Luôn luôn trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va
NHIỀU người ngày nay cảm thấy bị dồn nén bởi gánh nặng. Sự khó khăn về kinh tế, những vấn đề đau buồn trong gia đình, vấn đề sức khỏe, sự đau đớn và khổ sở vì bị áp bức và ngược đãi, và rất nhiều loại tai ách khác nặng như đá đeo vào cổ. Ngoài những áp lực từ bên ngoài, một số người còn cảm thấy bị nặng gánh vì có cảm tưởng rằng mình không có giá trị và đã thất bại vì cớ những nhược điểm của chính bản thân. Nhiều người cảm thấy muốn bỏ cuộc hoàn toàn. Làm sao chúng ta có thể đối phó khi gặp những gánh nặng dường như quá sức chịu đựng của chúng ta?
Có một lần, Vua Đa-vít của Y-sơ-ra-ên cảm thấy áp lực hầu như quá sức chịu đựng. Theo Thi-thiên 55, ông lo âu đến rối trí vì áp lực và sự thù oán đến từ kẻ đối thù. Ông cảm thấy hết sức đau lòng và sợ sệt. Ông chỉ biết than thở rên siết mà thôi (Thi-thiên 55:2, 5, 17). Tuy nhiên, bất kể mọi nỗi đau khổ, ông vẫn tìm được cách để đương đầu. Bằng cách nào? Ông đã dựa vào sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Ông khuyên những ai có thể có cảm xúc như ông: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 55:22).
Ông muốn nói gì qua câu: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va”? Phải chăng chỉ đơn giản đến với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và bày tỏ nỗi lo âu của mình? Hay là chính chúng ta có thể làm gì để cho tình thế bớt căng thẳng? Nếu chúng ta cảm thấy thật không xứng đáng đến với Đức Giê-hô-va thì sao? Chúng ta có thể hiểu được Đa-vít muốn nói gì bằng cách xem qua một số kinh nghiệm vẫn còn sống động trong tâm trí ông khi ông viết những lời này.
Làm mọi điều dựa trên sức mạnh của Đức Giê-hô-va
Bạn có nhớ Gô-li-át đã làm cách nào khiến quân Y-sơ-ra-ên hoảng sợ không? Người khổng lồ cao hơn 2,7m này đã làm họ khiếp vía (I Sa-mu-ên 17:4-11, 24). Nhưng Đa-vít đã không sợ. Tại sao? Bởi vì ông không cố đương đầu với Gô-li-át bằng sức mạnh của chính mình. Từ khi ông được xức dầu để làm vua tương lai của Y-sơ-ra-ên, ông đã để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn ông và tiếp sức ông trong mọi việc (I Sa-mu-ên 16:13). Do đó ông nói với Gô-li-át: “Ta nhơn danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo-binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ-nhục. Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta” (I Sa-mu-ên 17:45, 46). Đa-vít là người dùng trành ném đá thiện nghệ, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng chính thánh linh Đức Giê-hô-va đã xui khiến cho hòn đá mà Đa-vít ném giết hại Gô-li-át (I Sa-mu-ên 17:48-51).
Đa-vít phải đối phó với sự thách thức hết sức to lớn này và cuối cùng ông đã chiến thắng nhờ có lòng tin là Đức Giê-hô-va sẽ ủng hộ và thêm sức cho ông. Ông đã có một mối liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va và tin cậy nơi ngài. Mối liên lạc này chắc chắn được củng cố qua cách Đức Giê-hô-va giải cứu ông trước đó (I Sa-mu-ên 17:34-37). Giống như Đa-vít, bạn có thể có một mối liên lạc cá nhân vững chắc với Đức Giê-hô-va và hoàn toàn tin cậy rằng ngài có khả năng trợ sức và nâng đỡ bạn trong mọi hoàn cảnh và ngài sẵn sàng làm thế (Thi-thiên 34:7, 8).
Làm hết sức mình để giải quyết vấn đề
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ cực kỳ đau khổ, lo lắng, và ngay cả sợ sệt, như Thi-thiên 55 rõ ràng cho thấy. Chẳng hạn, một vài năm sau khi ông can đảm bày tỏ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Đa-vít đã sợ hãi trước kẻ địch. Ông không được lòng vua Sau-lơ nữa và đã phải chạy trốn để thoát thân. Hãy thử tưởng tượng điều này chắc hẳn đã làm Đa-vít xáo động như thế nào, khiến ông thắc mắc thế nào về cách mà ý định của Đức Giê-hô-va sẽ được thực hiện. Xét cho cùng, ông đã được xức dầu làm vua tương lai của dân Y-sơ-ra-ên, vậy mà ông phải sống trốn tránh trong vùng hoang dã và bị lùng bắt như dã thú vậy. Khi ông cố tìm nơi ẩn náu ở thành Gát, quê quán của Gô-li-át, thì ông bị nhận diện. Kết quả là gì? Có lời ghi rằng ông “rất sợ” (I Sa-mu-ên 21:10-12).
Nhưng ông đã không để sự sợ hãi và sự lo lắng sâu xa làm ông không còn trông cậy Đức Giê-hô-va để giúp đỡ ông nữa. Theo Thi-thiên 34 (bài ông viết sau khi trải qua kinh nghiệm này), Đa-vít nói: “Tôi đã tìm-cầu Đức Giê-hô-va, Ngài đáp lại tôi, giải-cứu tôi khỏi các điều sợ-hãi. Kẻ khốn-cùng nầy có kêu-cầu, Đức Giê-hô-va bèn nhậm lời người, giải-cứu người khỏi các điều gian-truân” (Thi-thiên 34:4, 6).
Dĩ nhiên Đức Giê-hô-va đã ủng hộ ông. Tuy nhiên, hãy chú ý rằng Đa-vít không thụ động ngồi chờ cho Đức Giê-hô-va giải cứu mình. Ông nhận biết là trong tình thế đó ông phải cố hết sức mình để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Ông công nhận là Đức Giê-hô-va đã giải cứu ông, nhưng chính ông đã hành động, giả vờ điên để vua xứ Gát không giết ông (I Sa-mu-ên 21:14 đến 22:1). Chúng ta cũng cần phải làm hết sức mình để đối phó với những gánh nặng, thay vì chỉ chờ cho Đức Giê-hô-va giải cứu chúng ta (Gia-cơ 1:5, 6; 2:26).
Không nên đèo thêm gánh nặng
Sau này trong cuộc đời ông, Đa-vít học được một bài học khác, một bài học cay đắng. Bài học đó là gì? Đó là đôi khi chúng ta tự mình đèo thêm gánh nặng. Sau khi chiến thắng quân Phi-li-tin, có chuyện không hay xảy ra cho Đa-vít khi ông quyết định chuyển hòm giao ước đến thành Giê-ru-sa-lem. Lịch sử thuật lại cho chúng ta: “Đoạn, người chổi dậy, có và dân-sự đồng theo, đi từ Ba-lê ở xứ Giu-đa đặng thỉnh hòm của Đức Chúa Trời lên... Chúng để hòm của Đức Chúa Trời trên một cái xe mới,... U-xa và A-hi-giô, con trai A-bi-na-đáp, dẫn cái xe mới đó” (II Sa-mu-ên 6:2, 3).
Việc dùng xe để di chuyển Hòm vi phạm tất cả những chỉ thị mà Đức Giê-hô-va đã ban ra về việc này. Chỉ thị nói rõ rằng những người duy nhất được phép khiêng hòm, tức những người Lê-vi thuộc dòng Kê-hát, phải khiêng hòm trên vai, dùng những cây đòn xỏ vào những khoen đã được đặc biệt vặn chặt vào Hòm (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:13, 14; Dân-số Ký 4:15, 19; 7:7-9). Ai không tuân theo những chỉ thị này sẽ gặp tai ương. Khi đoàn bò kéo xe làm cho xe xuýt bị lật, U-xa, rất có thể là người Lê-vi nhưng chắc chắn không phải là một thầy tế lễ, đã giơ tay ra để giữ Hòm cho vững và ông đã bị Đức Giê-hô-va giết chết vì tội bất kính (II Sa-mu-ên 6:6, 7).
Với tư cách là vua, Đa-vít phải chịu phần nào trách nhiệm về việc này. Phản ứng của ông cho thấy là ngay những người có mối liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va đôi lúc cũng có thể phản ứng sai lầm trước hoàn cảnh khó khăn. Trước hết ông đã giận dữ. Sau đó ông cảm thấy lo sợ (II Sa-mu-ên 6:8, 9). Lòng tin cậy của ông đối với Đức Giê-hô-va bị thử thách nghiêm trọng. Đây là lúc mà Đa-vít có vẻ đã không trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va, lúc mà ông không nghe theo mệnh lệnh ngài. Phải chăng chúng ta đôi khi cũng ở trong trường hợp này? Có bao giờ chúng ta đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va khi gặp những khó khăn vì chúng ta đã lờ đi những chỉ bảo của ngài không? (Châm-ngôn 19:3).
Đối phó với gánh nặng của tội lỗi
Sau này, Đa-vít tự chuốc lấy một gánh rất nặng là mặc cảm tội lỗi vì đã phạm trọng tội đối với tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va. Trong trường hợp này Đa-vít chểnh mảng trách nhiệm chỉ huy binh lính ngoài chiến trường. Ông ở lại Giê-ru-sa-lem khi binh lính đi đánh giặc. Điều này đưa đến một chuyện rắc rối nghiêm trọng (II Sa-mu-ên 11:1).
Vua Đa-vít thấy người đàn bà đẹp là Bát-Sê-ba đang tắm. Ông đã phạm tội vô luân với bà, và bà có thai (II Sa-mu-ên 11:2-5). Để cố gắng che đậy hành vi này, ông đã sắp xếp cho chồng bà tức U-ri, từ chiến trường trở về Giê-ru-sa-lem. Vì Y-sơ-ra-ên còn đang lâm chiến, U-ri từ chối không chăn gối với vợ mình (II Sa-mu-ên 11:6-11). Đến lúc này Đa-vít phải dùng đến mưu kế độc ác và đầy thủ đoạn để che đậy tội lỗi mình. Ông đã sắp xếp cho đồng đội của U-ri đưa U-ri vào chỗ nguy hiểm nơi chiến trường để bị tử trận. Thật là một tội ác ghê tởm và nghiêm trọng! (II Sa-mu-ên 11:12-17).
Dĩ nhiên, cuối cùng Đa-vít phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của ông, và ông đã bị vạch tội (II Sa-mu-ên 12:7-12). Hãy thử tưởng tượng sầu khổ và tội lỗi nặng nề mà Đa-vít hẳn đã cảm thấy như thế nào khi nhận biết tội lỗi mình đã phạm vì cớ nhục tình thật tai hại đến độ nào. Ông đã có thể chìm đắm trong mặc cảm là mình đã thất bại, đặc biệt vì ông có lẽ là một người dễ xúc động và nhạy cảm. Ông đã có thể cảm thấy mình hoàn toàn không ra gì!
Tuy nhiên, Đa-vít đã mau mắn thừa nhận sự sai lầm của mình, ông thú nhận với nhà tiên tri Na-than: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va” (II Sa-mu-ên 12:13). Thi-thiên 51 cho chúng ta biết ông đã cảm thấy thế nào và ông đã nài xin Đức Giê-hô-va rửa sạch ông và tha thứ ông như thế nào. Ông cầu nguyện: “Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian-ác, và làm tôi được thanh-khiết về tội-lỗi tôi. Vì tôi nhận-biết các sự vi-phạm tôi, tội-lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi” (Thi-thiên 51:2, 3). Vì ông thật sự hối cải, ông đã có thể hồi phục mối liên lạc chặt chẽ và mật thiết với Đức Giê-hô-va. Đa-vít đã không day đi day lại với cảm giác hối hận và mặc cảm. Ông đã trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va bằng cách khiêm nhường nhận lỗi, biểu lộ sự ăn năn thành thật, và thiết tha cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ. Ông đã có lại ân huệ của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 51:7-12, 15-19).
Đối phó với sự phản bội
Điều này đưa chúng ta đến chuyện đã khiến Đa-vít viết Thi-thiên 55. Ông đang bị căng thẳng tột độ. Ông viết: “Lòng tôi rất đau-đớn trong mình tôi, sự kinh-khiếp về sự chết đã áp lấy tôi” (Thi-thiên 55:4). Điều gì khiến ông đau đớn đến thế? Áp-sa-lôm, con của Đa-vít, đã bày mưu cướp ngôi vua cha (II Sa-mu-ên 15:1-6). Bị chính con mình phản bội đã đủ khiến ông thấy khó mà chịu đựng được, nhưng điều làm đau buồn hơn nữa là người cố vấn tín cẩn nhất của ông, mang tên A-hi-tô-phe, đã đồng lõa trong mưu đồ chống ông. Chính A-hi-tô-phe là người mà Đa-vít miêu tả nơi Thi-thiên 55:12-14. Vì cuộc âm mưu và sự phản bội này mà Đa-vít phải chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem (II Sa-mu-ên 15:13, 14). Điều này ắt đã khiến ông đau khổ biết bao!
Tuy nhiên, dù bị đau buồn và xúc động sâu xa, ông đã không để cho điều này làm yếu đi lòng tin cậy của ông đối với Đức Giê-hô-va. Ông cầu xin Đức Giê-hô-va làm hỏng kế hoạch của những kẻ âm mưu (II Sa-mu-ên 15:30, 31). Lần nữa, chúng ta thấy rằng Đa-vít không chỉ thụ động chờ cho Đức Giê-hô-va làm mọi việc. Ngay khi có cơ hội, ông làm những gì mình có thể làm để đối phó với âm mưu chống lại ông. Ông phái một cố vấn khác là Hu-sai trở về Giê-ru-sa-lem giả vờ tham gia vào âm mưu, mặc dù thực sự là để phá ngầm âm mưu đó (II Sa-mu-ên 15:32-34). Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, kế hoạch này đã thành công. Hu-sai trì hoãn thời gian đủ để Đa-vít tập trung lại lực lượng và chuẩn bị để chống trả (II Sa-mu-ên 17:14).
Trong suốt cuộc đời, Đa-vít hẳn đã thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã che chở cũng như kiên nhẫn với ông và sẵn sàng tha thứ ông! (Thi-thiên 34:18, 19; 51:17). Chính nhờ kinh nghiệm này mà Đa-vít vững tâm khuyến khích chúng ta đến với Đức Giê-hô-va để được giúp trong lúc bị khốn khổ, và “trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài”. (So sánh I Phi-e-rơ 5:6, 7).
Hãy xây đắp và giữ gìn mối liên lạc chặt chẽ, tín cẩn với Đức Giê-hô-va
Làm sao chúng ta có được một mối liên lạc với Đức Giê-hô-va như Đa-vít đã có, một mối liên lạc đã trợ sức ông trong những lúc gặp nhiều thử thách và hoạn nạn? Chúng ta xây đắp một mối liên lạc như thế bằng cách chăm chỉ học Lời Đức Chúa Trời là Kinh-thánh. Chúng ta để ngài dạy dỗ chúng ta về các luật pháp, nguyên tắc và cá tính của ngài (Thi-thiên 19:7-11). Khi chúng ta càng suy gẫm về Lời Đức Chúa Trời thì chúng ta càng gần gũi ngài hơn và biết hết lòng tin cậy ngài (Thi-thiên 143:1-5). Chúng ta làm cho mối liên lạc này càng sâu đậm và vững mạnh hơn khi kết hợp với các anh em cùng đạo để được Đức Giê-hô-va dạy dỗ thêm (Thi-thiên 122:1-4). Qua việc chân thành cầu nguyện, mối liên lạc của chúng ta với Đức Giê-hô-va được thêm thắm thiết (Thi-thiên 55:1).
Đành rằng, giống như chúng ta, Đa-vít đã buồn chán khi mối liên lạc của ông với Đức Giê-hô-va không được chặt chẽ theo đúng lẽ. Sự áp bức có thể khiến chúng ta “ra ngu” (Truyền-đạo 7:7). Nhưng Đức Giê-hô-va thấy điều gì đang xảy ra, và ngài biết chúng ta nghĩ gì ở trong lòng (Truyền-đạo 4:1; 5:8). Chúng ta phải cần cố gắng hết sức để duy trì mối liên lạc chặt chẽ với Đức Giê-hô-va. Thế thì, bất kể gánh nặng nào mà chúng ta phải mang, chúng ta cũng có thể nhờ vào Đức Giê-hô-va để giảm bớt áp lực hoặc cho chúng ta sức mạnh để đối phó với hoàn cảnh (Phi-líp 4:6, 7, 13). Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục gần gũi với Đức Giê-hô-va. Khi Đa-vít làm thế, ông hoàn toàn được bảo vệ.
Do đó, bất kể hoàn cảnh bạn là gì, Đa-vít nói hãy luôn luôn trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va. Như vậy chúng ta sẽ chứng thật lời hứa: “Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động” (Thi-thiên 55:22).