Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 2-8 THÁNG 12
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | KHẢI HUYỀN 7-9
“Một đám đông vô số người được Đức Giê-hô-va ban phước”
it-1-E trg 997 đ. 1
Đám đông lớn
Câu hỏi được đặt ra là: Nếu ‘đám đông lớn’ là những người nhận được sự cứu rỗi và tiếp tục sống trên đất, thì tại sao Kinh Thánh nói rằng họ ‘đứng trước ngai Đức Chúa Trời và trước Chiên Con’? (Kh 7:9). Trong Kinh Thánh, vị thế “đứng” đôi khi được dùng để cho thấy một người hoặc một nhóm người được ơn hay được chấp nhận trước một cá nhân (Th 1:5; 5:5; Ch 22:29; Lu 1:19). Chương trước của sách Khải huyền cho biết rằng “các vua trên đất, các quan chức cấp cao, tướng lĩnh, người giàu có, kẻ quyền thế cùng hết thảy nô lệ và người tự do” được miêu tả là đang tìm mọi cách để trốn “khỏi mặt đấng ngồi trên ngai cùng cơn thịnh nộ của Chiên Con, vì ngày lớn và thịnh nộ của hai đấng ấy đã đến rồi, ai có thể chịu nổi?” (Kh 6:15-17; so sánh Lu 21:36). Vì thế, có lẽ “đám đông lớn” là một nhóm người được che chở khỏi cơn thịnh nộ và có thể “đứng” là nhờ Đức Chúa Trời và Chiên Con chấp nhận.
it-2-E trg 1127 đ. 4
Hoạn nạn
Khoảng ba thập kỷ sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, sứ đồ Giăng được cho biết có một đám đông lớn đến từ mọi nước, mọi chi phái và mọi dân sẽ “vượt qua hoạn nạn lớn” (Kh 7:13, 14). Sự kiện một đám đông lớn “vượt qua hoạn nạn lớn” cho thấy họ được sống sót. Điều này được xác nhận qua những lời tương tự nơi Công vụ 7:9, 10: “Đức Chúa Trời ở cùng [Giô-sép], giải cứu người khỏi mọi hoạn nạn”. Việc Giô-sép được giải cứu khỏi mọi hoạn nạn không chỉ có nghĩa là ông có thể chịu đựng những hoạn nạn mà ông còn sống sót qua những hoạn nạn đó.
it-1-E trg 996, 997
Đám đông lớn
Danh tính của họ. Bí quyết để nhận diện “đám đông lớn” được tìm thấy trong lời miêu tả về họ nơi Khải huyền chương 7 và những lời tường thuật tương tự. Khải huyền 7:15-17 nói rằng Đức Chúa Trời “sẽ giăng lều của ngài trên họ”, “hướng dẫn họ đến các suối nước sự sống” và “sẽ lau hết nước mắt khỏi mắt họ”. Khải huyền 21:2-4 cũng nói những lời tương tự: “Lều của Đức Chúa Trời ở với nhân loại”, “ngài sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ” và “sẽ không còn sự chết”. Khải tượng này không nói về những người sống ở trên trời, là “Giê-ru-sa-lem Mới, từ nơi Đức Chúa Trời ở trên trời xuống”, nhưng nói về những người sống trên đất.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
re-E trg 113-115 đ. 3, 4
Đóng ấn dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời
3 Trước khi Đức Giê-hô-va trút cơn giận của ngài, các thiên sứ trên trời sẽ thực hiện một sứ mạng đặc biệt. Giăng thấy điều này qua một khải tượng: “Sau đó, tôi thấy bốn thiên sứ đứng tại bốn góc của trái đất, giữ chặt bốn ngọn gió của đất, hầu không ngọn gió nào có thể thổi trên đất, trên biển hay trên bất cứ cây nào” (Khải huyền 7:1). Khải tượng này có ý nghĩa gì với chúng ta? “Bốn ngọn gió” là biểu tượng của sự phán xét đáng sợ sắp đến trên xã hội gian ác trên đất, “biển” cuộn sóng tượng trưng cho nhân loại tha hóa về đạo đức, còn những nhà cai trị kiêu ngạo giống như “cây” được nhân loại trên đất ủng hộ và hỗ trợ.—Ê-sai 57:20; Thi thiên 37:35, 36.
4 Hẳn bốn thiên sứ này tượng trưng cho bốn nhóm thiên sứ, được Đức Giê-hô-va dùng để giữ lại sự phán xét cho đến thời điểm ấn định. Khi các thiên sứ này thả cùng một lúc những ngọn gió thịnh nộ của Đức Chúa Trời từ bắc, nam, đông và tây thì khi đó sự hủy diệt sẽ vô cùng thảm khốc. Nó sẽ giống với lúc Đức Giê-hô-va dùng bốn ngọn gió để phân tán dân Ê-lam xưa và hủy diệt họ, nhưng trên bình diện rộng lớn hơn (Giê-rê-mi 49:36-38). Đó sẽ là một cơn bão tàn khốc hơn “cơn giông tố” mà Đức Giê-hô-va giáng trên dân Am-môn để tiêu diệt họ (A-mốt 1:13-15). Không thành phần nào thuộc tổ chức trên đất của Sa-tan có thể thoát khỏi cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va khi ngài biện minh cho quyền cai trị của ngài cho đến muôn đời.—Thi thiên 83:15, 18; Ê-sai 29:5, 6.
it-1-E trg 12
A-ba-đôn
A-ba-đôn, thiên sứ của vực sâu là ai?
Từ “A-ba-đôn” nơi Khải huyền 9:11 là tên của “thiên sứ của vực sâu”. Từ tương đương trong tiếng Hy Lạp là A-bô-ly-ôn có nghĩa là “đấng hủy diệt”. Vào thế kỷ 19, người ta cho rằng lời tiên tri này áp dụng cho những cá nhân, chẳng hạn như Hoàng Đế Vespasian, Muhammad, thậm chí là Napoleon và thiên sứ bị xem là có những đặc tính của “Sa-tan”. Nhưng điều đáng lưu ý là nơi Khải huyền 20:1-3 nói đến một thiên sứ có “chìa khóa vực sâu” đại diện cho Đức Chúa Trời từ trời, chứ không phải là thiên sứ có những đặc tính của “Sa-tan”; thiên sứ này sẽ bắt và quăng Sa-tan xuống vực sâu. Sách The Interpreter’s Bible bình luận như sau về Khải huyền 9:11: “Tuy nhiên, A-ba-đôn là một thiên sứ của Đức Chúa Trời, chứ không phải của Sa-tan; thiên sứ này thực thi sự hủy diệt theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời”.
Khi xem xét phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, chúng ta thấy từ ʼavad·dohnʹ có nghĩa tương tự với Sê-ôn và sự chết. Nơi Khải huyền 1:18, Chúa Giê-su nói: “Tôi sống muôn đời bất tận, tôi có chìa khóa của sự chết và của mồ mả”. Ngài có quyền trên vực sâu được nói nơi Lu-ca 8:31. Điều này cho thấy ngài có quyền năng hủy diệt, gồm cả quyền hủy diệt Sa-tan, như được thấy rõ nơi Hê-bơ-rơ 2:14. Câu này nói rằng Chúa Giê-su đã trở nên thịt và huyết để “qua cái chết của mình, ngài có thể diệt trừ kẻ có khả năng gây ra cái chết là Ác Quỷ”. Nơi Khải huyền 19:11-16 cho thấy rõ ngài là Đấng Hủy Diệt và Đấng Hành Quyết được Đức Chúa Trời bổ nhiệm.
NGÀY 9-15 THÁNG 12
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | KHẢI HUYỀN 10-12
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 880, 881
Cuộn sách
Dùng theo nghĩa bóng. Trong Kinh Thánh có một số trường hợp cho thấy từ “cuộn sách” được dùng theo nghĩa bóng. Ê-xê-chi-ên và Xa-cha-ri, mỗi người đều nhìn thấy một cuộn sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài. Thường thì người ta chỉ viết một mặt của cuộn sách, nên việc cuộn sách được viết cả hai mặt có lẽ nói đến sự đè nặng, phạm vi rộng lớn và tính nghiêm trọng của những thông điệp phán xét được viết trong các cuộn sách ấy (Êxê 2:9–3:3; Xa 5:1-4). Trong khải tượng, đấng ngồi trên ngai cầm một cuộn sách bên tay phải được niêm phong bằng bảy con dấu, không ai có thể đọc được cho đến khi Chiên Con của Đức Chúa Trời mở ra (Kh 5:1, 12; 6:1, 12-14). Cũng trong khải tượng đó, chính Giăng được ban cho một cuộn sách và ông được lệnh ăn nó. Cuộn sách có vị ngọt với Giăng nhưng lại làm cho bụng của ông bị đắng. Việc cuộn sách được mở và không bị niêm phong cho thấy nội dung trong cuộn sách đó sẽ được hiểu. Cuộn sách ấy “ngọt” với Giăng vì ông hiểu được nội dung trong đó, nhưng dường như nó trở nên đắng khi ông phải nói tiên tri về nó, là điều ông được bảo phải làm (Kh 10:1-11). Ê-xê-chi-ên có trải nghiệm tương tự với cuộn sách mà ông thấy, trong đó có “những bài bi ca, than khóc và ta thán”.—Êxê 2:10.
it-2-E trg 187 đ. 7-9
Cơn đau chuyển dạ
Trong khải tượng được miêu tả nơi sách Khải huyền, sứ đồ Giăng thấy một phụ nữ ở trên trời “kêu la đau đớn và quặn thắt vì sắp sinh”. Đứa trẻ ấy là “một con trai, là đấng sẽ cai trị mọi dân bằng cây gậy sắt”. Bất kể những nỗ lực của con rồng hòng nuốt lấy đứa trẻ nhưng đứa trẻ ấy “liền được đưa đến chỗ Đức Chúa Trời và ngai của ngài” (Kh 12:1, 2, 4-6). Đứa trẻ được Đức Chúa Trời đưa đi cho thấy ngài chấp nhận con trẻ ấy là con của ngài; theo tục lệ thời xưa thì đứa trẻ mới sinh phải được đưa đến trước mặt cha để được chấp nhận. “Người phụ nữ” là “vợ” của Đức Chúa Trời, tức “Giê-ru-sa-lem trên cao”, và là “mẹ” của Đấng Ki-tô cùng anh em thiêng liêng của ngài.—Ga 4:26; Hê 2:11, 12, 17.
Dĩ nhiên “người phụ nữ” trên trời là hoàn hảo, nên việc sinh con sẽ không khiến bà bị đau đớn theo nghĩa đen. Thế nên, cơn đau chuyển dạ theo nghĩa bóng cho thấy “người phụ nữ” nhận ra là bà sắp sinh; bà biết là không lâu nữa, bà sẽ sinh.—Kh 12:2.
“Con trai” đó sẽ là ai? Ngài sẽ “cai trị mọi dân bằng cây gậy sắt”. Điều này về Vua Mê-si đã được tiên tri nơi Thi thiên 2:6-9. Nhưng Giăng thấy khải tượng này rất lâu sau khi Đấng Ki-tô sinh ra trên đất, chết và sống lại. Vì thế, có lẽ khải tượng nói đến sự ra đời của Nước Đấng Mê-si dưới sự trị vì của Con Đức Chúa Trời, đấng đã được sống lại và ‘ngồi bên tay hữu Cha cho đến khi Cha đặt quân thù làm bệ chân Con’.—Hê 10:12, 13; Th 110:1; Kh 12:10.
NGÀY 16-22 THÁNG 12
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | KHẢI HUYỀN 13-16
“Đừng sợ những con thú dữ”
re-E trg 194 đ. 26
Tranh đấu với hai con thú dữ
26 Con thú dữ có hai sừng này nói đến ai? Cường quốc Anh Mỹ là đầu thứ bảy của con thú dữ thứ nhất, nhưng nó đóng một vai trò đặc biệt! Việc tách riêng cường quốc này thành một con thú riêng biệt sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn cách nó hoạt động độc lập trên thế giới. Con thú dữ có hai sừng tượng trưng được tạo thành từ hai thực thể chính trị, tồn tại cùng một thời điểm, độc lập nhưng hợp tác với nhau. Con thú có hai sừng “như sừng của cừu con” cho thấy nó tự biến mình thành một thực thể ôn hòa, vô hại và lập nên một thể chế thu hút mọi nước trên đất đến với mình. Nhưng nó lại nói “như một con rồng”, theo nghĩa dùng áp lực và sự đe dọa, thậm chí là vũ lực tại bất cứ nơi nào không chấp nhận chính sách cai trị của nó. Nó không khuyến khích người ta vâng phục Nước Trời dưới sự trị vì của Chiên Con của Đức Chúa Trời. Thay vì thế, nó khuyến khích người ta làm theo ý của Sa-tan, con rồng lớn. Nó cổ vũ sự chia rẽ dân tộc và sự thù hằn, là hai trong những điều dẫn đến việc thờ phượng con thú dữ thứ nhất.
re-E trg 195 đ. 30, 31
Tranh đấu với hai con thú dữ
30 Lịch sử cho thấy tượng này là tổ chức được Anh Mỹ đề xuất, đẩy mạnh và ủng hộ; ban đầu nó được biết đến là Hội Quốc Liên. Sau đó, Khải huyền chương 17 cho thấy nó xuất hiện dưới một biểu tượng khác, đó là một con thú dữ sắc đỏ tồn tại độc lập. Tổ chức này khoác lác rằng mình là tổ chức duy nhất có thể mang lại nền hòa bình và an ninh cho nhân loại. Nhưng thực chất nó lại trở thành diễn đàn để các nước thành viên đả kích và sỉ nhục lẫn nhau. Nó đe dọa sẽ khai trừ bất cứ nước nào hoặc người nào không ủng hộ uy quyền của nó. Sự thật là Hội Quốc Liên đã khai trừ những nước không tuân theo tư tưởng của nó. Vào lúc hoạn nạn lớn bắt đầu, các sừng quân phiệt của tượng con thú dữ sẽ thực hiện vai trò tàn phá.—Khải huyền 7:14; 17:8, 16.
31 Kể từ Thế Chiến II, tượng của con thú dữ, giờ đây được biết đến là Liên Hiệp Quốc, đã gây chết chóc. Chẳng hạn, vào năm 1950, lực lượng của Liên Hiệp Quốc đã tham gia vào cuộc chiến giữa Bắc Hàn và Nam Hàn. Lực lượng của Liên Hiệp Quốc cùng với Nam Hàn đã giết khoảng 1.420.000 người Bắc Hàn và Trung Quốc. Tương tự, từ năm 1960 đến 1964, quân đội Liên Hiệp Quốc hoạt động tích cực ở Congo (Kinshasa). Ngoài ra, những nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Giáo Hoàng Phao-lô VI và Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, tiếp tục khẳng định rằng tượng của con thú dữ, tức Liên Hiệp Quốc, là hy vọng tối ưu và duy nhất cho nền hòa bình của nhân loại. Họ quả quyết là nếu nhân loại không quy phục nó thì sẽ tự hủy diệt chính mình. Theo nghĩa bóng, những nhà lãnh đạo thế giới đã khiến cho hết thảy những ai từ chối đi theo và thờ tượng con thú ấy bị giết.—Phục truyền luật lệ 5:8, 9.
NGÀY 23-29 THÁNG 12
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | KHẢI HUYỀN 17-19
“Trận chiến của Đức Chúa Trời chấm dứt mọi cuộc chiến”
it-1-E trg 1146 đ. 1
Ngựa
Trong khải tượng của sứ đồ Giăng, Chúa Giê-su vinh hiển được miêu tả là đang cưỡi một con ngựa bạch và theo sau ngài là một đạo quân cũng cưỡi ngựa bạch. Khải tượng này được tiết lộ cho Giăng, nói đến sự công chính và công lý của cuộc chiến mà Đấng Ki-tô sẽ chiến đấu chống lại mọi kẻ thù của Cha ngài, Đức Giê-hô-va (Kh 19:11, 14). Trước đó, ngài thực thi uy quyền với tư cách là Vua và những hoạn nạn theo sau được tượng trưng bởi những kỵ sĩ và ngựa của họ.—Kh 6:2-8.
re-E trg 286 đ. 24
Chiến thắng của Vua kiêm Chiến Sĩ tại Ha-ma-ghê-đôn
24 Con thú dữ có bảy đầu và mười sừng lên từ biển tượng trưng cho tổ chức chính trị của Sa-tan, bị rơi vào quên lãng cùng với kẻ tiên tri giả, tức đế quốc thế giới thứ bảy (Khải huyền 13:1, 11-13; 16:13). Trong khi vẫn “đang sống” hoặc đang hợp sức chống nghịch dân Đức Chúa Trời trên đất thì chúng sẽ bị quăng vào “hồ lửa”. Đây có phải là hồ lửa theo nghĩa đen không? Không. Giống như con thú dữ và tiên tri giả được hiểu theo nghĩa bóng, thì hồ lửa là một nơi tượng trưng cho sự hủy diệt hoàn toàn và vĩnh viễn, không có sự sống lại. Đây là nơi mà sau này sự chết và Ha-đe cũng như Ác Quỷ sẽ bị quăng vào (Khải huyền 20:10, 14). Chắc chắn, đó không phải là một địa ngục tra tấn đời đời những kẻ ác, vì ý tưởng hành hạ người ta trong địa ngục là điều ghê tởm với Đức Giê-hô-va.—Giê-rê-mi 19:5; 32:35; 1 Giăng 4:8, 16.
re-E trg 286 đ. 25
Chiến thắng của Vua kiêm Chiến Sĩ tại Ha-ma-ghê-đôn
25 Những người khác không trực tiếp là một thành phần của chính phủ nhưng vẫn thuộc thế gian bại hoại và không chịu thay đổi cũng “bị giết bởi lưỡi gươm dài thò ra từ miệng đấng cưỡi ngựa”. Chúa Giê-su sẽ tuyên bố là họ đáng phải chết. Vì hồ lửa không được đề cập trong trường hợp của họ, vậy họ có cơ hội sống lại không? Không nơi nào cho thấy những người bị Đấng Xét Xử của Đức Giê-hô-va phán xét vào thời điểm đó sẽ được sống lại. Chính Chúa Giê-su nói rằng hết thảy những người không phải là “chiên” sẽ vào “lửa muôn đời đã chuẩn bị sẵn cho Ác Quỷ và các thiên sứ của hắn”, tức “sự hủy diệt vĩnh viễn” (Ma-thi-ơ 25:33, 41, 46). Đây sẽ là đỉnh điểm của “ngày phán xét và hủy diệt những kẻ không tin kính”.—2 Phi-e-rơ 3:7; Na-hum 1:2, 7-9; Ma-la-chi 4:1.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
re-E trg 247, 248 đ. 5, 6
Một điều mầu nhiệm đáng kinh ngạc được làm sáng tỏ
5 “Con thú dữ... đã có”. Thật vậy, con thú này là Hội Quốc Liên được thành lập ngày 10-1-1920, và từ đó trở đi có 63 nước thành viên tham gia. Tuy nhiên, Nhật Bản, Đức và Ý lần lượt rút tên khỏi Hội Quốc Liên, còn Liên bang Xô Viết cũ thì bị khai trừ khỏi tổ chức này. Vào tháng 9 năm 1939, nhà độc tài Quốc Xã phát động Thế Chiến II. Vì thất bại trong việc gìn giữ nền hòa bình thế giới nên Hội Quốc Liên gần như rơi xuống vực sâu và ngưng hoạt động. Đến năm 1942, tổ chức này đã hết thời. Không phải trước đó hay một thời gian sau, nhưng chính vào năm 1942, Đức Giê-hô-va đã tiết lộ cho dân ngài ý nghĩa trọn vẹn của khải tượng này. Tại hội nghị Thần quyền Thế Giới Mới, anh Knorr nói về lời tiên tri và công bố rằng “con thú dữ... đã có”. Rồi anh nêu câu hỏi: “Hội Quốc Liên sẽ vẫn ở trong vực sâu không?”. Sau khi trích Khải huyền 17:8, anh trả lời: “Hiệp hội các nước thế gian sẽ xuất hiện trở lại”. Điều này đã thật sự xảy ra, chứng tỏ lời tiên tri của Đức Giê-hô-va hoàn toàn chính xác!
Lên từ vực sâu
6 Con thú dữ sắc đỏ quả thật đã ra khỏi vực sâu. Vào ngày 26-6-1945, với tiếng kèn inh ỏi ở San Francisco, Hoa Kỳ, 50 nước đã đồng thuận thông qua Hiến chương của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Mục tiêu của tổ chức này là “duy trì nền hòa bình và an ninh thế giới”. Có nhiều điểm tương đồng giữa Hội Quốc Liên và Liên Hiệp Quốc. Từ điển The World Book Encyclopedia có viết: “Theo nghĩa nào đó, Liên Hiệp Quốc cũng tương tự với Hội Quốc Liên được thành lập sau Thế Chiến I... Nhiều nước tham gia thành lập Hội Quốc Liên cũng tham gia thành lập Liên Hiệp Quốc. Giống như Hội Quốc Liên, Liên Hiệp Quốc được thành lập để gìn giữ nền hòa bình giữa các nước. Cơ cấu của Liên Hiệp Quốc rất giống với Hội Quốc Liên”. Thật vậy, Liên Hiệp Quốc là con thú dữ sắc đỏ được khôi phục trở lại. Liên Hiệp Quốc có khoảng 190 nước thành viên, vượt xa so với Hội Quốc Liên chỉ có 63 nước thành viên; tổ chức này cũng đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn tổ chức tiền nhiệm.
NGÀY 30 THÁNG 12–NGÀY 5 THÁNG 1
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | KHẢI HUYỀN 20-22
“Này! Ta đang làm mọi vật nên mới”
re-E trg 301 đ. 2
Trời mới và đất mới
2 Hàng trăm năm trước thời sứ đồ Giăng, Đức Giê-hô-va phán với Ê-sai: “Kìa! Ta tạo dựng trời mới và đất mới; những điều trước kia sẽ không được gợi lên trong trí, cũng không được khơi lại trong lòng” (Ê-sai 65:17; 66:22). Lời tiên tri này được ứng nghiệm lần đầu khi những người Do Thái trung thành trở về Giê-ru-sa-lem vào năm 537 TCN sau 70 năm bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Vào thời điểm được khôi phục đó, họ hợp thành một xã hội được tẩy sạch, tức “đất mới” dưới một chính phủ mới, tức “trời mới”. Tuy nhiên, sứ đồ Phi-e-rơ cho thấy lời tiên tri này được áp dụng theo cách khác nữa qua những lời ông nói: “Nhưng sẽ có trời mới và đất mới mà chúng ta đang chờ đợi theo lời hứa của ngài, và nơi đó sự công chính sẽ ngự trị” (2 Phi-e-rơ 3:13). Giăng cho thấy lời hứa này được ứng nghiệm vào ngày của Chúa. “Trời cũ cùng đất cũ đã qua đi”, thế gian của Sa-tan cùng các chính phủ loài người bị Sa-tan và các quỷ ảnh hưởng sẽ qua đi. “Biển” xáo động gồm những người gian ác, tức nhân loại phản nghịch, sẽ không còn tồn tại. Trời cũ và đất cũ sẽ được thay thế bởi “trời mới và đất mới”, tức một xã hội mới trên đất dưới sự trị vì của một chính phủ mới là Nước Đức Chúa Trời.—So sánh Khải huyền 20:11.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 249 đ. 2
Sự sống
Khi ban mệnh lệnh cho A-đam, Đức Chúa Trời cho thấy rằng nếu A-đam vâng lời, ông sẽ không chết (Sa 2:17). Vì thế, đối với những người biết vâng lời, khi kẻ thù sau cùng là sự chết bị hủy diệt, thì điều khiến con người phải chết là tội lỗi sẽ không còn. Con người sẽ sống mãi và không bao giờ phải chết (1Cô 15:26). Sự chết sẽ bị hủy diệt vào cuối triều đại của Đấng Ki-tô, là triều đại kéo dài 1.000 năm như được nói trong sách Khải huyền. Ở đây nói về những người trở thành vua kiêm thầy tế lễ cùng với Đấng Ki-tô, đó là họ sẽ “được sống lại và cùng làm vua cai trị với Đấng Ki-tô trong 1.000 năm”. ‘Những người chết khác không được sống lại cho đến khi mãn hạn 1.000 năm’ phải là những người sống vào cuối một ngàn năm, nhưng trước thời điểm Sa-tan được thả ra khỏi vực sâu và có một cuộc thử thách quyết định đối với nhân loại. Vào cuối một ngàn năm, những người sống trên đất sẽ đạt đến sự hoàn hảo, giống như tình trạng ban đầu của A-đam và Ê-va. Giờ đây nhân loại trên đất thật sự có đời sống hoàn hảo. Sau đó, những người vượt qua thử thách khi Sa-tan được thả ra trong ít lâu từ vực sâu có thể vui hưởng đời sống cho đến mãi mãi.—Kh 20:4-10.
it-2-E trg 189, 190
Hồ lửa
Khái niệm này chỉ được đề cập duy nhất trong sách Khải huyền và mang ý nghĩa tượng trưng. Chính Kinh Thánh giải thích và cho thấy điều này khi nói: “Hồ lửa tượng trưng cho sự chết thứ hai”.—Kh 20:14; 21:8.
Chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa tượng trưng của hồ lửa khi xem xét bối cảnh những câu Kinh Thánh liên quan trong sách Khải huyền. Kinh Thánh nói sự chết sẽ bị quăng vào hồ lửa (Kh 19:20; 20:14). Rõ ràng, sự chết không thể bị thiêu rụi theo nghĩa đen. Hơn nữa, Ác Quỷ, tạo vật thần linh vô hình, cũng bị quăng vào hồ lửa. Là thần linh, hắn không bị ngọn lửa theo nghĩa đen hành hại.—Kh 20:10; so sánh Xu 3:2 và Qu 13:20.
Vì hồ lửa tượng trưng cho “sự chết thứ hai” và Khải huyền 20:14 nói rằng cả “sự chết và mồ mả” đều bị quăng vào đó, điều này cho thấy hồ này không thể tượng trưng cho sự chết di truyền từ A-đam (Rô 5:12), cũng không tượng trưng cho Ha-đe (Sê-ôn). Vì thế, hồ này là hình ảnh tượng trưng cho một sự chết khác, là sự chết vĩnh viễn; không chỗ nào cho thấy những người trong “hồ” sẽ được thả ra, khác với những người chết do di truyền từ A-đam và những người ở trong Ha-đe (Sê-ôn) (Kh 20:13). Ngoài ra, những ai không có tên trong “sách sự sống”, tức những kẻ ngoan cố chống lại quyền cai trị của Đức Chúa Trời, sẽ bị quăng vào hồ lửa, tức gánh chịu sự hủy diệt vĩnh viễn hay sự chết thứ hai.—Kh 20:15.