Gia Đình Đức Giê-hô-va có được sự hợp nhất quí báu
“Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!” (THI-THIÊN 133:1).
1. Nhiều gia đình ngày nay đang ở trong tình trạng nào?
GIA ĐÌNH đang gặp khủng hoảng ngày nay. Trong nhiều gia đình mối liên hệ hôn nhân đang đến chỗ tan vỡ. Nạn ly dị ngày càng thông thường, và nhiều đứa con của các cặp ly dị cảm thấy rất là buồn rầu. Hàng triệu gia đình không được hạnh phúc và bị chia rẽ. Tuy nhiên, có một gia đình biết được thế nào là sự vui vẻ thật sự và sự hợp nhất đích thật. Đó là gia đình hoàn vũ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Trong đại gia đình này, hàng trăm triệu thiên sứ vô hình thi hành phận sự phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời (Thi-thiên 103:20, 21). Nhưng có một gia đình nào trên đất hưởng được sự hợp nhất đó không?
2, 3. a) Gia đình hoàn vũ của Đức Chúa Trời nay gồm có ai, và chúng ta có thể ví tất cả các Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay với gì? b) Chúng ta sẽ thảo luận các câu hỏi nào?
2 Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi quì gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà [gia đình, NW] trên trời và dưới đất đều được đặt tên” (Ê-phê-sô 3:14, 15). Mỗi giòng họ trên đất được Đức Chúa Trời đặt tên bởi vì ngài là Đấng Tạo hóa. Dù không có gia đình loài người ở trên trời, nhưng theo nghĩa bóng thì Đức Chúa Trời có vợ là tổ chức trên trời của Ngài, và Giê-su sẽ có một người vợ hòa hợp với ngài ở trên trời (Ê-sai 54:5; Lu-ca 20:34, 35; I Cô-rinh-tô 15:50; II Cô-rinh-tô 11:2). Những người xức dầu trung thành ở trên đất nay thuộc về gia đình hoàn vũ của Đức Chúa Trời, và các “chiên khác” của Giê-su với hy vọng sống trên đất, là những thành viên tương lai của gia đình đó (Giăng 10:16; Rô-ma 8:14-17; Tháp Canh, ngày 15-1-1996, trang 31). Tuy nhiên, tất cả các Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay có thể được ví như một gia đình hợp nhất khắp thế giới.
3 Bạn có thuộc về gia đình quốc tế tuyệt vời gồm có các tôi tớ của Đức Chúa Trời không? Nếu có, bạn hưởng được một trong những ân phước lớn nhất mà một người có thể có. Hàng triệu người chứng nhận rằng gia đình hoàn cầu của Đức Giê-hô-va, tức tổ chức hữu hình của ngài, là một ốc đảo thanh bình và hợp nhất giữa một sa mạc đầy loạn lạc và chia rẽ của thế gian. Ta có thể miêu tả gia đình của Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới như thế nào? Và những yếu tố nào phát huy sự hợp nhất dường ấy?
Thật tốt đẹp thay!
4. Bằng lời riêng của bạn, bạn nói sao về sự hòa thuận giữa anh em ghi trong bài Thi-thiên 133?
4 Người viết Thi-thiên Đa-vít hết lòng quí trọng sự hợp nhất giữa anh em. Ông lại còn được soi dẫn để ca hát về sự hợp nhất ấy! Hãy tưởng tượng cảnh ông vừa gảy thụ cầm vừa hát: “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay! Ấy khác nào dầu quí giá đổ ra trên đầu, chảy xuống râu, tức râu của A-rôn, chảy đến trôn áo người; lại khác nào sương-móc Hẹt-môn sa xuống các núi Si-ôn; vì tại đó Đức Giê-hô-va đã ban phước, tức là sự sống cho đến đời đời” (Thi-thiên 133:1-3).
5. Dựa theo Thi-thiên 133:1, 2, ta có thể so sánh dân Y-sơ-ra-ên xưa và các tôi tớ ngày nay của Đức Chúa Trời như thế nào?
5 Những lời ấy áp dụng cho sự hợp nhất giữa anh em mà dân tộc xưa của Đức Chúa Trời, là dân Y-sơ-ra-ên, đã có được. Khi ở thành Giê-ru-sa-lem vào ba kỳ lễ hàng năm, họ sống trong sự hợp nhất. Dù thuộc về nhiều chi phái khác nhau, nhưng họ cùng chung một gia đình với nhau. Việc họ sum vầy với nhau đã đem lại cho họ một hiệu quả lành mạnh, giống như dầu thơm làm người ta cảm thấy thoải mái. Khi đổ trên đầu A-rôn, dầu ấy chảy xuống râu và thấm đến cổ áo ông. Đối với người Y-sơ-ra-ên, việc sum vầy đã có một hiệu quả tốt và lan khắp cả hội chúng. Họ giải quyết những sự hiểu lầm và phát huy sự hợp nhất. Trong gia đình hoàn cầu của Đức Giê-hô-va ngày nay cũng có sự hợp nhất như thế. Sự kết hợp đều đặn có ảnh hưởng lành mạnh về thiêng liêng đến những người trong gia đình ấy. Nhờ áp dụng sự khuyên bảo của Lời Đức Chúa Trời, bất cứ sự hiểu lầm hay khó khăn nào đều được xóa bỏ (Ma-thi-ơ 5:23, 24; 18:15-17). Dân tộc Đức Giê-hô-va rất quí trọng sự khuyến khích lẫn nhau, kết quả của sự hợp nhất với nhau trong tình nghĩa anh em.
6, 7. Sự hợp nhất của dân Y-sơ-ra-ên giống với sương móc núi Hẹt-môn như thế nào, và ngày nay ta có thể thấy ân phước mà Đức Chúa Trời ban cho ở đâu?
6 Sự kiện dân Y-sơ-ra-ên sống hòa thuận với nhau cũng giống như sương sa xuống núi Hẹt-môn như thế nào? Bởi vì ngọn núi này cao hơn mặt biển khoảng 2.800 mét, nên hầu như quanh năm đều có tuyết phủ. Đỉnh núi Hẹt-môn đầy tuyết làm cho hơi nước đọng lại ban đêm để tạo thành sương làm tươi thắm thảo mộc vào mùa khô dài lâu. Các luồng gió lạnh thổi từ núi Hẹt-môn có thể mang hơi nước ấy xuống tận phía nam cho đến vùng Giê-ru-sa-lem và đọng lại thành sương. Vì thế người viết Thi-thiên nói đúng khi mô tả “sương-móc Hẹt-môn sa xuống... núi Si-ôn”. Thật là một lời nhắc nhở chí lý về ảnh hưởng làm người ta được phấn khởi để phát huy sự hợp nhất trong đại gia đình của Đức Giê-hô-va gồm những người thờ phượng ngài!
7 Trước khi hội thánh đấng Christ được thành lập, Si-ôn tức Giê-ru-sa-lem là trung tâm của sự thờ phượng thật. Bởi vậy cho nên Đức Chúa Trời ban ân phước ở đó. Vì Nguồn của mọi ân phước ngự trị theo nghĩa tượng trưng trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, nên các ân phước thường từ nơi đó mà đến. Tuy nhiên, vì sự thờ phượng thật không còn tùy thuộc vào một địa điểm nào nữa, nên ân phước, lòng yêu thương và sự hợp nhất giữa các tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể thấy trên khắp đất ngày nay (Giăng 13:34, 35). Đâu là vài yếu tố phát huy sự hợp nhất này?
Các yếu tố phát huy sự hợp nhất
8. Chúng ta học được gì về sự hợp nhất nơi Giăng 17:20, 21?
8 Sự hợp nhất giữa những người thờ phượng Đức Giê-hô-va dựa trên việc làm theo sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời, kể cả những sự dạy dỗ của Giê-su Christ. Nhờ Đức Giê-hô-va phái Con Ngài xuống thế gian hầu làm chứng về lẽ thật và chết để làm của-lễ hy sinh, ngài dọn đường để thành lập hội thánh hợp nhất theo đạo đấng Christ (Giăng 3:16; 18:37). Giê-su làm sáng tỏ sự kiện phải có sự hợp nhất thật sự giữa các thành viên của hội thánh khi ngài cầu nguyện: “Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu-xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa, để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế-gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến” (Giăng 17:20, 21). Các môn đồ của Giê-su quả đã đạt được sự hợp nhất tương tự như giữa Đức Chúa Trời và Con ngài. Họ được hợp nhất vì đã làm theo Lời Đức Chúa Trời và sự dạy dỗ của Giê-su. Thái độ này là yếu tố chính đem lại sự hợp nhất ngày nay trong gia đình của Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới.
9. Thánh linh đóng vai trò nào trong sự hợp nhất của dân Đức Giê-hô-va?
9 Một yếu tố khác giúp dân tộc Đức Giê-hô-va được hợp nhất là sự kiện chúng ta có thánh linh tức sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời. Thánh linh giúp chúng ta hiểu lẽ thật được tiết lộ trong Lời Đức Giê-hô-va và như vậy phụng sự ngài một cách hợp nhất (Giăng 16:12, 13). Thánh linh giúp chúng ta tránh các việc gây chia rẽ như xung đột, ghen tương, giận dữ và ganh đua. Ngược lại, thánh linh Đức Chúa Trời giúp chúng ta sanh bông trái đưa đến sự hợp nhất; đó là yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, đức tin, mềm mại và tự chủ (Ga-la-ti 5:19-23).
10. a) Ta có thể nêu ra sự tương đương nào giữa tình yêu thương trong một gia đình hòa hợp và tình yêu thương thể hiện giữa những người sùng kính Đức Giê-hô-va? b) Một thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương phát biểu cảm nghĩ của mình như thế nào về việc họp mặt với anh em thiêng liêng?
10 Những người trong một gia đình hòa hợp thì yêu mến lẫn nhau và sung sướng sum vầy với nhau. Cũng thế, những ai ở trong gia đình hợp nhất của Đức Giê-hô-va gồm những người thờ phượng ngài thì kính mến ngài, Con ngài và anh em tín hữu (Mác 12:30; Giăng 21:15-17; I Giăng 4:21). Cũng như một gia đình trìu mến thích dùng bữa chung với nhau, những người sùng kính Đức Chúa Trời vui thích có mặt tại các buổi họp và hội nghị của đạo đấng Christ để được lợi ích qua việc kết hợp với anh em và nhận lãnh thức ăn thiêng liêng ngon ngọt (Ma-thi-ơ 24:45-47; Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Một thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va có lần nói như thế này: “Đối với tôi, thì trên đời này việc họp mặt với anh em là một trong những niềm vui tuyệt vời nhất và là một nguồn khích lệ. Tôi thích được là một trong những người đầu tiên có mặt tại Phòng Nước Trời và là một trong số những người ra về muộn nhất, nếu có thể được. Tôi cảm thấy vui trong lòng khi nói chuyện với dân sự của Đức Chúa Trời. Khi tôi ở giữa anh em, tôi cảm thấy thoải mái như ở trong gia đình ruột thịt của tôi vậy”. Bạn có cảm thấy như thế không? (Thi-thiên 27:4).
11. Nhân-chứng Giê-hô-va đặc biệt thấy hạnh phúc trong công việc nào, và việc chúng ta xem công việc phụng sự Đức Chúa Trời là quan trọng nhất trong đời sống đem lại kết quả gì?
11 Một gia đình hòa hợp thấy vui sướng khi sinh hoạt với nhau. Cũng thế, những ai ở trong đại gia đình của Đức Giê-hô-va gồm những người thờ phượng ngài cảm thấy vui khi hợp nhất làm công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Việc đều đặn tham gia vào công việc rao giảng khiến chúng ta được gần các Nhân-chứng khác của Đức Giê-hô-va hơn. Việc chú tâm vào công việc phụng sự Đức Chúa Trời trong đời sống và ủng hộ tất cả mọi hoạt động của dân ngài cũng khuyến khích tinh thần gia đình giữa chúng ta.
Rất cần có trật tự thần quyền
12. Một gia đình hạnh phúc và hòa hợp biểu lộ những đặc điểm nào, và sự sắp đặt nào giúp các hội thánh đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất được hợp nhất?
12 Một gia đình có sự lãnh đạo kiên quyết nhưng đầy yêu thương và có nề nếp thì rất có thể được hòa hợp và hạnh phúc (Ê-phê-sô 5:22, 33; 6:1). Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có trật tự và hòa thuận, và tất cả những người trong gia đình của ngài xem ngài là “Đấng Rất Cao” (Đa-ni-ên 7:18, 22, 25, 27; I Cô-rinh-tô 14:33). Họ cũng nhìn nhận rằng ngài đã bổ nhiệm Con ngài là Giê-su Christ, đấng thừa kế mọi sự và đã ủy thác cho Giê-su mọi quyền hành trên trời và dưới đất (Ma-thi-ơ 28:18; Hê-bơ-rơ 1:1, 2). Với đấng Christ làm Đầu, hội thánh của ngài là một tổ chức có trật tự, hợp nhất (Ê-phê-sô 5:23). Có một hội đồng lãnh đạo trung ương gồm các sứ đồ và các “trưởng-lão” thành thục về thiêng liêng để giám sát hoạt động trong các hội thánh vào thế kỷ thứ nhất. Mỗi hội thánh thời đó có các giám thị hoặc “trưởng-lão” và tôi tớ thánh chức được bổ nhiệm (Công-vụ các Sứ-đồ 15:6; Phi-líp 1:1). Việc vâng lời những người dẫn đầu đem lại sự hợp nhất (Hê-bơ-rơ 13:17).
13. Đức Giê-hô-va thu hút người ta lại gần ngài như thế nào, và điều này đem lại thành quả gì?
13 Nhưng phải chăng vì có trật tự trên nhiều phương diện như thế, nên ta nghĩ rằng sự hợp nhất của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va sở dĩ có được là nhờ ở sự lãnh đạo cứng rắn và lạnh lùng? Quả thật là không! Đức Chúa Trời hoặc tổ chức của ngài không lạnh lùng chút nào. Đức Giê-hô-va thu hút người ta qua việc bày tỏ tình yêu thương, và mỗi năm có tới hàng trăm ngàn người vui lòng tự nguyện gia nhập tổ chức của Đức Giê-hô-va bằng cách làm báp têm để biểu hiệu việc họ hết lòng dâng mình cho Đức Chúa Trời. Họ có tinh thần giống như Giô-suê, là người cố gắng khuyên người Y-sơ-ra-ên đồng hương: “Ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục-sự,... Nhưng ta và nhà ta sẽ phục-sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15).
14. Tại sao chúng ta có thể nói rằng tổ chức của Đức Giê-hô-va là tổ chức thần quyền?
14 Là thành viên của gia đình Đức Giê-hô-va, chúng ta không những vui mừng mà còn được an ổn nữa. Được như vậy là bởi vì tổ chức của ngài là tổ chức thần quyền. Nước Đức Chúa Trời theo thể chế thần quyền (bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là the·osʹ, Đức Chúa Trời, và kraʹtos, cai trị). Đức Chúa Trời cai trị, bổ nhiệm và thành lập các cơ cấu Nước Trời. “Dân thánh” mà Đức Giê-hô-va xức dầu phục tùng sự cai trị của ngài và do đó họ cũng theo thể thức thần quyền (I Phi-e-rơ 2:9). Vì Đức Giê-hô-va, Nhà Thần quyền Vĩ đại là Đấng Phán xét, Đấng Lập luật và Vua của chúng ta, chúng ta có mọi lý do để cảm thấy an ổn (Ê-sai 33:22). Tuy nhiên, nếu có sự tranh cãi xảy ra và đe dọa sự vui mừng, an ổn và hợp nhất của chúng ta thì sao?
Hội đồng lãnh đạo trung ương ra tay hành động
15, 16. Cuộc tranh luận nào đã xảy ra trong thế kỷ thứ nhất, và tại sao?
15 Để bảo toàn sự hợp nhất của một gia đình, thỉnh thoảng người ta cần phải giải quyết một vụ tranh chấp. Vậy hãy thử tưởng tượng trong thế kỷ thứ nhất công nguyên có một vấn đề thiêng liêng cần được giải quyết để bảo toàn sự hợp nhất của gia đình của Đức Giê-hô-va gồm những người thờ phượng ngài. Vậy thì sao? Hội đồng lãnh đạo trung ương đã ra tay hành động, đi đến những quyết định về các vấn đề thiêng liêng. Chúng ta có thể đọc những lời tường thuật về hành động này trong Kinh-thánh.
16 Vào khoảng năm 49 công nguyên, hội đồng lãnh đạo trung ương họp lại tại thành Giê-ru-sa-lem để giải quyết một vấn đề nghiêm trọng và nhờ vậy duy trì sự hợp nhất cho “nhà của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:19). Khoảng 13 năm trước, sứ đồ Phi-e-rơ rao giảng cho Cọt-nây, và những người dân ngoại đầu tiên đã trở thành tín đồ (Công-vụ các Sứ-đồ, đoạn 10). Trong chuyến hành trình giảng đạo lần thứ nhất của Phao-lô, nhiều người dân ngoại đã gia nhập đạo đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 13:1 đến 14:28). Thật vậy, một hội thánh tín đồ đấng Christ gồm những người dân ngoại đã được thành lập tại thành An-ti-ốt, xứ Sy-ri. Một số tín đồ đấng Christ gốc Do Thái tin rằng những người dân ngoại nhập đạo phải chịu phép cắt bì và giữ Luật Môi-se, nhưng những người khác không đồng ý (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1-5). Cuộc tranh luận này có thể làm hội thánh hoàn toàn bất hòa, ngay cả đưa đến việc thành lập các hội thánh riêng biệt chỉ gồm toàn là người Do Thái hoặc toàn là người ngoại mà thôi. Do đó hội đồng lãnh đạo trung ương đã phải kịp thời hành động lập tức để bảo toàn sự hợp nhất của đạo đấng Christ.
17. Công-vụ các Sứ-đồ đoạn 15 miêu tả thủ tục thần quyền hòa hợp nào?
17 Theo Công-vụ các Sứ-đồ 15:6-22, thì “các sứ-đồ và các trưởng-lão bèn họp lại để xem-xét về việc đó”. Cũng có những người khác hiện diện, kể cả một phái đoàn từ An-ti-ốt đến. Phi-e-rơ trước hết giải thích rằng ‘người ngoại được nghe Tin-lành bởi miệng ông và tin theo’. Rồi thì “cả hội-đồng” lắng nghe khi Ba-na-ba và Phao-lô thuật lại “những phép lạ dấu kỳ mà Đức Chúa Trời đã cậy mình làm ra giữa người ngoại”. Kế đến Gia-cơ đề nghị cách giải quyết vấn đề. Sau khi hội đồng lãnh đạo trung ương đi đến quyết định, Kinh-thánh cho chúng ta biết: “Các sứ-đồ và trưởng-lão cùng cả Hội-thánh bèn quyết-định sai những người được chọn ở nơi mình đi với Phao-lô và Ba-na-ba đến thành An-ti-ốt”. “Những người được chọn”, là Giu-đe và Si-la, đem theo một bức thư khuyến khích anh em cùng đạo.
18. Điều liên quan đến Luật Môi-se mà hội đồng lãnh đạo trung ương đã quyết định là gì, và điều này ảnh hưởng đến tín đồ đấng Christ gốc Do Thái và dân ngoại như thế nào?
18 Bức thư thông báo quyết định của hội đồng lãnh đạo trung ương mở đầu với những lời này: “Các sứ-đồ, trưởng-lão và anh em gởi lời chào-thăm anh em trong những người ngoại tại thành An-ti-ốt, trong xứ Sy-ri và xứ Si-li-si!” Có những người khác cũng tham dự buổi họp trọng đại này, nhưng dường như hội đồng lãnh đạo trung ương lúc đó chỉ gồm có “các sứ-đồ và trưởng-lão”. Thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn họ, bởi vì lá thư nói: “Thánh-Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những đều cần-dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết, thú-vật chết ngột, và chớ tà-dâm” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:23-29). Tín đồ đấng Christ không phải chịu phép cắt bì và giữ Luật Môi-se. Quyết định này giúp các tín đồ đấng Christ gốc Do Thái và dân ngoại hợp nhất trong lời nói và hành động. Các hội thánh vui mừng, và sự hợp nhất quí báu được tiếp tục, giống như gia đình của Đức Chúa Trời khắp trái đất ngày nay cũng ở dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va (Công-vụ các Sứ-đồ 15:30-35).
Phụng sự trong sự hợp nhất thần quyền
19. Tại sao sự hợp nhất nảy nở trong gia đình của Đức Giê-hô-va gồm những người thờ phượng ngài?
19 Sự hòa hợp nảy nở khi những người trong gia đình hợp tác với nhau. Điều này cũng đúng trong gia đình của Đức Giê-hô-va gồm những người thờ phượng ngài. Vì theo thể chế thần quyền, các trưởng lão và những người khác trong thế kỷ thứ nhất đã phụng sự Đức Chúa Trời trong tinh thần hợp tác chặt chẽ với hội đồng lãnh đạo trung ương và chấp nhận các quyết định của hội đồng ấy. Với sự giúp đỡ của hội đồng lãnh đạo trung ương, các trưởng lão “giảng đạo” và những người trong hội thánh nói chung “đồng một tiếng nói với nhau” (II Ti-mô-thê 4:1, 2; I Cô-rinh-tô 1:10). Vì thế cho nên họ trình bày cùng những lẽ thật của Kinh-thánh trong thánh chức rao giảng và tại các buổi họp của đạo đấng Christ, dù tại Giê-ru-sa-lem, An-ti-ốt, Rô-ma, Cô-rinh-tô hoặc tại bất cứ nơi nào khác. Ngày nay cũng có sự hợp nhất theo cách thần quyền như thế.
20. Chúng ta phải làm gì để bảo toàn sự hợp nhất của đạo đấng Christ?
20 Nhằm bảo toàn sự hợp nhất, tất cả chúng ta thuộc về gia đình của Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới đều nên cố gắng bày tỏ lòng yêu thương theo thể thức thần quyền (I Giăng 4:16). Chúng ta cần phải phục tùng ý muốn Đức Chúa Trời và tỏ ra tôn trọng một cách sâu xa lớp người ‘đầy-tớ trung-tín’ và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương. Dĩ nhiên, giống như việc chúng ta dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta tự nguyện và vui mừng vâng lời (I Giăng 5:3). Người viết Thi-thiên liên kết sự vui mừng và sự vâng lời thật phù hợp làm sao! Ông hát: “Ha-lê-lu-gia! Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, rất ưa-thích điều-răn Ngài!” (Thi-thiên 112:1).
21. Chúng ta có thể tỏ ra là mình theo nguyên tắc thần quyền như thế nào?
21 Giê-su, Đầu của hội thánh, hoàn toàn làm theo nguyên tắc thần quyền và luôn luôn làm theo ý muốn của Cha ngài (Giăng 5:30). Do đó, chúng ta hãy noi theo Đấng gương mẫu của chúng ta bằng cách hợp nhất thi hành ý muốn của Đức Giê-hô-va theo đường lối thần quyền và hợp tác trọn vẹn với tổ chức của Ngài. Rồi với lòng tràn đầy vui mừng và biết ơn chúng ta có thể họa theo bài hát này của người viết Thi-thiên: “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!”
Bạn trả lời thế nào?
◻ Sự hợp nhất trong đạo đấng Christ liên quan đến bài Thi-thiên 133 như thế nào?
◻ Một số yếu tố nào phát huy sự hợp nhất?
◻ Tại sao trật tự thần quyền là rất cần thiết cho sự hợp nhất của dân Đức Chúa Trời?
◻ Hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất đã hành động thế nào để bảo toàn sự hợp nhất?
◻ Phụng sự trong sự hợp nhất thần quyền có nghĩa gì đối với bạn?
[Hình nơi trang 13]
Hội đồng lãnh đạo trung ương ra tay hành động để bảo toàn sự hợp nhất