Tin cậy nơi lời Đức Giê-hô-va
“Tôi tin-cậy nơi lời Chúa”.—THI-THIÊN 119:42.
1. Bạn có thể nói ai đã viết bài Thi-thiên 119 và người đó có tâm thần như thế nào?
SOẠN GIẢ bài Thi-thiên 119 rất quý trọng lời Đức Giê-hô-va. Ông có lẽ là Hoàng Tử Ê-xê-chia của xứ Giu-đa. Tình cảm bày tỏ trong bài thơ ca được soi dẫn này phù hợp với tâm thần của Ê-xê-chia, người chứng tỏ “tríu-mến Đức Giê-hô-va, không xây-bỏ Ngài” khi làm vua Giu-đa. (2 Các Vua 18:3-7) Một điều chắc chắn là: Soạn giả bài Thi-thiên này có ý thức về nhu cầu thiêng liêng.—Ma-thi-ơ 5:3, NW.
2. Chủ đề của Thi-thiên 119 là gì, và bài thơ ca này được soạn như thế nào?
2 Điểm chính của bài Thi-thiên 119 nói về giá trị của lời hay thông điệp của Đức Chúa Trời.a Có lẽ nhằm giúp người đọc dễ nhớ, bài thơ 176 câu này được soạn theo thứ tự chữ cái tiếng Hê-bơ-rơ. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, bài này có 22 khổ, mỗi khổ có 8 câu đều bắt đầu với cùng một chữ cái. Bài Thi-thiên này nói đến luật pháp, chứng cớ (lời nhắc nhở), đường lối, giềng mối (huấn lệnh), luật lệ, điều răn, mạng lịnh và lời của Đức Chúa Trời. Trong bài này và bài kế tiếp, chúng ta sẽ thảo luận Thi-thiên 119 dựa theo cách dịch chính xác của phần Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Suy ngẫm về những kinh nghiệm liên quan đến các tôi tớ thời xưa và nay của Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn bài thơ ca này do Đức Chúa Trời soi dẫn và biết ơn nhiều hơn về Lời được viết ra của Ngài là Kinh Thánh.
Hạnh phúc nhờ vâng theo lời Đức Chúa Trời
3. Hãy giải thích ý nghĩa của từ “trọn vẹn” và cho thí dụ.
3 Hạnh phúc thật tùy thuộc vào việc chúng ta đi theo luật pháp Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 119:1-8) Nếu làm thế, chúng ta sẽ được Đức Giê-hô-va xem là “trọn-vẹn trong đường-lối mình”. (Thi-thiên 119:1) Trọn vẹn ở đây không có nghĩa là chúng ta hoàn hảo, nhưng có ý muốn nói là chúng ta cố gắng làm theo ý muốn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nô-ê “trong đời mình là một người... trọn-vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời”. Vị tộc trưởng trung thành đó cùng gia đình sống qua trận Nước Lụt vì ông đi theo đường lối mà Đức Giê-hô-va đã vạch ra. (Sáng-thế Ký 6:9; 1 Phi-e-rơ 3:20) Tương tự thế, chúng ta có sống qua sự kết liễu của thế gian này hay không là tùy thuộc vào việc mình ‘cẩn-thận giữ lấy các giềng-mối của Đức Chúa Trời’, tức là làm theo ý muốn Ngài.—Thi-thiên 119:4.
4. Hạnh phúc và sự thành công của chúng ta tùy thuộc điều gì?
4 Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ bỏ chúng ta nếu chúng ta ‘lấy lòng ngay-thẳng mà ngợi-khen Ngài và giữ các luật-lệ Ngài’. (Thi-thiên 119:7, 8) Đức Chúa Trời đã không bỏ người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên là Giô-suê, người đã thực hành lời khuyên: “Quyển sách luật-pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn-thận làm theo mọi điều đã chép ở trong”. (Giô-suê 1:8) Điều đó đã giúp ông thành công và hành động khôn ngoan. (Giô-suê 1:8) Gần cuối đời, Giô-suê vẫn còn ngợi khen Đức Chúa Trời và có thể nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết”. (Giô-suê 23:14) Như trường hợp của Giô-suê và người viết Thi-thiên 119, chúng ta có thể tìm được hạnh phúc và sự thành công bằng cách ca ngợi Đức Giê-hô-va và tin cậy nơi lời Ngài.
Lời Đức Giê-hô-va giúp chúng ta giữ sự trong sạch
5. (a) Hãy cho thấy làm thế nào chúng ta giữ được sự trong sạch về thiêng liêng. (b) Có sự giúp đỡ nào cho một người trẻ phạm tội trọng?
5 Chúng ta có thể trong sạch về thiêng liêng nếu cẩn thận làm theo lời Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 119:9-16) Đúng là vậy, ngay cả trong trường hợp cha mẹ chúng ta không làm gương tốt. Mặc dù cha là người thờ hình tượng, Ê-xê-chia ‘làm cho đường-lối mình được trong-sạch’, có thể nhằm gột rửa ảnh hưởng của ngoại giáo. Giả sử một người trẻ phụng sự Đức Chúa Trời ngày nay phạm phải tội trọng. Việc ăn năn, cầu nguyện, sự nâng đỡ của cha mẹ, và sự giúp đỡ ân cần của các trưởng lão có thể giúp người đó noi gương Ê-xê-chia và ‘làm cho đường-lối mình được trong sạch và cẩn-thận theo lời Chúa’.—Gia-cơ 5:13-15.
6. Những phụ nữ nào đã ‘làm cho đường-lối mình được trong-sạch và cẩn-thận theo lời Chúa’?
6 Mặc dù đã sống nhiều thế kỷ trước khi bài Thi-thiên 119 được viết, Ra-háp và Ru-tơ ‘làm cho đường-lối mình được trong-sạch’. Ra-háp là một kỹ nữ Ca-na-an, nhưng sau này bà được biết đến là người có đức tin, thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Hê-bơ-rơ 11:30, 31) Ru-tơ người Mô-áp đã từ bỏ các thần của bà để phụng sự Đức Giê-hô-va và sống theo Luật Pháp mà Ngài ban cho dân Y-sơ-ra-ên. (Ru-tơ 1:14-17; 4:9-13) Cả hai phụ nữ này không phải là dân Y-sơ-ra-ên nhưng đã “cẩn-thận theo lời Chúa” và được đặc ân tuyệt vời là trở thành tổ mẫu của Chúa Giê-su Christ.—Ma-thi-ơ 1:1, 4-6.
7. Đa-ni-ên và ba người trẻ Hê-bơ-rơ khác đã nêu gương xuất sắc nào trong việc giữ sự trong sạch về thiêng liêng?
7 “Tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ”, nhưng người trẻ có thể theo đường lối trong sạch ngay cả trong thế gian bại hoại dưới sự kiểm soát của Sa-tan. (Sáng-thế Ký 8:21; 1 Giăng 5:19) Dù bị lưu đày ở Ba-by-lôn, Đa-ni-ên và ba người trẻ Hê-bơ-rơ khác vẫn “cẩn-thận theo lời Chúa”. Chẳng hạn, họ không chịu ô uế “bởi đồ ngon vua ăn”. (Đa-ni-ên 1:6-10) Người Ba-by-lôn ăn những loài vật không sạch mà Luật Pháp Môi-se nghiêm cấm. (Lê-vi Ký 11:1-31; 20:24-26) Khi làm thịt con vật, họ thường không đổ huyết ra, và việc ăn thịt chưa lấy huyết là trái luật pháp của Đức Chúa Trời về máu. (Sáng-thế Ký 9:3, 4) Thảo nào bốn người trẻ Hê-bơ-rơ không chịu ăn những đồ ngon của vua! Những người trẻ tin kính ấy giữ được sự trong sạch về thiêng liêng và vì thế nêu một gương xuất sắc.
Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta trung thành
8. Chúng ta cần có thái độ và sự hiểu biết nào để lĩnh hội và áp dụng luật pháp của Đức Chúa Trời?
8 Ưa thích lời Đức Chúa Trời là yếu tố quan trọng giúp chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 119:17-24) Nếu giống như người viết bài thơ ca được soi dẫn này, chúng ta sẽ khao khát hiểu được “sự lạ-lùng” trong luật pháp Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ luôn “mong-ước các mạng-lịnh Chúa” và xem “các chứng-cớ Chúa là sự hỉ-lạc”. (Thi-thiên 119:18, 20, 24) Nếu mới dâng mình phụng sự Đức Giê-hô-va trong thời gian gần đây, chúng ta đã bắt đầu “ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo [“Lời Chúa”, Tòa Tổng Giám Mục]” chưa? (1 Phi-e-rơ 2:1, 2) Chúng ta cần hiểu những dạy dỗ cơ bản của Kinh Thánh để có thể lĩnh hội và áp dụng luật pháp của Đức Chúa Trời.
9. Chúng ta nên phản ứng thế nào khi những đòi hỏi của con người trái ngược với luật pháp Đức Chúa Trời?
9 Có thể chúng ta ưa thích lời nhắc nhở của Đức Chúa Trời, nhưng nói sao nếu vì lý do nào đó “vua-chúa” nghị luận nghịch chúng ta? (Thi-thiên 119:23, 24) Ngày nay, những người có quyền hành thường tìm cách bắt chúng ta đặt luật pháp loài người lên trên luật pháp Đức Chúa Trời. Khi những đòi hỏi của con người trái ngược với ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ làm gì? Lòng ưa thích đối với lời Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va. Giống như các sứ đồ từng bị bắt bớ, chúng ta sẽ nói: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.—Công-vụ 5:29.
10, 11. Hãy nêu thí dụ cho thấy làm thế nào chúng ta có thể giữ vững lòng trung kiên đối với Đức Giê-hô-va trong những hoàn cảnh gay go nhất.
10 Chúng ta có thể trung thành với Đức Giê-hô-va ngay cả trong những hoàn cảnh gay go nhất. (Thi-thiên 119:25-32) Nếu muốn giữ vững lòng trung kiên với Đức Chúa Trời, chúng ta phải sẵn sàng tiếp nhận lời dạy bảo và thiết tha cầu xin sự chỉ dạy của Ngài. Chúng ta cũng phải chọn “con đường thành-tín”.—Thi-thiên 119:26, 30.
11 Ê-xê-chia có lẽ là người đã viết bài Thi-thiên 119, đã chọn “con đường thành-tín”. Ông theo đường lối này dù chung quanh có đầy những người thờ phượng giả dối và ông có thể đã bị người trong triều đình chế giễu. Rất có thể trong hoàn cảnh đó, ‘linh-hồn ông, ưu-sầu, chảy tuôn giọt-lệ’. (Thi-thiên 119:28) Thế nhưng Ê-xê-chia tin cậy Đức Chúa Trời, ông là vị vua đức độ, “làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va”. (2 Các Vua 18:1-5) Khi tin cậy Đức Chúa Trời, chúng ta cũng có thể chịu đựng gian nan và giữ vững lòng trung kiên.—Gia-cơ 1:5-8.
Lời Đức Giê-hô-va truyền cho chúng ta sự can đảm
12. Cá nhân chúng ta có thể áp dụng Thi-thiên 119:36, 37 như thế nào?
12 Khi làm theo sự hướng dẫn của lời Đức Chúa Trời, chúng ta có được sự can đảm cần yếu để đối phó với gian nan thử thách trong đời sống. (Thi-thiên 119:33-40) Chúng ta khiêm nhường tìm kiếm lời chỉ dạy của Đức Giê-hô-va để có thể “hết lòng” gìn giữ luật pháp Ngài . (Thi-thiên 119:33, 34) Như người viết bài Thi-thiên này, chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời: “Xin hãy khiến lòng tôi hướng về chứng-cớ Chúa, chớ đừng hướng về sự tham-lam”, hoặc “lợi lộc tiền tài”. (Thi-thiên 119:36; TTGM) Như sứ đồ Phao-lô, chúng ta “ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”. (Hê-bơ-rơ 13:18) Nếu chủ bảo chúng ta làm điều gì bất lương, chúng ta phải thu hết can đảm để trung thành với chỉ thị của Đức Chúa Trời—và Đức Giê-hô-va luôn luôn ban phước cho đường lối đó. Thật vậy, Ngài giúp chúng ta kiềm chế mọi khuynh hướng xấu. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện: “Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư-không”. (Thi-thiên 119:37) Chúng ta chớ bao giờ để tâm thèm muốn bất cứ vật hư không nào mà Đức Chúa Trời gớm ghét. (Thi-thiên 97:10) Ngoài những lợi ích khác, lời cầu nguyện này cũng giúp chúng ta tránh tài liệu khiêu dâm và những thực hành ma thuật.—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; Khải-huyền 21:8.
13. Làm thế nào khi bị bắt bớ các môn đồ của Chúa Giê-su có được sự can đảm để dạn dĩ làm chứng?
13 Sự hiểu biết chính xác về lời Đức Chúa Trời sẽ cho chúng ta lòng tự tin để can đảm làm chứng. (Thi-thiên 119:41-48) Và chúng ta rất cần sự can đảm để ‘đáp lại cùng kẻ làm sỉ-nhục chúng ta’. (Thi-thiên 119:42) Đôi khi chúng ta giống như các môn đồ của Chúa Giê-su bị bắt bớ, họ đã cầu nguyện: “Xin Chúa... ban cho các đầy-tớ Ngài rao-giảng đạo [“lời”, TTGM] Ngài một cách dạn-dĩ”. Kết quả là gì? “Ai nấy đều được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ”. Chúa Tối Thượng cũng ban cho chúng ta sự can đảm để giảng lời Ngài cách dạn dĩ.—Công-vụ 4:24-31.
14. Điều gì giúp chúng ta can đảm làm chứng giống như Phao-lô?
14 Chúng ta sẽ có được sự can đảm cần thiết để làm chứng mà không sợ hổ thẹn nếu chúng ta quý trọng “lời chân thật” và “hằng gìn-giữ luật-pháp Chúa”. (Thi-thiên 119:43, 44) Chăm chỉ học hỏi Lời được viết ra của Đức Chúa Trời giúp chúng ta có khả năng “nói về chứng-cớ Chúa trước mặt các vua”. (Thi-thiên 119:46) Lời cầu nguyện và thánh linh Đức Giê-hô-va cũng sẽ giúp chúng ta biết cách nói những điều đúng. (Ma-thi-ơ 10:16-20; Cô-lô-se 4:6) Phao-lô can đảm nói về chứng cớ, tức những lời nhắc nhở, của Đức Chúa Trời với các nhà cai trị vào thế kỷ thứ nhất. Chẳng hạn, khi Phao-lô làm chứng cho Quan Tổng Đốc La Mã Phê-lít, ông quan này đã “nghe người nói về đức-tin trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Công-vụ 24:24, 25) Phao-lô cũng làm chứng cho Quan Tổng Đốc Phê-tu và Vua Ạc-ríp-ba. (Công-vụ 25:22–26:32) Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có thể can đảm làm chứng, không bao giờ “hổ-thẹn về Tin-lành”.—Rô-ma 1:16.
Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta sự an ủi
15. Khi bị người ta nhạo báng, Lời Đức Chúa Trời mang lại sự an ủi cho chúng ta như thế nào?
15 Lời Đức Giê-hô-va là một nguồn an ủi chắc chắn. (Thi-thiên 119:49-56) Có những lúc chúng ta đặc biệt cần được an ủi. Mặc dù chúng ta can đảm rao giảng với tư cách Nhân Chứng Giê-hô-va, “kẻ kiêu-ngạo”—những kẻ hành động bất kính đối với Đức Chúa Trời—đôi khi ‘nhạo-báng chúng ta nhiều quá’. (Thi-thiên 119:51) Tuy nhiên, khi cầu nguyện chúng ta có thể nhớ lại những điều tích cực ghi trong Lời Đức Chúa Trời, và cảm thấy “được an-ủi”. (Thi-thiên 119:52) Trong lúc cầu khẩn, chúng ta có thể nhớ lại một luật lệ hoặc nguyên tắc Kinh Thánh cho chúng ta niềm an ủi và sự can đảm cần thiết trong tình huống đầy căng thẳng.
16. Tôi tớ Đức Chúa Trời đã không làm gì dù bị ngược đãi?
16 Kẻ kiêu ngạo nhạo báng soạn giả bài Thi-thiên này là những người Y-sơ-ra-ên—các thành viên của một dân tộc đã dâng mình cho Đức Chúa Trời. Thật là một nỗi ô nhục! Tuy nhiên, khác với họ, chúng ta hãy cương quyết không bao giờ lìa xa luật pháp Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 119:51) Trước sự bắt bớ của Quốc Xã và những ngược đãi tương tự như thế qua nhiều năm, hàng ngàn tôi tớ Đức Chúa Trời đã nhất định không lìa bỏ luật pháp và nguyên tắc ghi trong Lời Ngài. (Giăng 15:18-21) Vâng lời Đức Giê-hô-va không phải là gánh nặng vì các luật lệ Ngài có tác dụng như những bài hát êm dịu đối với chúng ta.—Thi-thiên 119:54; 1 Giăng 5:3.
Hãy biết ơn về lời Đức Giê-hô-va
17. Lòng quý trọng đối với lời Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta làm gì?
17 Chúng ta chứng tỏ mình biết ơn về lời Đức Chúa Trời bằng cách sống theo lời đó. (Thi-thiên 119:57-64) Soạn giả bài Thi-thiên này “đã nói sẽ gìn-giữ lời Chúa”, ngay cả ‘thức-dậy giữa đêm đặng cảm-tạ Chúa về các mạng-lịnh công-bình của Chúa’. Nếu thức giấc vào ban đêm, chúng ta thật có một cơ hội tốt để bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện. (Thi-thiên 119:57, 62) Lòng quý trọng đối với lời Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta tìm kiếm sự dạy dỗ của Ngài và khiến chúng ta trở nên “bạn-hữu của mọi người kính-sợ Chúa”. (Thi-thiên 119:63, 64) Chúng ta có thể tìm đâu ra những người bạn tốt hơn thế?
18. Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào khi ‘dây kẻ ác vương-vấn chúng ta’?
18 Khi hết lòng và khiêm nhường cầu xin Đức Giê-hô-va dạy dỗ, chúng ta đang “cầu-khẩn ơn Chúa” mong được Ngài thương xót. Chúng ta đặc biệt cần cầu nguyện khi ‘dây kẻ ác vương-vấn chúng ta’. (Thi-thiên 119:58, 61) Đức Giê-hô-va có thể cắt đứt dây trói buộc của kẻ thù và giải thoát chúng ta để tiếp tục công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Điều này đã xảy ra nhiều lần ở các xứ mà công việc chúng ta bị cấm đoán.
Đặt đức tin nơi lời Đức Chúa Trời
19, 20. Tại sao hoạn nạn lại là điều hữu ích?
19 Đức tin nơi Đức Chúa Trời và lời Ngài giúp chúng ta chịu đựng hoạn nạn và tiếp tục thi hành ý muốn Ngài. (Thi-thiên 119:65-72) Mặc dù bị kẻ kiêu ngạo “đặt lời nói dối hại”, soạn giả vẫn hát: “Tôi đã bị hoạn-nạn thật lấy làm phải” hoặc theo bản Tòa Tổng Giám Mục: “Đau khổ quả là điều hữu ích”. (Thi-thiên 119:66, 69, 71) Làm sao lại là hữu ích khi một tôi tớ Đức Giê-hô-va bị hoạn nạn?
20 Khi bị hoạn nạn, hẳn chúng ta tha thiết cầu khẩn Đức Giê-hô-va, và điều đó khiến chúng ta gần gũi Ngài hơn. Có lẽ chúng ta dành nhiều thời giờ hơn để học hỏi Lời được viết ra của Đức Chúa Trời và cố gắng nhiều hơn để áp dụng. Nhờ vậy cuộc sống chúng ta hạnh phúc hơn. Nhưng nếu cách chúng ta phản ứng khi bị hoạn nạn bộc lộ những nét tính không tốt như thiếu nhẫn nhục và tự phụ thì sao? Bằng việc tha thiết cầu nguyện cùng sự giúp đỡ của Lời Đức Chúa Trời và thánh linh Ngài, chúng ta có thể khắc phục những khuyết điểm đó và càng ngày càng “mặc lấy người mới”. (Cô-lô-se 3:9-14) Thêm vào đó, khi chịu đựng nghịch cảnh, đức tin chúng ta được củng cố. (1 Phi-e-rơ 1:6, 7) Phao-lô được lợi ích qua sự gian nan vì bởi đó ông nương cậy nơi Đức Giê-hô-va nhiều hơn. (2 Cô-rinh-tô 1:8-10) Chúng ta có để cho sự gian khổ mang lại lợi ích cho chúng ta không?
Luôn luôn tin cậy Đức Giê-hô-va
21. Điều gì xảy ra khi Đức Chúa Trời làm cho kẻ kiêu ngạo bị hổ thẹn?
21 Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta lý do chính đáng để tin cậy Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 119:73-80) Nếu thật sự tin cậy Đấng Tạo Hóa, chúng ta sẽ không có lý do gì phải hổ thẹn. Tuy nhiên, vì những gì người khác gây ra, chúng ta cần sự an ủi và có lẽ cảm thấy muốn cầu cho “kẻ kiêu-ngạo bị hổ-thẹn”. (Thi-thiên 119:76-78) Khi Đức Giê-hô-va làm cho những người đó bị hổ thẹn, thì điều này vạch trần đường lối gian ác của họ và làm thánh danh Ngài. Chúng ta có thể chắc chắn rằng kẻ ngược đãi dân Đức Chúa Trời thật ra không được lợi gì cả. Chẳng hạn, họ chưa bao giờ—và sẽ không bao giờ—diệt trừ được Nhân Chứng Giê-hô-va là những người hết lòng tin cậy Đức Chúa Trời.—Châm-ngôn 3:5, 6.
22. Soạn giả bài Thi-thiên cảm thấy “như bầu da bị khói đóng đen” theo nghĩa nào?
22 Khi chúng ta bị ngược đãi, lời Đức Chúa Trời củng cố lòng tin cậy của chúng ta nơi Ngài. (Thi-thiên 119:81-88) Vì bị kẻ kiêu ngạo bắt bớ, soạn giả cảm thấy “như bầu da bị khói đóng đen”. (Thi-thiên 119:83, 86) Trong thời Kinh Thánh, bầu làm bằng da thú vật được dùng để đựng nước, rượu và các chất lỏng khác. Lúc không dùng, những bầu này có thể co lại nếu treo gần lửa trong một phòng không có ống khói. Gian truân và sự ngược đãi có bao giờ làm bạn cảm thấy “như bầu da bị khói đóng đen” không? Nếu có thì hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và cầu nguyện: “Xin hãy làm cho tôi được sống, tùy theo sự nhân-từ Chúa, thì tôi sẽ gìn-giữ chứng-cớ của miệng Chúa”.—Thi-thiên 119:88.
23. Chúng ta đã xem xét điều gì khi ôn lại Thi-thiên 119:1-88, và nên tự hỏi điều gì khi chờ đợi học Thi-thiên 119:89-176?
23 Những gì chúng ta đã xem xét trong nửa phần đầu của bài Thi-thiên 119 cho thấy rằng Đức Giê-hô-va tỏ lòng yêu thương nhân từ đối với các tôi tớ Ngài vì họ tin cậy nơi lời Ngài và ưa thích các luật lệ, lời nhắc nhở, điều răn và luật pháp Ngài. (Thi-thiên 119:16, 47, 64, 70, 77, 88) Ngài hài lòng khi thấy những người đã hiến dâng đời sống mình cho Ngài luôn cẩn thận làm theo lời Ngài. (Thi-thiên 119:9, 17, 41, 42) Khi chờ đợi học hỏi phần còn lại của bài Thi-thiên thật hay này, bạn nên tự hỏi: ‘Tôi có thật sự để lời Đức Giê-hô-va chiếu sáng đường lối tôi không?’
[Chú thích]
a Ý được nói đến ở đây là thông điệp của Đức Giê-hô-va, chứ không nói đến toàn bộ nội dung của Kinh Thánh, tức Lời Đức Chúa Trời.
Bạn trả lời ra sao?
• Hạnh phúc thật tùy thuộc vào điều gì?
• Lời Đức Giê-hô-va giúp chúng ta giữ sự trong sạch về thiêng liêng như thế nào?
• Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta sự can đảm và an ủi qua những cách nào?
• Tại sao chúng ta nên đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va và lời Ngài?
[Các hình nơi trang 11]
Ru-tơ, Ra-háp và ba người trẻ Hê-bơ-rơ bị lưu đày ở Ba-by-lôn đã ‘cẩn-thận theo lời Chúa’
[Hình nơi trang 12]
Phao-lô can đảm ‘nói về chứng-cớ Chúa trước mặt các vua’