Hãy cùng nhau tôn cao danh Đức Giê-hô-va
“Hãy cùng tôi tôn-trọng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cùng nhau tôn-cao danh của Ngài”.—THI-THIÊN 34:3.
1. Chúa Giê-su đã nêu gương tốt nào trong giai đoạn thi hành thánh chức trên đất?
VÀO đêm 14 Ni-san năm 33 CN, Chúa Giê-su và các sứ đồ cùng hát ngợi khen Đức Giê-hô-va trong gian phòng ở tầng trên của một ngôi nhà ở Giê-ru-sa-lem. (Ma-thi-ơ 26:30) Đó là lần cuối cùng Chúa Giê-su hát với các sứ đồ. Tuy nhiên, việc đó thật thích hợp khi ngài kết thúc buổi họp với họ. Từ lúc khởi đầu cho đến lúc cuối của giai đoạn thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã tôn vinh Đức Chúa Trời và sốt sắng làm sáng danh Cha ngài. (Ma-thi-ơ 4:10; 6:9; 22:37, 38; Giăng 12:28; 17:6) Trên thực tế, ngài lặp lại lời mời nồng ấm của người viết Thi-thiên: “Hãy cùng tôi tôn-trọng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cùng nhau tôn-cao danh của Ngài”. (Thi-thiên 34:3) Thật là một gương tốt để chúng ta noi theo!
2, 3. (a) Làm sao chúng ta biết bài Thi-thiên 34 có ý nghĩa tiên tri? (b) Chúng ta sẽ xem xét gì trong bài này và bài kế tiếp?
2 Vài giờ sau khi cùng Chúa Giê-su hát ngợi khen Đức Chúa Trời, sứ đồ Giăng đã chứng kiến một sự kiện khác hẳn. Ông thấy Thầy của mình và hai tên tội phạm bị hành hình trên khổ giá. Những người lính La Mã đánh gãy chân hai tử tội để họ chết nhanh hơn. Tuy nhiên, Giăng tường thuật rằng những người lính đã không làm thế với Chúa Giê-su. Khi họ đến chỗ Chúa Giê-su thì ngài đã tắt hơi. Trong sách Phúc Âm mang tên ông, Giăng xác nhận sự kiện ấy ứng nghiệm một phần của bài Thi-thiên 34, “chẳng một cái xương nào của Ngài sẽ bị gãy”.—Giăng 19:32-36; Thi-thiên 34:20, Septuagint.
3 Bài Thi-thiên 34 có nhiều điểm khác đáng chú ý đối với tín đồ Đấng Christ. Vì vậy, trong bài này và bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét Đa-vít đã sáng tác bài Thi-thiên này trong hoàn cảnh nào và tìm hiểu nội dung khích lệ của bài ấy.
Đa-vít chạy trốn Sau-lơ
4. (a) Tại sao Đa-vít được xức dầu để làm vua tương lai của Y-sơ-ra-ên? (b) Tại sao Sau-lơ “thương-yêu” Đa-vít nhiều?
4 Khi Đa-vít còn trẻ, Sau-lơ là vua của xứ Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Sau-lơ trở nên bất tuân và mất ân huệ của Đức Giê-hô-va. Vì thế, nhà tiên tri Sa-mu-ên bảo vua: “Ngày nay Đức Giê-hô-va xé nước Y-sơ-ra-ên khỏi ngươi là như vậy, đặng ban cho kẻ lân-cận ngươi, xứng-đáng hơn ngươi”. (1 Sa-mu-ên 15:28) Sau đó, Đức Giê-hô-va ra lệnh Sa-mu-ên xức dầu cho Đa-vít, con trai út của Y-sai, để ông làm vua kế tiếp của Y-sơ-ra-ên. Trong thời gian ấy, vì mất thánh linh của Đức Chúa Trời nên tâm thần Vua Sau-lơ ủ rũ. Là người đàn hay, Đa-vít được cử đến Ghi-bê-a để khảy đàn cho vua nghe. Tiếng đàn của Đa-vít mang lại niềm khuây khỏa cho Sau-lơ, và ông ‘thương-yêu Đa-vít lắm’.—1 Sa-mu-ên 16:11, 13, 21, 23.
5. Tại sao Sau-lơ thay đổi thái độ đối với Đa-vít, và Đa-vít buộc phải làm gì?
5 Qua thời gian, Đức Giê-hô-va chứng tỏ Ngài ở cùng Đa-vít. Ngài giúp Đa-vít chiến thắng Gô-li-át, tên khổng lồ người Phi-li-tin, và hỗ trợ ông nên trong Y-sơ-ra-ên ông được ca tụng là một người có tài về quân sự. Tuy nhiên, vì Đa-vít được Đức Giê-hô-va ban phước nên Sau-lơ sinh lòng ghen ghét. Hai lần, trong lúc Đa-vít khảy đàn hạc trước mặt Sau-lơ, nhà vua phóng giáo vào Đa-vít, nhưng ông đều né khỏi. Lần thứ ba, khi Sau-lơ rắp tâm giết Đa-vít, vị vua tương lai của Y-sơ-ra-ên nhận biết rằng ông phải chạy trốn để giữ mạng. Cuối cùng, vì Sau-lơ cứ tìm bắt để giết Đa-vít nên ông quyết định trốn khỏi lãnh thổ Y-sơ-ra-ên.—1 Sa-mu-ên 18:11; 19:9, 10.
6. Tại sao Sau-lơ ra lệnh giết hết cư dân thành Nóp?
6 Trên đường ra biên giới Y-sơ-ra-ên, Đa-vít dừng chân ở thành Nóp, nơi có đền tạm của Đức Giê-hô-va. Có lẽ một số người trẻ tuổi cũng đi theo Đa-vít trong cuộc chạy trốn, và Đa-vít đã tìm thức ăn cho ông cùng những người này. Thầy tế lễ thượng phẩm đã đưa một ít bánh cho đoàn người của Đa-vít và trao cho Đa-vít cây gươm của Gô-li-át. Khi biết việc này, Sau-lơ giận dữ ra lệnh giết hết cư dân thành Nóp, trong đó có 85 thầy tế lễ.—1 Sa-mu-ên 21:1, 2; 22:12, 13, 18, 19; Ma-thi-ơ 12:3, 4.
Một lần khác thoát chết
7. Tại sao thành Gát không phải là nơi ẩn náu an toàn cho Đa-vít?
7 Từ Nóp, Đa-vít chạy thêm 40 kilômét về hướng tây và tìm đến ẩn náu nơi A-kích, vua thành Gát thuộc xứ Phi-li-tin, từng là nơi Gô-li-át sinh sống. Có lẽ Đa-vít cho rằng Sau-lơ sẽ không bao giờ đến Gát để tìm ông. Tuy nhiên không lâu sau, các tôi tớ của vua Gát nhận ra Đa-vít. Khi Đa-vít nghe rằng mình đã bị nhận diện, ông “rất sợ A-kích, vua Gát”.—1 Sa-mu-ên 21:10-12.
8. (a) Bài Thi-thiên 56 cho chúng ta biết gì về kinh nghiệm của Đa-vít khi ông ở thành Gát? (b) Đa-vít thoát chết trong đường tơ kẽ tóc như thế nào?
8 Sau đó, người Phi-li-tin bắt giữ Đa-vít. Có lẽ vào thời điểm ấy ông sáng tác bài Thi-thiên với lời tha thiết kêu cầu Đức Giê-hô-va: “Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa”. (Thi-thiên 56:8 và lời ghi chú ở đầu bài) Qua đó, Đa-vít biểu lộ lòng tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ không quên nỗi sầu khổ của ông, nhưng Ngài yêu thương chăm sóc và che chở ông. Đa-vít cũng nghĩ ra một kế để đánh lừa vua Phi-li-tin. Ông giả vờ mất trí. Thấy vậy, vua A-kích quở trách các tôi tớ đã mang một “kẻ điên” đến trước mặt vua. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã hỗ trợ Đa-vít. Đa-vít bị đuổi khỏi thành, một lần nữa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.—1 Sa-mu-ên 21:13-15.
9, 10. Đa-vít sáng tác bài Thi-thiên 34 vì lý do nào, và có lẽ ông đã nghĩ đến ai?
9 Kinh Thánh không cho biết những người ủng hộ Đa-vít đã cùng ông chạy trốn vào thành Gát, hay ở lại trong những làng Y-sơ-ra-ên gần đấy để canh chừng cho ông. Dù trường hợp nào đi nữa, hẳn họ rất vui mừng khi gặp lại Đa-vít và nghe ông kể về cách Đức Giê-hô-va giải cứu ông một lần nữa. Vì sự kiện này, ông sáng tác bài Thi-thiên 34, như lời ghi chú nơi đầu bài giải thích. Trong bảy câu đầu, Đa-vít ngợi khen Đức Giê-hô-va về việc Ngài giải cứu ông, và mời những người theo ông cùng tôn cao Đức Giê-hô-va là Đấng Giải Cứu Vĩ Đại của dân Ngài.—Thi-thiên 34:3, 4, 7.
10 Đa-vít và người của ông tìm được nơi trú náu an toàn trong hang đá A-đu-lam thuộc vùng núi của Y-sơ-ra-ên, cách Gát khoảng 15 kilômét về hướng đông. Ở đấy, những người Y-sơ-ra-ên bất mãn về sự cai trị của Vua Sau-lơ đã đến gia nhập với họ. (1 Sa-mu-ên 22:1, 2) Khi sáng tác những lời nơi Thi-thiên 34:8-22, có lẽ Đa-vít đã nghĩ đến những người này. Những lời nhắc nhở ấy cũng quan trọng đối với chúng ta ngày nay, và chắc chắn chúng ta sẽ nhận được lợi ích khi xem xét kỹ bài Thi-thiên rất hay này.
Mối quan tâm hàng đầu của bạn có giống như Đa-vít không?
11, 12. Chúng ta có lý do nào để luôn ngợi khen Đức Giê-hô-va?
11 “Tôi sẽ chúc-tụng Đức Giê-hô-va luôn, sự khen-ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi”. (Thi-thiên 34:1) Vì phải sống lẩn trốn, Đa-vít hẳn có nhiều lo lắng về nhu cầu vật chất. Tuy nhiên, như câu Thi-thiên này cho thấy, ông vẫn quyết tâm ngợi khen Đức Giê-hô-va. Thật là một gương tốt để chúng ta noi theo khi phải đối mặt với những khó khăn! Dù ở với anh em cùng đức tin, tại trường học, sở làm, hoặc khi đi rao giảng, ước muốn hàng đầu của chúng ta phải là ngợi khen Đức Giê-hô-va. Hãy nghĩ đến vô vàn lý do thôi thúc chúng ta làm thế! Chẳng hạn, trong các công trình sáng tạo kỳ diệu của Đức Giê-hô-va, chúng ta có vô số điều để khám phá và thưởng thức. Và hãy suy xét những điều Ngài đã thực hiện qua tổ chức trên đất của Ngài! Đức Giê-hô-va đã dùng những người trung thành thời nay một cách phi thường, dù họ bất toàn. Chúng ta có thể nói gì về công việc của Đức Chúa Trời so với công việc của những người được thế gian tôn sùng? Chắc hẳn bạn đồng ý với lời của Đa-vít: “Chúa ôi! trong vòng các thần không có ai giống như Chúa; cũng chẳng có công-việc gì giống như công-việc Chúa”.—Thi-thiên 86:8.
12 Giống như Đa-vít, lòng chúng ta luôn muốn ngợi khen Đức Giê-hô-va vì những công việc vô song của Ngài. Ngoài ra, chúng ta thật phấn khích khi biết Nước Trời hiện nay thuộc về Chúa Giê-su Christ, người kế tự vĩnh viễn ngôi vua Đa-vít. (Khải-huyền 11:15) Điều này có nghĩa là sự cuối cùng của hệ thống này gần kề. Tương lai vĩnh cửu của hơn sáu tỉ người đang bị đe dọa. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải nói cho người khác biết về Nước Trời và những gì Nước ấy sẽ làm cho nhân loại trong một ngày gần đây, đồng thời giúp họ cùng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Chắc chắn điều ưu tiên hàng đầu trong đời sống chúng ta phải là tận dụng mọi cơ hội để khuyến khích người khác chấp nhận “tin-lành”, trước khi quá trễ.—Ma-thi-ơ 24:14.
13. (a) Đa-vít khoe về ai, và những người nào hưởng ứng lời ấy? (b) Ngày nay, những người hiền từ được thu hút đến hội thánh tín đồ Đấng Christ như thế nào?
13 “Linh-hồn tôi sẽ khoe mình về Đức Giê-hô-va, những người hiền-từ sẽ nghe, và vui-mừng”. (Thi-thiên 34:2) Đa-vít không khoe về những thành quả cá nhân. Chẳng hạn, ông không khoe khoang về cách ông đánh lừa được vua thành Gát. Ông nhận biết Đức Giê-hô-va đã che chở khi ông ở trong thành Gát, và trốn thoát được là nhờ sự trợ giúp của Ngài. (Châm-ngôn 21:1) Do đó, Đa-vít khoe về Đức Giê-hô-va, chứ không phải về mình. Nhờ vậy, những người hiền từ được thu hút đến gần Đức Giê-hô-va. Tương tự thế, Chúa Giê-su tôn vinh danh Đức Giê-hô-va, và điều này thu hút những người khiêm nhường, nhu mì đến gần Đức Chúa Trời. Ngày nay, những người hiền từ thuộc mọi nước đến với hội thánh gồm những tín đồ được xức dầu trên khắp đất, và Chúa Giê-su là Đầu của hội thánh ấy. (Cô-lô-se 1:18) Người hiền từ rất cảm kích khi nghe các tôi tớ khiêm nhường của Đức Chúa Trời tôn vinh danh Ngài. Họ cũng rất cảm kích khi hiểu được thông điệp của Kinh Thánh, nhờ thánh linh của Ngài.—Giăng 6:44; Công-vụ 16:14.
Các buổi họp làm vững mạnh đức tin của chúng ta
14. (a) Đa-vít có hài lòng không khi chỉ mình ông ngợi khen Đức Giê-hô-va? (b) Chúa Giê-su đã nêu gương nào về việc nhóm lại để thờ phượng?
14 “Hãy cùng tôi tôn-trọng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cùng nhau tôn-cao danh của Ngài”. (Thi-thiên 34:3) Đa-vít không hài lòng khi chỉ mình ông ngợi khen Đức Giê-hô-va. Ông nhiệt thành mời những người đồng hành cùng ông tôn cao danh Ngài. Tương tự thế, Chúa Giê-su Christ, Đa-vít Lớn, vui thích ngợi khen Đức Giê-hô-va tại những nơi đông người—nhà hội, đền thờ Giê-ru-sa-lem vào những ngày lễ, và với các môn đồ. (Lu-ca 2:46; 4:16-19; 10:21; Giăng 18:20) Thật là một đặc ân để noi gương Chúa Giê-su ngợi khen Đức Giê-hô-va mỗi khi nhóm lại với anh em cùng đức tin, đặc biệt là ngày nay, khi chúng ta thấy “ngày ấy hầu gần”!—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
15. (a) Kinh nghiệm của Đa-vít tác động thế nào đến những người theo ông? (b) Qua việc tham dự các buổi họp, chúng ta nhận được lợi ích nào?
15 “Tôi đã tìm-cầu Đức Giê-hô-va, Ngài đáp lại tôi, giải-cứu tôi khỏi các điều sợ-hãi”. (Thi-thiên 34:4) Kinh nghiệm này thật quan trọng đối với Đa-vít. Vì vậy, ông nói tiếp: “Kẻ khốn-cùng nầy có kêu-cầu, Đức Giê-hô-va bèn nhậm lời người, giải-cứu người khỏi các điều gian-truân”. (Thi-thiên 34:6) Khi kết hợp với anh em cùng đức tin, chúng ta có nhiều cơ hội kể lại những kinh nghiệm khích lệ về cách Đức Giê-hô-va đã giúp chúng ta chịu đựng trong những hoàn cảnh khó khăn. Điều này làm vững mạnh đức tin của anh em chúng ta, giống như những lời của Đa-vít đã củng cố đức tin của những người theo ông. Trong trường hợp của Đa-vít, những người đồng hành với ông “ngửa-trông Chúa thì được chói sáng, mặt họ chẳng hề bị hổ-thẹn”. (Thi-thiên 34:5) Mặc dù phải chạy trốn Vua Sau-lơ, họ không cảm thấy hổ thẹn. Họ tin cậy Đức Chúa Trời hỗ trợ Đa-vít nên gương mặt họ chói sáng, hay hớn hở. Tương tự thế, những người mới chú ý đến đạo thật của Đấng Christ cũng như những tín đồ lâu năm, đều trông cậy Đức Giê-hô-va hỗ trợ họ. Vì cá nhân họ cảm nghiệm được sự trợ giúp của Ngài nên gương mặt hớn hở của họ phản ánh lòng quyết tâm giữ sự trung thành.
Biết ơn về sự trợ giúp của thiên sứ
16. Đức Giê-hô-va dùng thiên sứ để giải cứu chúng ta như thế nào?
16 “Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài, và giải-cứu họ”. (Thi-thiên 34:7) Đa-vít không cho rằng Đức Giê-hô-va chỉ giải cứu mình ông. Tuy là người được xức dầu của Đức Giê-hô-va để làm vua tương lai của Y-sơ-ra-ên, nhưng Đa-vít hiểu rằng Ngài dùng thiên sứ để canh giữ tất cả những người trung thành, dù họ có địa vị quan trọng hay thấp hèn. Vào thời nay, những người thờ phượng chân chính cũng cảm nghiệm được sự che chở của Đức Giê-hô-va. Ở Đức, dưới chế độ Quốc Xã—cũng như ở Angola, Malawi, Mozambique và nhiều xứ khác—nhà cầm quyền mở những chiến dịch nhằm tiêu diệt Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ đã thất bại. Dân của Đức Giê-hô-va tại những xứ đó vẫn tiếp tục gia tăng khi họ cùng nhau tôn cao danh Đức Chúa Trời. Tại sao thế? Vì Đức Giê-hô-va dùng các thiên sứ để che chở và hướng dẫn dân Ngài.—Hê-bơ-rơ 1:14.
17. Thiên sứ của Đức Chúa Trời giúp chúng ta qua những cách nào khác?
17 Hơn nữa, thiên sứ của Đức Giê-hô-va có thể lèo lái sự việc để loại khỏi dân Ngài bất cứ người nào làm gương xấu, khiến người khác sa vào tội lỗi. (Ma-thi-ơ 13:41; 18:6, 10) Thiên sứ cũng dẹp những chướng ngại gây khó khăn trong sự thờ phượng, che chở chúng ta khỏi những điều có thể làm tổn hại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, mặc dù lúc đầu chúng ta có thể không ý thức được sự giúp đỡ ấy. Điều quan trọng nhất là thiên sứ hướng dẫn chúng ta trong công việc rao truyền “Tin-lành đời đời” cho muôn dân, kể cả ở những nơi nguy hiểm. (Khải-huyền 14:6) Những kinh nghiệm về sự giúp đỡ của thiên sứ thường được kể lại trong các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.a Có rất nhiều trường hợp như thế nên không thể cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
18. (a) Để được thiên sứ giúp đỡ, chúng ta phải làm gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
18 Để tiếp tục được thiên sứ hướng dẫn và che chở, chúng ta phải luôn tôn cao danh Đức Giê-hô-va, bất kể sự chống đối. Hãy nhớ rằng, thiên sứ Đức Chúa Trời chỉ đóng lại “chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài”. Điều này bao hàm những gì? Thế nào là kính sợ Đức Chúa Trời, và làm thế nào chúng ta vun trồng đức tính ấy? Tại sao Đức Chúa Trời nhân từ lại muốn chúng ta sợ Ngài? Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi này trong bài kế tiếp.
[Chú thích]
a Xin xem Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom, trang 550; 2005 Yearbook of Jehovah’s Witnesses, trang 53 và 54; Tháp Canh ngày 1-3-2000, trang 5 và 6; Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-1-1991, trang 27; và ngày 15-2-1991, trang 26.
Bạn trả lời thế nào?
• Khi còn trẻ, Đa-vít đã trải qua những thử thách nào?
• Giống như Đa-vít, chúng ta quan tâm về điều gì trước nhất?
• Chúng ta có quan điểm nào về các buổi họp đạo Đấng Christ?
• Đức Giê-hô-va dùng thiên sứ Ngài như thế nào để giúp chúng ta?
[Bản đồ nơi trang 21]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Ra-ma
Gát
Xiếc-lác
Ghi-bê-a
Nóp
Giê-ru-sa-lem
Bết-lê-hem
A-đu-lam
Kê-i-la
Hếp-rôn
Xíp
Horesh
Cạt-mên
Ma-ôn
Ên-ghê-đi
Biển Mặn (Biển Chết)
[Nguồn tư liệu]
Bản đồ: Based on maps copyrighted by Pictorial Archive (Near Eastern History) Est. and Survey of Israel
[Hình nơi trang 21]
Dù phải sống lẩn trốn, Đa-vít vẫn tôn cao danh Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 23]
Khi nghe kể những kinh nghiệm khích lệ tại các cuộc hội họp của đạo Đấng Christ, đức tin chúng ta được vững mạnh