Những tia sáng—Lớn và nhỏ (Phần Hai)
“Trong ánh-sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng” (THI-THIÊN 36:9).
1. Dân sự Đức Giê-hô-va thời ban đầu cố gắng hiểu các điều tượng trưng trong sách Khải-huyền như thế nào?
TỪ THỜI ban đầu, tín đồ đấng Christ rất chú ý muốn biết về sách Khải-huyền trong Kinh-thánh. Quyển sách này là một thí dụ tuyệt hay cho thấy làm sao ánh sáng của lẽ thật cứ luôn chiếu rạng càng ngày càng sáng thêm lên. Vào năm 1917, dân sự của Đức Giê-hô-va xuất bản sách The Finished Mystery (Sự mầu nhiệm đã nên trọn) để giải thích sách Khải-huyền. Sách này đã mạnh dạn phơi bày các lãnh tụ tôn giáo và chính trị thuộc các đạo tự xưng theo đấng Christ, nhưng nhiều lời giải thích được trích từ những nguồn khác nhau. Tuy vậy, sách “Sự mầu nhiệm đã nên trọn” đã thử thách lòng trung thành của các Học viên Kinh-thánh đối với cơ quan hữu hình mà Đức Giê-hô-va đang dùng.
2. Bài “Nước được thành lập” đã chiếu sáng thế nào trên sách Khải-huyền?
2 Một tia sáng rực rỡ đã chiếu rọi trên sách Khải-huyền khi Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-3-1925, in bài “Birth of the Nation” (Nước được thành lập). Trước đó người ta tưởng rằng Khải-huyền đoạn 12 mô tả một cuộc chiến tranh giữa Đế quốc La Mã theo tà giáo và chế độ giáo hoàng La Mã, tượng trưng bởi con trai. Nhưng bài này cho thấy rằng Khải-huyền 11:15-18 có liên hệ đến ý nghĩa của Khải-huyền đoạn 12, như vậy cho biết rằng đoạn ấy liên hệ đến Nước của Đức Chúa Trời được thành lập.
3. Những sách báo nào đã chiếu thêm ánh sáng trên sách Khải-huyền?
3 Tất cả những điều này khiến dân sự Đức Giê-hô-va hiểu sách Khải-huyền rõ hơn nhiều, khi bộ sách hai cuốn Light (Ánh sáng) được xuất bản năm 1930. Các sách “Babylon the Great Has Fallen!” God’s Kingdom Rules! (“Ba-by-lôn Lớn đã đổ rồi!” Nước Trời cai trị!) (1963) và “Then Is Finished the Mystery of God” (“Sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời đã nên trọn”) (1969) đã in thêm những sự điều chỉnh khác. Tuy vậy, dân sự Đức Giê-hô-va còn phải hiểu nhiều điều khác nữa về sách tiên tri Khải-huyền. Đúng vậy, ánh sáng càng rực rỡ hơn đã chiếu rạng trên sách ấy vào năm 1988, khi sách Revelation—Its Grand Climax At Hand! (Khải-huyền—Cao điểm vinh quang gần kề!) xuất bản. Chúng ta có thể nói rằng bí quyết cho sự thông sáng dần dần này là sự kiện lời tiên tri trong Khải-huyền áp dụng trong “ngày của Chúa”, bắt đầu năm 1914 (Khải-huyền 1:10). Vậy sách Khải-huyền sẽ được hiểu rõ hơn khi ngày ấy kéo dài.
Ý nghĩa của “các quyền trên” được làm sáng tỏ
4, 5. a) Các Học viên Kinh-thánh hiểu câu Rô-ma 13:1 như thế nào? b) Sau này họ thấy lập trường dựa trên Kinh-thánh về “các quyền trên” là gì?
4 Vào năm 1962, dân sự Đức Giê-hô-va nhìn thấy một tia sáng rực rỡ liên quan đến Rô-ma 13:1: “Mỗi linh hồn hãy phục tùng các quyền trên [“các nhà cầm quyền”, NW]” (King James Version). Các Học viên Kinh-thánh thời ban đầu hiểu rằng “các quyền trên” nơi đây chỉ đến các bậc cầm quyền thế gian. Họ hiểu câu này có nghĩa rằng hễ tín đồ đấng Christ nào bị gọi đi trưng binh vào thời chiến, người sẽ phải mặc quân phục, cầm súng và đi ra trận, xuống chiến hào. Họ nghĩ rằng vì tín đồ đấng Christ không thể giết người đồng loại mình, trong trường hợp đối cùng thì người sẽ phải bắn bổng.a
5 Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 15-11-1962 và ngày 1-12-1962, chiếu sáng rõ ràng trên vấn đề này khi bàn luận về những lời của Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 22:21: “Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời”. Những lời của các sứ đồ nơi Công-vụ các Sứ-đồ 5:29 cũng thích hợp: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. Tín đồ đấng Christ phải phục tùng Sê-sa—“các quyền trên”—miễn là điều này không đòi hỏi họ phải vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Họ nhận thấy rằng tín đồ đấng Christ phải vâng phục Sê-sa một cách tương đối, chứ không phải tuyệt đối. Tín đồ đấng Christ chỉ trả cho Sê-sa vật gì không đi ngược với những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi. Họ thấy thỏa lòng biết bao khi hiểu rõ vấn đề này!
Những tia sáng liên quan đến vấn đề tổ chức
6. a) Để tránh hệ thống tôn ti thịnh hành trong các đạo tự xưng theo đấng Christ, họ đưa ra nguyên tắc nào? b) Cuối cùng họ nhận thấy nên chọn các giám thị hội thánh bằng cách nào?
6 Một số người muốn biết ai nên phục vụ với tư cách trưởng lão và trợ tế trong hội thánh. Để tránh hệ thống tôn ti thịnh hành trong các đạo tự xưng theo đấng Christ, họ quyết định rằng các thành viên trong mỗi hội thánh nên bầu lên các trưởng lão theo lối dân chủ. Nhưng ánh sáng càng ngày càng sáng thêm lên chứa đựng trong Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-9-1932 và ngày 15-10-1932, cho thấy rằng việc bầu cử các trưởng lão không căn cứ trên Kinh-thánh. Vậy những người này được thay thế bởi một ủy ban công tác và một giám đốc công tác do Hội chọn lựa.
7. Nhờ được những tia sáng, dân sự Đức Giê-hô-va cải thiện cách bổ nhiệm các tôi tớ hội thánh như thế nào?
7 Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-6-1938, và ngày 15-6-1938, tỏa ra những tia sáng cho thấy rằng các tôi tớ trong hội thánh sẽ không được bầu cử, nhưng bổ nhiệm, tức bổ nhiệm theo lối thần quyền. Vào năm 1971, một tia sáng khác cho thấy rằng mỗi hội thánh sẽ không được điều khiển bởi chỉ một tôi tớ hội thánh mà thôi. Thay vì thế, mỗi hội thánh nên có một hội đồng trưởng lão, hoặc giám thị, do Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va chỉ định. Vậy, qua ánh sáng càng ngày càng sáng sủa hơn trải qua khoảng 40 năm, họ nhận thấy rằng nên để cho “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, qua Hội đồng Lãnh đạo bổ nhiệm các trưởng lão cùng với những người trợ tế, nay được gọi là tôi tớ thánh chức (Ma-thi-ơ 24:45-47). Điều này phù hợp với những gì xảy ra vào thời các sứ đồ. Những người như Ti-mô-thê và Tít được hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất bổ nhiệm làm giám thị (I Ti-mô-thê 3:1-7; 5:22; Tít 1:5-9). Tất cả những điều này làm ứng nghiệm một cách nổi bật câu Ê-sai 60:17: “Ta sẽ ban vàng thay cho đồng, ban bạc thay cho sắt, ban đồng thay cho gỗ, ban sắt thay cho đá. Ta sẽ khiến sự bình-an làm quan cai-trị ngươi, và sự công-bình làm quan xử-đoán ngươi”.
8. a) Nhờ được những tia sáng lẽ thật, họ đã cải thiện cách điều hành Hội Tháp Canh như thế nào? b) Các ủy ban của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương là gì, và mỗi ủy ban giám sát những khía cạnh nào?
8 Cũng có vấn đề về việc điều hành Hội Tháp Canh. Trong nhiều năm, Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va cũng là ban giám đốc của Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania), và chủ tịch của. Hội nắm phần lớn quyền kiểm soát trong tay. Như cuốn Niên giám của Nhân-chứng Giê-hô-va năm 1977 (Anh ngữ, trang 258, 259) cho thấy, vào năm 1976 Hội đồng Lãnh đạo Trung ương bắt đầu hoạt động qua sáu ủy ban; mỗi ủy ban được chỉ định trông nom những khía cạnh khác nhau của công việc trên khắp thế giới. Ủy ban Nhân viên quản lý những vấn đề nhân viên, kể cả quyền lợi của tất cả những người phục vụ trong gia đình Bê-tên trên khắp thế giới. Ủy ban Xuất bản xử lý các vấn đề thế tục và pháp lý, chẳng hạn về tài sản và việc ấn hành. Ủy ban Công tác chú tâm đến công việc rao giảng và giám sát các giám thị lưu động, người tiên phong và hoạt động của các người công bố Hội thánh. Ủy ban Giảng huấn chịu trách nhiệm về các buổi họp hội thánh, hội nghị đặc biệt một ngày, hội nghị vòng quanh, hội nghị địa hạt và quốc tế cũng như nhiều trường học khác nhau để dạy dỗ dân sự của Đức Chúa Trời về mặt thiêng liêng. Ủy ban Biên tập giám sát mọi loại sách báo trong giai đoạn biên soạn và phiên dịch, lo sao cho mọi sự đều phù hợp với Kinh-thánh. Ủy ban Chủ tọa lo cho các trường hợp khẩn trương và những vấn đề cấp bách khác. Cũng trong thập niên 1970, các văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh bắt đầu được một ủy ban quản lý, thay vì một người giám thị.b
Ánh sáng liên quan đến hạnh kiểm của tín đồ đấng Christ
9. Những tia sáng đã ảnh hưởng mối liên lạc giữa tín đồ đấng Christ và các chính phủ thế gian như thế nào?
9 Có nhiều tia sáng liên quan đến hạnh kiểm của tín đồ đấng Christ. Thí dụ, hãy xem vấn đề trung lập. Một tia sáng đặc biệt rực rỡ đã chiếu rạng liên quan đến vấn đề này trong bài “Neutrality” (Sự trung lập), in trong Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-11-1939. Bài này hợp thời biết bao, ra mắt ngay sau khi Thế chiến II bắt đầu! Bài này định nghĩa sự trung lập và cho thấy rằng tín đồ đấng Christ không được dính líu vào các vụ chính trị hoặc những cuộc đối đầu giữa các nước (Mi-chê 4:3, 5; Giăng 17:14, 16). Đây là một yếu tố khiến mọi nước ghen ghét họ (Ma-thi-ơ 24:9). Các trận chiến của dân Y-sơ-ra-ên xưa không đặt tiền lệ cho tín đồ đấng Christ, như Giê-su nói rõ nơi Ma-thi-ơ 26:52. Hơn nữa, ngày nay không có một nước nào theo nghĩa chính trị thật sự là một thể chế thần quyền, được Đức Chúa Trời cai trị, như nước Y-sơ-ra-ên xưa.
10. Các tia sáng tiết lộ điều gì liên quan đến cách tín đồ đấng Christ nên xem huyết?
10 Ánh sáng cũng chiếu rạng liên quan đến sự thánh khiết của huyết. Các Học viên Kinh-thánh tưởng rằng lệnh kiêng ăn huyết nơi Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29 chỉ được ban cho tín đồ đấng Christ người Do Thái mà thôi. Tuy nhiên, Công-vụ các Sứ-đồ 21:25 cho thấy rằng trong thời các sứ đồ, mệnh lệnh này cũng áp dụng cho những người thuộc dân ngoại đã tin đạo. Thành thử, sự thánh khiết của huyết áp dụng cho tất cả các tín đồ đấng Christ, như Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-7-1945 cho thấy. Đây có nghĩa không những từ chối ăn huyết thú vật, như trong dồi huyết, nhưng cũng tránh khỏi huyết của con người, như trong trường hợp tiếp máu.
11. Dân sự Đức Chúa Trời thấy gì liên quan đến quan điểm của tín đồ đấng Christ về việc sử dụng thuốc lá?
11 Vì nhận được thêm ánh sáng, những thói xấu mà người ta chỉ việc không tán thành trước kia, giờ đây được coi như một tội nghiêm trọng. Một thí dụ về điều này liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Trong Zion’s Watch Tower, số ra ngày 1-8-1895, anh Russell lưu ý độc giả về câu I Cô-rinh-tô 10:31 và; II Cô-rinh-tô 7:1, và viết: “Tôi không thể thấy làm sao một tín đồ đấng Christ dùng thuốc lá duối bất cứ hình thức nào mà có thể đem lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời hoặc lợi lộc riêng cho mình”. Kể từ năm 1973, họ hiểu rõ rằng hễ người nào dùng thuốc lá thì không thể làm Nhân-chứng Giê-hô-va. Vào năm 1976, một vấn đề khác được làm sáng tỏ. Đó là không có Nhân-chứng nào có thể làm việc ở sòng bạc mà vẫn ở trong hội thánh được.
Những sự điều chỉnh khác
12. a) Một tia sáng đã tiết lộ điều gì về số các chìa khóa Nước Trời giao cho Phi-e-rơ? (b) Phi-e-rơ dùng mỗi chìa khóa dưới hoàn cảnh nào?
12 Chúng ta cũng nhận được thêm ánh sáng liên quan đến số các chìa khóa tượng trưng mà Giê-su giao cho Phi-e-rơ. Các Học viên Kinh-thánh tin rằng Phi-e-rơ nhận được hai chìa khóa để mở đường cho người ta thừa hưởng Nước Trời—một chìa khóa dùng cho người Do Thái vào Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, và chìa khóa kia dành cho người dân ngoại, dùng lần đầu năm 36 công nguyên khi Phi-e-rơ giảng đạo cho Cọt-nây (Công-vụ các Sứ-đồ 2:14-41; 10:34-48). Với thời gian họ nhận thấy rằng một nhóm thứ ba cũng được nói đến—người Sa-ma-ri. Phi-e-rơ dùng chìa khóa thứ nhì khi mở đường cho họ vào Nước Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 8:14-17). Thành thử, Phi-e-rơ dùng chìa khóa thứ ba khi giảng đạo cho Cọt-nây (Tháp Canh [Anh ngữ], số ra ngày 1-10-1979, trang 16-22, 26).
13. Những tia sáng tiết lộ điều gì về các chuồng chiên nói đến ở Giăng đoạn 10?
13 Một tia sáng khác cho thấy rằng Giê-su không chỉ nói đến hai chuồng chiên, nhưng ngài nói đến ba chuồng chiên (Giăng, đoạn 10). Ba nhóm này là 1) chuồng chiên gồm người Do Thái, có Giăng Báp-tít làm người giữ cửa, 2) bầy những người được xức dầu sẽ kế tự Nước Trời, và 3) bầy “chiên khác” có hy vọng sống trên đất (Giăng 10:2, 3, 15, 16; Tháp Canh, số ra ngày 1-10-1984, trang 10-20).
14. Ánh sáng ngày càng thêm lên làm sáng tỏ khởi điểm của năm Hân hỉ được tượng trưng trước như thế nào?
14 Sự hiểu biết liên quan đến năm Hân hỉ đã được tượng trưng trước, cũng được làm sáng tỏ. Dưới Luật pháp, mỗi năm thứ 50 là năm Hân hỉ lớn; trong năm đó, tài sản được trao lại cho người chủ đầu tiên (Lê-vi Ký 25:10). Người ta đã hiểu từ lâu rằng năm này làm hình bóng cho Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ. Tuy nhiên, gần đây hơn, người ta thấy rằng năm Hân hỉ được tượng trưng trước thật sự bắt đầu vào Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, khi những người nhận được thánh linh được giải thoát khỏi ách của giao ước Luật pháp Môi-se (Tháp Canh [Anh ngữ], số ra ngày 1-1-1987, trang 18-28).
Thêm ánh sáng liên quan đến từ ngữ
15. Có ánh sáng nào liên quan đến chữ “kế hoạch”?
15 “Kẻ truyền-đạo có chuyên-lo tìm-kiếm những câu luận tốt-đẹp; và các lời đã viết ra đều là chánh-trực và chơn-thật” (Truyền-đạo 12:10). Chúng ta có thể áp dụng các lời này cho đề tài đang bàn luận, vì ánh sáng đã chiếu rạng không những trên những vấn đề hệ trọng như giáo lý và hạnh kiểm, nhưng cũng soi sáng trên từ ngữ của đạo đấng Christ và ý nghĩa chính xác của nó. Thí dụ, một trong những sách mà các Học viên Kinh-thánh yêu quí nhất là quyển một trong bộ Studies in the Scriptures (Khảo cứu Kinh-thánh), có tựa đề The Divine Plan of the Ages (Kế hoạch các thời đại của Đức Chúa Trời). Tuy nhiên, với thời gian họ ý thức rằng Lời Đức Chúa Trời chỉ nói đến việc loài người đặt kế hoạch (Châm-ngôn 19:21). Kinh-thánh không bao giờ nói rằng Đức Giê-hô-va đặt kế hoạch. Ngài không cần đặt kế hoạch. Vì cớ sự khôn ngoan và quyền năng vô biên của Ngài, bất cứ ý định nào của Ngài chắc chắn sẽ thành tựu, như chúng ta đọc nơi Ê-phê-sô 1:9, 10: “Theo ý định mà Ngài đã tự lập-thành trước trong lòng nhơn-từ Ngài—để làm sự định trước đó trong khi kỳ mãn”. Vậy sau này họ thấy rằng “ý định” là chữ thích hợp hơn khi nói về Đức Giê-hô-va.
16. Dân sự Đức Giê-hô-va dần dần thấy nên hiểu câu Lu-ca 2:14 thế nào?
16 Rồi có vấn đề hiểu câu Lu-ca 2:14 càng rõ hơn nữa. Theo bản Kinh-thánh King James Version, câu này viết: “Vinh hiển cho Đức Chúa Trời ở nơi cao, và bình an dưới đất, cho người thiện tâm”. Họ thấy rằng bản dịch này không diễn đạt đúng ý tưởng, vì Đức Chúa Trời không có thiện tâm đối với những kẻ ác. Vậy các Nhân-chứng xem câu này có nghĩa rằng những người có thiện tâm đối với Đức Chúa Trời sẽ được bình an. Cho nên họ cứ gọi những người chú ý đến Kinh-thánh là những người có thiện tâm. Nhưng rồi họ hiểu rằng câu này nói đến sự thiện tâm, không phải của loài người, nhưng của Đức Chúa Trời. Vậy lời chú thích về Lu-ca 2:14 trong bản Kinh-thánh Thế giới Mới nói về “loài người mà Ngài [Đức Chúa Trời] chấp nhận”. Tất cả tín đồ đấng Christ sống phù hợp với sự dâng mình đều hưởng thiện tâm của Đức Chúa Trời.
17, 18. Đức Giê-hô-va sẽ biện minh điều gì, và Ngài sẽ làm điều gì nên thánh?
17 Tương tự thế, trải qua nhiều năm, các Nhân-chứng nói đến việc biện minh danh của Đức Giê-hô-va. Nhưng Sa-tan có đặt nghi vấn về danh của Đức Giê-hô-va không? Hơn nữa, các quỉ sứ của hắn có làm thế không, làm ra vẻ Đức Giê-hô-va không có quyền mang danh đó? Chắc chắn là không. Không phải là danh Đức Giê-hô-va bị thách thức và phải được biện minh. Vì lẽ đó mà sách báo gần đây của Hội Tháp Canh không nói về danh của Đức Giê-hô-va được biện minh. Sách báo nói về việc biện minh quyền thống trị của Đức Chúa Trời và làm thánh danh Ngài. Điều này phù hợp với điều Giê-su bảo chúng ta cầu nguyện: “Danh Cha được thánh” (Ma-thi-ơ 6:9). Đức Giê-hô-va nói nhiều lần rằng Ngài sẽ làm thánh danh Ngài, danh mà dân Y-sơ-ra-ên làm ô nhục, chứ không thách thức (Ê-xê-chi-ên 20:9, 14, 22; 36:23).
18 Điều đáng chú ý là vào năm 1971, sách “The Nations Shall Know That I Am Jehovah”—How? (“Các nước sẽ biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va”—Bằng cách nào?) phân biệt điều này: “Giê-su Christ chiến đấu... để biện minh quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va và để làm sáng danh Ngài” (trang 364, 365). Vào năm 1973, sách God’s Kingdom of a Thousand Years Has Approached (Nước Trời Một Ngàn Năm sắp đến) nói: “ ‘Cơn đại-nạn’ sắp đến là lúc Giê-hô-va Đức Chúa Trời Toàn năng sẽ biện minh quyền thống trị hoàn vũ và làm sáng danh cao quí của Ngài” (trang 409). Rồi vào năm 1975, sách Man’s Salvation Out Of World Distress at Hand! (Sắp đến lúc giải cứu loài người khỏi sự khốn khổ của thế gian!) nói: “Lúc ấy biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới sẽ được hoàn thành, tức quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va được biện minh và danh của Ngài được nên thánh” (trang 281).
19, 20. Làm sao chúng ta có thể biểu lộ lòng quí trọng đối với các tia sáng thiêng liêng?
19 Dân sự Đức Giê-hô-va có ân phước biết bao sống hòa mình trong ánh sáng thiêng liêng này! Ngược lại, một tu sĩ cho thấy các lãnh tụ thuộc các đạo tự xưng theo đấng Christ chìm đắm trong sự tối tăm về thiêng liêng khi ông nói: “Tại sao có tội lỗi? Tại sao có sự đau khổ? Tại sao có Ma-quỉ? Khi lên trời, tôi muốn hỏi Chúa những câu này”. Nhưng Nhân-chứng Giê-hô-va có thể trả lời cho ông: Đó là vì vụ tranh chấp liên quan đến sự chính đáng của quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và vấn đề loài người có thể giữ vững lòng trung kiên đối với Đức Chúa Trời bất chấp sự chống đối của Ma-quỉ hay không.
20 Qua nhiều năm, những tia sáng cả lớn và nhỏ đã soi sáng đường đi của các tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Sự kiện này đã làm ứng nghiệm các câu như Thi-thiên 97:11 và Châm-ngôn 4:18. Nhưng chúng ta chớ bao giờ quên rằng việc bước đi trong ánh sáng có nghĩa quí trọng ánh sáng ngày càng thêm lên và sống phù hợp với ánh sáng đó. Như chúng ta đã thấy, ánh sáng ngày càng thêm lên có liên hệ đến cả hạnh kiểm lẫn sứ mạng rao giảng của chúng ta.
[Chú thích]
a Để đối đáp với quan điểm này, Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-6-1929 và ngày 15-6-1929, giảng nghĩa rằng “các quyền trên” thật sự là Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ. Chính quan điểm này được chỉnh lại vào năm 1962.
b Tháp Canh, số ra ngày 1-1-1993, thông báo rằng một số các anh chọn lọc thuộc nhóm “chiên khác” đang được chỉ định trợ giúp các ủy ban của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương, tương đương với người Nê-thi-nim vào thời E-xơ-ra (Giăng 10:16; E-xơ-ra 2:58).
Bạn có nhớ không?
◻ Có ánh sáng nào liên quan đến việc vâng phục “các quyền trên”?
◻ Những tia sáng đã đưa đến những sự tiến triển nào về tổ chức?
◻ Ánh sáng ngày càng thêm lên ảnh hưởng hạnh kiểm của tín đồ đấng Christ như thế nào?
◻ Ánh sáng thiêng liêng đã khiến chúng ta điều chỉnh sự hiểu biết về một số vấn đề trong Kinh-thánh như thế nào?
[Nguồn tư liệu nơi trang 25]
Các chìa khóa nơi trang 24: Vẽ theo hình chụp trong Cooper-Hewitt, National Design Museum, Smithsonian Institution