Đức Giê-hô-va không khinh dể một tấm lòng đau thương
“Của-lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm-thần đau-thương. Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu” (THI-THIÊN 51:17).
1. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va dù phạm tội nghiêm trọng nhưng biết ăn năn thì Ngài xem họ thế nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA có thể ngăn cản người ta đến gần Ngài, như thể ‘ẩn mình trong mây, đến nỗi chẳng lời cầu-nguyện nào thấu qua được’ (Ca-thương 3:44). Nhưng Ngài muốn dân tộc của Ngài có thể đến với Ngài. Cho dù một người thờ phượng Ngài phạm tội nghiêm trọng nhưng ăn năn, Cha trên trời của chúng ta nhớ những điều tốt mà người đó đã làm. Vì vậy sứ đồ Phao-lô có thể nói với các anh em cùng đạo: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài” (Hê-bơ-rơ 6:10).
2, 3. Các trưởng lão tín đồ đấng Christ nên nghĩ đến điều gì khi cư xử với anh em phạm tội?
2 Các trưởng lão tín đồ đấng Christ cũng nên nghĩ đến những năm mà các anh em đồng đức tin đã phụng sự Đức Chúa Trời cách trung thành. Điều này gồm có công việc thánh chức của người đã lỡ bước lầm lỗi hoặc cả đến phạm trọng tội nhưng biết ăn năn. Các người chăn chiên tín đồ đấng Christ muốn giúp tất cả những người trong bầy của Đức Chúa Trời được khỏe mạnh về thiêng liêng (Ga-la-ti 6:1, 2).
3 Người phạm tội biết ăn năn cần đến sự thương xót của Đức Chúa Trời. Nhưng người ấy cần làm những điều khác nữa. Lời của Đa-vít nơi Thi-thiên 51:10-19 cho thấy rõ điều đó.
Cần một tấm lòng thanh sạch
4. Tại sao Đa-vít cầu nguyện để có lòng trong sạch và tâm thần mới?
4 Nếu một tín đồ đấng Christ đã dâng mình ở trong tình trạng thiêng liêng yếu kém vì đã phạm tội, người đó cần gì ngoài lòng thương xót và tha thứ của Đức Giê-hô-va? Đa-vít van xin: “Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng” (Thi-thiên 51:10). Dường như Đa-vít đã hỏi xin điều này bởi vì ông nhận thấy xu hướng phạm tội trọng vẫn còn trong lòng ông. Chúng ta có thể không dính líu đến loại tội lỗi đã cám dỗ Đa-vít về vấn đề Bát-Sê-ba và U-ri, nhưng chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để tránh chiều theo sự cám dỗ đưa đến những hành vi tội lỗi nghiêm trọng. Hơn nữa, riêng cá nhân chúng ta có lẽ cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để loại trừ những tâm tính tội lỗi trong lòng chúng ta như tính tham lam và ghen ghét—những tội giống như trộm cắp và giết người (Cô-lô-se 3:5, 6; I Giăng 3:15).
5. a) Có lòng trong sạch có nghĩa là gì? b) Đa-vít mong muốn điều gì khi ông hỏi xin tâm thần mới?
5 Đức Giê-hô-va đòi hỏi tôi tớ của Ngài có “lòng trong-sạch”, tức là có động lực hoặc ý muốn thanh sạch. Đa-vít nhận biết rằng ông đã không bày tỏ sự thanh sạch như vậy, nên ông cầu nguyện xin Đức Chúa Trời tẩy sạch lòng ông và giúp cho lòng ông hòa hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Người viết thi-thiên cũng muốn có tâm thần hoặc xu hướng mới và ngay thẳng. Ông cần một tâm thần có thể giúp ông chống lại được sự cám dỗ và bền giữ luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va.
Thánh linh cần thiết
6. Tại sao Đa-vít nài xin Đức Giê-hô-va chớ rút thánh linh ra khỏi ông?
6 Khi tuyệt vọng về những lỗi lầm hoặc tội lỗi, chúng ta có thể cảm thấy Đức Chúa Trời sắp loại chúng ta ra và rút thánh linh hoặc sinh hoạt lực khỏi chúng ta. Đa-vít cảm thấy như vậy vì ông van xin Đức Giê-hô-va: “Xin chớ từ-bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, cũng đừng cất khỏi tôi Thánh-Linh Chúa” (Thi-thiên 51:11). Con người khiêm nhường và hối lỗi Đa-vít cảm thấy rằng tội lỗi của ông đã làm ông không xứng đáng phụng sự Đức Giê-hô-va. Bị từ bỏ khỏi trước mặt Đức Chúa Trời có nghĩa là mất đi ân huệ, sự an ủi và ân phước của Ngài. Nếu Đa-vít muốn được phục hồi về thiêng liêng, ông cần thánh linh của Đức Giê-hô-va. Với thánh linh của Đức Chúa Trời ở trên ông, vua có thể cầu nguyện tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời để làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, có thể tránh tội lỗi và có thể cai trị với sự khôn ngoan. Vì biết rằng tội lỗi của ông nghịch lại Đấng ban cho thánh linh, Đa-vít nài xin một cách thích hợp rằng Đức Giê-hô-va đừng rút thánh linh khỏi ông.
7. Tại sao chúng ta nên cầu nguyện để xin thánh linh và đề phòng chống việc làm buồn thánh linh?
7 Còn về phần chúng ta thì sao? Chúng ta nên cầu nguyện để xin thánh linh và phải đề phòng tránh làm buồn thánh linh như khi không theo sự chỉ dẫn của thánh linh (Lu-ca 11:13; Ê-phê-sô 4:30). Nếu không, chúng ta có thể mất thánh linh và không thể bày tỏ trái của thánh linh như lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, đức tin, mềm mại, tự chủ. Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ đặc biệt rút thánh linh khỏi chúng ta nếu chúng ta cứ phạm tội nghịch cùng Ngài mà không ăn năn.
Vui mừng về sự cứu rỗi
8. Nếu chúng ta phạm tội nhưng muốn được vui mừng về sự cứu rỗi, chúng ta cần phải làm gì?
8 Một người phạm tội biết ăn năn mà đã được phục hồi về thiêng liêng có thể có lại sự vui mừng trong việc Đức Giê-hô-va cung cấp sự cứu rỗi. Mong mỏi về điều này, Đa-vít van xin Đức Chúa Trời: “Xin hãy ban lại cho tôi sự vui-vẻ về sự cứu-rỗi của Chúa, dùng thần-linh sẵn lòng mà nâng-đỡ tôi” (Thi-thiên 51:12). Vui mừng về niềm hy vọng chắc chắn được Đức Giê-hô-va cứu rỗi thật là tuyệt diệu biết bao! (Thi-thiên 3:8). Sau khi phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời, Đa-vít mong Đức Chúa Trời ban lại cho ông niềm vui về sự cứu rỗi. Sau này, Đức Giê-hô-va cung cấp sự cứu rỗi qua sự hy sinh làm giá chuộc của Con Ngài là Giê-su Christ. Nếu chúng ta với tư cách là những tôi tớ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời mà phạm tội nghiêm trọng nhưng muốn có lại niềm vui về sự cứu rỗi, chúng ta cần có thái độ ăn năn để tránh phạm tội nghịch cùng thánh linh (Ma-thi-ơ 12:31, 32; Hê-bơ-rơ 6:4-6).
9. Đa-vít yêu cầu điều gì khi ông hỏi xin Đức Chúa Trời nâng đỡ ông bằng “thần-linh sẵn lòng”?
9 Đa-vít hỏi xin Đức Giê-hô-va nâng đỡ ông bằng “thần-linh sẵn lòng”. Dường như đây không nói đến sự sẵn lòng muốn giúp của Đức Chúa Trời hoặc nói về thánh linh của Ngài, nhưng nói về xu hướng tinh thần thúc đẩy của Đa-vít. Đa-vít muốn Đức Chúa Trời nâng đỡ ông bằng cách ban cho ông một tâm thần sẵn lòng để làm điều đúng và không rơi vào tội lỗi lần nữa. Giê-hô-va Đức Chúa Trời tiếp tục nâng đỡ tôi tớ Ngài và nâng những người bị ngã lòng vì nhiều thử thách (Thi-thiên 145:14). Thật là an ủi khi biết được điều này, nhất là nếu chúng ta làm lỗi nhưng biết ăn năn và mong muốn được phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trung thành hơn bao giờ hết!
Dạy những kẻ phạm tội điều gì?
10, 11. a) Đa-vít có thể dạy gì cho người Y-sơ-ra-ên phạm tội? b) Đa-vít có thể dạy những kẻ phạm tội chỉ sau khi ông làm điều gì?
10 Nếu Đức Chúa Trời cho phép, Đa-vít muốn làm điều nào đó một cách không ích kỷ để cho thấy ông biết ơn lòng thương xót của Đức Giê-hô-va và muốn giúp người khác. Qua lời cầu nguyện với cảm nghĩ hướng về Đức Giê-hô-va, vị vua ăn năn này đã nói: “Bấy giờ tôi sẽ dạy đường-lối Chúa cho kẻ vi-phạm, và kẻ có tội sẽ trở về cùng Chúa” (Thi-thiên 51:13). Làm sao mà người có tội Đa-vít có thể dạy những kẻ vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời? Ông có thể nói gì với họ? Và điều đó có thể mang lại lợi ích gì?
11 Khi Đa-vít cho những người Y-sơ-ra-ên phạm tội biết đường lối của Đức Giê-hô-va với hy vọng làm cho họ bỏ con đường gian ác, ông có thể chỉ rõ tội lỗi xấu xa như thế nào, sự ăn năn có nghĩa gì, và làm sao để nhận được sự thương xót của Đức Chúa Trời. Vì cảm thấy buồn phiền khi mất ân huệ của Đức Giê-hô-va và có một lương tâm tội lỗi, Đa-vít chắc chắn là người dạy dỗ biết thương xót cho những người có tội biết ăn năn và có lòng đau thương. Dĩ nhiên, ông có thể dùng gương của ông để dạy người khác chỉ khi nào chính ông đã chấp nhận tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va và được Ngài tha thứ, vì kẻ nào từ chối vâng phục các đòi hỏi của Đức Chúa Trời không có quyền ‘thuật lại các luật-lệ của Đức Chúa Trời’ (Thi-thiên 50:16, 17).
12. Qua sự hiểu biết về việc Đức Chúa Trời giải cứu ông khỏi tội làm đổ huyết, Đa-vít gặt được lợi ích nào?
12 Nhắc lại chủ ý của ông dưới một hình thức khác, Đa-vít nói: “Hỡi Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời về sự cứu-rỗi tôi, xin giải tôi khỏi tội làm đổ huyết, thì lưỡi tôi sẽ hát ngợi-khen sự công-bình của Chúa” (Thi-thiên 51:14). Tội làm đổ huyết đáng bị xử tử (Sáng-thế Ký 9:5, 6). Vì vậy, khi biết rằng Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi đã giải cứu ông khỏi tội làm đổ huyết liên quan đến U-ri, Đa-vít có sự bình an trong lòng và trí. Lưỡi ông có thể ca hát vui mừng về sự công bình của Đức Chúa Trời chứ không phải của riêng ông (Truyền-đạo 7:20; Rô-ma 3:10). Đa-vít không thể nào xóa bỏ tội vô luân hoặc là đem U-ri từ mồ trở lại, cũng như người thời nay không thể đem lại sự trong trắng cho một người mà mình đã dụ dỗ hoặc làm sống lại người mà mình đã giết. Chẳng phải chúng ta nên nghĩ về những điều đó khi chúng ta bị cám dỗ sao? Và chúng ta nên biết ơn biết bao đối với lòng thương xót của Đức Giê-hô-va tỏ ra cho chúng ta trong sự công bình! Thật vậy, lòng biết ơn nên thúc đẩy chúng ta hướng người khác đến Cội nguồn của sự công bình và sự tha thứ.
13. Chỉ riêng trong những trường hợp nào một người có tội mới có thể mở miệng ca ngợi Đức Giê-hô-va?
13 Không người có tội nào có thể mở miệng đúng cách để ca ngợi Đức Giê-hô-va ngoại trừ trường hợp Đức Chúa Trời thương xót mở cho họ để nói những lẽ thật của Ngài. Vì vậy, Đa-vít hát: “Chúa ơi, xin mở môi tôi, rồi miệng tôi sẽ truyền ra sự ngợi-khen Chúa” (Thi-thiên 51:15). Với một lương tâm nhẹ nhõm vì được Đức Chúa Trời tha thứ, Đa-vít được thúc đẩy để dạy những kẻ vi phạm các đường lối của Đức Giê-hô-va và ông có thể tự do ca ngợi Ngài. Tất cả những người đã được tha thứ tội lỗi như là Đa-vít nên quí trọng lòng thương xót nhân từ của Đức Giê-hô-va đối với họ và họ phải lợi dụng mỗi cơ hội để tuyên bố lẽ thật của Đức Chúa Trời và ‘truyền ra sự ngợi-khen Chúa’ (Thi-thiên 43:3).
Của-lễ Đức Chúa Trời chấp nhận
14. a) Giao ước luật pháp đòi hỏi của-lễ hy sinh nào? b) Tại sao nghĩ rằng chúng ta có thể làm vài điều tốt để đền bù cho việc tiếp tục làm tội là sai?
14 Đa-vít có được sự thông hiểu sâu xa khiến ông nói: “Vì Chúa [Giê-hô-va] không ưa-thích của-lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; của-lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa” (Thi-thiên 51:16). Giao ước Luật pháp đòi hỏi phải dâng lên cho Đức Chúa Trời của-lễ hy sinh bằng thú vật. Nhưng tội ngoại tình và giết người của Đa-vít đáng tội chết, không thể nào đền lại bằng những của-lễ như thế. Bằng không, ông đã không ngại tốn kém để dâng của-lễ bằng thú vật cho Đức Giê-hô-va. Nếu không có sự ăn năn từ đáy lòng, các của-lễ đó không có giá trị gì. Vì vậy, nếu nghĩ rằng chúng ta có thể làm vài điều tốt để đền bù cho việc tiếp tục làm tội là sai.
15. Người đã dâng mình có tâm thần đau thương thì có thái độ như thế nào?
15 Đa-vít thêm: “Của-lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm-thần đau-thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu” (Thi-thiên 51:17). Trong trường hợp một người có tội biết ăn năn, của-lễ mà Đức Chúa Trời chấp nhận là “tâm-thần đau-thương”. Một người như thế không có thái độ bướng bỉnh. Một người đã dâng mình có tâm thần đau thương thì buồn rất nhiều về tội lỗi mình và khiêm nhường bởi vì cảm biết không được Đức Chúa Trời chấp nhận, và người ấy sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được lại ân huệ của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể dâng gì đáng kể cho Đức Chúa Trời cho tới khi nào chúng ta ăn năn tội lỗi và dâng trọn lòng của chúng ta để thờ một mình Ngài (Na-hum 1:2).
16. Đức Chúa Trời xem người đau khổ vì tội lỗi mình như thế nào?
16 Đức Chúa Trời không từ bỏ của-lễ như là tấm lòng đau thương thống hối. Vì vậy, bất chấp sự khó khăn nào mà chúng ta gặp phải với tư cách là dân tộc của Ngài, chúng ta cũng đừng nên tuyệt vọng. Nếu chúng ta bị vấp ngã trên đường đời trong cách nào đó làm cho lòng của chúng ta mong mỏi sự thương xót của Đức Chúa Trời thì tình thế không đến nỗi tuyệt vọng đâu. Ngay cả nếu chúng ta phạm trọng tội nhưng biết ăn năn, Đức Giê-hô-va sẽ không khinh bỏ một tấm lòng đau thương. Ngài sẽ tha thứ chúng ta nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của đấng Christ và sẽ ban lại ân huệ của Ngài cho chúng ta (Ê-sai 57:15; Hê-bơ-rơ 4:16; I Giăng 2:1). Tuy nhiên, giống như Đa-vít, chúng ta nên cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban lại ân huệ chứ không phải để tránh sự quở trách hoặc sửa trị cần thiết. Đức Chúa Trời tha thứ Đa-vít, nhưng Ngài cũng đã trừng phạt ông (II Sa-mu-ên 12:11-14).
Quan tâm đến sự thờ phượng thanh sạch
17. Ngoài việc van xin Đức Chúa Trời tha thứ, kẻ phạm tội nên làm gì?
17 Nếu chúng ta phạm một tội nặng, chắc chắn điều này đè nặng tâm trí chúng ta và lòng ăn năn sẽ thúc đẩy chúng ta van xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cầu nguyện cho người khác. Mặc dù Đa-vít trông mong được Đức Chúa Trời chấp nhận cho ông thờ phượng Ngài lần nữa, lời thi-thiên của ông không loại bỏ người khác ra một cách ích kỷ. Ông van xin Đức Giê-hô-va: “Cầu-xin Chúa hãy làm lành cho Si-ôn tùy ý tốt Ngài; hãy xây-cất các vách-tường của Giê-ru-sa-lem” (Thi-thiên 51:18).
18. Tại sao con người ăn năn Đa-vít đã cầu nguyện cho Si-ôn?
18 Đúng vậy, Đa-vít trông mong được Đức Chúa Trời ban lại ân huệ. Tuy nhiên, người viết thi-thiên khiêm nhường cũng cầu nguyện rằng ‘Chúa hãy làm lành cho Si-ôn tùy ý tốt Ngài’, thủ đô của Y-sơ-ra-ên là Giê-ru-sa-lem, nơi mà Đa-vít hy vọng sẽ cất đền thờ cho Đức Chúa Trời. Tội trọng của Đa-vít đã đe dọa đến cả xứ, vì hết thảy dân chúng có thể bị đau khổ vì tội lỗi của vua. (So sánh II Sa-mu-ên, đoạn 24). Thực thế, tội lỗi của ông đã làm yếu đi “các tường của Giê-ru-sa-lem”, vì vậy các tường này cần được xây lại.
19. Nếu chúng ta phạm tội nhưng được tha thứ, chúng ta nên cầu nguyện thích hợp cho điều gì?
19 Nếu chúng ta phạm tội nặng nhưng được Đức Chúa Trời tha thứ, điều thích hợp là cầu nguyện xin Đức Chúa Trời làm sao để sửa chữa mọi thiệt hại mà chúng ta đã làm. Chúng ta có thể đã mang lại sỉ nhục trên danh thánh của Ngài, có lẽ làm yếu đi hội thánh và gây buồn khổ cho gia đình chúng ta. Cha yêu thương trên trời của chúng ta có thể xóa đi mọi sỉ nhục gây cho danh Ngài, có thể xây dựng hội thánh bằng thánh linh Ngài, và có thể an ủi lòng những người thân của chúng ta mà yêu thương và phụng sự Ngài. Dĩ nhiên, dù có dính líu đến tội hay không, chúng ta phải luôn quan tâm đến việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va và lợi ích của dân tộc Ngài (Ma-thi-ơ 6:9).
20. Trong trường hợp nào Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng về của-lễ hy sinh và của-lễ thiêu của Y-sơ-ra-ên?
20 Nếu Đức Giê-hô-va xây lại vách tường của Si-ôn, điều gì khác sẽ xảy ra? Đa-vít hát: “Bấy giờ Chúa sẽ ưa-thích các của-lễ công-bình, của-lễ thiêu, và các con sinh dâng trọn; bấy giờ người ta sẽ dâng bò đực trên bàn-thờ của Chúa” (Thi-thiên 51:19). Đa-vít tha thiết mong mỏi ông và cả nước hưởng được ân huệ của Đức Giê-hô-va để có thể thờ phượng Ngài theo cách Ngài chấp nhận. Rồi Đức Chúa Trời sẽ vui lòng về của-lễ thiêu và các con sinh dâng trọn. Điều này có được bởi vì những người đã dâng mình, thành thật và biết ăn năn đang hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời đã dâng lên những của-lễ công bình. Vì lòng biết ơn đối với sự thương xót của Đức Giê-hô-va, họ sẽ dâng trên bàn thờ của Ngài những con bò đực, tức của-lễ tốt nhất và đắt giá nhất. Ngày nay, chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách đem đến cho Ngài điều tốt nhất mà chúng ta có. Và của-lễ của chúng ta gồm có “lời ngợi-khen ở môi chúng tôi thay vì con bò đực”, của-lễ ngợi khen Đức Chúa Trời Giê-hô-va đầy thương xót của chúng ta (Ô-sê 14:2; Hê-bơ-rơ 13:15).
Đức Giê-hô-va nghe lời kêu than của chúng ta
21, 22. Thi-thiên 51 có những bài học nào đem lợi ích cho chúng ta?
21 Thi-thiên 51 ghi lại lời cầu nguyện tận đáy lòng của Đa-vít cho thấy rằng chúng ta phải có tâm thần thật sự ăn năn về tội lỗi chúng ta. Bài thi-thiên này cũng có những bài học sâu sắc đem lợi ích cho chúng ta. Thí dụ, nếu chúng ta phạm tội nhưng biết ăn năn, chúng ta có thể tin cậy nơi lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta hãy quan tâm trước hết đến bất cứ điều sỉ nhục nào mà chúng ta có thể gây ra cho danh Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 51 câu 1-4). Giống như Đa-vít, chúng ta có thể kêu cầu đến Cha trên trời xin sự thương xót vì tội lỗi di truyền của chúng ta (Thi-thiên 51 câu 5). Chúng ta nên thành thật và cần tìm kiếm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 51 câu 6). Nếu chúng ta phạm tội, chúng ta phải van xin Đức Giê-hô-va để được tẩy sạch, có một lòng thanh sạch và một thần linh ngay thẳng (Thi-thiên 51 câu 7-10).
22 Trong Thi-thiên 51, chúng ta cũng có thể thấy rằng mình chớ bao giờ để cho tội lỗi làm cứng lòng. Nếu chúng ta làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ rút lại thánh linh hoặc sinh hoạt lực khỏi chúng ta. Với thánh linh của Đức Chúa Trời trên chúng ta, chúng ta có thể thành công trong việc dạy dỗ người khác về đường lối của Ngài (Thi-thiên 51 câu 11-13). Nếu chúng ta phạm tội nhưng ăn năn, Đức Giê-hô-va sẽ cho phép chúng ta tiếp tục ca ngợi Ngài vì Ngài không bao giờ khinh dể một tấm lòng đau thương thống hối (Thi-thiên 51 câu 14-17). Bài thi-thiên này cũng cho chúng ta biết thêm rằng chúng ta không nên nghĩ riêng về mình trong lời cầu nguyện mà chúng ta phải cầu nguyện cho ân phước và lợi ích thiêng liêng của tất cả những người thực hành sự thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách thanh sạch (Thi-thiên 51 câu 18, 19).
23. Tại sao Thi-thiên 51 thúc giục chúng ta có can đảm và lạc quan?
23 Bài thi-thiên cảm động này của Đa-vít nên thúc giục chúng ta có can đảm và lạc quan. Bài này giúp chúng ta hiểu không nên nghĩ rằng tình thế là tuyệt vọng nếu chúng ta phạm tội. Tại sao? Bởi vì nếu chúng ta biết ăn năn, sự thương xót của Đức Giê-hô-va có thể cứu chúng ta khỏi bị tuyệt vọng. Nếu chúng ta hối hận và hoàn toàn tin kính Cha yêu thương trên trời, Ngài nghe lời chúng ta kêu than xin được thương xót. Và chúng ta được an ủi biết bao khi biết rằng Đức Giê-hô-va không khinh dể một tấm lòng đau thương!
Bạn trả lời ra sao?
◻ Tại sao tín đồ đấng Christ cần có lòng trong sạch và thánh linh của Đức Chúa Trời?
◻ Một người ăn năn có thể dạy gì cho kẻ vi phạm luật pháp Đức Giê-hô-va?
◻ Đức Giê-hô-va xem người có tấm lòng đau thương thống hối như thế nào?
◻ Thi-thiên 51 có những bài học nào?
[Hình nơi trang 15]
Bạn có cầu nguyện để xin thánh linh và đề phòng chống việc làm buồn thánh linh không?
[Hình nơi trang 17]
Tỏ lòng biết ơn sự yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va bằng cách rao báo lẽ thật của Ngài