Trung thành ủng hộ Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời
“Chúng tôi từ-bỏ mọi đều hổ-thẹn giấu-kín. Chúng tôi chẳng theo sự dối-gạt, và chẳng giả-mạo lời Đức Chúa Trời” (II CÔ-RINH-TÔ 4:2).
1. a) Để thực hiện công việc được nói đến ở Ma-thi-ơ 24:14 và 28:19, 20, cần phải có điều gì? b) Khi những ngày sau rốt bắt đầu, thì Kinh-thánh được phổ biến trong các thứ tiếng đến mức nào?
TRONG lời tiên tri vĩ đại về thời kỳ ngài hiện diện trong vương quyền và sự kết liễu của hệ thống cũ này, Chúa Giê-su Christ báo trước: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. Ngài cũng ra chỉ thị cho các môn đồ: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân... dạy họ giữ hết cả mọi đều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Sự ứng nghiệm của những lời tiên tri đó bao gồm công việc đòi hỏi nhiều công phu là dịch và in Kinh-thánh, dạy người ta về Kinh-thánh, và giúp họ áp dụng Kinh-thánh trong đời sống. Thật là một đặc ân được tham gia vào công việc ấy! Tới năm 1914 thì Kinh-thánh hoặc một phần của Kinh-thánh đã được xuất bản trong 570 thứ tiếng. Nhưng kể từ năm đó, Kinh-thánh đã được xuất bản trong hàng trăm ngôn ngữ và thổ ngữ khác, và trong nhiều thứ tiếng có nhiều bản dịch Kinh-thánh khác nhau.a
2. Những động lực khác nhau nào đã ảnh hưởng đến công việc của các dịch giả và nhà xuất bản Kinh-thánh?
2 Dịch tài liệu từ một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác sao cho những người đọc và người nghe hiểu được là một thử thách cho bất cứ dịch giả nào. Một số dịch giả Kinh-thánh thực hiện công việc này với ý thức sâu sắc rằng tài liệu họ đang dịch là Lời của Đức Chúa Trời. Những người khác thì say mê vì sự thách đố của một công trình học thuật. Họ có thể xem nội dung của Kinh-thánh chỉ là một di sản văn hóa quí báu. Đối với một số khác, thì tôn giáo là nghề nghiệp, và xuất bản một cuốn sách mang tên họ là dịch giả hoặc nhà xuất bản chẳng qua là một phương kế sinh nhai. Rõ ràng động lực của họ ảnh hưởng đến cách họ thực hiện công việc.
3. Ủy Ban Dịch Thuật Kinh-thánh Thế Giới Mới xem công việc của họ như thế nào?
3 Điều đáng chú ý là Ủy Ban Dịch Thuật Kinh-thánh Thế Giới Mới phát biểu như sau: “Việc dịch Kinh-thánh có nghĩa là dịch các ý tưởng và lời của Giê-hô-va Đức Chúa Trời sang một ngôn ngữ khác... Đó thật là một ý nghĩ khiến ta phải nghiêm chỉnh. Những người làm công việc phiên dịch này là những người kính sợ và yêu mến Tác Giả của Kinh-thánh là Đức Chúa Trời, họ cảm thấy có một trách nhiệm đặc biệt đối với Ngài là truyền các ý tưởng và lời tuyên bố của ngài càng chính xác càng tốt. Họ cũng cảm thấy có trách nhiệm đối với những độc giả đi tìm sự thật là những người tin vào bản dịch của Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời Tối Cao để được sự cứu rỗi đời đời. Chính vì ý thức về trọng trách như thế mà trong suốt nhiều năm qua, ủy ban này gồm những người tận tụy đã phát hành Bản Dịch Kinh-thánh Thế Giới Mới”. Mục tiêu của ủy ban này là có một bản dịch Kinh-thánh rõ ràng và dễ hiểu và theo sát tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp nguyên thủy để tạo nên một nền tảng giúp độc giả tiếp tục tăng tiến sự hiểu biết chính xác.
Điều gì đã xảy ra cho danh của Đức Chúa Trời?
4. Danh của Đức Chúa Trời có tầm quan trọng nào trong Kinh-thánh?
4 Một trong những mục đích chính của Kinh-thánh là giúp người ta biết về Đức Chúa Trời thật (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2-7; 34:1-7; Ê-sai 52:6). Chúa Giê-su Christ dạy các môn đồ ngài cầu nguyện cho danh của Cha ngài “được thánh”, được tôn trọng, tức phải được xem là thánh (Ma-thi-ơ 6:9). Đức Chúa Trời đã cho ghi danh riêng của ngài vào Kinh-thánh hơn 7.000 lần. Ngài muốn người ta biết đến danh đó và những đức tính của Đấng mang danh ấy (Ma-la-chi 1:11).
5. Một số các dịch giả đã trình bày danh của Đức Chúa Trời như thế nào?
5 Nhiều dịch giả Kinh-thánh đã tỏ ra chân thành kính trọng danh của Đức Chúa Trời và nhất quán dùng danh ấy trong bản dịch của họ. Một số dịch giả thích dùng danh Yavê. Những người khác thì chọn một dạng khác của danh Đức Chúa Trời hợp với ngôn ngữ của họ tuy dạng ấy vẫn rất giống danh được dùng trong bản Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ, rất có thể danh này là một dạng thông dụng vì dùng lâu cho nên được nhiều người biết đến. Bản Kinh-thánh Thế Giới Mới dùng danh Giê-hô-va 7.210 lần.
6. a) Trong những năm gần đây, các dịch giả đã làm gì đối với các điều nhắc đến danh của Đức Chúa Trời? b) Thực hành này phổ biến tới mức nào?
6 Trong những năm gần đây, mặc dù các dịch giả Kinh-thánh vẫn giữ lại những danh các thần ngoại giáo như Ba-anh và Mô-lóc, nhưng càng ngày họ càng có khuynh hướng loại bỏ danh riêng của Đức Chúa Trời thật ra khỏi các bản dịch Lời được ngài soi dẫn (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15; Giê-rê-mi 32:35). Trong những câu Kinh-thánh như ở Ma-thi-ơ 6:9 và Giăng 17:6, 26, một bản dịch được phổ biến rộng rãi trong tiếng An-ba-ni, dịch từ ngữ Hy Lạp “danh của ngài” (tức là danh của Đức Chúa Trời) một cách đơn giản là “ngài”, như thể những câu Kinh-thánh này không đề cập một danh nào cả. Ở Thi-thiên 83:18, Bản diễn Ý và ở Thi-thiên 83:19, Bản dịch Trần Đức Huân loại bỏ cả danh riêng của Đức Chúa Trời lẫn bất cứ điều gì ám chỉ sự kiện là Đức Chúa Trời có một danh. Mặc dù danh của Đức Chúa Trời xuất hiện trong những bản dịch cũ của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ trong đa số các thứ tiếng, nhưng những bản dịch mới hơn thường loại bỏ hẳn hoặc đưa danh ấy xuống phần ghi chú ngoài lề. Trường hợp này đã xảy ra trong tiếng Việt Nam, cũng như trong nhiều thứ tiếng ở Âu Châu, Phi Châu, Nam Mỹ, Ấn Độ, và những hòn đảo ở Thái Bình Dương.
7. a) Các dịch giả của một số bản Kinh-thánh tiếng Phi Châu làm gì với danh của Đức Chúa Trời? b) Bạn nghĩ thế nào về điều đó?
7 Những người dịch Kinh-thánh sang một số ngôn ngữ Phi Châu còn đi xa hơn nữa. Thay vì chỉ thay thế tên của Đức Chúa Trời bằng một tước hiệu trong Kinh-thánh, chẳng hạn như Đức Chúa Trời hoặc Chúa, thì họ lại dùng những tên lấy từ những tín ngưỡng địa phương. Trong cuốn The New Testament and Psalms in Zulu (bản dịch năm 1986), danh hiệu Đức Chúa Trời (uNkulunkulu) được dùng lẫn lộn với một danh riêng (uMvelinqangi) mà người Zulu hiểu là chỉ về ‘tổ tiên lớn mà người ta thờ cúng’. Một bài báo trong tạp chí The Bible Translator (Dịch giả Kinh-thánh), số tháng 10, năm 1992, tường thuật rằng khi dịch Kinh-thánh sang tiếng Chichewa (bản dịch này sẽ được gọi là Buku Loyera), thì các dịch giả đã dùng chữ Chauta làm một danh riêng để thay thế danh Giê-hô-va. Bài báo giải thích rằng Chauta là “Đức Chúa Trời mà họ vẫn hằng biết đến và thờ phượng”. Tuy nhiên, nhiều người này cũng thờ cái mà họ nghĩ là vong linh của người chết. Có đúng là nếu người ta cầu xin “Thượng Đế”, thì bất kỳ danh nào họ dùng để gọi “Thượng Đế” đều có giá trị tương đương với danh Giê-hô-va, dù rằng sự thờ phượng của họ có thể bao gồm những điều khác nữa? Chắc chắn không! (Ê-sai 42:8; I Cô-rinh-tô 10:20). Việc thay thế danh riêng của Đức Chúa Trời bằng một danh nào đó để làm cho người ta cảm thấy rằng các tín ngưỡng cổ truyền của họ là đúng, sẽ không giúp họ đến gần Đức Chúa Trời thật.
8. Tại sao ý định của Đức Chúa Trời để truyền bá danh ngài đã không bị phá hỏng?
8 Tất cả những điều này đã không thay đổi hoặc phá hỏng ý định của Đức Giê-hô-va là cho người ta biết đến danh ngài. Trong các thứ tiếng của Âu Châu, Phi Châu, Châu Mỹ, Á Đông, và các hải đảo, vẫn có nhiều Kinh-thánh có tên của Đức Chúa Trời được lưu hành. Có hơn 5.400.000 Nhân-chứng Giê-hô-va trong 233 nước và lãnh thổ, tính chung họ dành ra hơn một tỷ giờ mỗi năm để nói với người khác về danh và ý định của Đức Chúa Trời thật. Họ in và phổ biến Kinh-thánh—những bản dùng danh của Đức Chúa Trời—trong các thứ tiếng mà khoảng 3.600.000.000 dân cư trên đất sử dụng, kể cả tiếng Anh, Trung Hoa, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, và Hà Lan. Họ cũng in sách báo giúp học Kinh-thánh trong các thứ tiếng đại đa số dân cư trên đất biết. Chẳng bao lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ hành động quyết liệt để làm ứng nghiệm lời tuyên bố của ngài là các nước “sẽ biết rằng [chính ngài] là Đức Giê-hô-va” (Ê-xê-chi-ên 38:23).
Khi tín ngưỡng riêng ảnh hưởng cách dịch
9. Kinh-thánh cho thấy những người dịch và dạy Kinh-thánh gánh trọng trách nào?
9 Những người dịch cũng như những người dạy Lời Đức Chúa Trời gánh một trọng trách. Sứ đồ Phao-lô nói về thánh chức của ông và của những cộng sự viên: “Chúng tôi từ-bỏ mọi đều hổ-thẹn giấu-kín. Chúng tôi chẳng theo sự dối-gạt, và chẳng giả-mạo [pha trộn, NW] lời Đức Chúa Trời, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi tỏ-bày lẽ-thật, khiến lương-tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng” (II Cô-rinh-tô 4:2). Pha trộn có nghĩa làm hư hỏng bằng cách pha lẫn một chất lạ hoặc kém phẩm chất vào. Sứ đồ Phao-lô không giống những kẻ chăn chiên bất trung ở Y-sơ-ra-ên vào thời Giê-rê-mi, họ đã bị Đức Giê-hô-va khiển trách vì rao giảng những ý tưởng riêng của họ thay vì rao giảng những gì Đức Chúa Trời nói (Giê-rê-mi 23:16, 22). Nhưng còn thời nay thì sao?
10. a) Những động lực nào không phải vì lòng trung thành đối với Đức Chúa Trời đã ảnh hưởng một số dịch giả vào thời nay? b) Họ đã tự cho mình vai trò nào một cách không đúng đắn?
10 Trong Thế Chiến II, một ủy ban gồm các nhà thần học và mục sư hợp tác với chính phủ Đức Quốc Xã để phát hành một cuốn “Tân Ước” có sửa chữa, trong đó họ loại bỏ tất cả những lời nói tốt về người Do Thái và tất cả những câu nào cho thấy dòng dõi tổ tiên của Chúa Giê-su Christ là người Do Thái. Gần đây hơn, các dịch giả của bản The New Testament and Psalms: An Inclusive Version thiên về hướng khác; họ tìm cách loại bỏ tất cả những câu nào cho thấy dân Do Thái chịu trách nhiệm liên quan đến cái chết của đấng Christ. Các dịch giả đó cũng nghĩ rằng những độc giả chủ trương nam nữ bình quyền sẽ hài lòng hơn nếu gọi Đức Chúa Trời là Cha-Mẹ thay vì Cha và nếu gọi Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời thay vì Con Trai của ngài (Ma-thi-ơ 11:27). Đồng thời, họ loại ra nguyên tắc vợ vâng phục chồng và con cái vâng lời cha mẹ (Cô-lô-se 3:18, 20). Những nhà sản xuất các bản dịch này rõ ràng đã không đồng lòng quyết tâm với sứ đồ Phao-lô là không “[pha trộn, NW] lời Đức Chúa Trời”. Họ đã quên đi vai trò của người dịch, chiếm lấy địa vị của tác giả, sản xuất ra các sách lợi dụng danh tiếng của Kinh-thánh như là phương tiện phổ biến các ý kiến riêng của mình.
11. Những sự dạy dỗ của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ mâu thuẫn thế nào với những gì Kinh-thánh nói về linh hồn và sự chết?
11 Các giáo phái tự xưng theo đấng Christ thường dạy rằng linh hồn con người là thể thần linh, rời thể xác sau khi chết, và linh hồn bất tử. Ngược lại, các bản dịch Kinh-thánh cũ trong đa số các thứ tiếng rõ ràng nói rằng con người là linh hồn, thú vật là linh hồn, và linh hồn chết (Sáng-thế Ký 12:5; 36:6; Dân-số Ký 31:28; Gia-cơ 5:20). Điều đó làm giới giáo phẩm bối rối.
12. Bằng cách nào một số bản Kinh-thánh gần đây làm người ta khó hiểu ra các lẽ thật căn bản trong Kinh-thánh?
12 Giờ đây một số bản dịch mới hơn làm người ta khó hiểu ra những lẽ thật này. Bằng cách nào? Các bản này chỉ tránh dịch thẳng danh từ Hê-bơ-rơ neʹphesh (linh hồn) trong một số câu Kinh-thánh. Ở Sáng-thế Ký 2:7, các bản dịch này có thể nói rằng người đàn ông đầu tiên “bắt đầu sống” (thay vì “trở nên một linh hồn sống”, NW). Hoặc các bản ấy có lẽ dùng “tạo vật” thay vì “linh hồn” để nói về loài vật (Sáng-thế Ký 1:21). Trong những câu Kinh-thánh như Ê-xê-chi-ên 18:4, 20, các bản ấy nói về “người” hoặc “cá nhân” (thay vì “linh hồn”) chết. Có lẽ người dịch thấy họ có lý do chính đáng để dịch như thế. Nhưng những câu Kinh-thánh này giúp ích được bao nhiêu đối với những người thành thật muốn tìm kiếm lẽ thật, khi lối suy nghĩ của họ đã quen với những điều trái với Kinh-thánh mà các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ dạy dỗ?b
13. Bằng những phương cách nào một số bản Kinh-thánh che lấp ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất?
13 Nhằm chứng minh tín ngưỡng rằng tất cả người tốt đều lên trời, các dịch giả—hoặc các nhà thần học kiểm duyệt tác phẩm của họ—cũng có thể cố tìm cách che giấu những gì Kinh-thánh nói về ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất. Ở Thi-thiên 37:11, một số bản dịch đọc rằng người nhu mì sẽ nhận được “đất đai”. Chữ (ʼeʹrets) dùng trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có thể dịch là “đất đai”. Tuy nhiên, bản Today’s English Version (cuốn Kinh-thánh này được dùng để dịch sang nhiều thứ tiếng khác) còn đi xa hơn nữa. Mặc dù bản Kinh-thánh này đã dịch từ Hy Lạp ge là “trái đất” 17 lần trong sách Phúc Âm của Ma-thi-ơ, nhưng ở Ma-thi-ơ 5:5 thì bản dịch này lại thay thế “trái đất” với câu “những gì Đức Chúa Trời đã hứa”. Tất nhiên giáo dân nghĩ điều đó có nghĩa là lên trời. Họ không được cho biết một cách trung thực là trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su Christ nói rằng những người có lòng nhu mì, hiền từ, hoặc khiêm nhường sẽ “hưởng được trái đất”.
14. Động lực ích kỷ nào được thể hiện trong một vài bản Kinh-thánh?
14 Một số bản dịch Kinh-thánh rõ ràng dùng những lời lẽ nhằm giúp những người giảng đạo lãnh lương cao. Đúng là Kinh-thánh có nói: “Người làm công thì đáng được tiền công mình” (I Ti-mô-thê 5:18). Tuy nhiên khi đọc I Ti-mô-thê 5:17, nơi Kinh-thánh nói rằng các trưởng lão chủ tọa một cách khéo léo thì đáng được “kính-trọng bội-phần [gấp đôi, NW]”, thì một số người nghĩ rằng sự kính trọng duy nhất đáng được đề cập là tiền bạc. (So sánh I Phi-e-rơ 5:2). Vì vậy, bản The New English Bible nói rằng các trưởng lão này đáng “được lãnh hai phần lương bổng”, và bản Contemporary English Version nói rằng họ “xứng đáng được trả lương gấp đôi”.
Trung thành ủng hộ Lời Đức Chúa Trời
15. Làm sao chúng ta có thể quyết định nên dùng bản dịch Kinh-thánh nào?
15 Tất cả điều này có nghĩa gì đối với mỗi độc giả Kinh-thánh và đối với những ai dùng Kinh-thánh để dạy người khác? Trong hầu hết các thứ tiếng thông dụng, có nhiều bản dịch Kinh-thánh cho người ta chọn. Hãy chứng tỏ sự suy xét trong việc chọn bản Kinh-thánh bạn dùng (Châm-ngôn 19:8). Giả sử một bản dịch không trung thực về danh vị Đức Chúa Trời—loại bỏ danh ngài khỏi Lời được soi dẫn vì bất cứ lý do nào—có lẽ các dịch giả cũng đã sửa đổi những phần khác của Kinh-thánh chăng? Khi nghi ngờ sự chính xác trong cách phiên dịch, hãy cố gắng so sánh bản dịch đó với những bản dịch cũ hơn. Nếu bạn là một người dạy Lời Đức Chúa Trời, hãy lựa những bản Kinh-thánh nào theo sát những gì ghi trong bản tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp nguyên thủy.
16. Về phương diện cá nhân, làm sao chúng ta có thể tỏ ra trung thành trong việc sử dụng Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời?
16 Về phương diện cá nhân, hết thảy chúng ta phải trung thành với Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tỏ ra trung thành bằng cách quan tâm đúng mức đến nội dung của Kinh-thánh, để rồi nếu có thể được, chúng ta dành một ít thì giờ mỗi ngày để đọc Kinh-thánh (Thi-thiên 1:1-3). Chúng ta cũng có thể tỏ ra trung thành với Kinh-thánh bằng cách áp dụng đầy đủ vào đời sống của mình những gì Kinh-thánh nói và học cách dùng các nguyên tắc và gương mẫu trong Kinh-thánh làm căn bản để quyết định khôn ngoan (Rô-ma 12:2; Hê-bơ-rơ 5:14). Chúng ta chứng tỏ là những người trung thành ủng hộ Lời Đức Chúa Trời bằng cách sốt sắng rao giảng cho người khác biết về Kinh-thánh; chúng ta cũng sẽ làm thế bằng cách dùng Kinh-thánh cẩn thận khi dạy người khác, chớ bao giờ bóp méo hoặc thổi phồng những gì Kinh-thánh nói để phù hợp với ý kiến riêng của chúng ta (II Ti-mô-thê 2:15). Những gì Đức Chúa Trời báo trước chắc chắn sẽ xảy ra. Ngài trung thành làm ứng nghiệm Lời ngài. Mong sao chúng ta tỏ ra trung thành ủng hộ Kinh-thánh.
[Chú thích]
a Vào năm 1997, Liên Hiệp Thánh Kinh Hội liệt kê 2.167 thứ tiếng và thổ ngữ trong đó Kinh-thánh, trọn bộ hoặc một phần, đã được xuất bản. Con số này bao gồm nhiều thổ ngữ của một số ngôn ngữ.
b Cuộc thảo luận này tập trung vào các ngôn ngữ có khả năng làm sáng tỏ vấn đề nhưng trong các ngôn ngữ ấy các dịch giả đã quyết định không làm thế. Từ vựng sẵn có của vài ngôn ngữ giới hạn nghiêm ngặt những gì các dịch giả có thể dùng. Vì thế, những người dạy đạo có lòng thành thật sẽ giải thích rằng mặc dù dịch giả đã dùng nhiều từ khác nhau hoặc ngay cả nếu dịch giả dùng một từ có hàm ý không đúng với Kinh-thánh, nhưng từ ngữ trong tiếng gốc là neʹphesh, áp dụng cho cả loài người lẫn thú vật và nó tượng trưng cho tạo vật nào hít thở, ăn uống, và có thể chết.
Bạn còn nhớ không?
◻ Những động lực nào đã ảnh hưởng đến công việc của các dịch giả Kinh-thánh thời nay?
◻ Tại sao xu hướng dịch thuật thời nay không phá hỏng ý định của Đức Chúa Trời đối với danh riêng của ngài?
◻ Một số bản dịch làm người ta khó nhận ra các lẽ thật của Kinh-thánh về linh hồn, sự chết, và trái đất như thế nào?
◻ Bằng những cách nào chúng ta có thể chứng tỏ rằng chúng ta trung thành ủng hộ Lời Đức Chúa Trời?
[Hình nơi trang 16]
Bạn nên dùng bản dịch Kinh-thánh nào?