Đức Giê-hô-va là nơi nương náu chúng ta
“Bởi vì ngươi đã nhờ Đức Giê-hô-va làm nơi nương-náu mình,... nên sẽ chẳng có tai-họa gì xảy đến ngươi”.—THI-THIÊN 91:9, 10.
1. Tại sao có thể nói Đức Giê-hô-va là nơi nương náu của chúng ta?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA quả là nơi nương náu của dân Ngài. Khi hết lòng phụng sự Ngài, chúng ta có thể “bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng; bị bắt-bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh-đập, nhưng không đến chết mất”. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta “quyền-phép lớn dường ấy [“sức lực vượt quá mức bình thường”, NW]”. (2 Cô-rinh-tô 4:7-9) Đúng vậy, Cha trên trời giúp chúng ta theo đuổi đời sống tin kính, vì thế chúng ta có thể khắc ghi những lời này của người viết Thi-thiên: “Bởi vì ngươi đã nhờ Đức Giê-hô-va làm nơi nương-náu mình, và Đấng Chí-Cao làm nơi-ở mình, nên sẽ chẳng có tai-họa gì xảy đến ngươi”.—Thi-thiên 91:9, 10.
2. Có thể nói gì về bài Thi-thiên 91, và bài này hứa hẹn điều gì?
2 Những lời này nơi Thi-thiên 91 có lẽ là của Môi-se, vì chú thích ở đầu bài Thi-thiên 90 cho biết ông là tác giả của bài, và bài 91 tiếp theo không nêu tên tác giả nào khác. Có lẽ bài này được hát theo lối đối đáp, với một giọng đơn xướng lên trước (91:1, 2), và cả nhóm bè đáp lại (91:3-8). Tiếp theo lại đến giọng đơn (91:9a), và cả nhóm hát đáp lại (91:9b-13). Những lời cuối có lẽ được hát bởi giọng đơn (91:14-16). Dù sử dụng cách hát nào, nội dung của bài Thi-thiên này vẫn là lời hứa về sự an toàn thiêng liêng cho lớp tín đồ Đấng Christ được xức dầu và nhóm bạn đồng hành đã dâng mình của họ.a Chúng ta hãy cùng xem xét bài Thi-thiên này theo quan điểm của hai lớp tôi tớ đó của Đức Giê-hô-va.
An toàn trong ‘nơi kín-đáo của Đức Chúa Trời’
3. (a) “Nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao” là gì? (b) Chúng ta được hưởng điều gì khi “ở dưới bóng của Đấng Toàn-năng”?
3 Người viết Thi-thiên hát: “Người nào ở nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn-năng. Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương-náu tôi, và là đồn-lũy tôi; cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin-cậy nơi Ngài”. (Thi-thiên 91:1, 2) “Nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao” có nghĩa bóng là nơi che chở chúng ta, đặc biệt là đối với những người được xức dầu, mục tiêu tấn công chính của Ma-quỉ. (Khải-huyền 12:15-17) Nếu không được Đức Chúa Trời che chở như những người khách trú ngụ trong nhà Ngài, Sa-tan hẳn đã tiêu diệt hết thảy chúng ta. Khi “ở dưới bóng của Đấng Toàn-năng”, chúng ta núp bóng Ngài hoặc được che chở. (Thi-thiên 15:1, 2; 121:5) Không nơi trú náu, hay đồn lũy nào có thể an toàn và kiên cố hơn là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 18:10.
4. “Kẻ bắt chim”, Sa-tan, thường dùng những công cụ nào, và làm sao chúng ta thoát được?
4 Người viết Thi-thiên nói thêm: “Ngài [Đức Giê-hô-va] sẽ giải-cứu ngươi khỏi bẫy chim [“bẫy của kẻ bắt chim”, “NW”], và khỏi dịch-lệ độc-hại”. (Thi-thiên 91:3) Những người săn chim ở nước Y-sơ-ra-ên xưa thường dùng bẫy. Trong số những bẫy mà “kẻ bắt chim”, Sa-tan, dùng có tổ chức gian ác và những “mưu-kế” của hắn. (Ê-phê-sô 6:11) Những cái bẫy kín được gài khắp trên đường đi của chúng ta, nhằm lôi kéo chúng ta vào việc ác, đưa đến sự băng hoại về thiêng liêng. (Thi-thiên 142:3) Tuy nhiên, vì đã từ bỏ những điều không công bình, “linh-hồn chúng ta thoát-khỏi như chim thoát-khỏi rập”. (Thi-thiên 124:7, 8) Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va xiết bao vì Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi tay “kẻ bắt chim” độc ác!—Ma-thi-ơ 6:13, NW.
5, 6. “Dịch-lệ” nào đang gây “độc-hại”, nhưng tại sao dân sự Đức Giê-hô-va không bị lây nhiễm?
5 Người viết Thi-thiên nhắc đến “dịch-lệ độc-hại”. Như một căn bệnh truyền nhiễm, có điều gì đó đang gây “độc-hại” cho gia đình nhân loại và cho cả những người ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. Về điều này, sử gia Arnold Toynbee viết: “Từ khi Thế Chiến II kết thúc, chủ nghĩa dân tộc đã khiến số nước tự trị tăng gấp đôi... Tinh thần chia rẽ của nhân loại hiện nay ngày càng gia tăng”.
6 Trong những thế kỷ qua, một số nhà lãnh đạo đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh gây chia rẽ khắp nơi trên thế giới. Họ còn đòi hỏi phải tôn kính họ hoặc một số hình ảnh, biểu tượng nào đó. Nhưng Đức Giê-hô-va không bao giờ để dân sự trung thành của Ngài bị lây nhiễm “dịch-lệ” đó. (Đa-ni-ên 3:1, 2, 20-27; 6:7-10, 16-22) Là một đoàn thể anh em quốc tế có lòng yêu thương, chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va sự tin kính chuyên độc, giữ lập trường trung lập theo Kinh Thánh, và công tâm nhìn nhận “trong các dân, hễ ai kính-sợ [Đức Chúa Trời] và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-6; Giăng 13:34, 35; 17:16; 1 Phi-e-rơ 5:8, 9) Mặc dù phải chịu sự “độc-hại” dưới hình thức bắt bớ vì là tín đồ Đấng Christ, nhưng chúng ta vẫn được vui mừng và an toàn về thiêng liêng trong “nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao”.
7. Làm thế nào Đức Giê-hô-va “lấy lông Ngài” che chở chúng ta?
7 Vì Đức Giê-hô-va là nơi nương náu chúng ta, chúng ta được an ủi bởi những lời này: “Ngài sẽ lấy lông Ngài mà che-chở ngươi, và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ được nương-náu mình; sự chân-thật Ngài là cái khiên và cái can [“bức tường”, NW] của ngươi”. (Thi-thiên 91:4) Đức Chúa Trời che chở chúng ta như chim mẹ vờn quanh che chở con mình. (Ê-sai 31:5) ‘Ngài lấy lông Ngài che-chở chúng ta’. “Lông” thường được dùng để chỉ cánh chim. Loài chim dùng cánh che con để bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi. Như những chú chim non, chúng ta được an toàn dưới “lông” tượng trưng của Đức Giê-hô-va vì chúng ta nương náu nơi tổ chức thật của Đấng Christ.—Ru-tơ 2:12; Thi-thiên 5:1, 11.
8. Tại sao “sự chân-thật” của Đức Giê-hô-va được ví như một cái khiên lớn và một bức tường?
8 Chúng ta tin cậy nơi “sự chân-thật”, hay thành tín của Đức Chúa Trời, và đức tính này được ví như một cái khiên thời cổ đại, thường có hình chữ nhật và đủ lớn để che cả thân người. (Thi-thiên 5:12) Tin tưởng nơi sự che chở đó giúp giải tỏa sự sợ hãi. (Sáng-thế Ký 15:1; Thi-thiên 84:11) Giống như đức tin của chúng ta, sự chân thật của Đức Chúa Trời cũng là một cái khiên lớn có thể dập tắt những tên lửa của Sa-tan, và bảo vệ chúng ta trước cuộc tấn công của kẻ thù. (Ê-phê-sô 6:16) Sự chân thật Ngài cũng giống một bức tường phòng thủ vững chắc mà chúng ta có thể an tâm đứng đằng sau.
‘Chúng ta sẽ chẳng sợ’
9. Tại sao ban đêm là thời khắc đáng sợ, nhưng vì sao chúng ta không sợ hãi?
9 Luận về sự che chở của Đức Chúa Trời, người viết Thi-thiên nói: “Ngươi sẽ chẳng sợ hoặc sự kinh-khiếp ban đêm, hoặc tên bay ban ngày, hoặc dịch-lệ lây ra trong tối-tăm, hay là sự tàn-diệt phá-hoại đương lúc trưa”. (Thi-thiên 91:5, 6) Vì những hành động xấu xa thường xảy ra trong bóng tối, nên ban đêm có thể là thời khắc đáng sợ. Trong bóng tối thiêng liêng hiện đang bao trùm trái đất, kẻ thù thường dùng những hành động xảo trá hòng phá đổ thiêng liêng tính và ngăn cản công việc rao giảng của chúng ta. Nhưng ‘chúng ta chẳng sợ sự kinh-khiếp ban đêm’ vì đã có sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 64:1, 2; 121:4; Ê-sai 60:2.
10. (a) “Tên bay ban ngày” dường như ám chỉ điều gì, và chúng ta phản ứng thế nào trước điều đó? (b) “Dịch-lệ lây ra trong tối-tăm” là gì, và tại sao chúng ta không sợ nó?
10 “Tên bay ban ngày” dường như ám chỉ những lời công kích. (Thi-thiên 64:3-5, NW; 94:20) Nhưng khi chúng ta kiên trì trình bày sự thật, sự chống đối công khai nhắm vào thánh chức chúng ta sẽ trở nên vô hiệu. Chúng ta cũng không sợ “dịch-lệ lây ra trong tối-tăm”, là dịch lệ theo nghĩa bóng sinh sôi trong thế giới tối tăm, đã bị băng hoại về đạo đức và tôn giáo dưới quyền lực của Sa-tan. (1 Giăng 5:19) Bệnh dịch này khiến lòng và trí người ta trở nên u mê, không thể nhận biết Đức Giê-hô-va cùng những ý định và sắp đặt đầy yêu thương của Ngài. (1 Ti-mô-thê 6:4) Dù phải sống giữa sự tối tăm đó, chúng ta vẫn không sợ hãi, vì được đầy tràn ánh sáng thiêng liêng.—Thi-thiên 43:3.
11. Điều gì xảy ra cho những người bị “phá-hoại đương lúc trưa”?
11 “Sự tàn-diệt phá-hoại đương lúc trưa” cũng không làm chúng ta kinh hãi. Buổi “trưa” có lẽ ám chỉ sự sáng suốt của thế gian. Nhưng những ai chạy theo quan điểm duy vật của thế gian sẽ bị hủy hoại về thiêng liêng. (1 Ti-mô-thê 6:20, 21) Còn khi can đảm công bố thông điệp Nước Trời, chúng ta không phải sợ bất kỳ kẻ thù nào vì Đức Giê-hô-va là Đấng Bảo Vệ của chúng ta.—Thi-thiên 64:1; Châm-ngôn 3:25, 26.
12. Hàng ngàn người đã “sa-ngã” bên cạnh ai, và theo nghĩa nào?
12 Người viết Thi-thiên nói tiếp: “Sẽ có ngàn người sa-ngã bên ngươi, và muôn người sa-ngã bên hữu ngươi; song tai-họa sẽ chẳng đến gần ngươi. Ngươi chỉn lấy mắt mình nhìn-xem, và sẽ thấy sự báo-trả cho kẻ ác”. (Thi-thiên 91:7, 8) Vì không nương náu mình nơi Đức Giê-hô-va, nhiều người đã “ngã” vào tình trạng chết về thiêng liêng ngay “bên” chúng ta. Thật thế, cả “muôn người” đã sa ngã “bên hữu” dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng ngày nay. (Ga-la-ti 6:16) Nhưng các tín đồ Đấng Christ, dù là người được xức dầu hay những bạn đồng hành đã dâng mình của họ, đều được an toàn trong “nơi kín-đáo” của Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ ‘nhìn-xem để thấy sự báo-trả cho kẻ ác’, những kẻ đang phải gặt điều dữ trong lãnh vực làm ăn kinh doanh, tôn giáo, và những mặt khác.—Ga-la-ti 6:7.
‘Chẳng có tai-họa gì xảy đến chúng ta’
13. Những tai họa nào không xảy đến cho chúng ta, và tại sao?
13 Mặc dù thế giới ngày càng mất an ninh, chúng ta vẫn đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu và vững tin nhờ lời của người viết Thi-thiên: “Bởi vì ngươi đã nhờ Đức Giê-hô-va làm nơi nương-náu mình, và Đấng Chí-Cao làm nơi-ở mình, nên sẽ chẳng có tai-họa gì xảy đến ngươi, cũng chẳng có ôn-dịch nào tới gần trại ngươi”. (Thi-thiên 91:9, 10) Vâng, Đức Giê-hô-va là nơi nương náu của chúng ta, Đấng Chí Cao là ‘nơi-ở chúng ta’, nơi chúng ta được an toàn. Chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va như Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, ‘ở’ nơi Ngài vì là Nguồn của sự an toàn, và công bố tin mừng về Nước Ngài. (Ma-thi-ơ 24:14) Vì thế, ‘chẳng có tai-họa nào sẽ xảy đến cho chúng ta’—không một tai họa nào mà bài Thi-thiên này đã nhắc đến. Dù như những người khác, chúng ta cũng phải chịu động đất, cuồng phong, lũ lụt, đói kém, hay hậu quả tàn khốc của chiến tranh, nhưng những tai họa này không thể phá hủy đức tin và sự an toàn về thiêng liêng của chúng ta.
14. Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, vì sao chúng ta không bị nhiễm ôn dịch chết người?
14 Các tín đồ Đấng Christ được xức dầu như những khách trọ, sống trong lều, tách biệt với hệ thống mọi sự này. (1 Phi-e-rơ 2:11) ‘Chẳng có ôn-dịch nào tới gần trại họ’. Dù có hy vọng lên trời hay sống trên đất, chúng ta đều không thuộc về thế gian và nhờ vậy không bị nhiễm những ôn dịch làm hủy hoại thiêng liêng tính như sự vô luân, chủ nghĩa vật chất, tôn giáo giả, hay sự thờ phượng “con thú” cùng “tượng” nó, tức Liên Hiệp Quốc.—Khải-huyền 9:20, 21; 12:18–13:18; Giăng 17:16.
15. Chúng ta được các thiên sứ hỗ trợ trong những phương diện nào?
15 Về sự che chở chúng ta được hưởng, người viết Thi-thiên nói thêm: “Ngài [Đức Giê-hô-va] sẽ ban lệnh cho thiên-sứ Ngài, bảo gìn-giữ ngươi trong các đường-lối ngươi. Thiên-sứ sẽ nâng ngươi trên bàn tay mình, e chân ngươi vấp nhằm hòn đá chăng”. (Thi-thiên 91:11, 12) Các thiên sứ đã được ban cho quyền năng để bảo vệ chúng ta. (2 Các Vua 6:17; Thi-thiên 34:7-9; 104:4, NW; Ma-thi-ơ 26:53; Lu-ca 1:19) Họ che chở chúng ta ‘trong các đường-lối mình’. (Ma-thi-ơ 18:10) Là những người công bố Nước Trời, chúng ta được các thiên sứ hướng dẫn và che chở hầu khỏi vấp ngã về thiêng liêng. (Khải-huyền 14:6, 7) Ngay cả những ‘hòn đá’ như sự cấm đoán công việc rao giảng cũng không thể khiến chúng ta vấp ngã và đánh mất ân phước Đức Chúa Trời.
16. Cách tấn công của “sư-tử tơ” và “rắn hổ-mang” khác nhau thế nào, và chúng ta phản ứng ra sao trước các cuộc tấn công đó?
16 Người viết Thi-thiên tiếp: “Ngươi sẽ bước đi trên sư-tử và rắn hổ-mang; còn sư-tử tơ và con rắn [“lớn”, “NW”], ngươi sẽ giày-đạp dưới chân”. (Thi-thiên 91:13) Như một sư tử tơ tấn công trực diện, một số kẻ thù của chúng ta công khai chống đối bằng cách thông qua những đạo luật cấm đoán công việc rao giảng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng gặp phải những cuộc tấn công bất ngờ, như kiểu rắn hổ mang thình lình phóng ra từ nơi ẩn núp. Giới giáo phẩm đôi khi ngấm ngầm vận động các nhà lập pháp, quan tòa, hay những giới chức khác để tấn công chúng ta. Nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta ôn hòa tìm công lý nơi tòa án, như vậy, “dùng pháp lý để bênh vực và củng cố tin mừng”.—Phi-líp 1:7, NW; Thi-thiên 94:14, 20-22.
17. Làm thế nào chúng ta giày đạp “sư-tử tơ”?
17 Người viết Thi-thiên nói đến việc giày đạp ‘sư-tử tơ và con rắn lớn’. Một con sư tử tơ có thể rất hung dữ, và rắn là loài bò sát có thể có kích thước rất lớn. (Ê-sai 31:4) Nhưng dù sư tử tơ có tấn công trực diện hung hãn đến đâu, chúng ta vẫn có thể giày đạp nó, theo nghĩa bóng, nếu vâng lời Đức Chúa Trời, thay vì theo những nhân vật hay tổ chức hung dữ chẳng khác nào sư tử. (Công-vụ 5:29) Có như vậy, chúng ta mới không bị “sư-tử” hung dữ làm phương hại về thiêng liêng.
18. ‘Con rắn lớn’ làm chúng ta liên tưởng tới ai, và chúng ta phải làm gì khi bị nó tấn công?
18 Trong bản Kinh Thánh Septuagint bằng tiếng Hy Lạp, ‘con rắn lớn’ được gọi là “con rồng”, làm chúng ta liên tưởng tới “con rồng lớn... tức là con rắn xưa, gọi là ma-quỉ và Sa-tan”. (Khải-huyền 12:7-9; Sáng-thế Ký 3:15) Hắn như một loài bò sát khổng lồ có khả năng nghiền nát và nuốt chửng con mồi. (Giê-rê-mi 51:34, NW) Khi Sa-tan tìm cách quấn quanh chúng ta, xiết chặt lại bằng áp lực thế gian và nuốt chửng chúng ta, hãy tìm cách thoát khỏi vòng kiềm tỏa đó, và giày đạp ‘con rắn lớn’. (1 Phi-e-rơ 5:8) Những người được xức dầu còn xót lại [sót lại] phải làm điều đó nếu muốn dự phần vào sự ứng nghiệm của Rô-ma 16:20.
Đức Giê-hô-va—Nguồn cứu rỗi chúng ta
19. Tại sao chúng ta nương náu nơi Đức Giê-hô-va?
19 Người viết Thi-thiên mô tả Đức Chúa Trời nói về những người thờ phượng thật: “Bởi vì người tríu-mến ta, nên ta sẽ giải-cứu người; ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh ta”. (Thi-thiên 91:14) Cụm từ “ta sẽ đặt người lên nơi cao”có nghĩa là nơi bất khả xâm phạm, trong tình trạng được bảo vệ. Là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta nương náu mình nơi Ngài đặc biệt vì ‘tríu-mến Ngài’. (Mác 12:29, 30; 1 Giăng 4:19) Đáp lại, Đức Chúa Trời ‘giải-cứu chúng ta’ khỏi kẻ thù. Chúng ta sẽ không bao giờ bị diệt khỏi đất mà trái lại, sẽ được cứu vì chúng ta biết và kêu cầu danh Đức Chúa Trời với đức tin. (Rô-ma 10:11-13) Chúng ta cương quyết ‘bước theo danh Đức Giê-hô-va đời đời’.—Mi-chê 4:5; Ê-sai 43:10-12.
20. Trong đoạn kết của Thi-thiên 91, Đức Giê-hô-va hứa điều gì với tôi tớ trung thành của Ngài?
20 Ở đoạn kết của Thi-thiên 91, Đức Giê-hô-va nói về các tôi tớ trung thành của Ngài: “Người sẽ kêu-cầu ta, ta sẽ đáp lời người; trong sự gian-truân, ta sẽ ở cùng người; giải-cứu người, và tôn vinh người. Ta sẽ cho người thỏa lòng sống lâu [“với những ngày dài”, “NW”], và chỉ cho người thấy sự cứu-rỗi của ta”. (Thi-thiên 91:15, 16) Khi chúng ta cầu nguyện theo ý Đức Chúa Trời, Ngài luôn đáp lời. (1 Giăng 5:13-15) Chúng ta đã trải qua biết bao gian truân vì Sa-tan luôn xui giục người khác chống lại chúng ta. Tuy nhiên, câu “trong sự gian-truân, ta sẽ ở cùng người” giúp chúng ta đương đầu với những khó khăn trong tương lai, và bảo đảm rằng Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ chúng ta khi Ngài hủy diệt hệ thống mọi sự gian ác này.
21. Những người được xức dầu đã được vinh hiển như thế nào?
21 Bất kể sự chống đối kịch liệt của Sa-tan, toàn bộ số người được xức dầu, hiện ở cùng chúng ta, sẽ được vinh hiển trên trời vào kỳ định của Đức Giê-hô-va—sau “những ngày dài” trên đất. Tuy nhiên, ngay bây giờ họ đã được vinh hiển về thiêng liêng vì được Đức Chúa Trời cứu rỗi cách diệu kỳ. Và thật vinh dự biết bao khi họ được dẫn đầu trong công việc làm chứng cho Đức Giê-hô-va trên đất trong những ngày cuối cùng này! (Ê-sai 43:10-12) Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện cuộc giải cứu lớn nhất đối với dân Ngài tại đại chiến Ha-ma-ghê-đôn, khi Ngài biện minh cho quyền thống trị và làm vinh hiển danh thánh Ngài.—Thi-thiên 83:18; Ê-xê-chi-ên 38:23; Khải-huyền 16:14, 16.
22. Những ai sẽ được ‘thấy sự cứu-rỗi của Đức Giê-hô-va’?
22 Dù là tín đồ được xức dầu hay những bạn đồng hành đã dâng mình của họ, hết thảy chúng ta đều trông cậy nơi sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Trong “ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va”, những ai trung thành phụng sự Ngài sẽ được cứu. (Giô-ên 2:30-32) Những người hợp thành đám đông “vô-số người” được sống sót để vào thế giới mới của Đức Chúa Trời, và giữ lòng trung thành qua cơn thử thách cuối cùng sẽ được ‘thỏa-lòng với những ngày dài’—tức sống vĩnh cửu. Ngài cũng sẽ làm vô số người sống lại. (Khải-huyền 7:9; 20:7-15) Quả thật, Đức Giê-hô-va sẽ vui mừng ‘cho chúng ta thấy sự cứu-rỗi’ qua Chúa Giê-su Christ. (Thi-thiên 3:8) Trước những viễn cảnh huy hoàng đó, chúng ta hãy tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để biết đếm các ngày mình, sao cho danh Ngài được vinh hiển. Qua lời nói và hành động, mong sao chúng ta tiếp tục chứng tỏ Đức Giê-hô-va là nơi nương náu của mình.
[Chú thích]
a Những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp không nhắc đến Thi-thiên 91 như một lời tiên tri về Đấng Mê-si. Nhưng dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va cũng là nơi nương náu và đồn lũy của Chúa Giê-su Christ, như đối với các môn đồ được xức dầu của ngài và nhóm bạn đồng hành đã dâng mình của họ trong “kỳ cuối-cùng”.—Đa-ni-ên 12:4.
Bạn trả lời thế nào?
• “Nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao” là gì?
• Tại sao chúng ta không sợ hãi?
• Vì sao ‘chẳng có tai-họa gì xảy đến chúng ta’?
• Tại sao có thể nói Đức Giê-hô-va là nguồn cứu rỗi chúng ta?
[Hình nơi trang 17]
Bạn có biết vì sao sự chân thật của Đức Giê-hô-va là cái khiên của chúng ta không?
[Các hình nơi trang 18]
Đức Giê-hô-va giúp tôi tớ Ngài thực hiện thánh chức bất kể những tấn công bất ngờ hay sự chống đối công khai
[Nguồn tư liệu]
Rắn hổ mang: A. N. Jagannatha Rao, Trustee, Madras Snake Park Trust