Độc giả thắc mắc
Trong lần hiệu đính năm 2013 của “Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới” (Anh ngữ), Thi thiên 144:12-15 được áp dụng cho dân của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, theo cách dịch cũ thì đoạn Kinh Thánh này áp dụng cho dân ngoại gian ác được nhắc đến trong câu 11. Tại sao lại có sự điều chỉnh này?
Cách diễn đạt của đoạn này trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ cho phép dịch theo hai cách trên. Cách dịch trong lần hiệu đính năm 2013 căn cứ vào một số yếu tố sau:
Cách dịch này dựa trên cấu trúc ngữ pháp và từ vựng trong nguyên ngữ. Mối liên hệ giữa Thi thiên 144:12-15 và những câu trước đó phụ thuộc vào nghĩa của từ đầu tiên trong câu 12. Từ này trong tiếng Hê-bơ-rơ là asher. Asher có thể được dịch theo một số cách. Chẳng hạn, nó có thể được hiểu là đại từ quan hệ. Đó là cách dịch của từ asher trước lần hiệu đính năm 2013. Theo cách dịch này, những điều tốt đẹp trong câu 12 đến 14 đã được áp dụng cho người gian ác được nhắc đến trong những câu trước đó. Tuy nhiên, từ asher cũng có thể được dùng để chỉ kết quả và được dịch là “để”, “hầu” hoặc “bấy giờ”. Cụm từ “bấy giờ” được dùng trong lần hiệu đính năm 2013 và trong những bản dịch khác.
Cách dịch này phù hợp với phần còn lại của bài Thi thiên 144. Việc dùng từ “bấy giờ” trong câu 12 nghĩa là các ân phước trong câu 12 đến 14 được áp dụng cho người công chính, là những người xin được giải thoát khỏi kẻ gian ác (câu 11). Việc điều chỉnh cách dịch cũng được thấy trong câu 15. Hiện nay trong câu này, cụm từ “hạnh phúc” xuất hiện hai lần theo nghĩa tích cực và được áp dụng cho cùng một nhóm người, đó là những người “có Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời!”. Cũng hãy nhớ rằng văn bản nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ không có dấu câu. Vì thế, người dịch phải xác định nghĩa nào là đúng, xem xét lối viết thơ trong tiếng Hê-bơ-rơ, văn cảnh và đoạn Kinh Thánh có liên quan.
Cách dịch này phù hợp với những đoạn Kinh Thánh khác nói về ân phước của Đức Chúa Trời dành cho dân trung thành của ngài. Nhờ điều chỉnh cách dịch của từ asher, bài Thi thiên hiện nay phản ánh hy vọng vững chắc của Đa-vít, đó là sau khi Đức Chúa Trời giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay kẻ thù thì ngài sẽ ban cho họ đời sống hạnh phúc và thịnh vượng (Lê 26:9, 10; Phục 7:13; Thi 128:1-6). Chẳng hạn, Phục truyền luật lệ 28:4 nói: “Con cái anh em, sản vật từ đất của anh em, con của bầy súc vật cùng bò con và cừu con của anh em sẽ được ban phước”. Quả thật, trong triều đại của con trai Đa-vít là Sa-lô-môn, dân Y-sơ-ra-ên hưởng sự bình an và thịnh vượng chưa từng có trước đó. Một số điểm về triều đại Sa-lô-môn cũng cho thấy trước về sự cai trị của Đấng Mê-si.—1 Vua 4:20, 21; Thi 72:1-20.
Vậy việc điều chỉnh cách dịch trong bài Thi thiên 144 không làm thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về giáo lý trong Kinh Thánh. Sự điều chỉnh này giúp cả bài Thi thiên 144 phản ánh rõ ràng hơn hy vọng mà các tôi tớ của Đức Giê-hô-va ấp ủ bấy lâu nay, đó là ngài sẽ hủy diệt kẻ ác và mang lại sự bình an cũng như thịnh vượng cho người công chính.—Thi 37:10, 11.