Hãy tìm niềm an ủi nơi sức mạnh của Đức Giê-hô-va
“Khi tư-tưởng bộn-bề trong lòng tôi, thì sự an-ủi Ngài làm vui-vẻ linh-hồn tôi”.—THI-THIÊN 94:19.
KINH THÁNH có lời an ủi cho tất cả những ai mong được khuây khỏa. Vậy không lạ gì khi cuốn The World Book Encyclopedia nói rằng “vô số người quay về với Kinh Thánh để tìm nguồn an ủi, hy vọng và sự hướng dẫn trong những giai đoạn khó khăn và bấp bênh”. Tại sao?
Vì Kinh Thánh được Đấng Tạo Hóa yêu thương của chúng ta soi dẫn, Ngài là “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”, Đấng ‘yên-ủi chúng ta trong mọi sự khốn-nạn’. (2 Cô-rinh-tô 1:3, 4) Ngài là ‘Đức Chúa Trời yên-ủi’. (Rô-ma 15:5) Đức Giê-hô-va nêu gương trong việc cung cấp một phương tiện làm vơi bớt nỗi đau buồn của tất cả chúng ta. Ngài đã phái Chúa Giê-su Christ, Con một của Ngài, xuống trái đất để ban cho chúng ta hy vọng và sự an ủi. Chúa Giê-su dạy: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16) Kinh Thánh miêu tả Đức Giê-hô-va “là Đấng hằng ngày gánh gánh-nặng của chúng tôi, tức là Đức Chúa Trời, sự cứu-rỗi của chúng tôi”. (Thi-thiên 68:19) Những người kính sợ Đức Chúa Trời có thể tin tưởng mà nói rằng: “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; tôi chẳng hề bị rúng-động, vì Ngài ở bên hữu tôi”.—Thi-thiên 16:8.
Những đoạn Kinh Thánh như thế cho thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời dành cho loài người một tình yêu thương sâu đậm. Rõ ràng Ngài chân thành mong muốn—và cũng có đủ năng lực—để cung cấp dư dật nguồn an ủi và làm dịu nỗi đau của chúng ta trong những lúc buồn khổ. “Ngài ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức”. (Ê-sai 40:29) Vậy làm thế nào chúng ta có thể tìm được niềm an ủi nơi sức mạnh của Đức Giê-hô-va?
Sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va có tác dụng xoa dịu
Người viết Thi-thiên viết: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động”. (Thi-thiên 55:22) Thật thế, Giê-hô-va Đức Chúa Trời quan tâm đến gia đình nhân loại. Sứ đồ Phi-e-rơ trấn an các tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất: “Ngài [Đức Chúa Trời] hay săn-sóc anh em”. (1 Phi-e-rơ 5:7) Chúa Giê-su Christ nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời xem loài người đáng quý khi ngài nói: “Người ta há chẳng bán năm con chim sẻ giá hai đồng tiền sao? Nhưng Đức Chúa Trời không quên một con nào hết. Dầu đến tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm cả rồi. Đừng sợ chi, vì các ngươi trọng hơn nhiều chim sẻ”. (Lu-ca 12:6, 7) Đối với Đức Chúa Trời, chúng ta có giá trị đến nỗi Ngài lưu ý từng chi tiết nhỏ nhặt về chúng ta. Vì quan tâm nhiều đến mỗi người chúng ta, Ngài biết những điều mà chính chúng ta cũng không biết.
Cảm nhận được mối quan tâm mà Đức Giê-hô-va dành cho mỗi người đã mang lại niềm an ủi lớn đối với Svetlana, cô gái mãi dâm trẻ nói đến trong bài trước. Ngay khi cô toan tự tử thì cô gặp Nhân Chứng Giê-hô-va. Rồi cô nhận lời học Kinh Thánh. Nhờ vậy mà cô biết Đức Giê-hô-va là Đấng có thật và quan tâm đến hạnh phúc của cô. Điều này động lòng cô, thúc đẩy cô thay đổi lối sống và dâng mình cho Đức Chúa Trời. Việc học Kinh Thánh cũng cho Svetlana lòng tự trọng cần thiết để bền chí bất chấp những khó khăn riêng và để có một quan điểm tích cực về cuộc đời. Giờ đây cô nói: “Tôi tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ lìa bỏ tôi. Tôi nhận thấy câu 1 Phi-e-rơ 5:7 là đúng. Câu đó nói: ‘Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho [Đức Giê-hô-va], vì Ngài hay săn-sóc anh em’ ”.
Hy vọng dựa trên Kinh Thánh mang lại an ủi
Một cách đặc biệt mà Đức Chúa Trời cung cấp nguồn an ủi là qua Lời của Ngài, vì Lời ấy chứa đựng hy vọng tuyệt diệu cho tương lai. Sứ đồ Phao-lô viết: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy”. (Rô-ma 15:4) Phao-lô chỉ rõ mối tương quan giữa hy vọng thật và nguồn an ủi khi ông viết: “Nguyền xin... Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là Đấng đã yêu-thương chúng ta, và đã lấy ân-điển Ngài mà ban cho chúng ta sự yên-ủi đời đời và sự trông-cậy tốt-lành, hãy yên-ủi lòng anh em, khiến anh em được bền-vững trong mọi việc lành cùng mọi lời nói lành!” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:16, 17) “Sự trông-cậy tốt-lành” gồm triển vọng về một đời sống hoàn toàn, hạnh phúc và bất tận trong một địa đàng trên đất.—2 Phi-e-rơ 3:13.
Hy vọng chắc chắn và tươi sáng như thế đã khích lệ anh Laimonis, người bại liệt nghiện rượu nói đến trong bài trước. Đọc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, anh vui mừng học biết về thế giới mới dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời, trong đó sức khỏe anh sẽ được hoàn toàn hồi phục. Anh đọc được trong Kinh Thánh lời hứa sáng ngời về việc chữa lành bằng phép lạ như sau: “Bấy giờ, những kẻ mù sẽ mở mắt, những kẻ điếc sẽ rỗng tai. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát”. (Ê-sai 35:5, 6) Để hội đủ tiêu chuẩn sống trong Địa Đàng ấy, Laimonis đã thay đổi rất nhiều. Anh bỏ rượu; láng giềng và những người quen biết không khỏi chú ý đến sự thay đổi của anh. Hiện nay anh điều khiển vài học hỏi Kinh Thánh, chia sẻ với người khác niềm an ủi có được do hy vọng dựa trên Kinh Thánh.
Vai trò của lời cầu nguyện
Khi lòng đau đớn vì nguyên nhân nào đó, chúng ta có thể tìm an ủi qua lời cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Điều này có thể cất được gánh nặng của chúng ta. Trong khi thỉnh cầu, chúng ta có thể được an ủi khi nhớ lại những điều trong Lời Đức Chúa Trời. Bài Thi-thiên dài nhất trong Kinh Thánh giống như một lời cầu nguyện hay. Người sáng tác bài đó hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi đã nhớ lại mạng-lịnh Ngài khi xưa, nên tôi được an-ủi”. (Thi-thiên 119:52) Trong những cảnh ngộ cực kỳ khó khăn, đặc biệt khi sức khỏe bị nguy kịch, thường thường không một giải pháp nào giải quyết được mọi việc cho ổn thỏa. Với sức riêng, có thể chúng ta không biết đích xác phải quay về đâu. Nhiều người thấy rằng sau khi làm tất cả những gì sức con người có thể làm, thì việc quay về Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện đem lại niềm an ủi lớn và đôi khi dẫn đến những giải pháp bất ngờ.—1 Cô-rinh-tô 10:13.
Pat, người được đưa gấp vào phòng cấp cứu, đã nghiệm rõ tác dụng an ủi của lời cầu nguyện. Sau khi hồi phục, chị nói: “Tôi cầu nguyện cùng Đức Giê-hô-va và thật sự nhận thức rõ rằng mình phải đặt sự sống trong tay Ngài, tin cậy rằng Ngài sẽ làm bất cứ điều gì phù hợp với ý Ngài. Trong suốt thời gian ấy, tôi cảm thấy bình tĩnh; tôi đã cảm nghiệm được sự bình an của Đức Chúa Trời nói đến nơi Phi-líp 4:6, 7”. Những câu này có thể an ủi tất cả chúng ta biết bao! Ở đấy Phao-lô khuyên: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.
Được thánh linh an ủi
Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su nói rõ cho các sứ đồ chẳng bao lâu nữa ngài sẽ xa họ. Điều này khiến họ bối rối và đau lòng. (Giăng 13:33, 36; 14:27-31) Nhận thấy họ vẫn cần được an ủi sau này, Chúa Giê-su hứa: “Ta lại sẽ nài-xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên-ủi khác, để ở với các ngươi đời đời”. (Giăng 14:16) Ở đây Chúa Giê-su nói đến thánh linh của Đức Chúa Trời. Một trong những điều thánh linh của Đức Chúa Trời đã thực hiện là an ủi các sứ đồ trong cơn thử thách và củng cố họ để tiếp tục làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.—Công-vụ 4:31.
Angie, người có chồng suýt chết sau tai nạn xe hơi trầm trọng, đã có thể đối phó thành công với tất cả nỗi đau buồn của cảnh ngộ mình. Điều gì đã giúp đỡ chị? Chị nói: “Không có sự nâng đỡ của thánh linh Đức Giê-hô-va, chúng tôi không thể nào vượt qua hoàn cảnh và vẫn vững chí. Sức mạnh của Đức Giê-hô-va quả thật đã biểu hiện ra qua sự yếu đuối của chúng tôi, và Ngài chứng minh Ngài là đồn lũy của chúng tôi trong thì gian truân”.
Được tình anh em an ủi
Dù hoàn cảnh cá nhân thế nào, bất luận cảnh ngộ đau buồn đến đâu, một người có thể tìm được an ủi nơi tình anh em trong hội thánh của Đức Giê-hô-va. Tình anh em này cung cấp sự nâng đỡ và hỗ trợ về phương diện thiêng liêng cho những ai kết hợp với hội thánh. Nơi đó, ta thấy có một nhóm bạn bè yêu thương, quan tâm và an ủi nhau, những người sẵn lòng giúp đỡ và an ủi người khác trong cơn hoạn nạn.—2 Cô-rinh-tô 7:5-7.
Những thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ được dạy dỗ “làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10) Nền giáo dục dựa trên Kinh Thánh mà họ tiếp thu thúc đẩy họ biểu lộ lòng yêu thương tha thiết đối với nhau. (Rô-ma 12:10; 1 Phi-e-rơ 3:8) Anh chị em thiêng liêng trong hội thánh được thúc đẩy tỏ ra tử tế, biết an ủi và có lòng nhân từ.—Ê-phê-sô 4:32.
Joe và Rebecca đã mất con trai cách bi thảm, cảm nghiệm được sự nâng đỡ đầy an ủi này từ những thành viên của hội thánh. Họ nói: “Đức Giê-hô-va và hội thánh yêu thương của Ngài đã giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Chúng tôi nhận được hàng trăm bưu thiếp, thư từ và những cuộc điện thoại. Điều này khiến chúng tôi nhận thấy được tình anh em đáng quý biết bao. Trong khi chúng tôi còn trong tình trạng bàng hoàng vì thảm họa, nhiều hội thánh địa phương đã đến giúp, cung cấp đồ ăn và dọn dẹp nhà cửa”.
Tìm được an ủi!
Khi giông tố nghịch cảnh bắt đầu hú lên từng hồi và tai họa trút xuống không ngớt, Đức Chúa Trời sẵn lòng cung cấp sự che chở đầy an ủi. Một trong những bài Thi-thiên miêu tả Ngài là Đấng cung cấp nơi trú ẩn đầy an ủi như sau: “Ngài sẽ lấy lông Ngài mà che-chở ngươi, và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ được nương-náu mình”. (Thi-thiên 91:4) Hình ảnh này có thể là một con đại bàng. Đó là hình ảnh một con chim mẹ cảm nhận được sự nguy hiểm liền dang rộng đôi cánh để che chở các chim con. Theo nghĩa rộng hơn, Đức Giê-hô-va trở nên Đấng Che Chở thật sự cho tất cả những ai tìm đến ẩn náu nơi Ngài.—Thi-thiên 7:1.
Nếu bạn muốn học biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời, cá tính của Ngài, ý định, và khả năng cung cấp sự an ủi của Ngài, chúng tôi mời bạn học Lời Ngài. Nhân Chứng Giê-hô-va vui lòng giúp bạn trong nỗ lực ấy. Đúng vậy, chính bạn cũng có thể tìm được niềm an ủi nơi sức mạnh của Đức Giê-hô-va!
[Các hình nơi trang 7]
Hy vọng dựa trên Kinh Thánh về tương lai có thể cung cấp nguồn an ủi