Tại sao nên “đi đến loài kiến”?
VUA Sa-lô-môn khôn ngoan của Y-sơ-ra-ên xưa đã khuyên: “Hãy đi đến loài kiến”. Tại sao ông nói như vậy? Chúng ta có thể học được gì nơi loài kiến?
Sa-lô-môn thêm: “Khá xem-xét cách ăn-ở nó mà học khôn-ngoan. Tuy nó không có hoặc quan-tướng, hoặc quan cai-đốc, hay là quan trấn, thì nó cũng biết sắm-sửa lượng-phạn mình trong lúc mùa hè, và thâu-trữ vật-thực nó trong khi mùa gặt” (Châm-ngôn 6:6-8). Các lời cổ xưa này nói lên sự thật mà các nhà vạn vật học hiện đại đã khám phá ra.
Người viết châm ngôn là Agur cho biết rằng loài kiến “vốn rất khôn-ngoan” (Châm-ngôn 30:24, 25). Hiển nhiên, sự khôn ngoan này không phải do lý luận thông minh, nhưng theo bản năng mà Đấng Tạo hóa đã phú cho chúng. Thí dụ, chính vì bản năng đó mà loài kiến thâu trữ vật thực đúng kỳ.
Loài kiến có trật tự tuyệt vời. Chúng chung sức làm việc và để ý lẫn nhau một cách đặc biệt, giúp các con kiến khác bị thương hay kiệt sức trở về tổ. Theo bản năng, chúng sắm sửa cho tương lai và nỗ lực làm tròn phận sự mình.
Lề thói tự nhiên của loài kiến ngụ ý nói loài người nên tính toán trước và siêng năng làm việc. Điều này áp dụng tại trường học, sở làm và trong những sinh hoạt thiêng liêng. Cũng như loài kiến hưởng được lợi ích nhờ tính cần cù, vậy Đức Chúa Trời muốn loài người “hưởng lấy phước của công-lao mình” (Truyền-đạo 3:13, 22; 5:18). Như các con kiến bận bịu, tín đồ thật của đấng Christ làm việc siêng năng. ‘Mọi việc tay họ làm được, họ làm hết sức mình’, không phải vì có người chủ quan sát, nhưng vì lòng lương thiện và họ muốn là những người làm việc cần cù và hữu ích (Truyền-đạo 9:10; so sánh Châm-ngôn 6:9-11; cũng xem Tít 2:9, 10).
Thật vậy, chúng ta sẽ có hạnh phúc nếu “đi đến loài kiến”, và áp dụng những điều học được. Và chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc lớn nhất nếu chuyên cần làm theo ý muốn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, như được tiết lộ trong Kinh-thánh.