Xác định sự yếu đuối, sự gian ác và sự ăn năn
TÍN ĐỒ đấng Christ ghét tội lỗi vì đó là sai trật tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va (Hê-bơ-rơ 1:9). Đáng buồn thay, tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng phạm tội. Mỗi người trong chúng ta phải chống cự lại sự yếu đuối và sự bất toàn cố hữu. Nhưng trong đa số trường hợp, nếu chúng ta thú tội cùng Đức Giê-hô-va và cố gắng hết sức không phạm lại những tội đó, chúng ta có thể đến cùng Ngài với lương tâm trong sạch (Rô-ma 7:21-24; I Giăng 1:8, 9; 2:1, 2). Chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va vì nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su, Ngài chấp nhận thánh chức của chúng ta bất chấp các yếu kém của chúng ta.
Nếu một người phạm tội nặng vì xác thịt yếu đuối, người đó cần khẩn cấp đến với trưởng lão xin sự giúp đỡ phù hợp với cách thức nêu ra nơi Gia-cơ 5:14-16: “Trong anh em có ai đau-ốm [về thiêng liêng] chăng? Hãy mời các trưởng-lão Hội-thánh đến... Nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha. Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu-nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh”.
Do đó, khi một tín đồ đấng Christ đã dâng mình phạm tội nặng, nếu người đó chỉ thú tội riêng cùng Đức Giê-hô-va thì không đủ. Các trưởng lão phải áp dụng các biện pháp nào đó, vì sự trong sạch hay sự bình an của hội thánh bị đe dọa (Ma-thi-ơ 18:15-17; I Cô-rinh-tô 5:9-11; 6:9, 10). Các trưởng lão có lẽ phải xác định: Người đó có ăn năn không? Điều gì đưa đến việc phạm tội? Hành động đó có phải là kết quả của một giây phút yếu đuối không? Tội đó có phải là thói quen không? Xác định được như vậy không phải lúc nào cũng dễ hay rõ ràng và đòi hỏi phải có sự suy xét sáng suốt.
Nhưng nếu một người phạm tội là vì theo đuổi con đường sai trái và có hạnh kiểm gian ác thì sao? Vậy thì, trách nhiệm của trưởng lão là rõ ràng. Khi chỉ dẫn cách xét xử một vấn đề nghiêm trọng trong hội thánh Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô nói: “Hãy trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi anh em” (I Cô-rinh-tô 5:13). Hội thánh tín đồ đấng Christ không có chỗ cho người gian ác.
Cân nhắc sự yếu đuối, sự gian ác và sự ăn năn
Làm thế nào các trưởng lão biết khi một người ăn năn?a Đây không phải là một câu hỏi đơn giản. Thí dụ, hãy suy nghĩ về Vua Đa-vít. Ông đã phạm tội ngoại tình và rồi giết người. Tuy vậy, Đức Giê-hô-va cho phép ông sống (II Sa-mu-ên 11:2-24; 12:1-14). Rồi hãy nghĩ đến A-na-nia và Sa-phi-ra. Họ nói dối cố tình gạt các sứ đồ, giả vờ cho người khác tưởng mình là người rộng lượng. Tội đó có nghiêm trọng không? Có. Có xấu xa bằng tội giết người và tội ngoại tình không? Chắc hẳn không. Tuy thế, A-na-nia và Sa-phi-ra đã phải trả bằng mạng sống mình (Công-vụ các Sứ-đồ 5:1-11).
Tại sao có sự phán xét khác nhau? Đa-vít phạm tội nặng vì xác thịt yếu đuối. Khi bị chất vấn về những gì mình đã làm, ông ăn năn và Đức Giê-hô-va tha thứ ông—tuy vậy ông bị sửa trị nghiêm khắc qua những vấn đề xảy ra trong gia đình ông. A-na-nia và Sa-phi-ra phạm tội vì họ nói dối để làm ra vẻ đạo đức, cố lường gạt hội thánh tín đồ đấng Christ và như thế họ ‘nói dối cùng thánh linh và cùng Đức Chúa Trời’. Điều đó cho thấy họ có một tấm lòng gian ác. Vì thế, họ bị phán xét nặng hơn.
Trong cả hai trường hợp Đức Giê-hô-va đứng ra phán xét, và sự phán xét của Ngài là chính xác vì Ngài có thể xem xét lòng của loài người (Châm-ngôn 17:3). Các trưởng lão là người phàm nên không thể làm vậy được. Vậy làm thế nào trưởng lão có thể nhận ra rằng một tội nặng là do sự yếu đuối hơn là vì gian ác?
Sự thật thì tất cả tội lỗi là gian ác, nhưng không phải tất cả những người phạm tội là người gian ác. Hai người có thể phạm tội giống nhau nhưng đối với người này thì có thể là vì yếu đuối, còn người kia vì lòng gian ác. Thật ra, một người phạm tội thường là vì người ấy có phần nào cả yếu đuối lẫn gian ác. Một yếu tố để xác định là người phạm tội nghĩ sao về việc mình đã làm và người đó có ý định làm gì về việc đó. Người đó có bày tỏ tinh thần ăn năn không? Các trưởng lão cần có khả năng suy xét để nhận thức điều này. Làm thế nào họ có thể có được khả năng suy xét đó? Sứ đồ Phao-lô hứa với Ti-mô-thê: “Hãy ngẫm nghĩ luôn về điều ta nói cho con; quả thật Chúa sẽ ban cho con khả năng suy xét trong mọi việc” (II Ti-mô-thê 2:7, NW). Nếu trưởng lão khiêm nhường “ngẫm nghĩ luôn” về lời được soi dẫn của Phao-lô và các người khác viết Kinh-thánh, họ sẽ có được khả năng suy xét cần thiết để nhận xét cho đúng đắn những người phạm tội trong hội thánh. Như thế thì sự quyết định của họ sẽ phản ảnh lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va, chứ không phải của riêng họ (Châm-ngôn 11:2; Ma-thi-ơ 18:18).
Làm sao đạt được điều này? Một cách là xem xét Kinh-thánh miêu tả người ác như thế nào và xem điều đó có áp dụng cho người phạm tội hay không.
Gánh lấy trách nhiệm và ăn năn
A-đam và Ê-va là hai người đầu tiên chọn theo đường lối gian ác. Mặc dù họ là hoàn toàn và hiểu rõ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, nhưng họ chống lại quyền thống trị của Đức Chúa Trời. Khi Đức Giê-hô-va đối chất với họ về chuyện họ đã làm, phản ứng của họ thật đáng chú ý—A-đam đổ lỗi cho Ê-va và Ê-va đổ lỗi cho con rắn! (Sáng-thế Ký 3:12, 13). Hãy so sánh điều này với sự khiêm nhường sâu xa của Đa-vít. Khi bị tố cáo về tội trọng ông đã phạm, ông gánh lấy trách nhiệm và cầu xin được tha thứ, ông nói: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va” (II Sa-mu-ên 12:13; Thi-thiên 51:4, 9, 10).
Các trưởng lão nên xem xét hai thí dụ này khi xét xử những trường hợp phạm tội nặng, nhất là trường hợp người lớn phạm tội. Người phạm tội có—giống như Đa-vít khi nhận ra tội lỗi của mình—thẳng thắn nhận tội và ăn năn xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và tha thứ, hay là người đó kiếm cách làm cho mình nhẹ tội, có lẽ còn đổ lỗi cho người khác? Đành rằng người phạm tội có thể muốn giải thích điều gì đưa mình đến hành động đó, và có lẽ có những hoàn cảnh trong quá khứ hay hiện tại mà các trưởng lão có thể cần xem xét khi quyết định làm thế nào giúp người đó (so sánh Ô-sê 4:14), nhưng người đó nên nhìn nhận chính mình là người đã phạm tội và chính mình phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống hối” (Thi-thiên 34:18).
Thực hành điều xấu
Sách Thi-thiên có đề cập nhiều lần đến người gian ác. Các câu Kinh-thánh đó có thể giúp thêm cho trưởng lão suy xét để biết một người chủ yếu là gian ác hay yếu đuối. Thí dụ, hãy xem xét lời cầu nguyện được soi dẫn của Vua Đa-vít: “Xin chớ cất tôi đi mất chung với kẻ dữ, hoặc với kẻ làm ác, là những kẻ nói hòa-bình cùng người lân-cận mình, song trong lòng lại có gian-tà” (Thi-thiên 28:3). Hãy chú ý là người gian ác được đề cập nơi đây tương đương với “kẻ làm ác”. Một người phạm tội vì xác thịt yếu đuối thì chắc là sẽ ngưng làm điều đó khi ý thức được. Nhưng nếu một người ‘thực hành’ điều xấu và nó trở thành một thói quen trong nếp sống mình, thì điều này có thể là bằng chứng của một tấm lòng gian ác.
Đa-vít đề cập đến một đặc điểm khác của sự gian ác trong câu đó. Giống như A-na-nia và Sa-phi-ra, người gian ác nói điều tốt bằng môi miệng nhưng trong lòng đầy sự xấu xa. Người đó có thể là một kẻ giả hình—giống như người Pha-ri-si trong thời Giê-su, họ làm ‘bề ngoài ra dáng công bình nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi’ (Ma-thi-ơ 23:28; Lu-ca 11:39). Đức Giê-hô-va ghét sự giả hình (Châm-ngôn 6:16-19). Nếu một người giả dối cố tình chối tội nặng của mình, ngay cả khi nói chuyện với ủy ban tư pháp hoặc chỉ công nhận miễn cưỡng những gì mà người khác đã biết, nhưng từ chối thú nhận tất cả, thì điều này có thể rõ ràng là bằng chứng của một tấm lòng gian ác.
Kiêu căng khinh thường Đức Giê-hô-va
Thi-thiên 10 đưa ra các đặc điểm khác của một người gian ác. Chúng ta đọc: “Kẻ ác, vì lòng kiêu-ngạo, hăm-hở rượt theo người khốn-cùng;... và khinh-dể [Đức Giê-hô-va]” (Thi-thiên 10:2, 3). Chúng ta nghĩ thế nào về một tín đồ đấng Christ đã dâng mình mà lại kiêu ngạo và khinh dể Đức Giê-hô-va? Chắc chắn, đây là những thái độ tinh thần gian ác. Một người phạm tội vì yếu đuối thì sẽ ăn năn và cố gắng thay đổi đường lối, một khi ý thức được tội lỗi hay một người khác lưu ý người đó đến lỗi lầm của mình (II Cô-rinh-tô 7:10, 11). Ngược lại, nếu một người phạm tội vì chủ yếu khinh thường Đức Giê-hô-va, thì điều gì sẽ ngăn ngừa người đó quay trở lại đường lối tội lỗi thêm nhiều lần nữa? Nếu người đó kiêu căng mặc dù được khuyên bảo với tinh thần hòa nhã, làm thế nào người đó có được sự khiêm nhường cần thiết để thành thật và thực sự ăn năn?
Bây giờ chúng ta hãy xem những lời của Đa-vít ở phần sau trong cùng bài Thi-thiên: “Vì cớ sao kẻ ác khinh-dể Đức Chúa Trời, và nghĩ rằng: Chúa sẽ chẳng hề hạch-hỏi?” (Thi-thiên 10:13). Trong khung cảnh của hội thánh tín đồ đấng Christ, người gian ác biết phân biệt giữa điều phải và trái, nhưng người đó không ngần ngại làm điều trái nếu nghĩ rằng mình có thể tránh khỏi bị trừng phạt. Miễn là không có ai biết, người đó tha hồ làm theo những ham muốn tội lỗi. Không như Đa-vít, nếu tội lỗi người bị đem ra ánh sáng, người sẽ tìm kế để tránh sự khiển trách. Một người như vậy là quá khinh thường Đức Giê-hô-va. “Chẳng có sự kính-sợ Đức Chúa Trời ở trước mắt nó... Nó cũng không gớm-ghiếc sự dữ” (Thi-thiên 36:1, 4).
Làm hại người khác
Thường thường, tội lỗi còn ảnh hưởng đến nhiều người khác nữa. Thí dụ, một người ngoại tình phạm tội cùng Đức Chúa Trời; người đó làm hại vợ con; nếu tình nhân của ông đã có chồng, ông hại gia đình của bà; và ông bôi nhọ danh tiếng tốt của hội thánh. Ông xem tất cả những điều đó như thế nào? Ông có bày tỏ sự đau buồn chân thành cùng với lòng ăn năn thành thật không? Hay ông biểu lộ tinh thần được miêu tả nơi Thi-thiên 94: “Những kẻ làm ác đều phô mình. Hỡi Đức Giê-hô-va, chúng nó chà-nát dân-sự Ngài, làm khổ sở cho cơ-nghiệp Ngài. Chúng nó giết người góa-bụa, kẻ khách, và làm chết những kẻ mồ-côi. Chúng nói rằng: Đức Giê-hô-va sẽ không thấy đâu, Đức Chúa Trời của Gia-cốp chẳng để ý vào”? (Thi-thiên 94:4-7).
Chắc có lẽ những tội lỗi được xét xử trong hội thánh sẽ không bao hàm việc sát nhân và giết chóc. Nhưng tinh thần biểu lộ ở đây—tinh thần sẵn sàng làm hại người khác để được lợi riêng—có thể trở nên rõ ràng khi trưởng lão tra xét tội lỗi. Điều này cũng là sự kiêu ngạo, dấu hiệu của một người gian ác (Châm-ngôn 21:4). Nó hoàn toàn trái ngược với tinh thần của tín đồ thật của đấng Christ, sẵn sàng hy sinh cho anh em mình (Giăng 15:12, 13).
Áp dụng nguyên tắc của Đức Chúa Trời
Một vài lời hướng dẫn này không phải là để đặt ra luật lệ. Tuy nhiên, các điều này cho chúng ta biết Đức Giê-hô-va xem điều nào là gian ác thực sự. Người phạm tội có phủ nhận trách nhiệm của tội mình đã phạm không? Người phạm tội có lờ đi một cách trơ tráo lời khuyên bảo trước kia về chính vấn đề này không? Người đó có quen thực hành tội nặng không? Người phạm tội có biểu lộ sự bất kính trắng trợn đối với luật pháp Đức Chúa Trời không? Người đó có gắng sức tính toán để che đậy tội lỗi, có lẽ đồng thời làm hư hỏng người khác không? (Giu-đe 4). Những cố gắng đó có càng tăng thêm khi tội lỗi bị phơi bày ra ánh sáng không? Người phạm tội có hoàn toàn coi thường sự tai hại mà mình đã gây cho người khác và cho danh Đức Giê-hô-va không? Thái độ của người đó ra sao? Sau khi nghe lời khuyên tử tế căn cứ trên Kinh-thánh, người đó có kiêu căng hoặc ngạo mạn không? Có phải người đó không thật lòng ước muốn tránh phạm tội nữa không? Nếu trưởng lão nhận thấy các dấu hiệu trên, tức là người phạm tội cho thấy rõ không có lòng ăn năn, thì họ có thể kết luận rằng người đó phạm tội vì có lòng gian ác chứ không phải vì sự yếu đuối của xác thịt.
Ngay cả khi xét xử một người có vẻ có khuynh hướng gian ác, trưởng lão không ngừng khuyến khích người đó tìm sự công bình (Hê-bơ-rơ 3:12). Người gian ác có thể ăn năn và thay đổi. Nếu không thì tại sao Đức Giê-hô-va khuyên nhủ người Y-sơ-ra-ên: “Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất-nghĩa khá bỏ các ý-tưởng; hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương-xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha-thứ dồi-dào”? (Ê-sai 55:7). Có lẽ, trong một buổi họp thẩm vấn, trưởng lão sẽ nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt trong tâm trạng của người như được phản ảnh trong cách cư xử và thái độ ăn năn.
Ngay cả khi đến lúc khai trừ một người, trưởng lão với tư cách là người chăn chiên sẽ khuyên nhủ người đó nên ăn năn và cố gắng trở lại để được ân huệ của Đức Giê-hô-va. Chúng ta nhớ “kẻ ác” trong hội thánh ở Cô-rinh-tô. Hiển nhiên người đó đã thay đổi đường lối, và sau đó Phao-lô đề nghị nhận người lại (II Cô-rinh-tô 2:7, 8). Cũng hãy xem trường hợp Vua Ma-na-se. Ông quả thật là người rất gian ác, nhưng cuối cùng đến lúc ông ăn năn, Đức Giê-hô-va chấp nhận sự ăn năn của ông (II Các Vua 21:10-16; II Sử-ký 33:9, 13, 19).
Thật ra, có tội sẽ không tha thứ được, đó là tội nghịch cùng thánh linh (Hê-bơ-rơ 10:26, 27). Chỉ mình Đức Giê-hô-va quyết định ai phạm tội đó. Loài người không có quyền làm điều đó. Trách nhiệm của trưởng lão là giữ cho hội thánh thanh sạch và giúp phục hồi người phạm tội biết ăn năn. Nếu họ làm vậy với sự suy xét và sự khiêm nhường, để cho sự quyết định của họ phản ảnh sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban phước cho phương diện chăn chiên này của họ.
[Chú thích]
a Muốn thêm chi tiết, xin xem Tháp Canh số ra ngày 1-10-1982, trg 8-13; sách Thông hiểu Kinh-thánh (Anh ngữ), quyển 2, trg 772-774.
[Hình nơi trang 29]
A-na-nia và Sa-phi-ra lừa dối thánh linh để làm ra vẻ đạo đức, cho thấy họ có tấm lòng gian ác