Quan điểm của Kinh Thánh
Việc cho vay và mượn tiền giữa bạn bè
“KẺ ÁC MƯỢN, MÀ KHÔNG TRẢ LẠI; CÒN NGƯỜI CÔNG-BÌNH LÀM ƠN, VÀ BAN CHO”.—THI-THIÊN 37:21.
“ĐỪNG mượn mà cũng đừng cho vay; vì thường thường vừa mất tiền vừa mất cả bạn”. Nhà soạn kịch người Anh là William Shakespeare đã viết như trên, ông lặp lại một lời khôn ngoan đã có từ lâu đời. Đúng thế, ít yếu tố nào trong mối quan hệ giữa con người lại có khả năng nổ tung lên bằng việc vay hay cho mượn tiền. Cho dù dự tính hết sức kỹ càng và có ý định hết mực chân thành, sự việc không luôn xảy ra như mong muốn.—Truyền-đạo 9:11, 12.
Có thể nảy sinh những hoàn cảnh khiến người vay tiền khó lòng hay không thể làm tròn nghĩa vụ của mình. Hay là người chủ nợ có thể đột ngột cần đến món tiền mình cho vay. Khi những trường hợp như thế xảy ra, như Shakespeare vạch rõ, tình bạn và mối quan hệ có thể gặp hiểm nghèo.
Dĩ nhiên, một người có thể có lý do chính đáng để mượn tiền. Khi phải đối diện với sự thiếu hụt về tài chính do tai nạn nghiêm trọng gây ra hoặc do mất việc làm, người ấy có thể xem việc vay tiền là phương kế duy nhất. Kinh Thánh khuyến khích những người có khả năng nên giúp những ai túng thiếu khi có điều kiện. (Châm-ngôn 3:27) Điều này có thể bao gồm việc cho vay. Tuy nhiên, những tín đồ Đấng Christ dù vay hay cho vay phải quan niệm thế nào về bổn phận của mình?
Những nguyên tắc cần xem xét
Kinh Thánh không phải là quyển sách hướng dẫn tài chính. Nó không thảo luận tất cả các chi tiết mà việc vay hoặc cho vay có thể đòi hỏi. Những vấn đề chẳng hạn như có lấy lãi hay không và lãi bao nhiêu thì tùy vào những người trong cuộc.a Tuy nhiên, Kinh Thánh đã cung cấp những tiêu chuẩn rõ ràng và yêu thương; những tiêu chuẩn này phải ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của bất cứ ai mượn hay cho vay.
Hãy xem những nguyên tắc liên hệ đến người vay. Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ đừng “mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu-thương nhau mà thôi”. (Rô-ma 13:8) Dù rằng ở đây Phao-lô nói đến một nguyên tắc chung, nhưng lời khuyên của ông chắc chắn có thể hiểu là phải thận trọng trong việc mang nợ. Có khi thà không có tiền còn hơn là nợ một người nào khác. Tại sao thế? Châm-ngôn 22:7 giải thích như sau: “Kẻ nào mượn là tôi-tớ của kẻ cho mượn”. Người vay phải ý thức rằng mình có trách nhiệm cho đến khi trả xong món tiền. Trên nguyên tắc, tài sản mà anh có không hoàn toàn thuộc về mình. Trả nợ theo những điều khoản thỏa thuận phải là điều ưu tiên trong đời sống anh, nếu không thì rất có thể nảy sinh ra những khó khăn.
Thí dụ, khi thời gian trôi qua mà nợ không trả đúng lúc, thì người cho vay có thể trở nên bực bội. Chủ nợ có thể nghi ngờ những điều người vay làm, chẳng hạn như mua sắm quần áo, đi ăn nhà hàng, hay đi nghỉ hè. Sự giận hờn có thể phát sinh. Mối quan hệ giữa hai người và thậm chí giữa hai gia đình có thể căng thẳng hay tồi tệ hơn thế. Những hậu quả đáng buồn như thế có thể xảy ra nếu người vay không giữ lời hứa.—Ma-thi-ơ 5:37.
Nhưng nếu hoàn cảnh ngoài ý muốn thình lình xảy ra, không cho phép người vay giữ lời cam kết thì sao? Điều này có hủy bỏ món nợ không? Không hẳn vậy. Người viết Thi-thiên nói rằng người công bình “thề-nguyện, dầu phải tổn-hại cũng không đổi-dời gì hết”. (Thi-thiên 15:4) Trong trường hợp như vậy, cách xử sự khôn ngoan và yêu thương là người vay giải thích tình thế của mình cho chủ nợ ngay tức khắc. Rồi lúc đó họ có thể thỏa thuận về một số sắp đặt khác. Điều này sẽ bảo đảm hòa khí và làm hài lòng Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 133:1; 2 Cô-rinh-tô 13:11.
Thật ra, một người bộc lộ nhiều về mình qua cách người ấy lo liệu công nợ của mình. Một thái độ thờ ơ, hờ hững đối với việc trả nợ biểu hiện lòng thiếu quan tâm đến người khác. Trên thực tế, một người có thái độ đó biểu lộ sự ích kỷ—anh ta đặt các ước vọng và mong muốn của mình trên hết. (Phi-líp 2:4) Một người tín đồ Đấng Christ cố tình và chủ tâm không trả nợ thì gây nguy hại cho vị thế của mình trước mắt Đức Chúa Trời, và hành động của anh ta có thể biểu lộ một tấm lòng gian ác, tham lam.—Thi-thiên 37:21.
Người cho vay
Dù bổn phận chính đè nặng trên vai người vay, nhưng cũng có những nguyên tắc liên hệ đến người cho vay. Kinh Thánh cho thấy rằng nếu chúng ta có khả năng giúp người khốn khó, thì nên giúp. (Gia-cơ 2:14-16) Nhưng điều đó không có nghĩa là một người có bổn phận cho vay tiền, dù rằng người vay là một anh em thiêng liêng. Kinh Thánh nói: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình”.—Châm-ngôn 22:3.
Hiểu biết những cạm bẫy trong việc mượn và cho vay tiền, thì người tinh ý sẽ cân nhắc cẩn thận khi bất cứ người nào hỏi vay. Lời yêu cầu có chính đáng không? Người hỏi vay đã cân nhắc vấn đề kỹ càng chưa? Người vay có biết cách quản lý tài chính và được tiếng tốt không? Anh ấy có sẵn sàng ký giấy thỏa thuận những điều kiện của hợp đồng không? (So sánh Giê-rê-mi 32:8-14). Anh ấy có thật sự sẵn lòng trả lại không?
Điều này không gợi ý rằng tín đồ Đấng Christ nên từ chối lời vay của một người thiếu thốn vì anh ấy có vẻ như không trả được nợ. Bổn phận cá nhân của tín đồ Đấng Christ đối với người khác vượt hẳn ra ngoài phạm vi các thực hành thương mại hợp lý. Sứ đồ Giăng nói: “Nếu ai có của-cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng-túng mà chặt dạ, thì lòng yêu-mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!” Đúng thế, tín đồ Đấng Christ không chỉ biểu lộ lòng “yêu-mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”.—1 Giăng 3:17, 18.
Trong một số trường hợp, một người có thể quyết định không cho vay, nhưng anh có thể tặng món quà cho người anh em thiếu thốn hoặc giúp đỡ dưới hình thức khác. Theo một tinh thần tương tự, khi các khó khăn nảy sinh trong việc vay mượn, chủ nợ có thể quyết định hành động một cách nhân từ. Anh có thể xét đến cảnh ngộ đã thay đổi của người vay và gia hạn món nợ, giảm bớt tiền nợ, hoặc ngay cả hủy bỏ hoàn toàn món nợ. Đây là những vấn đề cá nhân mà mỗi người phải tự quyết định.
Tín đồ Đấng Christ nên nhớ rằng Đức Chúa Trời đang quan sát mọi việc; chúng ta có trách nhiệm với Ngài về cách xử sự và sử dụng của cải của mình. (Hê-bơ-rơ 4:13) Lời khuyên trong Kinh Thánh là mọi điều chúng ta làm, “hãy lấy lòng yêu-thương mà làm” tất nhiên là thích hợp với việc mượn và cho vay giữa bạn bè.—1 Cô-rinh-tô 16:14.
[Chú thích]
a Muốn có thêm tài liệu về việc lấy lãi khi cho vay, xin xem Tháp Canh (Anh Ngữ), số ra ngày 15-10-1991, trang 25-28.
[Hình nơi trang 13]
“Người đổi tiền và vợ ông” (1514), của Quentin Massys
[Nguồn tư liệu]
Scala/Art Resource, NY