Thú tội để được chữa lành
“KHI tôi nín-lặng, các xương-cốt tôi tiêu-tàn, và tôi rên-siết trọn ngày; vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; nước bổ thân tôi tiêu-hao như bởi khô-hạn mùa hè”. (Thi 32:3, 4) Những lời thống thiết ấy hẳn đã phản ánh nỗi thống khổ sâu xa của Đa-vít, vua của dân Y-sơ-ra-ên xưa, nỗi đau buồn mà ông tự chuốc lấy vì giấu nhẹm thay vì thú nhận tội nặng.
Đa-vít là một người có tài năng xuất chúng. Ông là một chiến sĩ dũng cảm, quốc trưởng tài ba, thi sĩ và nhạc sĩ. Thế nhưng, ông tin cậy nơi Đức Chúa Trời chứ không tin cậy nơi khả năng riêng. (1 Sa 17:45, 46) Ông được miêu tả là một người có lòng ‘trọn-lành đối cùng Đức Giê-hô-va’. (1 Vua 11:4) Nhưng ông phạm một tội đặc biệt đáng bị khiển trách, và có lẽ ông ám chỉ đến điều này nơi Thi-thiên bài số 32. Chúng ta có thể học được nhiều bằng cách xem xét những tình huống dẫn ông đến tội lỗi. Chúng ta sẽ nhận định những cạm bẫy cần phải tránh cũng như tầm quan trọng của việc thú tội hầu khôi phục mối liên lạc của chúng ta với Đức Chúa Trời.
Một vị vua trung thành sa vào tội lỗi
Nước Y-sơ-ra-ên đang tham gia một cuộc chiến quân sự chống lại dân Am-môn, nhưng Đa-vít ở lại Giê-ru-sa-lem. Một buổi chiều tối nọ, khi dạo mát trên sân thượng cung điện, ông nhìn thấy một người đàn bà xinh đẹp đang tắm ở nhà bên cạnh. Ông không kiềm chế tư tưởng nhưng lại bắt đầu thèm muốn bà. Biết được bà tên là Bát-Sê-ba, vợ của U-ri, một binh lính trong quân đội của ông, Đa-vít đem bà vào cung và ông phạm tội ngoại tình với bà. Một thời gian sau, Bát-Sê-ba báo cho Đa-vít hay tin bà mang thai.—2 Sa 11:1-5.
Đa-vít rơi vào ngõ cụt. Nếu tội lỗi của hai người bị phát hiện, cả hai đều phải bị xử tử. (Lê 20:10) Bởi vậy ông nghĩ ra một mưu kế. Ông ra lệnh cho chồng của Bát-Sê-ba là U-ri rút khỏi trận mạc để về nhà. Sau khi hỏi han ông một hồi lâu về chiến trận, Đa-vít bảo U-ri trở về nhà. Đa-vít hy vọng điều này sẽ khiến người ta tin rằng U-ri chính là cha của đứa bé mà Bát-Sê-ba đang mang.—2 Sa 11:6-9.
Buồn thay cho Đa-vít, U-ri không chịu về nhà thăm vợ. U-ri bảo rằng ông không thể nghĩ đến việc về nhà trong lúc đồng đội đang vất vả đánh trận. Khi quân đội Y-sơ-ra-ên tham gia chiến trận, binh lính không được quan hệ ngay cả với vợ. Về nghi lễ họ phải giữ mình tinh sạch. (1 Sa 21:5) Sau đó, Đa-vít mời U-ri dùng bữa và cho ông uống rượu đến say. Vậy mà U-ri vẫn không chịu về với vợ. Thái độ trung thành của U-ri kết án tội lỗi trắng trợn của Đa-vít.—2 Sa 11:10-13.
Đa-vít bị xiết chặt hơn giữa vòng cạm bẫy do tội lỗi của chính ông gây ra. Tuyệt vọng, ông chỉ thấy có một con đường thoát duy nhất. Ông phái U-ri trở lại chiến trường với một bức thư ngắn gửi riêng cho Giô-áp, tướng lãnh quân đội. Nội dung của bức thư ngắn này thật rõ ràng: “Hãy đặt U-ri tại hàng đầu, nơi hiểm-nguy hơn hết của chiến-trận, rồi hãy rút ra xa người, để người bị đánh và chết đi”. Chỉ một nét bút, vị vua hùng mạnh tưởng chừng đã che giấu được tội lỗi mình, và đẩy U-ri vào chỗ chết.—2 Sa 11:14-17.
Vừa khi Bát-Sê-ba mãn tang chồng, Đa-vít cưới bà làm vợ. Thời gian trôi qua, và con trai của hai người ra đời. Trong suốt thời gian này, Đa-vít giấu kín tội lỗi. Có lẽ ông tìm cách tự bào chữa cho các hành vi của mình. Chẳng phải là U-ri đã tử trận một cách oai hùng như bao người khác hay sao? Hơn nữa, chẳng phải ông đã không tuân lệnh vua và từ chối về nhà với vợ hay sao? ‘Lòng dối-trá’ lý luận đủ điều đủ cách để thanh minh cho tội lỗi.—Giê 17:9; 2 Sa 11:25.
Những lầm lỡ dẫn đến tội lỗi
Làm thế nào một người yêu chuộng sự công bình như Đa-vít lại tự hạ mình xuống phạm điều tồi bại như ngoại tình và giết người? Hiển nhiên mầm mống tội lỗi đã được gieo trước một thời gian rồi. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao Đa-vít không ra trận với quân lính của ông, yểm trợ họ trong cuộc hành quân chống lại kẻ thù của Đức Giê-hô-va. Ngược lại, ông hưởng nhàn trong cung điện, quên thực tại của chiến trận, việc mà lẽ ra phải khiến ông xua đuổi dục vọng sai lầm đoạt vợ của một người lính trung thành. Ngày nay, thật là một sự che chở cho tín đồ thật của Đấng Christ khi tích cực bận rộn trong các hoạt động thiêng liêng với hội thánh và đều đặn tham gia rao giảng tin mừng.—1 Ti 6:12.
Những vị vua Y-sơ-ra-ên được dặn dò làm một bản sao của Luật Pháp và đọc nó mỗi ngày. Kinh Thánh giải thích lý do của điều này: “Để [vua] tập biết kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy, và hết thảy điều-răn nầy,—kẻo lòng vua lướt trên anh em mình, xây về bên hữu hay bên tả, lìa bỏ điều-răn nầy”. (Phục 17:18-20) Dường như là Đa-vít không làm theo lời dặn dò này khi phạm tội nặng. Đều đặn học hỏi và suy ngẫm về Lời Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ giúp chúng ta tránh khỏi việc phạm tội trong giai đoạn khó khăn này.—Châm 2:10-12.
Hơn nữa, điều răn chót trong Mười Điều Răn nói rõ: “Ngươi không được ham muốn vợ người ta”. (Xuất 20:17, Tòa Tổng Giám Mục) Lúc đó Đa-vít đã có nhiều thê thiếp rồi. (2 Sa 3:2-5) Nhưng điều đó không ngăn cản ông thèm muốn một phụ nữ quyến rũ khác. Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta nhớ tới tầm quan trọng của lời Chúa Giê-su: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”. (Mat 5:28) Thay vì ấp ủ dục vọng bất chính ấy, chúng ta hãy nhanh chóng xua đuổi nó ra khỏi tâm trí chúng ta.
Ăn năn và được thương xót
Lời tường thuật thẳng thắn của Kinh Thánh về tội lỗi của Đa-vít chắc chắn không phải để thỏa mãn trí tò mò về nhục dục của một người nào. Câu chuyện này tạo cơ hội để chúng ta chứng kiến Đức Giê-hô-va thể hiện một cách tích cực và đầy cảm động một trong những đức tính xuất sắc nhất của Ngài—lòng thương xót.—Xuất 34:6, 7.
Sau khi Bát-Sê-ba sinh một con trai, Đức Giê-hô-va phái nhà tiên tri Na-than đến chất vấn Đa-vít. Đây là một cử chỉ thương xót. Nếu không có ai hạch hỏi Đa-vít và ông cứ im lặng mãi, ông có thể cứng lòng mà tiếp tục phạm tội. (Hê 3:13) Mừng thay, Đa-vít đáp ứng lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Nhờ Na-than nói năng khéo léo nhưng rõ ràng nên lương tâm của Đa-vít cắn rứt và ông khiêm nhường thừa nhận đã phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời. Thật thế, Thi-thiên bài số 51, liên quan đến tội lỗi của Đa-vít phạm với Bát-Sê-ba, đã được viết ra sau khi ông ăn năn và thú tội trọng này. Mong sao chúng ta chớ bao giờ cứng lòng nếu lỡ sa vào tội nặng.—2 Sa 12:1-13.
Đa-vít được tha thứ, nhưng không phải vì thế mà ông khỏi bị sửa trị hoặc tránh được hậu quả của tội lỗi. (Châm 6:27) Tại sao nhất thiết phải như vậy? Nếu như Đức Chúa Trời chỉ giản dị bỏ qua mọi sự, tức là Ngài khinh thường các tiêu chuẩn của Ngài. Ngài cũng sẽ bất lực giống như thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li chỉ rầy la qua loa các con trai xấu xa của mình và rồi để mặc họ tiếp tục làm điều ác. (1 Sa 2:22-25) Thế nhưng, vì lòng yêu thương nhân từ, Đức Giê-hô-va không làm ngơ trước một người biết thống hối. Lòng thương xót của Ngài, giống như nước mát, giúp một người lầm lạc chịu đựng hậu quả của tội lỗi do mình gây ra. Sự tha thứ nồng nhiệt của Đức Chúa Trời và sự kết hợp xây dựng với những người cùng đạo giúp hồi phục về thiêng liêng. Đúng vậy, nhờ giá chuộc của Đấng Christ, người ăn năn có thể hưởng được “sự dư-dật của ân-điển Ngài”.—Ê-phê 1:7.
“Một lòng trong-sạch” và “một tinh thần mới”
Sau khi thú tội, Đa-vít không rơi vào một tâm trạng tiêu cực với cảm giác vô dụng. Những lời lẽ của ông trong các bài Thi-thiên do ông viết về sự thú tội cho biết ông cảm thấy như cất được gánh nặng và cương quyết trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, hãy xem Thi-thiên bài số 32. Nơi câu 1, chúng ta đọc: “Phước thay cho người nào được tha sự vi-phạm mình, được khỏa-lấp tội-lỗi mình!” Bất luận tội nặng đến đâu, nhưng nếu một người thành thật ăn năn, thì sẽ có một kết cuộc hạnh phúc. Một cách để chứng tỏ sự chân thành này là hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình, giống như Đa-vít đã làm. (2 Sa 12:13) Ông đã không cố tự bào chữa trước mặt Đức Giê-hô-va hoặc tìm cách đổ lỗi cho người khác. Câu 5 nói: “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian-ác tôi; tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi-phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; còn Chúa tha tội-ác của tôi”. Sự thú tội chân thành khiến một người cảm thấy nhẹ nhõm, không còn bị lương tâm giày vò vì lỗi lầm đã phạm.
Sau khi xin Đức Giê-hô-va tha thứ, Đa-vít cầu xin: “Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh [“một tinh thần mới”, NW] ngay-thẳng”. (Thi 51:10) Cầu xin “một lòng trong-sạch” và “một tinh thần mới” chứng tỏ Đa-vít nhận thức được khuynh hướng hay phạm tội tiềm ẩn bên trong người ông và ông cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để tẩy sạch lòng hầu ông làm lại cuộc đời. Thay vì rơi vào trạng thái tủi thân, ông cương quyết tiến lên trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Ông cầu nguyện: “Chúa ơi, xin mở môi tôi, rồi miệng tôi sẽ truyền ra sự ngợi-khen Chúa”.—Thi 51:15.
Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước sự ăn năn chân thành của Đa-vít và nỗ lực kiên quyết phụng sự Ngài? Ngài trấn an Đa-vít bằng những lời ấm lòng này: “Ta sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi”. (Thi 32:8) Lời này khẳng định rằng Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm đến cảm nghĩ và nhu cầu của người ăn năn. Ngài đã hành động để ban cho Đa-vít nhiều sự thông sáng hơn, khả năng nhìn thấu được bên trong sự việc, chứ không chỉ vẻ bề ngoài. Nếu trong tương lai ông bị cám dỗ, ông sẽ nhận thức trước được hậu quả của hành vi của mình và ảnh hưởng trên những người khác, và rồi có thể hành động khôn ngoan.
Bước khó khăn này trong cuộc đời của Đa-vít là một nguồn khích lệ cho tất cả những ai sa vào tội nặng. Bằng cách thú tội và tỏ ra thành thật ăn năn, chúng ta có thể phục hồi mối liên lạc tốt với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tài sản quý báu nhất trên đời. Sự đau khổ và xấu hổ tạm thời mà chúng ta có thể phải trải qua còn tốt hơn nhiều so với nỗi giày vò nếu giấu nhẹm sự việc, hoặc so với hậu quả thảm khốc của việc cứng lòng theo đường lối phản nghịch. (Thi 32:9) Thay vì thế, chúng ta có thể được Đức Chúa Trời đầy yêu thương tha thứ một cách nồng hậu vì Ngài “là Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”.—2 Cô 1:3.
[Hình nơi trang 31]
Đa-vít hy vọng có thể thoát khỏi hậu quả của tội lỗi bằng cách đẩy U-ri vào chỗ chết