chở và ban phước cho Gióp để mua chuộc lòng trung thành của ông. Sa-tan thách thức: “Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt”.—Gióp 1:8-11.
Để trả lời thách thức này, Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan thử thách Gióp. Trong nỗ lực khiến Gióp từ bỏ việc thờ phượng Đức Chúa Trời, Ma-quỉ đã giáng xuống đầu người trung thành ấy hết tai họa này đến tai họa khác. Hắn làm cho tất cả gia súc của Gióp bị cướp hoặc bị giết, tôi tớ và các con ông cũng chết. (Gióp 1:12-19) Vậy, Sa-tan có thành công không? Hoàn toàn không! Dù không biết Ma-quỉ là kẻ gây ra tai họa cho ông, Gióp nói: “Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va!”—Gióp 1:21.
Sau đó, Sa-tan đến ra mắt Đức Giê-hô-va, Ngài phán với hắn rằng: “[Gióp] bền-đỗ trong sự hoàn-toàn mình, mặc dầu ngươi có giục ta phá-hủy người vô-cớ”. (Gióp 2:1-3) Như vậy, vấn đề trọng yếu ở đây là lòng trung kiên của Gióp—tính nhất quyết trung thành với Đức Chúa Trời và theo sát những nguyên tắc công bình. Trong cuộc thử thách về lòng trung kiên, Gióp đã chiến thắng. Tuy nhiên, Sa-tan vẫn chưa bỏ cuộc.
Lời thách thức sau của Sa-tan quyết đoán một điều ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Hắn nói: “Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình. Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt”. (Gióp 2:4, 5) Bằng cách dùng từ ngữ chung chung “một người”, thay vì tên của Gióp, Ma-quỉ đã đặt nghi vấn về lòng trung kiên của mọi người. Thật ra, hắn quả quyết: ‘Con người sẽ làm mọi cách để giữ mạng sống mình. Hãy cho tôi cơ hội, tôi có thể khiến mọi người lìa bỏ Đức Chúa Trời’. Sẽ không có người nào luôn giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời bất kể hoàn cảnh sao?
Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan hành hạ Gióp bằng một bệnh ung độc. Ông đau đớn đến mức xin được chết. (Gióp 2:7; 14:13) Dù vậy, Gióp vẫn nói: “Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, không bao giờ tôi từ bỏ sự vẹn toàn của tôi”. (Gióp 27:5, Tòa Tổng Giám Mục) Gióp nói như vậy vì ông yêu mến Đức Chúa Trời, và không gì có thể thay đổi điều đó. Gióp đã chứng tỏ ông là người vẹn toàn, hay trung kiên. Kinh Thánh cho biết: “Như vậy, Đức Giê-hô-va ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang-thì”. (Gióp 42:10-17) Có những người khác giống như Gióp không? Thời gian trôi qua đã cho thấy gì?
Trả lời thách thức
Nơi chương 11 của sách Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh, sứ đồ Phao-lô nêu tên của nhiều người đàn ông và đàn bà trung thành, như Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra và Môi-se, là những người sống trước thời Đấng Christ. Tiếp đến, sứ đồ nói: “Nếu ta muốn nói về [những người khác nữa], thì không đủ thì-giờ”. (Hê-bơ-rơ 11:32) Những tôi tớ trung thành với Đức Chúa Trời nhiều vô kể đến nỗi Phao-lô ví họ như “đám mây rất lớn” che phủ bầu trời. (Hê-bơ-rơ 12:1) Đúng vậy, trải qua nhiều thế kỷ, vô số người đã dùng quyền tự do ý chí của họ để chọn trung thành với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Giô-suê 24:15.
Tuy nhiên, về việc Sa-tan cho rằng hắn có thể khiến loài người lìa bỏ Đức Giê-hô-va thì Con của Ngài, Chúa Giê-su Christ, đã đưa ra lời giải đáp tối ưu. Ngay cả sự đau đớn cùng cực của cái chết trên cây khổ hình cũng không phá hủy được lòng trung kiên của ngài với Đức Chúa Trời. Khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giê-su kêu lớn: “Hỡi Cha, tôi giao linh-hồn lại trong tay Cha!”—Lu-ca 23:46.
Thời gian qua đã cho thấy rõ Ma-quỉ không thể khiến mọi người từ bỏ việc phụng sự Đức Chúa Trời thật. Vô số người đã học biết về Đức Giê-hô-va và ‘hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Ngài’. (Ma-thi-ơ 22:37) Lòng trung thành không lay chuyển của họ đối với Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ Sa-tan sai lầm khi đặt nghi vấn về lòng trung kiên của con người. Bạn cũng có thể chứng minh như thế bằng cách giữ vẹn lòng trung kiên của mình.
Bạn phải làm gì?
Ý muốn của Đức Chúa Trời là “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:4) Bạn có thể làm điều đó bằng cách nào? Hãy dành thời gian tìm hiểu Kinh Thánh và học ‘biết về Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến’.—Giăng 17:3.
Sa-tan thách thức lòng trung kiên của con người bằng cách nêu nghi vấn về động lực khiến họ phụng sự Đức Chúa Trời. Để sự hiểu biết ảnh hưởng đến động lực, trước hết nó phải động đến lòng của bạn. Muốn điều này xảy ra, ngoài việc thu thập thông tin trong Kinh Thánh bạn cần làm nhiều hơn thế nữa. Hãy vun trồng thói quen suy ngẫm những gì bạn học được. (Thi-thiên 143:5) Khi đọc Kinh Thánh hoặc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, hãy dành thời gian suy nghĩ về những câu hỏi như: ‘Điều này cho tôi biết gì về Đức Giê-hô-va? Những đức tính nào của Ngài được thể hiện ở đây? Tôi cần áp dụng điều này trong những khía cạnh nào của đời sống? Đức Chúa Trời chấp nhận điều gì hoặc Ngài lên án điều gì? Điều đó ảnh hưởng thế nào đến cảm nghĩ của tôi về Đức Chúa Trời?’ Những điều suy ngẫm ấy sẽ làm cho lòng bạn tràn đầy tình yêu và lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hóa.
Lòng trung kiên với Đức Chúa Trời không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tôn giáo. (1 Các Vua 9:4) Đức tính này đòi hỏi phải trọn vẹn về mặt đạo đức trong mọi khía cạnh của đời sống. Tuy nhiên, bạn không mất mát gì khi giữ lòng trung kiên. Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước” và Ngài muốn bạn vui hưởng cuộc sống. (1 Ti-mô-thê 1:11) Giờ đây hãy xem xét một số thực hành bạn cần tránh nhằm giữ sự trong sạch về mặt đạo đức, và nhờ thế hưởng một cuộc sống hạnh phúc và được Đức Chúa Trời chấp nhận.
Tránh tình dục bất chính
Qua Kinh Thánh, Lời Ngài, Đức Giê-hô-va đặt tiêu chuẩn cho hôn nhân. Kinh Thánh nói: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một”. (Sáng-thế Ký 2:21-24) Vì hai vợ chồng trở nên “một”, họ tôn trọng sự sắp đặt hôn nhân của Đức Chúa Trời nếu chỉ dành mối quan hệ mật thiết cho nhau. Sứ đồ Phao-lô nói: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn khuê-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình”. (Hê-bơ-rơ 13:4) Từ “khuê-phòng” chỉ mối quan hệ tính dục giữa người nam và người nữ trong hôn nhân hợp pháp. Người nào có quan hệ tính dục với người khác, không phải vợ hoặc chồng mình, là phạm tội ngoại tình và chịu sự đoán xét của Đức Chúa Trời.—Ma-la-chi 3:5.
Nói gì về quan hệ tính dục trước hôn nhân? Điều đó cũng đi ngược những tiêu chuẩn đạo đức do Đức Giê-hô-va đặt ra. Kinh Thánh nói: “Ý-muốn Đức Chúa Trời, ấy là anh em... phải lánh sự ô-uế [“gian dâm”, BDY]”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3) Đồng tính luyến ái, loạn luân, hành dâm với thú vật cũng là tội lỗi nghịch cùng Đức Chúa Trời. (Lê-vi Ký 18:6, 23; Rô-ma 1:26, 27) Người nào muốn đẹp lòng Đức Giê-hô-va và hưởng đời sống hạnh phúc thật thì phải tránh xa những thực hành vô luân này.
Nói gì về việc một người chưa kết hôn nhưng lại có hành vi gợi ham muốn tình dục? Điều này cũng không làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. (Ga-la-ti 5:19) Một người phải giữ tâm trí mình không bị vẩn đục bởi những tư tưởng ô uế. Chúa Giê-su phán: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”. (Ma-thi-ơ 5:28) Những lời này cũng áp dụng cho việc xem hình ảnh khiêu dâm trên tạp chí, phim ảnh, hoặc Internet, cũng như đọc các tài liệu khiêu dâm và nghe âm nhạc có những lời gợi ham muốn nhục dục. Khi tránh xa những tài liệu ô uế như thế, chúng ta làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va và có một đời sống lành mạnh.
Nói gì về việc tán tỉnh? Theo một định nghĩa, tán tỉnh là có hành vi “ve vãn hoặc khơi gợi tình cảm” của người khác. Đối với người đã kết hôn, có thái độ như thế với người không phải vợ hoặc chồng của mình là đi ngược những tiêu chuẩn Kinh Thánh, và là dấu hiệu bất kính đối với Đức Giê-hô-va. (Ê-phê-sô 5:28-33) Còn đối với người độc thân, thật không thích đáng khi thể hiện tình cảm lãng mạn với người khác phái chỉ để đùa vui! Nếu người kia ngỡ tình cảm đó là thật thì sao? Hãy nghĩ đến sự tổn thương sâu sắc mà hành động ấy gây ra. Hành vi tán tỉnh có thể dẫn đến việc phạm tội ngoại tình hoặc tà dâm, đó cũng là điều đáng để suy nghĩ. Trái lại, việc cư xử đúng đắn với người khác phái nâng cao lòng tự trọng của một người.—1 Ti-mô-thê 5:1, 2.
Đẹp lòng Đức Chúa Trời trong những khía cạnh khác
Trong nhiều xứ, rượu là thức uống phổ biến. Vậy, uống rượu có gì sai không? Kinh Thánh không cấm việc dùng điều độ những thức uống có cồn, rượu vang hay bia. (Thi-thiên 104:15; 1 Ti-mô-thê 5:23) Tuy nhiên, uống rượu quá độ và say sưa là điều sai trước mắt Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 5:11-13) Chắc chắn bạn không muốn uống rượu quá độ đến mức làm hại sức khỏe và phá vỡ hạnh phúc gia đình.—Châm-ngôn 23:20, 21, 29-35.
Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chân-thật”. (Thi-thiên 31:5) Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối”. (Hê-bơ-rơ 6:18) Nếu muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận, bạn phải tránh nói dối. (Châm-ngôn 6:16-19; Cô-lô-se 3:9, 10) Kinh Thánh khuyên các tín đồ Đấng Christ: “Hãy nói thật với kẻ lân-cận mình”.—Ê-phê-sô 4:25.
Còn một vấn đề khác là việc cờ bạc. Dù được nhiều người ưa chuộng, cờ bạc là một hình thức tham lam vì muốn kiếm tiền qua sự mất mát của người khác. Đức Giê-hô-va không chấp nhận những người “tham lợi phi-nghĩa”. (1 Ti-mô-thê 3:8) Vậy, nếu muốn làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, bạn phải tránh mọi hình thức cờ bạc, kể cả việc chơi xổ số và cá cược. Khi làm thế, bạn sẽ thấy mình có nhiều tiền hơn để chi tiêu cho nhu cầu của gia đình.
Trộm cắp là lấy một vật không thuộc về mình, đó cũng là một hình thức tham lam. Kinh Thánh nói: “Ngươi chớ trộm-cướp”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15) Mua đồ ăn cắp hoặc lấy vật gì của người khác khi chưa xin phép cũng là điều sai. Kinh Thánh cho biết: “Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa; nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương-thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu-thốn thì hơn”. (Ê-phê-sô 4:28) Thay vì ăn cắp thời giờ của chủ, những người yêu mến Đức Giê-hô-va làm việc chăm chỉ. Họ “muốn ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”. (Hê-bơ-rơ 13:18) Lương tâm trong sạch chắc chắn sẽ giúp một người có bình an nội tâm.
Đức Chúa Trời nghĩ thế nào về người có tính hung hăng nóng nảy? Kinh Thánh cảnh báo: “Chớ làm bạn với người hay giận; chớ giao tế cùng kẻ cường-bạo”. (Châm-ngôn 22:24) Cơn giận không kiểm soát được thường dẫn đến những hành vi bạo lực. (Sáng-thế Ký 4:5-8) Nói về việc trả thù, Kinh Thánh viết: “Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người. Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”. (Rô-ma 12:17-19) Khi làm theo lời khuyên ấy, đời sống chúng ta sẽ bình an hơn—và điều đó góp phần vào niềm hạnh phúc của chúng ta.
Bạn có thể làm được
Bạn có thể giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời bất kể những áp lực buộc chúng ta chọn lối sống khác không? Vâng, bạn có thể làm được. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời muốn bạn thành công trong việc chứng tỏ Sa-tan đã buộc tội sai khi đặt nghi vấn về lòng trung kiên của con người. Kinh Thánh nói: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”.—Châm-ngôn 27:11.
Bạn có thể cầu xin Đức Giê-hô-va thêm sức để làm điều phải theo quan điểm của Ngài. (Phi-líp 4:6, 7, 13) Vậy, hãy quyết tâm gia tăng sự hiểu biết của bạn về Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh. Suy ngẫm với lòng biết ơn về những gì học được từ Kinh Thánh sẽ giúp bạn yêu thương Đức Chúa Trời sâu đậm, và thôi thúc bạn muốn làm đẹp lòng Ngài. Nơi 1 Giăng 5:3, Kinh Thánh nói: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. Nhân Chứng Giê-hô-va trong cộng đồng sẽ vui mừng giúp bạn tìm hiểu Kinh Thánh. Chúng tôi nhiệt thành mời bạn hãy liên lạc với họ. Hoặc bạn có thể viết thư cho nhà xuất bản tạp chí này.
[Hình nơi trang 4]
Gióp giữ vững lòng trung thành trước thử thách
[Hình nơi trang 7]
Gia tăng sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời sẽ giúp bạn càng quyết tâm làm điều phải