Điều gì sẽ không còn khi Nước Trời đến?
“Thế gian cùng những ham muốn của nó đang qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”.—1 GIĂNG 2:17.
1, 2. (a) Thế gian này có thể được so sánh ra sao với tên tội phạm bị kết án? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Mọi tạo vật thông minh sẽ phản ứng ra sao khi thế gian gian ác này bị hành quyết?
“Tử tù đi ra!” Lời hô lớn đó vang lên khi một tội phạm nguy hiểm được dẫn ra khỏi phòng giam, và cánh cửa sắt đóng sầm lại. Tại sao lính canh hô lên như thế? Trông tên tội phạm có vẻ khỏe mạnh, không có vấn đề về thể chất đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, lính canh dẫn anh ta ra pháp trường. Vì thế, anh ta bị xem như đã chết.a
2 Theo nghĩa nào đó, thế gian ngày nay giống như tên tử tù. Thế gian gian ác này bị kết án từ lâu và sắp bị hành quyết. Kinh Thánh nói: ‘Thế gian đang qua đi’ (1 Giăng 2:17). Nó chắc chắn sẽ bị kết liễu. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa thế gian và tên tử tù. Người ta có thể kháng án tử của phạm nhân ấy, nêu nghi vấn về tính công bằng của bản án hoặc có lẽ hy vọng phạm nhân ấy sẽ được khoan hồng vào phút chót. Còn thế gian đã bị chính đấng thực thi công lý hoàn hảo, là Chúa Tối Thượng của vũ trụ, tuyên án (Phục 32:4). Sẽ không có bất cứ sự khoan hồng nào, cũng không có chút nghi ngờ về tính công bằng của bản án. Sau khi bản án được thi hành, mọi tạo vật thông minh trong vũ trụ sẽ hoàn toàn đồng ý rằng công lý đã được thực thi. Lúc đó thật nhẹ nhõm làm sao!
3. Chúng ta sẽ thảo luận bốn vấn đề nào sẽ không còn khi Nước Trời đến?
3 Nhưng ‘thế gian đang qua đi’ bao hàm điều gì? Nhiều điều trong đời sống mà đa số người thời nay xem là vĩnh cửu sẽ không còn. Đó có phải là tin buồn không? Hoàn toàn không! Thật ra, đó là một phần trọng yếu của ‘tin mừng về Nước Đức Chúa Trời’ (Mat 24:14). Vậy chúng ta hãy thảo luận bốn vấn đề sẽ không còn khi Nước Trời đến: người ác, các tổ chức bại hoại, những hành vi sai trái và những tình trạng gây đau khổ. Trong mỗi vấn đề, chúng ta sẽ xem xét: (1) Vấn đề đó ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? (2) Đức Giê-hô-va sẽ làm gì với vấn đề đó? (3) Ngài sẽ thay thế vấn đề đó bằng điều gì?
NGƯỜI ÁC
4. Ngày nay, người ác ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
4 Ngày nay, người ác ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Sau khi báo trước rằng thời kỳ này sẽ là “một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu”, sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết: “Những kẻ gian ác và kẻ giả mạo thì ngày càng tồi tệ” (2 Ti 3:1-5, 13). Anh chị có thấy những lời này đang được ứng nghiệm không? Nhiều người trong chúng ta là nạn nhân của người ác, chẳng hạn như những kẻ bắt nạt hung dữ, kẻ kỳ thị đầy căm thù và tội phạm nguy hiểm. Trong đó có một số kẻ trắng trợn làm điều ác, những kẻ khác thì giả mạo, che giấu hành vi của mình dưới vẻ ngoài công chính. Ngay cả khi không phải là nạn nhân của người ác, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng. Chúng ta cảm thấy rùng rợn khi biết về những hành vi man rợ của chúng. Cách người ác hành hung trẻ em, người lớn tuổi và những người cô thế khác khiến chúng ta kinh hoàng. Hành vi như thế cho thấy người ác dường như đầy thú tính, thậm chí mang đặc tính của ác thần (Gia 3:15). Thật vui vì tin mừng trong Lời Đức Giê-hô-va lấp đi tin buồn như thế!
5. (a) Cơ hội nào vẫn đang mở ra cho người ác? (b) Kết cục là gì với những người ác không chịu thay đổi?
5 Đức Giê-hô-va sẽ làm gì? Ngay bây giờ Đức Giê-hô-va đang cho người ác cơ hội để thay đổi (Ê-sai 55:7). Về phương diện cá nhân thì người ác chưa nhận sự phán xét cuối cùng. Đối tượng đã bị kết án chính là thế gian này. Nói sao về những người không chịu thay đổi nhưng tiếp tục ủng hộ thế gian cho đến khi hoạn nạn lớn bắt đầu? Đức Giê-hô-va hứa ngài sẽ loại trừ người ác khỏi trái đất vĩnh viễn. (Đọc Thi-thiên 37:10). Có thể người ác nghĩ rằng họ sẽ không bị phán xét. Nhiều người biết cách giấu tội và trong thế gian này, dường như nhiều lần họ thoát khỏi mạng lưới công lý và không phải chịu hậu quả (Gióp 21:7, 9). Thế nhưng, Kinh Thánh nhắc chúng ta nhớ rằng: “Mắt Đức Chúa Trời xem-xét đường-lối loài người, Ngài nom các bước họ. Chẳng có tối-tăm mù-mịt nào cho kẻ làm ác ẩn-núp mình được” (Gióp 34:21, 22). Không ai có thể trốn khỏi Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Không kẻ giả mạo nào có thể lừa gạt ngài; chẳng có bóng tối nào mù mịt và sâu thẳm đến mức tầm nhìn vô hạn của Đức Chúa Trời không thể xuyên qua. Sau Ha-ma-ghê-đôn, chúng ta xem chỗ của kẻ ác thì không thấy chúng đâu. Chúng sẽ biến mất vĩnh viễn!—Thi 37:12-15.
6. Ai sẽ còn lại để thế chỗ người ác, và tại sao đó là tin mừng?
6 Ai sẽ còn lại để thế chỗ người ác? Đức Giê-hô-va đưa ra lời hứa ấm lòng này: “Người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”. Trong cùng bài Thi-thiên có viết: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời” (Thi 37:11, 29). “Người hiền-từ” và “người công-bình” là ai? Người hiền từ là những người khiêm nhường chấp nhận sự dạy dỗ và hướng dẫn của Đức Giê-hô-va; còn người công bình là những người yêu thích làm điều đúng trong mắt ngài. Trong thế gian này, người công bình rất ít so với người ác. Nhưng trong thế giới mới sắp đến, chỉ còn người hiền từ và người công bình mà thôi. Họ sẽ làm cho trái đất trở thành địa đàng.
CÁC TỔ CHỨC BẠI HOẠI
7. Ngày nay, các tổ chức bại hoại ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
7 Ngày nay, các tổ chức bại hoại ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Đa số điều ác trong thế gian này không phải do các cá nhân nhưng do các tổ chức gây ra. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến các tổ chức tôn giáo lừa gạt hàng triệu người về bản thể của Đức Chúa Trời, sự đáng tin cậy của Kinh Thánh, tương lai của trái đất và nhân loại cùng nhiều vấn đề khác. Hoặc nói sao về những chính phủ đẩy mạnh chiến tranh và các cuộc xung đột sắc tộc, đàn áp người nghèo và người cô thế, tham ô hối lộ và thiên vị? Còn những tập đoàn tham lam gây ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và lợi dụng sự cả tin của khách hàng để làm giàu cho một vài người trong khi hàng triệu người vật lộn với cái nghèo thì sao? Chắc chắn các tổ chức bại hoại phải chịu trách nhiệm về nhiều đau khổ trên thế giới ngày nay.
8. Theo Kinh Thánh, điều gì sẽ xảy ra với các tổ chức dường như vững chắc đối với nhiều người ngày nay?
8 Đức Giê-hô-va sẽ làm gì? Hoạn nạn lớn sẽ bắt đầu khi các thành phần chính trị quay sang chống lại tất cả tôn giáo sai lầm, được tượng trưng bởi ả kỹ nữ gọi là Ba-by-lôn Lớn (Khải 17:1, 2, 16; 18:1-4). Các tổ chức tôn giáo ấy sẽ bị hủy diệt hoàn toàn. Còn những tổ chức bại hoại khác thì sao? Kinh Thánh dùng ngọn núi và hải đảo để nói đến nhiều tổ chức cùng thể chế dường như vững chắc đối với nhân loại ngày nay. (Đọc Khải huyền 6:14). Lời Đức Chúa Trời báo trước rằng các chính phủ và mọi tổ chức phụ thuộc sẽ bị rung mạnh khỏi nền. Hoạn nạn lớn sẽ lên đến đỉnh điểm khi mọi chính phủ của thế gian già cỗi này bị hủy diệt cùng với những người đứng về phía họ chống lại Nước Trời (Giê 25:31-33). Sau đó sẽ không còn bất cứ tổ chức bại hoại nào!
9. Tại sao chúng ta có thể tin chắc đất mới sẽ được tổ chức tốt?
9 Điều gì sẽ thế chỗ các tổ chức bại hoại? Sau Ha-ma-ghê-đôn, sẽ còn tổ chức nào trên đất không? Kinh Thánh cho biết: “Sẽ có trời mới và đất mới như chúng ta đang chờ đợi theo lời hứa của ngài, và nơi đó sự công chính sẽ tồn tại mãi mãi” (2 Phi 3:13). Trời và đất cũ, tức là các chính phủ bại hoại và xã hội trên đất do họ kiểm soát, sẽ không còn. Điều gì sẽ thay thế? Cụm từ “trời mới và đất mới” hàm ý rằng sẽ có một chính phủ mới và một xã hội mới trên đất dưới sự cai trị của chính phủ ấy. Nước Trời dưới sự cai trị của Chúa Giê-su Ki-tô sẽ phản ánh hoàn hảo tính cách của Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự trật tự (1 Cô 14:33). Thế nên, “đất mới” sẽ được tổ chức. Sẽ có người tốt chăm lo mọi việc (Thi 45:16). Họ sẽ được Đấng Ki-tô và 144.000 người đồng cai trị chỉ dẫn. Hãy hình dung thời điểm mà mọi tổ chức bại hoại được thay thế bằng một tổ chức hợp nhất và không thể bị bại hoại!
NHỮNG HÀNH VI SAI TRÁI
10. Những hành vi sai trái nào phổ biến ở nơi anh chị sống, và anh chị cùng gia đình bị ảnh hưởng ra sao?
10 Ngày nay, những hành vi sai trái ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Chúng ta sống trong một thế giới đầy dẫy điều sai trái. Những hành vi vô luân, bất lương và tàn bạo dường như ngập tràn thế gian này. Đặc biệt các bậc cha mẹ phải liên tục đấu tranh để bảo vệ con cái khỏi những điều sai trái ấy. Ngành giải trí ngày càng lão luyện trong việc khiến những hành vi sai trái trở nên hấp dẫn, trong khi đó lại chế nhạo các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về điều đúng và điều sai (Ê-sai 5:20). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính nỗ lực chống lại xu thế ấy. Họ tranh đấu để giữ lòng trọn thành trong một môi trường cổ xúy sự bất kính đối với các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va.
11. Chúng ta học được gì từ sự phán xét của Đức Giê-hô-va trên Sô-đôm và Gô-mô-rơ?
11 Đức Giê-hô-va sẽ làm gì với những hành vi sai trái? Hãy xem ngài đã làm gì với điều sai trái phổ biến ở Sô-đôm và Gô-mô-rơ. (Đọc 2 Phi-e-rơ 2:6-8). Người công bình Lót cảm thấy đau lòng khi chứng kiến mọi hành vi sai trái xung quanh ông và gia đình. Khi Đức Giê-hô-va hủy diệt cả vùng ấy, ngài không chỉ chấm dứt những hành vi sai trái ở đó, mà còn lập một “mẫu về những điều sẽ xảy đến cho người không tin kính”. Đức Giê-hô-va đã chấm dứt mọi hành vi gian dâm vào thời đó, ngài cũng sẽ chấm dứt những điều sai trái tương tự vào thời nay khi thi hành sự phán xét trên thế gian này.
12. Khi thế gian già cỗi này không còn nữa, anh chị mong chờ được tham gia những hoạt động nào?
12 Điều gì sẽ thế chỗ những hành vi sai trái? Địa đàng sẽ nhộn nhịp với các hoạt động vui vẻ. Hãy nghĩ đến công việc đầy hứng khởi là biến trái đất thành địa đàng hoặc xây nhà cho mình và người thân yêu. Hãy nghĩ đến triển vọng được chào đón hàng triệu người sống lại và giúp họ học về đường lối Đức Giê-hô-va cũng như cách ngài đối xử với nhân loại trong lịch sử (Ê-sai 65:21, 22; Công 24:15). Lúc đó, đời sống chúng ta sẽ tràn ngập những hoạt động mang lại niềm vui cho chính mình cũng như ngợi khen Đức Giê-hô-va!
NHỮNG TÌNH TRẠNG GÂY ĐAU KHỔ
13. Cuộc phản nghịch của Sa-tan, A-đam và Ê-va dẫn đến những tình trạng gây đau khổ nào ngày nay?
13 Ngày nay, những tình trạng gây đau khổ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Người ác, các tổ chức bại hoại và những hành vi sai trái hợp thành những tình trạng gây đau khổ trên đất. Ai trong chúng ta có thể cho rằng mình không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nghèo đói hay nạn phân biệt chủng tộc? Còn về bệnh tật và sự chết thì sao? Những tình trạng này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Chính cuộc phản nghịch chống lại Đức Giê-hô-va của ba kẻ ác là Sa-tan, A-đam và Ê-va đã trực tiếp gây ra hậu quả đó. Không ai trong chúng ta tránh khỏi sự hỗn loạn mà cuộc phản nghịch ấy gây ra.
14. Đức Giê-hô-va sẽ làm gì với những tình trạng gây đau khổ? Hãy cho ví dụ.
14 Đức Giê-hô-va sẽ làm gì với những tình trạng gây đau khổ? Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va hứa sẽ chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh. (Đọc Thi-thiên 46:8, 9). Nói sao về bệnh tật? Ngài sẽ xóa bỏ (Ê-sai 33:24). Còn sự chết? Đức Giê-hô-va sẽ “nuốt sự chết đến đời đời!” (Ê-sai 25:8). Ngài sẽ chấm dứt nghèo đói (Thi 72:12-16). Ngài cũng sẽ làm thế với những tình trạng khác gây đau khổ ngày nay. Thậm chí ngài sẽ xua tan “bầu không khí” độc hại của thế gian này, vì tinh thần xấu của Sa-tan và ác thần cuối cùng sẽ không còn.—Ê-phê 2:2.
15. Sau Ha-ma-ghê-đôn, những điều gì sẽ mãi không còn?
15 Anh chị có thể hình dung một thế giới không có chiến tranh, bệnh tật hay sự chết không? Hãy thử nghĩ: chẳng có quân đội, hải quân hay không quân! Không có vũ khí hay đài tưởng niệm chiến tranh. Không có bệnh viện, bác sĩ, y tá hay bảo hiểm y tế; không có nhà xác, nhà tang lễ, dịch vụ tang lễ hay nghĩa địa! Không còn tội ác, nên sẽ không cần ngành bảo vệ an ninh, hệ thống báo động, lực lượng cảnh sát, có lẽ không cần đến cái khóa nữa! Hãy hình dung lòng và trí chúng ta không còn nặng trĩu lo lắng.
16, 17. (a) Những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm ra sao? Hãy cho ví dụ. (b) Làm thế nào để chắc chắn rằng chúng ta sẽ còn lại sau khi thế gian này qua đi?
16 Đời sống sẽ như thế nào khi những tình trạng gây căng thẳng không còn? Không dễ để hình dung. Chúng ta đã sống trong thế gian già cỗi này lâu đến mức có thể không còn nhận ra mình căng thẳng nhiều đến độ nào trước tình trạng trên thế giới. Điều đó giống như người sống gần ga xe lửa tấp nập có thể không còn để ý đến tiếng ồn. Nhưng thật nhẹ nhõm khi những điều tiêu cực ấy bị dẹp bỏ!
17 Điều gì sẽ thế chỗ những căng thẳng của chúng ta ngày nay? Thi-thiên 37:11 trả lời: ‘Người hiền-từ sẽ được khoái-lạc về bình-yên dư-dật’. Chẳng phải những lời này động đến lòng anh chị sao? Đó là điều Đức Giê-hô-va muốn anh chị hưởng. Vậy, hãy cố gắng làm mọi điều có thể để gần gũi Giê-hô-va Đức Chúa Trời và tổ chức của ngài trong những ngày đầy căng thẳng này! Hãy nâng niu và suy ngẫm về hy vọng của anh chị; hãy làm cho hy vọng ấy có thật trong tâm trí mình, cũng như hết lòng chia sẻ với người khác! (1 Ti 4:15, 16; 1 Phi 3:15). Khi làm thế, anh chị có thể chắc chắn rằng mình sẽ không qua đi cùng thế gian đã bị kết án này. Thay vì thế, anh chị sẽ còn lại, đầy sức sống và vui vẻ cho đến đời đời!
a Đoạn này miêu tả một phong tục trong nhà tù vào nhiều năm trước tại một số nơi ở Hoa Kỳ.