Hãy luôn tưởng nhớ Đức giê-hô-va
“Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi”.—THI 16:8.
1. Những câu chuyện trong Kinh Thánh giúp ích chúng ta thế nào?
Lời Đức Giê-hô-va chứa đựng những lời tường thuật tuyệt vời về cách Ngài cư xử với nhân loại, trong đó có đề cập đến nhiều người đã góp phần vào việc thực hiện ý định của Ngài. Hiển nhiên, Kinh Thánh ghi lại lời nói và hành động của họ không chỉ để làm những câu chuyện giải trí. Thay vì thế, những câu chuyện đó có thể giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời.—Gia 4:8.
2, 3. Chúng ta hiểu Thi-thiên 16:8 như thế nào?
2 Tất cả chúng ta có thể học được nhiều điều từ kinh nghiệm của những nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh như Áp-ra-ham, Sa-ra, Môi-se, Ru-tơ, Đa-vít, Ê-xơ-tê, sứ đồ Phao-lô và những nhân vật khác. Tuy nhiên, lời tường thuật về những người ít được biết đến cũng có thể mang lại lợi ích cho chúng ta. Ngẫm nghĩ về những câu chuyện trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta hành động phù hợp với lời của người viết Thi-thiên: “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi [“luôn luôn tưởng nhớ Chúa”, Bản Diễn Ý]; tôi chẳng hề bị rúng-động, vì Ngài ở bên hữu tôi” (Thi 16:8). Chúng ta hiểu những lời này như thế nào?
3 Người lính thường dùng tay phải để cầm gươm, nên tấm khiên cầm bên tay trái không thể che được bên phải. Tuy nhiên, người lính đó được che chở nếu có một người bạn chiến đấu gần bên tay phải của mình. Tương tự thế, nếu luôn tưởng nhớ Đức Giê-hô-va và vâng theo ý muốn Ngài thì chúng ta sẽ được Ngài che chở. Vì thế, hãy xem xét làm thế nào những lời tường thuật trong Kinh Thánh có thể củng cố đức tin của chúng ta để “luôn luôn tưởng nhớ Chúa”.
Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện của chúng ta
4. Hãy nêu một trường hợp trong Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện.
4 Nếu tưởng nhớ Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nhậm lời cầu nguyện của chúng ta (Thi 65:2; 66:19). Chúng ta thấy bằng chứng này trong trường hợp của Ê-li-ê-se, người tôi tớ già nhất của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham phái người tôi tớ này đi đến Mê-sô-bô-ta-mi để tìm cho Y-sác một người vợ kính sợ Đức Chúa Trời. Ê-li-ê-se cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn và cảm nghiệm được điều này khi thấy Rê-bê-ca cho đàn lạc đà của ông uống nước. Nhờ tha thiết cầu nguyện, Ê-li-ê-se đã tìm được một người vợ yêu quý cho Y-sác (Sáng 24:12-14, 67). Đồng ý rằng người tôi tớ của Áp-ra-ham được nhậm lời cầu nguyện vì ông có một trách nhiệm đặc biệt. Nhưng chúng ta thì sao? Chúng ta có thật sự tin chắc rằng Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện của chúng ta không?
5. Tại sao chúng ta có thể nói rằng ngay cả lời cầu nguyện thầm và vắn tắt cũng được nhậm?
5 Đôi khi, có lẽ chúng ta cần cầu nguyện vắn tắt để xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Vào một dịp nọ, vua Ạt-ta-xét-xe của nước Phe-rơ-sơ thấy người dâng rượu của mình là Nê-hê-mi có vẻ buồn rầu. Vua hỏi: “Ngươi cầu-xin cái gì?” Nê-hê-mi “bèn cầu-nguyện cùng Đức Chúa của các từng trời”. Ông không thể kéo dài lời cầu nguyện thầm trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, ông được Đức Chúa Trời nhậm lời vì vua đã hỗ trợ ông để xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem. (Đọc Nê-hê-mi 2:1-8). Thật vậy, ngay cả lời cầu nguyện thầm và vắn tắt cũng được nhậm.
6, 7. (a) Ê-pháp-ra nêu gương nào trong việc cầu nguyện? (b) Tại sao chúng ta nên cầu nguyện cho người khác?
6 Chúng ta được khuyến khích nên “cầu-nguyện cho nhau”, dù không phải lúc nào chúng ta cũng có ngay bằng chứng là lời cầu nguyện của mình được nhậm (Gia 5:16). Một người “giúp việc trung-thành của Đấng Christ” là Ê-pháp-ra đã sốt sắng cầu nguyện cho các anh em đồng đức tin. Khi ở Rô-ma, sứ đồ Phao-lô viết: “Ê-pháp-ra, người hàng-xứ với anh em [người Cô-lô-se], tôi-tớ của Đức Chúa Jêsus-Christ, có lời chào anh em; người vì anh em chiến-đấu không thôi [“nỗ lực”, NW] trong khi cầu-nguyện, để anh em trở nên toàn-vẹn và trọn niềm vâng-phục mọi ý-muốn của Đức Chúa Trời. Vì tôi làm chứng cho người rằng, người làm việc rất là khó-nhọc vì anh em, lại vì người Lao-đi-xê và người Hi-ê-ra-bô-li nữa”.—Cô 1:7; 4:12, 13.
7 Các thành Cô-lô-se, Lao-đi-xê, Hi-ê-ra-bô-li đều nằm trong vùng Tiểu Á. Tín đồ ở Hi-ê-ra-bô-li sống giữa những người tôn sùng nữ thần Cybele, còn tín đồ ở Lao-đi-xê đứng trước sự cám dỗ của vật chất, và tín đồ ở Cô-lô-se thì bị ảnh hưởng bởi triết lý của loài người (Cô 2:8). Chẳng lạ gì khi Ê-pháp-ra, người Cô-lô-se, ‘nỗ lực cầu-nguyện’ cho anh em đồng đạo tại thành phố đó. Kinh Thánh không nói rõ những lời Ê-pháp-ra cầu nguyện đã được nhậm hay không, nhưng ông không ngừng cầu nguyện cho họ, và chúng ta cũng thế. Dù không “thày-lay việc người khác”, nhưng nếu chúng ta biết một người trong gia đình hoặc một người bạn đang gặp thử thách nghiêm trọng về đức tin, thì việc cầu nguyện cho người đó thật phù hợp biết bao! (1 Phi 4:15). Sứ đồ Phao-lô được giúp đỡ qua lời cầu nguyện của những người khác, và lời cầu nguyện của chúng ta cũng có ích cho nhiều người.—2 Cô 1:10, 11.
8. (a) Làm sao chúng ta biết các trưởng lão ở Ê-phê-sô hiểu tầm quan trọng của việc cầu nguyện? (b) Về việc cầu nguyện với Đức Chúa Trời, chúng ta nên có thái độ nào?
8 Người khác có thấy chúng ta là người thường hay cầu nguyện không? Sau khi gặp các trưởng lão ở Ê-phê-sô, Phao-lô “quì xuống và cầu-nguyện với hết thảy các người ấy”. Rồi “ai nấy đều khóc lắm, ôm lấy cổ Phao-lô mà hôn, lấy làm buồn-bực nhứt là vì nghe người nói rằng anh em sẽ chẳng thấy mặt mình nữa” (Công 20:36-38). Chúng ta không biết tên của các trưởng lão đó, nhưng rõ ràng họ hiểu tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Chắc chắn chúng ta phải quý trọng đặc ân cầu nguyện với Đức Chúa Trời và nên lấy đức tin, “giơ tay thánh-sạch lên trời” mà cầu nguyện hầu được Cha trên trời nhậm lời.—1 Ti 2:8.
Hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Trời
9, 10. (a) Các con gái của Xê-lô-phát đã nêu gương mẫu nào? (b) Sự vâng lời của những thiếu nữ này tác động thế nào đến quan điểm của các tín đồ độc thân về việc lập gia đình?
9 Luôn tưởng nhớ Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta vâng lời Ngài và nhờ đó được ân phước (Phục 28:13-14; 1 Sa 15:22). Điều này đòi hỏi phải có tinh thần vâng lời. Hãy xem thái độ của năm người con gái của Xê-lô-phát, một người sống vào thời Môi-se. Theo phong tục người Y-sơ-ra-ên, con trai được hưởng cơ nghiệp của cha để lại. Ông Xê-lô-phát qua đời nhưng không có con trai nối nghiệp và Đức Giê-hô-va truyền cho năm người con gái của ông được nhận toàn thể cơ nghiệp, với điều kiện: Họ phải lấy người nam thuộc chi phái Ma-na-se để giữ lại tài sản trong chi phái của cha mình.—Dân 27:1-8; 36:6-8.
10 Các con gái của Xê-lô-phát tin rằng mọi chuyện sẽ tốt nếu họ vâng lời Đức Chúa Trời. Kinh Thánh tường thuật: “Các con gái Xê-lô-phát làm như Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se. Mách-la, Thiệt-sa, Hốt-la, Minh-ca, và Nô-a, các con gái của Xê-lô-phát, đều kết-thân cùng các con trai của cậu mình. Chúng nó kết-thân trong những nhà của con-cháu Ma-na-se, là con trai Giô-sép, và phần sản-nghiệp họ còn lại trong chi-phái tổ-phụ mình” (Dân 36:10-12). Những thiếu nữ này đã làm theo lời Đức Giê-hô-va phán dặn (Giô-suê 17:3, 4). Với niềm tin như thế, những tín đồ độc thân và thành thục về thiêng liêng cũng sẽ vâng lời Đức Chúa Trời kết hôn “theo ý Chúa”.—1 Cô 7:39.
11, 12. Ca-lép đã bày tỏ lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời như thế nào?
11 Chúng ta cần phải hoàn toàn vâng lời Đức Giê-hô-va giống như Ca-lép (Phục 1:36). Sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi xứ Ê-díp-tô vào thế kỷ 16 TCN, Môi-se phái 12 người đi do thám xứ Ca-na-an. Tuy nhiên, chỉ có 2 người là Giô-suê và Ca-lép đã khuyến khích dân chúng tin cậy hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời và tiến vào đất hứa (Dân 14:6-9). Khoảng bốn thập niên sau, Giô-suê và Ca-lép vẫn còn sống, trọn lòng theo Đức Giê-hô-va và Ngài ban cho Giô-suê quyền dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. Tuy nhiên, mười người do thám thiếu đức tin hẳn đã chết trong thời gian 40 năm lưu lạc nơi đồng vắng.—Dân 14:31-34.
12 Là một bô lão 85 tuổi đã sống qua giai đoạn lưu lạc trong đồng vắng, Ca-lép có thể đứng trước Giô-suê và nói: “Tôi trung-thành vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tôi”. (Đọc Giô-suê 14:6-9). Lúc đó, Ca-lép xin vùng đất ở miền núi mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho ông, dù vẫn còn kẻ thù sống trong các thành lớn và bền vững ở đấy.—Giô-suê 14:10-15.
13. Bất kể những thử thách, chúng ta sẽ được ân phước nếu làm gì?
13 Giống như Ca-lép, một người trung thành và vâng lời Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ được ban phước nếu ‘trung-thành vâng theo Ngài’. Khi gặp khó khăn, chúng ta sẽ được Đức Giê-hô-va giúp đỡ nếu ‘trung-thành vâng theo Ngài’. Tuy nhiên, trung thành suốt đời như Ca-lép có thể là một thử thách. Chẳng hạn như vua Sa-lô-môn, tuy lúc đầu ông vâng theo Đức Giê-hô-va nhưng khi về già, các bà vợ đã xui khiến ông thờ phượng nhiều thần giả và ông ‘chẳng vâng theo Đức Giê-hô-va cách trọn-lành như Đa-vít, cha ông’ (1 Vua 11:4-6). Bất kể những thử thách mà chúng ta gặp phải, mong sao chúng ta luôn vâng theo Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn và thường xuyên tưởng nhớ Ngài.
Luôn tin cậy Đức Giê-hô-va
14, 15. Qua trường hợp của bà Na-ô-mi, bạn học được điều gì về việc cần phải tin cậy Đức Chúa Trời?
14 Chúng ta cần đặc biệt tin cậy Đức Giê-hô-va khi cảm thấy buồn nản trước một tương lai có vẻ ảm đạm. Hãy xem trường hợp của Na-ô-mi, một bà góa đã mất hai con trai. Khi từ Mô-áp trở về xứ Giu-đa, bà than thở: “Chớ gọi tôi là Na-ô-mi [“ngọt-ngào”, cước chú], hãy gọi là Ma-ra [“cay-đắng”, cước chú], vì Đấng Toàn-năng đã đãi tôi cách cay-đắng lắm. Tôi đi ra được đầy dẫy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không. Đức Giê-hô-va đã giáng họa cho tôi, và Đấng Toàn-năng khiến tôi bị khốn khổ, vậy còn gọi tôi là Na-ô-mi làm chi?”.—Ru 1:20, 21.
15 Mặc dù bà Na-ô-mi bị buồn nản, nhưng khi đọc kỹ sách Ru-tơ, chúng ta thấy rằng bà vẫn luôn tin cậy Đức Giê-hô-va. Và cuối cùng bà được nhiều ân phước biết bao! Người con dâu góa của bà là Ru-tơ đã trở thành vợ của Bô-ô và sinh một con trai. Bà Na-ô-mi trở thành vú nuôi của đứa bé. Kinh Thánh tường thuật như sau: “Những người nữ lân-cận đặt tên cho nó là Ô-bết, mà rằng: Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi. Ô-bết là cha của Y-sai, ông của Đa-vít” (Ru 4:14-17). Khi được sống lại, Na-ô-mi sẽ biết rằng Ru-tơ (lúc ấy cũng được sống lại) là tổ mẫu của Chúa Giê-su, tức Đấng Mê-si (Mat 1:5, 6, 16). Giống như Na-ô-mi, chúng ta không thể biết chắc tình cảnh của mình sẽ thay đổi thế nào. Vì vậy, chúng ta hãy luôn tin cậy Đức Giê-hô-va như được khuyên nơi Châm-ngôn 3:5, 6: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.
Nương cậy nơi thánh linh
16. Thánh linh Đức Chúa Trời đã giúp các trưởng lão của dân Y-sơ-ra-ên xưa như thế nào?
16 Nếu luôn tưởng nhớ Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ dùng thánh linh hướng dẫn chúng ta (Ga 5:16-18). Thánh linh Đức Chúa Trời đã ngự trên 70 trưởng lão được chọn để giúp Môi-se “chịu gánh nặng về dân-sự”. Chỉ có Ên-đát và Mê-đát được biên tên, nhưng thánh linh đã giúp tất cả các trưởng lão đó thi hành trách nhiệm (Dân 11:13-29). Chắc chắn họ là những người có tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chân thật và lương thiện như những người được chọn trước kia (Xuất 18:21). Các trưởng lão ngày nay cũng thể hiện những đức tính đó.
17. Thánh linh Đức Giê-hô-va đóng vai trò nào trong việc xây lều tạm?
17 Thánh linh Đức Giê-hô-va đóng vai trò quan trọng trong việc xây lều tạm nơi đồng vắng. Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm Bết-sa-lê-ên làm thợ thủ công và thợ xây chính. Ngài hứa “làm cho người đầy-dẫy Thần của Đức Chúa Trời, sự khôn-ngoan, sự thông-sáng, và sự hiểu-biết để làm mọi thứ nghề thợ” (Xuất 31:3-5). Có những “người tài-năng” cùng với Bết-sa-lê-ên và người phụ việc là Ô-hô-li-áp làm công việc đặc biệt đó. Hơn nữa, thánh linh Đức Chúa Trời động lòng những người có lòng thành và vì thế họ đóng góp dồi dào cho công việc xây lều tạm (Xuất 31:6; 35:5, 30-34). Thánh linh cũng động lòng các tôi tớ ngày nay nên họ hết lòng đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời (Mat 6:33). Có lẽ chúng ta có khả năng nào đó, nhưng để hoàn thành công việc mà Đức Chúa Trời giao cho dân Ngài ngày nay, chúng ta phải cầu xin Ngài ban thánh linh và để thánh linh hướng dẫn.—Lu 11:13.
Luôn tôn kính Đức Giê-hô-va vạn quân
18, 19. (a) Thánh linh Đức Chúa Trời giúp chúng ta có thái độ nào? (b) Bạn học được gì qua gương của ông Si-mê-ôn và bà An-ne?
18 Thánh linh giúp chúng ta có thái độ tôn kính để luôn tưởng nhớ Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời phán với dân tộc xưa của Ngài: “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vạn-quân là thánh” (Ê-sai 8:13). Tại thành Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ thứ nhất, có hai người cao niên tôn kính Đức Chúa Trời là Si-mê-ôn và An-ne. (Đọc Lu-ca 2:25-38). Si-mê-ôn tin những lời tiên tri về Đấng Mê-si và “trông-đợi sự yên-ủi dân Y-sơ-ra-ên”. Đức Chúa Trời đổ thánh linh trên Si-mê-ôn và hứa chắc rằng ông sẽ sống để thấy Đấng Mê-si. Và điều đó đã xảy ra. Một ngày vào năm 2 TCN, mẹ và cha nuôi của Chúa Giê-su là Ma-ri và Giô-sép đã bồng con trẻ đến đền thờ. Nhờ được thánh linh soi dẫn, Si-mê-ôn nói tiên tri về Đấng Mê-si và báo trước rằng bà Ma-ri sẽ đau đớn khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây khổ hình. Hãy tưởng tượng, Si-mê-ôn hẳn vui mừng biết bao khi được bồng “Đấng Christ của Chúa” trong tay! Đối với các tôi tớ thời nay của Đức Chúa Trời, ông quả là gương mẫu xuất sắc về lòng tôn kính!
19 Bà An-ne, cụ góa 84 tuổi “chẳng hề ra khỏi đền-thờ”, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, “kiêng ăn và cầu-nguyện”. Bà cũng có mặt khi con trẻ Giê-su được đưa tới đền thờ. Bà thật biết ơn khi được thấy Đấng Mê-si tương lai! Thật thế, bà đã “ngợi-khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông-đợi sự giải-cứu của thành Giê-ru-sa-lem”. Vì không thể nín lặng nên bà phải nói cho người khác biết về tin mừng này. Như ông Si-mê-ôn và bà An-ne, những tín đồ cao niên ngày nay rất vui vì biết rằng dù cao tuổi đến mấy đi nữa, họ vẫn có thể phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách là Nhân Chứng của Ngài.
20. Bất kể tuổi tác, chúng ta cần phải làm gì, và tại sao?
20 Bất kể tuổi tác, chúng ta cần phải luôn tưởng nhớ Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ ban phước khi chúng ta nỗ lực và khiêm nhường nói với người khác về vương quyền cùng những công việc lạ lùng của Ngài (Thi 71:17, 18; 145:10-13). Tuy nhiên, nếu muốn làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, chúng ta phải thể hiện những đức tính làm Ngài vui lòng. Khi xem xét thêm về những câu chuyện trong Kinh Thánh, chúng ta có thể học được những đức tính nào?
Bạn trả lời thế nào?
• Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện?
• Tại sao chúng ta nên hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Trời?
• Dù bị buồn nản, tại sao chúng ta nên luôn tin cậy Đức Giê-hô-va?
• Thánh linh Đức Chúa Trời giúp dân Ngài như thế nào?
[Hình nơi trang 4]
Lời Nê-hê-mi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va đã được nhậm
[Hình nơi trang 5]
Việc ghi nhớ những ân phước bà Na-ô-mi nhận được sẽ giúp chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va