Đức Giê-hô-va là Đấng Cai Trị chúng tôi!
“Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. (CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 5:29).
1, 2. Nhân-chứng Giê-hô-va giữ vững lập trường nào giống các sứ đồ khi những đòi hỏi của loài người trái lại ý muốn Đức Chúa Trời?
Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã để cho 12 người kia bị đưa ra trước một tòa án cao cấp. Hồi đó là năm 33 tây lịch, và tòa án đó là Tòa Công luận Do-thái. Người ta xử các sứ đồ của Giê-su Christ. Hãy nghe! Thầy tế lễ thượng phẩm nói: “Chúng ta đã cấm nhặt các ngươi, không cho lấy danh đó mà dạy-dỗ, song các ngươi lại làm cho thành Giê-ru-sa-lem đầy-dẫy đạo-giáo mình”. Phi-e-rơ và các sứ đồ khác tuyên bố: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:27-29). Lời tuyên bố có nghĩa: “Đức Giê-hô-va là đấng Cai trị chúng tôi!”
2 Đúng, Đức Giê-hô-va là đấng Cai trị trên các môn đồ thật của Giê-su. Kinh-thánh nói rõ điều này trong sách Công-vụ các Sứ-đồ do “Lu-ca là thầy thuốc rất yêu-dấu” viết tại Rô-ma vào khoảng năm 61 tây lịch (Cô-lô-se 4:14). Giống các sứ đồ, ngày nay dân sự của Đức Giê-hô-va vâng lời đấng Cai trị của họ ở trên trời khi những đòi hỏi của loài người trái lại ý muốn của Ngài. Nhưng chúng ta có thể học biết điều gì khác nữa trong sách Công-vụ các Sứ-đồ? (Khi học hỏi cá nhân, chúng tôi đề nghị các bạn đọc những đoạn Kinh-thánh trong sách Công-vụ các Sứ-đồ có in đậm).
Giê-su giao sứ mạng cho các Nhân Chứng Giê-hô-va
3. Các môn đồ của Giê-su được “báp-têm bằng thánh linh” khi nào, và việc gì sẽ là ưu tiên cho họ?
3 Các sứ đồ đã có thể giữ lập trường cương quyết đứng về phía Đức Chúa Trời bởi vì họ được thêm sức về thiêng liêng. Đấng Christ đã chết trên cây khổ hình, nhưng họ biết ngài đã sống lại (1:1-5). Giê-su đã “tỏ ra là mình sống” và dạy các lẽ thật về Nước Trời trong suốt 40 ngày. Ngài cũng bảo các môn đồ chờ tại Giê-ru-sa-lem để được báp têm “bằng thánh linh”. Rồi công việc rao giảng sẽ là ưu tiên cho họ, cũng như cho các Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay (Lu-ca 24:27, 49; Giăng 20:19 đến 21:24).
4. Khi thánh linh giáng trên các môn đồ của Giê-su thì điều gì sẽ xảy ra?
4 Khi chưa được báp têm bằng thánh linh, các sứ đồ tưởng lầm rằng sự cai trị trên đất sẽ chấm dứt sự đô hộ của La-mã khi họ hỏi: “Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” (1:6-8). Giê-su thật ra nói thẳng là không, bởi vì “kỳ-hạn và ngày-giờ là việc họ chẳng nên biết”. “Khi thánh linh giáng trên họ” thì sẽ cho họ quyền phép rao giảng làm chứng về Nước Đức Chúa Trời ở trên cao, chứ không phải Nước ở dưới đất này. Họ sẽ rao giảng tại Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê và Sa-ma-ri, và “cho đến cùng trái đất”. Với sự giúp đỡ của thánh linh, các Nhân-chứng Giê-hô-va trong những ngày sau rốt này đang thi hành công việc đó trên khắp đất.
5. Giê-su sẽ đến cách nào giống như cách ngài đã ra đi?
5 Giê-su giao phó xong sứ mạng rao giảng trên khắp thế giới thì ngài khởi sự lên trời. Sự lên trời khởi đầu bằng việc bay bổng lên khỏi đầu các môn đồ, và sau đó Giê-su trình diện trước mặt đấng Cai trị trên trời và bắt đầu hoạt động trong lãnh vực thiêng liêng (1:9-11). Sau khi đám mây che khuất các sứ đồ không còn trông thấy ngài nữa, Giê-su lột bỏ thân thể xác thịt. Hai thiên sứ hiện ra và nói rằng ngài “sẽ trở lại cùng một cách như vậy”. Và quả thật như vậy. Chỉ có các môn đồ của Giê-su nhìn thấy ngài ra đi thì cũng chỉ có các Nhân-chứng Giê-hô-va nhận biết ngài trở lại cách vô hình.
Chính Đức Giê-hô-va lựa chọn
6. Sự lựa chọn người thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã xảy ra thế nào?
6 Ít lâu sau, các sứ đồ trở lại Giê-ru-sa-lem (1:12-26). Trong một phòng cao (có lẽ tại nhà của bà Ma-ri mẹ của Mác), 11 sứ đồ trung thành bền bỉ cầu nguyện cùng với bà Ma-ri mẹ của Giê-su, các em cùng mẹ khác cha của Giê-su và các môn đồ khác (Mác 6:3; Gia-cơ 1:1). Nhưng ai sẽ nhận “phần trong chức-vụ [giám thị]” mà Giu-đa đã bỏ trống? (Thi-thiên 109:8). Có chừng 120 môn đồ có mặt khi Đức Chúa Trời lựa chọn một người để thay thế cho Giu-đa là kẻ đã phản bội Giê-su, để lập lại đủ số 12 sứ đồ. Người được chọn phải là một môn đồ thời Giê-su rao giảng trên đất và chứng kiến ngài đã sống lại. Dĩ nhiên người đó cũng phải công nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Cai trị mình. Sau khi cầu nguyện, người ta bắt thăm để chọn chọn trong hai người là Ma-thia và Giô-sép Ba-sa-ba. Đức Chúa Trời làm cho thăm trúng nhằm Ma-thia (Châm-ngôn 16:33).
7. a). Giu-đa “lấy tiền thưởng của tội-ác mình mà mua một đám ruộng” có nghĩa gì? b). Giu-đa chết cách nào?
7 Chắc chắn Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã không công nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Cai trị hắn. Hắn chẳng phản bội Con Đức Chúa Trời để lấy 30 miếng bạc đó sao? Giu-đa trả bạc lại cho các thầy tế lễ cả, nhưng Phi-e-rơ thì nói rằng kẻ phản Chúa “lấy tiền thưởng của tội-ác mình mà mua một đám ruộng”. Thế là sao? Có nghĩa là Giu-đa cung cấp tiền và lý do để mua cái gọi là “Ruộng huyết”. Ruộng đó là một thửa đất trên triền phía nam của Thung lũng Hin-nôm. Khi liên lạc của hắn với đấng Cai trị trên trời hoàn toàn hủy hoại rồi, Giu-đa “đi thắt cổ” (Ma-thi-ơ 27:3-10). Có lẽ dây dứt hoặc nhánh cây gẫy, làm cho hắn “nhào xuống, nứt bụng và ruột đổ ra hết” khi té nhằm đá nhọn. Mong sao không một người nào trong chúng ta là anh em giả hình!
Đầy dẫy thánh linh!
8. Các môn đồ của Giê-su được báp têm bằng thánh linh khi nào, và với hiệu quả nào?
8 Còn lời hứa về báp têm bằng thánh linh thì sao? Điều đó diễn ra vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch, mười ngày sau khi Giê-su lên trời (2:1-4). Cuộc báp têm đó thật là một biến cố hào hứng làm sao! Hãy tưởng tượng quang cảnh. Khoảng chừng 120 môn đồ đang họp lại trên phòng cao thì “thình-lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào-ào, đầy khắp nhà”. Không phải là gió thật, nhưng có tiếng giống tiếng gió. Một cái lưỡi “như lưỡi bằng lửa” đậu trên mỗi môn đồ và sứ đồ. “Hết thảy đều được đầy-dẫy thánh linh, khởi-sự nói các thứ tiếng khác nhau, theo như thánh linh cho mình nói”. Khi báp têm đố xảy ra, họ cũng được thánh linh thọ sanh, xức dầu và đóng ấn để làm chứng được chọn làm kẻ kế tự thiêng liêng (Giăng 3:3, 5; II Cô-rinh-tô 1:21, 22; I Giăng 2:20).
9. Các môn đồ đầy dẫy thánh linh nói về gì?
9 Biến cố này làm cảm động những người tại Giê-ru-sa-lem cả người Do-thái lẫn người theo đạo Do-thái “từ các dân thiên-hạ đến” (2:5-13). Họ ngạc nhiên hỏi: “Sao chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng riêng của xứ chúng ta sanh-đẻ?” Có lẽ đó là các tiếng địa phương của miền Mê-đi (phía đông Giu-đê), Phi-ri-gi (ở Tiểu Á) và Rô-ma (Âu châu). Khi các môn đồ nói trong nhiều thứ tiếng về “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời”, nhiều người nghe lấy làm kinh ngạc, nhưng mấy kẻ nhạo báng lại cho là họ say rượu.
Phi-e-rơ làm chứng hùng hồn
10. Biến cố diễn ra vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch làm ứng nghiệm lời tiên tri nào, và ngày nay có gì tương đương như thế không?
10 Phi-e-rơ lên tiếng làm chứng bằng cách lưu ý rằng lúc đó mới 9 giờ sáng thì khó có ai say rượu sớm như vậy (2:14-21). Thay vì thế, biến cố này làm ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ đổ thánh linh trên dân Ngài. Đức Chúa Trời soi dẫn Phi-e-rơ để ông nêu rõ thời kỳ ngày nay bằng cách thêm vào các chữ “trong những ngày sau-rốt” và “sẽ nói lời tiên-tri” (Giô-ên 2:28-32). Đức Giê-hô-va sẽ làm các dấu hiệu ở trên trời và dưới đất trước ngày lớn của Ngài, và chỉ có những người lấy đức tin kêu cầu danh Ngài mới được cứu. Ngày nay thánh linh cũng đổ xuống những người được xức dầu để họ “nói tiên-tri” một cách hùng hồn và hữu hiệu.
11. Nói về Giê-su, người Do-thái đã làm gì và Đức Chúa Trời đã làm gì?
11 Kế đến Phi-e-rơ khiến nhận rõ đấng Mê-si (2:22-28). Đức Chúa Trời chứng nhận rằng Giê-su là đấng Mê-si bằng cách ban cho ngài khả năng làm việc quyền phép, sự lạ và dấu lạ (Hê-bơ-rơ 2:3, 4). Nhưng người Do-thái “mượn tay độc-ác” của mấy người Rô-ma ngoài vòng luật pháp của Đức Chúa Trời để đóng đinh ngài trên cây cột. Giê-su đã “bị nộp theo ý-định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời” có nghĩa đó là ý muốn của Ngài. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời làm cho Giê-su sống lại và làm tan biến thể xác làm người của ngài hầu cho xác đó khỏi bị hư nát (Thi-thiên 16:8-11).
12. Đa-vít đã thấy trước điều gì và sự cứu rỗi tùy thuộc vào gì?
12 Phi-e-rơ tiếp tục làm chứng, nhấn mạnh về lời tiên tri liên quan đến đấng Mê-si (2:29-36). Ông nói rằng Đa-vít đã thấy trước sự sống lại của người lớn nhất trong dòng họ mình là Giê-su đấng Mê-si. Từ vị thế vinh hiển trên trời ở bên hữu Đức Chúa Trời, Giê-su đổ xuống thánh linh nhận được từ Cha ngài (Thi-thiên 110:1). Những người nghe Phi-e-rơ “thấy và nghe” thánh linh hoạt động bằng cách quan sát các lưỡi giống như lửa trên đầu các môn đồ và nghe các tiếng ngoại quốc mà họ nói. Ông cũng cho thấy sự cứu rỗi tùy thuộc vào việc nhìn nhận Giê-su là Chúa và đấng Mê-si (Rô-ma 10:9; Phi-líp 2:9-11).
Đức Giê-hô-va ban cho sự gia tăng
13. a) Muốn làm báp têm cho đúng thì những người Do-thái và người theo đạo Do-thái đã phải nhìn nhận điều gì? b) Có bao nhiêu người đã làm báp têm và đưa đến hiệu quả nào tại thành Giê-ru-sa-lem?
13 Những lời của Phi-e-rơ thật là hữu hiệu làm sao! (2:37-42). Những người nghe ông thấy đau xót trong lòng vì trước đó đã tán thành cuộc hành quyết đấng Mê-si. Vậy ông khuyên giục: “Hãy hối-cải, ai nấy phải nhơn danh Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban-cho thánh linh”. Những người Do-thái và những người theo đạo Do-thái đã nhìn nhận rồi rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời và họ cần đến thánh linh. Bây giờ họ cần phải ăn năn và nhìn nhận Giê-su là đấng Mê-si hầu có thể làm báp têm nhân danh (có nghĩa nhìn nhận vai trò của) Cha, Con và thánh linh (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Bằng cách làm chứng cho những người Do-thái và những người theo đạo Do-thái đó, Phi-e-rơ dùng chìa khóa thiêng liêng thứ nhất mà Giê-su đã giao cho ông để mở cho những người Do-thái tin đạo cái cửa dẫn đến sự hiểu biết và đặc ân được vào Nước trên trời (Ma-thi-ơ 16:19). Chỉ nội trong một ngày đó có 3.000 người làm báp têm! Hãy tưởng tượng đám đông nhân-chứng của Đức Giê-hô-va như thế đi rao giảng trong khu vực nhỏ bé tại thành Giê-ru-sa-lem!
14. Tại sao những người tin đạo “lấy mọi vật làm của chung” và họ làm thế bằng cách nào?
14 Nhiều người từ phương xa đến thiếu phương tiện để ở lại lâu hầu học hỏi nhiều hơn về đức tin mới của họ và rao giảng cho người khác. Vậy các tín đồ thời ban đầu đó lấy lòng yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cũng như các Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay (2:43-47). Những người tin đạo tạm thời “lấy mọi vật làm của chung”. Vài người đem tài sản mình bán đi và lấy tiền bỏ vào quỹ chung để phân phát cho bất cứ ai cần dùng. Việc này làm cho hội-thánh bắt đầu gia tăng mạnh khi “Chúa [Đức Giê-hô-va] lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội-thánh”.
Một sự chữa lành và kết quả
15. Khi Phi-e-rơ và Giăng vào đền thờ thì chuyện gì xảy ra, và dân chúng phản ứng thế nào?
15 Đức Giê-hô-va yểm trợ các tín đồ của Giê-su bằng các “sự lạ” (3:1-10). Vậy, khi Phi-e-rơ và Giăng vào đền thờ lúc 3 giờ chiều nhằm giờ cầu nguyện và dâng của-lễ buổi chiều thì một người què từ thuở mới sanh đứng gần “Cửa Đẹp” xin “bố-thí”. Phi-e-rơ nói: “Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: nhơn danh Chúa Giê-su Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi!” Người kia được chữa lành ngay lập tức! Khi dân chúng thấy người đó đi vào đền thờ “bước đi và ngợi-khen Đức Chúa Trời” thì đều “bỡ-ngỡ và sững-sờ”. Có lẽ vài người nhớ lại những lời này: “Kẻ què sẽ nhảy như con nai” (Ê-sai 35:6).
16. Các sứ đồ làm sao có thể chữa lành cho người què?
16 Dân chúng ngạc nhiên tụ họp nhau lại bên hiên cửa Sa-lô-môn, một cái cổng có mái hiên che, ở phía đông đền thờ. Phi-e-rơ làm chứng chính tại nơi đó (3:11-18). Ông nói chính Đức Chúa Trời qua Tôi tớ Ngài nay ở trên trời là Giê-su đã ban quyền phép cho các sứ đồ để họ chữa lành cho người què (Ê-sai 52:13 đến 53:12). Người Do-thái đã chối bỏ Giê-su là “đấng thánh và đấng công-bình”; tuy nhiên Đức Giê-hô-va đã làm cho đấng đó sống lại. Dù dân chúng và những người cai trị họ không ý thức là đã giết chết đấng Mê-si, Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm lời tiên tri nói rằng “đấng Christ của Ngài phải chịu đau-đớn” (Đa-ni-ên 9:26).
17. a) Những người Do-thái cần phải làm gì? b) Kể từ khi “Chúa sai đấng Christ” đến nay là một thời kỳ ra sao?
17 Bởi lẽ người Do-thái đã đối đãi với đấng Mê-si như thế, Phi-e-rơ cho thấy họ phải làm gì (3:19-26). Họ cần phải “ăn-năn” hay cảm thấy cắn rứt về các tội lỗi của họ và “trở lại” hay hối cải, tức đi theo đường lối ngược lại trước. Nếu họ thực hành đức tin nơi Giê-su là đấng Mê-si, chấp nhận giá chuộc, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho họ sự yên nghỉ của những người được tha tội (Rô-ma 5:6-11). Người Do-thái được nhắc cho nhớ rằng họ là con cái của giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập ra với các tổ phụ họ khi Ngài nói với Áp-ra-ham: “Các dân thế-gian sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”. Vậy Đức Chúa Trời trước nhất đã sai Tôi tớ của Ngài là đấng Mê-si xuống giải cứu những người Do-thái ăn năn. Đáng lưu ý là kể từ khi “Chúa sai đấng Christ” lên ngôi Nước Trời năm 1914 đến nay là một kỳ thơ thái với các lẽ thật và tổ chức thần quyền giữa các Nhân-chứng Giê-hô-va (Sáng-thế Ký 12:3; 18:18; 22:18).
Họ không chịu dừng bước!
18. “Các ông xây nhà” Do-thái đã từ bỏ “hòn đá” nào, và chỉ có sự cứu rỗi nơi ai?
18 Các thầy tế lễ cả, quan coi đền thờ và người Sa-đu-sê khi nghe Phi-e-rơ và Giăng tuyên bố rằng Giê-su đã sống lại thì giận dữ bắt giam họ (4:1-12). Người Sa-đu-sê không tin nơi sự sống lại, nhưng nhiều người khác trở nên tín đồ, chỉ tính đàn ông có đến 5.000 người. Khi bị chất vấn trước tòa án cao cấp tại Giê-ru-sa-lem, Phi-e-rơ nói người què đã được chữa lành “nhơn danh Chúa Giê-su Christ ở Na-xa-rét” mà họ đã đóng đinh trên cây cột nhưng Đức Chúa Trời đã làm sống lại. “Các ông xây nhà” Do-thái đã từ bỏ “hòn đá” đó, đá đã trở nên “hòn đá góc nhà” (Thi-thiên 118:22). Phi-e-rơ nói thêm: “Chẳng có sự cứu-rỗi trong đấng nào khác”.
19. Các sứ đồ trả lời thế nào khi người ta ra lệnh họ ngừng rao giảng?
19 Người ta cố gắng cản trở không cho các sứ đồ nói (4:13-22). Nhưng người ta không thể chối cãi “phép-lạ sờ sờ” bởi vì người què được chữa lành có mặt tại đó, dầu vậy họ vẫn cấm Phi-e-rơ và Giăng “chớ lấy danh Giê-su dạy-dỗ không cứ là ai”. Các sứ đồ trả lời thế nào? “Chúng tôi không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe”. Họ vâng lời Đức Giê-hô-va là đấng Cai trị họ!
Nhậm lời cầu nguyện!
20. Các môn đồ cầu xin gì, và kết quả là gì?
20 Cũng như Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay cầu nguyện tại các buổi nhóm họp, hồi xưa các môn đồ cầu nguyện khi các sứ đồ được thả ra kể lại điều đã xảy ra cho họ (4:23-31). Họ lưu ý rằng những nhà cai trị Hê-rốt An-ti-ba và Bôn-xơ Phi-lát, cùng với người dân ngoại La-mã và dân Y-sơ-ra-ên, đã họp nhau lại nghịch đấng Mê-si (Thi-thiên 2:1, 2; Lu-ca 23:1-12). Đáp lại lời cầu nguyện của họ, Đức Giê-hô-va làm cho các môn đồ được đầy dẫy thánh linh để họ giảng lời Đức Chúa Trời cách dạn dĩ. Họ không xin đấng Cai trị họ chấm dứt sự bắt bớ nhưng ban cho họ khả năng rao giảng dạn dĩ mặc dầu bị bắt bớ.
21. Ba-na-ba là ai, và ông có các đức tính nào?
21 Những người tin đạo tiếp tục lấy mọi vật làm của chung, và không ai thiếu thốn (4:32-37). Một người đóng góp tiền của là Giô-sép người Lê-vi quê ở trên đảo Chíp-rơ. Các sứ đồ đặt cho ông biệt hiệu là Ba-na-ba có nghĩa “con trai của sự yên-ủi” chắc hẳn bởi vì ông hay giúp đỡ và nồng nhiệt. Chắc chắn tất cả chúng ta muốn giống hạng người như thế (Công-vụ các Sứ-đồ 11:22-24).
Lật mặt những kẻ nói dối
22, 23. A-na-nia và Sa-phi-ra phạm tội gì, và kinh nghiệm của họ giúp ích gì cho chúng ta?
22 Tuy nhiên, A-na-nia và vợ là Sa-phi-ra thì ngưng nhìn nhận Đức Giê-hô-va là đấng Cai trị họ (5:1-11). Họ bán một thửa đất và giữ lại một số tiền trong khi huênh hoang nói là giao hết cho các sứ đồ. Nhờ thánh linh Đức Chúa Trời cho biết sự việc nên Phi-e-rơ nhận ra sự giả hình của họ và vì vậy họ phải chết. Thật là một sự cảnh cáo hùng hồn cho những ai để cho Sa-tan cám dỗ làm việc lừa dối! (Châm-ngôn 3:22; 6:16-19).
23 Sau vụ đó không ai có ý xấu lại dám kết hợp với các môn đồ. Nhiều người khác trở thành tín đồ (5:12-16). Hơn nữa, khi những người bệnh và người bị ma-quỉ phá phách đặt đức tin nơi quyền năng của Đức Chúa Trời “thì hết thảy đều được chữa lành”.
Vâng lời Đức Chúa Trời thay vì vâng lời người ta
24, 25. Tại sao các lãnh tụ Do-thái bắt bớ các sứ đồ, nhưng những người trung thành này nêu ra mẫu mực nào cho tất cả các tôi tớ của Đức Giê-hô-va
24 Thầy tế lễ cả và người Sa-đu-sê bấy giờ tìm cách ngăn chận sự lớn mạnh kỳ diệu bằng cách bắt giam tất cả các sứ đồ (5:17-25). Nhưng đêm đó thiên sứ Đức Chúa Trời giải cứu họ. Và rạng ngày hôm sau họ lại rao giảng trong đền thờ! Sự bắt bớ không thể ngăn cản được các tôi tớ của Đức Giê-hô-va.
25 Tuy vậy, khi người ta điệu các sứ đồ đến trước Tòa Công luận thì áp lực gia tăng (5:26-42). Tuy nhiên, khi người ta ra lệnh cho họ ngừng rao giảng, họ nói: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. Điều này nêu ra mẫu mực cho các môn đồ của Giê-su, mẫu mực mà các Nhân-chứng Giê-hô-va noi theo ngày nay. Sau khi thầy dạy Luật tên là Gà-ma-li-ên lên tiếng cảnh giác, các lãnh tụ đánh đòn các sứ đồ, ra lệnh cho họ ngừng rao giảng, rồi thả họ ra.
26. Công việc rao giảng của các sứ đồ giống thế nào với công việc của Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay?
26 Các sứ đồ cảm thấy hớn hở vì được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Giê-su. “Ngày nào cũng vậy, tại trong đền-thờ hoặc từng nhà, sứ-đồ cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về [tin mừng]”. Đúng, họ là những người đi truyền giáo từ nhà này sang nhà kia. Vậy các Nhân-chứng thời nay của Đức Giê-hô-va cũng đi truyền giáo như thế, họ cũng nhận được thánh linh của Ngài bởi vì họ vâng lời Ngài và nói: “Đức Giê-hô-va là Đấng Cai trị chúng tôi!”
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Các môn đồ của Giê-su phải hoàn thành sứ mạng nào, trong quá khứ và trong hiện tại?
◻ Điều gì đã xảy ra vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch?
◻ Phi-e-rơ đã dùng khi nào chìa khóa thiêng liêng thứ nhất được Giê-su giao cho, và dùng ra sao?
◻ Chúng ta có thể học được gì qua kinh nghiệm của A-na-nia và Sa-phi-ra?
◻ Khi bị ra lệnh ngừng rao giảng, các sứ đồ đã nêu ra mẫu mực nào cho tất cả các Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va?