Sự sáng tạo tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va
‘Chúa oai nghi hơn các ngọn núi’
NGẮM mặt trời mọc lên từ đỉnh núi Phú Sĩ là một kinh nghiệm khó quên. Mặt trời đỏ rực nơi chân trời, chiếu rọi trên tuyết trắng và đá nham thạch màu xám. Khi một ngày mới bắt đầu, bóng núi nhanh chóng trải rộng hàng cây số trên các ngọn đồi và thung lũng.
Giống như núi Phú Sĩ, khi viết ra bằng các ký tự nguyên thủy nó có nghĩa là “vô song”, những ngọn núi hùng vĩ luôn khiến chúng ta thán phục. Quả vậy, chúng ta cảm thấy thật nhỏ bé làm sao trước sự to lớn vĩ đại của chúng! Những ngọn núi này hùng vĩ đến độ nhiều người tin rằng đỉnh cao nhất, thường có mây và sương mù che phủ, là nơi các vị thần ngự.
Đấng mà các ngọn núi khen ngợi chính là Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa oai nghiêm đã dựng nên chúng. Chỉ một mình Ngài là ‘Đấng làm nên các núi’. (A-mốt 4:13) Khoảng một phần tư trái đất là núi, và khi tạo dựng hành tinh của chúng ta, Đức Chúa Trời thiết lập các lực để rồi cuối cùng những dãy và đỉnh núi tuyệt đẹp được hình thành. (Thi-thiên 95:4) Chẳng hạn, người ta tin rằng do sự dịch chuyển mạnh mẽ sâu trong lòng đất và sự chuyển động của phần vỏ trái đất đã hình thành hai dãy núi Himalayas và Andes.
Loài người chúng ta không hiểu hết được tại sao và làm thế nào mà có núi. Thật vậy, chúng ta không thể trả lời những câu hỏi được nêu ra cho người công bình Gióp: “Khi ta [Đức Giê-hô-va] đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu?... Nền nó đặt trên chi?”—Gióp 38:4-6.
Tuy nhiên chúng ta biết chắc sự sống mình tùy thuộc vào núi. Vì cung cấp nước cho tất cả các sông chính và cho nửa số dân trên đất nên núi được gọi là những tháp nước thiên nhiên. (Thi-thiên 104:13) Theo tạp chí New Scientist, “sáu trong số 20 loại cây lương thực chính của thế giới đều từ núi mà ra”. Dưới điều kiện cân bằng sinh thái trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa, “sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi”.—Thi-thiên 72:16; 2 Phi-e-rơ 3: 13.
Đối với nhiều người, khi nói đến núi là họ nghĩ ngay đến rặng núi Alps ở Châu Âu. Những ngọn núi cao này, bao gồm Núi Civetta trong hình ở đây, là một bằng chứng hùng hồn cho thấy có Đấng Tạo Hóa. (Thi-thiên 98:8) Chúng ngợi khen Đức Giê-hô-va, Đấng “dùng quyền-năng mình lập các núi vững-chắc”.—Thi-thiên 65:6.a
Sự hùng vĩ của rặng núi Alps thật đáng thán phục với những chóp núi đóng băng, sườn núi phủ đầy tuyết, các thung lũng, hồ và những đồng cỏ. Vua Đa-vít nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Đấng “làm cho cỏ mọc trên núi”.—Thi-thiên 147:8.
Dãy núi đồi—như những ngọn đồi ở Quế Lâm, Trung Quốc—dường như không hùng vĩ bằng rặng núi Alps nhưng đẹp lạ thường. Dọc theo sông Li là hàng hàng lớp lớp những đỉnh đá vôi gây ấn tượng cho du khách bởi vẻ đẹp của chúng. Ngắm nhìn dòng nước trong vắt chảy qua các đồi mờ mờ sương có thể khiến một người nhớ đến lời trong sách Thi-thiên: “Ngài [Đức Giê-hô-va] khiến các suối phun ra trong trũng, nó chảy giữa các núi”.—Thi-thiên 104:10.
Chúng ta có lý do để thán phục các ngọn núi vì nhận biết rằng chúng nằm trong sự ban cho đầy yêu thương của Đấng Tạo Hóa nhằm đem lại hạnh phúc và niềm vui cho nhân loại. Tuy nhiên, dù hùng vĩ đến đâu nhưng núi không thể sánh được với sự oai nghi của Đức Giê-hô-va. Ngài thực sự ‘oai nghi hơn các núi’.—Thi-thiên 76:4.
[Chú thích]
a Xem Lịch 2004 của Nhân Chứng Giê-hô-va, tháng Ba/tháng Tư.
[Khung/Hình nơi trang 9]
Mười phần trăm dân số thế giới sống ở vùng rừng núi. Nhưng đó không phải là trở ngại mà những người rao truyền tin mừng Nước Trời không thể vượt qua. Những người rao giảng đạo Đấng Christ này rất bận rộn ở những vùng cao nguyên. Và “những kẻ đem tin tốt, rao sự bình-an, đem tin tốt về phước-lành, rao sự cứu-chuộc... chân của những kẻ ấy trên các núi xinh-đẹp là dường nào!”—Ê-sai 52:7.
Người viết Thi-thiên hát: “Các núi cao là nơi-ở của dê rừng”. (Thi-thiên 104:18) Các loài dê rừng, như dê rừng Nubia có cặp sừng tuyệt đẹp, là một trong những động vật sống trên núi có bàn chân bám chắc nhất. Chúng đi dọc trên rìa đá hẹp đến nỗi dường như không thể qua được. Loài dê rừng này được phú cho khả năng sống ở những nơi khó đi lại. Đó một phần là nhờ cách cấu tạo móng chân của chúng. Kẽ móng chân có thể giãn ra giúp chúng bám chặt khi chúng đứng hoặc di chuyển trên những bờ đá hẹp. Thật vậy, dê rừng là một kiệt tác của sự sáng tạo!
[Hình nơi trang 9]
Núi Phú Sĩ, Honshu, Nhật Bản