Bạn có thể giữ mình thanh sạch về đạo đức
“Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài”.—1 GIĂNG 5:3.
1. Có sự tương phản nào về hạnh kiểm của người ta ngày nay?
THUỞ XƯA, nhà tiên tri Ma-la-chi đã được soi dẫn để báo trước một thời kỳ khi mà hạnh kiểm của dân Đức Chúa Trời sẽ hết sức tương phản với hạnh kiểm của những người không hầu việc Đức Chúa Trời. Nhà tiên tri viết: “Bấy giờ các ngươi sẽ trở lại và sẽ phân-biệt giữa kẻ công-bình và kẻ gian-ác, giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài”. (Ma-la-chi 3:18) Lời tiên tri ấy đang ứng nghiệm ngày nay. Việc giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, gồm cả những điều răn đòi hỏi sự thanh sạch đạo đức, là lối sống khôn ngoan và đúng đắn nhất. Thế nhưng, đó không luôn luôn là lối sống dễ theo. Chúa Giê-su có lý khi nói rằng các tín đồ Đấng Christ phải gắng sức để đạt sự cứu rỗi.—Lu-ca 13:23, 24.
2. Có những áp lực nào bên ngoài có thể khiến một số người khó giữ thanh sạch về đạo đức?
2 Tại sao khó giữ thanh sạch về đạo đức? Một lý do là vì các áp lực bên ngoài. Ngành công nghệ giải trí thường mô tả quan hệ tình dục bất chính như điều quyến rũ, thích thú, và sành điệu, mà hầu như lờ đi các hậu quả tai hại của nó. (Ê-phê-sô 4:17-19) Phần lớn những cuộc tình được mô tả đều là giữa những cặp nam nữ không kết hôn với nhau. Phim truyện và các chương trình truyền hình thường thể hiện các quan hệ tình dục trong khung cảnh những mối liên hệ tình cờ, không ràng buộc. Thường thì sự nồng ấm và tôn trọng lẫn nhau không có trong các quan hệ ấy. Nhiều người đã quen với những thông điệp ấy từ thuở nhỏ. Hơn nữa, còn có áp lực mạnh của bạn bè buộc theo chuẩn mực đạo đức phóng khoáng thời nay, và những ai không theo đôi khi bị chế giễu hoặc thậm chí còn bị sỉ vả.—1 Phi-e-rơ 4:4.
3. Một số lý do nào khiến nhiều người thế gian vướng vào sự vô luân?
3 Áp lực từ chính bên trong con người mình cũng khiến khó giữ thanh sạch về đạo đức. Đức Giê-hô-va đã tạo loài người với những ham muốn tính dục, và các ham muốn này có thể mạnh. Sự ham muốn có liên hệ chặt chẽ với những điều chúng ta suy nghĩ, và sự vô luân được gắn liền với sự suy nghĩ không phù hợp với các ý tưởng của Đức Giê-hô-va. (Gia-cơ 1:14, 15) Ví dụ, theo kết quả một cuộc điều tra gần đây đăng trong tạp chí British Medical Journal, nhiều người lần đầu tiên có quan hệ tình dục đều chỉ là vì tò mò muốn biết tình dục là như thế nào. Những người khác thì nghĩ rằng phần lớn những người ở tuổi họ đều có hoạt động tình dục, do đó họ cũng không màng tới việc giữ trinh tiết. Lại có những người nói rằng lúc đó họ bị cảm xúc lấn át hoặc “bị choáng hơi men”. Nếu muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, chúng ta không được lý luận như thế. Lối suy nghĩ nào sẽ giúp chúng ta duy trì sự thanh sạch về đạo đức?
Hãy xây dựng niềm tin quyết
4. Để giữ thanh sạch về đạo đức, chúng ta phải làm gì?
4 Để giữ thanh sạch về đạo đức, chúng ta phải nhìn nhận rằng có nếp sống đạo đức là điều rất đáng công. Điều này phù hợp với lời Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma: “[Hãy] thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. (Rô-ma 12:2) Nhìn nhận sự thanh sạch về đạo đức là đáng công không chỉ bao gồm việc giản dị hiểu rằng sự vô luân bị Lời Đức Chúa Trời kết án. Nó còn bao gồm việc hiểu những lý do vì sao sự vô luân bị kết án và hiểu chúng ta được lợi ích gì khi tránh vô luân. Một số lý do này đã được xem xét ở bài trước.
5. Trước hết, tại sao tín đồ Đấng Christ muốn giữ thanh sạch về đạo đức?
5 Thật sự, đối với tín đồ Đấng Christ những lý do mạnh mẽ nhất để tránh tình dục vô luân xuất phát từ mối liên lạc của chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúng ta hiểu rằng Ngài biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. Tình yêu thương của chúng ta đối với Ngài sẽ giúp chúng ta ghét mọi điều xấu. (Thi-thiên 97:10) Đức Chúa Trời là Đấng ban cho “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn”. (Gia-cơ 1:17) Ngài yêu thương chúng ta. Bằng cách vâng lời Ngài, chúng ta chứng tỏ mình yêu thương Ngài và biết ơn Ngài về mọi điều Ngài đã làm cho chúng ta. (1 Giăng 5:3) Chúng ta không bao giờ muốn làm Đức Giê-hô-va thất vọng và đau lòng bằng cách vi phạm các điều răn công bình của Ngài. (Thi-thiên 78:41, NW) Chúng ta không muốn làm điều gì khiến lối thờ phượng thánh sạch và công bình của Ngài bị bôi nhọ. (Tít 2:5; 2 Phi-e-rơ 2:2) Bằng cách giữ thanh sạch về đạo đức, chúng ta làm vui lòng Đấng Tối Cao.—Châm-ngôn 27:11.
6. Việc cho người khác biết các tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta sẽ giúp chúng ta như thế nào?
6 Một khi đã nhất quyết giữ thanh sạch về đạo đức, một cách để tự vệ là chúng ta hãy cho những người khác biết sự quyết tâm ấy. Hãy cho những người khác biết bạn là tôi tớ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và bạn quyết tâm giữ theo các tiêu chuẩn cao của Ngài. Đó là sự sống, thân thể, và sự chọn lựa của bạn. Vấn đề ở đây là gì? Đó là mối liên lạc quí báu của bạn với Cha trên trời. Vậy hãy khẳng định là sự trung kiên của bạn về đạo đức không phải là điều để thương lượng. Hãy hãnh diện được đại diện cho Đức Chúa Trời bằng cách giữ theo các nguyên tắc của Ngài. (Thi-thiên 64:10) Đừng bao giờ nên xấu hổ khi bàn về các quan điểm đạo đức của bạn với những người khác. Thẳng thắn nói rõ quan điểm của bạn có thể làm cho bạn được vững mạnh, che chở bạn, và khuyến khích những người khác theo gương bạn.—1 Ti-mô-thê 4:12.
7. Làm thế nào chúng ta có thể duy trì sự quyết tâm giữ thanh sạch về đạo đức?
7 Kế đến là chúng ta phải có những biện pháp để giữ vững quyết tâm một khi đã nhất quyết giữ tiêu chuẩn đạo đức cao và đã cho những người khác biết quan điểm của mình. Một trong những phương cách là phải cẩn thận trong việc chọn bạn. Kinh Thánh nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan”. Hãy kết hợp với những người có cùng những giá trị đạo đức như bạn; họ sẽ làm bạn vững mạnh. Câu Kinh Thánh này cũng nói: “Nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. (Châm-ngôn 13:20) Trong chừng mực cho phép, hãy tránh những người có thể làm cho sự quyết tâm của bạn bị yếu đi.—1 Cô-rinh-tô 15:33.
8. (a) Tại sao chúng ta phải nuôi dưỡng tâm trí mình bằng những điều thanh sạch? (b) Chúng ta phải tránh những điều gì?
8 Ngoài ra, chúng ta cần nuôi dưỡng tâm trí mình bằng những điều chân thật, đáng tôn, công bình, thanh sạch, đáng yêu chuộng, có tiếng tốt, đạo đức và đáng khen. (Phi-líp 4:8) Chúng ta làm được điều này bằng cách chọn lọc những gì chúng ta xem, đọc và chọn âm nhạc chúng ta nghe. Cho rằng sách báo vô luân không gây ảnh hưởng đồi trụy gì chẳng khác nào nói rằng sách báo dạy đạo đức không có ảnh hưởng tích cực. Xin nhớ là con người bất toàn dễ sa vào sự vô luân. Do đó, sách báo, tạp chí, phim ảnh và âm nhạc khêu gợi tình dục sẽ dẫn đến những ham muốn sai bậy, và rồi những ham muốn này có thể dẫn đến tội lỗi. Để giữ thanh sạch về đạo đức, chúng ta phải làm cho tâm trí mình được đầy dẫy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.—Gia-cơ 3:17.
Những bước dẫn tới sự vô luân
9-11. Như Sa-lô-môn đã kể lại, những bước nào đã dần dần dẫn một anh trai trẻ nọ vào sự vô luân?
9 Người ta có thể nhận ra một số bước dẫn tới sự vô luân. Mỗi bước đã đi sẽ càng khó quay lại. Xin lưu ý điều này được miêu tả như thế nào trong Châm-ngôn 7:6-23 (Tòa Tổng Giám Mục). Sa-lô-môn quan sát thấy “một anh ngu ngốc [“thiếu tấm lòng”, NW]”, hoặc thiếu động cơ tốt. Chàng “đang đi giữa phố hẹp, gần góc đường có nhà người phụ nữ kia [gái mại dâm]; chàng bước trên đường dẫn đến nhà cô ấy, khi hoàng hôn, lúc chiều tà”. Đó là sự sai lầm thứ nhất của anh ta. Vào lúc hoàng hôn, “lòng” anh dẫn đưa anh, không phải đến bất kỳ một con đường nào đó, mà là đến con đường anh biết thường dễ tìm thấy gái mại dâm.
10 Chúng ta đọc tiếp: “Kìa người phụ nữ ấy ra đón chàng, ăn mặc như gái điếm, lòng ẩn chứa mưu gian”. Giờ anh đã thấy cô gái ấy! Anh đã có thể quay bước bỏ đi về nhà, nhưng điều này càng khó làm hơn trước đó, đặc biệt vì anh yếu đuối về đạo đức. Cô gái níu lấy anh và hôn anh. Đã nhận cái hôn rồi, giờ anh lắng nghe lời quyến dụ của cô: “Em đã khấn dâng hy lễ tạ ơn [“thù ân”, NW], hôm nay em chu toàn lời khấn ấy”. Của-lễ thù ân gồm thịt, bột mì, dầu và rượu. (Lê-vi Ký 19:5, 6; 22:21; Dân-số Ký 15:8-10) Bằng cách nói đến các của-lễ này, cô có thể ám chỉ rằng mình không phải là người thiếu thiêng liêng, và đồng thời cũng có thể cho anh chàng biết rằng ở nhà cô có nhiều thức ăn uống ngon lành. Cô nài nỉ anh ta: “Hãy đến anh ơi! Ta hãy say ngất men tình cho đến sáng, cùng nhau ta tận hưởng khoái lạc của yêu đương”.
11 Hậu quả dễ đoán trước. “[Cô] dùng lời đường mật mà quyến rũ [chàng]”. Anh ta đi theo nàng về nhà “như con bò đi vào lò sát sinh” và “như chim vội bay vào lưới”. Sa-lô-môn kết luận bằng những lời nghiêm túc: “[Chàng] đâu biết mình sẽ mất mạng”. Mạng của anh ta lâm nguy vì “Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình”. (Hê-bơ-rơ 13:4) Đây thật là bài học mạnh mẽ cho cả nam lẫn nữ! Chúng ta phải tránh ngay bước đầu dấn vào con đường sẽ dẫn đến chỗ mất sự chuẩn chấp của Đức Chúa Trời.
12. (a) Thành ngữ “thiếu tấm lòng” có nghĩa gì? (b) Làm thế nào chúng ta có thể xây đắp sức mạnh đạo đức?
12 Xin lưu ý là người trai trẻ trong sự tường thuật là người “thiếu tấm lòng”. Thành ngữ này cho chúng ta hiểu rằng mọi ý nghĩ, ham muốn, tình cảm, cảm xúc, và mục tiêu trong cuộc đời anh ta không phù hợp với những điều Đức Chúa Trời chấp nhận. Sự yếu kém về đạo đức của anh ta dẫn đến những hậu quả thảm hại. Trong “ngày sau-rốt” đầy khó khăn này, phải cố gắng lắm mới xây đắp được sức mạnh đạo đức. (2 Ti-mô-thê 3:1) Đức Chúa Trời có những sự sắp đặt để giúp chúng ta. Ngài sắp đặt những buổi họp ở hội thánh tín đồ Đấng Christ để khuyến khích chúng ta đi trong đường lối đúng và để giúp chúng ta tiếp xúc với những người có đồng mục tiêu như chúng ta. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Có những anh trưởng lão ở hội thánh để chăn dắt chúng ta và dạy dỗ chúng ta đường lối công bình. (Ê-phê-sô 4:11, 12, NW) Chúng ta có Lời Đức Chúa Trời, là Kinh Thánh, để dẫn dắt chúng ta. (2 Ti-mô-thê 3:16) Và bất cứ lúc nào chúng ta cũng có dịp cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh giúp chúng ta.—Ma-thi-ơ 26:41.
Rút kinh nghiệm từ tội lỗi của Đa-vít
13, 14. Vua Đa-vít đã vướng vào tội trọng như thế nào?
13 Tuy nhiên, cũng đáng buồn là có những tôi tớ xuất sắc của Đức Chúa Trời cũng đã vướng vào tình dục vô luân. Một trong những tôi tớ ấy là Vua Đa-vít, là người đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va trong nhiều thập niên. Hẳn là ông đã yêu mến Đức Giê-hô-va vô cùng. Ấy thế mà ông đã dấn sâu vào con đường tội lỗi. Giống như trường hợp người trai trẻ mà Sa-lô-môn đã mô tả, Đa-vít đã lún vào những bước dẫn đưa ông tới chỗ phạm tội nghiêm trọng.
14 Lúc ấy Đa-vít đang ở tuổi trung niên, có thể là khoảng trên 50 tuổi một chút. Đứng trên mái nhà nhìn xuống, ông thấy nàng Bát-Sê-ba xinh đẹp đang tắm. Ông bèn hỏi thăm xem nàng là ai. Khi biết ra rằng chồng nàng là U-ri đang cùng quân của ông vây thành Ráp-ba của dân Am-môn. Đa-vít ra lệnh đem nàng vào cung điện và ăn nằm cùng nàng. Sau đó, mọi việc đã trở nên phức tạp—nàng biết ra là đã mang thai với Đa-vít. Đa-vít bèn triệu U-ri từ chiến trận về, hy vọng là U-ri sẽ về ngủ đêm với vợ. Làm thế thì U-ri sẽ có vẻ như là cha của đứa con do Bát-Sê-ba sinh ra. Nhưng U-ri lại không về nhà. Tuyệt vọng vì muốn che giấu tội lỗi, nên Đa-vít bèn điều U-ri trở lại Ráp-ba cùng với bức thư dặn tướng đội quân rằng phải đặt U-ri ở vị trí nào mà U-ri sẽ phải bị giết. Do đó U-ri đã mất mạng, và Đa-vít đã cưới góa phụ trước khi mọi người biết là nàng đã mang thai.—2 Sa-mu-ên 11:1-27.
15. (a) Tội lỗi của Đa-vít đã bị phơi bày như thế nào? (b) Đa-vít đã phản ứng ra sao trước lời khiển trách khéo léo của Na-than?
15 Mưu kế của Đa-vít tưởng chừng như đã giấu được tội lỗi của ông. Nhiều tháng trôi qua. Đứa con trai đã ra đời. Nếu Đa-vít nghĩ đến việc này khi làm bài Thi-thiên 32, thì rõ ràng là lương tâm ông đã giày vò ông. (Thi-thiên 32:3-5) Tuy nhiên, tội này không giấu được Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói: “Điều Đa-vít đã làm đó không đẹp lòng Đức Giê-hô-va”. (2 Sa-mu-ên 11:27) Đức Giê-hô-va đã sai nhà tiên tri Na-than khéo léo đến đối chất với Đa-vít về những điều ông đã làm. Đa-vít liền thú nhận và nài xin Đức Giê-hô-va tha thứ. Sự ăn năn thành thật của ông đã giúp ông được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. (2 Sa-mu-ên 12:1-13) Đa-vít đã không oán giận khi bị khiển trách. Trái lại, ông đã tỏ thái độ như được mô tả nơi Thi-thiên 141:5: “Nguyện người công-bình đánh tôi, ấy là ơn; nguyện người sửa-dạy tôi, ấy khác nào dầu trên đầu, đầu tôi sẽ không từ-chối”.
16. Sa-lô-môn đã cho lời cảnh cáo và lời khuyên nào liên quan đến các sự sai phạm?
16 Sa-lô-môn, người con trai thứ hai của Đa-vít và Bát-Sê-ba, có thể đã suy nghĩ về đoạn bi kịch này của cuộc đời cha ông. Sau này ông có viết: “Người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót”. (Châm-ngôn 28:13) Nếu chúng ta rơi vào tội nghiêm trọng, chúng ta phải lắng nghe lời khuyên được soi dẫn này, là một lời cảnh cáo đồng thời cũng là lời khuyên nhủ. Chúng ta phải xưng tội với Đức Giê-hô-va và đến gần với các anh trưởng lão của hội thánh để được giúp đỡ. Một trách nhiệm quan trọng của các anh trưởng lão là giúp chỉnh lại những người đã sa vào tội lỗi.—Gia-cơ 5:14, 15.
Gánh chịu những hậu quả của tội lỗi
17. Mặc dù Đức Giê-hô-va tha thứ các tội lỗi của chúng ta, nhưng Ngài không che chở chúng ta khỏi điều gì?
17 Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho Đa-vít. Tại sao? Vì Đa-vít có lòng trung kiên, có sự thương xót đối với những người khác, và có sự ăn năn thành thật. Tuy nhiên, Đa-vít đã không được che chở khỏi những hậu quả thảm khốc của tội lỗi. (2 Sa-mu-ên 12:9-14) Ngày nay cũng đúng như vậy. Mặc dù Đức Giê-hô-va không đem tai họa đến cho những người ăn năn, nhưng Ngài không che chở họ khỏi những hậu quả tự nhiên của hành động xấu của họ. (Ga-la-ti 6:7) Trong số những hậu quả của tình dục vô luân có thể kể đến ly dị, có thai ngoài ý muốn, bị bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục, và bị mất lòng tin và sự kính trọng.
18. (a) Phao-lô đã bảo hội thánh ở Cô-rinh-tô phải xử lý trường hợp một người phạm tội vô luân như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va tỏ lòng yêu thương và sự thương xót đối với những người phạm tội như thế nào?
18 Nếu cá nhân chúng ta có sai phạm nghiêm trọng, chúng ta dễ bị ngã lòng khi phải gánh chịu những hậu quả của các sự lầm lỗi của mình. Thế nhưng đừng nên để điều gì ngăn cản chúng ta ăn năn và hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. Hồi thế kỷ thứ nhất, Phao-lô có viết thư cho hội thánh ở Cô-rinh-tô bảo phải khai trừ một người nam thực hành sự loạn luân. (1 Cô-rinh-tô 5:1, 13) Sau khi người ấy thật lòng ăn năn, Phao-lô bảo hội thánh: “Anh em [hãy] tha-thứ yên-ủi... [và] hãy bày-tỏ lòng yêu-thương đối với người đó”. (2 Cô-rinh-tô 2:5-8) Trong lời khuyên được soi dẫn này, chúng ta nhận thấy tình yêu thương và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va đối với những người phạm tội chịu ăn năn. Các thiên sứ trên trời cũng vui mừng khi một người phạm tội lỗi chịu ăn năn.—Lu-ca 15:10.
19. Thật sự buồn rầu vì đã sai phạm có thể dẫn đến những lợi ích nào?
19 Dù rất buồn vì đã sai phạm, nhưng sự ân hận có thể giúp chúng ta “coi chừng, tránh trở lại làm điều vô luân [“khiến đau khổ”, NW]”. (Gióp 36:21, TTGM) Thật vậy, những hậu quả cay đắng của tội lỗi phải giúp chúng ta tránh tái phạm. Ngoài ra, Đa-vít đã dùng kinh nghiệm đau thương của chính hành vi tội lỗi của ông để khuyên lơn người khác. Ông nói: “Bấy giờ tôi sẽ dạy đường-lối Chúa cho kẻ vi-phạm, và kẻ có tội sẽ trở về cùng Chúa”.—Thi-thiên 51:13.
Hạnh phúc do phụng sự Đức Giê-hô-va
20. Tuân theo các đòi hỏi công bình của Đức Chúa Trời sẽ đem lại những lợi ích nào?
20 Chúa Giê-su phán: “Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!” (Lu-ca 11:28) Tuân theo các đòi hỏi công bình của Đức Chúa Trời đem lại hạnh phúc ngay bây giờ và cho tương lai vô tận. Nếu chúng ta đã giữ mình thanh sạch về đạo đức, mong sao chúng ta tiếp tục đi theo đường lối tốt ấy bằng cách tận dụng những sự sắp đặt mà Đức Giê-hô-va đã làm để trợ giúp chúng ta. Nếu chúng ta đã trót rơi vào sự vô luân, hãy vững lòng vì biết rằng Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ cho những ai thật lòng ăn năn, và hãy quyết tâm đừng bao giờ tái phạm.—Ê-sai 55:7.
21. Áp dụng lời khuyên bảo nào của Phi-e-rơ có thể giúp chúng ta giữ thanh sạch về đạo đức?
21 Chẳng bao lâu nữa thế gian bất công này sẽ qua đi, cùng với mọi thái độ và thực hành vô luân của nó. Giữ mình thanh sạch về đạo đức, chúng ta sẽ được lợi ích bây giờ và mãi mãi. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, vì anh em trông-đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được... Vì anh em đã được biết trước, vậy hãy giữ cho cẩn-thận, e anh em cũng bị sự mê-hoặc của những người ác ấy dẫn-dụ, mất sự vững-vàng của mình chăng”.—2 Phi-e-rơ 3:14, 17.
Bạn có thể giải thích không?
• Tại sao có thể là khó giữ thanh sạch về đạo đức?
• Những cách nào giúp chúng ta giữ vững quyết tâm theo các tiêu chuẩn cao về đạo đức?
• Chúng ta học được bài học nào từ những tội lỗi của người trai trẻ mà Sa-lô-môn nói đến?
• Qua gương của Đa-vít, chúng ta học được gì về sự ăn năn?
[Hình nơi trang 13]
Bạn được che chở khi cho những người khác biết rõ quan điểm của bạn về đạo đức
[Các hình nơi trang 16, 17]
Vì Đa-vít đã thành thật ăn năn, nên Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho ông