Hãy đến gần Đức Chúa Trời
Đức Chúa Trời có cảm xúc không?
Nếu trả lời có, thì một câu hỏi khác được nêu lên: “Hạnh kiểm của chúng ta có ảnh hưởng đến cảm xúc của Đức Chúa Trời không?”. Có thể nào hành động của chúng ta sẽ làm cho Ngài vui hay đau lòng? Một số triết gia thời xưa nói là không. Họ khẳng định rằng chẳng ai có thể tác động đến Đức Chúa Trời, vì vậy chắc hẳn Ngài vô cảm. Nhưng Kinh Thánh thì nói ngược lại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời rất nhân hậu và quan tâm sâu xa đến những gì chúng ta làm. Hãy xem xét những lời ghi nơi Thi-thiên 78:40, 41.
Bài Thi-thiên 78 kể lại cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Y-sơ-ra-ên thời xưa. Sau khi giải cứu dân tộc này khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, Đức Giê-hô-va muốn có mối quan hệ đặc biệt với họ. Đức Giê-hô-va hứa rằng nếu luôn vâng theo luật pháp của Ngài thì họ sẽ ‘thuộc riêng về Ngài’. Đức Chúa Trời cũng sẽ dùng họ theo cách đặc biệt để thực hiện ý định của Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên đã đồng ý và giao ước Luật pháp đã được thành lập. Vậy họ có sống theo giao ước ấy không?—Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3-8.
Khi sống theo đường lối làm vui lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta đang dâng cho Ngài điều quý giá nhất
Người viết sách Thi-thiên nói: “Biết mấy lần chúng nó phản-nghịch cùng Ngài nơi đồng vắng” (câu 40). Câu sau nói tiếp: “Chúng nó lại thử Đức Chúa Trời” (câu 41). Hãy lưu ý rằng ông cho thấy sự phản nghịch cứ lặp đi lặp lại. Thái độ bất kính này diễn ra trong đồng vắng, không lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải cứu khỏi Ai Cập. Dân sự bắt đầu lằm bằm Đức Chúa Trời, nghi ngờ việc Ngài có khả năng và sẵn lòng chăm sóc họ (Dân-số Ký 14:1-4). Một cẩm nang cho người dịch Kinh Thánh viết cụm từ “chúng nó phản-nghịch cùng Ngài” có lẽ “nói theo cách khác là ‘lòng họ nghịch cùng Đức Chúa Trời’ hoặc ‘họ nói “không” với Đức Chúa Trời’ ”. Tuy nhiên, với lòng thương xót, Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho dân Ngài khi họ biểu lộ lòng ăn năn. Rồi sau đó họ đã phản nghịch lần nữa và cứ tiếp tục theo con đường ấy.—Thi-thiên 78:10-19, 38.
Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào mỗi khi dân Ngài phản nghịch? Họ “làm phiền Ngài” (Câu 40). Bản Diễn Ý dịch là họ “làm buồn lòng Ngài”. Một tài liệu tham khảo giải thích: “Cụm từ này có nghĩa là hành động của người Do Thái khiến Ngài đau lòng, như hành động của một đứa con ngang bướng và bất trị”. Như đứa con ngỗ nghịch khiến cha mẹ đau lòng, cũng thế sự phản nghịch của dân Y-sơ-ra-ên đã “làm phiền lòng Đấng Thánh” của họ.—Câu 41, Trịnh Văn Căn.
Chúng ta học được gì qua bài Thi-thiên này? Thật yên lòng khi biết rằng Đức Giê-hô-va gắn bó mật thiết với những người thờ phượng Ngài và không dễ dàng từ bỏ họ. Đồng thời, chúng ta cần nhớ rằng Đức Giê-hô-va có cảm xúc, và hạnh kiểm của chúng ta có thể ảnh hưởng đến Ngài. Việc biết được điều này tác động đến bạn thế nào? Bạn có được thôi thúc để làm điều đúng không?
Thay vì đi theo con đường tội lỗi và làm Đức Giê-hô-va đau lòng, chúng ta có thể chọn con đường ngay thẳng và làm Ngài vui lòng. Đây chính là điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi những người thờ phượng Ngài. Đức Chúa Trời nói: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha” (Châm-ngôn 27:11). Khi sống theo đường lối làm vui lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta đang dâng cho Ngài điều quý giá nhất.