“Tôi có hy vọng nơi Đức Chúa Trời”
“A-đam sau cùng đã trở thành thần linh ban sự sống”.—1 CÔ 15:45.
BÀI HÁT: 151, 147
1-3. (a) Sự dạy dỗ nào nên được liệt kê vào những sự dạy dỗ chính yếu của chúng ta? (b) Tại sao sự sống lại là điều quan trọng? (Xem hình nơi đầu bài).
Nếu có người hỏi: “Những sự dạy dỗ chính yếu trong đạo của anh chị là gì?”, thì anh chị sẽ trả lời ra sao? Chắc chắn, anh chị sẽ nhấn mạnh về sự dạy dỗ Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa và Đấng Ban Sự Sống. Hẳn anh chị cũng nói rằng mình tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, đấng đã hy sinh làm giá chuộc. Ngoài ra, anh chị sẽ vui mừng cho biết thêm là địa đàng sắp đến, và dân Đức Chúa Trời sẽ sống mãi trong đó. Nhưng anh chị sẽ nói đến sự sống lại như một trong những niềm tin mà mình quý trọng nhất không?
2 Chúng ta có lý do chính đáng để nói sự sống lại là một sự dạy dỗ chính yếu, ngay cả khi mình hy vọng sẽ được sống sót qua hoạn nạn lớn và sống mãi trên đất. Sứ đồ Phao-lô cho thấy tại sao sự sống lại là điều rất quan trọng khi nói: “Thật thế, nếu người chết không sống lại thì Đấng Ki-tô đã không được sống lại”. Nếu Chúa Giê-su không được sống lại, ngài sẽ không thể làm Vua cai trị chúng ta và việc chúng ta dạy về sự cai trị của ngài là vô ích. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:12-19). Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa Giê-su đã được sống lại. Vì tin chắc điều này nên chúng ta khác với người Sa-đu-sê của Do Thái giáo, là những người nhất quyết phủ nhận việc người chết được sống lại. Dù bị chế nhạo, chúng ta vẫn giữ vững niềm tin nơi sự sống lại.—Mác 12:18; Công 4:2, 3; 17:32; 23:6-8.
3 Khi viết về “giáo lý căn bản về Đấng Ki-tô”, Phao-lô cũng nói đến “sự dạy dỗ về... sự sống lại” (Hê 6:1, 2). Phao-lô nhấn mạnh rằng ông tin nơi sự sống lại (Công 24:10, 15, 24, 25). Dù sự sống lại được nói đến như một giáo lý căn bản, một trong “những điều sơ đẳng trong lời phán thánh của Đức Chúa Trời”, nhưng không có nghĩa đây là sự dạy dỗ đơn giản (Hê 5:12). Tại sao?
4. Về sự sống lại, những câu hỏi nào có thể được nêu lên?
4 Khi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh, đa số người ta đọc những lời tường thuật về sự sống lại trong quá khứ, như sự sống lại của La-xa-rơ. Họ cũng biết được rằng Áp-ra-ham, Gióp và Đa-ni-ên tin chắc là trong tương lai người chết sẽ được sống lại. Dù vậy, nếu được hỏi có bằng chứng nào cho thấy những lời hứa về sự sống lại vẫn còn hiệu lực sau nhiều năm hoặc thậm chí hàng thế kỷ, anh chị sẽ trả lời ra sao? Kinh Thánh có cho biết khi nào sự sống lại sẽ xảy ra không? Vì những điều này ảnh hưởng nhiều đến đức tin của chúng ta, nên hãy cùng tìm lời giải đáp trong Kinh Thánh.
SỰ SỐNG LẠI SAU HÀNG THẾ KỶ
5. Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét điều gì về sự sống lại?
5 Chúng ta có thể dễ hình dung một người vừa qua đời được sống lại (Giăng 11:11; Công 20:9, 10). Nhưng nói sao về lời hứa là một người sẽ sống lại sau nhiều năm, thậm chí hàng thế kỷ? Dù nhiều năm đã trôi qua, chúng ta vẫn tin được lời hứa này không? Chúng ta có thể tin lời hứa này dù áp dụng cho người đã mất từ rất lâu hoặc vừa qua đời không? Thật ra, sự sống lại được hứa trước hàng thế kỷ đã từng xảy ra và anh chị tin điều ấy. Đó là sự sống lại nào? Sự kiện đó tác động thế nào đến hy vọng của anh chị về sự sống lại trong tương lai?
6. Sự ứng nghiệm của bài Thi thiên 118 liên quan thế nào đến Chúa Giê-su?
6 Về sự sống lại đã được báo trước từ lâu, chúng ta hãy xem xét bài Thi thiên 118 mà một số người nghĩ rằng do Đa-vít sáng tác. Bài này bao gồm lời khẩn cầu: “Xin ngài, Đức Giê-hô-va ôi, xin cứu chúng con! Chúng con van ngài!... Phước cho người nhân danh Đức Giê-hô-va mà đến”. Hẳn anh chị còn nhớ việc dân chúng trích phần này về Đấng Mê-si khi Chúa Giê-su cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem trong ngày 9 Ni-san, không lâu trước khi ngài chết (Thi 118:25, 26; Mat 21:7-9). Nhưng điều gì cho thấy bài Thi thiên 118 nói đến sự sống lại xảy ra sau nhiều năm? Hãy lưu ý đến một điều khác mà bài Thi thiên ấy nói: “Hòn đá mà thợ xây loại bỏ đã thành đá chốt nơi góc nhà”.—Thi 118:22.
7. Người Do Thái chối bỏ Chúa Giê-su đến mức nào?
7 “Thợ xây”, tức các nhà lãnh đạo Do Thái, đã chối bỏ Đấng Mê-si. Họ không chỉ đơn giản là quay lưng lại với ngài hoặc không chịu chấp nhận ngài là Đấng Ki-tô. Nhiều người Do Thái chối bỏ ngài đến mức la hét đòi xử tử ngài (Lu 23:18-23). Thật vậy, họ đã góp phần vào việc Chúa Giê-su bị giết.
8. Làm thế nào Chúa Giê-su trở thành “đá chốt nơi góc nhà”?
8 Nếu Chúa Giê-su bị chối bỏ và bị giết, vậy làm thế nào ngài trở thành “đá chốt nơi góc nhà”? Điều đó chỉ có thể xảy ra khi ngài được sống lại. Chính Chúa Giê-su cho biết mối liên quan đó. Ngài kể một ngụ ngôn về những người làm vườn ngược đãi các đầy tớ mà chủ phái đến, như dân Y-sơ-ra-ên ngược đãi các nhà tiên tri được Đức Chúa Trời phái đến với họ. Trong minh họa ấy, cuối cùng người chủ phái con yêu dấu và cũng là người thừa kế của mình đến. Họ có chấp nhận người con ấy không? Không. Ngược lại, những người làm vườn còn giết người con ấy. Sau minh họa đó, Chúa Giê-su trích dẫn lời tiên tri nơi Thi thiên 118:22 (Lu 20:9-17). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng cho thấy mối liên quan tương tự khi nói với “giới lãnh đạo, các trưởng lão và thầy kinh luật nhóm lại tại Giê-ru-sa-lem”. Ông nói về “Chúa Giê-su Ki-tô người Na-xa-rét, đấng mà các ông đã xử tử trên cây cột nhưng được Đức Chúa Trời làm sống lại”. Sau đó, Phi-e-rơ nói rõ: “Đấng ấy là ‘hòn đá bị các ông, là những thợ xây, xem chẳng ra gì, nhưng đã thành đá chốt nơi góc nhà’”.—Công 3:15; 4:5-11; 1 Phi 2:5-7.
9. Thi thiên 118:22 cho thấy sự kiện đáng chú ý nào?
9 Thật vậy, hàng trăm năm trước thời Chúa Giê-su, lời tiên tri nơi Thi thiên 118:22 đã cho thấy một sự sống lại sẽ xảy ra. Đấng Mê-si sẽ bị chối bỏ và bị giết, nhưng ngài sẽ được sống lại để trở thành đá chốt nơi góc nhà. Vì thế, người Con đã được sống lại ấy trở thành đấng duy nhất có danh “được ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu”.—Công 4:12; Ê-phê 1:20.
10. (a) Thi thiên 16:10 báo trước điều gì? (b) Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Thi thiên 16:10 không được ứng nghiệm nơi Đa-vít?
10 Hãy xem xét một câu Kinh Thánh khác nói đến sự sống lại. Câu này được ứng nghiệm hơn một ngàn năm sau. Sự kiện ấy giúp chúng ta càng tin chắc rằng sự sống lại có thể xảy ra sau nhiều năm kể từ khi được hứa hay báo trước. Trong bài Thi thiên 16, Đa-vít viết: “Ngài sẽ không bỏ mặc con trong mồ, cũng chẳng để người trung thành ngài thấy huyệt” (Thi 16:10). Đa-vít không nói rằng ông sẽ không chết hay không bao giờ ở trong mồ mả chung của nhân loại. Lời Đức Chúa Trời nói rõ rằng Đa-vít đã già đi. Sau khi qua đời, ông “yên nghỉ cùng tổ phụ và được chôn tại Thành Đa-vít” (1 Vua 2:1, 10). Vậy, Thi thiên 16:10 nói đến điều gì?
11. Phi-e-rơ đã bình luận về Thi thiên 16:10 khi nào?
11 Kinh Thánh cho chúng ta lời giải đáp. Hơn một ngàn năm sau khi câu Thi thiên 16:10 được viết ra cũng như vài tuần sau khi Chúa Giê-su chết và được sống lại, Phi-e-rơ nói với hàng ngàn người Do Thái và người cải đạo Do Thái về câu Thi thiên này. (Đọc Công vụ 2:29-32). Ông nói rằng Đa-vít thật sự đã chết và được chôn cất. Những người đang nghe Phi-e-rơ biết điều đó. Lời tường thuật không hề nói rằng có bất cứ ai trong số họ phản đối khi Phi-e-rơ nói rằng Đa-vít “thấy trước và nói về sự sống lại” của Đấng Mê-si.
12. Thi thiên 16:10 được ứng nghiệm như thế nào, và sự kiện này xác nhận điều gì liên quan đến lời hứa về sự sống lại?
12 Phi-e-rơ củng cố điểm mà ông nói bằng cách trích lời của Đa-vít nơi Thi thiên 110:1. (Đọc Công vụ 2:33-36). Lập luận dựa trên Kinh Thánh của Phi-e-rơ đã giúp đoàn dân đông tin chắc Chúa Giê-su là “Chúa và Đấng Ki-tô”. Dân chúng công nhận Thi thiên 16:10 đã ứng nghiệm khi Chúa Giê-su được sống lại. Sau này, sứ đồ Phao-lô đưa ra lập luận vững chắc tương tự khi nói với người Do Thái trong thành An-ti-ốt thuộc Bi-si-đi. Họ rất ấn tượng trước lập luận của ông và muốn nghe nữa. (Đọc Công vụ 13:32-37, 42). Điều này cũng giúp chúng ta tin rằng những lời tiên tri trong Kinh Thánh về sự sống lại trong tương lai là đáng tin cậy, dù hàng thế kỷ sau mới được ứng nghiệm.
KHI NÀO SỰ SỐNG LẠI SẼ XẢY RA?
13. Câu hỏi nào về sự sống lại có thể được nêu lên?
13 Thật khích lệ khi biết rằng sự sống lại có thể xảy ra sau nhiều năm kể từ khi được hứa trước. Dù vậy, một số người có thể thắc mắc: “Phải chăng điều đó có nghĩa là tôi phải đợi rất lâu để gặp lại người thân đã khuất? Sự sống lại mà tôi đang trông mong khi nào mới xảy ra?”. Thật ra, Chúa Giê-su từng nói với các sứ đồ rằng có những điều họ không biết và không thể biết. Ngài cũng cho biết rằng “thì giờ hay kỳ hạn, là điều chỉ mình Cha có quyền quyết định” (Công 1:6, 7; Giăng 16:12). Tuy nhiên, chúng ta có một số thông tin về thời điểm sự sống lại sẽ xảy ra.
14. Có sự khác nhau nào giữa sự sống lại của Chúa Giê-su với sự sống lại của những người trước thời ngài?
14 Để tìm hiểu về điều đó, hãy nghĩ đến những sự sống lại mà Kinh Thánh báo trước. Dĩ nhiên, sự sống lại của Chúa Giê-su là quan trọng nhất. Nếu ngài không được sống lại thì không ai trong chúng ta có triển vọng gặp lại người thân đã khuất. Những người được sống lại trước thời Chúa Giê-su, chẳng hạn như những người do Ê-li-gia và Ê-li-sê làm sống lại, đã không sống mãi. Họ chết một lần nữa và nếm trải sự mục nát trong mồ mả. Trái lại, Chúa Giê-su “đã được sống lại thì không chết nữa; sự chết không còn làm chủ trên ngài”. Ở trên trời, ngài sống “muôn đời bất tận”, và không bao giờ phải nếm trải sự mục nát.—Rô 6:9; Khải 1:5, 18; Cô 1:18; 1 Phi 3:18.
15. Tại sao Chúa Giê-su được gọi là “trái đầu mùa”?
15 Chúa Giê-su là người đầu tiên được sống lại ở thể thần linh, và chắc chắn sự sống lại của ngài là quan trọng nhất (Công 26:23). Tuy nhiên, ngài không phải là người duy nhất được sống lại để lên trời với tư cách là tạo vật thần linh. Chúa Giê-su đã đảm bảo với các sứ đồ trung thành rằng họ sẽ cùng cai trị với ngài ở trên trời (Lu 22:28-30). Để nhận được phần thưởng ấy, trước tiên họ phải chết. Sau đó, như Đấng Ki-tô, họ được sống lại trong thân thể thần linh. Phao-lô viết: “Đấng Ki-tô đã được sống lại, là trái đầu mùa của những người đã an giấc”. Kế tiếp, ông cho biết có những người khác sẽ được sống lại để lên trời. Ông nói: “Mỗi người theo đúng thứ tự của mình: Đấng Ki-tô là trái đầu mùa; kế đến, những người thuộc về Đấng Ki-tô sẽ được sống lại trong kỳ hiện diện của ngài”.—1 Cô 15:20, 23.
16. Chúng ta biết gì về thời điểm xảy ra sự sống lại để lên trời?
16 Lời của Phao-lô cho chúng ta khái niệm chung về thời điểm xảy ra sự sống lại để lên trời. Sự sống lại này sẽ xảy ra “trong kỳ hiện diện của ngài”. Từ lâu, Nhân Chứng Giê-hô-va đã dựa vào Kinh Thánh để xác nhận rằng từ năm 1914, chúng ta bước vào thời kỳ Chúa Giê-su “hiện diện”. Thời kỳ ấy vẫn tiếp diễn, và sự kết thúc của thế gian gian ác này rất gần kề.
17, 18. Điều gì xảy ra với một số tín đồ được xức dầu sống trong kỳ hiện diện của Chúa Giê-su?
17 Về sự sống lại để lên trời, Kinh Thánh cho biết thêm chi tiết: “Chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về những người đã an giấc... Vì nếu tin Chúa Giê-su đã chết và sống lại, chúng ta cũng tin rằng những môn đồ đã an giấc... sẽ được Đức Chúa Trời làm cho sống lại để ở với Chúa Giê-su... Chúng ta, là những người còn sống trong kỳ hiện diện của Chúa, sẽ không bao giờ lên trước những người đã an giấc; vì chính Chúa sẽ từ trời xuống, ban lệnh..., và lúc ấy những môn đồ đã an giấc trong Đấng Ki-tô sẽ lên trước. Sau đó, chúng ta, là những người còn sống, sẽ được cất lên trong đám mây để ở với họ và gặp Chúa trên không trung; như thế chúng ta sẽ luôn ở cùng Chúa”.—1 Tê 4:13-17.
18 Sự sống lại đầu tiên xảy ra vào thời điểm nào đó sau khi Đấng Ki-tô bắt đầu “hiện diện”. Và những tín đồ được xức dầu còn sống trong hoạn nạn lớn sẽ “được cất lên trong đám mây” (Mat 24:31). Những người “được cất lên” sẽ không “ngủ trong sự chết”, tức là không ở lâu trong sự chết. “Tất cả [họ] đều sẽ biến đổi trong tích tắc, trong nháy mắt, trong lúc tiếng kèn cuối cùng trỗi lên”.—1 Cô 15:51, 52.
19. “Sự sống lại tốt hơn” nào sắp xảy ra?
19 Ngày nay, đa số các tín đồ trung thành không phải là những người được xức dầu và được gọi lên trời cùng cai trị với Đấng Ki-tô. Thay vì thế, họ chờ đợi sự kết thúc của thế gian gian ác này trong “ngày của Đức Giê-hô-va”. Không ai biết chính xác thời điểm của sự kết thúc đó, nhưng có bằng chứng cho thấy nó rất gần kề (1 Tê 5:1-3). Sau đó, có một sự sống lại khác sẽ xảy ra, đó là sự sống lại để sống trong địa đàng. Những người được sống lại sẽ có triển vọng đạt đến sự hoàn hảo và không bao giờ phải chết nữa. Đó chắc chắn sẽ là “sự sống lại tốt hơn” so với sự sống lại trong quá khứ, là thời mà ‘một số phụ nữ có người thân đã được sống lại’ nhưng thời gian sau họ lại chết.—Hê 11:35.
20. Tại sao chúng ta có thể tin rằng sự sống lại sẽ diễn ra theo thứ tự?
20 Kinh Thánh nói rằng những người được lên trời sẽ được sống lại “mỗi người theo đúng thứ tự của mình” (1 Cô 15:23). Chúng ta có thể tin rằng sự sống lại trên đất cũng sẽ diễn ra theo thứ tự. Điều đó có thể khiến chúng ta thắc mắc: “Khi Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Ki-tô vừa bắt đầu, liệu những người chết vào thời chúng ta sẽ được sống lại ngay và được người thân yêu chào đón không? Liệu những người trung thành thời xưa có khả năng dẫn đầu sẽ được sống lại sớm để giúp tổ chức dân Đức Chúa Trời trong thế giới mới không? Còn những người chưa từng phụng sự Đức Giê-hô-va thì sao? Họ sẽ được sống lại khi nào và ở đâu?”. Nhiều câu hỏi có thể được nêu lên. Nhưng thành thật mà nói, có thật sự cần nghĩ đến những điều đó bây giờ không? Chẳng phải tốt hơn chúng ta nên chờ đợi để thấy sao? Chắc chắn, chúng ta sẽ rất hào hứng khi được tận mắt thấy cách Đức Giê-hô-va xử lý các vấn đề ấy.
21. Anh chị có hy vọng nào?
21 Trong lúc này, chúng ta nên củng cố đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đảm bảo với chúng ta rằng những người đã qua đời và đang ở trong trí nhớ của ngài sẽ được sống lại (Giăng 5:28, 29; 11:23). Để chứng tỏ Đức Giê-hô-va có khả năng làm người chết sống lại, có lần Chúa Giê-su nói rằng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp “tất cả họ đều sống” (Lu 20:37, 38). Ngay bây giờ, chúng ta có nhiều lý do để nói như Phao-lô: “Tôi có hy vọng nơi Đức Chúa Trời... là sẽ có sự sống lại”.—Công 24:15.