“Cuống-rốn con sẽ được mạnh-khỏe”
NGƯỜI TA tin rằng nhiều chứng bệnh của nhân loại đến từ những căng thẳng về cảm xúc như sợ hãi, buồn phiền, ghen tị, hờn giận, thù ghét và mặc cảm tội lỗi. Vì vậy, thật là an ủi biết bao khi đọc trong Kinh Thánh thấy rằng sự “kính-sợ Đức Giê-hô-va” làm cho “cuống-rốn con sẽ được mạnh-khỏe, và xương-cốt con được mát-mẻ”!—Châm-ngôn 3:7, 8.
Xương cốt là rường cột của thân thể. Bởi vậy, Kinh Thánh dùng từ “xương-cốt” theo phép ẩn dụ, để tượng trưng cho bản thể của một người—đặc biệt liên quan đến tình cảm và những xúc động sâu xa. Nhưng làm sao sự kính sợ Đức Giê-hô-va làm cho ‘cuống-rốn được mạnh-khỏe’?
Các học giả Kinh Thánh nêu ra những ý kiến khác nhau về từ “cuống-rốn” trong đoạn Kinh Thánh này. Một nhà nghiên cứu nói rằng vì “cuống-rốn” nằm “ở trung tâm của thân thể”, nên nó có thể tượng trưng cho tất cả những bộ phận trọng yếu của cơ thể. Một học giả khác cho rằng từ “cuống-rốn” đây có thể có nghĩa là dây rốn hay là “rún” như được dùng nơi Ê-xê-chi-ên 16:4. Nếu vậy thì Châm-ngôn 3:8 có thể nhấn mạnh việc chúng ta cần phải hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Chúa Trời, y như thai nhi yếu ớt hoàn toàn lệ thuộc vào sự nuôi dưỡng của người mẹ. Tuy nhiên, một ý tưởng khác nữa là “cuống-rốn” ở đây có thể ám chỉ các cơ và gân của thân thể. Trong văn mạch của câu Kinh Thánh này, có thể là các bộ phận trên tương phản với “xương-cốt”—những phần tử cứng cáp hơn của thân thể.
Dù có ý nghĩa đặc trưng nào đi nữa, điều chắc chắn là: Bày tỏ sự kính sợ lành mạnh đối với Đức Giê-hô-va là đường lối khôn ngoan. Sống phù hợp với các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời có thể góp phần cho hạnh phúc hiện tại về thể chất. Hơn thế nữa, điều này có thể mang đến cho chúng ta những ân huệ của Đức Giê-hô-va và dẫn đến đời sống vô tận trong thế giới mới sắp đến của Ngài, với tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất lẫn cảm xúc.—Ê-sai 33:24; Khải-huyền 21:4; 22:2.
[Nguồn tư liệu nơi trang 32]
Dr. G. Moscoso/SPL/Photo Researchers