Phụng sự Đức Giê-hô-va khi những ngày gian nan chưa đến
“Hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”.—TRUYỀN 12:1.
1, 2. (a) Sa-lô-môn được soi dẫn để viết lời khuyên nào cho người trẻ? (b) Tại sao những tín đồ trên 50 tuổi cũng nên chú ý đến lời khuyên của Sa-lô-môn?
Vua Sa-lô-môn được soi dẫn để viết lời khuyên sau cho người trẻ: “Hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi, trước khi những ngày gian-nan chưa đến”. “Những ngày gian-nan” ám chỉ điều gì? Sa-lô-môn đã dùng những từ thi vị để miêu tả tình trạng đầy gian nan của tuổi xế chiều—tay run rẩy, chân không vững, răng rụng, mắt mờ, lãng tai, tóc bạc và lưng còng. Hẳn không ai muốn chờ giai đoạn ấy đến mới bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va!—Đọc Truyền-đạo 12:1-5.
2 Nhiều tín đồ trên 50 tuổi vẫn đầy sức sống. Có lẽ tóc họ đã điểm bạc nhưng rất có thể sức khỏe chưa sa sút như Sa-lô-môn miêu tả. Tín đồ lớn tuổi có thể nhận lợi ích từ lời khuyên trên của Sa-lô-môn dành cho người trẻ không? Lời khuyên “hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa” có nghĩa gì?
3. Tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa bao hàm điều gì?
3 Dù có lẽ đã phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm, nhưng thật tốt nếu chúng ta dành thời gian suy ngẫm về sự vĩ đại của Đấng Tạo Hóa. Chẳng phải sự sống là món quà độc đáo sao? Nó được thiết kế rất phức tạp, con người không thể hiểu hết. Sự cung cấp đến từ Đức Giê-hô-va phong phú đến mức chúng ta có thể vui hưởng cuộc sống theo nhiều cách khác nhau. Khi suy ngẫm về những công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va, chúng ta được nhắc về tình yêu thương, sự khôn ngoan và quyền năng của ngài (Thi 143:5). Tuy nhiên, tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa cũng bao hàm nghĩ về những bổn phận của chúng ta đối với ngài. Suy ngẫm những điều này chắc chắn thôi thúc chúng ta tỏ lòng biết ơn Đấng Tạo Hóa bằng cách dùng hết năng lực khi còn sống để phụng sự ngài.—Truyền 12:13.
NHỮNG CƠ HỘI MÀ CHỈ NGƯỜI LỚN TUỔI MỚI CÓ
4. Những tín đồ lâu năm nên tự hỏi điều gì, và tại sao?
4 Nếu có nhiều năm kinh nghiệm, bạn hãy tự hỏi: “Mình sẽ dùng đời sống như thế nào khi vẫn còn sức lực?”. Là tín đồ lâu năm, bạn có những cơ hội mà người khác không có. Bạn có thể truyền lại cho người trẻ hơn những gì học được từ Đức Giê-hô-va. Bạn có thể củng cố người khác bằng cách kể lại những kinh nghiệm thú vị trong việc phụng sự. Vua Đa-vít đã cầu xin Đức Giê-hô-va cho ông những cơ hội để làm thế. Ông viết: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa đã dạy tôi từ buổi thơ-ấu... dầu khi tôi đã già và tóc bạc rồi, xin chớ bỏ tôi, cho đến chừng tôi đã truyền ra cho dòng-dõi sau sức-lực của Chúa, và quyền-thế Chúa cho mỗi người sẽ đến”.—Thi 71:17, 18.
5. Làm thế nào tín đồ lớn tuổi có thể truyền lại những gì học được cho người khác?
5 Làm sao bạn có thể truyền lại sự khôn ngoan mình tích lũy được trong nhiều năm? Bạn có thể mời những tín đồ ít tuổi hơn đến nhà chơi để khích lệ họ. Bạn cũng có thể mời họ cùng tham gia thánh chức và cho họ thấy niềm vui mà bạn cảm nghiệm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Vào thời xưa, Ê-li-hu nói: “Ai đã sống lâu ngày sẽ nói, số năm cao sẽ dạy sự khôn-ngoan” (Gióp 32:7). Sứ đồ Phao-lô khuyến giục những nữ tín đồ lớn tuổi khích lệ người khác qua lời nói và gương mẫu. Ông viết: ‘Những phụ nữ lớn tuổi hãy dạy dỗ những điều tốt lành’.—Tít 2:3.
DÙNG TIỀM NĂNG CỦA MÌNH ĐỂ GIÚP NGƯỜI KHÁC
6. Tại sao những tín đồ lâu năm không nên đánh giá thấp tiềm năng của mình?
6 Nếu là một tín đồ lâu năm, bạn có nhiều tiềm năng. Hãy nghĩ đến những gì bạn biết hiện nay so với 30 hoặc 40 năm trước. Bạn biết cách áp dụng khéo léo những nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống. Hẳn bạn có kỹ năng dùng sự thật Kinh Thánh để động đến lòng người khác. Nếu là một trưởng lão, bạn biết cách giúp những anh chị bị lạc lối (Ga 6:1). Có lẽ bạn đã học được cách coi sóc các hoạt động của hội thánh, ban hội nghị hoặc dự án xây Phòng Nước Trời. Có thể bạn cũng biết cách khuyến khích các bác sĩ dùng những phương pháp trị liệu không dùng máu. Dù là người mới làm báp-têm, bạn cũng có những kinh nghiệm quý báu trong đời sống. Chẳng hạn, nếu từng nuôi dạy con cái, bạn đã tích lũy được nhiều sự khôn ngoan thực tiễn. Những tín đồ lớn tuổi có thể trở thành nguồn khích lệ lớn cho dân của Đức Giê-hô-va qua việc dạy dỗ, dẫn dắt và củng cố các anh chị.—Đọc Gióp 12:12.
7. Những anh chị lớn tuổi có thể cung cấp sự huấn luyện hữu ích nào cho người trẻ?
7 Làm thế nào bạn có thể sử dụng tiềm năng của mình trọn vẹn hơn? Có lẽ bạn có thể chỉ cho người trẻ biết cách bắt đầu và điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh. Nếu là một chị, bạn có thể giúp những người mẹ trẻ biết cách duy trì các hoạt động thiêng liêng trong khi chăm sóc con nhỏ không? Nếu là một anh, bạn có thể giúp những anh trẻ biết cách trình bày bài giảng với lòng nhiệt tình và trở thành người truyền giáo hữu hiệu hơn không? Bạn có thể chỉ cho họ cách viếng thăm những anh chị cao niên để khích lệ họ về thiêng liêng không? Ngay cả khi không còn sức lực như trước, bạn cũng có nhiều cơ hội để huấn luyện người trẻ. Lời Đức Chúa Trời nói: “Sức-lực của gã trai-trẻ là vinh-hiển của người; còn tóc bạc là sự tôn-trọng của ông già”.—Châm 20:29.
PHỤNG SỰ Ở NƠI CÓ NHU CẦU LỚN HƠN
8. Sứ đồ Phao-lô đã làm gì ngay cả khi nhiều tuổi?
8 Ngay cả khi nhiều tuổi, sứ đồ Phao-lô tiếp tục dùng hết tiềm năng của mình. Cho đến khi được ra tù ở Rô-ma vào khoảng năm 61 CN, Phao-lô đã làm công việc truyền giáo trong nhiều năm và trải qua bao gian khổ. Ông có thể chọn định cư luôn ở Rô-ma để rao giảng, và như thế thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn (2 Cô 11:23-27). Hẳn những anh chị ở thành phố lớn đó sẽ rất quý trọng sự hỗ trợ của ông. Nhưng Phao-lô nhận thấy những nơi khác có nhu cầu lớn hơn. Cùng với Ti-mô-thê và Tít, ông tiếp tục công việc truyền giáo, đi đến Ê-phê-sô, Cơ-rết, có lẽ cũng tới Ma-xê-đô-ni-a (1 Ti 1:3; Tít 1:5). Chúng ta không biết ông có thăm Tây Ban Nha hay không, nhưng ông đã dự định tới đó.—Rô 15:24, 28.
9. Có lẽ Phi-e-rơ bao nhiêu tuổi khi chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn? (Xem hình nơi đầu bài).
9 Sứ đồ Phi-e-rơ chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn, có lẽ khi ông hơn 50 tuổi. Làm sao chúng ta biết điều đó? Nếu Phi-e-rơ xấp xỉ tuổi Chúa Giê-su hoặc lớn hơn một chút thì có lẽ ông khoảng 50 tuổi khi gặp các sứ đồ khác ở thành Giê-ru-sa-lem vào năm 49 CN (Công 15:7). Một thời gian sau buổi họp đó, Phi-e-rơ chuyển đến sống ở Ba-by-lôn, hẳn là vì muốn rao giảng cho cộng đồng người Do Thái đang sống ở đấy (Ga 2:9). Trong thời gian cư trú ở đó, ông được soi dẫn để viết lá thư thứ nhất vào khoảng năm 62 CN (1 Phi 5:13). Chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn có thể là một thách đố, nhưng Phi-e-rơ đã không để tuổi tác cướp đi cơ hội cảm nghiệm niềm vui đến từ việc phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trọn vẹn.
10, 11. Hãy kể kinh nghiệm của một cặp vợ chồng nhiều tuổi đã chuyển đến phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn.
10 Ngày nay, nhiều tín đồ trên 50 tuổi nhận thấy hoàn cảnh của họ đã thay đổi và họ có thể phụng sự Đức Giê-hô-va theo cách mới. Một số anh chị đã chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn, chẳng hạn như vợ chồng anh Robert. Khi hai anh chị khoảng 55 tuổi, họ nhận ra là có nhiều cơ hội mới đang đợi mình phía trước. Anh Robert giải thích: “Con trai duy nhất của chúng tôi đã chuyển ra ngoài sống, chúng tôi không còn cha mẹ để chăm sóc, và cũng nhận được một khoản thừa kế nhỏ. Tôi tính rằng nếu bán nhà, chúng tôi có thể thanh toán hết khoản tiền trả góp mua nhà và trang trải các chi phí cho đến khi nhận lương hưu. Chúng tôi nghe nói nhiều người ở Bolivia chấp nhận học Kinh Thánh, mà giá sinh hoạt ở đấy lại thấp. Vì thế, chúng tôi quyết định chuyển đến đó. Thích nghi với nơi ở mới không hề dễ dàng. Mọi thứ đều rất khác so với cuộc sống ở Bắc Mỹ. Nhưng những nỗ lực của chúng tôi đã được ban thưởng dồi dào”.
11 Anh Robert nói thêm: “Bây giờ, cuộc sống của chúng tôi xoay quanh các sinh hoạt trong hội thánh. Một số người học Kinh Thánh với chúng tôi đã làm báp-têm. Chúng tôi hướng dẫn một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sống ở một ngôi làng cách hội thánh vài dặm. Dù điều kiện đi lại khó khăn nhưng tuần nào gia đình ấy cũng tham dự nhóm họp. Chúng tôi vô cùng vui mừng khi chứng kiến sự tiến bộ của gia đình ấy và con trai cả trong gia đình họ đã bắt đầu làm tiên phong”.
NHU CẦU TRONG CÁNH ĐỒNG NGOẠI NGỮ
12, 13. Hãy kể lại kinh nghiệm của một tín đồ bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va theo cách mới sau khi về hưu.
12 Những hội thánh và nhóm nói ngoại ngữ có thể nhận được nhiều lợi ích từ gương của các anh chị lớn tuổi. Ngoài ra, những khu vực như thế cũng rất thú vị để làm thánh chức. Chẳng hạn, anh Brian ở Anh Quốc nói rằng sau khi anh về hưu ở tuổi 65, vợ chồng anh cảm thấy đời sống nhàn rỗi. Anh kể: “Con cái của chúng tôi đã ra ngoài ở. Còn chúng tôi thì hiếm khi tìm được người chú ý để học hỏi Kinh Thánh. Sau đó, tôi gặp một bạn trẻ người Trung Quốc đang nghiên cứu tại trường đại học địa phương. Cậu ấy nhận lời mời tham dự buổi nhóm họp, và tôi bắt đầu học hỏi với cậu ấy. Vài tuần sau, cậu ấy dẫn theo một bạn đồng hương cùng nghiên cứu tại trường đó. Sau đó hai tuần, cậu ấy rủ thêm người thứ ba, rồi người thứ tư”.
13 Anh nói tiếp: “Hình như vào lúc người Trung Quốc thứ năm xin học Kinh Thánh, tôi nghĩ: ‘Dù 65 tuổi nhưng không có nghĩa là tôi về hưu trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va’. Thế nên, tôi đã hỏi vợ (người nhỏ hơn tôi hai tuổi) xem cô ấy có muốn học tiếng Hoa hay không. Chúng tôi đã học tiếng này qua chương trình được thu âm sẵn. Đó là thời điểm mười năm về trước. Rao giảng ở cánh đồng ngoại ngữ làm chúng tôi cảm thấy trẻ lại. Đến nay, chúng tôi đã giúp 112 người Trung Quốc học Kinh Thánh! Đa số họ đã tham dự nhóm họp. Một người trong số đó đang làm tiên phong và cùng chúng tôi vai sánh vai phụng sự”.
HÃY VUI MỪNG LÀM NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ
14. Các tín đồ lớn tuổi cần nhớ điều gì, và gương của sứ đồ Phao-lô khích lệ họ ra sao?
14 Dù nhiều tín đồ ở độ tuổi từ 50 đến 60 có những cơ hội tốt để phụng sự Đức Giê-hô-va theo cách mới, nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Một số anh chị có sức khỏe kém, còn số khác phải trông nom cha mẹ già hoặc con cái. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va quý trọng bất cứ điều gì bạn có thể làm trong việc phụng sự ngài. Do đó, thay vì nản lòng bởi những điều không thể làm, bạn hãy vui mừng làm những điều có thể. Hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô. Trong nhiều năm, ông bị quản thúc nghiêm ngặt và không thể tiếp tục các hành trình truyền giáo. Nhưng mỗi khi có người đến thăm, ông đều nói về Kinh Thánh và củng cố đức tin của họ.—Công 28:16, 30, 31.
15. Tại sao những tín đồ cao niên rất có giá trị?
15 Đức Giê-hô-va cũng quý trọng những điều mà các anh chị cao niên có thể làm trong việc phụng sự ngài. Dù Sa-lô-môn công nhận rằng những ngày đầy gian nan của tuổi xế chiều không phải là thời điểm lý tưởng nhất trong đời, nhưng Đức Giê-hô-va quý trọng những gì các anh chị cao niên làm để ngợi khen ngài (Lu 21:2-4). Hội thánh rất trân trọng gương trung thành của những tín đồ lâu năm.
16. Rất có thể bà An-na không có cơ hội hưởng một số đặc ân nào, nhưng bà vẫn có thể làm gì để thờ phượng Đức Chúa Trời?
16 Kinh Thánh đề cập đến một góa phụ cao tuổi tên là An-na. Bà trung thành ngợi khen Đức Giê-hô-va cho đến khi về già. Lúc bà 84 tuổi thì Chúa Giê-su chào đời. Rất có thể, bà không sống thọ để trở thành môn đồ của Chúa Giê-su, được xức dầu bằng thần khí hoặc tham gia rao truyền tin mừng về Nước Trời. Tuy nhiên, bà An-na vui thích làm những điều có thể. Kinh Thánh nói: “Bà không bao giờ vắng mặt trong đền thờ, ngày đêm thờ phượng” (Lu 2:36, 37). Vào mỗi buổi sáng và tối, khi thầy tế lễ dâng hương trong đền thờ thì bà An-na cùng đoàn dân tụ họp ở sân để cầu nguyện thầm, có lẽ trong nửa tiếng. Khi nhìn thấy em bé Giê-su, bà bắt đầu “nói về con trẻ cho tất cả những người đang trông đợi sự giải cứu thành Giê-ru-sa-lem”.—Lu 2:38.
17. Hội thánh có thể làm gì để giúp những anh chị cao tuổi hoặc bị bệnh tham gia sự thờ phượng thật?
17 Ngày nay, chúng ta nên chú ý đến các tín đồ cao tuổi hoặc bị bệnh và chủ động giúp họ. Một số anh chị rất muốn tham dự nhóm họp và hội nghị nhưng không thể làm được. Tại một số nơi, hội thánh có sắp đặt yêu thương cho những anh chị ở trong hoàn cảnh như thế, đó là nghe chương trình nhóm họp qua điện thoại. Ở những nơi khác thì có lẽ không khả thi. Dù vậy, những tín đồ không thể tham dự nhóm họp vẫn có thể ủng hộ sự thờ phượng thật. Chẳng hạn, những lời cầu nguyện của họ sẽ góp phần vào sự phát triển của hội thánh.—Đọc Thi-thiên 92:13, 14.
18, 19. (a) Gương của những tín đồ cao niên có thể khích lệ người khác như thế nào? (b) Ai có thể áp dụng lời khuyên: “Hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”?
18 Những tín đồ cao niên có lẽ không nhận thấy họ là nguồn khích lệ lớn cho người khác. Chẳng hạn, dù đã trung thành phụng sự trong nhiều năm tại đền thờ, nhưng có lẽ bà An-na không biết rằng nhiều thế kỷ sau, gương của bà vẫn mang lại sự khích lệ. Tình yêu thương của bà dành cho Đức Giê-hô-va được ghi lại trong Kinh Thánh. Chắc chắn, tình yêu thương của bạn dành cho Đức Chúa Trời cũng được khắc ghi vào lòng anh em đồng đạo. Lời Đức Chúa Trời nói: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình”.—Châm 16:31.
19 Trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, mỗi chúng ta đều có những giới hạn nhất định. Dù vậy, hãy quyết tâm dùng hết sức lực hiện có để ‘tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa, khi những ngày gian-nan chưa đến’.—Truyền 12:1.