Các bạn trẻ—“Hãy tiếp tục nỗ lực để được cứu rỗi”
“Như anh em đã luôn vâng lời... thì anh em hãy tiếp tục nỗ lực để được cứu rỗi, với lòng kính sợ và run rẩy”.—PHI-LÍP 2:12.
BÀI HÁT: 133, 135
1. Tại sao báp-têm là bước quan trọng? (Xem hình nơi đầu bài).
Mỗi năm có hàng ngàn học viên Kinh Thánh báp-têm. Nhiều người trong số đó là người trẻ, ở tuổi thanh thiếu niên và nhỏ hơn. Có thể họ được nuôi dạy trong chân lý. Có phải bạn là một người trong số đó? Nếu thế, bạn thật đáng khen. Báp-têm là một đòi hỏi dành cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô, và cũng là bước thiết yếu để được cứu rỗi.—Mat 28:19, 20; 1 Phi 3:21.
2. Tại sao bạn không nên sợ hoặc tránh né việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va?
2 Dù báp-têm đem lại nhiều ân phước, nhưng cũng bao gồm trách nhiệm. Như thế nào? Vào ngày báp-têm, bạn đã trả lời “có” cho câu hỏi: “Dựa trên căn bản sự hy sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, các anh chị có ăn năn tội lỗi và dâng mình cho Đức Giê-hô-va để làm theo ý muốn của ngài không?”. Báp-têm biểu trưng sự dâng mình của bạn. Bạn hứa nguyện long trọng rằng sẽ yêu thương Đức Giê-hô-va và đặt ý muốn của ngài lên trên mọi điều khác. Đây là lời cam kết hệ trọng. Bạn có nên hối hận không? Chắc chắn không. Việc đặt mình vào tay Đức Giê-hô-va thì không bao giờ sai. Ngược lại, một người không theo Đức Giê-hô-va là đang ở dưới sự cai trị của Sa-tan. Ác Quỷ không quan tâm đến sự cứu rỗi của bạn. Thật ra, hắn sẽ vui nếu bạn bỏ lỡ cơ hội sống vĩnh cửu vì đứng về phía hắn và từ bỏ Đức Giê-hô-va.
3. Việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va đem lại những ân phước nào?
3 Trái lại, hãy xem xét những ân phước mà bạn có sau khi dâng mình và báp-têm. Khi đã dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va, bạn có thể nói với niềm tin chắc hơn bao giờ hết: “Đức Giê-hô-va đứng về phía tôi, tôi sẽ chẳng sợ hãi gì. Loài người làm chi tôi được?” (Thi 118:6). Không có đặc ân nào lớn hơn là đứng về phía Đức Chúa Trời và được ngài chấp nhận.
TRÁCH NHIỆM RIÊNG
4, 5. (a) Tại sao có thể nói rằng việc dâng mình là trách nhiệm riêng? (b) Mọi tín đồ đều phải đối mặt với những thử thách nào?
4 Là tín đồ đã báp-têm, mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va không giống như một miếng đất mà cả gia đình cùng sở hữu. Giờ đây, bạn có trách nhiệm về sự cứu rỗi của mình, dù vẫn còn sống chung với cha mẹ. Tại sao nhớ điều này là quan trọng? Vì không phải lúc nào bạn cũng đoán được thử thách mà mình sẽ đối mặt trong tương lai. Chẳng hạn, nếu bạn báp-têm khi còn nhỏ, hẳn bạn sẽ có cảm xúc và áp lực mới khi bước vào và trải qua tuổi dậy thì. Một bạn gái nói: “Một đứa trẻ thường sẽ không tức giận việc mình là Nhân Chứng chỉ vì không được ăn một miếng bánh sinh nhật. Nhưng vài năm sau, khi ham muốn tình dục trở nên mạnh mẽ, người ấy cần hoàn toàn tin chắc rằng vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va luôn là lựa chọn tốt nhất”.
5 Dĩ nhiên, không chỉ người trẻ mới đối mặt với những thử thách mới. Ngay cả người báp-têm khi trưởng thành cũng đương đầu với nhiều thử thách bất ngờ về đức tin. Những thử thách ấy có thể liên quan đến hôn nhân, sức khỏe hay công việc. Thật vậy, dù ở độ tuổi nào, mỗi người đều gặp tình huống đòi hỏi sự trung thành với Đức Giê-hô-va.—Gia 1:12-14.
6. (a) Việc bạn dâng mình cho Đức Giê-hô-va là vô điều kiện có nghĩa gì? (b) Bạn có thể học được gì từ Phi-líp 4:11-13?
6 Để giữ lòng trung thành trong mọi hoàn cảnh, hãy luôn nhớ rằng lời hứa của bạn với Đức Giê-hô-va là vô điều kiện. Điều này có nghĩa là bạn đã nói với Chúa Tối Thượng của vũ trụ rằng bạn sẽ tiếp tục phụng sự ngài cho dù bạn bè hay cha mẹ ngưng làm thế (Thi 27:10). Trong mọi hoàn cảnh, bạn có thể nỗ lực hết sức cùng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để tiếp tục sống đúng với sự dâng mình.—Đọc Phi-líp 4:11-13.
7. Nỗ lực để được cứu rỗi “với lòng kính sợ và run rẩy” có nghĩa gì?
7 Đức Giê-hô-va muốn bạn làm bạn ngài. Nhưng để duy trì tình bạn này và đạt được sự cứu rỗi thì bạn cần phải nỗ lực. Thật vậy, Phi-líp 2:12 nói: “Anh em hãy tiếp tục nỗ lực để được cứu rỗi, với lòng kính sợ và run rẩy”. Những lời này cho thấy bạn cần xem xét làm sao để duy trì tình bạn với Đức Giê-hô-va, và giữ trung thành với ngài dù gặp bất cứ thử thách nào. Bạn không nên chủ quan, vì ngay cả một số người phụng sự lâu năm cũng bị trôi dạt. Vậy những bước nào có thể giúp bạn đạt được sự cứu rỗi?
HỌC HỎI KINH THÁNH LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG
8. Học Kinh Thánh cá nhân bao hàm điều gì, và tại sao điều này quan trọng?
8 Để làm bạn với Đức Giê-hô-va, chúng ta cần lắng nghe và trò chuyện với ngài, đây là mối liên lạc hai chiều. Học Kinh Thánh cá nhân là cách chính yếu để chúng ta lắng nghe Đức Giê-hô-va. Điều này bao hàm việc đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời cũng như ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Khi làm thế, hãy nhớ rằng học hỏi Kinh Thánh không chỉ là buổi học lý thuyết suông. Đó không phải là thuộc bài chỉ để vượt qua kỳ thi ở trường. Học hiệu quả giống như một cuộc thám hiểm mà khi học bạn có thể đào sâu và tìm tòi những khía cạnh mới về các đức tính của Đức Giê-hô-va. Điều này sẽ giúp bạn đến gần Đức Chúa Trời và ngài sẽ đến gần bạn.—Gia 4:8.
9. Công cụ nào giúp ích cho bạn trong việc học cá nhân?
9 Tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp nhiều công cụ để giúp bạn có một chương trình học cá nhân hữu hiệu. Chẳng hạn, phần “Học Kinh Thánh” trong mục “Thanh thiếu niên” trên jw.org có thể giúp bạn rút ra những bài học thực tế từ các sự kiện trong Kinh Thánh. Cũng trên jw.org, các phần thực hành “Kinh Thánh thật sự dạy gì?” có thể giúp bạn xây đắp niềm tin vững chắc. Các phần thực hành này có thể giúp bạn biết cách giải thích niềm tin cho người khác. Một số gợi ý khác được nêu lên trong bài “Giới trẻ thắc mắc... Để thích thú đọc Kinh Thánh, tôi phải làm gì?” trong Tỉnh Thức! tháng 7-9 năm 2009. Học hỏi và suy ngẫm là điều quan trọng giúp bạn đạt được sự cứu rỗi.—Đọc Thi thiên 119:105.
CẦU NGUYỆN LÀ ĐIỀU THIẾT YẾU
10. Tại sao cầu nguyện là điều thiết yếu với các tín đồ đã báp-têm?
10 Học Kinh Thánh cá nhân là một cách chúng ta lắng nghe Đức Giê-hô-va, còn cầu nguyện là cách chúng ta nói chuyện với ngài. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên xem việc cầu nguyện là một nghi lễ vô nghĩa, cũng không phải là “bùa may mắn” để tăng cơ hội thành công cho một việc nào đó. Thay vì thế, cầu nguyện là trò chuyện với Đấng Tạo Hóa. Đức Giê-hô-va muốn nghe bạn nói. (Đọc Phi-líp 4:6). Khi bạn có bất cứ lo lắng nào, hãy nhớ lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh là “trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va” (Thi 55:22). Hàng triệu anh chị có thể đảm bảo với bạn rằng điều này đã giúp ích cho họ. Điều này cũng có thể giúp ích cho bạn!
11. Tại sao bạn cần luôn cảm tạ Đức Giê-hô-va?
11 Tuy nhiên, chúng ta không chỉ cầu nguyện để xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Kinh Thánh nói: “Hãy tỏ lòng biết ơn” (Cô 3:15). Đôi khi chúng ta quá chú tâm đến vấn đề tới mức không thấy được ân phước mà mình có. Hãy thử điều này: Mỗi ngày, hãy nghĩ về ít nhất ba điều mà bạn biết ơn, rồi cầu nguyện cảm tạ Đức Giê-hô-va về những điều ấy. Một bạn trẻ tên Abigail, đã báp-têm khi 12 tuổi, nói: “Em cảm thấy Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta cám ơn hơn bất kỳ ai khác trong vũ trụ. Chúng ta nên cảm tạ ngài về mọi món quà ngài ban. Em từng nghe một lời nhắc nhở tuyệt vời: Nếu ngày mai thức dậy Đức Giê-hô-va chỉ ban cho chúng ta những gì mình cảm tạ ngài hôm nay, liệu mình sẽ nhận được ít hay nhiều?”.a
GIÁ TRỊ CỦA VIỆC TỰ TRẢI NGHIỆM
12, 13. Bạn từng nếm thử sự tốt lành của Đức Giê-hô-va như thế nào, và tại sao nghĩ về điều đó là quan trọng?
12 Vua Đa-vít, người được cứu thoát khỏi nhiều thử thách cam go, đã từng hát những lời sau: “Hãy nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay! Người nào náu thân nơi ngài hạnh phúc biết bao!” (Thi 34:8). Câu này nêu bật giá trị của việc tự trải nghiệm. Khi đọc Kinh Thánh, ấn phẩm và tham dự các buổi nhóm họp, bạn nghe những kinh nghiệm khích lệ về cách Đức Chúa Trời đã giúp người khác giữ trung thành. Nhưng khi tiến bộ về thiêng liêng, bạn cần thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va trong đời sống mình. Đã bao giờ bạn nếm thử sự tốt lành của Đức Giê-hô-va chưa?
13 Mọi tín đồ đã cảm nghiệm sự tốt lành của Đức Giê-hô-va qua một cách đặc biệt, đó là được mời đến gần ngài và Con ngài. Chúa Giê-su nói: “Không ai có thể đến với tôi trừ khi Cha, là đấng phái tôi, kéo người ấy đến” (Giăng 6:44). Bạn có thấy những lời này áp dụng cho mình không? Một người trẻ có thể lý luận: “Đức Giê-hô-va đã kéo cha mẹ tôi và tôi chỉ đi theo”. Nhưng khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm, bạn cho thấy chính mình có mối quan hệ với ngài. Giờ đây, bạn thật sự được ngài biết đến. Kinh Thánh đảm bảo với chúng ta: “Nếu ai yêu thương Đức Chúa Trời, người ấy được ngài biết đến” (1 Cô 8:3). Hãy luôn quý trọng vị trí của bạn trong tổ chức Đức Giê-hô-va.
14, 15. Làm thế nào thánh chức có thể giúp bạn củng cố đức tin?
14 Cách khác mà bạn có thể nếm thử sự tốt lành của Đức Giê-hô-va là cảm nghiệm sự hỗ trợ của ngài khi chia sẻ niềm tin của mình trong thánh chức và tại trường học. Một số bạn trẻ thấy khó rao giảng cho các bạn ở trường. Hẳn bạn có thể hiểu được lý do. Bạn không biết họ sẽ phản ứng thế nào. Điều này đặc biệt khó hơn khi nói với một nhóm bạn thay vì với từng người. Điều gì có thể giúp bạn?
15 Trước tiên, hãy nghĩ xem tại sao bạn tin chắc những điều mình học. Các phần thực hành trên jw.org có trong ngôn ngữ của bạn không? Nếu chưa chắc là có hay không, hãy dành thời gian để tìm kiếm. Chúng được biên soạn để giúp bạn suy ngẫm điều mình tin, tại sao mình tin và cách mình có thể giải thích niềm tin với người khác. Khi có niềm tin vững chắc và chuẩn bị tốt, bạn sẽ được thúc đẩy để làm chứng về danh Đức Giê-hô-va.—Giê 20:8, 9.
16. Điều gì có thể giúp bạn vượt qua sự do dự để nói lên niềm tin?
16 Tuy nhiên, ngay cả khi đã chuẩn bị, bạn vẫn có thể do dự nói về niềm tin của mình. Một bạn nữ 18 tuổi, báp-têm lúc 13 tuổi, thừa nhận: “Em biết điều mình tin, nhưng đôi khi em thấy khó bày tỏ ý tưởng bằng lời nói”. Bạn ấy đương đầu với vấn đề này như thế nào? Bạn ấy nói: “Em cố gắng giữ cho cuộc trò chuyện được tự nhiên. Nếu bạn cùng lớp thoải mái nói về những điều họ làm thì tại sao em lại không làm thế? Cho nên em sẽ đề cập đến điều gì đó như ‘hôm trước, mình đi dạy Kinh Thánh và...’ rồi em tiếp tục cuộc trò chuyện. Dù điểm chính không phải về Kinh Thánh, nhưng thường thì các bạn tò mò về điều em làm khi đi dạy Kinh Thánh. Đôi khi họ còn nêu thắc mắc. Em thấy càng dùng cách này thì càng dễ dàng hơn. Sau đó, em luôn cảm thấy vui!”.
17. Điều gì khác có thể giúp bạn nói chuyện với người ta?
17 Khi tôn trọng người khác và quan tâm đến lợi ích của họ, rất có thể họ sẽ đáp lại như vậy. Chẳng hạn, bạn Olivia 17 tuổi, đã báp-têm khi còn nhỏ, nói: “Em luôn lo ngại nếu em đưa Kinh Thánh vào cuộc nói chuyện, các bạn sẽ xem em là cuồng tín”. Sau này, bạn ấy thay đổi suy nghĩ. Thay vì nghĩ đến những lo sợ, Olivia lý luận: “Nhiều người trẻ không biết gì về Nhân Chứng Giê-hô-va. Chúng ta là Nhân Chứng duy nhất mà họ tiếp xúc. Vì thế, cách cư xử của chúng ta có thể quyết định cách họ phản ứng. Nói sao nếu chúng ta mắc cỡ, rụt rè, khó nói lên niềm tin hoặc khúm núm khi nói? Họ có thể nghĩ rằng chúng ta không tự hào mình là Nhân Chứng. Thậm chí, họ có thể phản ứng không tử tế vì chúng ta thiếu tự tin. Nhưng nếu nói về niềm tin của mình một cách thoải mái và với sự tin chắc, thì chúng ta giữ cho cuộc trò chuyện được tự nhiên và rất có thể họ sẽ tôn trọng chúng ta”.
HÃY TIẾP TỤC NỖ LỰC ĐỂ ĐƯỢC CỨU RỖI
18. Nỗ lực để được cứu rỗi bao hàm điều gì?
18 Như chúng ta đã xem xét, nỗ lực để được cứu rỗi là trách nhiệm hệ trọng. Điều này bao hàm việc đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và nghĩ về những ân phước mà ngài ban cho bạn. Chuyên tâm vào những khía cạnh ấy sẽ giúp bạn càng tin chắc rằng Đức Giê-hô-va là Bạn của mình. Điều này sẽ thúc đẩy bạn nói lên niềm tin.—Đọc Thi thiên 73:28.
19. Tại sao nỗ lực của bạn để được cứu rỗi là đáng công?
19 Chúa Giê-su nói: “Nếu ai muốn làm môn đồ tôi thì phải từ bỏ chính mình, vác cây khổ hình mình và luôn theo tôi” (Mat 16:24). Rõ ràng, để theo Chúa Giê-su, mỗi người phải dâng mình và báp-têm. Tuy nhiên, điều đó đem lại vô vàn ân phước ngay bây giờ và sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Bạn có mọi lý do để tiếp tục nỗ lực hầu được cứu rỗi.
a Để biết thêm một số đề nghị, xin xem bài “Giới trẻ thắc mắc—Tại sao mình nên cầu nguyện?” và phiếu thực tập kèm theo trên jw.org/vi.