Gia tăng sự bình an qua sự hiểu biết chính xác
“Nguyền xin ân-điển và sự bình-an được gia-thêm cho anh em bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su, là Chúa chúng ta” (II PHI-E-RƠ 1:2).
1, 2. a) Tại sao có thể ví mối liên hệ bình an với Đức Chúa Trời như một cuộc hôn nhân? b) Chúng ta có thể củng cố sự bình an với Đức Chúa Trời như thế nào?
Có thể ví mối liên hệ bình an bạn có được với Đức Giê-hô-va qua phép báp têm như một cuộc hôn nhân. Ngày cưới tuy đầy sự vui mừng, song đó chỉ là bước đầu của một sự liên hệ quý báu. Với nhiều cố gắng, thì giờ và kinh nghiệm, liên hệ hôn nhân trở nên càng ngày càng thắm thiết, thành nơi ẩn trú cho những lúc gian nan. Cũng vậy, với tính siêng năng và với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, bạn có thể gia tăng sự bình an của bạn với Ngài.
2 Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích thế nào những người đã “lãnh phần đức-tin” có thể củng cố sự bình an của họ với Đức Chúa Trời. Ông viết: “Nguyền xin ân-điển và sự bình-an được gia-thêm cho anh em bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su, là Chúa chúng ta!” (II Phi-e-rơ 1:1, 2).
“Sự nhận biết Đức Chúa Trời”
3. Nhận biết Đức Giê-hô-va và Giê-su có nghĩa là gì?
3 Danh từ Hy-lạp dùng cho “sự nhận biết” (e.pi’gno.sis) trong đoạn này có nghĩa là một sự hiểu biết sâu đậm, khắn khít hơn. Thể động từ của cùng chữ ấy mang nghĩa của sự hiểu biết có từ kinh nghiệm cá nhân và dịch là “biết chắc chắn” nơi Lu-ca 1:4. Ông Culverwel, một học giả về tiếng Hy-lạp, giải thích rằng đối với ông, từ ngữ đó ngụ ý “thấu hiểu điều mà tôi đã biết trước; nhìn rõ một sự vật mà trước đó tôi đã thấy từ xa”. Gặt hái sự “nhận biết” về Đức Giê-hô-va và Giê-su có nghĩa biết họ theo ý thân thiết hơn, thấu đáo các đức tính của họ.
4. Làm sao chúng ta có thể gia tăng sự nhận biết về Đức Chúa Trời và tại sao điều này gia tăng sự bình an với Ngài?
4 Hai cách để gặt được sự nhận biết này là qua sự học hỏi Kinh-thánh cá nhân và đều đặn, dự các buổi nhóm họp của dân sự Đức Giê-hô-va. Bằng hai cách đó, bạn sẽ học rõ hơn về việc Đức Chúa Trời cư xử như thế nào và Ngài nghĩ gì. Bạn sẽ có ý niệm chính xác hơn về nhân cách của Ngài. Nhưng thấu hiểu được Đức Chúa Trời có nghĩa bắt chước theo Ngài và phản ảnh tính cách của Ngài. Ví dụ, Đức Giê-hô-va mô tả một người phản ảnh tính bất vị kỷ như Ngài, và nói tiếp: “Như vậy há chẳng phải là biết ta sao?” (Giê-rê-mi 22:15, 16; Ê-phê-sô 5:1). Bằng cách bắt chước theo Đức Chúa Trời, bạn có thể gia tăng sự bình an với Ngài bởi vì bạn mặc lấy nhân cách mới tốt hơn, “theo hình-tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu-biết đầy-trọn”. Bạn sẽ làm vừa lòng Ngài hơn (Cô-lô-se 3:10).
5. a) Sự hiểu biết chính xác đã giúp một nữ tín đồ đấng Christ như thế nào? b) Chúng ta có thể theo gương của Đức Giê-hô-va cận hơn nữa qua những cách nào?
5 Một nữ tín đồ đấng Christ tên Lynn cảm thấy khó bỏ qua được một sự hiểu lầm với một bạn tín đồ. Song nhờ học hỏi Kinh-thánh kỹ lưỡng, chị bắt đầu tự xét lại thái độ mình và công nhận: “Tôi nhớ lại tính của Đức Chúa Trời Giê-hô-va không nuôi giận. Tôi nghĩ đến tất cả những việc nhỏ chúng ta làm phiền Đức Giê-hô-va hằng ngày, song Ngài đâu cố chấp những điều đó. So vào đó, chuyện giữa tôi và chị kia còn nhỏ nhặt hơn. Thế nên mỗi khi gặp lại chị, tôi tự nhủ rằng: «Đức Giê-hô-va thương chị này cũng như Ngài thương mình». Nghĩ như vậy giúp tôi dẹp qua vấn đề”. Bạn có nghĩ ra vài khía cạnh nào bạn cần cố gắng để bắt chước Đức Giê-hô-va được hơn không? (Thi-thiên 18:35; 103:8, 9; Lu-ca 6:36; Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35; I Phi-e-rơ 1:15, 16).
Sự nhận biết về đấng Christ
6. Giê-su Christ đã cho thấy như thế nào rằng việc rao giảng là quan trọng nhất đối với ngài?
6 Muốn có sự nhận biết về Giê-su cần có “ý-tưởng của đấng Christ” và theo gương ngài (I Cô-rinh-tô 2:16). Giê-su đã là một người hăng hái trong việc rao giảng lẽ thật (Giăng 18:37). Các sự kỳ thị trong xã hội thời ấy không làm giảm tính hăng say ngài dành cho việc rao giảng. Dầu cho các người Do-thái khác thù ghét dân Sa-ma-ri, ngài đã làm chứng cho một người đàn bà Sa-ma-ri tại một giếng nước. Chẳng những thế, chỉ nói chuyện với bất cứ đàn bà nào ở nơi công cộng cũng có thể khiến người ta dèm pha!a Nhưng Giê-su đã không để thành kiến xã hội ngăn ngài làm chứng về Đức Chúa Trời. Ngài rất thích thú làm công việc của Đức Chúa Trời. Giê-su nói: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài”. Sự vui mừng nhìn thấy người ta đáp ứng trước việc rao giảng như người đàn bà Sa-ma-ri và nhiều dân của thành này đã thêm sức cho Giê-su như thể là thức ăn vậy (Giăng 4:4-42; 8:48).
7. a) Sự nhận biết về Giê-su nên thúc đẩy chúng ta làm gì? b) Đức Chúa Trời có chờ đợi tất cả chúng ta rao giảng nhiều giờ như nhau không? Hãy giải thích.
7 Bạn có cảm nghĩ như đấng Christ không? Đối với nhiều người hẳn không phải dễ nói chuyện tự nhiên với người lạ mặt về Kinh-thánh, lại nữa, nhiều khi điều này làm nhiều người khác chú ý dòm ngó. Tuy nhiên, nếu có được cùng một tâm tình với Giê-su, chúng ta không thể chối cãi sự kiện là: chúng ta phải làm chứng. Chắc chắn không phải tất cả có thể dành số giờ rao giảng nhiều như nhau. Nhiều hơn hay ít hơn tùy vào khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Do đó, bạn không nên có cảm tưởng Đức Chúa Trời không bao giờ hài lòng với thánh chức của bạn. Song sự nhận biết về Giê-su hẳn có thể khích lệ chúng ta làm hết sức mình. Giê-su khuyến khích nên thờ phượng Đức Chúa Trời hết lòng (Ma-thi-ơ 13:18-23; 22:37).
Cần phải ghét điều ác
8, 9. Đức Chúa Trời ghét những điều gì, và chúng ta có thể tỏ sự ghét giống vậy như thế nào?
8 Sự hiểu biết chính xác cũng giúp chúng ta nhận thức các điều Giê-su và Đức Giê-hô-va hằng ghét (Hê-bơ-rơ 1:9; Ê-sai 61:8). “Có sáu điều Đức Giê-hô-va ghét, Và bảy điều Ngài lấy làm gớm-ghiếc: Con mắt kiêu-ngạo, lưỡi dối-trá, Tay làm đổ huyết vô-tội; Lòng toan những mưu ác, Chơn vội-vàng chạy đến sự dữ, Kẻ làm chứng gian và nói điều dối, Cùng kẻ gieo sự tranh-cạnh trong vòng anh em” (Châm-ngôn 6:16-19). Các thái độ và các loại hạnh kiểm này là “điều Ngài lấy làm gớm-ghiếc”. Từ ngữ “gớm-ghiếc” từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa “ghê tởm, khiến muốn nôn ra”, “thù ghét, như thể ghét điều hại cho toàn ngũ giác; ghét với sự giận dữ”. Như vậy, nếu muốn có sự bình an với Đức Chúa Trời, chúng ta phải trau dồi một sự ghê tởm giống vậy.
9 Ví dụ, hãy nên tránh có “con mắt kiêu-ngạo” và mọi sự tự kiêu. Sau khi đã làm phép báp têm, vài người có cảm tưởng họ không còn cần sự giúp đỡ đều đều của những người đã dạy họ. Nhưng những tín đồ mới của đấng Christ nên khiêm nhường mà nhận lãnh sự giúp đỡ để tiến thêm lên trong lẽ thật (Ga-la-ti 6:6). Ngoài ra, nên tránh thèo lẻo, một điều có thể dễ dàng “gieo sự tranh-cạnh trong vòng anh em”. Bằng cách rao tin đồn xấu, lời chỉ trích vô căn cứ, hoặc lời dối, chúng ta không hẳn “làm đổ huyết vô-tội”, nhưng chắc chắn chúng ta có thể hủy phá danh tiếng của một người khác. Chúng ta không thể hưởng sự bình an với Đức Chúa Trời nếu chúng ta không có được sự bình an với các anh em mình (Châm-ngôn 17:9; Ma-thi-ơ 5:23, 24). Đức Chúa Trời cũng nói trong Lời Ngài rằng “[Ngài] ghét người nào bỏ vợ [hoặc chồng]” (Ma-la-chi 2:14, 16). Nếu đã thành hôn, liệu bạn có cố gắng làm vững mạnh hôn nhân mình không? Bạn có ghê tởm việc tán tỉnh hay quá thân mật với chồng hoặc vợ của người khác không? Bạn có giống như Đức Giê-hô-va ghê tởm việc trai gái bậy bạ không? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:17, 18). Thù ghét các thực hành này không phải là dễ, bởi chúng có thể là hấp dẫn đối với xác thịt tội lỗi và chúng còn được thế gian chấp nhận nữa là khác.
10. Chúng ta có thể vun trồng sự ghét điều ác như thế nào?
10 Hầu giúp vun trồng sự ghét điều ác, bạn hãy tránh xem những phim ảnh, chương trình truyền hình hoặc sách báo chứa đựng tà thuật, vô luân hoặc sự tàn bạo (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10, 12; Thi-thiên 11:5). Các loại giải trí này ngăn chặn sự cố gắng ghét điều ác, bởi điều ác được coi như “không đến nỗi xấu như thế” hoặc được tả như “vui vui”. Mặt khác, lời thỉnh cầu Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta, vì Giê-su có nói: “Hãy thức canh và cầu-nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám-dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác-thịt thì yếu-đuối” (Ma-thi-ơ 26:41). Khi phải đương đầu với một ham muốn xác thịt mạnh mẽ, một tín đồ đấng Christ đã nói: “Tôi tự ép mình phải cầu nguyện. Có những lúc tôi tự cảm thấy không xứng đáng để đến gần Đức Giê-hô-va, nhưng khi tự ép như vậy, thỉnh cầu Ngài, tôi lãnh được sức mạnh cần thiết”. Bạn sẽ hiểu hơn tại sao Đức Giê-hô-va ghét điều ác khi bạn suy nghĩ đến các sự đau khổ gây ra bởi sự gian ác (II Phi-e-rơ 2:12, 13).
11. Có những lúc chúng ta bị phiền não bởi các điều gì?
11 Dầu cho có được sự bình an với Đức Chúa Trời, hẳn sẽ có những lúc bạn bị nhiều phiền não bởi các áp lực và cám dỗ hằng ngày và ngay bởi các sự yếu đuối của chính bạn. Hãy nhớ, bạn đã trở thành một mục tiêu đặc biệt để Sa-tan Ma-quỉ tấn công. Y đang tranh chiến cùng những ai hằng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và là Nhân-chứng Giê-hô-va! (Khải-huyền 12:17). Thế nên, làm thế nào bạn có thể duy trì sự bình an về nội tâm?
Đối phó với các hoạn nạn làm xáo trộn sự bình an
12. a) Câu chuyện quanh bài Thi-thiên số 34 ra sao? b) Lời trong Kinh-thánh mô tả cảm tưởng của Đa-vít như thế nào trong kinh nghiệm này?
12 Đa-vít viết nơi Thi-thiên 34:19 rằng: “Người công-bình bị nhiều tai-họa”. Theo lời ghi chú kèm theo bài Thi-thiên này, Đa-vít đã viết ngay sau khi suýt chết. Lúc ấy Đa-vít vừa trốn thoát vua Sau-lơ và tìm nơi ẩn náu với vua đất Gát người Phi-li-tin tên là A-kích. Các tôi tớ của vua này nhận ra Đa-vít và khi nhớ lại các chiến công oai hùng của Đa-vít cho dân Y-sơ-ra-ên, họ bèn mách vua A-kích. Nghe lóm được, Đa-vít “để các lời nầy vào lòng mình, và rất sợ A-kích, vua Gát” (I Sa-mu-ên 21:10-12). Đúng ra, nơi đây là quê của Gô-li-át, và Đa-vít đã giết người hùng của họ—hơn thế nữa, bấy giờ ông lại còn mang thanh gươm của người khổng lồ này! Liệu họ có dùng thanh gươm to đó để chặt đầu ông không? Đa-vít có thể làm gì được đây? (I Sa-mu-ên 17:4; 21:9).
13. Đa-vít đã làm gì trong cơn hoạn nạn này, và chúng ta có thể theo gương ông như thế nào?
13 Đa-vít khóc lóc, thỉnh cầu Đức Chúa Trời giúp đỡ: “Kẻ khốn-cùng nầy có kêu-cầu, Đức Giê-hô-va bèn nhậm lời người, Giải-cứu người khỏi các điều gian-truân”. Và ông cũng nói: “[Đức Giê-hô-va] giải-cứu tôi khỏi các điều sợ-hãi” (Thi-thiên 34:4, 6, 15, 17). Bạn có học biết thỉnh cầu Đức Giê-hô-va không? Bạn có trút lòng mình cho Ngài trong những lúc sầu muộn không? (Ê-phê-sô 6:18; Thi-thiên 62:8). Dầu trường hợp khủng hoảng của bạn chẳng mấy gay go như trường hợp của Đa-vít, song bạn cũng sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ bạn kịp lúc (Hê-bơ-rơ 4:16). Nhưng Đa-vít không chỉ cầu nguyện thôi đâu.
14. Đa-vít đa dùng đến “lý trí” như thế nào, và Đức Chúa Trời đã cung cấp điều gì cho chúng ta để có thể làm được như vậy?
14 “Người [Đa-vít] giả-đò điên-cuồng trước mặt chúng, và làm bộ dại-khờ giữa họ... A-kích nói cùng tôi-tớ mình rằng: Kìa, các ngươi thấy người đó điên-cuồng! Cớ sao các ngươi dẫn nó đến ta?” (I Sa-mu-ên 21:13-15). Đa-vít đã nghĩ ra kế để thoát nạn. Đức Giê-hô-va ban phước sự cố gắng của ông. Cũng vậy, khi chúng ta gặp phải vấn đề gay go, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta dùng đến lý trí chứ không phải ngồi chờ Ngài giải quyết mọi sự cho mình. Ngài đã ban cho chúng ta Lời được soi dẫn của Ngài, Lời mà có thể “cho người ngu-dốt [thiếu kinh nghiệm] được sự khôn-khéo... sự tri-thức [hiểu biết] và sự dẽ-dặt [lý trí]” (Châm-ngôn 1:4; II Ti-mô-thê 3:16, 17). Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng ta các trưởng lão trong hội-thánh, những anh này có thể giúp chúng ta biết làm sao gìn giữ các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:1, 2). Thường thì những anh này có thể giúp bạn khảo cứu các sách báo của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) để biết làm một sự quyết định tốt hoặc đối phó với một vấn đề.
15. Tại sao Thi-thiên 34:18 an ủi chúng ta nhiều?
15 Ngay cả khi cảm thấy đau lòng vì sự yếu đuối hoặc vấp ngã của chúng ta, nếu chúng ta có thái độ đúng thì việc này sẽ giúp chúng ta gìn giữ được sự bình an với Đức Chúa Trời. Đa-vít đã viết trong Thi-thiên 34:18 rằng: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, Và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối [rã rượi]”. Nếu chúng ta cầu nguyện để được tha thứ và sau đó hành động đúng đắn để sửa đổi lại (nhất là trong trường hợp phạm tội nặng), Đức Giê-hô-va sẽ ở gần chúng ta, nâng đỡ tinh thần chúng ta lên cao (Châm-ngôn 28:13; Ê-sai 55:7; II Cô-rinh-tô 7:9-11).
Sự hiểu biết cá nhân đem lại sự bình an
16. a) Cách nào khác giúp chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời? b) Hãy giải thích lời xác định của Đa-vít: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao!”
16 Một cách khác giúp chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời, ngoài việc thâu thập hiểu biết về thiêng liêng, là qua các kinh nghiệm cá nhân cho thấy được Ngài giúp đỡ cách đầy yêu thương (Thi-thiên 41:10, 11). Thoát khỏi một sự khủng hoảng không hẳn có nghĩa là tức khắc hoặc hoàn toàn chấm dứt vấn đề; có thể bạn còn phải chịu đựng vấn đề ấy trong một thời gian (I Cô-rinh-tô 10:13). Dầu Đa-vít thoát chết tại đất Gát, ông còn phải ẩn trốn trong nhiều năm sau đó và phải gặp nhiều gian nan liên tiếp. Suốt thời gian đó Đa-vít đã cảm thấy được Đức Giê-hô-va chăm sóc và giúp đỡ. Ông đã đeo đuổi và đạt được sự bình an với Đức Chúa Trời, và ông học được rằng những ai làm được vậy “sẽ chẳng thiếu của tốt gì”. Vì kinh nghiệm cá nhân giúp ông nhận thức được sự ủng hộ của Đức Giê-hô-va trong khi chịu hoạn nạn, Đa-vít có thể nói: “Khá nếm xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao! Phước cho người nào nương-náu mình nơi Ngài!” (Thi-thiên 34:8-10, 14, 15).
17. Trong lúc gian truân, một gia đình đã có kết quả gì khi nương náu nơi Đức Giê-hô-va?
17 Cũng vậy, nếu bạn nương náu nơi Đức Giê-hô-va trong lúc gian truân, bạn sẽ “nếm xem Đức Giê-hô-va [là] tốt-lành”. Một tín đồ đấng Christ sống về phía Tây xứ Hoa-kỳ đã bị một tai nạn và do đó mất việc làm trả lương cao mà anh đã có từ 14 năm nay. Vì không còn nguồn sinh lợi, anh và gia đình bèn thỉnh cầu cùng Đức Chúa Trời. Đồng thời họ rút bớt mọi chi tiêu, đi gặt mót nơi các đồng ruộng và bắt cá để ăn. Với sự giúp đỡ của vài anh em trong hội-thánh và chụp cơ hội làm việc vặt, gia đình bốn người này sống qua ngày. Một năm sau khi người cha bị tai nạn, người mẹ nghĩ lại: “Chúng ta có thể tự dối mình là trông cậy nơi Đức Giê-hô-va trong khi thật ra chúng ta tin nơi khả năng cá nhân của mình, tin nơi người hôn phối mình hoặc nơi việc làm của mình. Nhưng chúng tôi đã học được là phải trông cậy chỉ một mình Ngài. Những điều khác có thể bị mất đi, song Đức Giê-hô-va không bao giờ lìa bỏ chúng ta—không một lúc nào. Mặc dầu chúng tôi nay chỉ có vừa đủ ăn, sự liên hệ của cả gia đình với Đức Giê-hô-va được gần gũi hơn”.
18. Điều gì có thể giúp bạn kiên trì ngay trong những vấn đề cứ mãi kéo dài?
18 Đúng vậy, sự khó khăn về tài chính có thể kéo dài. Hoặc một người có thể mắc bệnh kinh niên, hoặc đụng chạm với người khác, hoặc bệnh về tinh thần như sự chán nản, hoặc gặp một trong số hàng bao nhiêu các vấn đề khác nữa. Thế nhưng, bằng cách thật lòng nhận biết Đức Chúa Trời, bạn sẽ có thể đặt đức tin nơi sự nâng đỡ của Ngài (Ê-sai 43:10). Sự tin cậy không gì lay chuyển được này sẽ giúp bạn kiên trì và hưởng được “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết” (Phi-líp 4:7).
19. Chúng ta biết Đức Giê-hô-va không xem thường sự gian nan của chúng ta như thế nào?
19 Khi phải trải qua một kinh nghiệm khổ sở, bạn nên luôn nhớ rằng Đức Giê-hô-va biết bạn đang trải qua điều gì. Trong bài Thi-thiên ghi chép kinh nghiệm của ông tại đất Gát, Đa-vít đã cầu khẩn Đức Giê-hô-va: “Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?” (Thi-thiên 56:8). Chắc chắn Đức Chúa Trời đã lắng nghe lời cầu khẩn này của Đa-vít. Thật an ủi dường bao khi biết được rằng Đức Chúa Trời gìn giữ các giọt nước mắt sầu não và lo âu vào ve của Ngài, thể như Đa-vít đã ghi, cũng như một người thường để dành rượu quý hoặc nước uống trong chai lọ vậy! Đúng, Đức Chúa Trời sẽ nhớ đến nước mắt của dân Ngài, như được ghi trong sổ Ngài vậy. Đức Giê-hô-va thật thương xót thay!
20. Chúng ta gia tăng sự bình an với Đức Chúa Trời như thế nào?
20 Như vậy, phép báp têm chỉ là bước đầu của giây liên hệ bình an giữa bạn và Đức Chúa Trời. Bạn có thể gia tăng sự bình an đó, bằng cách tìm hiểu nhiều hơn về các đức tính của Đức Chúa Trời và của Giê-su, và bằng cách tự mình nếm được sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va trong cơn thử thách. Chẳng những bạn trau dồi được sự liên hệ ấy thành như một nơi nương náu an toàn cho bạn, mà bạn còn có hy vọng quý giá là trong tương lai được sống đời đời trong địa-đàng, nơi mà bạn sẽ được “khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:11, 29).
[Chú thích]
a Theo sách Talmud của Do-thái giáo, các thầy thông giáo (ra-bi) hồi xưa dặn rằng một học giả “không nên nói chuyện với đàn bà ngoài đường phố”. Nếu thông lệ này còn thịnh hành vào thời của Giê-su, thì có lẽ vì thế các môn đồ của ngài đã “sững-sờ vì ngài nói với một người đàn bà” (Giăng 4:27).
Bạn còn nhớ không?
◻ Chúng ta có thể nhận biết được Đức Chúa Trời và Giê-su bằng những cách nào?
◻ Khi noi theo gương của Đức Chúa Trời và Giê-su, chúng ta sẽ làm gì?
◻ Làm sao chúng ta bắt chước Đức Chúa Trời gớm ghiếc điều ác?
◻ Ngay trong những lúc gian truân, làm sao chúng ta có thể duy trì được sự bình an?
[Hình nơi trang 19]
Giê-su đã không để cho các thành kiến xã hội ngăn chặn ngài làm chứng về Đức Chúa Trời. Bạn có bắt chước sự sốt sắng của ngài trong việc rao giảng không?
[Hình nơi trang 20]
Khi gặp tình trạng nguy kịch, Đa-vít thỉnh cầu Đức Giê-hô-va... và giả đò mất trí để lập mưu thoát nạn. Đức Giê-hô-va đã nghe lời cầu nguyện của Đa-vít.