Giữ vững sự đoàn kết của tín đồ đấng Christ trong những giao dịch thương nghiệp
“Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!” (THI-THIÊN 133:1).
1. Tại sao tình đoàn kết giữa tín đồ đấng Christ đáng yêu chuộng đến thế?
Quả thật “anh em tín đồ đấng Christ ăn ở hòa thuận nhau tốt đẹp thay”, nhất là ngày nay trong lúc thế giới bị chia rẽ trầm trọng. Nơi nào có tình đoàn kết chân thật, quả đó là một sự đẹp đẽ, kết quả là một dây liên lạc mật thiết, khiến ai nấy đều vui thích gần gũi nhau. Mặt khác, sự chia rẽ thật là xấu xa, sanh ra hờn oán, thù ghét và hiềm khích giữa những người cộng tác cùng nhau.
2. Quan điểm chung của chúng ta về các nguyên tắc trong Kinh-thánh giúp thế nào cho tình đoàn kết giữa anh em ngay cả trong những vấn đề thương nghiệp?
2 Khi tín đồ đấng Christ hành nghề cùng với những tôi tớ khác của Đức Giê-hô-va, hẳn những quan điểm chung về các nguyên tắc trong Kinh-thánh phải giúp họ thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa anh em. Một giám thị hội-thánh Nhân-chứng Giê-hô-va phát biểu ý kiến: “Trong khi thế gian này càng ngày càng gian xảo, làm việc chung với anh em tín đồ đấng Christ biết tôn trọng nguyên tắc Kinh-thánh thật là thích thú. Chúng ta khỏi phải luôn luôn «đề phòng». Trong thế gian ngày nay hiếm có những người cộng tác thương nghiệp trong sạch, lương thiện. Thật là thích thú được làm việc với những người không hút thuốc hoặc nói năng thô lỗ, những người biết tự chủ và mục đích chính yếu không phải là tham lam kiếm tiền!”
3. a) Một số anh em cùng đức tin có thể có vài hình thức giao dịch thương nghiệp nào? b) Những nguyên tắc nào phải hướng dẫn những giao dịch thương nghiệp?
3 Một số anh em tín đồ có thể có vài hình thức giao dịch thương nghiệp nào? Một hình thức là khi hai người hay nhiều người tín đồ quyết định hùn vốn kinh doanh. Một hình thức khác là khi một người làm chủ và người kia làm công. Còn một hình thức nữa là khi một tín đồ bán hàng hay làm một công việc gì đó cho một anh em cùng đạo. Trong những giao dịch thương nghiệp như thế họ cần phải hành động theo những nguyên tắc lương thiện và thanh liêm ghi trong Lời được soi dẫn của Đức Giê-hô-va. Do đó tình đoàn kết giữa anh em và niềm vui làm việc chung sẽ được tốt hơn nữa (I Cô-rinh-tô 10:31).
4. Tín đồ đấng Christ gặp nguy hiểm nào trong thương nghiệp?
4 Tuy nhiên, có nguy hiểm là một số người không giữ được quan điểm cao quí của đạo đấng Christ. Có lẽ họ bắt đầu quá lo nghĩ đến quyền lợi riêng của họ (Phi-líp 2:4). Có lẽ tiền bạc trở nên quan trọng hơn tình đoàn kết giữa anh em cùng đạo. Nhưng sự ích kỷ trong thương nghiệp có thể phá hoại liên lạc giữa anh em và liên lạc cá nhân đối với Đức Giê-hô-va. Chúng ta đừng bao giờ muốn việc đó xảy ra! (Giăng 13:34, 35; Hê-bơ-rơ 13:5; I Ti-mô-thê 3:2, 3; I Giăng 3:16; 4:20, 21).
Quan trọng của sự thỏa thuận chính thức
5. Kinh nghiệm của Áp-ra-ham trong việc mua một thửa đất cho thấy thế nào giá trị của việc thỏa thuận chính thức?
5 Để tránh hiểu lầm trong các giao dịch thương nghiệp, hãy xem xét thể thức Áp-ra-ham mua một thửa đất. Ông “nghe theo lời Ép-rôn, trước mặt dân họ Hếch, cân bốn trăm siếc-lơ bạc cho người, là bạc thông-dụng nơi các tay buôn-bán. Vậy, cái đồng của Ép-rôn, tại Mặc-bê-la...trước mặt có các dân họ Hếch cùng mọi người đến cửa thành, nhận chắc cho Áp-ra-ham làm sản-nghiệp”. Đây không phải là một sự thỏa thuận riêng tư giữa những người tin cậy nhau, nhưng là một sự thỏa thuận được chính thức hóa trước mặt những người làm chứng. Không có ai hiểu lầm gì được về cái gì đã được mua bán và giá cả bao nhiêu (Sáng-thế Ký 23:2-4, 14-18).
6. Tín đồ đấng Christ có thể hợp thức hóa thế nào những khế ước thương nghiệp quan trọng?
6 Cũng thế, điều khôn ngoan là những tín đồ đấng Christ cần phải chính thức hóa các giao dịch quan trọng. Nếu giao dịch liên quan đến việc mua bán món gì, hai bên phải viết rõ ra ai bán ai mua cái gì, giá cả, thể thức trả tiền, giao hàng bao giờ và thế nào và những điều kiện khác đã thỏa thuận. Nếu giao dịch liên quan đến một công việc làm, hai bên phải viết rõ ra việc gì phải làm và khi nào phải xong, tiền công và các điều khoản khác. Giấy tờ này phải đề ngày tháng và ký tên, và mỗi bên phải giữ một bản. Giấy viết rõ như thế đặc biệt cần yếu khi có hùn vốn kinh doanh. Giấy đó giúp hai bên hiểu rõ khế ước của họ và sống đúng với lời khuyên của Giê-su: “Ngươi phải nói rằng: phải, phải; không, không” (Ma-thi-ơ 5:37). Trong những vấn đề phức tạp hơn, có lẽ tốt hơn nên nhờ người chuyên nghiệp giúp soạn thảo khế ước.
7. a) Cần phải xem xét điều gì khác khi viết giao kèo? b) Tín đồ đấng Christ phải theo tinh thần nào trong các vấn đề thương nghiệp?
7 Khi dự thảo viết giấy thỏa thuận, hai bên cần phải nghĩ không chỉ về những mục tiêu, mà cả về những hậu quả có thể xảy ra, chẳng hạn như sẽ làm gì để hủy bỏ giao kèo nếu cần (Châm-ngôn 21:5). Tất cả những thương nghiệp đều có thể may rủi, và không có giấy tờ nào dự trù trước tất cả mọi hoàn cảnh có thể xảy ra. Nếu hoàn cảnh thay đổi, khế ước có thể cần được tu sửa hoặc thương lượng lại. Với thời gian một người có thể nhận thấy mình đã ký kết cách thiếu khôn ngoan và nay muốn kiếm cách rút lui đàng hoàng. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là vì chính mình đã phung phí hoặc quản trị bừa bãi để mang nợ và bây giờ muốn thoát thân. Vấn đề cần phải được thảo luận để xem có thể hủy bỏ giao kèo hay không và có giải pháp tài chánh nào cần được thực thi không. Tuy vậy, một người có lương tâm chắc chắn muốn làm hết sức mình trong phạm vi hợp lý để tôn trọng các trách nhiệm mình trong giao kèo, dù phải thay đổi mức sống một thời gian (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:12). Nếu một tín đồ đấng Christ muốn ăn ở thật đàng hoàng không chỗ trách được và thực hành sự công bình, người sẽ tìm cách làm đúng bổn phận như đã ký kết dù bị thiệt thòi, nhưng người làm thế để giữ được sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va. Người “thề-nguyện, dầu phải tổn-hại cũng không đổi-dời gì hết” (Thi-thiên 15:1-4). Trong mọi lối hành sự ấy tôi tớ của Đức Giê-hô-va cần phải “lấy lòng yêu-thương mà làm” (I Cô-rinh-tô 16:14).
8. Tại sao tính toán phí tổn trước khi tham gia công việc thương mại là tốt?
8 Vì lẽ đó điều tốt là nên tính toán kỹ lưỡng trước khi kinh doanh (Lu-ca 14:28-30). Có lẽ vài người có thể lạc quan nhào vô công việc thương mại để rồi bị thất bại như con tàu vấp phải đá ngầm. Chẳng hạn một số người nghĩ nếu họ đứng ra làm ăn riêng họ cũng kiếm được lời lãi như chủ nhân của họ. Nhưng họ quên nghĩ rằng quản trị một cơ sở không phải là việc dễ trong thị trường thương mại cạnh tranh dữ dội này. Mỗi năm có hàng chục ngàn cơ sở thương mại bị phá sản trên khắp thế giới. Vì thế, sau khi từng trải kinh nghiệm thất bại chua cay trong ngành thương mại, nhiều tín đồ đấng Christ trở lại làm công cho chủ và cảm thấy thảnh thơi hơn được lãnh lương đều đều.
Sự tôn trọng trong những liên lạc nghề nghiệp
9. Có một vài cách nào để tín đồ đấng Christ có thể tôn trọng lẫn nhau trong việc làm?
9 Rô-ma 12:10 nói: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau”. Những người tín đồ đấng Christ làm công biết kính nhường hẳn sẽ không lợi dụng vì chủ mình là một anh em Nhân-chứng Giê-hô-va, và không bắt chước thái độ của thế gian nghĩ rằng chủ nhân nếu không sao thì phải bỏ qua những thiếu sót của người làm công. Thay vì thế, những người làm công tôn trọng chủ sẽ muốn có thái độ tốt và siêng năng làm việc (I Ti-mô-thê 6:2). Bù lại, những tín đồ đấng Christ làm chủ muốn tôn trọng anh em cùng đạo làm công cho mình trong lời nói và cách đối xử với họ. Người làm chủ chớ bao giờ nên cảm thấy mình cao trọng hơn anh em cùng đạo làm công cho mình, nhưng phải nhớ rằng cả hai đều là tôi tớ của Đức Giê-hô-va; trước mắt Ngài họ ngang nhau (Ê-phê-sô 6:9). Ngoài ra, cả người làm chủ và người làm công phải luôn luôn nhớ lời khuyên ở Ga-la-ti 6:10: “Hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”.
10. Sự khiêm nhường giúp đỡ thế nào trong việc tỏ ra tôn trọng lẫn nhau?
10 Đối với những người khiêm nhường, tôn trọng lẫn nhau không phải là điều khó. Để thí dụ, một trưởng lão khiêm nhường trong một hội-thánh đấng Christ sẽ không thấy khó khi phải phục tùng một anh em cùng đức tin điều khiển nghiệp vụ, dù anh này không có cùng đặc ân như anh trong hội-thánh. Ngược lại, người làm chủ không thấy khó khi phải phục tùng người làm công cho mình là trưởng lão trong các hoạt động của hội-thánh. Sự khiêm nhường cũng giữ cho cả hai khỏi trở nên quá khe khắt, người này muốn người kia hoàn toàn, vì “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23; 12:3).
11. Tín đồ đấng Christ có thể tỏ tính đàng hoàng thế nào trong các giao dịch thương nghiệp?
11 Kinh-thánh cũng khuyên: “Hãy cho mọi người đều biết nết nhu-mì của anh em” (Phi-líp 4:5). Một tín đồ đấng Christ làm chủ không nên muốn được ưu đãi, cũng không nên đòi hỏi phải được phục vụ tốt hơn hoặc luôn luôn trả giá rẻ nhất chỉ vì người làm công là một anh em cùng đạo. Một tín đồ đấng Christ làm công cũng không nên nghĩ có quyền nghỉ phép thêm hay được những đặc ân khác như dùng máy móc hoặc xe hơi của chủ vì người làm chủ là anh em cùng đạo. Những việc đó: ưu đãi, phục vụ tốt hơn, trả giá rẻ hơn, cho nghỉ phép nhiều hơn có thể xảy ra, nhưng không phải là những điều nên đòi hỏi. Những đòi hỏi không hợp lý có thể gây ra xích mích giữa anh em tín đồ đấng Christ, làm hại cho sự liên lạc giữa họ (Châm-ngôn 18:19).
12. Tại nơi làm việc nên tỏ ra cẩn thận thế nào trong việc rao giảng làm chứng về Nước Trời?
12 Trong khi các tín đồ đấng Christ muốn nói cho những người không tin đạo về tin mừng Nước Trời, tại chỗ làm việc họ phải thận trọng để làm việc đó phải lúc (Truyền-đạo 3:1, 7). Nếu rao giảng cho người khác trong giờ làm việc, phải xin phép người chủ trước và được chấp thuận. Nếu không, người chủ có thể không bằng lòng, và người ta có thể chê trách danh Đức Giê-hô-va và dân tộc của Ngài (I Ti-mô-thê 6:1). Có nhiều lúc khác để rao giảng, chẳng hạn khi nghỉ việc ăn trưa hay khi nghỉ giải lao. Ngoài ra, khi có nhiều Nhân-chứng cùng làm chung một nơi, họ không nên để thì giờ trò chuyện với nhau về hoạt động thần quyền trong lúc họ đáng lý phải làm việc.
Canh chừng những động lực trong việc kinh doanh
13. Phao-lô và những người cho ông ở trọ tại Cô-rinh-tô có quan điểm nào về việc làm của họ ngoài đời?
13 Lúc ở Cô-rinh-tô sứ đồ Phao-lô ở trọ và làm việc chung với A-qui-la và Bê-rít-sin cùng là tín đồ đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 18:1-3). Họ làm việc để mưu sinh, nhưng đó là chuyện phụ; mục tiêu chính của họ là làm việc nhiều hơn trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chắc chắn người ta không thể bắt lỗi họ “coi sự tin-kính như là nguồn lợi [vật chất]” (I Ti-mô-thê 6:5). Cả ba người đã được Đức Giê-hô-va ban ân phước dồi dào và Kinh-thánh nói tốt về họ (Rô-ma 16:3-5).
14. a) Tại sao xem xét động lực trước khi kinh doanh là tốt? b) Ba Nhân-chứng nọ đã giải quyết thế nào vấn đề của họ?
14 Một tín đồ đấng Christ có thể tránh khỏi nhiều vấn đề khó khăn, nếu xem xét kỹ lưỡng những động lực trước khi dự vào một việc kinh doanh chung. Chẳng hạn, một tín đồ đấng Christ có thể muốn dành nhiều thì giờ hơn để phục vụ quyền lợi Nước Trời, trong khi người kinh doanh chung kia lại muốn kiếm tiền để nâng cao nếp sống của mình. Một người có lẽ muốn đầu tư lợi tức trở lại để phát triển công việc, nhưng người kia thì lại sẵn sàng đóng thuế nặng hơn và không đầu tư lợi tức để tránh bành trướng cơ sở. Tại một nước nọ có ba Nhân-chứng Giê-hô-va hùn vốn để kinh doanh và họ cũng có họ hàng với nhau. Nhưng dần dần họ thấy bất đồng quan điểm cũng như mức độ mỗi người muốn bỏ vào việc kinh doanh. Họ đồng ý quyết định chia tiền lời và phân chia khách hàng cho nhau. Nhờ đó họ bảo tồn mối liên lạc thiêng liêng và việc giao hảo giữa họ hàng của họ. Họ đã noi theo lời khuyên của Kinh-thánh là “tìm cách làm nên hòa-thuận và làm gương sáng cho nhau” (Rô-ma 14:19)
15. Tại sao chúng ta phải đặc biệt đề phòng những động lực của chúng ta về tiền bạc?
15 Cần phải đặc biệt đề phòng động lực của mình liên quan đến tiền bạc. Kinh-thánh quả quyết: “Người thành-thực sẽ được phước-lành nhiều; Còn kẻ nào vội làm giàu ắt sẽ chẳng khỏi bị phạt” (Châm-ngôn 28:20). Một tín đồ đấng Christ có thể vì “muốn nên giàu-có” mà trở nên mù quáng không còn nghĩ đến tình anh em trong đấng Christ—quí giá hơn bội phần. Việc này có thể làm hội-thánh mất sự hợp nhất vì những người khác sẽ không bằng lòng khi thấy người đó đặt tiền bạc lên trên quyền lợi của Nước Trời. Bởi vậy Kinh-thánh cảnh cáo: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất. Bởi chưng sự tham-tiền bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn” (I Ti-mô-thê 6:, 10).
16. Tất cả những vấn đề thương nghiệp cần phải diễn ra thế nào?
16 Một trong những cách mà “sự tham tiền-bạc” có thể đưa một tín đồ đấng Christ đến chỗ mất đức tin là thúc đẩy người dùng mánh khóe thương mại xấu xa hay bất lương rõ rệt. Khi những anh em tín đồ đấng Christ kinh doanh với một người như thế thì hậu quả có thể là mất sự hợp nhất. Và những mánh khóe thế ấy làm hại cho mối liên lạc của người đó với Đức Giê-hô-va. Hầu cho những giao dịch thương nghiệp luôn luôn tốt đẹp, điều quan trọng là nên nhớ rằng việc gian lận trong thương nghiệp “lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va” (Châm-ngôn 11:1; 20:23). Trái lại, tín đồ đấng Christ muốn có thể nói được như sứ đồ Phao-lô: “Chúng tôi biết mình chắc có lương-tâm tốt, muốn ăn-ở trọn-lành trong mọi sự” (Hê-bơ-rơ 13:18).
Giải quyết những vấn đề trong việc kinh doanh
17. Một số vấn đề nhỏ về thương nghiệp có thể giải quyết ra sao?
17 Vấn đề khó khăn có thể xảy ra trong mọi giao dịch thương nghiệp giữa anh em. Một số vấn đề nhỏ có thể được giải quyết bằng cách chỉ việc áp dụng nguyên tắc trong I Phi-e-rơ 4:8: “Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu-thương sốt-sắng; vì sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi”. Nếu vấn đề không được giải quyết ổn thỏa bằng cách đó thì cũng không nên để cho vấn đề kéo dài và trở nên trầm trọng thêm, với hậu quả là không còn kính trọng lẫn nhau và làm cách xa nhau. Thường thì giải pháp là thành thật nói chuyện tử tế với nhau về vấn đề trước khi tình thế xấu thêm. Kinh-thánh khuyên chúng ta hòa giải mau chóng (Ma-thi-ơ 5:23-25; Ê-phê-sô 4:26, 27).
18. Một tín đồ đấng Christ có thể làm gì nếu nghĩ đã bị một anh em cùng đạo làm thiệt thòi nặng trong thương nghiệp?
18 Tuy nhiên, khi một tín đồ đấng Christ nghĩ đã bị một anh em cùng đạo làm mình thiệt thòi nặng trong thương nghiệp, các giai đoạn ghi trong Ma-thi-ơ 18:15-17 cần phải được áp dụng triệt để. Giai đoạn thứ nhất hoặc thứ hai có lẽ giải quyết được vấn đề. Nếu không, giai đoạn thứ ba là nhờ các trưởng lão được bổ nhiệm xem xét sự việc. Nếu việc này xảy ra, các trưởng lão sẽ cố gắng khuyên anh em chớ nên kiện nhau ra tòa. Theo Phao-lô kiện một anh em cùng đức tin với mình ra tòa “là phải tội rồi”. Ông tiếp: “Sao chẳng chịu trái lẽ là hơn? Sao chẳng đành sự gian-lận là hơn!” (I Cô-rinh-tô 6:1-8). Tốt hơn nên chịu thiệt thòi về tài chánh thay vì làm hổ danh Đức Giê-hô-va và làm hội-thánh phải mang tiếng xấu và làm mất sự đoàn kết giữa anh em bằng cách kiện một người cùng đạo trước tòa án. Dĩ nhiên, dù không có kiện tụng trước tòa án, có lẽ hội-thánh cần phải hành động dưới hình thức này hay hình thức khác nếu việc có liên quan tới sự bất lương.
19. Các trưởng lão có thể nêu ra những gương tốt nào trong Kinh-thánh khi khuyên bảo về những vấn đề thương nghiệp?
19 Khi khuyên bảo những người gặp khó khăn về thương nghiệp, các trưởng lão có thể nêu ra gương vị tha của Áp-ra-ham khi gặp lủng củng với Lót. Áp-ra-ham dù lớn tuổi hơn đã tỏ ra tử tế nhường cho Lót quyền ưu tiên chọn đất để tránh làm hư hại cho tình bà con (Sáng-thế Ký 13:5-11). Các trưởng lão cũng có thể nói về gương tốt của Xa-chê. Ông sẵn sàng lấy phân nửa của cải mình cho người nghèo và lấy phân nửa kia bồi thường gấp bốn lần thiệt hại cho những người mà ông đã dùng cách cáo gian để tống tiền (Lu-ca 19:1-10; cũng xem I Cô-rinh-tô 10:24).
20, 21. Chúng ta phải đặc biệt ghi nhớ gì về hoạt động ngoài đời?
20 Quả là tốt biết bao khi tín đồ đấng Christ giải quyết hữu hiệu những vấn đề thương nghiệp bằng cách cẩn thận noi theo lời khuyên của Kinh-thánh! Do đó họ vẫn giữ sự đoàn kết với nhau ngay dù khi công việc kinh doanh thất bại. Mọi việc sẽ kết thúc tốt khi chúng ta luôn luôn ghi nhớ rằng đối với tín đồ đấng Christ những hoạt động ngoài đời là việc phụ so với quyền lợi Nước Trời và tình đoàn kết giữa anh em. Cũng tốt khi có thể thu xếp những công việc thương nghiệp sao cho có nhiều thì giờ hơn để lo cho những việc còn quan trọng hơn nhiều liên quan đến hoạt động Nước Trời (Ma-thi-ơ 6:33; so sánh Phi-líp 1:9, 10).
21 Do đó, mối liên lạc của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va và tình anh em trong đấng Christ mới là điều thật sự tối quan trọng trong đời sống của chúng ta (Ma-thi-ơ 22:36-39). Đừng bao giờ chúng ta muốn để cho ảnh hưởng của thế gian hay những chuyện thương nghiệp lấn áp liên lạc của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va và anh em vì tuyệt đối không có gì có thể sánh với liên lạc của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va hay bì kịp vẻ đẹp của tình đoàn kết giữa anh em chúng ta!
Câu hỏi để ôn lại
◻ Làm theo Kinh-thánh giúp cho những giao dịch thương nghiệp được vững mạnh thêm thế nào?
◻ Tại sao nên khôn ngoan hợp thức hóa những dịch vụ quan trọng?
◻ Tín đồ đấng Christ có thể tôn trọng lẫn nhau thế nào trong việc làm?
◻ Tại sao chúng ta phải xem xét động lực thúc đẩy chúng ta kinh doanh?
◻ Ta phải tỏ ra thái độ nào khi giải quyết những vấn đề về thương nghiệp?
[Hình nơi trang 12]
Áp-ra-ham thỏa thuận chính thức với Ép-rôn để mua một thửa đất
[Hình nơi trang 14]
Đối với Phao-lô, A-qui-la và Bê-rít-sin, làm việc để tự nuôi sống có tầm quan trọng phụ thuộc