Họ đã gặp Đấng Mê-si!
“Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si”.—GIĂNG 1:41.
1. Tình huống nào dẫn đến việc Anh-rê tuyên bố: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si”?
Giăng Báp-tít đang ở với hai môn đồ. Khi thấy Chúa Giê-su đến, ông thốt lên: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời!”. Anh-rê cùng môn đồ kia liền theo Chúa Giê-su và ở với ngài suốt ngày hôm ấy. Sau đó, Anh-rê tìm anh mình là Si-môn Phi-e-rơ và hào hứng tuyên bố: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si”. Rồi ông dẫn Phi-e-rơ đến gặp Chúa Giê-su.—Giăng 1:35-41.
2. Khi xem xét thêm những lời tiên tri về Đấng Mê-si, chúng ta sẽ nhận lợi ích nào?
2 Sau đó, Anh-rê, Phi-e-rơ cùng những người khác tra cứu Kinh Thánh sâu hơn và mạnh dạn khẳng định rằng Chúa Giê-su người Na-xa-rét là Đấng Mê-si đã được hứa từ trước. Khi xem tiếp những lời tiên tri về Đấng Mê-si, đức tin của chúng ta nơi Lời Đức Chúa Trời và Đấng Được Xức Dầu của Ngài cũng sẽ được củng cố.
“Nầy, Vua ngươi đến”
3. Lời tiên tri nào đã được ứng nghiệm liên quan đến việc Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem cách vẻ vang?
3 Đấng Mê-si sẽ vào thành Giê-ru-sa-lem cách vẻ vang. Xa-cha-ri tiên tri: “Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng-rỡ cả-thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo-vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công-bình và ban sự cứu-rỗi nhu-mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái” (Xa 9:9). Người viết Thi-thiên cho biết: “Đáng ngợi-khen đấng nhân danh Đức Giê-hô-va mà đến!” (Thi 118:26). Chúa Giê-su không thể khiến đoàn dân làm thế. Tuy nhiên, phù hợp với lời tiên tri, đoàn dân tự động reo vui. Khi đọc lời tường thuật trong Kinh Thánh, bạn hãy hình dung mình đang ở đó và nghe tiếng reo mừng của đoàn dân.—Đọc Ma-thi-ơ 21:4-9.
4. Hãy giải thích Thi-thiên 118:22, 23 được ứng nghiệm thế nào.
4 Dù nhiều người sẽ lờ đi bằng chứng và không tin Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, nhưng ngài được Đức Chúa Trời yêu quý. Như đã báo trước, Chúa Giê-su bị những người không tin nơi các bằng chứng ‘khinh-dể và chẳng coi ra gì’ (Ê-sai 53:3; Mác 9:12). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã soi dẫn người viết Thi-thiên như sau: “Hòn đá mà thợ xây loại ra, đã trở nên đá đầu góc nhà. Điều ấy là việc của Đức Giê-hô-va” (Thi 118:22, 23). Chúa Giê-su dùng đoạn Kinh Thánh trên để nhắc nhở những nhà lãnh đạo tôn giáo. Về sau, Phi-e-rơ nói rằng đoạn ấy đã ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su (Mác 12:10, 11; Công 4:8-11). Chúa Giê-su đã trở nên “đá góc” của hội thánh. Dù bị những người không tin kính chối bỏ, ngài vẫn “được chọn và quí trước mặt Đức Chúa Trời”.—1 Phi 2:4-6.
Ngài bị phản bội và bị bỏ
5, 6. Về việc Đấng Mê-si bị phản bội, những lời tiên tri nào đã được ứng nghiệm?
5 Đấng Mê-si sẽ bị một người bạn xảo trá phản bội. Đa-vít tiên tri: “Người bạn thân tôi, mà lòng tôi tin-cậy, và đã ăn bánh tôi, cũng giơ gót lên nghịch cùng tôi” (Thi 41:9). Một người ăn bánh với người khác thì được xem là bạn (Sáng 31:54). Vì thế, việc Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản bội Chúa Giê-su là điều rất tồi tệ. Chúa Giê-su nhắc tới lời tiên tri của Đa-vít khi đề cập đến người phản bội mình, ngài nói với các sứ đồ: “Ta không nói về các ngươi hết thảy, ta biết những kẻ ta đã lựa-chọn; nhưng lời nầy trong Kinh-thánh phải được ứng-nghiệm: Người ăn bánh ta, dở gót nghịch cùng ta”.—Giăng 13:18.
6 Kẻ phản bội Đấng Mê-si sẽ được trả 30 miếng bạc, bằng giá một nô lệ! Ma-thi-ơ nhắc lại lời tiên tri nơi Xa-cha-ri 11:12, 13 và cho thấy Chúa Giê-su bị phản bội chỉ vì số tiền ít ỏi ấy. Nhưng tại sao Ma-thi-ơ nói rằng điều này đã được “đấng tiên-tri Giê-rê-mi” báo trước? Sách Giê-rê-mi và Xa-cha-ri là hai sách nằm trong phần được gọi là “sách các đấng tiên-tri”. Đôi khi sách Giê-rê-mi được đặt ở vị trí đầu tiên trong phần này nên người ta gọi chung phần này bằng tên sách đầu tiên (So sánh Lu-ca 24:44). Về Giu-đa, hắn chưa bao giờ dùng món tiền bất nghĩa vì đã ném số tiền ấy vào đền thờ rồi đi tự tử.—Mat 26:14-16; 27:3-10.
7. Xa-cha-ri 13:7 được ứng nghiệm ra sao?
7 Ngay cả các môn đồ của Đấng Mê-si sẽ tan lạc. Xa-cha-ri viết: “Hãy đánh kẻ chăn, cho những chiên tản-lạc” (Xa 13:7). Vào ngày 14 Ni-san năm 33 CN, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Đêm nay các ngươi sẽ đều vấp-phạm vì cớ ta, như có chép rằng: Ta sẽ đánh kẻ chăn chiên, thì chiên trong bầy sẽ bị tan-lạc”. Điều đó đã thật sự xảy ra, vì Ma-thi-ơ tường thuật rằng “hết thảy môn-đồ bỏ [Chúa Giê-su] mà trốn đi”.—Mat 26:31, 56.
Ngài bị vu cáo và đánh đập
8. Những diễn tiến nào dẫn đến việc ứng nghiệm Ê-sai 53:8?
8 Đấng Mê-si sẽ bị xét xử và kết án. (Đọc Ê-sai 53:8). Rạng sáng ngày 14 tháng Ni-san, cả Tòa Công Luận họp lại, trói Chúa Giê-su và giải ngài đến quan tổng đốc Bôn-xơ Phi-lát. Ông tra hỏi Chúa Giê-su và nhận thấy ngài vô tội. Tuy nhiên, khi Phi-lát đề nghị thả Chúa Giê-su, đám đông la lên: “Hãy đóng đinh nó”, và đòi thả tên tội phạm Ba-ra-ba. Vì muốn làm hài lòng đám đông, Phi-lát đã thả Ba-ra-ba, sai đánh đòn Chúa Giê-su và đóng đinh ngài.—Mác 15:1-15.
9. Điều gì đã được tiên tri nơi Thi-thiên 35:11?
9 Những người làm chứng dối sẽ tố cáo Đấng Mê-si. Người viết Thi-thiên là Đa-vít nói: “Những chứng gian dấy lên, tra-hỏi những việc tôi không biết đến” (Thi 35:11). Đúng như lời tiên tri, “các thầy tế-lễ cả và cả tòa công-luận kiếm chứng dối về [Chúa Giê-su], cho được giết Ngài” (Mat 26:59). “Có nhiều kẻ làm chứng dối nghịch cùng Ngài; nhưng lời họ khai chẳng hiệp nhau” (Mác 14:56). Vì kẻ thù gian ác của Chúa Giê-su chỉ muốn giết ngài nên cho dù biết những lời chứng ấy là giả dối, họ cũng chẳng quan tâm.
10. Hãy giải thích Ê-sai 53:7 được ứng nghiệm thế nào.
10 Đấng Mê-si sẽ im lặng trước những kẻ vu cáo. Ê-sai tiên tri: “Người bị hiếp-đáp, nhưng khi chịu sự khốn-khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng” (Ê-sai 53:7). Đúng thế, “trong lúc các thầy tế-lễ cả và các trưởng-lão kiện [Chúa Giê-su], Ngài không đối-đáp gì hết”. Khi Phi-lát hỏi: “Họ có nhiều điều làm chứng kiện ngươi, ngươi há không nghe đến sao?”, Chúa Giê-su “không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng-đốc lấy làm lạ lắm” (Mat 27:12-14). Ngài cũng không trách mắng những kẻ vu cáo mình.—Rô 12:17-21; 1 Phi 2:23.
11. Ê-sai 50:6 và Mi 4:14 được ứng nghiệm ra sao?
11 Ê-sai tiên tri Đấng Mê-si sẽ bị đánh đập. Ông viết: “Ta đã đưa lưng cho kẻ đánh ta, và đưa má cho kẻ nhổ râu ta; ai mắng hoặc nhổ trên ta, ta chẳng hề che mặt” (Ê-sai 50:6). Mi-chê báo trước: “Người ta lấy roi đánh trên má quan-xét của Y-sơ-ra-ên” (Mi 4:14). Xác nhận những lời tiên tri này được ứng nghiệm, người viết sách Phúc âm là Mác nói: “Có kẻ nhổ trên [Chúa Giê-su], đậy mặt Ngài lại, đấm Ngài, và nói với Ngài rằng: Hãy nói tiên-tri đi! Các lính canh lấy gậy đánh Ngài”. Mác nói những tên lính ấy còn “lấy cây sậy đánh đầu Ngài, nhổ trên Ngài, và quì xuống trước mặt Ngài [cách nhạo báng] mà lạy” (Mác 14:65; 15:19). Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không làm gì để những người này đối xử với ngài như thế.
Ngài trung thành cho đến chết
12. Thi-thiên 22:16 và Ê-sai 53:12 áp dụng thế nào cho Chúa Giê-su?
12 Việc Đấng Mê-si bị đóng đinh đã được tiên tri. Người viết Thi-thiên là Đa-vít nói: “Một lũ hung-ác vậy-phủ tôi: Chúng nó đâm lủng tay và chân tôi” (Thi 22:16). Về biến cố quen thuộc với độc giả Kinh Thánh và làm ứng nghiệm lời tiên tri đó, người viết sách Phúc âm là Mác cho biết: “Lúc đóng đinh Ngài, là giờ thứ ba [khoảng 9 giờ sáng]” (Mác 15:25). Kinh Thánh cũng báo trước Đấng Mê-si sẽ bị kể vào hàng những kẻ có tội. Ê-sai viết: “Người đã đổ mạng-sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ” (Ê-sai 53:12). Thật thế, Kinh Thánh cho biết người ta ‘đóng đinh hai tên trộm-cướp với [Chúa Giê-su], một tên ở bên hữu, một tên ở bên tả’.—Mat 27:38.
13. Thi-thiên 22:7, 8 đã ứng nghiệm thế nào nơi Chúa Giê-su?
13 Đa-vít tiên tri Đấng Mê-si sẽ bị chế giễu. (Đọc Thi-thiên 22:7, 8). Ma-thi-ơ cho biết Chúa Giê-su bị chế giễu khi chịu đau đớn trên cây khổ hình: ‘Những kẻ đi ngang qua đó chê-cười Ngài, lắc đầu, mà nói rằng: Ngươi là kẻ phá đền-thờ và dựng lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình đi! Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây khổ hình!’. Thầy tế lễ cả, thầy thông giáo và các trưởng lão cũng nhạo báng ngài: ‘Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được. Nếu phải Vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây khổ hình thì chúng ta mới tin. Nó nhờ-cậy Đức Chúa Trời; nếu Đức Chúa Trời yêu nó thì bây giờ Ngài phải giải-cứu cho, vì nó đã nói rằng: Ta là Con Đức Chúa Trời’ (Mat 27:39-43). Tuy nhiên, Chúa Giê-su vẫn bình tĩnh chịu đựng và không nói điều gì sai trái. Ngài quả là gương mẫu tốt cho chúng ta noi theo!
14, 15. Liên quan đến việc người ta bắt thăm áo Đấng Mê-si và cho ngài uống giấm, một số lời tiên tri đã được ứng nghiệm ra sao?
14 Người ta sẽ bắt thăm áo của Đấng Mê-si. Người viết Thi-thiên nói: “Chúng nó chia nhau áo-xống tôi; bắt thăm về áo dài tôi” (Thi 22:18). Điều này thật sự xảy ra, vì lính La Mã ‘đã đóng đinh Chúa Giê-su rồi bắt thăm mà chia nhau áo-xống của Ngài’.—Mat 27:35; đọc Giăng 19:23, 24.
15 Người ta sẽ cho Đấng Mê-si uống giấm và chất đắng. Người viết Thi-thiên nói: “Chúng nó ban mật đắng làm vật-thực tôi, và cho tôi uống giấm trong khi khát” (Thi 69:21). Ma-thi-ơ cho biết: “Họ cho [Chúa Giê-su] uống rượu trộn với mật đắng; song Ngài nếm, thì không chịu uống”. Sau đó, “có một người trong bọn họ chạy lấy một miếng bông-đá, và thấm đầy [giấm], để trên đầu cây sậy mà đưa cho Ngài uống”.—Mat 27:34, 48.
16. Hãy giải thích lời tiên tri nơi Thi-thiên 22:1 được ứng nghiệm thế nào.
16 Đấng Mê-si có vẻ bị Đức Chúa Trời bỏ. (Đọc Thi-thiên 22:1). Đúng như lời tiên tri, “đến giờ thứ chín [khoảng 3 giờ chiều], Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa-bỏ tôi?” (Mác 15:34). Không phải Chúa Giê-su mất đức tin nơi Cha trên trời của ngài. Nhưng Đức Chúa Trời bỏ Chúa Giê-su vào tay kẻ thù theo nghĩa Ngài không còn che chở Con Ngài vào lúc đó hầu cho lòng trung kiên của Chúa Giê-su bị thử thách đến cùng. Qua việc thốt lên những lời trên, Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm Thi-thiên 22:1.
17. Xa-cha-ri 12:10 và Thi-thiên 34:20 được ứng nghiệm ra sao?
17 Đấng Mê-si sẽ bị đâm và không có xương nào của ngài bị gãy. Dân cư thành Giê-ru-sa-lem sẽ ‘nhìn-xem Đấng họ đã đâm’ (Xa 12:10). Thi-thiên 34:20 nói: “[Đức Chúa Trời] giữ hết thảy xương-cốt người, chẳng một cái nào bị gãy”. Xác nhận những lời này đã được ứng nghiệm, sứ đồ Giăng viết: ‘Một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn [Chúa Giê-su], tức thì máu và nước chảy ra. Kẻ đã thấy [tức là Giăng] thì làm chứng về việc đó, (lời chứng của người là thật). Điều đó xảy ra, cho được ứng-nghiệm lời Kinh-thánh nầy: Chẳng một cái xương nào của Ngài sẽ bị gãy. Lại có lời Kinh-thánh nầy nữa: Chúng sẽ ngó thấy người mà mình đã đâm’.—Giăng 19:33-37.
18. Việc Đấng Mê-si được chôn với người giàu được ứng nghiệm thế nào?
18 Đấng Mê-si sẽ được chôn với người giàu. (Đọc Ê-sai 53:5, 8, 9). Xế chiều ngày 14 tháng Ni-san, “một người giàu, ở thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-sép” xin Phi-lát lấy xác Chúa Giê-su, và lời thỉnh cầu của ông đã được chấp thuận. Lời tường thuật của Ma-thi-ơ cho biết thêm: “Giô-sép lấy xác Ngài mà bọc trong tấm vải liệm trắng, và đưa để trong một cái huyệt mới mà người đã khiến đục cho mình trong hòn đá; đoạn, lăn một hòn đá lớn đến trước cửa mồ, rồi đi”.—Mat 27:57-60.
Chào mừng vua Mê-si!
19. Lời tiên tri nơi Thi-thiên 16:10 được ứng nghiệm thế nào?
19 Đấng Mê-si sẽ được sống lại. Đa-vít viết: “Chúa [Giê-hô-va] sẽ chẳng bỏ linh-hồn tôi trong Âm-phủ” (Thi 16:10). Hãy hình dung vẻ sửng sốt của những phụ nữ đến viếng mộ Chúa Giê-su khi một thiên sứ hiện ra và nói với họ: “Đừng sợ chi, các ngươi tìm Đức Chúa Jêsus Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (Mác 16:6). Trước đám đông có mặt ở thành Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ tuyên bố: “[Đa-vít] đã thấy trước và nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi Âm-phủ, và xác-thịt Ngài chẳng thấy sự hư-nát” (Công 2:29-31). Đức Chúa Trời không để cho thi thể của người Con yêu dấu bị rữa. Ngài đã cho Chúa Giê-su “sống lại ở thể thần linh”.—1 Phi 3:18, NW.
20. Một số lời tiên tri cho biết gì về sự cai trị của Đấng Mê-si?
20 Như được báo trước, Đức Chúa Trời sẽ tuyên bố Chúa Giê-su là Con Ngài. (Đọc Thi-thiên 2:7; Ma-thi-ơ 3:17). Hơn nữa, đám đông đã chào mừng Chúa Giê-su và ca ngợi Nước của ngài (Mác 11:7-10). Ngày nay, chúng ta cũng vui mừng nói về Chúa Giê-su cùng những ân phước mà sự cai trị của ngài mang lại. Không lâu nữa, Chúa Giê-su sẽ hủy diệt kẻ thù khi ngài “vì cớ sự chân-thật, sự hiền-từ, và sự công-bình” mà đến (Thi 2:8, 9; 45:1-6). Sự cai trị của ngài sẽ đem lại bình an và thịnh vượng trên khắp trái đất (Thi 72:1, 3, 12, 16; Ê-sai 9:5, 6). Con yêu dấu của Đức Giê-hô-va đang trị vì ở trên trời với tư cách là vua Mê-si. Là Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va, thật vinh dự biết bao khi chúng ta được rao báo lẽ thật trên!
Bạn trả lời thế nào?
• Chúa Giê-su đã bị phản bội và bị bỏ như thế nào?
• Có một số chi tiết nào liên quan đến việc Chúa Giê-su bị đóng đinh đã được tiên tri?
• Tại sao bạn tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si được hứa từ trước?
[Hình nơi trang 13]
Việc Đấng Mê-si vào thành Giê-ru-sa-lem cách vẻ vang làm ứng nghiệm lời tiên tri nào?
[Các hình nơi trang 15]
Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi của chúng ta, nhưng ngài hiện đang cai trị với cương vị là vua Mê-si