“Khá tuân-thủ các mạng-lịnh ta, thì con sẽ được sống”
CHÀNG TA còn trẻ lại thông minh, “hình-dung đẹp-đẽ, mặt-mày tốt-tươi”. Vợ của chủ chàng là người ưa thú nhục dục, lại thêm trơ tráo. Mê mệt chàng trai trẻ, ngày nào bà ta cũng cố quyến dụ chàng. “Một ngày kia, Giô-sép vào nhà đặng làm công-việc; vả, chẳng có người nhà nào ở đó, thì người bèn nắm áo chàng mà rằng: Hãy nằm cùng ta!” Nhưng Giô-sép, con trai của tộc trưởng Gia-cốp, đã bỏ lại áo mình mà chạy trốn khỏi vợ của Phô-ti-pha.—Sáng-thế Ký 39:1-12.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng lánh xa tình huống cám dỗ. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của người trai trẻ mà Vua Y-sơ-ra-ên, Sa-lô-môn, khi xưa đã trông thấy trên đường vào ban đêm. Khi bị một người nữ dâm đãng quyến rũ, “chàng ta đi theo tức khắc, như con bò đi vào lò sát sinh”.—Châm-ngôn 7:21, 22, Tòa Tổng Giám Mục.
Các tín đồ Đấng Christ được khuyên “tránh sự dâm-dục”. (1 Cô-rinh-tô 6:18) Sứ đồ Phao-lô có viết khuyên môn đồ trẻ tuổi Ti-mô-thê như sau: “Hãy tránh khỏi tình-dục trai-trẻ”. (2 Ti-mô-thê 2:22) Khi gặp những hoàn cảnh khêu gợi tà dâm, ngoại tình, hoặc những điều trái đạo đức khác, chúng ta cũng phải dứt khoát tránh xa như Giô-sép đã làm đối với vợ của Phô-ti-pha. Điều gì sẽ giúp ta kiên quyết làm được điều đó? Nơi chương 7 của sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh, Sa-lô-môn cho chúng ta lời khuyên vô giá. Ông không những chỉ dạy điều che chở chúng ta khỏi cạm bẫy của những người vô luân, mà còn vạch trần cách họ cám dỗ bằng cách mô tả sống động cảnh một người trai trẻ bị một người đàn bà vô luân quyến rũ.
‘Hãy cột mạng-lịnh ta nơi ngón tay con’
Vua Sa-lô-môn bắt đầu khuyên như một người cha: “Hỡi con, hãy giữ các lời ta, và giấu nơi lòng các mạng-lịnh ta. Khá tuân-thủ các mạng-lịnh ta, thì con sẽ được sống; và gìn-giữ lời khuyên-dạy ta như ngươi của mắt con”.—Châm-ngôn 7:1, 2.
Các bậc cha mẹ, đặc biệt những người làm cha, được Đức Chúa Trời giao cho trách nhiệm dạy con cái các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều thiện và ác. Môi-se khuyên những người làm cha như sau: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7) Và sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”. (Ê-phê-sô 6:4) Do đó, những lời dạy của cha mẹ mà con cái phải ghi nhớ trong lòng chắc chắn phải bao gồm những lời nhắc nhở, những mạng lịnh và luật pháp trong Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh.
Sự dạy dỗ của cha mẹ cũng phải bao gồm những phép tắc khác nữa—đó là phép tắc trong gia đình. Những phép tắc này được đặt ra vì lợi ích của những thành viên trong gia đình. Đúng là các phép tắc có khác nhau tùy theo nhu cầu từng gia đình. Thế nhưng, cha mẹ có bổn phận phải quyết định điều gì là tốt nhất cho chính gia đình mình. Và những phép tắc mà họ đặt ra thường thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm thành thật của họ. Những người trẻ được khuyên là phải vâng theo các phép tắc này cùng với những lời dạy dỗ của Kinh Thánh mà họ nhận được từ cha mẹ. Vâng, cần xem những lời dạy này “như [con] ngươi của mắt con”—tức là hết sức cẩn thận gìn giữ nó. Đó là cách tránh tác hại gây chết người của việc lờ đi các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va và như vậy là “được sống”.
Sa-lô-môn viết tiếp: “Hãy cột nó [các mạng-lịnh ta] nơi ngón tay con, ghi nó trên bia lòng con”. (Châm-ngôn 7:3) Như các ngón tay mà ta xem là quan trọng và tối cần thiết để thực hiện những ý định mình, những bài học nhận được từ sự nuôi dạy theo Kinh Thánh hoặc sự hấp thu hiểu biết Kinh Thánh đều là sự nhắc nhở và hướng dẫn thường xuyên trong mọi việc ta làm. Chúng ta phải ghi khắc những lời dạy ấy trong tâm khảm, để nó thành một phần của bản chất chúng ta.
Vua Sa-lô-môn không quên tầm quan trọng của sự khôn ngoan và sự hiểu biết, nên có khuyên như sau: “Hãy nói với sự khôn-ngoan rằng: Ngươi là chị em ta! Và xưng sự thông-sáng là bằng-hữu con”. (Châm-ngôn 7:4) Sự khôn ngoan là khả năng ứng dụng đúng cách theo sự hiểu biết do Đức Chúa Trời ban cho. Chúng ta phải yêu mến sự khôn ngoan như yêu người chị thân thương. Sự thông sáng là gì? Đó là khả năng nhận ra bản chất và ý nghĩa của vấn đề bằng cách hiểu thấu các quan hệ giữa các phần riêng lẻ của nó với tổng thể. Sự thông sáng phải gần gũi với chúng ta như người bạn thân thiết vậy.
Tại sao chúng ta nên tuân theo sự huấn luyện của Kinh Thánh và vun trồng sự khôn ngoan và sự thông sáng? Ấy là “để nó gìn-giữ [chúng ta] khỏi dâm-phụ [“người đàn bà lạ”, “NW”], khỏi đàn-bà ngoại hay nói lời dua-nịnh”. (Châm-ngôn 7:5) Vâng, làm như thế sẽ che chở chúng ta khỏi những cách cư xử ngon ngọt và dụ dỗ của người lạ hoặc người ngoại—kẻ vô luân.a
Người trai trẻ gặp ‘người đàn bà lòng đầy mưu-kế’
Vị vua Y-sơ-ra-ên mô tả tiếp cảnh mà chính ông đã quan sát thấy: “Vì tại cửa-sổ nhà ta, ta nhìn ngang qua song mặt võng ta, bèn thấy trong bọn kẻ ngu-dốt, giữa vòng người thiếu-niên, có một gã trai-trẻ không trí hiểu, đi qua ngoài đường gần góc nhà đàn-bà ấy; người bắt đi đường dẫn đến nhà nàng, hoặc trong lúc chạng-vạng khi rốt ngày, hoặc giữa ban đêm khi tối-tăm mù-mịt”.—Châm-ngôn 7:6-9.
Sa-lô-môn nhìn qua cửa sổ có song—có thể đây là khung cửa có những thanh gỗ mỏng có chạm khắc. Khi hoàng hôn tắt dần, sự tối tăm của màn đêm bao trùm các đường phố. Ông chợt nhìn thấy một chàng thanh niên đặc biệt dễ bị dụ dỗ. Anh ta thiếu trí hiểu tức thiếu sự phán đoán, hay sự sáng suốt. Chắc là anh ta biết mình đang đi vào một chỗ như thế nào và ở đó điều gì có thể xảy đến cho mình. Chàng thanh niên đi qua đường gần “góc nhà”, lối đến nhà người đàn bà ấy. Đàn bà ấy là ai? Bà ta định làm gì?
Ông vua quan sát nói tiếp: “Kìa, người đàn-bà ấy đi ra rước hắn, trang-điểm như con bợm, lòng đầy mưu-kế. Nàng vốn nói om-sòm [“và bướng bỉnh”, “NW”], không thìn nết, hai chân nàng chẳng ở trong nhà, khi ở ngoài đường, lúc nơi phố chợ, rình-rập tại các hẻm góc”.—Châm-ngôn 7:10-12.
Cách ăn mặc của người đàn bà này thể hiện rõ con người bà ta. (Sáng-thế Ký 38:14, 15) Bà ta ăn mặc khêu gợi như gái mại dâm. Hơn nữa, lòng bà ta ẩn chứa đầy mưu kế—trí “mánh lới”, ý đồ “quỷ quyệt”. (Nguyễn Thế Thuấn; Bản Diễn Ý) Bà ta nói năng om sòm và tánh tình bướng bỉnh, nói nhiều và ương ngạnh, ồn ào và lì lợm, trơ tráo và hung hăng. Thay vì ở trong nhà, bà ta ưa đến chốn công cộng đông người, rình rập ở những hẻm góc đường để chụp lấy con mồi. Bà ta đang đợi ai đó như chàng thanh niên ấy.
“Lời êm-dịu quyến-dụ”
Thế là chàng thanh niên gặp người phụ nữ phóng túng có ý đồ xảo quyệt. Điều này hẳn phải gợi sự chú ý của Sa-lô-môn! Ông kể lại: “Nàng nắm ôm hôn kẻ trai-trẻ ấy, mặt chai mày đá, nói cùng chàng rằng: ‘Tôi có của-lễ thù-ân tại nhà tôi; ngày nay tôi đã trả xong các lời khấn-nguyện tôi. Bởi cớ đó, tôi ra đón anh, đặng tìm thấy mặt anh, và tôi đã tìm được’”.—Châm-ngôn 7:13-15.
Lời nói của người phụ nữ này thật ngon ngọt. Bà ta lấy bộ mặt chai mày đá để thốt lên cách tự tin. Mọi điều bà ta nói đều có tính toán kỹ để quyến rũ chàng trai. Bằng cách nói là chính hôm đó bà đã dâng của-lễ thù ân và đã trả xong các lời khấn nguyện, bà làm ra vẻ công bình, ám chỉ là bà không thiếu tính thiêng liêng đâu. Của-lễ thù ân ở đền thờ Giê-ru-sa-lem khi xưa gồm thịt, bột mì, dầu, và rượu. (Lê-vi Ký 19:5, 6; 22:21; Dân-số Ký 15:8-10) Vì người dâng của-lễ được phép đem một phần của-lễ về cho chính mình và gia đình, nên bà ta gợi ý rằng ở nhà bà có đủ các thức ăn uống. Lời dụ dỗ có ẩn ý thật rõ: Ở nhà bà chàng thanh niên sẽ được vui chơi thỏa thích. Bà ta đã ra khỏi nhà cốt để tìm chàng ta. Thật cảm động làm sao—nếu ai đó tin nổi chuyện này là thật. Một học giả Kinh Thánh nói: “Đúng là bà ta đi ra tìm ai đó, nhưng bà có thật sự đi ra để tìm đúng chàng thanh niên này không? Chỉ có anh chàng ngốc—có lẽ đúng anh này đây—mới tin bà ta”.
Sau khi đã làm cho mình thành hấp dẫn bằng cách ăn mặc và trang điểm bắt mắt, bằng những lời nịnh hót êm tai, bằng cảm giác của vòng tay ôm ấp, và bằng nụ hôn ngọt ngào, giờ bà tranh thủ quyến rũ bằng khứu giác. Bà nói: “Tôi có trải trên giường tôi những mền, bằng chỉ Ê-díp-tô đủ sắc, lấy một-dược, lư-hội, và quế-bì, mà xông thơm chỗ nằm tôi”. (Châm-ngôn 7:16, 17) Bà ta đã chuẩn bị giường cách mỹ thuật bằng vải nhiều màu từ xứ Ai Cập và xịt những hương thơm đặc biệt như một dược, lư hội và quế.
Bà nói tiếp: “Hãy đến, chúng ta sẽ thân-ái mê-mệt cho đến sáng, vui-sướng nhau về sự luyến-ái”. Lời mời đến nhà không chỉ là để hai người cùng ăn bữa tối vui vẻ, mà là hơn thế nữa. Bà hứa sẽ cùng vui chuyện tình dục. Đối với chàng thanh niên, lời kêu gọi thật phiêu lưu và kỳ thú! Để dụ thêm nữa, bà nói: “Vì chồng tôi không có ở nhà, người trẩy đi xa-xôi lắm, đem túi bạc theo tay người, đến rằm mới trở về nhà”. (Châm-ngôn 7:18-20) Bà bảo đảm với chàng ta là họ sẽ được an toàn hết mức vì chồng bà đã đi buôn bán phương xa, còn lâu lắm mới về. Bà lừa dối chàng trai trẻ tài thật! “Nàng dùng lắm lời êm-dịu quyến-dụ hắn, làm hắn sa-ngã vì lời dua-nịnh của môi-miệng mình”. (Châm-ngôn 7:21) Phải là người đạo đức như Giô-sép mới cưỡng lại nổi lời mời gọi đầy cám dỗ như thế. (Sáng-thế Ký 39:9, 12) Chàng thanh niên này có cưỡng lại được không?
“Như một con bò đến lò cạo”
Sa-lô-môn kể tiếp: “Hắn liền đi theo nàng, như một con bò đến lò cạo, như kẻ ngu-dại bị cùm dẫn đi chịu hình-phạt, cho đến khi mũi tên xoi ngang qua gan nó; như con chim bay a vào lưới, mà không biết rằng nó rập sự sống mình”.—Châm-ngôn 7:22, 23.
Chàng thanh niên đã không cưỡng lại nổi lời mời này. Chàng ta mất hết sáng suốt mà đi theo bà ta “như một con bò đến lò cạo”. Như người bị cùm không thoát nổi hình phạt, chàng thanh niên bị kéo đến tội lỗi. Anh ta không nhìn thấy mối nguy hiểm cho đến khi “mũi tên xoi ngang qua gan [anh]”, tức là, cho đến khi anh ta bị thương có thể đến chết được. Sự chết có thể là về thể chất vì anh có thể bị lây những bịnh truyền qua đường sinh dục, có thể gây tử vong.b Vết thương cũng có thể gây chết về thiêng liêng; nó liên quan tới “sự sống” của anh ta. Cả cuộc sống và mạng sống anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và anh đã phạm tội nặng nghịch cùng Đức Chúa Trời. Như thế là anh sa vào sự chết như con chim sa vào lưới!
“Chớ đi lạc trong các lối nàng”
Rút tỉa bài học từ điều ông trông thấy, vị vua khôn ngoan khuyên: “Vậy bây giờ, hỡi con, hãy nghe ta, khá chăm-chỉ về các lời của miệng ta. Lòng con chớ xây vào con đường đàn-bà ấy, chớ đi lạc trong các lối nàng; vì nàng làm nhiều người bị thương-tích sa-ngã, và kẻ bị nàng giết thật rất nhiều thay. Nhà nàng là con đường của Âm-phủ, dẫn xuống các phòng của sự chết”.—Châm-ngôn 7:24-27.
Rõ ràng, lời khuyên của Sa-lô-môn là phải lánh xa con đường của kẻ vô luân dẫn đến sự chết, hầu “được sống”. (Châm-ngôn 7:2) Lời khuyên này thật hợp thời biết mấy cho chúng ta ngày nay! Chắc chắn chúng ta cần tránh những nơi nhiều người thường đến rình đợi con mồi. Lẽ nào bạn lại chịu trở thành nạn nhân các chiến thuật của họ bằng cách đi đến những nơi ấy? Đúng thế, tại sao lại làm kẻ thiếu “trí hiểu” và đi lang thang vào lối của người “ngoại”?
Người đàn bà “lạ” mà vua thấy đã quyến rũ chàng thanh niên bằng lời mời cùng nhau “vui-sướng... về sự luyến-ái”. Chẳng phải là đã có nhiều người trẻ—đặc biệt là các cô gái—đã bị khai thác kiểu như thế hay sao? Nhưng hãy suy nghĩ xem: Khi ai đó cố lôi kéo bạn vào tình dục vô luân, đó có phải là tình yêu chân thật không hay đó chỉ là sự thèm khát ích kỷ? Nếu yêu thật lòng, lẽ nào người đàn ông lại gây áp lực đòi hỏi người phụ nữ tín đồ Đấng Christ phải làm trái với những điều dạy dỗ và lương tâm của mình? Sa-lô-môn khuyên “lòng con chớ xây vào” những đường lối ấy.
Lời của kẻ quyến dụ thường rất ngon ngọt và khéo tính toán. Bám vào sự khôn ngoan và sự thông sáng sẽ giúp chúng ta thấy rõ bản chất những lời ấy. Đừng bao giờ quên rằng những lời răn dạy của Đức Giê-hô-va sẽ là điều gìn giữ chúng ta. Vì vậy, mong sao chúng ta luôn cố gắng ‘tuân-thủ các mạng-lịnh của Đức Chúa Trời để được sống’ đời đời.—1 Giăng 2:17.
[Chú thích]
a Chữ “lạ” được áp dụng cho những người tự ý xa lánh Đức Giê-hô-va bằng cách quay bỏ Luật Pháp của Ngài. Do đó, người nữ vô luân, chẳng hạn như gái mại dâm, được gọi là “người đàn bà lạ”.
b Một số bịnh lây nhiễm qua đường sinh dục thường tàn phá gan. Trong những trường hợp bị giang mai nặng, chẳng hạn, các vi khuẩn sẽ tràn vào gan. Rồi vi khuẩn bịnh lậu có thể gây viêm gan.
[Các hình nơi trang 29]
Bạn xem các phép tắc của cha mẹ ra sao?
[Hình nơi trang 31]
Vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời có nghĩa là sự sống