Đức Chúa Trời có thật sự biết bạn không?
“Hỡi Đức Giê-hô-va,... Ngài quen-biết các đường-lối tôi” (THI-THIÊN 139:1, 3).
1. Việc cảm thấy là ‘người khác không hiểu’ những lo âu, vấn đề và áp lực mà chúng ta phải đương đầu đang phổ biến đến độ nào?
CÓ AI thật sự hiểu những mối lo âu, áp lực và những vấn đề mà bạn phải đương đầu không? Hàng triệu người trên thế giới, già lẫn trẻ, không có người thân hay bà con quan tâm đến những gì xảy ra cho họ. Ngay trong các gia đình, người vợ—lẫn người chồng—cảm thấy người hôn phối không thật sự hiểu những áp lực nặng nề mà họ đang gánh chịu. Đôi khi họ than vãn trong tuyệt vọng: “Nhưng anh / em không hiểu đâu!” Cũng có nhiều người trẻ đã kết luận là không ai hiểu mình hết. Tuy nhiên, trong số những người khao khát được người khác hiểu mình hơn, sau này đã có một đời sống đầy ý nghĩa. Làm sao có thể được?
2. Điều gì có thể giúp những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có được một đời sống phong phú và thỏa đáng?
2 Đó là vì dù người khác có hoàn toàn hiểu họ hay không, họ tin chắc rằng Đức Chúa Trời hiểu những gì họ đang phải trải qua và vì là tôi tớ của Ngài, họ không phải đương đầu với khó khăn một mình (Thi-thiên 46:1). Hơn nữa, Lời Đức Chúa Trời cộng thêm với sự giúp đỡ của các trưởng lão khôn ngoan của đạo đấng Christ có thể giúp họ nhìn xa hơn những vấn đề cá nhân. Kinh-thánh giúp họ nhận ra rằng công việc phụng sự trung thành của họ rất quí trước mắt Đức Chúa Trời và những ai đặt hy vọng nơi Ngài cũng như nơi những gì Ngài cung cấp qua Chúa Giê-su Christ sẽ có một tương lai vững chắc (Châm-ngôn 27:11; II Cô-rinh-tô 4:17, 18).
3, 4. a) Biết rằng “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời” và Ngài đã “dựng-nên” chúng ta, có thể giúp chúng ta phụng sự Ngài với lòng vui mừng như thế nào? b) Tại sao chúng ta có thể tin cậy hoàn toàn nơi sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va?
3 Có lẽ bạn quen thuộc những lời nơi Thi-thiên 100:2, nói như sau: “Khá hầu-việc Đức Giê-hô-va cách vui-mừng. Hãy hát-xướng mà đến trước mặt Ngài”. Có bao nhiêu người thật sự hầu việc Đức Giê-hô-va theo cách như thế? Câu 3 cho thấy những lý do chính đáng để hầu việc như vậy và câu này cũng nhắc nhở chúng ta: “Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng-nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài. Chúng tôi là dân-sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài”. Chữ “Ngài” ở đây trong nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ là ʼElo·himʹ, cho thấy tính cách oai nghiêm cao cả, đáng tôn và tuyệt mỹ của Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời có một và thật (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:39; 7:9; Giăng 17:3). Các tôi tớ Ngài biết Ngài là Đức Chúa Trời, không những qua sự dạy dỗ mà còn qua những điều mà họ nghiệm thấy bởi sự vâng lời, tin cậy và hết lòng hầu việc Ngài (I Sử-ký 28:9; Rô-ma 1:20).
4 Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hằng sống, có thể nhìn thấy tận đáy lòng của chúng ta nên không có gì có thể che giấu Ngài được. Ngài biết hết những gì đang xảy ra trong đời sống chúng ta. Ngài hiểu đâu là nguyên nhân của các vấn đề mà chúng ta đang gặp phải cũng như những xáo động tình cảm và tinh thần do các vấn đề đó gây ra. Với tư cách là Đấng Tạo Hóa, Ngài biết chúng ta hơn là chúng ta biết chính mình. Ngài cũng biết làm thế nào để giúp chúng ta đương đầu với hoàn cảnh và cung cấp cho chúng ta lối thoát. Nếu chúng ta hết lòng tin cậy nơi Ngài, Ngài sẽ yêu thương giúp đỡ chúng ta, như người chăn chiên bồng bế chiên con trong lòng mình (Châm-ngôn 3:5, 6; Ê-sai 40:10, 11). Tìm hiểu bài Thi-thiên 139 có thể giúp chúng ta rất nhiều trong việc làm vững mạnh niềm tin ấy.
Đấng thấy mọi đường lối của chúng ta
5. Đức Giê-hô-va ‘dò-xét’ chúng ta có nghĩa gì, và tại sao điều đó lại hữu ích?
5 Với lòng biết ơn sâu xa, người viết Thi-thiên là Đa-vít nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò-xét tôi, và biết tôi” (Thi-thiên 139:1). Đa-vít tin chắc rằng Đức Giê-hô-va không chỉ biết ông một cách hời hợt. Đức Giê-hô-va không nhìn Đa-vít như cách người ta nhìn ông, chỉ thấy vóc dáng, khả năng ăn nói, hay khiếu chơi đàn của ông (I Sa-mu-ên 16:7, 18). Đức Giê-hô-va “dò-xét” tận đáy lòng của Đa-vít và Ngài làm vậy với lòng yêu thương quan tâm đến hạnh phúc thiêng liêng của ông. Nếu bạn là một trong các tôi tớ tận tụy của Đức Giê-hô-va, Ngài cũng biết rõ bạn giống như biết Đa-vít vậy. Điều này có làm bạn cảm thấy biết ơn lẫn kính sợ không?
6. Thi-thiên 139:2, 3 cho thấy thế nào rằng Đức Giê-hô-va biết mọi điều chúng ta làm, ngay cả mọi ý tưởng của chúng ta nữa?
6 Mọi hoạt động của Đa-vít được phơi bày trước mắt Đức Giê-hô-va, và Đa-vít biết điều đó. Người viết Thi-thiên này đã ghi: “Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; từ xa Chúa hiểu-biết ý-tưởng tôi. Chúa xét-nét nẻo-đàng và sự nằm-ngủ tôi, quen biết các đường-lối tôi” (Thi-thiên 139:2, 3). Sự kiện Đức Giê-hô-va ở trên trời, thật xa mặt đất cũng không ngăn trở Ngài biết Đa-vít đang làm gì, đang nghĩ gì. Ngài “xét-nét” hay là xem xét kỹ lưỡng các hoạt động của Đa-vít cả ngày lẫn đêm để biết thực chất của các sinh hoạt đó.
7. a) Căn cứ trên những biến cố trong đời Đa-vít, hãy bình luận về một số điều mà Đức Chúa Trời biết đến trong chính đời sống chúng ta. b) Sự kiện Đức Chúa Trời biết đến các điều này nên ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
7 Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và sự tin tưởng nơi quyền lực giải cứu của Ngài đã thúc đẩy Đa-vít, một thanh niên trẻ, tình nguyện đánh với tên Phi-li-tin khổng lồ là Gô-li-át. Đức Giê-hô-va biết điều đó (I Sa-mu-ên 17:32-37, 45-47). Sau này, khi những kẻ thù nghịch làm Đa-vít đau lòng, và bị nhiều áp lực đến nỗi tuôn lệ mỗi đêm, ông được an ủi vì biết rằng Đức Giê-hô-va nghe lời nài xin của ông (Thi-thiên 6:6, 9; 55:2-5, 22). Cũng vậy, vào những đêm không ngủ, vì tràn ngập lòng biết ơn, Đa-vít suy ngẫm về Đức Giê-hô-va, và Đức Giê-hô-va cũng biết rõ điều này (Thi-thiên 63:6; so sánh Phi-líp 4:8, 9). Một buổi chiều kia khi Đa-vít nhìn vợ người lân cận tắm, Đức Giê-hô-va cũng đã biết, và Ngài thấy điều gì xảy ra khi Đa-vít, chỉ trong một phút chốc, đã để cho dục vọng tội lỗi làm ông quên đi Đức Chúa Trời (II Sa-mu-ên 11:2-4). Sau đó, khi nhà tiên tri Na-than được sai đến trách cứ Đa-vít về trọng tội mà ông đã phạm, Đức Giê-hô-va không những nghe thấy những lời từ miệng Đa-vít nói ra mà còn nhận thấy từ tấm lòng biết ăn năn (II Sa-mu-ên 12:1-14; Thi-thiên 51:1, 17). Chẳng lẽ điều này lại không làm cho chúng ta suy nghĩ nghiêm chỉnh hơn về nơi chúng ta đi, việc chúng ta làm, và những gì chứa trong lòng chúng ta hay sao?
8. a) ‘Lời trên lưỡi chúng ta’ có thể ảnh hưởng đến vị thế của chúng ta trước mặt Đức Giê-hô-va như thế nào? b) Làm sao chúng ta có thể vượt qua những khuyết điểm trong việc dùng miệng lưỡi? (Ma-thi-ơ 15:18; Lu-ca 6:45).
8 Vì Đức Chúa Trời thông biết mọi việc chúng ta làm, nên chúng ta không ngạc nhiên việc Ngài biết chúng ta dùng một quan thể nhỏ như cái lưỡi thế nào. Vua Đa-vít biết điều này, và ông viết: “Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi” (Thi-thiên 139:4). Đa-vít biết rõ rằng những ai được đón tiếp như là khách trong lều của Đức Giê-hô-va là những người không nói hành người khác và không dùng lưỡi mình để thày lay, đem lại sự sỉ nhục cho người quen thân. Những người được ân phước của Đức Giê-hô-va là những người nói sự thật từ trong lòng (Thi-thiên 15:1-3; Châm-ngôn 6:16-19). Không ai trong chúng ta kiểm soát trọn vẹn được cái lưỡi, nhưng Đa-vít không yếu đuối kết luận rằng ông không làm gì được để cải thiện tình trạng của ông cả. Ông đã dành ra nhiều thì giờ để soạn và hát các bài Thi-thiên ngợi khen Đức Giê-hô-va. Ông cũng nhìn nhận là ông cần sự giúp đỡ và ông cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự giúp đỡ ấy (Thi-thiên 19:12-14). Có phải chúng ta cũng cần thành tâm lưu ý đến cách chúng ta dùng miệng lưỡi không?
9. a) Lời miêu tả nơi Thi-thiên 139:5 cho thấy Đức Chúa Trời biết tình trạng của chúng ta rõ đến độ nào? b) Vậy chúng ta có thể tin chắc điều gì?
9 Đức Giê-hô-va không nhìn chúng ta hoặc hoàn cảnh của chúng một cách phiến diện. Ngài thấy mọi mặt. Lấy một thành bị bao vây làm thí dụ, Đa-vít viết: “Chúa bao-phủ tôi phía sau và phía trước”. Trong trường hợp của Đa-vít, Đức Chúa Trời không phải là kẻ thù bao vây, nhưng ngược lại, là một người canh giữ. Đa-vít nói thêm: “Đặt tay Chúa trên mình tôi”, như vậy cho thấy Đức Chúa Trời thi hành sự kiểm soát và che chở vì lợi ích lâu dài của những người yêu mến Ngài. Đa-vít nhìn nhận: “Sự tri-thức dường ấy, thật diệu-kỳ quá cho tôi. Cao đến đỗi tôi không với kịp!” (Thi-thiên 139:5, 6). Sự hiểu biết của Đức Chúa Trời về các tôi tớ của Ngài trọn vẹn và thâm sâu đến nỗi chúng ta không thể hiểu thấu được. Nhưng chúng ta đủ biết để tin chắc rằng Đức Giê-hô-va thật sự hiểu chúng ta và sự giúp đỡ mà Ngài cung cấp sẽ là tốt nhất (Ê-sai 48:17, 18).
Dù chúng ta ở đâu, Đức Chúa Trời cũng có thể giúp chúng ta
10. Chúng ta thấy được lẽ thật khích lệ nào qua sự miêu tả sống động nơi Thi-thiên 139:7-12?
10 Nhìn sự chăm sóc yêu thương của Đức Giê-hô-va từ một quan điểm khác, người viết Thi-thiên nói tiếp: “Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa?” Ông không hề muốn tránh xa Đức Giê-hô-va; đúng hơn, ông biết rằng dù ông ở đâu, Đức Giê-hô-va cũng biết và có thể giúp ông qua thánh linh của Ngài. Ông viết tiếp: “Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó; ví tôi nằm dưới Âm-phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó. Nhược-bằng tôi lấy cánh-hừng đông, bay qua ở tại cuối-cùng biển, tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn-dắt tôi, tay hữu Chúa sẽ nắm-giữ tôi. Nếu tôi nói: Sự tối-tăm chắc sẽ che khuất tôi, ánh sáng chung-quanh tôi trở nên đêm tối, thì chính sự tối-tăm không thể giấu chi khỏi Chúa, ban đêm soi sáng như ban ngày, và sự tối-tăm cũng như ánh sáng cho Chúa” (Thi-thiên 139:7-12). Dù nơi nào chúng ta đi hay hoàn cảnh nào chúng ta gặp, thì Đức Giê-hô-va cũng có thể nhìn thấy hoặc thánh linh Ngài cũng ở tận đó để giúp chúng ta.
11, 12. a) Mặc dù có một giai đoạn Giô-na không thấy được điều này, khả năng quan sát và giúp đỡ của Đức Giê-hô-va được thấy rõ trong trường hợp của Giô-na như thế nào? b) Kinh nghiệm của Giô-na nên giúp ích chúng ta như thế nào?
11 Có một giai đoạn, nhà tiên tri Giô-na không thấy được điều này. Đức Giê-hô-va giao cho ông sứ mạng rao giảng cho dân thành Ni-ni-ve. Vì một lý do nào đó, ông cảm thấy không thi hành nổi sứ mạng này. Có lẽ vì người A-si-ri nổi tiếng là hung bạo, nên ý nghĩ phục vụ tại thành Ni-ni-ve làm Giô-na khiếp đảm. Do đó ông tìm cách trốn đi. Tại hải cảng Gia-phô, ông đáp tàu đi đến Ta-sê-ri (thường được xem là Tây Ban Nha, cách Ni-ni-ve về phía tây hơn 2.200 dặm). Dầu sao, Đức Giê-hô-va đã thấy ông lên tàu và ngủ dưới boong tàu. Đức Chúa Trời cũng biết Giô-na ở đâu khi ông bị ném ra khỏi tàu sau đó và Ngài cũng nghe tiếng của Giô-na hứa từ trong bụng cá là ông sẽ giữ lời hứa nguyện. Giô-na được vớt lên đất khô và có một cơ hội nữa để hoàn thành sứ mạng (Giô-na 1:3; 2:2–3:4).
12 Nếu ngay từ đầu, Giô-na tin rằng thánh linh của Đức Giê-hô-va có thể giúp ông hoàn thành sứ mạng thì tốt hơn cho ông biết mấy. Tuy vậy, sau đó Giô-na khiêm nhường ghi lại kinh nghiệm của mình, và kể từ đó lời tường thuật này đã giúp cho rất nhiều người biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, một điều dường như thật khó cho Giô-na đạt được (Rô-ma 15:4).
13. a) Ê-li đã trung thành thi hành những việc gì trước khi ông trốn khỏi Hoàng hậu Giê-sa-bên? b) Đức Giê-hô-va đã giúp Ê-li như thế nào, ngay cả khi ông tìm cách chạy trốn ra ngoài lãnh thổ Y-sơ-ra-ên?
13 Ê-li trải qua một kinh nghiệm khác hơn. Ông đã trung thành rao lệnh của Đức Giê-hô-va là dân Y-sơ-ra-ên sẽ bị hạn hán vì tội lỗi của họ (I Các Vua 16:30-33; 17:1). Ông đã can đảm ủng hộ sự thờ phượng thật trong cuộc tranh chấp giữa Đức Giê-hô-va và Ba-anh ở núi Cạt-mên. Ông đã hành quyết 450 tiên tri của Ba-anh ở khe Ki-sôn. Nhưng khi Hoàng hậu Giê-sa-bên nổi giận thề quyết lấy mạng sống của Ê-li, ông đã chạy trốn khỏi xứ (I Các Vua 18:18-40; 19:1-4). Trong giai đoạn khó khăn ấy Đức Giê-hô-va có ở đó để giúp ông không? Dĩ nhiên là có. Nếu Ê-li trèo lên núi cao, như thể tới tận trời; nếu ông trốn trong hang sâu, như thể dưới lòng đất nơi Âm phủ, nếu ông chạy trốn tới hòn đảo xa xôi nào đó với vận tốc như ánh sáng rạng đông tỏa khắp bầu trời—thì bàn tay của Đức Giê-hô-va cũng sẽ ở đó để giúp sức và hướng dẫn ông. (So sánh Rô-ma 8:38, 39). Đức Giê-hô-va không những thêm sức cho Ê-li bằng cách cung cấp thức ăn cho ông khi đi đường mà còn biểu lộ một cách kỳ diệu sinh hoạt lực của Ngài. Do đó, Ê-li được vững mạnh và tiếp tục sứ mạng tiên tri (I Các Vua 19:5-18).
14. a) Tại sao kết luận rằng Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi là sai? b) Ngày nay Đức Giê-hô-va nâng đỡ các tôi tớ Ngài một cách đầy yêu thương trong những hoàn cảnh nào? c) Ngay dù chúng ta ở dưới Âm phủ, Đức Chúa Trời có thể ở đó như thế nào?
14 Những lời tiên tri nơi Thi-thiên 139:7-12 không có nghĩa Đức Chúa Trời hiện diện khắp mọi nơi, hoặc có mặt ở mọi chỗ vào bất cứ lúc nào. Kinh-thánh cho thấy hoàn toàn khác hẳn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:15; Hê-bơ-rơ 9:24). Tuy nhiên, các tôi tớ của Ngài không bao giờ ở ngoài tầm tay của Ngài. Điều này đúng đối với những ai thi hành nhiệm vụ thần quyền ở những nơi xa xôi, đối với những Nhân-chứng trung thành ở các trại tập trung Đức Quốc xã trong Thế Chiến II và đối với các giáo sĩ bị biệt giam ở Trung Quốc vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Điều này đúng đối với các anh chị yêu quí của chúng ta ở một quốc gia thuộc Trung Phi đã phải chạy trốn hết làng này qua làng khác, và có khi phải trốn khỏi xứ. Nếu cần, Đức Giê-hô-va có thể với tới tận Âm phủ, mồ mả chung của nhân loại, để làm sống lại những tôi tớ trung thành (Gióp 14:13-15; Lu-ca 20:37, 38).
Đấng thật sự hiểu chúng ta
15. a) Đức Giê-hô-va có thể thấy trước từ lúc nào sự phát triển của chúng ta? b) Sự kiện người viết Thi-thiên nói về thận cho thấy Đức Chúa Trời hiểu biết chúng ta đến độ nào?
15 Dưới sự soi dẫn, người viết Thi-thiên lưu ý đến sự kiện Đức Chúa Trời biết đến chúng ta trước khi chúng ta được sanh ra: “Vì chính Chúa nắn nên thận tôi, bảo toàn tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm” (Thi-thiên 139:13, 14, NW). Sự kết hợp giữa gen của người cha và của người mẹ lúc thụ thai tạo ra một cái mẫu có ảnh hưởng sâu xa tới tiềm năng thể chất và tinh thần của chúng ta. Đức Chúa Trời biết tiềm năng đó. Bài Thi-thiên này đặc biệt nhắc đến cái thận mà trong Kinh-thánh thường dùng để tượng trưng cho những khía cạnh sâu xa của nhân cácha (Thi-thiên 7:9; Giê-rê-mi 17:10). Đức Giê-hô-va biết những chi tiết này về chúng ta trước khi chúng ta được sanh ra. Vì lòng quan tâm đầy yêu thương, nên Ngài cũng phác họa ra thân thể loài người để một tế bào trong bụng người mẹ khi được thụ tinh sẽ sanh ra một bọc che chở để ‘bảo toàn’ bào thai trong thời gian phát triển.
16. a) Thi-thiên 139:15, 16 làm nổi bật khả năng nhìn thấu của Đức Chúa Trời qua cách nào? b) Tại sao điều này nên khích lệ chúng ta?
16 Kế đó, người viết Thi-thiên nhấn mạnh đến khả năng nhìn thấu của Đức Chúa Trời: “Khi tôi được dựng-nên trong nơi kín, chịu nắn nên cách xảo tại nơi thấp của đất [rõ ràng có ý nói lòng mẹ, nhưng ám chỉ A-đam được tạo từ đất], thì các xương-cốt tôi không giấu được Chúa. Mắt Chúa đã thấy thể-chất vô-hình của tôi; số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy” (Thi-thiên 139:15, 16). Vậy thật rõ ràng là Đức Giê-hô-va hiểu chúng ta dù người khác có hiểu chúng ta hay không. Điều này ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
17. Nếu chúng ta xem các công việc của Đức Chúa Trời là lạ lùng, thì điều này sẽ thúc đẩy chúng ta làm gì?
17 Người viết bài Thi-thiên 139 nhìn nhận rằng công việc của Đức Chúa Trời mà ông nói đến là những việc lạ lùng. Bạn có cảm thấy như vậy không? Một việc lạ lùng thường làm cho người ta suy nghĩ sâu xa hoặc mải miết chú ý đến. Có lẽ bạn phản ứng như vậy trước các công trình sáng tạo vật chất của Đức Giê-hô-va. (So sánh Thi-thiên 8:3, 4, 9). Bạn có suy ngẫm như vậy về những gì Ngài đã làm trong việc thiết lập Nước Trời trong tay đấng Mê-si, về những gì Ngài đang làm để cho tin mừng được rao giảng trên toàn cầu, và về cách mà Lời Ngài biến đổi nhân cách của con người không? (So sánh I Phi-e-rơ 1:10-12).
18. Nếu chúng ta thấy các công việc của Đức Chúa Trời là đáng sợ lạ lùng, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
18 Khi suy ngẫm các công trình của Đức Chúa Trời, bạn có nghiệm thấy những việc đó là đáng sợ, khiến bạn có lòng kính sợ lành mạnh, một sự kính sợ có sức thúc đẩy mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu xa đến nhân cách và lối sống của bạn không? (So sánh Thi-thiên 66:5). Nếu vậy, bạn sẽ cảm thấy muốn ca tụng Đức Giê-hô-va, ngợi khen Ngài và tìm cơ hội để nói với người khác về ý định và những điều lạ lùng mà Ngài dành cho những ai yêu mến Ngài (Thi-thiên 145:1-3).
[Chú thích]
a Xin xem cuốn Insight on the Scriptures, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản, Quyển 2, trang 150.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Việc biết “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời” giúp chúng ta phụng sự Ngài với lòng vui mừng như thế nào?
◻ Sự kiện Đức Chúa Trời biết mọi điều chúng ta làm nên ảnh hưởng đến đời sống chúng ta như thế nào?
◻ Tại sao chúng ta được khích lệ khi biết rằng Đức Chúa Trời luôn luôn nhìn thấy chúng ta?
◻ Tại sao Đức Chúa Trời có thể hiểu chúng ta theo cách mà không ai có thể hiểu được?
◻ Tại sao một bài học như bài này khiến chúng ta muốn ca tụng Đức Giê-hô-va?