Đức Giê-hô-va đầy lòng yêu thương trung tín
“Đức Giê-hô-va... đầy sự nhân-từ [“yêu thương trung tín”, “NW”]”.—THI-THIÊN 145:8.
1. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời bao la đến độ nào?
“ĐỨC CHÚA TRỜI là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Câu làm ấm lòng này chứng tỏ cách cai trị của Đức Chúa Trời dựa trên tình yêu thương. Thật vậy, ngay cả những người không vâng lời Ngài cũng được lợi ích từ mặt trời và mưa mà Ngài đã yêu thương cung cấp! (Ma-thi-ơ 5:44, 45) Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, ngay cả những kẻ thù của Ngài cũng có thể ăn năn, quay lại với Ngài, và được sự sống. (Giăng 3:16) Tuy nhiên, chẳng còn bao lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt những kẻ ác bất trị để những người yêu thương Ngài có thể hưởng được sự sống đời đời trong một thế giới mới công bình.—Thi-thiên 37:9-11, 29; 2 Phi-e-rơ 3:13.
2. Đức Giê-hô-va tỏ khía cạnh đặc biệt nào của tình yêu thương đối với những người đã dâng mình cho Ngài?
2 Đức Giê-hô-va bày tỏ tình yêu thương một cách cao quý và lâu dài với những người chân thật thờ phượng Ngài. Tình yêu thương đó được miêu tả bằng từ Hê-bơ-rơ được dịch là “yêu thương nhân từ”, tức “yêu thương trung tín”. Vua Đa-vít của Y-sơ-ra-ên xưa đã hết sức quý trọng sự yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời. Nhờ kinh nghiệm cá nhân và suy ngẫm về cách Đức Chúa Trời đối xử với người khác, Đa-vít đã có thể tin tưởng hát: “Đức Giê-hô-va... đầy sự nhân-từ [“yêu thương trung tín”, NW]”.—Thi-thiên 145:8.
Nhận diện những người trung thành của Đức Chúa Trời
3, 4. (a) Thi-thiên 145 giúp chúng ta thế nào để nhận diện những người trung thành của Đức Giê-hô-va? (b) Làm sao những người trung thành của Đức Chúa Trời “chúc-tụng” Ngài?
3 Về Giê-hô-va Đức Chúa Trời, mẹ của nhà tiên tri Sa-mu-ên là An-ne nói: “Ngài gìn giữ bước đi của người trung thành với Ngài”. (1 Sa-mu-ên 2:9, Bản Diễn Ý) Ai là những “người trung thành” đó? Vua Đa-vít đã cho câu trả lời. Sau khi tán dương những đức tính tuyệt hảo của Đức Giê-hô-va, ông nói: “Những người thánh [“trung thành”, NW] Ngài cũng sẽ chúc-tụng Ngài”. (Thi-thiên 145:10) Có lẽ bạn thắc mắc làm sao loài người có thể chúc tụng Đức Chúa Trời? Họ làm điều này chủ yếu bằng cách ngợi khen Ngài.
4 Có thể nhận diện những người trung thành của Đức Giê-hô-va qua việc họ dùng môi miệng để ca tụng Ngài. Trong những cuộc họp mặt giải trí, và tại buổi họp của đạo Đấng Christ, họ thường bàn luận về đề tài nào? Tất nhiên là về Nước của Đức Giê-hô-va! Những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời có cùng cảm giác như Đa-vít, người đã hát: “Họ sẽ nói về sự vinh-hiển nước Chúa [Đức Giê-hô-va], thuật lại quyền-năng của Chúa”.—Thi-thiên 145:11.
5. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va chú ý khi những người trung thành ca tụng Ngài?
5 Đức Giê-hô-va có lắng nghe khi những người trung thành ca ngợi Ngài không? Có, Ngài chú ý đến những gì họ nói. Trong một lời tiên tri liên hệ đến sự thờ phượng thật ngày nay, Ma-la-chi viết: “Bấy giờ những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài”. (Ma-la-chi 3:16) Đức Giê-hô-va rất vui lòng khi những người trung thành ca tụng Ngài và Ngài nhớ đến họ.
6. Hoạt động nào giúp chúng ta nhận diện những người trung thành của Đức Chúa Trời?
6 Những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va cũng có thể được nhận diện qua lòng can đảm và chủ động trong việc làm chứng cho những người không thờ phượng Đức Chúa Trời thật. Quả thật, những người trung thành của Đức Chúa Trời “tỏ ra cho con loài người biết việc quyền-năng của Chúa, và sự vinh-hiển oai-nghi của nước Ngài”. (Thi-thiên 145:12) Bạn có tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để nói với những người chưa tin về vương quyền của Đức Giê-hô-va không? Không giống những chính phủ loài người sắp sửa qua đi, vương quyền của Ngài còn đến muôn đời. (1 Ti-mô-thê 1:17) Cho người ta biết về vương quyền muôn đời của Đức Giê-hô-va để họ đứng về phía những người ủng hộ vương quyền đó là điều cấp bách. Đa-vít hát: “Nước Chúa là nước có đời đời, quyền cai-trị của Chúa còn đến muôn đời”.—Thi-thiên 145:13.
7, 8. Điều gì đã xảy ra vào năm 1914, và có bằng chứng nào cho thấy Đức Chúa Trời hiện đang cai trị qua Nước của Con Ngài?
7 Từ năm 1914 còn có thêm lý do để loan báo về vương quyền của Đức Giê-hô-va. Vào năm đó, Đức Chúa Trời thành lập Nước của Đấng Mê-si trên trời, với Giê-su Christ, Con vua Đa-vít, là Vua. Làm thế, Đức Giê-hô-va đã thực hiện lời hứa của Ngài là vương quyền của Đa-vít sẽ được lập vững bền cho đến muôn đời.—2 Sa-mu-ên 7:12, 13; Lu-ca 1:32, 33.
8 Bằng chứng Đức Giê-hô-va hiện đang cai trị qua trung gian Nước của Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, được thấy qua sự kiện điềm hiện diện của ngài đang được ứng nghiệm. Đặc điểm nổi bật nhất của điềm là công việc mà Chúa Giê-su đã tiên tri tất cả những người trung thành của Đức Chúa Trời sẽ thực hiện. Ngài nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:3-14) Vì sốt sắng thực hiện lời tiên tri này, những người trung thành của Đức Chúa Trời gồm hơn sáu triệu người, đàn ông, đàn bà và trẻ em hiện đang góp phần vào công việc to lớn, không bao giờ sẽ lặp lại này. Sự cuối cùng sắp sửa đến trên tất cả những người chống đối Nước của Đức Giê-hô-va.—Khải-huyền 11:15, 18.
Quyền cai trị của Đức Giê-hô-va đem lại lợi ích
9, 10. Có sự tương phản nào giữa Đức Giê-hô-va và những nhà cai trị loài người?
9 Nếu chúng ta là những tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, mối quan hệ với Chúa Tối Thượng Giê-hô-va đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích. (Thi-thiên 71:5; 116:12) Thí dụ, vì chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời và thực hành sự công bình nên chúng ta được Ngài chấp nhận và gần gũi với Ngài về mặt thiêng liêng. (Công-vụ 10:34, 35; Gia-cơ 4:8) Ngược lại, người ta thường thấy những nhà cai trị loài người giao thiệp với những người có quyền thế địa vị như là những lãnh đạo quân đội, các nhà kinh doanh giàu có, hoặc những ngôi sao trong ngành thể thao và giải trí. Theo một tờ báo Phi Châu Sowetan, một viên chức chính phủ cao cấp nói những lời sau đây về những vùng nghèo xơ xác trong xứ ông: “Tôi hiểu tại sao đa số chúng ta không muốn đến những vùng đó. Ấy chỉ là vì chúng ta muốn quên đi những tình trạng như thế tồn tại. Nó làm lương tâm chúng ta khó chịu và cảm thấy ngượng vì những chiếc xe hơi đắt tiền mình lái”.
10 Dĩ nhiên một số những người cai trị thành thật quan tâm đến phúc lợi của dân. Nhưng ngay cả người đáng trọng nhất trong vòng họ cũng không biết rõ dân chúng. Quả thật, chúng ta có thể hỏi: Có một nhà cai trị nào quan tâm đến tất cả dân chúng của mình đến độ nhanh chóng đến giúp mỗi người khi họ gặp khó khăn không? Có, Đa-vít viết: “Đức Giê-hô-va nâng-đỡ mọi người sa-ngã, và sửa ngay lại mọi người cong-khom [“gục xuống”, Nguyễn Thế Thuấn]”.—Thi-thiên 145:14.
11. Những thử thách nào xảy ra cho những người trung thành của Đức Chúa Trời và họ có sự giúp đỡ nào?
11 Nhiều thử thách và hoạn nạn xảy ra cho những người trung thành của Giê-hô-va Đức Chúa Trời vì sự bất toàn của chính họ và vì họ sống trong một thế gian phục dưới quyền của “ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19; Thi-thiên 34:19) Tín đồ Đấng Christ cũng gặp nghịch cảnh. Một số bị những bệnh mãn tính hoặc mất người thân. Đôi khi, lỗi lầm của những người trung thành của Đức Giê-hô-va khiến họ “gục xuống” trong sự nản lòng. Tuy nhiên, dù thử thách nào đến với họ, Đức Giê-hô-va cũng luôn luôn sẵn sàng an ủi và ban sức mạnh thiêng liêng cho mỗi người gặp cảnh ngộ như thế. Vua Giê-su Christ cũng có một lòng quan tâm đầy yêu thương cho những người trung thành của Ngài.—Thi-thiên 72:12-14.
Thức ăn đúng lúc và thỏa lòng
12, 13. Đức Giê-hô-va cung cấp nhu cầu cho “mọi loài sống” đầy đủ đến mức nào?
12 Vì lòng yêu thương nhân từ, Đức Giê-hô-va cung cấp cho mọi nhu cầu của tôi tớ Ngài. Điều này bao gồm việc thỏa mãn họ với thức ăn bổ dưỡng. Vua Đa-vít viết: “Con mắt muôn vật đều ngửa-trông Chúa, Chúa ban cho chúng đồ-ăn tùy theo thì. Chúa xòe tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống”. (Thi-thiên 145:15, 16) Ngay cả trong lúc hoạn nạn, Đức Giê-hô-va có thể lo liệu mọi việc sao cho những người trung thành được “ngày nào đủ bánh ngày ấy”.—Lu-ca 11:3; 12:29, 30.
13 Đa-vít đề cập đến việc “mọi loài sống” được thỏa nguyện. Điều này bao hàm các thú vật. Nếu không nhờ sự kiện trái đất đầy dẫy rau quả và thực vật dưới biển thì các động vật dưới nước, chim chóc và thú vật trên đất không thể nào có dưỡng khí để thở và vật thực để ăn. (Thi-thiên 104:14) Tuy nhiên Đức Giê-hô-va lo liệu sao cho mọi nhu cầu của chúng được thỏa nguyện.
14, 15. Ngày nay thức ăn thiêng liêng được cung cấp như thế nào?
14 Không giống như thú vật, loài người có nhu cầu thiêng liêng. Đức Giê-hô-va thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của những người trung thành với Ngài một cách tuyệt diệu biết bao! Trước khi chết, Chúa Giê-su hứa rằng “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” sẽ cung cấp “đồ-ăn đúng giờ” cho môn đồ của Ngài. (Ma-thi-ơ 24:45) Phần còn sót lại trong số 144.000 người được xức dầu hợp thành lớp đầy tớ đó ngày nay. Qua lớp người này, Đức Giê-hô-va quả đã cung cấp thức ăn thiêng liêng dư dật.
15 Thí dụ, đa số dân Đức Giê-hô-va ngày nay được lợi ích từ một bản dịch Kinh Thánh mới và chính xác bằng ngôn ngữ của họ. Bản New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới) quả là một ân phước tuyệt vời! Ngoài ra, hàng triệu các ấn phẩm giúp hiểu Kinh Thánh tiếp tục được phát hành trên 300 thứ tiếng. Tất cả những thức ăn thiêng liêng này là ân phước cho những người thờ phượng thật trên đất. Ai đáng được ngợi khen về tất cả những điều này? Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Với lòng đầy yêu thương nhân từ, Ngài đã cho lớp đầy tớ cung cấp “đồ-ăn tùy theo thì”. Nhờ những sự sắp đặt đó, Đức Chúa Trời “làm cho thỏa nguyện mọi loài sống” trong địa đàng thiêng liêng ngày nay . Và tôi tớ Đức Giê-hô-va vui mừng biết bao về hy vọng sắp được thấy trái đất biến thành địa đàng xinh đẹp!—Lu-ca 23:42, 43.
16, 17. (a) Thí dụ nào cho thấy thức ăn thiêng liêng đến đúng lúc? (b) Thi-thiên 145 miêu tả thế nào về cảm giác của những người trung thành của Đức Chúa Trời đối với vấn đề chính yếu do Sa-tan nêu ra?
16 Hãy xem một thí dụ đáng lưu ý về việc thức ăn thiêng liêng nhận được đúng lúc. Vào năm 1939, Thế Chiến II khởi đầu ở Âu Châu. Cùng năm ấy, tạp chí Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 1 tháng 11 có bài tựa đề “Sự trung lập”. Nhờ những thông tin được trình bày rõ ràng, kết quả là Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn thế giới hiểu được việc cần phải giữ sự trung lập hoàn toàn đối với những hoạt động của các nước tham chiến. Điều này đã khiến họ bị chính phủ hai bên trong cuộc chiến sáu năm đó tức giận. Tuy nhiên, bất kể bị cấm đoán và ngược đãi, những người trung thành của Đức Chúa Trời tiếp tục rao truyền tin mừng về Nước Trời. Từ năm 1939 đến 1946, họ được ban phước có sự gia tăng lạ lùng đến 157 phần trăm. Ngoài ra, thành tích trung kiên xuất sắc của họ trong cuộc chiến đó tiếp tục giúp người khác nhận ra đạo thật.—Ê-sai 2:2-4.
17 Đồ ăn thiêng liêng Đức Giê-hô-va cung cấp không những đúng lúc mà còn đầy thỏa nguyện. Trong Thế Chiến II, khi các nước chiến tranh kịch liệt, dân của Đức Giê-hô-va được giúp để tập trung vào việc quan trọng hơn là việc họ được cứu rỗi. Đức Giê-hô-va giúp họ hiểu vấn đề chính yếu liên hệ đến cả vũ trụ, về quyền cai trị chính đáng của Ngài. Thật thỏa nguyện làm sao khi biết rằng bằng cách trung thành, mỗi Nhân Chứng Giê-hô-va góp một phần nhỏ trong việc biện minh cho quyền cai trị của Đức Giê-hô-va và chứng tỏ Ma-quỉ là kẻ nói dối! (Châm-ngôn 27:11) Không như Sa-tan, kẻ vu khống Đức Giê-hô-va và cách cai trị của Ngài, những người trung thành của Đức Giê-hô-va tiếp tục rao truyền công khai: “Đức Giê-hô-va là công-bình trong mọi đường Ngài”.—Thi-thiên 145:17.
18. Gần đây có thí dụ nào về thức ăn thiêng liêng vừa đúng giờ vừa đầy thỏa nguyện?
18 Một thí dụ khác về thức ăn thiêng liêng thỏa nguyện đúng lúc là sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va được ra mắt tại hàng trăm Đại Hội Địa Hạt “Những người sốt sắng rao giảng Nước Trời” diễn ra trên khắp thế giới vào năm 2002/2003. Sách này được “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” xuất bản và được Nhân Chứng Giê-hô-va phát hành, nhấn mạnh đến những đức tính tuyệt hảo của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, gồm có những đức tính được nói trong Thi-thiên 145. Cuốn sách tuyệt vời này chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp những người trung thành của Đức Chúa Trời đến gần Ngài hơn.
Thời kỳ để đến gần Đức Giê-hô-va hơn
19. Thời kỳ quyết liệt nào gần đến và làm sao chúng ta có thể đối phó với nó?
19 Giai đoạn quyết liệt để giải quyết vấn đề quyền cai trị của Đức Giê-hô-va gần đến. Như được báo trước trong Ê-xê-chi-ên chương 38, Sa-tan sắp sửa sẽ hoàn tất vai trò của hắn là “Gót ở đất Ma-gốc”. Điều này bao hàm việc tấn công vào dân tộc của Đức Giê-hô-va trên toàn thế giới. Đây là một cuộc tổng tấn công của Sa-tan nhằm phá đổ lòng trung kiên của những người trung thành với Đức Chúa Trời. Đó là lúc những người thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ cần phải cầu khẩn, ngay cả van xin sự giúp đỡ của Ngài tha thiết hơn bao giờ hết. Sự tôn kính Đức Chúa Trời và lòng yêu thương của họ đối với Ngài có vô ích không? Chắc chắn không, vì Thi-thiên 145 nói: “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu-khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành-thực cầu-khẩn Ngài. Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính-sợ Ngài; cũng nghe tiếng kêu-cầu của họ, và giải-cứu cho. Đức Giê-hô-va bảo-hộ những kẻ yêu-mến Ngài, song hủy-diệt những kẻ ác”.—Thi-thiên 145:18-20.
20. Thi-thiên 145:18-20 chứng tỏ đúng như thế nào trong tương lai gần đây?
20 Quả là phấn khích khi cảm nghiệm được sự gần gũi của Đức Giê-hô-va và quyền năng cứu rỗi của Ngài khi Ngài hủy diệt tất cả những người ác! Vào thời kỳ quyết liệt đó, hiện nay rất gần kề, Đức Giê-hô-va chỉ lắng nghe những “người có lòng thành-thực cầu-khẩn Ngài”. Ngài chắn chắn chắc chắn không nghe những người giả hình. Lời Đức Chúa Trời rõ ràng cho thấy người ác kêu cầu danh Ngài vào giờ phút cuối cùng cũng chỉ là vô ích.—Châm-ngôn 1:28, 29; Mi-chê 3:4; Lu-ca 13:24, 25.
21. Những người trung thành của Đức Giê-hô-va cho thấy họ vui thích nhắc đến danh Đức Chúa Trời như thế nào?
21 Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc mà những người kính sợ Đức Giê-hô-va “thành-thực cầu-khẩn Ngài”. Những người trung thành của Ngài vui thích nhắc đến danh Ngài trong lời cầu nguyện và trong những lời bình luận tại buổi họp. Họ nhắc đến danh Đức Chúa Trời trong những cuộc nói chuyện riêng và họ cũng can đảm tuyên xưng danh Đức Giê-hô-va khi rao giảng công khai.—Rô-ma 10:10, 13-15.
22. Tại sao chống cự thái độ và ham muốn của thế gian là điều trọng yếu?
22 Để tiếp tục được lợi ích từ mối quan hệ mật thiết với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, điều trọng yếu là chúng ta thường xuyên chống cự những điều gây tai hại về thiêng liêng như là chủ nghĩa duy vật, sự giải trí không lành mạnh, tinh thần cố chấp không tha thứ hoặc sự thờ ơ đối với những người cùng khốn. (1 Giăng 2:15-17; 3:15-17) Nếu không sửa đổi, những sự theo đuổi và tính xấu đó có thể đưa đến việc thực hành tội nghiêm trọng và cuối cùng mất đi sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va. (1 Giăng 2:1, 2; 3:6) Điều khôn ngoan là ghi nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục tỏ lòng yêu thương nhân từ, tức yêu thương trung tín, đối với chúng ta chỉ khi nào chúng ta giữ lòng trung thành với Ngài.—2 Sa-mu-ên 22:26.
23. Tương lai huy hoàng nào chờ đón tất cả những người trung thành của Đức Chúa Trời?
23 Vậy chúng ta hãy tập trung tư tưởng vào tương lai huy hoàng đang chờ đón những người trung thành của Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, chúng ta có triển vọng tuyệt diệu được ở trong số những người sẽ tôn vinh và ca ngợi Đức Giê-hô-va “hằng ngày” và “đến đời đời vô-cùng”. (Thi-thiên 145:1, 2) Do đó, mong rằng chúng ta ‘giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời cho được sự sống đời đời’. (Giu-đe 20, 21) Trong khi chúng ta tiếp tục gặt hái lợi ích từ những đức tính tuyệt vời của Cha trên trời—bao hàm tính đầy yêu thương nhân từ Ngài tỏ ra đối với những người yêu mến Ngài—mong rằng tình cảm của chúng ta luôn luôn giống như tình cảm của Đa-vít bày tỏ trong những lời cuối cùng của Thi-thiên 145: “Miệng tôi sẽ đồn ra sự ngợi-khen Đức Giê-hô-va; nguyện cả loài xác-thịt chúc-tụng danh thánh của Ngài, cho đến đời đời vô-cùng”.
Bạn trả lời ra sao?
• Thi-thiên 145 giúp chúng ta như thế nào để nhận diện những người trung thành của Đức Giê-hô-va?
• Đức Giê-hô-va ‘làm thỏa nguyện mọi loài sống’ như thế nào?
• Tại sao chúng ta cần đến gần Đức Giê-hô-va hơn?
[Hình nơi trang 16]
Những người trung thành của Đức Chúa Trời vui thích bàn luận về những việc quyền năng của Ngài
[Hình nơi trang 17]
Tôi tớ của Đức Giê-hô-va can đảm giúp người lạ biết về vương quyền vinh hiển của Ngài
[Các hình nơi trang 18]
Đức Giê-hô-va cung cấp thức ăn cho “mọi loài sống”
[Nguồn tư liệu]
Thú vật: Parque de la Naturaleza de Cabárceno
[Hình nơi trang 19]
Đức Giê-hô-va ban sức mạnh và hướng dẫn những người trung thành tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài qua lời cầu nguyện