“Hãy nên thánh...”
“Như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn-ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh” (I PHI-E-RƠ 1:15, 16).
1, 2. a) Trên khăn đóng của thầy tế lễ thượng phẩm có ghi lời nhắc nhở nào, và để làm gì? b) Tại sao lời nhắc nhở về sự thánh thiện của Đức Giê-hô-va hợp lý ngày nay? c) Phi-e-rơ khuyên thêm điều gì về sự thánh thiện?
“Thánh cho Đức Giê-hô-va”. Thầy tế lễ thượng phẩm trong dân Y-sơ-ra-ên đội một cái khăn đóng, trên khăn có dán một thẻ bằng vàng ròng với hàng chữ đầy khích lệ vừa kể để mọi người đều có thể trông thấy (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:36-38). Những chữ đó lấp lánh và có tác dụng nhắc nhở rằng dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng một Đức Chúa Trời tinh sạch, thánh thiện, chứ không phải như các dân ngoại đạo tôn thờ những thần thánh ô uế.
2 Nếu bạn là một Nhân-chứng Giê-hô-va, bạn có hiểu rõ Đức Chúa Trời bạn thờ phượng là trong trắng, tinh sạch, thánh thiện và công bình hay không? Nhắc nhở một điều sơ đẳng đến thế có vẻ như không cần mấy. Nghĩ cho cùng, với tư cách dân sự của Đức Giê-hô-va, chúng ta có ân phước được thông suốt về những “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”—những lời tiên tri phức tạp, việc áp dụng những nguyên tắc, các giáo lý của Kinh-thánh. (I Cô-rinh-tô 2:10; so sánh Đa-ni-ên 12:4). Tuy vậy, hiển nhiên có một số người không hết lòng quí trọng sự thánh thiện của Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì cớ mỗi năm có hằng ngàn người đến gần hoặc mon men đụng chạm tới những hình thức vô luân. Hằng ngàn người khác như là mời mọc tai họa đến vì làm các hành động gần vi phạm rõ rệt luật pháp của Kinh-thánh. Rõ ràng là một số người không hiểu rõ tầm quan trọng của những lời ghi nơi I Phi-e-rơ 1:15, 16: “Như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn-ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh”.
Đức Chúa Trời là thánh, người thờ phượng phải nên thánh
3. Bài ca của Môi-se nói gì về Đức Giê-hô-va?
3 Có lẽ bạn sẽ nói: «Một người bất toàn mà lại thánh ư?» Tuy nhiên, hãy xem xét nguyên do tại sao Phi-e-rơ khuyên như thế. Ở đây sứ đồ trích dẫn những lời trước hết ngỏ với người Y-sơ-ra-ên ít lâu sau khi họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Nhờ có sự giải cứu bằng phép lạ đó, Đức Giê-hô-va đã tỏ ra là một Đấng Giải cứu, Đấng Giữ mọi lời hứa, một Đức Chúa Trời “chiến-sĩ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14-17; 15:3). Trong bài ca ăn mừng toàn thắng quân Ê-díp-tô tại Biển Đỏ, giờ đây Môi-se lại tiết lộ một bộ mặt khác của Đức Giê-hô-va, rằng: “Hỡi Đức Giê-hô-va! trong vòng các thần, ai giống như Ngài? Trong sự thánh-khiết, ai được vinh-hiển như Ngài?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:11). Đây là lần đầu tiên Kinh-thánh ghi chép về sự thánh thiện của Đức Giê-hô-va.
4. a) Đức Giê-hô-va «được vinh-hiển trong sự thánh-khiết» về phương diện nào? b) Vậy Đức Chúa tương phản thế nào với các thần xứ Ca-na-an?
4 Các chữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp trong Kinh-thánh dịch ra là “thánh” bao hàm ý tưởng «lấp lánh, mới mẻ, không hoen ố và tinh sạch». Như vậy Môi-se miêu tả Đức Giê-hô-va tinh sạch đến tột độ, không bợn vết nhơ, không thể hư nát, tuyệt đối không dung túng sự dơ bẩn (Ha-ba-cúc 1:13). Đức Giê-hô-va tương phản một cách chói lọi với các thần xứ Ca-na-an—xứ những người Y-sơ-ra-ên sắp sửa vào ở. Những tài liệu khai quật được tại Ras Shamra, một thành phố ở phía bắc bờ biển Sy-ri, giúp có một khái niệm giới hạn, nhưng rõ rệt, về hằng hà sa số thần của người Ca-na-an. Theo cuốn sách «Người Ca-na-an» (The Canaanites, của John Gray), những văn kiện này miêu tả các thần với tính tình “hiếu chiến, ganh tị, hay phục hận, dâm đãng”.
5, 6. a) Việc thờ phượng các thần phóng đãng ảnh hưởng thế nào đến người Ca-na-an? b) Việc thờ phượng Đức Chúa Trời thánh ảnh hưởng thế nào đến người Y-sơ-ra-ên?
5 Vậy rất dễ hiểu là nền văn hóa của người Ca-na-an phản ảnh những nét tính của các thần họ tôn thờ. Cuốn sách «Tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên» (The Religion of the People of Israel) giải thích: “Họ xem những hành vi rập theo vị thần là việc phục vụ cho thần đó.. [Nữ thần của tình dục] Át-tạc-tê có một số nam nữ mục sư vốn được tả như những người được hiến dâng... Họ tự hiến dâng cho nữ thần đó để làm việc mãi dâm”. Học giả William F. Albright bổ túc: “Tuy nhiên, khía cạnh dâm ô đến độ tồi bại nhất của việc sùng bái của họ hẳn đã phải rơi xuống hố sâu thăm thẳm, đê tiện cùng cực của sự đồi trụy về xã hội”. Việc thờ cúng “cây cột thánh” tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam giới, việc dùng con cái để tế thần, ma thuật, phép mê hoặc, loạn luân, kê gian và thú dục—tất cả những điều này đã trở thành “thói tục” của xứ Ca-na-an (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:13; Lê-vi Ký 18:2-25; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:9-12).
6 Ngược lại, Đức Giê-hô-va «được vinh hiển trong sự thánh khiết». Ngài không thể dung túng sự đồi trụy như thế ở giữa những người thờ phượng Ngài (Thi-thiên 15). Như vậy, khác với các thần tồi bại của xứ Ca-na-an, Đức Giê-hô-va nâng cao dân sự Ngài. Đức Giê-hô-va đã liên tục khuyến giục bằng những lời sau đó được Phi-e-rơ trích dẫn, rằng: “Hãy nên thánh, vì ta Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi là thánh” (Lê-vi Ký 11:44; 19:2; 20:26).
“Luật-pháp là thánh... công-bình và tốt-lành”
7, 8. a) Người Y-sơ-ra-ên có thể “nên thánh” thế nào? b) Hãy nêu ra sự khác biệt giữa Luật pháp Đức Giê-hô-va và Bộ luật Hammurabi của Ba-by-lôn.
7 “Nên thánh” không có nghĩa là phải hoàn toàn cũng không phải tỏ vẻ thành kính cách giả tạo; nhưng có nghĩa là vâng lời làm theo bộ luật bao quát được ban hành cho dân Y-sơ-ra-ên qua trung gian Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6). Khác mọi luật pháp của các nước, Luật pháp Đức Chúa Trời có thể được miêu tả như “thánh, công-bình và tốt-lành” (Rô-ma 7:12).
8 Thật ra thì người ta nói Bộ luật Hammurabi của người Ba-by-lôn có trước Luật pháp Môi-se, bao gồm cũng ngần ấy đề mục. Một số điều lệ của luật đó, như luật «mắt đền mắt», hay báo thù pháp, giống như các nguyên tắc của luật Môi-se. Vậy một số nhà phê bình cho rằng Môi-se đã mượn ít nhiều trong bộ luật Hammurabi để làm thành luật pháp Môi-se. Tuy nhiên, bộ luật Hammurabi chỉ tôn vinh Hammurabi và phục vụ quyền lợi chính trị của hắn. Luật pháp Đức Chúa Trời được ban cho dân Y-sơ-ra-ên «hầu cho họ được phước luôn luôn, và được Ngài bảo-tồn sự sống cho» (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:24). Cũng thấy có ít bằng chứng nào cho thấy luật Hammurabi đã từng đóng vai một sự ràng buộc về pháp lý trong xứ Ba-by-lôn, mà chỉ là một “sự hướng dẫn về mặt pháp lý cho những ai tìm kiếm lời cố vấn” (The New Encyclopoedia Britannica, xuất bản năm 1985, Bộ 21, trang 921). Nhưng Luật pháp Môi-se bắt buộc người ta phải tuân theo và thi hành những biện pháp trừng trị đúng mức đối với những kẻ bất tuân. Sau cùng, bộ luật Hammurabi chú trọng đến việc phán xử tội nhân; chỉ có 5 trong số 280 luật là những điều ngăn cấm trực tiếp. Tuy nhiên, Luật pháp Đức Chúa Trời nhấn mạnh đến việc ngăn ngừa, chứ không phải trừng trị sự phạm tội.
9. Luật pháp Môi-se đã ảnh hưởng thế nào trên đời sống của người Do-thái?
9 Vì có tính chất “thánh, công-bình và tốt-lành”, Luật pháp Môi-se đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống cá nhân của người Do-thái. Luật đó điều hành sự thờ phượng của họ, cho họ nghỉ làm việc trong những ngày Sa-bát, kiểm soát guồng máy kinh tế quốc gia, thiết lập một số tiêu chuẩn cho sự phục sức và ban cho một số lời hướng dẫn có ích cho việc dinh dưỡng, sinh lý và thói quen vệ sinh. Luật pháp Môi-se xem xét kỹ lưỡng ngay cả những hoạt động bình thường của cơ thể.
“Điều-răn của Đức Giê-hô-va là trong-sạch”
10. a) Tại sao Luật pháp chú ý đến nhiều lãnh vực của đời sống đến thế? b) Luật pháp nhằm giúp thế nào về sự sạch sẽ thể chất và sức khỏe tốt? (Xem chú thích).
10 Những qui chế tỉ mỉ cho đời sống hằng ngày có một mục tiêu cao thượng: khiến cho người Y-sơ-ra-ên trong sạch—về thể chất, thiêng liêng, trí óc và luân lý đạo đức. Thí dụ, có các điều luật bảo họ tắm rửa, lấp kín các phẩn, biệt riêng ra những người mắc bệnh truyền nhiễm và kiêng cử một số đồ ăn; các điều luật đó nhằm cho họ có sức khỏe tốt và sạch sẽ về thể chấta (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:18-20; Lê-vi Ký đoạn 11; 13:4, 5, 21, 26; 15:16-18, 21-23; Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:12-14).
11. Bị ô uế theo nghi thức luật pháp có nghĩa gì?
11 Tuy vậy, thật ra sự tinh sạch thiêng liêng còn quan trọng hơn sức khỏe tốt và sự cải thiện về vệ sinh. Đó là lý do tại sao một người có lẽ đã ăn một thứ đồ ăn bị ngăn cấm, ăn nằm, hoặc đụng vào một xác chết cũng bị coi là ô uế theo nghi thức luật pháp (Lê-vi Ký, đoạn 11, 15; Dân-số Ký, đoạn 19). Do đó một kẻ ô uế như thế bị cấm không được tham gia vào việc thờ phượng—trong một số trường hợp nếu vi phạm điều này sẽ bị xử tử! (Lê-vi Ký 15:31; 22:3-8). Nhưng những điều ngăn cấm như thế có liên can gì đến sự tinh sạch thiêng liêng?
12. Tại sao sự thánh sạch theo nghi thức luật pháp nhằm giúp về sự tinh sạch thiêng liêng?
12 Việc thờ cúng ngoại đạo được biểu hiệu bởi sự mãi dâm, thờ cúng người chết và nhậu nhẹt say sưa. Nhưng một cuốn Bách-khoa Tự điển (The International Standard Bible Encyclopedia) nêu rõ: “Không ai được phép dùng một động tác tình dục làm phương tiện để thờ cúng Yahweh. Do đó, mọi hoạt động như thế về phương diện này khiến cho một người trở nên ô uế... Trong dân Y-sơ-ra-ên người chết được kính trọng đúng cách, nhưng tuyệt đối họ không được tôn sùng quá độ cũng không được người ta thờ cúng... Một người Y-sơ-ra-ên không thể giao du mật thiết với những người láng giềng ngoại đạo vào những cuộc lễ hội, vốn bao gồm yến tiệc linh đình, vì đồ ăn của họ là ô uế đối với y”. Như vậy, qui chế của Luật pháp lập thành một “bức tường” ngăn cách tránh khỏi các phần tử tôn giáo ô uế (Ê-phê-sô 2:14).
13. Luật pháp nhằm giúp thế nào cho sự tinh sạch về tâm trí?
13 Luật pháp cũng nhắm tới sự tinh sạch về tâm trí của người Y-sơ-ra-ên. Chẳng hạn như các điều luật về việc ăn nằm giữa vợ chồng có mục đích nâng cao tư tưởng của con người (Lê-vi Ký 15:16-33). Người Y-sơ-ra-ên học tập tự chủ trong vấn đề tình dục, chứ không phóng túng trong sự đam mê như người Ca-na-an. Luật pháp dạy ngay cả việc kiềm chế những cảm xúc và sự ham muốn, bằng cách lên án tư tưởng tham lam (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17).
14. Luật pháp Đức Chúa Trời độc đáo thế nào về việc nhằm giúp cho sự tinh sạch về luân lý đạo đức?
14 Tuy vậy, điều đáng được chú ý hơn hết là việc Luật pháp nhấn mạnh đến sự tinh sạch về luân lý đạo đức. Quả thật bộ luật Hammurabi cũng có lên án việc ngoại tình như điều sai lầm. Tuy nhiên, một bài báo trong cuốn «Nhà khảo cổ Kinh-thánh» (The Biblical Archaeologist) nhận định: “Khác với người Ba-by-lôn và người A-si-ri xem sự ngoại tình chỉ là một tội ác xúc phạm đến quyền sở hữu của người chồng, pháp luật trong Cựu ước xem sự ngoại tình cũng như một tội trọng xúc phạm đến luân lý đạo đức”.
15. a) Hãy giải thích cụ thể cách thức một người Y-sơ-ra-ên khi xưa từng cố gắng khá nhiều để giữ mình tinh sạch. b) Người Y-sơ-ra-ên làm những cố gắng như thế được lợi ích thế nào?
15 Vậy, lời của người viết Thi-thiên nói “điều-răn của Đức Giê-hô-va trong-sạch, làm cho mắt sáng-sủa” thật đúng biết bao! (Thi-thiên 19:8). Phải nhìn nhận rằng thuở xưa đôi khi cần phải cố gắng nhiều để giữ mình tinh sạch. Những người đàn bà mới sanh con chỉ vài tuần lễ sau khi sanh đã phải lên Giê-ru-sa-lem để thọ lễ tẩy uế (Lê-vi Ký 12:1-8; Lu-ca 2:22-24). Cả đàn ông lẫn đàn bà đều phải tắm rửa theo nghi thức sau khi ăn nằm với nhau, cũng như trong những tình thế khác liên hệ (Lê-vi Ký 15:16, 18; Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:9-14; II Sa-mu-ên 11:11-13). Nếu họ kỹ lưỡng làm theo Luật pháp và giữ mình tinh sạch, họ sẽ “được ích”—về thể chất, tâm trí, luân lý đạo đức và thiêng liêng (Ê-sai 48:17). Hơn nữa, sự quan trọng của việc giữ mình tinh sạch sẽ ăn sâu vào tâm khảm họ không thể xóa được. Trên hết mọi sự, nhờ những cố gắng chân thành dường ấy nhằm giữ sự thánh sạch, họ sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận.
Tinh sạch giữa một thế gian ô uế
16, 17. a) Tín đồ đấng Christ ngày nay cần phải giữ mình tinh sạch đến độ nào? b) Tại sao giữ mình tinh sạch ngày nay khó như thế? c) Những kẻ có tiếng tăm đã thất bại thế nào trong việc làm gương tốt?
16 Bây giờ chúng ta có thể hiểu rõ hơn những lời Phi-e-rơ viết cho tín đồ đấng Christ: “Anh em đã nên con-cái hay vâng lời, thì chớ làm theo sự dâm-dục, là sự cai-trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê-muội. Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn-ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh” (I Phi-e-rơ 1:14-16).
17 Phải nhìn nhận rằng điều này không phải dễ. Khắp nơi chúng ta cũng thấy người ta thực hành sự lừa dối, bất lương, tình dục vô luân. Tờ «Nữu-ước Thời báo» (The New York Times) ghi nhận: “Càng ngày càng có nhiều người Mỹ thỏa thuận sống chung với nhau trước khi lập hôn nhân”. Ngay đến những người có tiếng tăm không làm gương tốt mấy. Một số người được người ta biết đến nhiều nhất ngày nay trong các ngành thể thao, chính trị và ca nhạc công khai thực hành các hình thức ô uế. Một người ái mộ thể thao phàn nàn: “Thật là thất vọng não nề khi đặt tin tưởng nơi một người làm gương mẫu nay thấy người đó trở nên bại hoại”. Vấn đề là gì? Nhiều lực sĩ được mọi người mến chuộng đã thú nhận dùng ma túy quá độ. Thật thường thấy những cá nhân được tôn sùng như thần tượng lại buông lung vào nếp sống ô uế, đúng vậy, ngay cả nhơ nhớp bẩn thỉu, là những kẻ ngoại tình tà dâm, đồng tính luyến ái thuộc giới đàn ông cũng như đàn bà, trộm cắp, lường gạt và nghiện ngập ma túy! Họ có thể sạch sẽ về mặt thể chất, nhưng mồm miệng họ đầy những lời thô tục, bỉ ổi. Có lẽ họ còn khoái chế nhạo ngay đến sự thuần phong mỹ tục, khoe khoang những thói dâm ô của họ.
18. Làm sao nhiều kẻ có nếp sống ô uế đang «gặt những gì chúng đã gieo»?
18 Tuy vậy, không phải dễ gạt qua một bên những lời này của Kinh-thánh: “Đức Chúa Trời không chịu [để cho người ta] khinh-dể [Ngài] đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác-thịt, sẽ bởi xác-thịt mà gặt sự hư-nát” (Ga-la-ti 6:7, 8). Tánh nết dâm dục thường đem lại bệnh hoạn, hoặc ngay đến sự chết yểu do các chứng bệnh như giang mai, bệnh lậu và bệnh AIDS, ấy là chỉ kể đến một số chứng bệnh đặc biệt. Đôi khi lối sống phóng đãng cũng đem lại các chứng bệnh tâm thần và tình cảm bị rối loạn, thần kinh bị suy nhược, và ngay đến sự tự tử. Như thế, dù những kẻ buông mình vào các thực hành vô luân có lẽ cười cợt khinh bỉ những ai cố gắng giữ mình tinh sạch, chúng hẳn sẽ hết cười khi bắt đầu «gặt những gì chúng đã gieo». (So sánh Rô-ma 1:24-27).
19, 20. Giới lãnh đạo các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ tỏ ra thế nào rằng họ bị nhiễm độc về phương diện tôn giáo và luân lý đạo đức?
19 Chúng ta cũng sống trong một thế giới nhơ nhớp về phương diện tôn giáo. Giới lãnh đạo tôn giáo có lẽ ăn mặc đẹp đẽ, với quần áo sạch sẽ, nhưng lại dạy dỗ những sự thực hành và giáo lý ô uế của Ba-by-lôn, như việc thờ hình tượng, thuyết Chúa Ba Ngôi, lửa địa ngục, linh hồn con người bất tử và lò luyện tội. Họ giống như những nhà lãnh đạo tôn giáo mà Giê-su nói đến: “Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình! vì các ngươi giống như mồ-mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ-dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công-bình, nhưng ở trong thì chan-chứa sự giả-hình và tội-lỗi” (Ma-thi-ơ 23:27, 28).
20 Giới lãnh đạo tôn giáo còn dung túng ngay cả sự ô uế trong bầy của họ. Nhiều kẻ được biết là vô luân và ô uế—những kẻ thực hành sự tà dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái—được phép giữ địa vị tốt. Về điểm này báo Newsweek tường trình: “Nhà tâm lý học Richard Sipe, thuộc tiểu bang Maryland, một cựu linh mục, kết luận rằng trong số 57.000 linh mục Công giáo Mỹ thì khoảng chừng 20% là người đồng tính luyến ái... Nhiều chuyên gia khác nghĩ rằng tỉ lệ thật ngày nay có lẽ gần đến 40%”. Nhà thần học Công giáo John J. McNeil (tự công nhận là người đồng tính luyến ái) công khai biện hộ cho thói đồng tính luyến ái: “Tình yêu giữa hai người đàn bà hoặc đàn ông đồng tính luyến ái, miễn sao đó là tình yêu thương người đồng loại với tính chất xây dựng, không phải là tội lỗi và cũng không bị loại ra khỏi kế hoạch của Đức Chúa Trời, mà có thể là một thứ tình yêu thánh thiện” (The Christian Century).
21. Lời nhắc nhở “Thánh cho Đức Giê-hô-va” thích hợp thế nào cho chúng ta ngày nay?
21 Vậy lời nhắc nhở ghi trên khăn đóng của thầy tế lễ thượng phẩm hợp thời hơn bao giờ hết: “Thánh cho Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:36). Đúng, Đức Giê-hô-va đòi hỏi, yêu cầu chúng ta giữ mình tinh sạch về mọi phương diện! Nhưng làm sao ta có thể làm thế? Những địa hạt nào có lẽ cần được đặc biệt chú ý? Bài kỳ tới sẽ thảo luận về những câu hỏi này.
[Chú thích]
a Bộ luật Hammurabi không có những dự trù như thế; và người ta cũng không khám phá một bộ luật về vệ sinh tương tự nào như thế trong dân Ai-cập xưa, cho dù họ có thực hành một hình thức y học tương đối khá tiến bộ. Cuốn sách «Cổ Ai-cập» (Ancient Egypt) nói: “Những câu thần chú và những công thức quỉ thuật được pha trộn [trong các văn thư y học Ai-cập] với các toa thuốc thuần túy”. Tuy nhiên, luật pháp Đức Chúa Trời không có nhuốm mùi quỉ quái, nhưng rất phù hợp với khoa học. Chẳng hạn, chỉ vào thời nay các bác sĩ mới thấy cần phải rửa tay sau khi sờ mó các xác chết, điều mà Luật pháp Môi-se đã đòi hỏi cách đây hằng ngàn năm rồi! (Dân-số Ký, đoạn 19).
Câu hỏi để ôn lại
◻ Đức Giê-hô-va «được vinh hiển trong sự thánh khiết» như thế nào, và điều này có nghĩa gì đối với những người thờ phượng Ngài?
◻ Luật pháp Môi-se khác biệt thế nào với các đạo luật của tất cả mọi dân tộc khác?
◻ Luật pháp Môi-se nhằm giúp thế nào về sự tinh sạch thể chất, thiêng liêng, tâm trí và luân lý đạo đức?
◻ Làm sao nhiều kẻ có nếp sống nhơ nhớp «gặt những gì chúng đã gieo»?
[Hình nơi trang 19]
Sự thờ phượng các thần phóng đãng dẫn người Ca-na-an đến chỗ đồi trụy
[Nguồn tư liệu]
Do nhã ý của Bảo tàng viện Anh quốc, Luân-đôn
[Hình nơi trang 20]
Bộ luật Hammurabi đem lại trật tự cho xứ sở và tôn vinh vua, nhưng không có đem lại cho người Ba-by-lôn sự thánh thiện
[Nguồn tư liệu]
Bảo tàng viện Louvre, Ba-lê