“Đền thờ” và “thủ lĩnh” ngày nay
“Vua [thủ lĩnh, “NW”] sẽ vào cùng với dân-sự một lúc; và khi ai nấy ra thì chính vua [thủ lĩnh, “NW”] cũng ra”.—Ê-XÊ-CHI-ÊN 46:10.
1, 2. Lẽ thật then chốt nào giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ?
MỘT số ra-bi thời xưa không cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn về sách Ê-xê-chi-ên. Theo truyền thống Do Thái, một số ra-bi lại còn nghĩ đến việc loại bỏ sách Ê-xê-chi-ên ra khỏi Thánh Kinh chính điển. Họ đặc biệt thấy khó lý giải sự hiện thấy về đền thờ và tuyên bố là điều này vượt quá tầm hiểu biết của con người. Các học giả Kinh Thánh khác bối rối về sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ Đức Giê-hô-va . Còn chúng ta thì sao?
2 Kể từ khi sự thờ phượng thanh sạch được khôi phục, Đức Giê-hô-va đã ban cho dân tộc Ngài nhiều tia sáng thiêng liêng, kể cả việc hiểu rõ ý nghĩa đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời—sự sắp đặt thờ phượng thanh sạch giống như đền thờ của Đức Giê-hô-va.a Lẽ thật then chốt này giúp chúng ta thấu hiểu được phần lớn ý nghĩa sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn bốn khía cạnh trong sự hiện thấy này—đền thờ, chức vụ tế lễ, thủ lĩnh và đất đai. Những điều này có nghĩa gì ngày nay?
Đền thờ và bạn
3. Chúng ta học được gì về trần cao và hình chạm trổ trên tường nơi lối ra vào đền thờ?
3 Hãy tưởng tượng chúng ta đang đi tham quan đền thờ trong sự hiện thấy. Chúng ta đến gần, bước lên bảy bậc tới một cái cổng to lớn. Bên trong lối ra vào này, chúng ta thán phục ngước mắt nhìn. Trần đền thờ cao trên 30 mét! Điều này nhắc nhở chúng ta rằng phải có tiêu chuẩn cao để vào sự sắp đặt thờ phượng của Đức Giê-hô-va. Những tia sáng rọi vào cửa sổ chiếu lên hình các cây kè chạm trổ trên tường, mà Kinh Thánh dùng để hình dung cho sự ngay thẳng. (Thi-thiên 92:12; Ê-xê-chi-ên 40:14, 16, 22) Nơi thánh này dành cho những người ngay thẳng về đạo đức và thiêng liêng. Phù hợp với điều này, chúng ta muốn giữ mình ngay thẳng để được Đức Giê-hô-va chấp nhận sự thờ phượng của chúng ta.—Thi-thiên 11:7.
4. Ai không được phép vào đền thờ, và điều này dạy chúng ta điều gì?
4 Mỗi bên lối đi có ba phòng cho người canh gác. Họ có cho phép chúng ta vào trong đền thờ không? Đức Giê-hô-va phán với Ê-xê-chi-ên rằng không một người ngoại nào “không cắt bì về lòng” được phép vào. (Ê-xê-chi-ên 40:10; 44:9) Điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa là chỉ những ai yêu mến và sống phù hợp với luật pháp Đức Chúa Trời mới được Ngài chấp nhận là những người thờ phượng Ngài. (Giê-rê-mi 4:4; Rô-ma 2:29) Ngài tiếp đón những người như thế vào trong đền tạm thiêng liêng, nhà thờ phượng của Ngài. (Thi-thiên 15:1-5). Kể từ khi sự thờ phượng thanh sạch được khôi phục vào năm 1919, tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va đã dần dần làm sáng tỏ và ủng hộ các luật về luân lý của Ngài. Những ai cố tình cãi lời thì không được đón tiếp để kết hợp với dân tộc của Ngài nữa. Ngày nay, sự thực hành dựa trên Kinh Thánh—trục xuất những kẻ phạm tội không ăn năn—đã giúp cho sự thờ phượng của chúng ta được thanh sạch và tinh khiết.—1 Cô-rinh-tô 5:13.
5. (a) Có sự tương tự nào giữa sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên và sự hiện thấy của Giăng ghi nơi Khải-huyền 7:9-15? (b) Trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, 12 chi phái thờ phượng nơi hành lang ngoài tượng trưng cho ai?
5 Lối đi dẫn vào hành lang ngoài, nơi người ta thờ phượng và ca ngợi Đức Giê-hô-va. Điều này nhắc chúng ta nhớ lại sự hiện thấy của sứ đồ Giăng về đám đông “vô-số người” thờ phượng Đức Giê-hô-va “ngày đêm... trong đền Ngài”. Các cây kè xuất hiện trong cả hai sự hiện thấy. Trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, các cây kè trang trí các bức tường nơi lối ra vào. Trong sự hiện thấy của Giăng, những người thờ phượng cầm nhành chà là (cây kè) trong tay, biểu hiện cho lòng vui mừng của họ khi ca ngợi Đức Giê-hô-va và nghênh đón Chúa Giê-su là Vua của họ. (Khải-huyền 7:9-15) Trong bối cảnh sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, 12 chi phái Y-sơ-ra-ên tượng trưng cho các “chiên khác”. (Giăng 10:16; so sánh Lu-ca 22:28-30). Bạn có ở trong số những người vui mừng ca ngợi Đức Giê-hô-va bằng cách rao giảng Nước Trời của Ngài không?
6. Phòng ăn nơi hành lang ngoài dùng để làm gì, và điều này có lẽ nhắc nhở các chiên khác về đặc ân nào?
6 Khi tham quan nơi hành lang ngoài, chúng ta thấy 30 phòng ăn nơi mà người ta ăn của-lễ mà họ tự nguyện hiến dâng. (Ê-xê-chi-ên 40:17) Ngày nay, những ai thuộc các chiên khác tuy không dâng thú vật làm của-lễ, nhưng họ không đến đền thờ thiêng liêng tay không. (So sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 23:15). Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra. Chớ quên việc lành và lòng bố-thí, vì sự tế-lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 13:15, 16; Ô-sê 14:2) Thật là một đặc ân lớn được dâng lên cho Đức Giê-hô-va của-lễ đó.—Châm-ngôn 3:9, 27.
7. Việc đo đền thờ bảo đảm với chúng ta điều gì?
7 Ê-xê-chi-ên nhìn xem vị thiên sứ đo đền thờ trong sự hiện thấy. (Ê-xê-chi-ên 40:3) Tương tự như thế, sứ đồ Giăng được phán dặn: “Hãy đứng dậy, đo đền-thờ Đức Chúa Trời, bàn-thờ, và những kẻ thờ-lạy tại đó”. (Khải-huyền 11:1) Việc đo này có nghĩa gì? Trong cả hai trường hợp, bằng chứng cho thấy điều này là một sự bảo đảm, một dấu hiệu cho thấy không điều gì có thể ngăn cản Đức Giê-hô-va làm ứng nghiệm ý định của Ngài về sự thờ phượng thanh sạch. Ngày nay cũng thế, chúng ta dám chắc rằng không gì—ngay cả sự chống đối kịch liệt của các chính phủ đầy thế lực—có thể cản trở việc khôi phục sự thờ phượng thanh sạch.
8. Ai vào cổng ở hành lang trong, và cổng này nhắc nhở chúng ta điều gì?
8 Khi bước ngang qua hành lang ngoài, chúng ta thấy có ba cái cổng dẫn vào hành lang trong; các cổng bên trong song song và có cùng kích thước với các cổng ngoài. (Ê-xê-chi-ên 40:6, 20, 23, 24, 27) Chỉ các thầy tế lễ mới được phép vào hành lang trong. Các cổng bên trong nhắc chúng ta nhớ rằng những người được xức dầu phải tuân thủ tiêu chuẩn và luật pháp của Đức Chúa Trời, và các tín đồ thật của Đấng Christ cũng được hướng dẫn bởi cùng tiêu chuẩn và luật pháp ấy. Nhưng các thầy tế lễ làm công việc nào và công việc ấy có ý nghĩa gì thời nay?
Chức vụ tế lễ trung thành
9, 10. “Thầy tế-lễ nhà vua”, được tượng trưng bởi nhóm thầy tế lễ trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, truyền sự dạy dỗ như thế nào?
9 Trong thời trước đạo Đấng Christ, các thầy tế lễ làm công việc nặng nhọc nơi đền thờ. Việc giết các con sinh tế rồi dâng lên bàn thờ, đồng thời phục vụ các thầy tế lễ khác lẫn dân chúng đều là việc làm đòi hỏi nhiều sức lực. Nhưng họ cũng có công việc quan trọng khác nữa. Đức Giê-hô-va phán về các thầy tế lễ: “Chúng nó sẽ dạy dân ta phân-biệt điều chi là thánh với điều chi là tục; làm cho dân ta biết điều ô-uế và điều thánh-sạch khác nhau là thể nào”.—Ê-xê-chi-ên 44:23; Ma-la-chi 2:7.
10 Bạn có quí trọng công lao khó nhọc và khiêm nhường mà nhóm người được xức dầu, tức “thầy tế-lễ nhà vua”, làm vì sự thờ phượng thanh sạch không? (1 Phi-e-rơ 2:9) Giống như các thầy tế lễ dòng Lê-vi thuở xưa, họ dẫn đầu trong việc dạy dỗ về thiêng liêng, giúp người ta hiểu điều gì là sạch, được Đức Chúa Trời chấp nhận và điều gì không. (Ma-thi-ơ 24:45) Sự dạy dỗ ấy, chuyển đạt qua các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh và qua các buổi họp và hội nghị của đạo Đấng Christ, đã giúp hàng triệu người được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.—2 Cô-rinh-tô 5:20.
11. (a) Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên nhấn mạnh đến tầm quan trọng về sự thanh sạch của các thầy tế lễ như thế nào? (b) Trong ngày sau rốt, những người xức dầu được luyện sạch theo nghĩa thiêng liêng như thế nào?
11 Tuy nhiên, các thầy tế lễ phải làm nhiều hơn là chỉ việc dạy người khác ăn ở trong sạch; chính họ cần phải ăn ở trong sạch. Do đó Ê-xê-chi-ên thấy trước một tiến trình tinh luyện chức vụ tế lễ của Y-sơ-ra-ên. (Ê-xê-chi-ên 44:10-16) Tương tự như thế, lịch sử cho thấy rằng vào năm 1918, Đức Giê-hô-va ngồi xuống “như kẻ luyện bạc” trong đền thờ thiêng liêng của Ngài, để kiểm lớp thầy tế lễ được xức dầu. (Ma-la-chi 3:1-5) Những người được xét là thanh sạch về thiêng liêng, hoặc đã ăn năn về tội thờ hình tượng lúc trước, được phép tiếp tục có đặc ân phụng sự trong đền thờ thiêng liêng của Ngài. Tuy nhiên, như mọi người, cá nhân những người được xức dầu có thể trở nên ô uế về thiêng liêng và đạo đức. (Ê-xê-chi-ên 44:22, 25-27) Họ đã phải cố gắng hết sức để giữ mình “cho khỏi sự ô-uế của thế-gian”.—Gia-cơ 1:27; so sánh Mác 7:20-23.
12. Tại sao chúng ta nên quí trọng công việc của những người được xức dầu?
12 Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi có quí trọng gương mẫu trung thành phụng sự nhiều năm của những người được xức dầu không? Tôi có noi theo đức tin của họ không?’ Những người thuộc đám đông nên nhớ rằng những người được xức dầu sẽ không ở mãi với họ trên đất này. Đức Giê-hô-va nói về các thầy tế lễ trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên: “Các ngươi chớ cho chúng nó sản-nghiệp [đất đai] gì trong Y-sơ-ra-ên; chính ta là sản-nghiệp chúng nó”. (Ê-xê-chi-ên 44:28) Tương tự như thế, những người được xức dầu không có nơi ở đời đời trên đất. Họ được hưởng cơ nghiệp trên trời, và những người thuộc đám đông xem việc ủng hộ và khích lệ các người ấy lúc còn ở trên đất là một đặc ân.—Ma-thi-ơ 25:34-40; 1 Phi-e-rơ 1:3, 4.
Thủ lĩnh là ai?
13, 14. (a) Tại sao thủ lĩnh thuộc các chiên khác? (b) Thủ lĩnh tượng trưng cho ai?
13 Bây giờ có một câu hỏi lý thú: Thủ lĩnh tượng trưng cho ai? Vì Kinh Thánh nói đến thủ lĩnh như một cá nhân và như một nhóm, chúng ta có thể cho rằng người đó tượng trưng cho một lớp người. (Ê-xê-chi-ên 44:3; 45:8, 9, NW) Nhưng họ là ai? Chắc chắn không phải là những người được xức dầu. Trong sự hiện thấy, người đó cộng tác mật thiết với thầy tế lễ, nhưng lại không phải là thầy tế lễ. Khác với lớp thầy tế lễ, thủ lĩnh hưởng được đất và vì thế tương lai của người đó ở trên đất, chứ không phải trên trời. (Ê-xê-chi-ên 48:21, NW) Ngoài ra, Ê-xê-chi-ên 46:10 nói: “Vua [thủ lĩnh, NW] sẽ vào [nơi hành lang bên ngoài của đền thờ] cùng với dân-sự [các chi phái không phải là thầy tế lễ] một lúc; và khi ai nấy ra thì chính vua [thủ lĩnh, NW] cũng ra”. Người không vào hành lang trong nhưng thờ phượng ở hành lang ngoài, ra vào đền thờ cùng với dân sự. Các yếu tố này rõ ràng cho thấy thủ lĩnh ở trong số những người thuộc đám đông các chiên khác.
14 Rõ ràng là thủ lĩnh gánh vác một số trách nhiệm trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời. Nơi hành lang ngoài, người ngồi tại Cửa Đông. (Ê-xê-chi-ên 44:2, 3) Điều này hẳn cho thấy cương vị giám thị, giống như các trưởng lão Y-sơ-ra-ên xưa ngồi nơi cửa thành và phán xét dân sự. (Ru-tơ 4:1-12; Châm-ngôn 22:22) Trong vòng các chiên khác ngày nay, ai giữ cương vị giám thị? Đó là các trưởng lão có hy vọng sống trên đất được thánh linh bổ nhiệm. (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28) Vậy lớp người thủ lĩnh đang được chuẩn bị với triển vọng sau này phục vụ trong chức năng quản trị thế giới mới.
15. (a) Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên cho biết rõ các trưởng lão thuộc đám đông có liên hệ thế nào với lớp thầy tế lễ được xức dầu? (b) Trong tổ chức trên đất của Đức Chúa Trời, các trưởng lão được xức dầu có vai trò dẫn đầu như thế nào?
15 Nhưng ngày nay lớp thầy tế lễ được xức dầu có liên hệ thế nào với các trưởng lão thuộc đám đông, hiện phục vụ trong cương vị giám thị? Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên gợi ý rằng các trưởng lão thuộc đám đông đóng một vai trò ủng hộ và phụ tá, trong khi những người được xức dầu dẫn đầu về thiêng liêng. Như thế nào? Hãy nhớ, các thầy tế lễ trong sự hiện thấy được giao cho trách nhiệm dạy dỗ dân về những điều thiêng liêng. Họ cũng được bảo phải hành động như những người phân xử các vụ kiện tụng. Ngoài ra, người Lê-vi được giao cho trách nhiệm “giữ cửa nhà” hoặc “giám thị” (NW) tại các cửa đền thờ. (Ê-xê-chi-ên 44:11, 23, 24) Rõ ràng là thủ lĩnh phải phục tùng công việc và sự lãnh đạo thiêng liêng của các thầy tế lễ. Vậy thì, những người được xức dầu dẫn đầu trong sự thờ phượng thanh sạch ngày nay quả là thích hợp. Chẳng hạn, các thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va đã được chọn trong vòng những người được xức dầu. Các trưởng lão trung thành được xức dầu ấy đang huấn luyện lớp thủ lĩnh từ nhiều thập niên qua, chuẩn bị cho các thành viên tương lai của lớp người này để đến ngày họ sẽ được giao trọn quyền trong thế giới mới sắp đến của Đức Chúa Trời.
16. Theo Ê-sai 32:1, 2, tất cả những trưởng lão phải hành động như thế nào?
16 Các thành viên tương lai của lớp thủ lĩnh này có triển vọng nhận lãnh trách nhiệm nhiều hơn, nên họ phải là những giám thị có bản chất nào? Lời tiên tri ghi nơi Ê-sai 32:1, 2 nói: “Nầy, sẽ có một vua lấy nghĩa trị-vì, các quan-trưởng lấy lẽ công-bình mà cai-trị. Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão-táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn-mỏi”. Lời tiên tri này đang được ứng nghiệm thời nay, nghĩa là tất cả các trưởng lão đạo Đấng Christ—được xức dầu và các chiên khác—cố bảo vệ bầy chiên khỏi “bão-táp” như sự bắt bớ và nản lòng.
17. Các người chăn tín đồ Đấng Christ xem mình như thế nào, và bầy chiên xem họ như thế nào?
17 Những từ “quan-trưởng” và “thủ lĩnh” trong tiếng Hê-bơ-rơ có ý nghĩa giống nhau và không được dùng như những chức tước để tâng bốc người này lên trên người khác. Thay vì thế, các từ đó diễn tả trách nhiệm mà những người này phải gánh vác trong việc chăm sóc bầy chiên của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va khuyên răn nghiêm nghị: “Hỡi các vua [thủ lĩnh, NW] Y-sơ-ra-ên, thế đã đủ cho các ngươi rồi! Khá bỏ sự bạo-ngược và hà-hiếp; làm sự đoán-xét và công-bình”. (Ê-xê-chi-ên 45:9) Ngày nay tất cả các trưởng lão nên khắc ghi vào lòng những lời khuyên này. (1 Phi-e-rơ 5:2, 3) Về phần bầy chiên, họ nhìn nhận rằng Chúa Giê-su đã cung cấp những người chăn chiên này như “món quà dưới hình thức người”. (Ê-phê-sô 4:8, NW). Họ hội đủ những điều kiện ghi nơi Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời. (1 Ti-mô-thê 3:1-7; Tít 1:5-9) Do đó, tín đồ Đấng Christ đi theo sự hướng dẫn của các trưởng lão.—Hê-bơ-rơ 13:7.
18. Hiện nay lớp thủ lĩnh tương lai có một số trách nhiệm nào, và họ sẽ có trách nhiệm nào trong tương lai?
18 Trong thời Kinh Thánh được viết ra, một số thủ lĩnh có nhiều quyền hành, còn một số khác thì ít quyền. Ngày nay, các trưởng lão thuộc đám đông có nhiều trách nhiệm khác nhau. Một số phục vụ trong một hội thánh; một số khác phục vụ nhiều hội thánh với tư cách giám thị lưu động; số khác nữa thì phục vụ cả một nước với tư cách là thành viên trong Ủy Ban Chi Nhánh; số khác nữa thì trực tiếp phụ tá trong những ủy ban khác nhau của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Trong thế giới mới, Chúa Giê-su sẽ bổ nhiệm các “quan-trưởng trong khắp thế-gian” để dẫn đầu những người thờ phượng Đức Giê-hô-va trên đất. (Thi-thiên 45:16) Chắc chắn Chúa Giê-su sẽ chọn nhiều quan trưởng từ số các trưởng lão trung thành ngày nay. Vì những người này hiện nay tỏ ra có khả năng, ngài sẽ chọn nhiều người trong số đó để giao cho những đặc ân lớn hơn nữa trong tương lai, khi ngài cho biết vai trò của lớp thủ lĩnh trong thế giới mới.
Đất của dân tộc Đức Chúa Trời ngày nay
19. Đất trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên tượng trưng điều gì?
19 Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên cũng hình dung đất Y-sơ-ra-ên được khôi phục. Điều này tượng trưng cho gì? Những lời tiên tri khác về sự phục hưng báo trước rằng đất Y-sơ-ra-ên sẽ giống như vườn Ê-đen. (Ê-xê-chi-ên 36:34, 35) Ngày nay, chúng ta vui hưởng “đất” được khôi phục, và trong ý nghĩa nào đó, nó cũng giống như vườn Ê-đen. Cũng thế, chúng ta thường nói về địa đàng thiêng liêng. Tháp Canh đã định nghĩa “đất” là “lĩnh vực hoạt động” của dân tộc được Đức Chúa Trời chọn.b Dù một tôi tớ của Đức Giê-hô-va ở đâu đi nữa, người đó cũng ở trên đất được khôi phục, miễn là cố gắng ủng hộ sự thờ phượng thật bằng cách bước theo dấu chân của Chúa Giê-su Christ.—1 Phi-e-rơ 2:21.
20. Chúng ta học được nguyên tắc gì qua “đất thánh” trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, và chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc này thế nào?
20 Còn về phần đất gọi là “đất thánh” thì sao? Đây là phần đất mà dân đóng góp để ủng hộ thành phố và chức vụ tế lễ. Cũng vậy, “hết thảy dân trong xứ” phải đóng góp một phần đất cho lớp người thủ lĩnh. Ngày nay điều này có nghĩa gì? Dĩ nhiên, không có nghĩa là dân tộc của Đức Chúa Trời phải nặng gánh vì tài trợ lương bổng cho hàng giáo phẩm. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:8) Thay vì thế, họ ủng hộ các trưởng lão phần nhiều về mặt thiêng liêng. Điều này bao gồm việc phụ giúp trong công việc trưởng lão đang làm và có tinh thần hợp tác, phục tùng. Tuy nhiên, như thời Ê-xê-chi-ên, phần đóng góp này được dâng lên “cho Đức Giê-hô-va”, chứ không phải cho một người nào.—Ê-xê-chi-ên 45:1, 7, 16.
21. Chúng ta học được điều gì từ việc chia đất trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên?
21 Trong đất được khôi phục này, không phải chỉ có thủ lĩnh và các thầy tế lễ mới được chỉ định chỗ ở. Việc phân chia đất đai cho thấy tất cả 12 chi phái đều có một sản nghiệp an toàn. (Ê-xê-chi-ên 47:13, 22, 23) Vậy những người thuộc đám đông không những có chỗ trong địa đàng thiêng liêng ngày nay, mà còn nhận phần đất được chỉ định cho họ trên đất dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời.
22. (a) Thành phố trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên tượng trưng cho gì? (b) Chúng ta học được điều gì qua sự kiện chung quanh thành phố đều có cổng?
22 Cuối cùng, thành phố trong sự hiện thấy tượng trưng cho gì? Đó không phải là một thành phố ở trên trời, vì nó nằm giữa đất “tục” (không được thánh). (Ê-xê-chi-ên 48:15-17) Vậy đó phải là một cái gì thuộc về đất. Thế thì một thành phố là gì? Chẳng phải nó chuyển đạt ý tưởng là người ta tụ họp lại thành nhóm và lập thành một cơ cấu qui củ sao? Đúng thế. Bởi vậy, dường như thành phố tượng trưng cho sắp đặt hành chính trên đất nhằm đem lại lợi ích cho tất cả những ai hợp thành xã hội công bình trên đất. Thành đó sẽ hoạt động đến mức tối đa trong “đất mới” sắp đến. (2 Phi-e-rơ 3:13) Các cổng chung quanh thành phố, mỗi chi phái một cổng, nói lên sự công khai. Ngày nay, dân tộc Đức Chúa Trời không được quản trị bởi một tổ chức kín, bí mật nào đó. Những anh có trách nhiệm phải dễ cho người khác tiếp xúc; những nguyên tắc hướng dẫn họ được mọi người biết đến. Sự kiện những người từ mọi chi phái trồng tỉa đất đai để ủng hộ thành phố nhắc nhở chúng ta rằng các chiên khác ủng hộ, ngay cả về phương diện vật chất, các sự sắp đặt lập ra để quản trị dân Đức Chúa Trời trên khắp thế giới.—Ê-xê-chi-ên 48:19, 30-34.
23. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
23 Thế còn dòng sông từ chính điện của đền thờ chảy ra? Nó tượng trưng cho điều gì ngày nay và trong tương lai sẽ là đề tài của bài thứ ba và bài chót của loạt bài này.
[Chú thích]
a Xem sách Revelation—Its Grand Climax At Hand! (Khải-huyền gần đến cực điểm vinh quang!) trang 64, đoạn 22, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
Điểm ôn lại
◻ Đền thờ trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên tượng trưng cho điều gì?
◻ Các thầy tế lễ phục vụ tại đền thờ tượng trưng cho ai?
◻ Lớp thủ lĩnh là ai, và họ có một số trách nhiệm nào?
◻ Đất trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên là gì, và nó được chia cho 12 chi phái theo ý nghĩa nào?
◻ Thành phố tượng trưng cho gì?
[Biểu đồ/Bản đồ nơi trang 15]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Sự chia đất như được miêu tả trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên
MƯỜI HAI CHI PHÁI
Biển Lớn
Biển Ga-li-lê
Sông Giô-đanh
Biển Muối
ĐAN
A-SE
NÉP-TA-LI
MA-NA-SE
ÉP-RA-IM
RU-BÊN
GIU-ĐA
THỦ LĨNH
BÊN-GIA-MIN
SI-MÊ-ÔN
Y-SA-CA
SA-BU-LÔN
GÁT
[Biểu đồ]
ĐẤT THÁNH PHÓNG ĐẠI
A. “Đức Giê-hô-va ở đó” (Đức Giê-hô-va Shammah); B. đất trồng trọt của thành phố
Phần của người Lê-vi
Nơi thánh của Đức Giê-hô-va
Phần của thầy tế lễ
B A B