Lòng thương xót của Đức Giê-hô-va cứu chúng ta khỏi tuyệt vọng
“Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương-xót tôi tùy lòng nhơn-từ của Chúa; xin hãy xóa các sự vi-phạm tôi theo sự từ-bi rất lớn của Chúa” (THI-THIÊN 51:1).
1, 2. Tội lỗi nghiêm trọng có thể ảnh hưởng một trong những tôi tớ Đức Giê-hô-va như thế nào?
KHÔNG AI có thể vi phạm luật pháp của Đức Giê-hô-va mà khỏi bị trừng phạt. Điều này càng rõ biết bao nếu chúng ta phạm một tội trọng nghịch cùng Đức Chúa Trời! Mặc dầu chúng ta đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va trong nhiều năm, vi phạm luật pháp của Ngài có thể gây ra nỗi lo âu nặng trĩu hay buồn nản sâu xa. Chúng ta có thể cảm thấy mình bị Đức Giê-hô-va từ bỏ và không còn xứng đáng để phụng sự Ngài. Tội lỗi của chúng ta có lẽ giống như một đám mây to che khuất ánh sáng ân huệ của Đức Chúa Trời.
2 Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa có lần đã ở trong tình trạng này. Tình trạng này đã bắt đầu như thế nào?
Lầm bước có thể đưa đến tội trọng
3, 4. Điều gì xảy ra cho vua Đa-vít trong thời kỳ hưng thịnh?
3 Đa-vít kính mến Đức Chúa Trời nhưng đã lầm bước khiến ông phạm tội trọng. (So sánh Ga-la-ti 6:1). Điều này có thể xảy ra cho bất cứ người bất toàn nào, nhất là nếu người ấy có quyền hành trên người khác. Là một vị vua giàu sang, Đa-vít có danh vọng và quyền hành. Ai dám thách thức lời của ông? Các người tài ba sẵn sàng phụng sự ông, và dân chúng sẵn sàng làm những điều mà ông bảo họ làm. Thế nhưng, Đa-vít đã phạm tội vì lấy nhiều vợ và đếm dân số (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:14-20; I Sử-ký 21:1).
4 Trong thời kỳ hưng thịnh này, Đa-vít phạm nhiều tội nghiêm trọng đối với Đức Chúa Trời và loài người. Thế là tội này dẫn đến tội khác như những sợi chỉ dệt lại với nhau thành một miếng vải do Sa-tan vẽ nên! Trong khi những người Y-sơ-ra-ên tranh chiến với người A-môn, thì từ nóc đền vua Đa-vít đã nhìn người vợ xinh đẹp của U-ri là Bát-Sê-ba đang tắm. Lúc ấy U-ri đang ngoài trận tuyến, vua truyền đem Bát-Sê-ba vào trong cung điện và phạm tội ngoại tình với nàng. Hãy tưởng tượng nỗi sững sờ của vua sau đó khi biết được nàng đã mang thai! Đa-vít truyền đem U-ri về, mong rằng ông sẽ ngủ đêm với Bát-Sê-ba và sẽ coi đứa con là của ông. Mặc dù Đa-vít đã làm cho ông say, U-ri từ chối không ngủ với vợ. Bây giờ trong lúc túng thế, Đa-vít bèn gởi thơ đến tổng binh Giô-áp, bí mật ra lệnh cho Giô-áp đặt U-ri nơi hàng đầu của chiến trận để cho ông phải chết. U-ri bị tử trận, người góa phụ của ông để tang chồng một thời gian theo thường lệ và Đa-vít cưới nàng trước khi dân chúng biết nàng mang thai (II Sa-mu-ên 11:1-27).
5. Chuyện gì xảy ra sau khi Đa-vít phạm tội với Bát-Sê-ba, và tội lỗi đã gây hậu quả nào cho ông?
5 Qua nhà tiên tri Na-than, Đức Chúa Trời đã vạch trần tội lỗi của Đa-vít và nói: “Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai-họa giáng trên ngươi”. Do đó, đứa trẻ mà Bát-Sê-ba sanh ra bị chết (II Sa-mu-ên 12:1-23). Con trai đầu lòng của Đa-vít là A-môn hãm hiếp em cùng cha khác mẹ là Ta-ma và bị anh của Ta-ma giết (II Sa-mu-ên 13:1-33). Con của vua là Áp-sa-lôm cố chiếm đoạt ngai vàng và làm nhục cha bằng cách ăn ở với vợ lẽ của Đa-vít (II Sa-mu-ên 15:1 đến 16:22). Cuộc nội chiến chấm dứt sau cái chết của Áp-sa-lôm và làm Đa-vít sầu não thêm (II Sa-mu-ên 18:1-33). Tuy nhiên, tội lỗi của Đa-vít đã làm ông khiêm nhường và cho ông biết là cần phải gần gũi với Đức Chúa Trời hay thương xót. Nếu chúng ta lầm lỗi, chúng ta hãy khiêm nhường ăn năn và đến gần Đức Giê-hô-va. (So sánh Gia-cơ 4:8).
6. Tại sao vua Đa-vít đặc biệt có tội?
6 Tội của Đa-vít đặc biệt nặng bởi vì ông là một vị vua Y-sơ-ra-ên biết rõ luật pháp của Đức Giê-hô-va (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18-20). Ông không phải là Pha-ra-ôn của xứ Ai-cập hoặc là vua Ba-by-lôn thiếu sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và thường làm những điều phật lòng Ngài. (So sánh Ê-phê-sô 2:12; 4:18). Là một thành viên trong quốc gia dâng mình cho Đức Giê-hô-va, Đa-vít hiểu rõ sự ngoại tình và giết người là những tội trọng (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13, 14). Các tín đồ đấng Christ cũng biết luật pháp của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, giống như Đa-vít, một số trong vòng họ đã phạm tội vì tội lỗi di truyền, sự yếu đuối của con người và không cưỡng lại sự cám dỗ. Nếu điều này xảy ra cho bất cứ người nào trong chúng ta, chúng ta không cần phải ở trong tình trạng đen tối có thể làm lu mờ cái nhìn thiêng liêng và làm cho chúng ta bị tuyệt vọng sâu xa.
Xưng tội làm cho khuây khỏa
7, 8. a) Điều gì xảy ra cho Đa-vít khi ông cố che giấu tội lỗi của ông? b) Tại sao ta nên thú tội và không làm tội nữa?
7 Nếu phạm tội trọng đối với luật pháp của Đức Chúa Trời, có lẽ chúng ta cảm thấy khó mà xưng tội ra, ngay cả với Đức Giê-hô-va. Điều gì có thể xảy ra trong những hoàn cảnh như thế? Trong Thi-thiên 32, Đa-vít thú nhận: “Khi tôi nín-lặng [thay vì thú tội], các xương-cốt tôi tiêu-tàn, và tôi rên-siết trọn ngày; vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; nước bổ thân tôi tiêu-hao như bởi khô-hạn mùa hè” (Thi-thiên 32 câu 3, 4). Cố che đậy tội lỗi của ông và đè nén lương tâm tội lỗi làm con người Đa-vít bị hao mòn. Sự sầu não làm giảm sức mạnh của ông đến độ giống như một cái cây gặp hạn hán không có nước. Đúng thế, có lẽ ông cảm thấy bị bệnh tâm thần và thể xác. Dù sao đi nữa, ông đã mất đi niềm vui. Nếu bất cứ một người nào trong chúng ta gặp phải tình trạng giống như vậy, chúng ta nên làm gì?
8 Xưng tội với Đức Chúa Trời có thể đưa đến sự tha thứ và khuây khỏa. Đa-vít hát: “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian-ác tôi. Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi-phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va. Còn Chúa tha tội ác của tôi” (Thi-thiên 32:5). Bạn có đang buồn khổ về một tội nào còn giấu kín không? Phải chăng điều tốt nhất là thú tội và không làm tội đó nữa để nhận được sự thương xót của Đức Chúa Trời? Tại sao không mời các trưởng lão hội thánh đến và tìm kiếm sự chữa bệnh về thiêng liêng? (Châm-ngôn 28:13; Gia-cơ 5:13-20). Họ sẽ hiểu được tinh thần ăn năn của bạn, và với thời gian bạn có thể được lại niềm vui của người tín đồ đấng Christ. Đa-vít nói: “Phước thay cho người nào được tha sự vi-phạm mình, được khỏa-lấp tội-lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian-ác cho, và trong lòng không có sự giả-dối!” (Thi-thiên 32:1, 2).
9. Thi-thiên 51 được soạn khi nào và tại sao?
9 Đa-vít và Bát-Sê-ba phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va về tội lỗi của họ. Mặc dù họ có thể bị xử tử vì tội đã phạm, Đức Chúa Trời thương xót họ. Ngài đặc biệt thương xót Đa-vít vì cớ giao ước Nước Trời (II Sa-mu-ên 7:11-16). Thi-thiên 51 cho thấy thái độ ăn năn của Đa-vít đối với tội lỗi ông phạm cùng Bát-Sê-ba. Vị vua hối lỗi đã làm bài Thi-thiên cảm động này sau khi nhà tiên tri Na-than đánh thức lương tâm của vua để nhận thấy sự nghiêm trọng của việc ông vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Na-than cần có sự can đảm để lưu ý Đa-vít về các tội lỗi của ông, cũng như ngày nay các trưởng lão tín đồ đấng Christ phải can đảm để làm thế. Thay vì chối bỏ lời buộc tội và đem Na-than ra xử tử, vị vua khiêm nhường thú tội (II Sa-mu-ên 12:1-14). Thi-thiên 51 cho thấy những gì ông nói với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện về việc làm nhơ nhớp đó và bài này đáng cho chúng ta suy gẫm, nhất là nếu chúng ta phạm tội và mong mỏi được Đức Giê-hô-va thương xót.
Chúng ta chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời
10. Làm sao Đa-vít được hồi phục về thiêng liêng?
10 Đa-vít không tìm cách chạy tội nhưng van xin: “Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy thương-xót tôi tùy lòng nhơn-từ của Chúa. Xin hãy xóa các sự vi-phạm tôi theo sự từ-bi rất lớn của Chúa” (Thi-thiên 51:1). Khi phạm tội, Đa-vít đã vượt quá giới hạn của luật pháp Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ông có hy vọng được chữa lành về thiêng liêng nếu Đức Chúa Trời ban ân huệ cho ông tùy sự yêu thương nhân từ hoặc tình yêu thương trung tín của Ngài. Lòng thương xót dư dật của Đức Chúa Trời trong quá khứ đã làm vị vua biết ăn năn tin là Đấng tạo ra ông sẽ xóa đi những sự vi phạm của ông.
11. Các của-lễ trong Ngày Chuộc tội mang ý nghĩa gì, và ngày nay cần gì để có sự cứu rỗi?
11 Qua hình bóng tiên tri về các của-lễ trong Ngày Chuộc tội, Đức Giê-hô-va cho biết rằng Ngài có một cách để làm sạch tội những người biết ăn năn. Giờ đây, chúng ta biết rằng Ngài thương xót và tha thứ chúng ta nếu chúng ta đặt đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su Christ. Nếu Đa-vít chỉ biết đến điều tượng trưng và hình bóng của của-lễ này mà có thể tin tưởng nơi lòng yêu thương nhân từ và thương xót của Đức Giê-hô-va, thì ngày nay các tôi tớ của Đức Chúa Trời có nhiều lý do biết bao để thực hành đức tin nơi giá chuộc đem lại sự cứu rỗi cho họ! (Rô-ma 5:8; Hê-bơ-rơ 10:1).
12. Phạm tội có nghĩa gì, và Đa-vít cảm thấy thế nào về tội lỗi của ông?
12 Khi van xin Đức Chúa Trời, Đa-vít thêm: “Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian-ác, và làm tôi được thanh-khiết về tội-lỗi tôi. Vì tôi nhận-biết các sự vi-phạm tôi. Tội-lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi” (Thi-thiên 51:2, 3). Phạm tội là làm trật mục tiêu, không theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Đa-vít chắc chắn đã làm như thế. Nhưng ông không giống như kẻ giết người hay kẻ ngoại tình không quan tâm gì đến sự vi phạm của họ mà chỉ buồn rầu chán nản trước hình phạt hoặc sợ có thể mắc một chứng bệnh. Là người yêu mến Đức Giê-hô-va, Đa-vít ghét điều ác (Thi-thiên 97:10). Ông đã chán ghét chính tội lỗi của ông và muốn Đức Chúa Trời hoàn toàn rửa sạch tội cho ông. Đa-vít đã hiểu rất rõ sự vi phạm của ông và rất buồn vì đã để dục vọng tội lỗi thắng được ông. Tội lỗi của ông ở trước mặt ông luôn luôn, vì lương tâm tội lỗi của người kính sợ Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thoải mái cho tới khi nào có sự ăn năn, thú tội và được Đức Giê-hô-va tha thứ.
13. Tại sao Đa-vít có thể nói ông phạm tội nghịch cùng chỉ một mình Đức Chúa Trời?
13 Nhận biết trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va, Đa-vít nói: “Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm điều ác trước mặt Chúa; hầu cho Chúa được xưng công-bình khi Chúa phán, và được thanh-sạch khi Chúa xét-đoán” (Thi-thiên 51:4). Đa-vít đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, bôi nhọ chức vụ vua và “gây dịp cho những kẻ thù nghịch Đức Giê-hô-va nói phạm đến Ngài”, làm Ngài bị sỉ nhục (II Sa-mu-ên 12:14; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13, 14, 17). Hành động tội lỗi của Đa-vít cũng là sự vi phạm nghịch lại xã hội của người Y-sơ-ra-ên và các người trong gia đình ông, cũng như ngày nay một người đã báp têm mà phạm tội, gây ra sự buồn rầu cho hội thánh tín đồ đấng Christ và những người thân. Mặc dù vị vua có lòng ăn năn biết rằng ông đã phạm tội với người đồng loại như U-ri, ông nhận biết rằng ông chịu trách nhiệm nặng hơn đối với Đức Giê-hô-va. (So sánh Sáng-thế Ký 39:7-9). Đa-vít nhận biết sự phán xét của Đức Giê-hô-va là công bình (Rô-ma 3:4). Các tín đồ đấng Christ phạm tội cần phải có đồng quan điểm như thế.
Hoàn cảnh đáng được châm chước
14. Đa-vít nêu lên hoàn cảnh đáng được châm chước nào?
14 Mặc dù Đa-vít không cố bào chữa cho chính mình, nhưng ông đã nói: “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian-ác, mẹ tôi đã hoài-thai tôi trong tội-lỗi” (Thi-thiên 51:5). Đa-vít đã sanh ra trong tội lỗi và mẹ ông ta đã trải qua nỗi đau đớn trong lúc sanh con bởi vì tội lỗi di truyền (Sáng-thế Ký 3:16; Rô-ma 5:12). Theo ông sự liên lạc hôn nhân, hoài thai và sự sanh con cách chính thức không phải là tội lỗi, vì Đức Chúa Trời đã sắp đặt hôn nhân và việc sanh con; và Đa-vít cũng không nói đến tội lỗi đặc biệt nào của mẹ ông. Mẹ ông hoài thai ông trong tội lỗi bởi vì cha mẹ ông là người tội lỗi như tất cả nhân loại bất toàn (Gióp 14:4).
15. Mặc dù Đức Chúa Trời có thể xem xét các hoàn cảnh đáng được châm chước, chúng ta chớ nên làm gì?
15 Nếu chúng ta phạm tội, chúng ta có thể nói trong lời cầu nguyện cho Đức Chúa Trời biết những hoàn cảnh nào đó đưa đẩy chúng ta đến việc phạm tội này. Nhưng chúng ta chớ nên lợi dụng lòng thương xót nhân từ của Đức Chúa Trời để viện cớ cho hành vi luông tuồng hoặc là dùng tội lỗi di truyền làm cái màn che để trốn tránh trách nhiệm về tội lỗi của mình (Giu-đe 3, 4). Đa-vít chịu gánh lấy trách nhiệm vì có những tư tưởng không thanh sạch và buông theo sự cám dỗ. Chúng ta hãy cầu nguyện để không bị bỏ mặc trước cám dỗ và hãy hành động hòa hợp với lời cầu nguyện (Ma-thi-ơ 6:13).
Cầu xin được rửa sạch
16. Đức Chúa Trời thích đức tính nào, và điều đó nên ảnh hưởng đến hành vi chúng ta ra sao?
16 Người ta có thể có vẻ bề ngoài là những người tốt tôn kính Đức Chúa Trời, nhưng Ngài nhìn bề trong và thấy con người bên trong của họ như thế nào. Đa-vít nói: “Nầy, Chúa muốn sự chơn-thật nơi bề trong; Chúa sẽ làm cho tôi được biết sự khôn-ngoan trong nơi bí-mật của lòng tôi” (Thi-thiên 51:6). Đa-vít phạm tội giả dối và gian manh trong việc chủ mưu gây ra cái chết của U-ri và cố gắng che lấp sự thật về việc Bát-Sê-ba có thai. Tuy nhiên, ông biết rằng Đức Chúa Trời thích sự chân thật và thánh sạch. Điều này nên có ảnh hưởng tốt cho hành vi của chúng ta vì Đức Giê-hô-va sẽ lên án chúng ta nếu chúng ta gian manh (Châm-ngôn 3:32). Đa-vít cũng biết rằng nếu Đức Chúa Trời ‘cho ông được biết về sự khôn ngoan’, vì là vị vua biết ăn năn, ông có thể tuân theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời trọn đời còn lại của ông.
17. Cầu nguyện để được tẩy sạch bằng chùm kinh giới có ý nghĩa gì?
17 Vì người viết thi-thiên thấy ông cần được sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để vượt qua khuynh hướng tội lỗi của mình, ông van xin thêm: “Xin hãy lấy chùm kinh-giới tẩy sạch tội-lỗi tôi, thì tôi sẽ được tinh-sạch; cầu Chúa hãy rửa tôi, thì tôi sẽ nên trắng hơn tuyết” (Thi-thiên 51:7). Ngoài những thứ khác, chùm kinh giới được dùng trong lễ tẩy sạch cho những người trước kia bị bệnh phung (Lê-vi Ký 14:2-7). Vì vậy, Đa-vít cầu nguyện như thế là thích hợp để được tẩy sạch khỏi tội lỗi với chùm kinh giới. Ý tưởng trong sạch cũng thấy trong lời nài xin Đức Giê-hô-va rửa sạch ông để ông trở nên hoàn toàn sạch sẽ, trắng hơn tuyết không có vết nhơ hoặc cặn bã nào (Ê-sai 1:18). Nếu có người nào trong chúng ta giờ đây đang bị lương tâm cắn rứt vì đã phạm tội nào đó, chúng ta hãy tin rằng nếu chúng ta ăn năn tìm kiếm sự tha thứ của Đức Chúa Trời, Ngài có thể làm thánh khiết và tẩy sạch chúng ta nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su Christ.
Cầu xin được hồi phục
18. Tình trạng của Đa-vít ra sao trước khi ông ăn năn và thú tội, và ngày nay biết được điều này có thể giúp chúng ta thế nào?
18 Người tín đồ đấng Christ nào đã từng bị lương tâm cắn rứt vì tội lỗi có thể hiểu lời của Đa-vít: “Hãy để cho tôi nghe sự vui-vẻ mừng-rỡ, để các xương-cốt mà Chúa đã bẻ gãy được khoái-lạc” (Thi-thiên 51:8). Trước khi Đa-vít ăn năn và thú tội, lương tâm cắn rứt làm ông khổ sở. Ông không thấy vui trong lời ca tiếng nhạc vui mừng của những người hát hay và những nhạc sĩ tài ba. Vì biết là Đức Chúa Trời không chấp nhận, Đa-vít khổ sở thật nhiều đến độ giống như người có xương bị nghiền thật đau đớn. Ông mong mỏi được tha thứ, được bình phục về thiêng liêng và hồi phục lại niềm vui mà ông có lúc trước. Ngày nay một người làm tội biết ăn năn cũng cần sự tha thứ của Đức Giê-hô-va để có lại niềm vui như trước khi người ấy làm một điều nào đó gây tổn thương đến mối liên lạc với Đức Chúa Trời. Việc ban lại “sự vui-vẻ của Đức Thánh-Linh” cho người biết ăn năn cho thấy Đức Giê-hô-va đã tha thứ và yêu thương người ấy (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:6). Điều đó đem lại niềm an ủi biết bao!
19. Đa-vít cảm thấy thế nào nếu Đức Chúa Trời xóa mọi tội lỗi của ông?
19 Đa-vít cầu nguyện thêm: “Xin Chúa ngảnh mặt khỏi các tội-lỗi tôi, và xóa hết thảy sự gian-ác tôi (Thi-thiên 51:9). Chớ nên mong đợi Đức Giê-hô-va chấp nhận tội lỗi. Vì vậy, Đa-vít xin Ngài ngảnh mặt khỏi tội lỗi của ông. Vua cũng nài xin Đức Chúa Trời tẩy sạch mọi tội lỗi của ông, xóa đi mọi sự không công bình của ông. Chỉ mong Đức Giê-hô-va làm thế! Điều này sẽ nâng cao tinh thần của Đa-vít, lương tâm ông không còn bị cắn rứt nữa, và giờ đây vị vua có lòng ăn năn biết rằng ông đã được Đức Chúa Trời yêu thương tha thứ.
Nếu bạn phạm tội thì sao?
20. Một tín đồ đấng Christ phạm tội nghiêm trọng nên làm gì?
20 Thi-thiên 51 cho thấy rằng bất cứ tôi tớ dâng mình nào của Đức Giê-hô-va đã phạm tội nghiêm trọng nhưng biết ăn năn có thể tin cậy xin Ngài ban ân huệ cho họ và tẩy họ sạch khỏi tội lỗi. Nếu bạn là một tín đồ đấng Christ đã phạm tội như thế, tại sao không tìm kiếm sự tha thứ của Cha trên trời qua lời cầu nguyện khiêm nhường? Hãy nhận biết là bạn cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để được Ngài chấp nhận và hỏi xin Ngài ban lại niềm vui lúc trước cho bạn. Người tín đồ đấng Christ biết ăn năn có thể tin cậy đến với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện để xin Ngài như thế, vì “Ngài tha thứ dồi dào” (Ê-sai 55:7; Thi-thiên 103:10-14). Dĩ nhiên, phải mời các trưởng lão hội thánh đến để họ có thể giúp đỡ về phương diện thiêng liêng (Gia-cơ 5:13-15).
21. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
21 Sự thương xót của Đức Giê-hô-va có thể cứu dân Ngài khỏi tuyệt vọng. Nhưng chúng ta hãy xem tiếp Thi-thiên 51 nói về những lời van xin chân thành khác của Đa-vít. Chúng ta sẽ học biết Đức Giê-hô-va không khinh dể tấm lòng đau thương.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Tội trọng có thể gây ảnh hưởng nào cho một tôi tớ Đức Giê-hô-va?
◻ Đa-vít cảm thấy thế nào khi ông cố che giấu tội lỗi?
◻ Tại sao Đa-vít nói ông phạm tội nghịch cùng chỉ một mình Đức Chúa Trời?
◻ Dù Đức Chúa Trời có thể xem xét các hoàn cảnh đáng được châm chước nếu chúng ta phạm tội, chúng ta chớ nên làm gì?
◻ Một tín đồ đấng Christ nên làm gì nếu phạm tội nghiêm trọng?