Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 22-28 THÁNG 8
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | THI-THIÊN 106-109
“Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va”
it-1-E trg 857, 858
Sự biết trước, sự định trước
Có phải Đức Chúa Trời đã định trước cho Giu-đa phản bội Chúa Giê-su để làm ứng nghiệm lời tiên tri?
Đường lối phản bội của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt làm ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Giê-hô-va và cho thấy khả năng biết trước của cả ngài lẫn Con ngài (Thi 41:9; 55:12, 13; 109:8; Cv 1:16-20). Nhưng không thể nói rằng Đức Chúa Trời đã định trước, hoặc sắp đặt trước cho Giu-đa đi theo đường lối như thế. Những lời tiên tri báo trước rằng một người bạn thân của Chúa Giê-su sẽ phản bội ngài, nhưng không nói cụ thể người đó là ai. Hơn nữa, các nguyên tắc Kinh Thánh bác bỏ khả năng Đức Chúa Trời định trước những hành động của Giu-đa. Sứ đồ Phao-lô cho biết tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời: “Đừng vội đặt tay trên bất cứ người nào; cũng đừng đồng lõa với tội lỗi của người khác; hãy giữ mình cho trong sạch” (1Ti 5:22; so sánh 1Ti 3:6). Chúa Giê-su đã dành cả đêm để cầu nguyện với Cha trước khi lựa chọn 12 sứ đồ. Điều này cho thấy ngài muốn có sự lựa chọn khôn ngoan và đúng đắn (Lu 6:12-16). Nếu Giu-đa được Đức Chúa Trời định trước để trở thành kẻ phản bội, thì điều này sẽ không phù hợp với sự chỉ dẫn và hướng dẫn của ngài. Đồng thời theo nguyên tắc trên, điều này sẽ khiến ngài đồng lõa với những tội lỗi mà Giu-đa phạm phải.
Thế nên, dường như vào lúc Giu-đa được chọn làm sứ đồ, trong lòng hắn không có dấu vết rõ ràng của thái độ phản bội. Hắn đã để cho một “mầm mống độc hại trồi lên” và khiến mình ô uế. Điều này dẫn đến việc hắn đi lạc lối và thay vì chấp nhận sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, hắn đã để Sa-tan dẫn dắt vào đường lối trộm cắp và phản bội (Hê 12:14, 15; Gi 13:2; Cv 1:24, 25; Gia 1:14, 15). Khi sự lạc lối ấy lên đến một mức độ nào đó, chính Chúa Giê-su đã đọc được lòng Giu-đa và báo trước về sự phản bội của hắn.—Gi 13:10, 11.
Đúng là trong lời tường thuật nơi Giăng 6:64, vào dịp một số môn đồ đã vấp ngã trước sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, chúng ta đọc được rằng “ngay từ đầu [Hy Lạp, ar·kheʹ], Chúa Giê-su đã biết ai không tin và ai sẽ phản ngài”. Trong khi từ ar·kheʹ được dùng nơi 2 Phi-e-rơ 3:4 nói về lúc tạo ra thế gian, từ này cũng có thể nói về các thời điểm khác (Lu 1:2; Gi 15:27). Chẳng hạn, khi sứ đồ Phi-e-rơ nói về việc thần khí đổ trên người ngoại “như đã đổ trên chúng ta lúc ban đầu”, rõ ràng ông không phải đang nói về lúc ông bắt đầu làm môn đồ hoặc sứ đồ mà nói về một thời điểm quan trọng trong thánh chức của ông, đó là Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, là “lúc ban đầu” của việc thần khí được đổ ra vì một mục đích cụ thể (Cv 11:15; 2:1-4). Do đó, thật thú vị khi để ý đến lời bình luận về Giăng 6:64 của tác giả Lange trong tác phẩm Commentary on the Holy Scriptures (trg 227): “Ngay từ đầu... không có nghĩa là sự khởi đầu của mọi thứ,... hoặc lúc ngài [Chúa Giê-su] bắt đầu quen biết mỗi người,... hoặc lúc ngài bắt đầu chọn các môn đồ đi theo ngài, hay lúc khởi đầu thánh chức của Đấng Mê-si,... nhưng là từ những mầm mống đầu tiên của sự hoài nghi [mà đã khiến một số môn đồ bị vấp ngã]. Thế nên, ngài cũng biết kẻ phản bội ngài ngay từ đầu”.—So sánh 1Gi 3:8, 11, 12.
NGÀY 29 THÁNG 8–NGÀY 4 THÁNG 9
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | THI-THIÊN 110-118
“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va?”
w87-E 15/3 trg 24 đ. 5
Đức Chúa Trời hạnh phúc, dân tộc hạnh phúc!
◆ 116:3—“Dây sự chết” là gì?
Sự chết như thể buộc chặt người viết Thi-thiên bằng những sợi dây thừng vô cùng chắc chắn đến nỗi dường như ông không thể thoát khỏi. Dây thừng buộc chặt chân tay khiến một người bị đau nhói, và trong bản Septuagint tiếng Hy Lạp, từ “dây” trong tiếng Hê-bơ-rơ được dịch là “sự đau nhói”. Khi Chúa Giê-su Ki-tô chết, ngài phải trải qua sự đau nhói của sự chết, tức bị sự chết nắm chặt và làm cho tê liệt. Do đó, khi làm Chúa Giê-su sống lại, Đức Giê-hô-va đã “giải thoát người khỏi sự trói buộc của sự chết”.—Công 2:24.