Đừng để tình yêu thương của anh chị nguội lạnh
“Vì sự gian ác gia tăng nên lòng yêu thương của đa số người ta sẽ nguội lạnh”.—MAT 24:12.
1, 2. (a) Ban đầu, những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 24:12 áp dụng cho ai? (b) Làm thế nào sách Công vụ cho thấy đa số tín đồ thời ban đầu luôn thể hiện tình yêu thương? (Xem hình nơi đầu bài).
Một đặc điểm của dấu hiệu mà Chúa Giê-su tiết lộ về “kỳ cuối cùng của thời đại này” là “lòng yêu thương của đa số người ta sẽ nguội lạnh” (Mat 24:3, 12). Người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, những người tự nhận mình là dân Đức Chúa Trời, đã để cho tình yêu thương với ngài nguội lạnh.
2 Trái lại, đa số môn đồ Chúa Giê-su vào lúc đó bận rộn “công bố tin mừng về Đấng Ki-tô” và thể hiện tình yêu thương với Đức Chúa Trời, với anh em đồng đạo và người không cùng đức tin (Công 2:44-47; 5:42). Dù vậy, một số môn đồ vào thế kỷ thứ nhất đã để cho tình yêu thương của mình nguội lạnh.
3. Có thể điều gì đã khiến tình yêu thương của một số tín đồ nguội lạnh?
3 Sau khi sống lại, Chúa Giê-su nói với các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất ở Ê-phê-sô: “Tôi trách anh về điểm này, đó là anh đã bỏ tình yêu thương từng có lúc ban đầu” (Khải 2:4). Có thể điều gì khiến họ trở nên như thế? Có lẽ các môn đồ ấy bị ảnh hưởng bởi thế gian thiên về xác thịt (Ê-phê 2:2, 3). Như nhiều thành phố ngày nay, thành Ê-phê-sô vào thế kỷ thứ nhất đầy dẫy sự đồi bại. Đó là một thành vô cùng thịnh vượng, nơi mà người ta chú trọng đến đời sống xa hoa, nhàn hạ và tiện nghi. Những lạc thú ích kỷ hẳn đã bóp nghẹt tình yêu thương bất vị kỷ. Hơn nữa, hành vi trâng tráo và sự gian dâm ghê tởm rất phổ biến.
4. (a) Ngày nay, tình yêu thương nguội lạnh như thế nào? (b) Ba lĩnh vực nào của tình yêu thương có thể bị thử thách?
4 Lời tiên tri của Chúa Giê-su về tình yêu thương nguội lạnh cũng nói đến thời chúng ta. Thời nay, người ta ngày càng mất đi tình yêu thương với Đức Chúa Trời. Hàng triệu người quay lưng với ngài và hướng đến các thể chế của con người để giải quyết các vấn đề của nhân loại. Vì thế, trong vòng những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va, tình yêu thương tiếp tục nguội lạnh. Tuy nhiên, tín đồ chân chính ngày nay cũng có thể trở nên tự mãn và để cho tình yêu thương của mình phai nhạt, như điều diễn ra trong hội thánh Ê-phê-sô vào thế kỷ thứ nhất. Giờ đây, chúng ta sẽ xem xét ba lĩnh vực của tình yêu thương có thể bị thử thách: (1) tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va, (2) lòng yêu mến đối với sự thật Kinh Thánh, và (3) tình yêu thương đối với anh em.
TÌNH YÊU THƯƠNG DÀNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
5. Tại sao chúng ta phải có tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời?
5 Trong cùng một ngày, trước khi Chúa Giê-su cảnh báo về việc mất tình yêu thương, ngài nhấn mạnh tình yêu thương nào là quan trọng nhất. Ngài nói: “‘Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí’. Đây là điều răn đầu tiên và quan trọng nhất” (Mat 22:37, 38). Thật vậy, tình yêu thương sâu đậm dành cho Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vâng theo điều răn của ngài, bền chí chịu đựng và ghét điều ác. (Đọc Thi-thiên 97:10). Tuy nhiên, Sa-tan và thế gian của hắn cố làm tình yêu thương chúng ta dành cho Đức Chúa Trời bị suy yếu.
6. Mất tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời dẫn đến hậu quả nào?
6 Thế gian xung quanh chúng ta có quan điểm lệch lạc về tình yêu thương. Thay vì yêu thương Đấng Tạo Hóa, người ta “yêu bản thân” (2 Ti 3:2). Dưới sự cai trị của Sa-tan, thế gian cổ vũ “sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của mắt và sự phô trương của cải” (1 Giăng 2:16). Sứ đồ Phao-lô cảnh báo anh em đồng đạo về việc chiều theo xác thịt khi nói: “Chú tâm đến xác thịt mang lại sự chết,... vì chú tâm đến xác thịt là thù nghịch với Đức Chúa Trời” (Rô 8:6, 7). Thật vậy, những người cả đời theo đuổi của cải vật chất hoặc thỏa mãn ham muốn nhục dục đã chuốc lấy sự thất vọng và đau đớn.—1 Cô 6:18; 1 Ti 6:9, 10.
7. Môn đồ Đấng Ki-tô ngày nay đối mặt với những mối nguy hiểm nào?
7 Tại một số nước, nhiều người theo thuyết vô thần, bất khả tri và tiến hóa đang cổ vũ các ý tưởng không chỉ làm xói mòn tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời, mà còn làm xói mòn niềm tin nơi ngài. Họ thuyết phục nhiều người tin rằng chỉ những ai nhẹ dạ hoặc kém thông minh mới tin có Đấng Tạo Hóa. Ngoài ra, việc tôn kính các nhà khoa học khiến nhiều người không còn quan tâm đến Đấng Tạo Hóa (Rô 1:25). Nếu để ý đến những sự dạy dỗ như thế, chúng ta có thể dần xa cách Đức Giê-hô-va, và tình yêu thương của chúng ta có thể nguội lạnh.—Hê 3:12.
8. (a) Nhiều người trong vòng dân Đức Giê-hô-va đối mặt với những hoàn cảnh nào gây nản lòng? (b) Bài Thi-thiên 136 đảm bảo với chúng ta điều gì?
8 Việc khuất phục trước sự nản lòng có thể làm đức tin chúng ta suy yếu và khiến tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời nguội lạnh. Trong thế gian gian ác do Sa-tan kiểm soát, tất cả chúng ta đôi lúc phải đối mặt với hoàn cảnh gây nản lòng (1 Giăng 5:19). Có lẽ chúng ta đang đương đầu với những vấn đề gây ra bởi tuổi già, sức khỏe kém hay áp lực kinh tế. Hoặc có thể chúng ta đang đấu tranh với cảm giác thiếu khả năng, mong ước không thành hay sự thất bại. Nhưng đừng bao giờ để cho những hoàn cảnh hay suy nghĩ đó khiến mình tin rằng Đức Giê-hô-va lìa bỏ mình. Thay vì thế, hãy suy ngẫm những lời an ủi về tình yêu thương không lay chuyển mà Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta. Những lời như thế được tìm thấy nơi Thi-thiên 136:23 (NW): “Ngài nhớ đến chúng ta trong cảnh thấp hèn, bởi lòng yêu thương thành tín ngài còn đến mãi mãi”. Thật vậy, tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va dành cho tôi tớ ngài trước sau như một. Vì thế, chúng ta có thể tin chắc rằng ngài nghe “lời nài-xin” của mình và nhậm lời.—Thi 116:1; 136:24-26.
9. Nhờ đâu Phao-lô có sức mạnh để giữ vững tình yêu thương với Đức Chúa Trời?
9 Như người viết Thi-thiên, Phao-lô được vững mạnh nhờ suy ngẫm về sự hỗ trợ không ngừng của Đức Giê-hô-va. Ông viết: “Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ không sợ. Loài người làm gì được tôi?” (Hê 13:6). Niềm tin chắc nơi sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va giúp Phao-lô đương đầu với các vấn đề trong đời sống. Ông không để hoàn cảnh bất lợi khiến mình nản lòng. Thật vậy, trong khi ở tù, Phao-lô viết một số lá thư khích lệ (Ê-phê 4:1; Phi-líp 1:7; Phi-lê 1). Ngay cả khi gặp thử thách cam go, Phao-lô vẫn giữ vững tình yêu thương với Đức Chúa Trời. Nhờ đâu ông có sức mạnh để làm thế? Ông luôn nương cậy nơi “Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi”, đấng “an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn” (2 Cô 1:3, 4). Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Phao-lô và giữ cho tình yêu thương của mình với Đức Giê-hô-va luôn mạnh mẽ?
10. Bằng cách nào chúng ta có thể giữ cho tình yêu thương của mình với Đức Giê-hô-va luôn mạnh mẽ?
10 Một cách chính yếu để giữ cho tình yêu thương của mình với Đức Giê-hô-va luôn mạnh mẽ được chính Phao-lô nói đến. Ông viết cho anh em đồng đạo: “Không ngừng cầu nguyện”. Sau này ông cũng viết: ‘Hãy kiên trì cầu nguyện’ (1 Tê 5:17; Rô 12:12). Liên lạc với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện là nền tảng của mối quan hệ gần gũi với ngài (Thi 86:3). Khi dành đủ thời gian để giãi bày những tư tưởng và cảm xúc thầm kín với Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta sẽ đến gần hơn với Cha trên trời, “Đấng nghe lời cầu-nguyện” (Thi 65:2). Ngoài ra, khi nhận thấy Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của chúng ta, tình yêu thương dành cho ngài gia tăng. Nhờ thế, chúng ta càng nhận ra rằng “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu-khẩn Ngài” (Thi 145:18). Tin chắc nơi sự hỗ trợ đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta đương đầu với những thử thách về đức tin.
LÒNG YÊU MẾN ĐỐI VỚI SỰ THẬT KINH THÁNH
11, 12. Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng lòng yêu mến sâu xa đối với sự thật Kinh Thánh?
11 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta quý trọng và đi theo sự thật. Lời Đức Chúa Trời là nguồn tối thượng của sự thật. Trong lời cầu nguyện với Cha, Chúa Giê-su nói: “Lời Cha là sự thật” (Giăng 17:17). Vì thế, lòng yêu mến đối với sự thật bắt đầu từ việc tiếp thu sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời (Cô 1:10). Nhưng chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ tiếp nhận kiến thức. Người viết bài Thi-thiên 119 giúp chúng ta hiểu yêu mến sự thật Kinh Thánh có nghĩa gì. (Đọc Thi-thiên 119:97-100). Chúng ta có dành thời gian trong ngày để suy ngẫm các câu Kinh Thánh không? Suy ngẫm về những lợi ích mình nhận được khi áp dụng sự thật Kinh Thánh vào đời sống sẽ giúp chúng ta càng quý trọng sự thật ấy.
12 Người viết Thi-thiên nói tiếp: “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!” (Thi 119:103). Tương tự, chúng ta có thể thưởng thức hương vị của thức ăn thiêng liêng dựa trên Kinh Thánh mà tổ chức cung cấp. Chúng ta có thể ngậm trong miệng theo nghĩa bóng để nhớ lại “những câu luận tốt-đẹp” của sự thật và dùng những câu ấy để giúp người khác.—Truyền 12:10.
13. Điều gì giúp Giê-rê-mi yêu mến sự thật Kinh Thánh, và lòng yêu mến đó tác động thế nào đến ông?
13 Nhà tiên tri Giê-rê-mi yêu mến sự thật Kinh Thánh. Hãy xem lời của Đức Chúa Trời tác động đến lòng ông như thế nào. Ông nói: “Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui-mừng hớn-hở của lòng tôi vậy. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn-quân, vì tôi được xưng bằng danh Ngài!” (Giê 15:16). Giê-rê-mi ăn và tiêu hóa lời quý báu của Đức Chúa Trời theo nghĩa là ông suy ngẫm những lời ấy. Qua cách đó, ông vun trồng lòng biết ơn chân thành về đặc ân được xưng bằng danh Đức Chúa Trời. Chúng ta được mang danh Đức Chúa Trời và rao truyền về Nước Trời trong thời kỳ sau cùng này. Lòng yêu mến đối với sự thật Kinh Thánh có thúc đẩy chúng ta nhìn nhận đó là đặc ân độc nhất vô nhị không?
14. Làm thế nào chúng ta có thể gia tăng lòng yêu mến đối với sự thật Kinh Thánh?
14 Ngoài việc đọc Kinh Thánh và ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, chúng ta có thể gia tăng lòng yêu mến đối với sự thật Kinh Thánh qua cách nào khác? Đó là tham dự nhóm họp đều đặn. Một trong những cách chính yếu mà chúng ta được dạy dỗ là học Kinh Thánh hằng tuần qua Tháp Canh. Để hiểu đề tài được xem xét, chúng ta cần chuẩn bị kỹ cho mỗi phần thảo luận Tháp Canh. Một cách để làm thế là tra cứu từng câu Kinh Thánh được viện dẫn. Hiện nay, chúng ta có thể tải tạp chí Tháp Canh từ trang web jw.org hoặc xem trên ứng dụng JW Library trong nhiều ngôn ngữ. Một số dạng điện tử cho phép chúng ta truy cập nhanh các câu Kinh Thánh viện dẫn trong bài học. Dù dùng cách nào, việc đọc kỹ và suy ngẫm các câu Kinh Thánh ấy sẽ giúp chúng ta gia tăng lòng yêu mến đối với sự thật Kinh Thánh.—Đọc Thi-thiên 1:2.
TÌNH YÊU THƯƠNG ĐỐI VỚI ANH EM
15, 16. (a) Theo Giăng 13:34, 35, chúng ta có bổn phận nào? (b) Tình yêu thương đối với anh em liên hệ thế nào đến tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và Kinh Thánh?
15 Trong đêm cuối cùng trên đất, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Tôi ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau; tôi đã yêu thương anh em thế nào, anh em cũng hãy yêu thương nhau thế ấy. Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em”.—Giăng 13:34, 35.
16 Tình yêu thương đối với anh em liên hệ đến tình yêu thương chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va. Thật vậy, không thể có điều này mà không có điều kia. Sứ đồ Giăng viết: “Ai chẳng yêu thương người anh em mình thấy được thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (1 Giăng 4:20). Hơn nữa, tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và anh em liên hệ đến lòng yêu mến đối với Kinh Thánh. Tại sao? Vì lòng yêu mến đối với sự thật Kinh Thánh thôi thúc chúng ta thành tâm vâng theo điều răn yêu thương Đức Chúa Trời và anh em.—1 Phi 1:22; 1 Giăng 4:21.
17. Chúng ta thể hiện tình yêu thương qua một số cách nào?
17 Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:9, 10. Chúng ta thể hiện tình yêu thương trong hội thánh qua một số cách thực tế nào? Một anh chị lớn tuổi có thể cần được đưa đón đi nhóm họp. Có thể một góa phụ cần sửa giúp vài thứ trong nhà (Gia 1:27). Dù già hay trẻ, các anh chị nản lòng, trầm cảm hoặc đương đầu với thử thách khác rất cần chúng ta quan tâm, khích lệ và an ủi (Châm 12:25; Cô 4:11). Chúng ta cho thấy mình thật sự yêu thương “anh em đồng đức tin” qua lời nói và hành động thể hiện lòng quan tâm sâu xa.—Ga 6:10.
18. Điều gì sẽ giúp chúng ta giải quyết mâu thuẫn với anh em đồng đạo?
18 Kinh Thánh báo trước rằng “những ngày sau cùng” của thế gian gian ác này sẽ được đánh dấu bằng tinh thần ích kỷ và tham lam (2 Ti 3:1, 2). Vì thế, là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta phải nỗ lực để gia tăng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, sự thật Kinh Thánh và anh em. Đành rằng đôi lúc chúng ta có bất đồng nhỏ với anh em đồng đạo. Nhưng khi tình yêu thương thôi thúc chúng ta giải quyết bất cứ mâu thuẫn nào một cách yêu thương thì đó quả là ân phước cho cả hội thánh! (Ê-phê 4:32; Cô 3:14). Vậy, mong sao chúng ta không bao giờ để cho tình yêu thương của mình nguội lạnh! Thay vì thế, hãy tiếp tục có tình yêu thương sâu xa đối với Đức Giê-hô-va, Lời ngài và anh em.