BÀI TRANG BÌA
Tế bào của bạn—Thư viện sống!
Năm 1953, hai nhà sinh học phân tử là James Watson và Francis Crick đã công bố một khám phá. Khám phá này vô cùng thiết yếu cho kiến thức khoa học liên quan đến sự sống. Họ phát hiện cấu trúc chuỗi xoắn kép của ADN.a Chuỗi giống như sợi chỉ này thường được tìm thấy trong nhân tế bào, chứa thông tin mã hóa hay “văn bản”, có thể nói nó làm cho tế bào trở thành những thư viện sống. Khám phá đáng kinh ngạc này mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành sinh học! Nhưng “văn bản” trong các tế bào có mục đích gì? Điều thú vị hơn là làm sao nó xuất hiện ở đó?
TẠI SAO TẾ BÀO CẦN THÔNG TIN?
Có bao giờ bạn thắc mắc làm sao một hạt lại mọc lên thành một cây hoặc làm sao một trứng được thụ tinh lại phát triển thành một người? Có bao giờ bạn băn khoăn bạn thừa hưởng những đặc điểm từ cha mẹ như thế nào? Lời giải đáp liên quan đến thông tin được tìm thấy trong ADN.
Hầu hết mọi tế bào đều chứa ADN gồm các phân tử phức tạp giống như những thang xoắn dài. Trong gen người, tức bộ ADN hoàn chỉnh, các thang này chứa khoảng ba tỉ “bậc thang” hóa chất. Các nhà khoa học gọi các bậc thang hóa chất này là các cặp bazơ vì mỗi cặp được hình thành từ hai chất hóa học, trong tổng số bốn chất hóa học tạo nên ADN. Người ta dùng các ký tự đầu của mỗi chất, các chất này được viết tắt là A, C, G và T.b Năm 1957, ông Crick cho rằng chính thứ tự nối liền của các bậc hóa học đã tạo thành các thông tin mã hóa. Vào thập niên 1960, người ta bắt đầu giải mã những thông tin này.
Thông tin, dù dưới dạng hình ảnh, âm thanh hoặc từ ngữ đều có thể lưu trữ và xử lý được trong nhiều cách. Chẳng hạn, máy vi tính thực hiện tất cả những điều này bằng kỹ thuật số. Còn các tế bào thì lưu trữ và xử lý thông tin bằng phương thức hóa học, trong đó ADN là hợp chất chính yếu. ADN được chuyển tải khi tế bào phân chia và sinh vật sản sinh—những khả năng được xem là tính chất đặc trưng của sự sống.
Các tế bào sử dụng thông tin như thế nào? Hãy hình dung ADN được ví như một bộ sưu tập gồm nhiều công thức nấu ăn, mỗi công thức có các quá trình xử lý từng bước, mỗi bước được viết ra tỉ mỉ. Nhưng thay vì cho ra một cái bánh, nó có thể cho ra một bắp cải hay một con bò. Dĩ nhiên, trong các tế bào, quá trình này diễn ra hoàn toàn tự động nên vô cùng phức tạp và kỳ diệu.
Thông tin trong một tế bào vi khuẩn tương đương cuốn sách dày 1.000 trang
Thông tin di truyền được lưu trữ cho đến khi cần, có lẽ để thay thế những tế bào lão hóa hoặc bị bệnh bằng tế bào mới, hoặc để truyền đặc điểm cho con cháu. ADN chứa bao nhiêu thông tin? Hãy xem một trong những sinh vật nhỏ nhất là vi khuẩn. Nhà khoa học người Đức là Bernd-Olaf Küppers cho biết: “Nói theo ngôn ngữ con người, lượng thông tin chứa trong phân tử quy định cấu trúc của một tế bào vi khuẩn thì tương đương với cuốn sách dày một ngàn trang”. Giáo sư hóa học David Deamer có lý do chính đáng để viết: “Người ta kinh ngạc trước sự phức tạp của hình thái sự sống đơn giản nhất”. Còn bộ gen con người thì sao? Ông Küppers cho biết: “[Nó] giống như một thư viện chứa hàng ngàn bộ sách”.
“ĐƯỢC VIẾT THEO CÁCH CHÚNG TA CÓ THỂ HIỂU”
Ông Küppers cho biết văn bản trong ADN được ví như một ngôn ngữ. Ông nói, như ngôn ngữ của con người, ngôn ngữ này cũng có những “từ” được sắp xếp theo đúng trình tự. Nói đơn giản, ADN có “văn phạm” hay bộ quy tắc, chi phối nghiêm ngặt mọi hướng dẫn cụ thể và chi tiết, thường là để sản xuất protein.
Những “từ” và “câu” trong ADN hợp thành nhiều “công thức”. Công thức này hướng dẫn việc sản xuất protein và những chất khác để tạo các chất cơ bản trong các loại tế bào giúp hình thành cơ thể. Chẳng hạn, “công thức” này có thể hướng dẫn việc sản xuất tế bào xương, tế bào cơ, tế bào thần kinh hoặc tế bào da. Nhà sinh vật học về tiến hóa tên Matt Ridley viết: “Sợi ADN chứa thông tin, một thông điệp được viết dưới dạng mật mã bằng hóa chất, mỗi hóa chất tượng trưng cho một ký tự. Thật khó tin đây là sự thật, nhưng mật mã này lại được viết theo cách chúng ta có thể hiểu”.
Một trong những người viết Kinh Thánh tên Đa-vít đã cầu nguyện Đức Chúa Trời: “Mắt ngài đã thấy khi con mới là phôi thai; sách ngài có ghi hết thảy các phần nó” (Thi- thiên 139:16, NW). Dĩ nhiên, Đa-vít đang dùng ngôn ngữ thơ ca, nhưng về nguyên tắc, ông hoàn toàn đúng. Đây là nét đặc trưng của những người viết Kinh Thánh. Họ không để những câu truyện dân gian hoặc thần thoại ảnh hưởng một chút nào đến mình.—2 Sa-mu-ên 23:1, 2; 2 Ti-mô-thê 3:16.
LÀM SAO VĂN BẢN LẠI XUẤT HIỆN Ở ĐÓ?
Thường khi các nhà khoa học giải thích một điều bí ẩn, thì lại có những bí ẩn khác. Việc khám phá ADN cũng thế. Khi biết ADN chứa thông tin được mã hóa, nhiều người thắc mắc: “Làm sao thông tin này lại xuất hiện ở đó?”. Dĩ nhiên, không ai thấy được việc hình thành phân tử ADN đầu tiên. Thế nên, chúng ta phải tự rút ra kết luận, nhưng không nên võ đoán. Hãy xem những thí dụ sau đây.
Năm 1999, ở Pakistan, người ta phát hiện mảnh gốm cổ có những dấu, hay biểu tượng khác thường. Không ai lý giải được điều này. Tuy nhiên, chúng được xem là do con người tạo ra.
Vài năm sau khi Watson và Crick khám phá chuỗi ADN, có hai nhà vật lý đã đề xuất việc tìm kiếm tín hiệu sóng vô tuyến từ vũ trụ. Vì thế, người ta bắt tay vào công cuộc tìm kiếm trí thông minh ngoài trái đất.
Điều này có nghĩa gì? Người ta quy thông tin cho một trí thông minh nào đó dù thông tin ấy dưới dạng biểu tượng trên đất sét hoặc tín hiệu ngoài không gian. Họ không cần xem xét thông tin được tạo ra như thế nào để đi đến kết luận. Tuy nhiên, khi người ta biết và khám phá mật mã phức tạp nhất, mật mã hóa chất của sự sống, nhiều người lờ đi sự thật là cần có một trí thông minh để tạo ra thông tin, họ cho rằng ADN là kết quả của một tiến trình vô thức. Điều này có hợp lý không? Có nhất quán không? Có căn cứ khoa học không? Một số nhà khoa học nổi tiếng đã nói “không”, trong đó có tiến sĩ Gene Hwang và giáo sư Yan-Der Hsuuw. Hãy xem họ nói gì.
Tiến sĩ Gene Hwang nghiên cứu về di truyền học dựa trên cơ sở toán học. Có thời gian ông tin nơi thuyết tiến hóa, nhưng qua cuộc nghiên cứu, ông đã thay đổi quan điểm. Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Tỉnh Thức!, ông cho biết: “Việc nghiên cứu về di truyền học đã giúp tôi hiểu biết thêm về cơ chế sự sống, điều này khiến tôi vô cùng kinh ngạc trước sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa”.
Giáo sư Yan-Der Hsuuw là giám đốc trung tâm nghiên cứu phôi thai tại Trường Đại học Quốc gia Khoa học Công nghệ Bình Đông, Đài Loan. Trước đây ông cũng tin thuyết tiến hóa, nhưng qua cuộc nghiên cứu, ông đã đi đến kết luận ngược lại. Nói về việc phân chia và biệt hóa của tế bào, ông cho biết: “Những tế bào thích hợp phải được sản sinh theo đúng trình tự và đúng vị trí. Trước tiên, tế bào tập hợp thành mô, mô sẽ tập hợp thành các bộ phận và chi. Có kỹ sư nào lại không muốn trở thành tác giả của những văn bản chỉ dẫn theo một tiến trình như thế? Nhưng các chỉ dẫn cho sự phát triển phôi thai được viết trong ADN cách đáng kinh ngạc. Khi xem xét mọi sự diệu kỳ này, tôi tin chắc rằng sự sống do Đức Chúa Trời thiết kế”.
CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHÚNG TA KHÔNG?
Thẳng thắn mà nói là có! Nếu Đức Chúa Trời tạo ra sự sống, thì ngài xứng đáng được tôn vinh, chứ không phải thuyết tiến hóa (Khải huyền 4:11). Hơn nữa, nếu chúng ta là tạo vật của Đấng Tạo Hóa khôn ngoan, thì việc chúng ta hiện hữu là có mục đích. Nếu sự sống của chúng ta là kết quả của một quá trình vô thức, thì cuộc sống này không có ý nghĩa gì cả.c
Thật vậy, nhiều người khao khát biết được những câu trả lời thỏa đáng. Ông Viktor Frankl, giáo sư khoa thần kinh và tâm thần, cho biết: “Tìm kiếm ý nghĩa trong đời sống là động cơ chính yếu của con người”. Nói cách khác, chúng ta khao khát và muốn thỏa mãn nhu cầu tâm linh, và nhu cầu này chỉ có khi chúng ta được Đức Chúa Trời tạo ra. Nhưng nếu chúng ta là tác phẩm của Đức Chúa Trời, thì ngài có ban cho chúng ta cách để đáp ứng nhu cầu tâm linh không?
Chúa Giê-su Ki-tô giải đáp câu hỏi ấy: “Loài người sống không chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng còn nhờ mọi lời phán ra từ miệng Đức Giê-hô-va [Đức Chúa Trời]” (Ma-thi-ơ 4:4). Lời của Đức Giê-hô-va, được ghi trong Kinh Thánh, đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của hàng triệu người, giúp đời sống họ có ý nghĩa và cho họ hy vọng về tương lai (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Mong rằng bạn cũng được như thế. Cuốn Kinh Thánh thật đáng để bạn xem xét.
a Watson và Crick nghiên cứu về ADN dựa trên công trình của các nhà nghiên cứu đi trước. ADN là chữ viết tắt của cụm từ acid deoxyribonucleic.—Xem khung “ADN—Các năm then chốt”.
b Ký tự này viết tắt cho từ adenine, cytosine, guanine và thymine.
c Thắc mắc về sự sống do sáng tạo hay do tiến hóa được thảo luận đầy đủ hơn trong sách mỏng Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng và sách mỏng Sự sống—Do sáng tạo?. Sách có trên www.jw.org/vi.