Chúa Giê-su giáng sinh mang lại bình an như thế nào?
LỜI chúc tụng của thiên sứ—“bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”—là một trong nhiều lời tiên tri liên quan đến sự giáng sinh của Chúa Giê-su. Ngoài lời chúc tụng này khiến những người chăn chiên kinh ngạc, thiên sứ còn nhân danh Đức Chúa Trời báo những thông điệp khác về Chúa Giê-su cho bà Ma-ri (Ma-ri-a) và chồng bà, là ông Giô-sép (Giu-se). Xem xét những thông điệp ấy sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu rộng về sự giáng sinh của ngài, và hiểu được ý nghĩa sâu xa của lời thiên sứ chúc và hứa bình an cho loài người.
Trước khi Chúa Giê-su giáng sinh, ngay cả trước khi bà Ma-ri mang thai, một thiên sứ tên là Gáp-ri-ên đã đến thăm bà. Thiên sứ chào: “Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi”. Bạn có thể hình dung tâm trạng bối rối pha lẫn chút sợ hãi của bà Ma-ri khi nghe lời ấy. Lời chào đó có ý nghĩa gì?
Thiên sứ Gáp-ri-ên giải thích: “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn-trọng, được xưng là Con của Đấng Rất-Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài. Ngài sẽ trị-vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô-cùng”. Bà Ma-ri hỏi làm thế nào sự đó có thể xảy ra, vì bà là một trinh nữ, chưa biết đến việc vợ chồng. Thiên sứ Gáp-ri-ên cho biết con trẻ sẽ được hình thành nhờ thánh linh của Đức Chúa Trời. Đây sẽ là một đứa bé đặc biệt.—Lu-ca 1:28 -35.
Một vua được báo trước
Lời thiên sứ Gáp-ri-ên hẳn đã giúp Trinh Nữ Ma-ri nhận biết đứa bé bà sẽ sinh ra là trọng tâm của những lời tiên tri được viết từ xưa. Việc Đức Chúa Trời Giê-hô-va tiết lộ sẽ ban cho con trai bà Ma-ri “ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài [Giê-su]” hẳn làm cho bà—cũng như bất cứ người Do Thái nào quen thuộc với Kinh Thánh—đều liên tưởng đến lời Đức Chúa Trời hứa với Vua Đa-vít của Y-sơ-ra-ên.
Qua nhà tiên tri Na-than, Đức Giê-hô-va phán với Đa-vít: “Nhà ngươi và nước ngươi được vững bền trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững-lập đến mãi mãi”. (2 Sa-mu-ên 7:4, 16) Về Đa-vít, Đức Giê-hô-va phán: “Ta cũng sẽ làm cho dòng-dõi người còn đến đời đời, và ngôi người còn lâu dài bằng các ngày của trời... Dòng-dõi người sẽ còn đến đời đời, và ngôi người sẽ còn lâu như mặt trời ở trước mặt ta”. (Thi-thiên 89:20, 29, 35, 36) Vì vậy, không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi bà Ma-ri và ông Giô-sép đều thuộc dòng Đa-vít.
Trên đây không phải là những lời tiên tri duy nhất trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (Cựu Ước) nói về con trai thuộc hoàng tộc nhà Đa-vít. Bà Ma-ri hẳn cũng biết rõ lời của nhà tiên tri Ê-sai: “Có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai-trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ-lùng, là Đấng Mưu-luận, là Đức Chúa Trời [“Thần Linh”, TTGM] Quyền-năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình-an. Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền-vững, và lập lên trong sự chánh-trực công-bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt-sắng của Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ làm nên sự ấy!”—Ê-sai 9:5, 6.
Thế nên, thông điệp mà thiên sứ Gáp-ri-ên báo cho bà Ma-ri không chỉ cho biết một bé trai sẽ chào đời bằng phép lạ, nhưng quan trọng hơn, con trai của bà sẽ là người kế tự Vua Đa-vít—người kế tự lâu dài, vĩnh viễn của Nước Đức Chúa Trời. Những lời tiên tri của thiên sứ Gáp-ri-ên liên quan đến vai trò của Chúa Giê-su trong tương lai quả có ý nghĩa sâu xa đối với tất cả chúng ta.
Khi biết vợ tương lai của mình đang mang thai, ông Giô-sép quyết định từ hôn. Ông biết đứa bé ấy không phải là con ông, vì ông và vị hôn thê chưa bao giờ có quan hệ vợ chồng. Bạn có thể hình dung thật khó để ông có thể tin nơi lời giải thích của bà Ma-ri về việc bà có thai. Lời tường thuật của Phúc Âm cho biết: “Thiên-sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm-bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh-Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là JÊSUS, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội”.—Ma-thi-ơ 1:20, 21.
Kinh Thánh không nói rõ ông Giô-sép hiểu đến mức nào về việc con trai ấy sẽ “cứu dân mình ra khỏi tội”. Dù vậy, thông điệp này đã trấn an ông, vị hôn thê của ông không làm điều gì sai quấy. Theo lời chỉ dẫn của thiên sứ, ông Giô-sép rước bà Ma-ri về nhà, một hình thức tương đương với lễ cưới.
Nhờ những thông tin khác trong Kinh Thánh, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của lời thiên sứ nói với ông Giô-sép. Vào thời đầu của lịch sử nhân loại, một thiên sứ phản nghịch đã thách thức quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ cho biết, ngoài những điều khác, kẻ phản nghịch này quả quyết rằng cách cai trị của Đức Giê-hô-va không công bình, và sẽ không có người nào giữ lòng trung kiên với Ngài khi bị thử thách. (Sáng-thế Ký 3:2-5; Gióp 1:6 -12) A-đam là một người đã không giữ được lòng trung kiên. Ông đã phạm tội và truyền tội lỗi cho loài người, và hậu quả của tội lỗi là sự chết. (Rô-ma 5:12; 6:23) Tuy nhiên, Chúa Giê-su không mắc tội lỗi di truyền vì cha ngài không phải là người phàm. Bằng cách tự nguyện hiến dâng mạng sống không tội lỗi để làm giá chuộc tương đương với điều mà A-đam đã đánh mất, Chúa Giê-su có thể cứu loài người khỏi tội lỗi và đặt trước mặt họ triển vọng sống vĩnh cửu.—1 Ti-mô-thê 2:3 - 6; Tít 3:6, 7; 1 Giăng 2:25.
Trong thời gian thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su cho thấy trước ý nghĩa của việc xóa sạch ảnh hưởng của tội lỗi. Ngài chữa lành mọi thứ tật bệnh cho người ta, ngay cả làm cho người chết sống lại. (Ma-thi-ơ 4:23; Giăng 11:1- 44) Những phép lạ đó là hình bóng công việc ngài sẽ thực hiện trong tương lai. Chính Chúa Giê-su hứa: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng [ta] và ra khỏi”.—Giăng 5:28, 29.
Lời hứa về sự sống lại trong tương lai giải thích tại sao sự giáng sinh—và đặc biệt sự chết—của Chúa Giê-su là điều cực kỳ quan trọng đối với chúng ta. Giăng 3:17 nói, Đức Chúa Trời đã phái Con Ngài xuống thế gian “hầu cho thế-gian nhờ Con ấy mà được cứu”. Tin mừng này làm chúng ta nhớ lại lời thiên sứ rao truyền cho những mục đồng đang canh giữ bầy chiên của họ vào đêm Chúa Giê-su giáng sinh.
‘Một tin lành, một sự vui mừng lớn’
Đó thật sự là ‘một tin lành, một sự vui mừng lớn’ cho loài người khi thiên sứ loan báo sự ra đời của “Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa”. (Lu-ca 2:10, 11) Con trẻ này là Đấng Mê-si (Mê-si-a), Nhà tiên tri lớn và Đấng cai trị mà dân Đức Chúa Trời hằng mong đợi. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:18; Mi-chê 5:1) Đời sống và cái chết của ngài ở trên đất đóng vai trò quan trọng trong việc biện minh quyền cai trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va. Vì vậy, các thiên sứ có thể nói: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời”.—Lu-ca 2:14, TTGM.
Chúa Giê-su, được Kinh Thánh gọi là “A-đam sau hết”, đã cho thấy con người có thể trung thành với Đức Giê-hô-va dù trải qua thử thách cam go nhất. (1 Cô-rinh-tô 15:45) Qua đó, ngài chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối độc địa. Đây là lý do khiến các thiên sứ trung thành vui mừng.
Tuy nhiên, chúng ta hãy trở lại câu hỏi: “Có thực tế không khi hy vọng rằng lời chúc tụng của thiên sứ vào đêm Chúa Giê-su giáng sinh sẽ thành hiện thực?” Câu trả lời chắc chắn là “Có”! Bình an là điều kiện thiết yếu để hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất, gồm cả việc khôi phục địa đàng. Khi ý định này được thực hiện trên khắp đất, mọi người sẽ cư xử với nhau bằng tình yêu thương và lòng trung thực. Muốn thế, cũng cần loại trừ mọi sự chống đối quyền tối thượng của Ngài. Đây không phải là tin vui cho bất cứ ai đứng về phía Sa-tan và quả quyết rằng những luật pháp của Đức Giê-hô-va là bất công. Đối với những người này, họ chỉ chờ đợi sự hủy diệt mà thôi.—Thi-thiên 37:11; Châm-ngôn 2:21, 22.
Xin lưu ý, trong lời nói với những người chăn chiên, thiên sứ không chúc bình an cho cả loài người. Đúng hơn, các thiên sứ loan báo sự “bình an cho loài người Chúa thương”, tức những người được Đức Chúa Trời chấp nhận và được Ngài ban ân lành. Những người biểu lộ đức tin chân thật nơi Đức Giê-hô-va trở thành những môn đồ trung thành và noi gương Chúa Giê-su. Những người đàn ông và đàn bà thể ấy sẵn sàng bày tỏ lòng rộng lượng và thông cảm đối với người khác, không chỉ vài ngày trong năm, nhưng mỗi ngày.
Có thể biểu lộ tinh thần đạo Đấng Christ quanh năm không?
Tin mừng Chúa Giê-su rao truyền tác động mạnh mẽ đến đời sống của vô số người. Nhiều người đã chấp nhận các sự dạy dỗ của ngài và áp dụng trong nhiều khía cạnh của đời sống. Những người trước đây sống quá chú trọng về mình, nay bắt đầu tự hỏi Chúa Giê-su sẽ hành động ra sao trong cùng hoàn cảnh như họ. Một số người trước đây chủ yếu lo kiếm tiền và vui chơi, giờ đây ý thức được tầm quan trọng của những giá trị tinh thần và chia sẻ những giá trị ấy với người lân cận. Những người làm các điều này gắng sức biểu lộ lòng rộng lượng và tử tế quanh năm. Đó không phải là điều bạn mong đợi nơi một tín đồ Đấng Christ chân chính hay sao?
Nếu tất cả những người có lòng thành đều suy nghĩ một chút đến ý nghĩa sâu xa của lời chúc bình an, và hành động phù hợp với những suy nghĩ ấy, chắc chắn thế giới sẽ là một nơi khác hẳn.
Những lời tiên tri xoay quanh sự giáng sinh của Chúa Giê-su đảm bảo rằng những người được Đức Chúa Trời thương có thể hưởng sự bình an đúng nghĩa mãi mãi. Đó không phải là điều bạn ao ước sao? Chúng ta chắc chắn rằng lời lời chúc bình an, có tính cách tiên tri, do các thiên sứ thông báo vào ngày Chúa Giê-su giáng sinh sẽ ứng nghiệm. Lời chúc bình an này không phải là lời sáo rỗng để chúc nhau vào dịp Giáng Sinh, nhưng chắc chắn sẽ trở thành một hiện thực lâu dài.
[Các hình nơi trang 7]
Chúng ta có thể và nên thể hiện tinh thần đạo Đấng Christ quanh năm