Bài học số 2—Thời gian và Kinh Thánh
Miêu tả các phân kỳ thời gian dùng trong Kinh Thánh, các lịch thường dùng, những ngày tháng mấu chốt cho Kinh Thánh, và những điểm đáng chú ý liên quan đến “dòng thời gian”.
1, 2. Vua Sa-lô-môn đã viết gì liên quan đến thời gian, và xét về bản chất thấm thoắt của thời gian, chúng ta nên làm gì?
CON NGƯỜI có ý thức sâu sắc về sự trôi qua của thời gian. Cứ mỗi tiếng tích tắc đồng hồ, con người tiến thêm một bước trên dòng thời gian. Nếu sử dụng thời gian một cách đúng đắn, con người quả thật khôn ngoan. Như Vua Sa-lô-môn viết: “Phàm sự gì có thì-tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định. Có kỳ sanh ra, và có kỳ chết; có kỳ trồng, và có kỳ nhổ vật đã trồng; có kỳ giết, và có kỳ chữa lành; có kỳ phá-dỡ, và có kỳ xây-cất; có kỳ khóc, và có kỳ cười; có kỳ than-vãn, và có kỳ nhảy-múa”. (Truyền 3:1-4) Thời gian thấm thoắt biết bao! Một đời sống bình thường kéo dài bảy mươi năm, một thời gian quá ngắn ngủi, không đủ để thu thập sự hiểu biết phong phú và hưởng mọi điều tốt lành khác mà Đức Giê-hô-va ban cho loài người trên đất. “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt-lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công-việc Đức Chúa Trời làm từ ban-đầu đến cuối-cùng, người không thế hiểu được”.—Truyền 3:11; Thi 90:10.
2 Đức Giê-hô-va sống vô tận. Về các tạo vật của Ngài, Ngài lấy làm vui lòng đặt họ trong dòng thời gian. Các thiên sứ trên trời, ngay cả kẻ phản nghịch Sa-tan, đều có ý thức rất rõ về sự trôi qua của thời gian. (Đa 10:13; Khải 12:12) Có lời viết về loài người như sau: “Thời-thế và cơ-hội xảy đến cho mọi người”. (Truyền 9:11) Hạnh phúc thay cho người luôn luôn nghĩ đến Đức Chúa Trời và tiếp nhận “đồ-ăn đúng giờ” do Đức Chúa Trời cung cấp!—Mat 24:45.
3. Thời gian và không gian có điểm gì chung?
3 Thời gian trôi một chiều. Dù quen thuộc với khái niệm về thời gian, nhưng không ai có thể định nghĩa thời gian là gì. Cũng như không gian, con người không thể hiểu thấu được thời gian. Không ai giải thích được dòng thời gian bắt đầu khi nào và trôi về đâu. Chỉ có Đức Giê-hô-va với sự hiểu biết vô tận mới hiểu rõ những điều ấy; Ngài được miêu tả là Đức Chúa Trời “từ trước vô-cùng cho đến đời đời”.—Thi 90:2.
4. Có thể nói gì về sự chuyển động của thời gian?
4 Mặt khác, thời gian có một số đặc tính có thể hiểu được. Ta có thể đo được tốc độ biểu kiến của thời gian. Ngoài ra, thời gian chỉ trôi một chiều. Giống như giao thông trên đường một chiều, thời gian chuyển động không ngừng theo hướng duy nhất đó—về phía trước, luôn luôn về phía trước. Dù thời gian trôi nhanh với tốc độ nào đi nữa, chúng ta không thể xoay ngược dòng thời gian được. Chúng ta sống trong khoảnh khắc hiện tại. Tuy nhiên, hiện tại này chuyển động, liên tục trôi vào quá khứ. Không gì có thể ngăn thời gian lại được.
5. Tại sao có thể nói dù thành hay bại cũng đã là chuyện quá khứ?
5 Quá khứ. Quá khứ là thời gian đã qua, thuộc về dĩ vãng, và không thể lặp lại. Mọi cố gắng níu kéo quá khứ đều vô ích giống như cố làm cho thác nước đổ ngược lên đỉnh hoặc kéo mũi tên bay ngược trở lại cây cung. Những lỗi lầm của chúng ta để lại dấu vết trong dòng thời gian, một dấu vết mà chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể xóa bỏ. (Ê-sai 43:25) Tương tự, những việc thiện của một người trong quá khứ tạo nên một thành tích, “sẽ được báo lại” bằng ân phước đến từ Đức Giê-hô-va. (Châm 12:14; 13:22) Dù thành hay bại, đã là chuyện quá khứ, không gì có thể thay đổi được nữa. Có lời chép về kẻ ác như sau: “Chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ, và phải héo như cỏ tươi-xanh”.—Thi 37:2.
6. Tương lai khác với quá khứ thế nào, và tại sao chúng ta nên đặc biệt chú ý đến nó?
6 Tương lai. Tương lai thì khác. Nó luôn luôn trôi về phía chúng ta. Nhờ có Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nhận ra những trở ngại có nguy cơ sắp xảy ra và chuẩn bị đối phó. Chúng ta có thể tích lũy “của-cải ở trên trời”. (Mat 6:20) Của cải này không bị dòng thời gian cuốn trôi mất. Chúng vẫn thuộc về chúng ta và sẽ tồn tại mãi đến tương lai vĩnh cửu đầy ân phước. Chúng ta chú ý đến việc sử dụng thì giờ một cách khôn ngoan, vì nó ảnh hưởng đến tương lai ấy.—Ê-phê 5:15, 16.
7. Đức Giê-hô-va cung cấp những vật chỉ thời gian nào cho loài người?
7 Những vật chỉ thời gian. Đồng hồ đeo tay và đồng hồ treo tường là những vật chỉ thời gian trong thời đại chúng ta. Chúng dùng làm thước đo thời gian. Tương tự, Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa, đã khởi động những vật chỉ thời gian khổng lồ—trái đất xoay quanh trục của nó, mặt trăng xoay quanh trái đất và mặt trời—thế nên từ vị trí trên trái đất, con người có thể biết chính xác về thời gian. “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng-không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì-tiết, ngày và năm”. (Sáng 1:14) Vì thế, dù vô số vật thể được cài vào nhau có chủ định, những thiên thể này chuyển động theo chu trình hoàn hảo, chúng không ngừng đo sự chuyển động một chiều của thời gian một cách chính xác.
8. Từ “ngày” được dùng trong Kinh Thánh mang những ý nghĩa khác nhau nào?
8 Ngày. Trong Kinh Thánh từ “ngày” được dùng theo nhiều ý nghĩa khác nhau, ngay như thời nay nó cũng được áp dụng trong nhiều trường hợp. Khi trái đất xoay một vòng quanh trục, nó đo được một ngày gồm 24 giờ. Theo nghĩa này, một ngày gồm ban ngày và ban đêm, tổng cộng 24 giờ. (Giăng 20:19) Tuy nhiên, chính khoảng thời gian có ánh sáng, trung bình dài 12 giờ, cũng được gọi là ngày. “Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm”. (Sáng 1:5) Điều này tạo ra một từ chỉ thời gian gọi là “đêm”, tức khoảng thời gian có bóng đêm, trung bình thường dài 12 giờ. (Xuất 10:13) Từ “ngày” còn có một ý nghĩa khác khi chỉ về giai đoạn thời gian cùng thời với một người nổi tiếng nào đó. Chẳng hạn như sự hiện thấy của Ê-sai “về đời [ngày đời, Nguyễn Thế Thuấn] Ô-xia, Giô-tham, A-cha và Ê-xê-chia”. (Ê-sai 1:1) Kinh Thánh nói đến những ngày của Nô-ê và của Lót mang nghĩa tiên tri. (Lu 17:26-30) Một ví dụ khác về cách dùng linh động hay ẩn dụ của từ “ngày” khi Phi-e-rơ nói rằng “trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm”. (2 Phi 3:8) Trong sự tường thuật nơi Sáng-thế Ký, ngày sáng tạo là một thời kỳ dài—ngay cả nhiều ngàn năm. (Sáng 2:2, 3; Xuất 20:11) Văn cảnh Kinh Thánh sẽ cho biết nghĩa nào của từ “ngày” được áp dụng.
9. (a) Ngày được chia thành 24 giờ, mỗi giờ gồm 60 phút bắt nguồn từ đâu? (b) Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đề cập đến những khoảng thời gian nào?
9 Giờ. Việc phân chia ngày thành 24 giờ bắt nguồn từ Ai Cập. Ngày nay cách tính một giờ gồm 60 phút bắt nguồn từ toán học của người Ba-by-lôn, theo hệ thống lục thập phân (tức hệ thống dựa trên số 60). Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ không đề cập đến việc chia ngày thành giờ.a Thay vì chia ngày thành những giờ rõ ràng, Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ dùng các từ ngữ như “buổi sáng”, “trưa”, “buổi trưa”, và “buổi chiều” để chỉ thời gian. (Sáng 24:11; 43:16; Phục 28:29; 1 Vua 18:26) Ban đêm được chia ra ba kỳ gọi là “các canh đêm” (Thi 63:6), tên của hai canh trong số đó được ghi rõ trong Kinh Thánh: “canh ba” (Quan 7:19) và “canh sáng”.—Xuất 14:24; 1 Sa 11:11.
10. Vào thời Chúa Giê-su, người Do Thái tính giờ như thế nào, và sự hiểu biết này giúp chúng ta xác định được thời điểm Chúa Giê-su chết như thế nào?
10 Tuy nhiên từ “giờ” thường được đề cập trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp. (Giăng 12:23; Mat 20:2-6) Giờ được tính từ lúc mặt trời mọc, khoảng 6 giờ sáng. Kinh Thánh nói đến “giờ thứ ba”, là khoảng 9 giờ sáng. Kinh Thánh nói “giờ thứ sáu” là giờ khi sự tối tăm phủ trên Giê-ru-sa-lem lúc Chúa Giê-su bị đóng đinh. Ngày nay, giờ này tương ứng với 12 giờ trưa. Kinh Thánh nói Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng trên cây khổ hình “ước-chừng giờ thứ chín”, hay khoảng 3 giờ chiều.—Mác 15:25; Lu 23:44; Mat 27:45, 46.b
11. “Tuần” được sử dụng làm đơn vị đo thời gian từ thời nào?
11 Tuần lễ. Thời đầu lịch sử, con người tính toán theo chu kỳ bảy ngày. Làm như vậy, con người theo cách tính của Đấng Tạo Hóa, Ngài đã hoàn chỉnh sáu ngày sáng tạo bằng giai đoạn thứ bảy cũng gọi là một ngày. Nô-ê tính thời gian theo chu kỳ bảy ngày. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, “tuần” nói đến đơn vị hoặc giai đoạn gồm con số bảy.—Sáng 2:2, 3; 8:10, 12; 29:27.
12. Tháng âm lịch là gì, và nó khác với tháng dương lịch thời nay ra sao?
12 Tháng âm lịch. Kinh Thánh nói về “tháng” hay “tuần trăng”. (Xuất 2:2; Phục 21:13; 33:14; E-xơ-ra 6:15, Tòa Tổng Giám Mục) Tháng trong thời hiện đại không phải là tháng âm lịch, bởi lẽ không căn cứ trên chu kỳ của mặt trăng. Những tháng ấy chỉ là 12 phân kỳ được người ta chọn tùy ý để chia năm dương lịch. Tháng âm lịch là tháng tính theo trăng mới. Bốn tuần trăng tạo thành một tháng âm lịch, trung bình có 29 ngày, 12 giờ, và 44 phút. Chỉ cần nhìn hình thể của trăng, ta biết phỏng chừng ngày của tháng âm lịch.
13. Thời điểm trận Nước Lụt đã được ghi lại chính xác như thế nào?
13 Thay vì chỉ dùng tháng âm lịch, dường như Nô-ê đã ghi lại những sự kiện theo cách tính mỗi tháng có 30 ngày. Nhờ Nô-ê ghi chép ngày tháng trên tàu nên chúng ta biết trận Nước Lụt ngập khắp mặt đất trong khoảng thời gian năm tháng, tức “một trăm năm mươi ngày”. Sau 12 tháng và 10 ngày mặt đất trở nên khô ráo, do đó những người trong tàu có thể ra ngoài. Vậy, thời điểm của những biến cố đánh dấu thời kỳ ấy đã được ghi lại chính xác.—Sáng 7:11, 24; 8:3, 4, 14-19.
14. (a) Đức Giê-hô-va đã sắp đặt các mùa như thế nào? (b) Sự sắp đặt về các mùa sẽ tiếp tục bao lâu?
14 Mùa. Để sửa soạn trái đất làm nơi ở cho loài người, Đức Giê-hô-va đã yêu thương và khôn ngoan chuẩn bị các mùa. (Sáng 1:14) Các mùa này được tạo ra do trái đất nghiêng một góc 23,5 ° so với mặt phẳng quỹ đạo của nó, khi quay quanh mặt trời. Điều này đưa đến việc trước hết Nam bán cầu nghiêng về phía mặt trời, kế đó sáu tháng sau, Bắc bán cầu nghiêng về phía mặt trời, do đó các mùa tuần tự nối tiếp nhau. Sự thay đổi này tạo ra những mùa đa dạng và tương phản, chi phối việc trồng trọt và thu hoạch. Lời Đức Chúa Trời đảm bảo với chúng ta rằng việc sắp đặt về sự thay đổi và tương phản của các mùa suốt trong năm vẫn tiếp tục mãi mãi. “Hễ đất còn, thì mùa gieo giống cùng mùa gặt hái, lạnh và nóng, mùa hạ cùng mùa đông, ngày và đêm, chẳng bao giờ tuyệt được”.—Sáng 8:22.
15, 16. (a) Mùa mưa ở Đất Hứa có thể chia ra như thế nào? (b) Hãy miêu tả những mùa mưa ấy và cho biết mối liên quan giữa những mùa ấy với hoạt động nông nghiệp.
15 Trong Đất Hứa, nói chung một năm có thể chia thành mùa mưa và mùa khô. Từ khoảng giữa tháng Tư cho đến giữa tháng Mười, mưa rất ít. Mùa mưa có thể được chia thành: mưa đầu mùa, tức “mưa thu” (tháng Mười - tháng Mười Một); mưa lớn vào mùa đông và thời tiết lạnh hơn (tháng Chạp - tháng Hai); và mưa cuối mùa, tức “mưa xuân” (tháng Ba - tháng Tư). (Phục 11:14; Giô-ên 2:23) Đây là sự phân chia có tính cách đại khái, các mùa gối lên nhau vì sự biến đổi của khí hậu ở những vùng đất khác nhau. Mưa thu làm mặt đất khô trở nên mềm, nên giai đoạn tháng Mười - tháng Mười Một là thời gian “cày” và “gieo mạ”. (Xuất 34:21; Lê 26:5) Trong giai đoạn mưa lớn, từ tháng Chạp đến tháng Hai, tuyết rơi không phải là điều hiếm có; vào tháng Giêng và tháng Hai, ở cao nguyên nhiệt độ có thể xuống dưới không độ. Kinh Thánh nói Bê-na-gia, một trong những dũng tướng của Đa-vít, đã giết một con sư tử “trong một ngày tuyết”.—2 Sa 23:20.
16 Tháng Ba và tháng Tư (khoảng tháng Ni-san và tháng Iyyar theo lịch Do Thái) là những tháng “mưa xuân”. (Xa 10:1) Đây là mưa cuối mùa, cần cho sự nảy mầm của hạt lúa đã gieo vào mùa thu, như vậy có thể mang lại kết quả thu hoạch tốt. (Ô-sê 6:3; Gia 5:7) Đây cũng là mùa gặt sớm, và Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên dâng sản vật đầu mùa vào ngày 16 tháng Nisan. (Lê 23:10; Ru 1:22) Đó là thời kỳ tươi đẹp và vui mừng. “Bông hoa nở ra trên đất; mùa hát-xướng đã đến nơi, và tiếng chim cu nghe trong xứ; cây vả đương chín trái xanh-tươi của nó, và nho trổ hoa nực mùi hương”.—Nhã 2:12, 13.
17. (a) Vào mùa khô, làm thế nào hoa quả mọc lên được? (b) Hãy xem xét biểu đồ “Năm của người Y-sơ-ra-ên” và chia năm ra thành mùa như được trình bày trong đoạn 15-17. (c) Khi nào là mùa gặt sớm, mùa gặt lúa, khi nào là thời gian hái các loại quả, và lễ nào trùng với những sự kiện ấy?
17 Mùa khô bắt đầu khoảng giữa tháng Tư. Nhưng hầu như suốt thời gian này, và đặc biệt ở những đồng bằng ven biển và sườn núi phía tây, có nhiều sương móc giúp cho việc trồng cấy vào mùa hè. (Phục 33:28) Lúa được thu hoạch trong tháng Năm, và đến cuối tháng này người ta ăn mừng Lễ Ngũ Tuần. (Lê 23:15-21) Khi thời tiết trở nên ấm lại và mặt đất khô đi, nho chín và được thu hoạch, tiếp theo là việc thu hoạch vụ mùa các hoa quả mùa hè như ô-li-ve, chà là, và trái vả. (2 Sa 16:1) Vào cuối mùa khô và bắt đầu mùa mưa sớm, tất cả thổ sản đã được thu hoạch, chính vào lúc đó (khoảng đầu tháng Mười) Lễ Lều Tạm được tổ chức.—Xuất 23:16; Lê 23:39-43.
18. (a) Tại sao ý nghĩa của từ “năm” trong tiếng Hê-bơ-rơ là thích hợp? (b) Đối với trái đất một năm dương lịch đúng nghĩa là gì?
18 Năm. Công cuộc khảo sát về thời gian trong Kinh Thánh giờ đây đưa chúng ta đến từ ngữ “năm”. Năm được nhắc đến ngay từ đầu lịch sử loài người. (Sáng 1:14) Chữ “năm”, sha·nahʹ trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa gốc là “lặp lại; làm lại lần nữa” và mang ý nghĩa một chu kỳ thời gian. Điều này thật thích hợp vì mỗi năm chu kỳ các mùa được lặp lại. Một năm trên trái đất là thời gian trái đất xoay đúng một vòng quanh mặt trời. Năm dương lịch đúng nghĩa là khoảng thời gian từ xuân phân này đến xuân phân kế tiếp. Trung bình là 365 ngày 5 giờ 48 phút 46 giây, tức khoảng chừng 365 1/4 ngày. Đây được gọi là năm dương lịch đúng nghĩa.
19. (a) Thời xưa các năm trong Kinh Thánh được tính như thế nào? (b) Về sau Đức Giê-hô-va đã ban lệnh nào về “năm thánh”?
19 Năm trong Kinh Thánh. Theo cách tính xưa trong Kinh Thánh, năm kéo dài từ mùa thu này đến mùa thu sau. Điều này đặc biệt thích hợp với đời sống nông nghiệp, năm bắt đầu với việc cày và gieo, vào khoảng thượng tuần tháng Mười, và kết thúc bằng việc thu hoạch mùa màng. Nô-ê đã tính năm bắt đầu vào mùa thu. Ông ghi rằng trận Nước Lụt bắt đầu vào “tháng hai”, tương ứng với nửa sau của tháng Mười và nửa đầu tháng Mười Một. (Sáng 7:11) Cho đến ngày nay, nhiều dân tộc trên đất vẫn bắt đầu năm mới vào mùa thu. Khi xuất hành khỏi Ai Cập, năm 1513 TCN, Đức Giê-hô-va đã ban lệnh quy định rằng tháng Abib (Ni-san) trở thành “tháng đầu” cho dân Do Thái, để bấy giờ họ có một năm thánh kéo dài từ mùa xuân này đến mùa xuân sau. (Xuất 12:2) Tuy nhiên, người Do Thái thời nay tính một năm thế tục, tức năm thường, bắt đầu vào mùa thu với tháng Tishri là tháng đầu tiên.
20. Năm âm lịch được điều chỉnh như thế nào để tương ứng với năm dương lịch, và năm âm dương lịch là gì?
20 Năm âm dương lịch. Cho đến thời Đấng Christ, đa số các dân tộc đều tính thời gian theo âm lịch, họ dùng nhiều cách để điều chỉnh sao cho năm âm lịch trùng khớp sát với năm dương lịch. Năm âm lịch thông thường có 12 tháng tính theo tuần trăng gồm 354 ngày, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày tùy theo mỗi lần trăng mới xuất hiện. Vì thế, so với năm dương lịch đúng nghĩa có 365 1/4 ngày, năm âm lịch ngắn hơn khoảng 11 1/4 ngày. Người Do Thái sử dụng âm lịch. Cách họ điều chỉnh năm âm lịch cho trùng khớp với năm dương lịch và các mùa không được giải thích trong Kinh Thánh, nhưng khi cần, hẳn họ đã phải thêm vào tháng phụ, tức những tháng nhuận. Về sau, vào thế kỷ thứ năm TCN, những tháng nhuận được tổ chức thành một hệ thống mà ngày nay gọi là chu kỳ Metonic. Theo chu kỳ này, cứ mỗi 19 năm, tháng nhuận được thêm vào bảy lần, và trong lịch Do Thái tháng nhuận được thêm vào sau tháng thứ 12, tháng Adar, và gọi tháng ấy là Veadar, tức “tháng Adar thứ nhì”. Vì âm lịch được điều chỉnh theo mặt trời như thế, nên những năm có 12 hoặc 13 tháng được gọi là năm âm dương lịch.
21. (a) Lịch Julius là gì? (b) Tại sao lịch Gregory chính xác hơn?
21 Lịch Julius và Gregory. Lịch là hệ thống quy định lúc khởi đầu, độ dài, và các phân kỳ thời gian trong năm, đồng thời sắp xếp thứ tự những phân kỳ này. Lịch Julius được Julius Caesar đưa ra vào năm 46 TCN để người La Mã dùng cách tính thời gian theo dương lịch thay cho âm lịch. Lịch Julius gồm 365 ngày trong một năm, trừ năm thứ tư (năm nhuận), có thêm một ngày thành 366 ngày. Tuy nhiên, theo thời gian người ta thấy rằng so với năm dương lịch, một năm theo lịch Julius thực ra dài hơn 11 phút. Đến thế kỷ thứ 16 CN, số phút dư ra tích lũy đủ mười ngày. Vì vậy, vào năm 1582 Giáo Hoàng Gregory XIII đưa ra một sửa đổi nhỏ, thiết lập nên hệ thống lịch ngày nay gọi là lịch Gregory. Theo sắc lệnh của giáo hoàng, phải bỏ mười ngày đó khỏi năm 1582, vì thế, ngày kế tiếp, ngày 4 tháng Mười trở thành ngày 15 tháng Mười. Lịch Gregory quy định rằng những thế kỷ không chia đúng cho 400 không được xem là năm nhuận. Chẳng hạn, không giống như năm 2000, năm 1900 không được chọn làm năm nhuận bởi vì con số 1.900 không chia hết cho 400. Lịch Gregory ngày nay được dùng rộng rãi hầu hết các nơi trên thế giới.
22, 23. Một năm tiên tri dài bao lâu?
22 “Năm” trong lời tiên tri. Trong lời tiên tri của Kinh Thánh, từ “năm” thường được dùng theo ý nghĩa đặc biệt tương đương với 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày, tổng cộng là 360 ngày. Hãy lưu ý đến lời bình của một người có thẩm quyền nói về Ê-xê-chi-ên 4:5, 6: “Chúng ta phải cho rằng Ê-xê-chi-ên quen dùng một năm gồm 360 ngày. Đây không phải là năm dương lịch đúng nghĩa, cũng không phải là năm âm lịch. Đó là năm ‘trung bình’ mà mỗi tháng gồm 30 ngày”.c
23 Một năm tiên tri cũng được gọi là một “thì” [“thời”, Tòa Tổng Giám Mục]. Nghiên cứu Khải huyền 11:2, 3 và 12:6, 14 cho biết “thời” được tính là 360 ngày. Trong lời tiên tri, đôi khi một năm cũng được tượng trưng bằng một “ngày”.—Ê-xê 4:5, 6.
24. Nhiều dân tộc thời xưa đếm số bắt đầu từ con số nào?
24 Không có năm zêrô. Các dân tộc thời xưa, kể cả dân Hy Lạp học rộng, dân La Mã và dân Do Thái đều không có khái niệm về số không. Đối với họ, mọi việc bắt đầu đếm từ số một. Ở trường, khi học những con số La Mã (I, II, III, IV, V, X, v.v...), bạn có học số zêrô không? Không, vì người La Mã không có số đó. Bởi lẽ người La Mã không dùng số zêrô nên năm Công Nguyên bắt đầu bằng năm 1 CN, không phải năm zêrô. Điều này tạo ra thứ tự các con số, chẳng hạn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ mười, và thứ một trăm. Trong toán học hiện đại, con người quan niệm mọi việc khởi đầu từ con số không, tức zêrô. Số không có lẽ do người Ấn Độ nghĩ ra.
25. Số thứ tự khác với số đếm như thế nào?
25 Theo cách tính đó, bất cứ khi nào số thứ tự được dùng, chúng ta phải luôn luôn trừ đi một để được con số đủ. Chẳng hạn, khi nói về ngày tháng trong thế kỷ thứ 20 CN, điều đó có nghĩa là đã tròn 20 thế kỷ không? Không, nó có nghĩa 19 thế kỷ tròn cộng thêm một số năm nữa. Để diễn đạt con số tròn, Kinh Thánh, cũng như toán học hiện đại, dùng số đếm, như 1, 2, 3, 10, và 100. Chúng còn được gọi là “số nguyên”.
26. Làm thế nào bạn tính được (a) số năm kể từ ngày 1 tháng 10 năm 607 TCN đến ngày 1 tháng 10 năm 1914 CN? (b) 2.520 năm kể từ ngày 1 tháng 10 năm 607 TCN?
26 Vì Công Nguyên không bắt đầu bằng năm zêrô nhưng bằng năm 1 CN, và lịch tính những năm trước Công Nguyên không đếm ngược từ năm zêrô nhưng từ 1 TCN, nên con số dùng để chỉ năm của bất cứ ngày tháng nào trên thực tế đều là số thứ tự. Nghĩa là 1990 CN thật ra tiêu biểu cho 1989 năm tròn tính từ đầu Công Nguyên, và ngày 1 tháng 7 năm 1990, tiêu biểu 1.989 năm cộng thêm nửa năm tính từ đầu Công Nguyên. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho ngày tháng trước Công Nguyên. Thế nên để tính xem bao nhiêu năm đã trôi qua giữa ngày 1 tháng 10 năm 607 TCN và ngày 1 tháng 10 năm 1914 CN, chúng ta cộng 606 năm (thêm ba tháng cuối của năm trước) với 1913 (thêm chín tháng đầu của năm kế tiếp), kết quả là 2.519 (cộng 12 tháng), tức 2.520 năm. Hoặc nếu bạn muốn tính 2.520 năm sau ngày 1 tháng 10 năm 607 TCN là ngày nào, hãy nhớ 607 là một số thứ tự—nó thật sự tiêu biểu 606 năm tròn—và bởi lẽ chúng ta tính, không phải từ ngày 31 tháng 12 năm 607 TCN, nhưng từ ngày 1 tháng 10 năm 607 TCN; cho nên chúng ta phải cộng thêm ba tháng cuối của năm 607 TCN vào con số 606. Giờ đây lấy 2.520 năm trừ đi 606 1/4. Số còn lại là 1.913 3/4. Như vậy, 2.520 năm kể từ ngày 1 tháng 10 năm 607 TCN chúng ta được 1.913 3/4 năm Công Nguyên—1.913 năm tròn sẽ đưa chúng ta đến đầu năm 1914 CN, cộng thêm ba phần tư của năm đưa chúng ta đến 1 tháng 10 năm 1914 CN.d
27. Ngày tháng mấu chốt là gì, và tại sao chúng có giá trị lớn lao?
27 Những ngày tháng mấu chốt. Niên đại đáng tin cậy về các thời kỳ trong Kinh Thánh căn cứ vào những ngày tháng mấu chốt vững chắc. Ngày tháng mấu chốt là ngày tháng quan trọng trong lịch sử được chấp nhận vì có cơ sở hợp lý và tương ứng với một biến cố cụ thể ghi trong Kinh Thánh. Thế nên, nó có thể được dùng làm khởi điểm để xác định niên đại một loạt các biến cố trong Kinh Thánh một cách chắc chắn. Một khi thời điểm mấu chốt cố định thì việc tính tới trước hoặc ngược về sau được thực hiện nhờ vào những ghi chép chính xác trong chính Kinh Thánh, chẳng hạn như tuổi thọ người ta hoặc thời gian trị vì của các vua. Vậy, bắt đầu từ thời điểm cố định, chúng ta có thể dùng niên đại đáng tin cậy trong chính Kinh Thánh để xác định ngày tháng nhiều biến cố trong Kinh Thánh.
28. Có ngày tháng mấu chốt nào cho Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ?
28 Ngày tháng mấu chốt cho Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Một biến cố quan trọng được ghi lại trong cả Kinh Thánh lẫn lịch sử thế tục là thành Ba-by-lôn bị lật đổ nơi tay người Mê-đi và Phe-rơ-sơ dưới quyền chỉ huy của Si-ru. Kinh Thánh ghi lại biến cố này nơi Đa-ni-ên 5:30. Nhiều nguồn lịch sử khác (kể cả Diodorus, Africanus, Eusebius, Ptolemy, và những bảng đá của người Ba-by-lôn) xác minh năm 539 TCN là năm Si-ru lật đổ Ba-by-lôn. Bia Sử Na-bô-nê-đô ghi ngày và tháng thành bị sụp đổ (không ghi năm). Do đó những nhà nghiên cứu niên đại xác định ngày thành Ba-by-lôn sụp đổ là ngày 11 tháng 10 năm 539 TCN, theo lịch Julius, tức ngày 5 tháng 10 theo lịch Gregory.e
29. Sắc lệnh của Si-ru được ban hành khi nào và tạo cơ hội cho việc gì?
29 Sau khi lật đổ Ba-by-lôn và trong năm đầu tiên trên cương vị người chinh phục và cai trị Ba-by-lôn, Si-ru ban sắc lệnh nổi tiếng: cho phép người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem. Chiếu theo sự ghi chép của Kinh Thánh, sắc lệnh này rất có thể được ban hành vào cuối năm 538 TCN hoặc vào mùa xuân năm 537 TCN. Điều này cho dân Do thái thừa thời gian trở về tái định cư ở quê hương và đi lên Giê-ru-sa-lem tái lập sự thờ phượng Đức Giê-hô-va trong “tháng bảy”, Tishri, tức khoảng ngày 1 tháng 10 năm 537 TCN.—E-xơ-ra 1:1-4; 3:1-6.f
30. Làm sao xác định năm 29 CN là ngày tháng mấu chốt cho phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp?
30 Ngày tháng mấu chốt cho Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp. Ngày tháng mấu chốt cho Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp là ngày Sê-sa Ti-be-rơ kế vị Hoàng Đế Augustus. Augustus chết ngày 17 tháng 8 năm 14 CN (theo lịch Gregory); Ti-be-rơ được Thượng Viện La Mã phong hoàng đế ngày 15 tháng 9 năm 14 CN. Lu-ca 3:1, 3 ghi Giăng Báp-tít bắt đầu rao giảng vào năm thứ 15 đời Sê-sa Ti-be-rơ trị vì. Nếu tính từ ngày Augustus chết, năm thứ 15 bắt đầu từ tháng 8 năm 28 CN kéo dài đến tháng 8 năm 29 CN. Nếu tính từ ngày Ti-be-rơ được Thượng Viện phong làm hoàng đế, năm thứ 15 bắt đầu từ tháng 9 năm 28 CN kéo dài đến tháng 9 năm 29 CN. Chẳng bao lâu sau đó, Chúa Giê-su đến chịu báp-têm, khi ngài “độ ba mươi tuổi”, nhỏ hơn Giăng sáu tháng. (Lu 3:2, 21-23; 1:34-38) Điều này phù hợp với lời tiên tri nơi Đa-ni-ên 9:25, nói rằng “từ khi ra lệnh tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem” cùng tường thành của nó cho đến khi Đấng chịu xức dầu xuất hiện, 69 “tuần lễ” sẽ trôi qua (mỗi tuần lễ tiên tri gồm 7 năm, như thế tổng cộng là 483 năm). (Đa 9:24) “Lệnh” ấy được Ạt-ta-xét-xe (Longimanus) ban ra năm 455 TCN, và Nê-hê-mi thi hành tại Giê-ru-sa-lem trong nửa sau của năm đó. Và 483 năm sau, gần cuối năm 29 CN, khi được Giăng làm báp têm, Chúa Giê-su cũng được Đức Chúa Trời xức dầu bằng thánh linh, như thế ngài trở thành Đấng Mê-si, tức “Đấng chịu xức dầu”. Việc Chúa Giê-su làm báp têm và bắt đầu thánh chức vào gần cuối năm cũng phù hợp với lời tiên tri nói rằng “đến giữa tuần ấy” (hoặc sau ba năm rưỡi) ngài sẽ bị trừ đi. (Đa 9:27) Vì ngài chết vào mùa xuân nên thánh chức của ngài dài ba năm rưỡi, ắt phải bắt đầu khoảng mùa thu năm 29 CN.g Nhân tiện đây cũng nên nói rằng hai dòng chứng cớ này cũng chứng minh Chúa Giê-su sinh vào mùa thu năm 2 TCN, vì Lu-ca 3:23 cho biết Chúa Giê-su độ 30 tuổi khi bắt đầu thánh chức.h
31. (a) Tại sao tốc độ thời gian trôi qua dường như biến đổi? (b) Vậy, lớp trẻ có ưu thế nào?
31 Thời gian trôi nhanh hơn ra sao? Có câu ca dao nói rằng “một ngày đằng đẵng xem bằng ba thu”. Đúng là khi chúng ta để ý đến thời gian, có ý thức về nó, khi mong đợi điều gì xảy ra, thì lúc ấy thời gian dường như trôi qua chậm chạp hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu chúng ta bận rộn, nếu thích thú và chăm chú làm một việc gì, bấy giờ thời gian dường như lẹ tựa “tên bay”. Ngoài ra, với người cao tuổi, thời gian dường như trôi qua nhanh hơn nhiều so với trẻ nhỏ. Tại sao thế? Thêm một năm vào đời sống của đứa bé lên một có nghĩa kinh nghiệm tăng 100 phần trăm. Thêm một năm vào đời sống một người 50 tuổi có nghĩa kinh nghiệm chỉ tăng 2 phần trăm. Đối với con trẻ, một năm dường như là thời gian dài thật dài. Còn người cao tuổi, nếu bận rộn và có sức khỏe tốt, nhận thấy năm tháng dường như trôi qua càng lúc càng nhanh. Bấy giờ người ấy thấm thía lời của Sa-lô-môn: “Chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời”. Mặt khác, lớp trẻ vẫn còn những năm tháng có vẻ như trôi chậm rãi, là giai đoạn phát triển tính cách của mình. Thay vì vươn “theo luồng gió thổi” cùng với thế gian duy vật, họ có thể tận dụng những năm tháng ấy nhằm tích lũy một kho kinh nghiệm phụng sự Đức Chúa Trời. Những lời Sa-lô-môn nói tiếp thật thích hợp: “Hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi, trước khi những ngày gian-nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng”.—Truyền 1:9, 14; 12:1.
32. Làm thế nào con người có thể đi đến chỗ hiểu rõ hơn quan điểm về thời gian của Đức Giê-hô-va?
32 Thời gian—Khi con người sống mãi mãi. Tuy nhiên, có những ngày vui mừng trước mặt, khi sẽ không còn tai họa nào nữa. Những người yêu chuộng sự công bình, những người ‘thời mạng ở nơi tay Chúa’ có thể trông mong sự sống đời đời trong Nước Đức Chúa Trời. (Thi 31:14-16; Mat 25:34, 46) Trong Nước Trời, sẽ không có sự chết. (Khải 21:4) Nạn thất nghiệp, bệnh tật, buồn chán và sự phù phiếm sẽ không còn. Sẽ có việc làm thích thú và hấp dẫn, đòi hỏi con người thể hiện khả năng hoàn toàn, và mang lại thỏa nguyện sâu xa khi hoàn thành. Năm tháng sẽ dường như trôi càng ngày càng nhanh hơn, trí thưởng thức và nhớ dai sẽ tiếp tục làm cho ký ức con người phong phú hơn với những kỷ niệm vui. Sau một ngàn năm, loài người trên đất chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn quan điểm của Đức Giê-hô-va về thời gian: “Một ngàn năm trước mắt Đức Giê-hô-va khác nào ngày hôm qua đã qua rồi”.—Thi 90:4.
33. Về thời gian, Đức Giê-hô-va đã hứa ban ân phước nào?
33 Xem dòng thời gian theo quan điểm hiện tại của con người, đồng thời suy xét đến những lời hứa của Đức Chúa Trời về một thế giới mới công bình, triển vọng hưởng được những ân phước của ngày ấy khiến chúng ta thật vui mừng biết bao: “Vì tại đó Đức Giê-hô-va đã ban phước, tức là sự sống cho đến đời đời”!—Thi 133:3.
[Chú thích]
a Từ “giờ” xuất hiện trong bản dịch Thánh Kinh Hội nơi Đa-ni-ên 3:6,15; 4:19,33; 5:5, từ tiếng A-ram; tuy nhiên cuốn Strong’s Concordance, Hebrew and Chaldee Dictionary định nghĩa từ này là “một cái nhìn thoáng, nghĩa là tức khắc”. Bản Tòa Tổng Giám Mục dịch là “tức khắc” nơi Đa-ni-ên 3:6, 15.
b Xin xem cước chú về những câu Kinh Thánh này.
c Biblical Calendars, 1961, do J. Van Goudoever, trang 75.
d Insight on the Scriptures, Quyển 1, trang 458.
e Insight on the Scriptures, Quyển 1, trang 453-454, 458; Quyển 2, trang 459.
f Insight on the Scriptures, Quyển 1, trang 568.
g Insight on the Scriptures, Quyển 2, trang 899-902.
h Insight on the Scriptures, Quyển 2, trang 56-58.
[Biểu đồ/Bảng thống kê nơi trang 6]
NĂM CỦA NGƯỜI Y-SƠ-RA-ÊN
Tháng Ni-san (Abib)
Tương ứng với Tháng Ba - Tháng Tư
Năm thánh tháng thứ nhất
Năm thế tục tháng thứ 7
Dẫn chứng Xuất 13:4; Nê 2:1
Những lễ hội Ni-san 14 Lễ Vượt Qua
Nisan 15-21 Lễ Bánh Không Men
Ni-san 16 Dâng lễ vật đầu mùa
Tháng Iyyar (Xíp)
Tương ứng với Tháng Tư - Tháng Năm
Năm thánh tháng thứ 2
Năm thế tục tháng thứ 8
Dẫn chứng 1 Vua 6:1
Tháng Si-van
Tương ứng với Tháng Năm - Tháng Sáu
Năm thánh tháng thứ 3
Năm thế tục tháng thứ 9
Dẫn chứng Ê-xơ-tê 8:9
Những lễ hội Si-van 6 Lễ Ngũ Tuần
Tháng Tham-mu
Tương ứng với Tháng Sáu - Tháng Bảy
Năm thánh tháng thứ 4
Năm thế tục tháng thứ 10
Dẫn chứng Giê 52:6
Tháng Ab
Tương ứng với Tháng Bảy - Tháng Tám
Năm thánh tháng thứ 5
Năm thế tục tháng thứ 11
Dẫn chứng E-xơ-ra 7:8
Tháng Ê-lun
Tương ứng với Tháng Tám - Tháng Chín
Năm thánh tháng thứ 6
Năm thế tục tháng thứ 12
Dẫn chứng Nê 6:15
Tháng Tishri (Ê-tha-ninh)
Tương ứng với Tháng Chín - Tháng Mười
Năm thánh tháng thứ 7
Năm thế tục tháng thứ nhất
Dẫn chứng 1 Vua 8:2
Những lễ hội Tishri 1 Lễ Thổi Loa
Tishri 10 Ngày Lễ Chuộc Tội
Tishri 15-21 Lễ Lều Tạm
Tishri 22 Lễ trọng thể
Tháng Heshvan (Bu-lơ)
Tương ứng với Tháng Mười - Tháng Mười Một
Năm thánh tháng thứ 8
Năm thế tục tháng thứ 2
Dẫn chứng 1 Vua 6:37
Tháng Kít-lơ
Tương ứng với Tháng Mười Một - Tháng Chạp
Năm thánh tháng thứ 9
Năm thế tục tháng thứ 3
Dẫn chứng Nê 1:1
Tháng Tê-bết
Tương ứng với Tháng Chạp - Tháng Giêng
Năm thánh tháng thứ 10
Năm thế tục tháng thứ 4
Dẫn chứng Ê-xơ-tê 2:16
Tháng Sê-bát
Tương ứng với Tháng Giêng - Tháng Hai
Năm thánh tháng thứ 11
Năm thế tục tháng thứ 5
Dẫn chứng Xa 1:7
Tháng A-đa
Tương ứng với Tháng Hai - Tháng Ba
Năm thánh tháng thứ 12
Năm thế tục tháng thứ 6
Dẫn chứng Ê-xơ-tê 3:7
Tháng Veadar
Tương ứng với (Tháng nhuận)
Năm thánh tháng thứ 13