Bước đi trong đường lối thanh liêm
“Còn tôi, tôi sẽ bước đi trong sự thanh-liêm”.—THI-THIÊN 26:11.
1, 2. (a) Tại sao sự thanh liêm của loài người là yếu tố quan trọng trong vấn đề liên quan đến quyền cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời? (b) Bằng cách nào các tạo vật thông minh cho thấy họ ủng hộ quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va?
KHI nổi loạn trong vườn Ê-đen, Sa-tan đã dấy lên một cuộc tranh chấp hoàn vũ về tính chính đáng của quyền cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời trên muôn vật. Một thời gian sau, hắn tuyên bố rằng loài người phụng sự Đức Chúa Trời chỉ khi nào họ thấy có lợi. (Gióp 1:9-11; 2:4) Vì vậy, sự thanh liêm của loài người trở thành yếu tố quan trọng trong vấn đề liên quan đến quyền cai trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va.
2 Mặc dù quyền cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời không tùy thuộc vào sự thanh liêm của các tạo vật Ngài, nhưng loài người và các thiên sứ có thể cho thấy lập trường của họ trong vấn đề này. Bằng cách nào? Bằng cách chọn đi theo đường lối thanh liêm hoặc từ chối đường lối ấy. Vậy, sự thanh liêm của một người chính là cơ sở vững chắc để Đức Chúa Trời đoán xét.
3. (a) Ông Gióp và Vua Đa-vít đã xin Đức Giê-hô-va dò xét và đoán xét điều gì? (b) Những câu hỏi nào được nêu lên về sự thanh liêm?
3 Ông Gióp nói với lòng tin chắc: “Nguyện [Đức Giê-hô-va] cân tôi trên cân thăng-bằng, thì Ngài sẽ nhìn-biết sự thanh-liêm của tôi”. (Gióp 31:6) Vua Đa-vít xứ Y-sơ-ra-ên xưa nài xin Đức Giê-hô-va dò xét sự thanh liêm của ông khi cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy đoán-xét tôi, vì tôi đã bước đi trong sự thanh-liêm, tôi cũng nhờ-cậy Đức Giê-hô-va, không xiêu-tó”. (Thi-thiên 26:1) Việc chúng ta cũng bước đi trong đường lối thanh liêm thật trọng yếu làm sao! Thế thì sự thanh liêm là gì, và bước đi trong đường lối thanh liêm có nghĩa gì? Điều gì sẽ giúp chúng ta tiếp tục bước đi trên con đường đó?
“Tôi đã bước đi trong sự thanh-liêm”
4. Sự thanh liêm là gì?
4 Thanh liêm có nghĩa là ngay thẳng, không chỗ trách được, công bình và trong sạch. Tuy nhiên, người thanh liêm không chỉ là làm điều phải mà còn có bản chất đạo đức tốt hoặc trọn lòng hiến dâng cho Đức Chúa Trời. Sa-tan đặt nghi vấn về động lực của Gióp khi hắn nói với Đức Chúa Trời: “Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt [Gióp], ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt”. (Gióp 2:5) Ngoài việc làm điều phải, sự thanh liêm đòi hỏi một người có động lực đúng trong lòng.
5. Điều gì cho thấy giữ sự thanh liêm không đòi hỏi chúng ta phải là người hoàn toàn?
5 Tuy nhiên, giữ sự thanh liêm không đòi hỏi phải là người hoàn toàn. Vua Đa-vít là người bất toàn, đã phạm những lỗi lầm nghiêm trọng trong đời. Thế nhưng Kinh Thánh vẫn nói ông là người bước đi với “lòng trọn-lành” hay thanh liêm. (1 Các Vua 9:4) Tại sao? Bởi vì Đa-vít yêu thương Đức Giê-hô-va. Ông hiến dâng trọn vẹn tấm lòng cho Đức Chúa Trời. Ông sẵn sàng nhìn nhận lỗi lầm, chịu nghe lời khiển trách, và sửa đổi đường lối mình. Thật vậy, sự thanh liêm của Đa-vít được nhận thấy qua việc ông trọn lòng hiến dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và hết lòng yêu thương Ngài.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5, 6.
6, 7. Bước đi trong sự thanh liêm bao hàm điều gì?
6 Sự thanh liêm không giới hạn trong một khía cạnh nào đó của đời sống con người, chẳng hạn như tôn giáo. Nó bao gồm toàn bộ lối sống của chúng ta. Đa-vít “bước đi” trong sự thanh liêm. Cuốn The New Interpreter’s Bible nói: “Động từ ‘bước đi’ ngụ ý nói về ‘lối sống’ hay ‘cách sống’ ”. Người viết Thi-thiên hát về những người “trọn-vẹn trong đường lối mình” như sau: “Phước cho những người gìn-giữ chứng-cớ [Đức Chúa Trời], và hết lòng tìm-cầu Ngài. Họ không làm trái phép công-bình, nhưng đi trong các lối Ngài”. (Thi-thiên 119:1-3) Sự thanh liêm đòi hỏi không ngừng cố gắng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và đi trong đường lối Ngài.
7 Bước đi trong sự thanh liêm đòi hỏi trung thành gắn bó với Đức Chúa Trời, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta chứng tỏ lòng thanh liêm khi bền đỗ trong mọi thử thách, tiếp tục đứng vững bất chấp nghịch cảnh, hoặc cưỡng lại sự cám dỗ từ thế gian không tin kính. Khi làm thế, chúng ta ‘làm vui lòng Đức Giê-hô-va’ vì Ngài có thể đáp lại kẻ sỉ nhục Ngài. (Châm-ngôn 27:11) Vậy, chúng ta có lý do chính đáng để quyết tâm như Gióp: “Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả-quyết rằng tôi trọn-vẹn”. (Gióp 27:5) Bài Thi-thiên 26 cho thấy những điều sẽ giúp chúng ta bước đi trong sự thanh liêm.
‘Xin hãy rèn-luyện lòng dạ tôi’
8. Bạn học được gì qua lời Đa-vít nài xin Đức Giê-hô-va dò xét lòng dạ ông?
8 Vua Đa-vít cầu xin: “Đức Giê-hô-va ôi! Xin hãy dò-xét và thử-thách tôi, rèn-luyện lòng dạ tôi”. (Thi-thiên 26:2) Từ “dạ” theo nguyên ngữ là thận. Thận nằm sâu bên trong thân thể và theo nghĩa bóng tượng trưng cho những ý nghĩ và xúc cảm sâu kín nhất. “Lòng” là toàn bộ con người bề trong: động lực, tình cảm và lý trí của người đó. Khi xin Đức Giê-hô-va dò xét lòng dạ ông, thật ra Đa-vít cầu xin Ngài soi xét kỹ những ý nghĩ và tình cảm thầm kín nhất của mình.
9. Lòng dạ của chúng ta được Đức Giê-hô-va luyện lọc bằng cách nào?
9 Đa-vít cũng nài xin Đức Giê-hô-va rèn luyện hay luyện lọc lòng dạ ông. Ngài luyện lọc con người bề trong của chúng ta bằng cách nào? Đa-vít hát: “Tôi sẽ ngợi-khen Đức Giê-hô-va, là Đấng khuyên-bảo tôi; ban đêm lòng tôi cũng dạy-dỗ tôi”. (Thi-thiên 16:7) Từ ở đây được dịch là “lòng” theo nguyên ngữ cũng là thận. Lời hát đó có nghĩa gì? Có nghĩa là lời khuyên của Đức Chúa Trời được Đa-vít tiếp nhận, và thấm sâu vào con người ông, uốn nắn những ý nghĩ và xúc cảm thầm kín nhất của ông. Chúng ta cũng có thể được sửa dạy như thế nếu suy ngẫm với lòng biết ơn về những lời khuyên nhận được qua Lời Đức Chúa Trời, qua tổ chức và những người đại diện Ngài, rồi để những lời ấy thấm sâu vào cả con người. Việc cầu nguyện đều đặn với Đức Giê-hô-va để được luyện lọc sẽ giúp chúng ta bước đi trong sự thanh liêm.
“Sự nhân-từ Chúa ở trước mặt tôi”
10. Điều gì đã giúp Đa-vít đi theo lẽ thật của Đức Chúa Trời?
10 Đa-vít tiếp tục: “Sự nhân-từ Chúa ở trước mặt tôi, tôi đã đi theo lẽ thật của Chúa”. (Thi-thiên 26:3) Đa-vít biết rõ những hành động nhân từ của Đức Chúa Trời và suy ngẫm về những điều này với lòng biết ơn. Ông hát: “Hỡi linh-hồn ta, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân-huệ của Ngài”. Nhớ lại một trong “các ân-huệ” của Đức Chúa Trời, Đa-vít hát tiếp: “Đức Giê-hô-va thi-hành sự công-bình và sự ngay-thẳng cho mọi người bị hà-hiếp. Ngài bày-tỏ cho Môi-se đường-lối Ngài. Và cho Y-sơ-ra-ên biết các công-việc Ngài”. (Thi-thiên 103:2, 6, 7) Có lẽ Đa-vít nghĩ đến việc dân Y-sơ-ra-ên bị người Ê-díp-tô hà hiếp trong thời Môi-se. Nếu thế, suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va tỏ cho Môi-se biết đường lối giải cứu của Ngài hẳn đã động đến lòng Đa-vít và củng cố quyết tâm của ông bước đi theo lẽ thật của Đức Chúa Trời.
11. Điều gì có thể giúp chúng ta bước đi trong đường lối thanh liêm?
11 Học Lời Đức Chúa Trời đều đặn và suy ngẫm về những điều học được cũng sẽ giúp chúng ta bước đi trong đường lối thanh liêm. Chẳng hạn, nhớ lại việc Giô-sép chạy trốn lời mời mọc vô luân của vợ Phô-ti-pha chắc chắn sẽ khuyến khích chúng ta cũng chạy trốn khỏi lời mời mọc tương tự tại nơi làm việc, trường học, hoặc nơi nào khác. (Sáng-thế Ký 39:7-12) Còn khi những cơ hội làm giàu, được thăng tiến và có quyền lực trong thế gian cám dỗ chúng ta thì sao? Chúng ta có gương của Môi-se. Ông đã từ bỏ sự vinh quang của xứ Ê-díp-tô. (Hê-bơ-rơ 11:24-26) Ghi nhớ sự nhịn nhục của Gióp chắc chắn sẽ giúp chúng ta củng cố quyết tâm giữ sự trung thành đối với Đức Giê-hô-va bất chấp bệnh tật và tai họa. (Gia-cơ 5:11) Nếu chúng ta là nạn nhân của sự ngược đãi thì sao? Nhớ lại kinh nghiệm của Đa-ni-ên trong hang sư tử sẽ truyền sự can đảm vào lòng chúng ta!—Đa-ni-ên 6:16-22.
“Tôi không ngồi chung cùng người dối-trá”
12, 13. Chúng ta nên tránh những mối giao du nào?
12 Đề cập đến một nhân tố khác củng cố sự thanh liêm của ông, Đa-vít hát: “Tôi không ngồi chung cùng người dối-trá, cũng chẳng đi với kẻ giả-hình. Tôi ghét bọn làm ác, chẳng chịu ngồi chung với kẻ dữ”. (Thi-thiên 26:4, 5) Đa-vít tuyệt đối không chịu ngồi chung với kẻ dữ. Ông ghét những mối giao tiếp xấu.
13 Chúng ta thì sao? Chúng ta có từ chối “ngồi chung” hay giao du với những người “dối-trá” qua các chương trình truyền hình, video, phim ảnh, Internet, hoặc qua các phương tiện khác không? Và chúng ta có tránh xa những kẻ “giả-hình” không? Một vài người tại trường học hoặc nơi làm việc có lẽ giả vờ thân thiện với chúng ta với ý đồ gian ác. Chúng ta có thật sự muốn kết thân với những người không bước đi theo lẽ thật của Đức Chúa Trời không? Ẩn sau vẻ thành thật, những kẻ bội đạo có lẽ che giấu ý định lôi kéo chúng ta ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va. Nếu có vài người trong hội thánh sống hai mặt thì sao? Họ cũng là người giả hình che đậy thực chất con người của họ. Anh Jayson, nay phụng sự với tư cách là tôi tớ thánh chức, lúc trẻ đã có những người bạn như thế. Anh nói về họ: “Một ngày kia, một trong những bạn ấy nói với tôi rằng: ‘Chúng ta làm gì bây giờ cũng không quan trọng bởi vì khi hệ thống mới đến chúng ta đều đã chết hết rồi. Chúng ta đâu có biết mình sẽ mất mát điều gì’. Lối nói chuyện ấy khiến tôi sực tỉnh ra. Tôi thật không muốn chết khi hệ thống mới đến”. Jayson đã khôn ngoan cắt đứt mối giao du với những người như thế. Sứ đồ Phao-lô đã cảnh báo: “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Việc chúng ta tránh những mối giao du xấu thật trọng yếu làm sao!
‘Tôi sẽ thuật các công-việc lạ-lùng của Chúa’
14, 15. Chúng ta có thể “đi vòng xung-quanh bàn-thờ của [Đức Giê-hô-va]” bằng cách nào?
14 Đa-vít hát tiếp: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ rửa tay tôi trong sự vô-tội, và đi vòng xung-quanh bàn-thờ của Ngài”. Tại sao? “Hầu cho nức tiếng tạ ơn, và thuật các công-việc lạ-lùng của Chúa”. (Thi-thiên 26:6, 7) Đa-vít muốn giữ sự trong sạch về đạo đức để ông có thể phụng sự Đức Giê-hô-va và công khai bày tỏ lòng sùng kính đối với Ngài.
15 Mọi việc liên quan đến sự thờ phượng thật tại đền tạm và sau này tại đền thờ là “hình và bóng của những sự trên trời”. (Hê-bơ-rơ 8:5; 9:23) Bàn thờ là hình bóng cho ý định của Đức Giê-hô-va trong việc Ngài chấp nhận sự hy sinh của Chúa Giê-su Christ để chuộc tội cho loài người. (Hê-bơ-rơ 10:5-10) Chúng ta rửa tay trong sự vô tội và “đi vòng xung-quanh bàn-thờ của [Đức Giê-hô-va]” bằng cách thực hành đức tin nơi sự hy sinh ấy.—Giăng 3:16-18.
16. Nói với người khác về những công việc tuyệt diệu của Đức Chúa Trời mang lại lợi ích gì cho chúng ta?
16 Khi suy nghĩ về tất cả những gì giá chuộc đem lại cho chúng ta, chẳng phải lòng chúng ta tràn đầy biết ơn đối với Đức Giê-hô-va và Con một của Ngài sao? Vậy, với lòng biết ơn, chúng ta hãy nói cho người khác biết về những công việc tuyệt diệu của Đức Chúa Trời—từ cuộc sáng tạo loài người trong vườn Ê-đen đến việc hoàn toàn khôi phục muôn vật trong thế giới mới của Ngài. (Sáng-thế Ký 2:7; Công-vụ 3:21) Công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ thật là một sự che chở về thiêng liêng! (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Bận rộn trong công việc này giúp chúng ta giữ hy vọng về tương lai luôn ngời sáng, niềm tin mạnh mẽ nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời, tình yêu sống động đối với Ngài và người đồng loại.
“Tôi ưa nơi-ở của nhà Ngài”
17, 18. Chúng ta nên có thái độ nào về các buổi nhóm họp?
17 Đền tạm—với bàn thờ để dâng của-lễ—từng là trung tâm thờ phượng Đức Giê-hô-va trong xứ Y-sơ-ra-ên. Bày tỏ sự ưa thích của ông về nơi ấy, Đa-vít đã cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi ưa nơi-ở của nhà Ngài, và chốn ngự của sự vinh-hiển Ngài”.—Thi-thiên 26:8.
18 Chúng ta có thích nhóm lại tại những nơi được dùng để học biết về Đức Giê-hô-va không? Mỗi Phòng Nước Trời—với những chương trình dạy dỗ về thiêng liêng đều đặn—là trung tâm của sự thờ phượng thật trong cộng đồng. Ngoài ra, hàng năm chúng ta còn có những đại hội, hội nghị vòng quanh, và hội nghị đặc biệt. Những “chứng-cớ” hay lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va được nói đến tại các buổi họp ấy. Nếu học tập “yêu-mến chứng-cớ ấy nhiều lắm”, chúng ta sẽ sốt sắng tham dự các buổi họp và chú ý lắng nghe khi có mặt. (Thi-thiên 119:167) Thật sảng khoái làm sao khi họp mặt với các anh em đồng đức tin là những người quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta và giúp chúng ta tiếp tục bước đi trong đường lối thanh liêm!—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
‘Cầu Chúa chớ cất mạng-sống tôi’
19. Đa-vít không muốn phạm những tội nào?
19 Nhận thức rõ hậu quả việc đi trệch lẽ thật của Đức Chúa Trời, Đa-vít nài xin: “Cầu Chúa chớ cất linh-hồn tôi chung với tội-nhân, cũng đừng trừ mạng-sống tôi với người đổ huyết; trong tay chúng nó có gian-ác, tay hữu họ đầy-dẫy hối-lộ”. (Thi-thiên 26:9, 10) Đa-vít không muốn bị xếp chung với những người không tin kính có hành vi “gian-ác” hoặc buông tuồng, và “hối-lộ”.
20, 21. Điều gì có thể dẫn chúng ta vào đường lối không tin kính?
20 Thế gian ngày nay tràn ngập những thực hành vô luân. Truyền hình, sách báo, và phim ảnh ủng hộ hành vi “gian-ác”, tức “gian-dâm, ô-uế, luông-tuồng”. (Ga-la-ti 5:19) Một số người trở thành nô lệ của các tài liệu khiêu dâm, thường dẫn đến hậu quả là có hành vi vô luân. Đặc biệt người trẻ dễ bị ảnh hưởng xấu ấy. Tại một số nước, việc hẹn hò là chuyện bình thường, do đó giới thanh thiếu niên bị áp lực phải hẹn hò. Nhiều người trẻ vướng vào chuyện yêu đương lãng mạn mặc dù họ còn quá trẻ để kết hôn. Để thỏa mãn ham muốn tính dục của cơ thể, họ bắt đầu có hành vi vô luân thậm chí dẫn đến việc phạm tội tà dâm.
21 Người trưởng thành không được miễn khỏi những ảnh hưởng xấu. Những thực hành bất lương trong thương trường và khuynh hướng có những quyết định ích kỷ là những biểu hiện thiếu sự thanh liêm. Đi theo đường lối thế gian chỉ làm chúng ta xa cách Đức Giê-hô-va. Vậy, chúng ta hãy “ghét điều dữ mà ưa điều lành” và tiếp tục bước đi trong đường lối thanh liêm.—A-mốt 5:15.
“Xin hãy chuộc tôi, và thương-xót tôi”
22-24. (a) Bạn tìm thấy sự khích lệ nào trong lời kết của bài Thi-thiên 26? (b) Bài tới sẽ thảo luận về cạm bẫy nào ?
22 Vua Đa-vít kết thúc bài hát: “Còn tôi, tôi sẽ bước đi trong sự thanh-liêm, xin hãy chuộc tôi, và thương-xót tôi. Chân tôi đứng trên đường bằng-thẳng; tôi sẽ ngợi-khen Đức Giê-hô-va trong các hội-chúng”. (Thi-thiên 26:11, 12) Việc Đa-vít quyết tâm gìn giữ sự thanh liêm liên hệ chặt chẽ với lời cầu xin về sự cứu chuộc. Thật khích lệ làm sao! Dù bất toàn nhưng chúng ta vẫn được Đức Giê-hô-va giúp nếu quyết tâm bước đi trong đường lối thanh liêm.
23 Mong sao qua cách sống, chúng ta cho thấy mình kính trọng và cảm kích quyền cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời trong mọi khía cạnh của đời sống. Mỗi người có thể cầu xin Đức Giê-hô-va dò xét và luyện lọc những ý nghĩ và tình cảm thầm kín nhất của mình. Siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta có thể luôn nhớ đến lẽ thật Ngài. Vậy, bằng mọi cách hãy tránh xa những mối giao tiếp không lành mạnh nhưng hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va tại các buổi họp. Mong sao chúng ta sốt sắng tham gia vào công việc rao giảng Nước Trời và đào tạo môn đồ, không bao giờ để thế gian gây nguy hại cho mối quan hệ quý báu với Ngài. Khi cố gắng hết sức bước đi trong đường lối thanh liêm, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ thương xót và ban ân huệ cho chúng ta.
24 Vì sự thanh liêm liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống, chúng ta cần cảnh giác trước một cạm bẫy chết người—việc lạm dụng rượu. Điều này sẽ được thảo luận trong bài tới.
Bạn có nhớ không?
• Tại sao sự thanh liêm của các tạo vật thông minh là cơ sở chính đáng để Đức Chúa Trời đoán xét họ?
• Sự thanh liêm là gì, và bước đi trong đường lối ấy bao hàm điều gì?
• Điều gì sẽ giúp chúng ta bước đi trong đường lối thanh liêm?
• Để giữ sự thanh liêm, chúng ta phải ý thức và tránh xa những mối nguy hiểm nào?
[Hình nơi trang 14]
Hành động nhân từ của Đức Giê-hô-va có luôn ở trước mặt bạn không?
[Hình nơi trang 14]
Bạn có đều đặn cầu xin Đức Giê-hô-va dò xét những ý nghĩ thầm kín nhất của mình không?
[Các hình nơi trang 15]
Việc chúng ta giữ sự thanh liêm trong mọi thử thách làm vui lòng Đức Giê-hô-va
[Các hình nơi trang 17]
Bạn có tận dụng những sự cung cấp của Đức Giê-hô-va nhằm giúp bạn bước đi trong đường lối thanh liêm không?