“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi”
“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì” (THI THIÊN 23:1).
1, 2. Hãy kể Đa-vít đã làm được những việc lớn gì, và ông đã soạn thảo bao nhiêu bài Thi-thiên?
Hãy tưởng tượng cảnh này: quân Phi-li-tin giàn trận trước quân Y-sơ-ra-ên. Gô-li-át, một người Phi-li-tin khổng lồ ngạo mạn đang thách đố. Một thanh niên trẻ, chỉ có trành ném đá và mấy viên đá trong tay chạy đến gặp người khổng lồ. Một viên đá nhắm ngay lao tới xuyên thủng sọ tên khổng lồ và giết hắn chết. Người thanh niên trẻ là ai? Chính là Đa-vít, một người chăn chiên đã đạt thắng lợi tuyệt vời này với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời (I Sa-mu-ên, đoạn 17).
2 Rồi sau người thanh niên trẻ này trở thành vua của dân Y-sơ-ra-ên, cai trị 40 năm. Ông là một người khảy thụ cầm điêu luyện và đã soạn thảo nhiều bài thơ dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời. Đa-vít cũng đã viết trên 70 bài Thi-thiên tuyệt tác làm nguồn khích lệ và hướng dẫn cho dân tộc Đức Giê-hô-va ngày nay. Bài được biết đến nhiều nhất là Thi-thiên 23. Tại sao không mở Kinh-thánh của bạn và dò theo khi chúng ta học từng câu một của bài Thi-thiên này?
Đức Giê-hô-va, Đấng Chăn giữ đầy yêu thương
3. a) Trong những dịp nào Đa-vít gặp sự nguy hiểm đến sự sống để bảo vệ chiên của ông? b) Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ chúng ta theo nghĩa nào?
3 “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi” (Thi-thiên 23:1). Là một người chăn chiên có kinh nghiệm, Đa-vít biết cách dẫn dắt, nuôi nấng và bảo vệ chiên. Thí dụ, trong một dịp ông đã can đảm bảo vệ chiên của ông khỏi sư tử và trong một dịp khác khỏi con gấu (I Sa-mu-ên 17:34-36). Các chiên của Đa-vít tin cậy hoàn toàn nơi người chăn chúng. Nhưng đối với Đức Giê-hô-va thì chính ông là một con chiên. Vì Đa-vít cảm thấy an toàn trong sự yêu thương của Đức Chúa Trời, ông có thể nói: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi”. Bạn có vui hưởng cảm giác an toàn này dưới Đấng Chăn giữ Vĩ đại là Giê-hô-va Đức Chúa Trời không? Ngài chắc chắn dẫn dắt, nuôi nấng và bảo vệ các người thờ phượng giống như chiên của Ngài ngày nay. Chúng ta có các trưởng lão được bổ nhiệm trong hội-thánh của Nhân-chứng Giê-hô-va làm những người chăn chiên trung thành yêu thương chăm sóc cách nhiệt thành cho chiên (I Phi-e-rơ 5:1-4).
4. Tình trạng của chúng ta ngày nay tương tợ thế nào như của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng?
4 “Tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì”. Hãy suy nghĩ cẩn thận về câu này. Nhờ sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va bạn không có cảm giác bình thản và đầy tin cậy sao? Bạn có nhớ điều gì xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ đi lang thang trong đồng vắng 40 năm không? Kìa, Đức Chúa Trời đã cung cấp cho họ tất cả những nhu cầu căn bản! Ngày nay cũng giống như vậy. Các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va không thiếu thốn gì cả. Nhiều người có thể lặp lại những lời soi dẫn này của Đa-vít: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn mày” (Thi-thiên 37:25). Ngày nay, đồ ăn thiêng liêng dư dật được cung cấp qua lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 4:4; 24:45-47). Để thêm vào nhiều buổi nhóm họp trong tuần, chúng ta có Kinh-thánh, tạp chí Tháp Canh (The Watchtower) và Tỉnh thức! (Awake!) và nhiều sách báo khác. Ngay cả trong những xứ mà công việc rao giảng của Nhân-chứng Giê-hô-va bị cấm đoán, những đồ ăn thiêng liêng cũng nhận được đều đặn. Thật chiên của Đức Giê-hô-va không thiếu thốn gì cả!
5. Tại sao chiên của Đức Giê-hô-va ngày nay được bình yên và thong thả, và với kết quả nào?
5 “Ngài khiến tôi an-nghỉ nơi đồng-cỏ xanh-tươi” (Thi-thiên 23:2). Có nhiều đồng cỏ rộng lớn chung quanh nhiều thành phố trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa. Như một người chăn dẫn chiên đến đồng cỏ tốt và an toàn, Đức Giê-hô-va chăm sóc cho các chiên Ngài ngày nay cũng thế. Người viết Thi-thiên nói: “Chúng tôi là dân của đồng-cỏ Ngài” (Thi-thiên 79:13; 95:7). Chiên theo nghĩa đen được mạnh khỏe là khi chúng được thỏa lòng và được nghỉ ngơi trong lúc trời nóng. Ngày nay các chiên của Đức Giê-hô-va được bình yên và thong thả vì họ tin cậy nơi những người chăn giữ thành thục—các giám thị đã được huấn luyện trong các hội-thánh và vòng quanh. Kết quả là đàn chiên thiêng liêng được gia tăng. Nhiều người trước đây đã bị những kẻ chăn chiên giả trong Ba-by-lôn Lớn đối xử tệ hại, nay rất vui mừng và thỏa lòng vì là chiên của Đức Giê-hô-va.
6. Làm thế nào Đức Giê-hô-va ‹‹dẫn chúng ta đến mé bình-tịnh››?
6 “Dẫn tôi đến mé nước bình-tịnh”. Trong xứ Y-sơ-ra-ên, một người chăn chiên phải dẫn bầy của mình đến ao hay suối để uống nước. Nhưng nước thường khó kiếm trong mùa khô. Ngày nay, Đức Giê-hô-va ‹‹dẫn chúng ta đến mé nước bình-tịnh›› bằng cách cung cấp nước lẽ thật tràn trề. (So sánh Ê-xê-chi-ên 34:13, 14). Và nhà tiên tri Ê-sai có lời mời nồng nhiệt này: “Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước!” (Ê-sai 55:1). Bằng cách uống nước thiêng liêng này, các chiên được bảo vệ khỏi sự phán xét nóng bỏng sẽ đến trên “những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời và không vâng-phục [tin mừng]” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:8; Khải-huyền 7:16, 17).
7. Khi nào thì sự bồi bổ thiêng liêng từ Đức Giê-hô-va đặc biệt có lợi, và những đoạn Kinh-thánh đã thuộc có lợi nhiều trong những hoàn cảnh nào?
7 “Ngài bổ lại linh-hồn tôi” (Thi-thiên 23:3). Khi chúng ta mệt mỏi, bị ưu phiền, chán nản hay gặp sự chống đối nghiêm trọng, Đức Giê-hô-va làm tươi tỉnh chúng ta bằng Lời của Ngài. Vì thế là tốt cho tín đồ đấng Christ tập thói quen đọc một phần Kinh-thánh mỗi ngày. Bạn có làm vậy không? Vài người thấy có lợi là thuộc vài đoạn như Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7 hay Châm-ngôn 3:5, 6. Tại sao điều này có lợi? Bởi vì nếu chuyện khủng hoảng xảy ra và bạn không có Kinh-thánh trong tay, những tư tưởng đầy an ủi của Kinh-thánh có thể lập tức làm vững mạnh bạn. Nhiều anh em bị tù hay bị bỏ vào trại giam bởi vì họ đứng vững về phía các nguyên tắc công bình đã được làm tươi tỉnh lại và được thêm sức rất nhiều bằng cách nhớ lại những đoạn Kinh-thánh đã thuộc. Đúng, Lời Đức Chúa Trời có thể “làm cho lòng vui-mừng” và “mắt sáng-sủa”! (Thi-thiên 19:7-10).
8. Đi theo “các lối công-bình” có dễ không, nhưng làm vậy sẽ dẫn đến gì?
8 “Dẫn tôi vào lối công-bình”. Lối công bình khó theo nhưng dẫn đến sự sống. Như Giê-su nói, “cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống” (Ma-thi-ơ 7:14). Sứ đồ Phao-lô bày tỏ tư tưởng liên quan đến điều đó khi nói với các môn đồ ở Lít-trơ, Y-cô-ni và An-ti-ốt: “Phải trải qua nhiều nỗi khó-khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời”. Và Phao-lô chắc chắn đã biết ông nói điều gì vì không lâu sau đó ông đã bị ném đá tại Lít-trơ và bị bỏ mặc tưởng chết! (Công-vụ các Sứ-đồ 14:19-22).
9. a) Làm thế nào Đức Chúa Trời ‹‹dẫn chúng ta vào các lối công-bình››? b) Thi-thiên 19:14 có lợi về điểm nào? c) Đoạn Kinh-thánh nào có thể giúp chúng ta tránh rơi vào các hố sâu của tình dục vô luân?
9 Đức Giê-hô-va ‹‹dẫn chúng ta vào lối công-bình›› bằng cách hướng dẫn và dạy dỗ chúng ta qua Kinh-thánh và tổ chức của Ngài. Nhưng đa số người theo con đường rộng và khoảng khoát “đưa đến sự hư-mất” (Ma-thi-ơ 7:13). Sự vô luân lan tràn và tai họa của bệnh miễn kháng (AIDS) phát triển nhanh chóng nhấn mạnh đến việc tín đồ đấng Christ cần tránh bạn bè xấu (I Cô-rinh-tô 15:33). Chúng ta cũng phải gìn giữ tư tưởng của chính mình để tránh nghĩ ngợi vẩn vơ đến đường lối ô uế (Thi-thiên 19:14). Để làm thế chúng ta hãy luôn luôn áp dụng lời khuyên bảo tốt của Kinh-thánh về tình dục và làm sao tránh rơi vào các hố sâu của sự vô luân (I Cô-rinh-tô 7:2-5; Ê-phê-sô 5:5; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8).
10. a) Nhân-chứng Giê-hô-va có trách nhiệm gì đối với danh Đức Chúa Trời? b) Tại sao người thế gian thường chỉ trích chúng ta? c) Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta trong những hoàn cảnh nào?
10 “Vì cớ danh Ngài”. Nhân-chứng Giê-hô-va mang trách nhiệm nặng nề là làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời và không làm tai tiếng cho danh ấy (Ma-thi-ơ 6:9; Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3; Ê-xê-chi-ên 38:23). Nhiều người thế gian thường vội chỉ tay đổ lỗi cho dân tộc Đức Giê-hô-va. Nếu điều này xảy ra chỉ vì chúng ta đứng vững về phía các nguyên tắc Kinh-thánh như sự trung lập hay sự thánh khiết của máu thì lương tâm chúng ta được trong sạch. Nhưng nếu điều này xảy ra vì chúng ta có hành vi xấu thì chúng ta bôi nhọ Đức Giê-hô-va (Ê-sai 2:4; Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29; I Phi-e-rơ 4:15, 16). Vậy mong chúng ta hãy ghét điều ác (Thi-thiên 97:10). Nếu chúng ta bị bắt bớ, Đức Giê-hô-va sẽ vì danh Ngài luôn luôn giúp chúng ta và bảo vệ chúng ta.
Đức Giê-hô-va bảo vệ chiên Ngài
11. “Trũng bóng chết” có nghĩa gì, và điều này nhắc chúng ta gì về Giê-su?
11 “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai-họa nào” (Thi-thiên 23:4). Một bản dịch viết: “Dù tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ điều ác” (bản dịch của Isaac Leeser). Điều này gợi trong trí những đèo sâu, hay thung lũng, chạy dài từ miền núi Giu-đê đến hướng tây của Biển Chết. Thung lũng hay khe suối, nơi mà thú dữ săn mồi ẩn núp trong bóng tối là nơi nguy hiểm cho chiên. Đa-vít đi ngang qua nhiều thung lũng nguy hiểm trong đời ông, nhiều khi như trông thấy sự chết trước mắt. Nhưng vì được Đức Chúa Trời hướng dẫn, ông có sự tin cậy và không sợ hãi. Chúng ta nên có sự tin cậy tương tợ như thế nơi Đức Giê-hô-va. Chữ “trũng bóng chết” này cũng có thể làm chúng ta nhớ đến lời tiên tri của Ê-sai: “Sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết”. Ma-thi-ơ nói về lời tiên tri này và áp dụng cho Giê-su Christ mà rằng: “Dân ấy ngồi chỗ tối-tăm, đã thấy ánh sáng lớn; và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, thì ánh sáng đã mọc lên”. Bằng cách nào? Bằng công việc rao giảng vĩ đại mà Giê-su đã điều khiển (Ê-sai 9:1; Ma-thi-ơ 4:13-16).
12. a) Các tôi tớ Đức Giê-hô-va hoạt động thế nào trong nhiều xứ có sự bắt bớ? b) Phi-e-rơ đã khuyến khích thế nào các tín đồ đấng Christ bị bắt bớ trong thế kỷ thứ nhất?
12 Đa-vít “chẳng sợ tai-họa nào”. Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay cũng giống như vậy mặc dù họ không được ưa thích trong thế gian ác này dưới sự cai trị của Sa-tan (I Giăng 5:19). Nhiều người thật sự ghét họ và trong nhiều xứ họ bị ngược đãi trầm trọng. Nhưng trong những xứ này họ vẫn tiếp tục rao giảng tin mừng về Nước Trời, mặc dù không công khai như họ đã làm lúc bình thường. Họ biết rằng Đức Giê-hô-va ở cùng họ và sẽ bảo vệ họ (Thi-thiên 27:1). Chúng ta thấy có sự tiến bộ tốt trong nhiều nước mà công việc Nước Trời phải tiến hành cách thầm kín. Trong những xứ như thế, các Nhân-chứng Giê-hô-va đồng ý nói lời của bài Thi-thiên: “Đức Giê-hô-va binh-vực tôi, tôi chẳng sợ; loài người sẽ làm chi tôi?” (Thi-thiên 118:6). Các Nhân-chứng này ở trong vị thế tương tợ như các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất mà sứ đồ Phi-e-rơ đã viết những lời khích lệ này: “Nếu anh em phải vì sự công-bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí” (I Phi-e-rơ 3:14).
13. a) Có sự thay đổi nào xảy ra trong câu Thi-thiên 23:4, và tại sao? b) Làm thế nào tín đồ đấng Christ có thể vượt qua mọi sự sợ hãi?
13 “Vì Chúa ở cùng tôi”. Hãy để ý một điểm rất thú vị trong câu này. Người được soi dẫn viết Thi-thiên đã đổi cách nói từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ hai. Thay vì nói về Đức Giê-hô-va như nhân vật thứ ba, bây giờ Đa-vít nói thẳng với Ngài như nhân vật thứ hai. Tại sao? Vì như thế thân mật hơn. Sự nguy hiểm khiến chúng ta đến Đức Chúa Cha Giê-hô-va đầy yêu thương của chúng ta. Lúc đó chúng ta hưởng được một sự liên lạc mật thiết với Ngài hơn. Qua lời cầu nguyện và nài xin, chúng ta có thể cầu xin Ngài bảo vệ và vì thế vượt qua được mọi sự sợ hãi của chúng ta. (So sánh Sô-phô-ni 3:12).
14. a) Trong thời Đa-vít những người chăn chiên có những đồ dùng nào, và họ xử dụng chúng ra sao? b) Ngày nay các người chăn chiên tín đồ đấng Christ che chở bầy chiên thế nào?
14 “Cây trượng và cây gậy của Chúa an-ủi tôi”. Chữ Hê-bơ-rơ she’vet, dịch là “cây trượng” có thể có nghĩa là cây gậy lớn có móc của người chăn chiên. Cả cây gậy lớn và cây gậy nhỏ có thể dùng để bảo vệ chiên và biểu hiệu hay ám chỉ uy quyền. Chắc chắn, những đồ dùng này rất hữu dụng để đánh đuổi những thú săn mồi như chó sói và rắn. Cây gậy lớn có móc của người chăn chiên cũng có thể dùng để lùa chiên đi đúng hướng và cả đến đem con chiên đang đi lạc trở về khỏi chỗ mà nó có thể té hay bị nạn. Ngày nay, Đức Giê-hô-va cung cấp những người chăn chiên trung thành, các trưởng lão trong hội-thánh, để bảo vệ bầy chiên cho khỏi bị các con thú săn mồi theo nghĩa thiêng liêng như những kẻ bội đạo. Hay những trưởng lão có thể khuyên bảo những người nào trở nên sao lãng trong việc dự nhóm họp hay đi lệch lạc khỏi hành vi của người tín đồ đấng Christ.
Một bàn tiệc thịnh soạn giữa kẻ thù nghịch
15. a) Có sự thay đổi nào về thí dụ minh họa nơi Thi-thiên 23:5? b) Sự kiện nào chứng tỏ dân tộc Đức Giê-hô-va được no đủ về phương diện thiêng liêng, trái ngược với những kẻ nào?
15 “Chúa dọn bàn cho tôi trước mặt kẻ thù-nghịch tôi” (Thi-thiên 23:5). Ở đây chúng ta có sự thay đổi đầy ý nghĩa về thí dụ minh họa, từ một người chăn chiên đến người chủ tiệc. Là một chủ tiệc rất rộng lượng, Đức Giê-hô-va cung cấp dư dật đồ ăn thiêng liêng qua lớp người “đầy-tớ” được xức dầu (Ma-thi-ơ 24:45). Mặc dù chúng ta sống trong một thế gian hung dữ, chúng ta được ăn uống đầy đủ. Tạp chí Tháp Canh được phát hành trong hơn 100 thứ tiếng để cho các dân sống ở nơi xa xôi như Nam Phi, đảo Lục-lan (Greenland), chuỗi đảo Sa-lô-môn (the Solomon Islands) và Ấn-độ có thể được ăn uống về phương diện thiêng liêng. Ngoài ra, trong khoảng hơn 57.000 hội-thánh trên thế giới có những diễn giả và người giảng dạy được huấn luyện kỹ và những nơi nhóm họp tốt, kể cả hằng trăm các Phòng Nước Trời mới được xây cất. Hơn 3 triệu sự học hỏi Kinh-thánh tại nhà riêng được điều khiển để giúp những người giống như chiên. Ngược lại, những người trong Ba-by-lôn Lớn tức đế quốc thế giới các tôn giáo giả thì bị đói kém (Ê-sai 65:13).
16. a) Tương phản với người đàn bà tội lỗi, người Pha-ri-si đã không làm gì cho Giê-su? b) Đức Giê-hô-va cung cấp loại dầu nào cho các tôi tớ trung thành của Ngài ngày nay?
16 “Chúa xức dầu cho tôi”. Trong thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, một người chủ nhà hiếu khách cung cấp dầu để xức lên đầu khách. Có một lần Giê-su là khách của một người Pha-ri-si và ông ta không xức dầu lên đầu Giê-su và không đem nước lại rửa chân ngài. Lúc đó, một người đàn bà có tội đến rửa chân ngài với nước mắt và xức dầu thơm đặc biệt lên chân ngài (Lu-ca 7:36-38, 44-46). Nhưng Đức Giê-hô-va là một người chủ nhà rất hiếu khách! Ngài cung cấp cho những tôi tớ trung thành của Ngài thứ “dầu vui-mừng” thiêng liêng (Ê-sai 61:1-3). Đúng, ngày nay dân tộc Đức Giê-hô-va thật sự vui mừng.
17. a) “Chén đầy tràn” nói về gì? b) Ngày nay, làm thế nào Đức Giê-hô-va cung cấp “chén đầy tràn” cho các tôi tớ của Ngài?
17 “Chén tôi đầy tràn”. Một bản dịch khác viết: “Chén tôi trào rượu” (bản dịch của linh mục Nguyễn thế Thuấn). Điều này chỉ sự dư dật thiêng liêng. Mặc dù không có nghĩa là uống quá độ, những chữ này chỉ về một ly rượu ngon. Đồ uống này có đặc tính trị bệnh, như được chỉ rõ qua lời khuyên của Phao-lô cho Ti-mô-thê: “Đừng chỉ uống nước luôn; nhưng phải uống một ít rượu, vì cớ tì-vị con, và con hay khó-ở” (I Ti-mô-thê 5:23). Theo nghĩa thiêng liêng, rượu cũng làm cho lòng vui mừng (Thi-thiên 104:15). Cha yêu thương của chúng ta là Đức Giê-hô-va rộng lượng cung cấp một bữa tiệc đầy những món ngon thiêng liêng cho các tôi tớ trung thành của Ngài, gồm cả “chén đầy tràn” sự vui mừng.
18. a) Sự nhân từ và thương xót của Đức Giê-hô-va được ai ưa thích, và Thi-thiên 103:17, 18 chỉ rõ điều đó thế nào? b) Tương lai huy hoàng nào đang chờ đón những người trung thành với Đức Giê-hô-va?
18 “Quả thật, trọn đời tôi phước-hạnh và sự thương-xót sẽ theo tôi” (Thi-thiên 23:6). Sự nhân từ là một phần thuộc bông trái thánh linh của Đức Giê-hô-va (Ga-la-ti 5:22, 23). Sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời được những người đi trong đường lối Ngài ưa thích (Thi-thiên 103:17, 18). Với đức tin mạnh nơi Đức Giê-hô-va, dân tộc Ngài có thể đương đầu với bất cứ thử thách nào mà họ gặp phải. Họ luôn luôn nhận lãnh các ân phước và sự săn sóc đầy yêu thương của Ngài. Và sự trung thành cho đến cuối cùng sẽ có nghĩa là sự sống đời đời trong thế giới mới. Quả là một triển vọng tuyệt diệu!
19. a) “Ở trong nhà Đức Giê-hô-va” có nghĩa gì? b) Tổ chức Đức Giê-hô-va thành lập gì để khuyến khích sự thờ phượng thật ngày nay, và tại sao hằng ngàn người sốt sắng coi là một đặc ân được phụng sự tại đó? c) Ai khác quyết định phụng sự Đức Chúa Trời đời đời?
19 “Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài”. Trong thời Đa-vít, nơi thánh của Đức Chúa Trời là đền tạm, vì đền thờ chưa được xây cất. Vì người viết Thi-thiên nghĩ về một người chủ rộng lượng, “ở trong nhà Đức Giê-hô-va” có nghĩa có một sự liên lạc tốt với Đức Chúa Trời với tư cách là khách của Ngài (Thi-thiên 15:1-5). Ngày nay, nhà có thể xem như đền thờ của Đức Giê-hô-va, sự sắp đặt của Ngài về sự thờ phượng thật. Vua Sa-lô-môn có đặc ân xây cất đền thờ đầu tiên, trang hoàng tráng lệ bằng vàng và xây lên để tôn vinh Đức Giê-hô-va. Quả thật là một đặc ân lớn phụng sự ở đó! Mặc dù một đền thờ như thế không còn nữa, Đức Chúa Trời có một tổ chức thánh để tôn vinh và khuyến khích sự thờ phượng trong sạch. Một cách để làm thế là tổ chức của Đức Giê-hô-va đã thành lập các nhà Bê-tên trong nhiều xứ. “Bê-tên” có nghĩa là “Nhà Đức Chúa Trời” và hằng ngàn người sốt sắng phụng sự trong những trung tâm thần quyền này. Một số người trong họ đã phụng sự “cho đến lâu dài”, dùng gần trọn cuộc đời họ cho công tác ở nhà Bê-tên. Hằng triệu người khác, không phải thuộc gia đình Bê-tên, cũng nhất quyết phụng sự Đức Giê-hô-va đời đời.
20. a) Tại sao Thi-thiên 23 là một phần nổi bật của Kinh-thánh, và bài đó giúp chúng ta vun trồng gì? b) Đặc ân nào chờ đón các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va?
20 Bài Thi-thiên số 23 giống như một viên đá quí nhiều mặt chiếu sáng rạng ngời. Bài này tôn cao danh vinh hiển của Đức Giê-hô-va, Cha yêu thương trên trời của chúng ta, và cho biết cách Ngài hướng dẫn, che chở và cung cấp cho chiên của Ngài. Kết quả là dân tộc Ngài được hạnh phúc, no đủ về phương diện thiêng liêng và nhân số gia tăng nhanh chóng, ngay cả trong những xứ có sự chống đối dữ dội. Thi-thiên 23 cũng giúp chúng ta vun trồng một sự liên lạc nồng nhiệt, thân mật với Đấng Tạo hóa chúng ta. Và khi chúng ta nhìn lên bầu trời đầy sao lấp lánh như Đa-vít vẫn thường nhìn khi ông chăn giữ bầy chiên, chúng ta biết ơn Đấng Tạo hóa của vũ trụ kỳ diệu này săn sóc chúng ta như một Đấng Chăn giữ đầy yêu thương. Vì yêu thương, Ngài cũng ban cho chúng ta sự sống đời đời trong thế giới mới nếu chúng ta gìn giữ lòng trung kiên đối với Ngài. Thật tuyệt diệu thay khi gặp lại được những tôi tớ khác của Đức Chúa Trời sẽ sống lại như Đa-vít! Quả là một đặc ân được đời đời phụng sự Đức Giê-hô-va, Đấng Chăn giữ Lớn!
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Đức Giê-hô-va chứng tỏ thế nào là một Đấng chăn chiên đầy yêu thương?
◻ Đức Chúa Trời ‹‹dẫn chúng ta vào các lối công-bình›› bằng những cách nào?
◻ Đức Giê-hô-va che chở chiên Ngài thế nào?
◻ Nói về phương diện gì Đức Chúa Trời dọn bàn cho chúng ta giữa những kẻ thù nghịch?