Hãy gìn giữ danh tiếng của bạn
NHÀ thiết kế những tòa nhà đẹp tạo cho mình danh tiếng là một kiến trúc sư tài ba. Một cô gái học hành xuất sắc được nhiều người biết đến như một học sinh thông minh. Ngay cả một người không làm gì cả cũng có thể có tiếng là người lười biếng. Nhấn mạnh giá trị của việc có danh tiếng tốt, Kinh Thánh nói: “Tiếng tốt quí hơn giàu sang, uy tín quí hơn bạc vàng”.—Châm-ngôn 22:1, Trịnh Văn Căn.
Danh tiếng tốt được vun đắp từ nhiều hành động nhỏ nhặt trong suốt một thời gian dài. Thế nhưng chỉ một hành động ngu xuẩn là đủ làm mất danh tiếng tốt này. Chẳng hạn, chỉ một vụ vô luân cũng có thể khiến thanh danh bị bôi nhọ. Trong chương 6 của sách Châm-ngôn, Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa đã cảnh cáo chúng ta phải đề phòng những thái độ và hành động có thể làm hại thanh danh chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Trong số đó có những lời cam kết thiếu suy nghĩ, sự biếng nhác, dối trá và vô luân, tức những điều Đức Giê-hô-va ghét. Nghe theo lời khuyên này sẽ giúp chúng ta gìn giữ thanh danh mình.
Hãy tránh những cam kết dại dột
Chương 6 của sách Châm-ngôn mở đầu với những lời này: “Hỡi con, nếu con có bảo-lãnh cho kẻ lân-cận mình, nếu con giao tay mình vì người ngoại, thì con đã bị lời miệng mình trói-buộc, mắc phải lời của miệng con. Hỡi con, bởi vì con đã sa vào tay kẻ lân-cận con, hãy làm điều nầy và giải-cứu mình con: Hãy đi hạ mình xuống, nài-xin người lân-cận con”.—Châm-ngôn 6:1-3.
Câu châm ngôn này khuyên chúng ta nên tránh dự phần vào công việc làm ăn của người khác, đặc biệt là người lạ. Dân Y-sơ-ra-ên phải ‘cứu giúp anh em mình khi họ trở nên nghèo-khổ, tài-sản họ lần lần tiêu-mòn’. (Lê-vi Ký 25:35-38) Nhưng một số người Y-sơ-ra-ên táo bạo đã dính dấp vào những công việc kinh doanh mạo hiểm rồi tìm cách để được hỗ trợ tài chánh bằng cách thuyết phục người khác “bảo-lãnh” cho họ, làm cho người đó có thể lâm vào cảnh nợ nần. Ngày nay, những hoàn cảnh tương tự cũng có thể xảy ra. Thí dụ, các cơ quan tài chánh có thể đòi hỏi phải có người đồng ký tên trước khi chấp thuận cho vay những khoản nợ mà họ cho là đầy mạo hiểm. Thật thiếu khôn ngoan khi hấp tấp cam kết như thế cho người khác! Điều đó có thể khiến chúng ta gặp khó khăn về tài chánh, ngay cả làm mất uy tín của chúng ta với ngân hàng và với những chủ nợ khác!
Nếu chúng ta đang ở trong hoàn cảnh khó khăn vì đã trót có hành động dại dột mà lúc đầu chúng ta tưởng là khôn ngoan thì sao? Chúng ta được khuyên là nên dẹp bỏ tự ái và kiên trì “nài-xin người lân-cận” mình. Chúng ta phải làm tất cả những gì mình có thể làm được để giải quyết vấn đề. Một sách tham khảo nói: “Hãy cố thử mọi cách cho đến khi bạn có thể thỏa thuận với đối phương và giải quyết vấn đề với người đó, làm sao cho những ràng buộc này không hại đến bạn hoặc gia đình bạn”. Điều này nên được thực hiện ngay, không một chút chậm trễ, vì vị vua nói thêm: “Chớ để cho hai mắt con ngủ, hoặc mí mắt con chợp lại; hãy giải-cứu mình khỏi người như con hoàng-dương thoát khỏi tay thợ săn, như con chim thoát khỏi tay kẻ đánh rập”. (Châm-ngôn 6:4, 5) Tốt hơn là nên rút ra khỏi một cam kết thiếu khôn ngoan ngay khi có thể được, thay vì để nó khiến chúng ta sa lầy.
Hãy siêng năng như loài kiến
Sa-lô-môn khuyên: “Hỡi kẻ biếng-nhác, hãy đi đến loài kiến; khá xem-xét cách ăn-ở nó mà học khôn-ngoan”. Chúng ta có thể học được sự khôn ngoan nào từ cách ăn ở của một con kiến nhỏ bé? Vị vua trả lời: “Tuy nó không có hoặc quan-tướng, hoặc quan cai-đốc, hay là quan trấn, thì nó cũng biết sắm-sửa lương-phạn mình trong lúc mùa hè, và thâu-trữ vật-thực nó trong khi mùa gặt”.—Châm-ngôn 6:6-8.
Loài kiến có một tổ chức tuyệt vời và chúng hợp tác chặt chẽ với nhau. Bản năng thúc đẩy chúng thâu góp thức ăn cho tương lai. Chúng không hề có “quan-tướng, hoặc quan cai-đốc, hay là quan trấn”. Đúng là chúng có kiến chúa, nhưng nàng kiến này chỉ làm chúa theo nghĩa đẻ trứng và làm mẹ của cả tổ kiến. Kiến chúa không hề ra lệnh. Dù không có tổ trưởng đốc thúc hoặc cấp trên giám sát, các chú kiến vẫn làm việc không mệt mỏi.
Như loài kiến, chẳng phải chúng ta cũng nên siêng năng sao? Chăm chỉ làm việc và cố gắng trau dồi cách làm việc luôn đem lại lợi ích cho chúng ta dù có người giám sát hay không. Thật vậy, ở trường, tại nơi làm việc, và khi tham gia các sinh hoạt thiêng liêng, chúng ta nên luôn làm hết sức mình. Như loài kiến được lợi ích nhờ sự siêng năng, Đức Chúa Trời cũng muốn chúng ta được “hưởng lấy phước của công-lao mình”. (Truyền-đạo 3:13, 22; 5:18) Một lương tâm trong sạch và sự thỏa lòng là phần thưởng của sự siêng năng làm việc.—Truyền-đạo 5:12.
Bằng hai câu hỏi gợi suy nghĩ, Sa-lô-môn cố gắng đánh thức kẻ làm biếng ra khỏi cơn biếng nhác của hắn: “Hỡi kẻ biếng-nhác, ngươi sẽ nằm cho đến chừng nào? Bao giờ ngươi sẽ ngủ thức-dậy?” Nhái giọng của kẻ biếng nhác, vị vua nói tiếp: “Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay nằm một chút..., thì sự nghèo-khổ của ngươi sẽ đến như kẻ đi rảo, và sự thiếu-thốn của ngươi tới như người cầm binh-khí”. (Châm-ngôn 6:9-11) Trong khi kẻ biếng nhác đang còn nằm ưỡn người, thì sự nghèo khổ chụp lấy hắn nhanh như kẻ cướp và sự thiếu thốn tấn công hắn như một người có vũ trang. Đồng ruộng của kẻ biếng nhác chẳng mấy chóc đầy những gai góc và cỏ dại. (Châm-ngôn 24:30, 31) Doanh nghiệp của hắn chẳng bao lâu đã bị lỗ lã. Một người chủ có thể chịu đựng một kẻ lười biếng được bao lâu? Và một học sinh quá lười biếng có thể hy vọng đạt điểm tốt ở trường không?
Hãy trung thực
Nêu lên một loại hành vi khác có thể làm hại danh tiếng của một người trong cộng đồng và mối quan hệ của người đó với Đức Chúa Trời, Sa-lô-môn nói tiếp: “Người nào đi đứng có miệng giả-dối, là một kẻ vô-loại, một người gian-ác; hắn liếc con mắt, dùng chân mình bày ý, và lấy ngón tay mình ra dấu; trong lòng hắn vẫn có sự gian-tà; nó toan mưu ác luôn luôn, và gieo sự tranh-cạnh”.—Châm-ngôn 6:12-14.
Đó là sự miêu tả một kẻ lừa gạt. Một kẻ dối trá thường cố che giấu tính giả dối của hắn. Bằng cách nào? Không chỉ bằng “miệng giả-dối” mà còn bằng điệu bộ. Một học giả nói: “Cử chỉ, giọng nói và nét mặt là những phương pháp lường gạt đã được suy tính trước; đằng sau một bộ mặt thành thật là một đầu óc bại hoại và tinh thần bất hòa”. Kẻ vô loại đó đang toan tính những mưu ác và luôn gây ra sự tranh cạnh. Chuyện gì sẽ xảy ra cho hắn?
Vị vua Y-sơ-ra-ên trả lời: “Bởi cớ ấy, tai-họa sẽ xảy đến nó thình-lình; bỗng-chúc nó bị bại-hoại, không phương thế chữa được”. (Châm-ngôn 6:15) Khi bị phơi bày, danh tiếng của kẻ dối trá bị hủy hoại ngay tức khắc. Còn ai tin hắn được nữa? Kết cuộc của hắn thật thảm khốc, vì “kẻ nào nói dối” nằm trong số những người sẽ phải chịu sự chết vĩnh viễn. (Khải-huyền 21:8) Bằng mọi giá, chúng ta hãy “ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”.—Hê-bơ-rơ 13:18.
Hãy ghét những điều Đức Giê-hô-va ghét
Ghét điều xấu—đó là động lực tốt biết bao để ngăn cản chúng ta có những hành động có thể làm hại thanh danh mình! Vậy, chẳng phải chúng ta nên tập gớm ghiếc điều xấu sao? Nhưng thật ra chúng ta phải ghét điều gì? Sa-lô-môn nói: “Có sáu điều Đức Giê-hô-va ghét, và bảy điều Ngài lấy làm gớm-ghiếc: Con mắt kiêu-ngạo, lưỡi dối-trá, tay làm đổ huyết vô-tội; lòng toan những mưu ác, chân vội-vàng chạy đến sự dữ, kẻ làm chứng gian và nói điều dối, cùng kẻ gieo sự tranh-cạnh trong vòng anh em”.—Châm-ngôn 6:16-19.
Bảy loại gớm ghiếc mà câu châm ngôn trên nhắc đến là những điều căn bản và hầu như bao hàm mọi loại sai quấy. “Con mắt kiêu-ngạo” và “lòng toan những mưu ác” là phạm tội trong tư tưởng. “Lưỡi dối-trá”, “làm chứng gian và nói điều dối” là phạm tội trong lời nói. “Tay làm đổ huyết vô-tội” và “chân vội-vàng chạy đến sự dữ” là những hành động gian ác. Và đặc biệt đáng ghét trước mắt Đức Giê-hô-va là hạng người thích gây ra sự tranh cạnh giữa người này kẻ khác trong khi lẽ ra người ta có thể sống hòa bình với nhau. Sự gia tăng từ sáu lên đến bảy điều cho thấy danh sách này chưa hẳn đã đầy đủ vì loài người không ngừng gia tăng những việc ác.
Thật vậy, chúng ta cần tập gớm ghiếc những điều Đức Chúa Trời ghét. Chẳng hạn, chúng ta phải tránh có “con mắt kiêu-ngạo” hoặc bất kỳ biểu hiện tự cao nào. Cũng nên tránh thói ngồi lê đôi mách tai hại vì nó có thể dễ dàng gây ra “sự tranh-cạnh trong vòng anh em”. Khi lan truyền những lời đồn đại không tử tế, những lời phê phán vô căn cứ, hoặc những lời nói dối, có thể chúng ta không “làm đổ huyết vô-tội”, nhưng chắc chắn chúng ta có thể làm mất thanh danh của người khác.
“Chớ tham muốn sắc nó”
Sa-lô-môn bắt đầu lời khuyên tiếp theo của ông như sau: “Hỡi con, hãy giữ lời răn-bảo của cha, chớ lìa-bỏ các phép-tắc của mẹ con. Khá ghi-tạc nó nơi lòng con luôn luôn, và đeo nó nơi cổ con”. Lý do? “Khi con đi, các lời đó sẽ dẫn-dắt con; lúc con ngủ, nó gìn-giữ con; và khi con thức-dậy, thì nó sẽ trò-chuyện với con”.—Châm-ngôn 6:20-22.
Sự dưỡng dục theo Kinh Thánh có thể thật sự bảo vệ chúng ta khỏi cạm bẫy của tình dục vô luân không? Có. Chúng ta được bảo đảm: “Điều-răn là một cái đèn, luật-pháp là ánh-sáng, và sự quở-trách khuyên-dạy là con đường sự sống, đặng giữ con khỏi người đàn-bà ác-nghiệp, và khỏi lưỡi dua-nịnh của dâm-phụ”. (Châm-ngôn 6:23, 24) Việc nhớ đến lời khuyên trong Lời Đức Chúa Trời và dùng nó như ‘ngọn đèn cho chân chúng ta, và ánh sáng cho đường-lối chúng ta’ sẽ giúp chúng ta chống lại những lời mời đường mật của hạng người đàn bà xấu hoặc ngay cả hạng đàn ông như thế.—Thi-thiên 119:105.
Vị vua khôn ngoan khuyên: “Lòng con chớ tham muốn sắc nó, đừng để mình mắc phải mí mắt nó”. Tại sao? “Vì tại kỵ-nữ có người nông-nổi chỉ còn một miếng bánh mà thôi; người dâm-phụ vẫn lừa sẵn linh-hồn quí-báu”.—Châm-ngôn 6:25, 26.
Có phải Sa-lô-môn có ý ví một người vợ ngoại tình như một kỵ nữ không? Có lẽ như vậy. Hoặc có thể ông muốn nói lên sự khác biệt giữa hậu quả của việc phạm tội vô luân với một kỵ nữ và việc phạm tội ngoại tình với vợ của người khác. Người có quan hệ tình dục với một kỵ nữ có thể chỉ còn lại được “một miếng bánh” mà thôi, tức là trở nên vô cùng nghèo khổ. Hắn thậm chí có thể phải chịu đau đớn và tàn phế vì mắc phải những căn bệnh lây qua đường sinh dục, trong đó có cả căn bệnh tử thần AIDS. Trong khi đó, người có quan hệ tình dục với người hôn phối của người khác có thể gặp nguy hiểm cận kề hơn dưới Luật Pháp. Một người vợ ngoại tình gây nguy hiểm cho “linh-hồn quí-báu” của người tình bất chính của mình. Một tài liệu tham khảo nói: “Đó không chỉ là... một sự hoang phí đời sống. Người phạm tội có thể bị kết án tử hình”. (Lê-vi Ký 20:10; Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:22) Dù thế nào đi nữa, và dù người phụ nữ đó có đẹp đến đâu chăng nữa, chớ nên tham muốn một người như thế.
‘Chớ để lửa trong lòng mình’
Để nhấn mạnh thêm tầm nguy hiểm của việc ngoại tình, Sa-lô-môn hỏi: “Há có người nào để lửa trong lòng mình, mà áo người lại chẳng bị cháy sao? Há có ai đi trên than lửa hực, mà chân mình lại chẳng bị phồng chăng?” Để giải nghĩa cho lời minh họa này, ông nói tiếp: “Kẻ nào đi tới cùng vợ người lân-cận mình cũng vậy; phàm ai đụng đến nàng ắt chẳng được khỏi bị phạt”. (Châm-ngôn 6:27-29) Một người phạm tội như thế chắc chắn sẽ bị trừng phạt.
Chúng ta được nhắc nhở: “Người ta chẳng khinh-dị kẻ trộm, nếu nó ăn-cắp đặng phỉ lòng mình khi đói-khát”. Dù vậy, “hễ nó bị bắt, chắc phải thường-bồi gấp bảy lần; nó sẽ nộp hết tài-sản của nhà nó”. (Châm-ngôn 6:30, 31) Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, một kẻ trộm bị buộc phải bồi thường ngay dù điều đó khiến hắn mất hết những gì hắn có.a Một người ngoại tình sẽ phải chịu hình phạt nặng hơn biết bao nhiêu vì người đó không có lý do gì để bào chữa cho hành động của mình!
Sa-lô-môn nói: “Kẻ nào phạm tội ngoại-tình với người đàn-bà, tất vô-tâm vô-trí”. Một người vô tâm vô trí thiếu khả năng phán đoán tốt vì hắn “khiến cho linh-hồn mình bị hư-mất”. (Châm-ngôn 6:32) Bề ngoài, anh ta có thể là một người danh tiếng nhưng con người bên trong thì cực kỳ thiếu sự phát triển lành mạnh.
Một người ngoại tình còn phải gặt lấy hậu quả nặng nề hơn nữa. “Người ấy sẽ bị thương-tích và khinh-bỉ, sự sỉ-nhục người sẽ chẳng bôi mất đi; vì sự ghen-ghét là điều giận-dữ của người nam, trong ngày báo-thù, người không dung-thứ; người sẽ chẳng nhận giá đền tội nào hết, mặc dầu con gia-tăng của-lễ, người cũng không đặng phỉ ý đâu”.—Châm-ngôn 6:33-35.
Một kẻ trộm có thể bồi thường những gì hắn lấy, nhưng người phạm tội ngoại tình thì không thể bồi thường gì được. Anh ta có thể bồi thường gì cho người chồng đang giận dữ? Dù có nài xin đến mấy, người phạm tội chắc hẳn không được thương xót. Người ngoại tình không có cách nào có thể sửa chữa lại tội lỗi của mình. Sự khinh bỉ và sỉ nhục sẽ mãi gắn liền với tên tuổi người. Hơn nữa, anh ta không sao có thể tự chuộc hay giải thoát mình khỏi sự trừng phạt mà anh ta phải nhận lãnh.
Thật khôn ngoan biết bao khi tránh xa sự ngoại tình cũng như những hạnh kiểm và thái độ có thể làm nhơ thanh danh chúng ta và làm Đức Chúa Trời bị sỉ nhục! Mong rằng chúng ta sẽ cẩn thận không có những cam kết dại dột. Hãy để sự siêng năng và trung thực tô điểm cho danh tiếng chúng ta. Và khi chúng ta cố gắng ghét những điều Đức Giê-hô-va ghét, mong sao chúng ta sẽ tạo được cho mình một danh tiếng tốt với Ngài và với người lân cận.
[Chú thích]
a Theo Luật Pháp Môi-se, một kẻ trộm bị buộc phải bồi thường gấp hai, gấp bốn hoặc gấp năm lần. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:1-4) Cụm từ “gấp bảy lần” có lẽ ám chỉ mức án cao nhất, mức án này có thể cao gấp nhiều lần hơn những gì hắn đã lấy.
[Hình nơi trang 25]
Hãy cẩn thận khi đồng ký giấy vay nợ
[Hình nơi trang 26]
Hãy siêng năng như loài kiến
[Hình nơi trang 27]
Hãy tránh thói ngồi lê đôi mách tai hại