‘Phước cho người công-bình’
VỀ GIÀ người viết Thi-thiên Đa-vít nói: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày”. (Thi-thiên 37:25) Giê-hô-va Đức Chúa Trời yêu mến những người công bình và quan tâm tha thiết đến họ. Qua Lời Ngài, Kinh Thánh, Ngài khuyên những người thờ phượng thật nên tìm kiếm sự công bình.—Sô-phô-ni 2:3.
Người công bình là người đáp ứng những đòi hỏi của Đức Chúa Trời nhờ tuân thủ các tiêu chuẩn của Ngài về điều thiện và ác. Khuyến khích chúng ta sống hòa hợp với ý muốn Đức Chúa Trời, chương 10 của sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh nêu ra những ân phước thiêng liêng quý giá cho những ai làm như thế. Trong số những ân phước này có dư dật thức ăn bổ dưỡng về thiêng liêng, một công việc thỏa lòng và bổ ích, và một mối liên lạc tốt với Đức Chúa Trời lẫn loài người. Vậy chúng ta hãy suy ngẫm về Châm-ngôn 10:1-14.
Một động lực tốt
Những lời mở đầu chương này chỉ rõ người viết phần này của sách Châm-ngôn. Chúng ta đọc: “Các châm-ngôn của Sa-lô-môn”. Nêu ra động cơ tốt để đi theo đường lối công bình, vua Y-sơ-ra-ên xưa là Sa-lô-môn nói: “Con trai khôn-ngoan làm vui cha mình; nhưng đứa ngu-muội gây buồn cho mẹ nó”.—Châm-ngôn 10:1.
Cha mẹ đau buồn biết bao khi một đứa con của họ ngưng thờ phượng Đức Chúa Trời thật hằng sống! Vị vua khôn ngoan nêu bật nỗi đau buồn của người mẹ, có lẽ gợi ý rằng bà đau buồn nhiều hơn. Thật vậy, điều này quả là trường hợp của Doris.a Chị kể lại: “Khi đứa con 21 tuổi của chúng tôi bỏ lẽ thật, tôi và chồng tôi, anh Frank, rất đau lòng. Tôi đau khổ nhiều hơn anh Frank. Vết thương vẫn còn âm ỉ dù 12 năm đã qua rồi”.
Con cái có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của cha chúng và làm đau lòng mẹ chúng. Mong sao chúng ta tỏ ra khôn ngoan và làm cho cha mẹ vui lòng. Bằng mọi giá, chúng ta hãy làm vui lòng Cha trên trời của chúng ta, Đức Giê-hô-va.
‘Linh-hồn người công-bình được thỏa mãn’
Vị vua nêu trên nói: “Của phi-nghĩa chẳng được ích chi; song sự công-bình giải-cứu khỏi chết”. (Châm-ngôn 10:2) Những lời này thật vô giá đối với tín đồ Đấng Christ sống vào giai đoạn chót của thời kỳ cuối cùng. (Đa-ni-ên 12:4) Sự hủy diệt thế gian không tin kính đã gần kề. Không một biện pháp bảo vệ nào do con người đặt ra—dù bằng vật chất, tài chính hoặc quân sự—có thể che chở được một ai trong “cơn đại-nạn” sắp tới. (Khải-huyền 7:9, 10, 13, 14) Chỉ có “người ngay-thẳng sẽ được ở trên đất, và người trọn-vẹn sẽ còn ở đó luôn luôn”. (Châm-ngôn 2:21) Vậy mong rằng chúng ta tiếp tục “tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”.—Ma-thi-ơ 6:33.
Tôi tớ Đức Giê-hô-va không cần phải đợi cho đến thế giới mới mà Ngài đã hứa mới nhận được những ân phước của Đức Chúa Trời. “Đức Giê-hô-va không để linh-hồn người công-bình chịu đói-khát; nhưng Ngài xô-đuổi sự ước-ao của kẻ ác đi”. (Châm-ngôn 10:3) Đức Giê-hô-va đã cung cấp thức ăn thiêng liêng dồi dào qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45) Người công bình chắc chắn có lý do để “hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ”. (Ê-sai 65:14) Sự hiểu biết làm khoan khoái linh hồn họ. Tìm kiếm kho báu thiêng liêng cũng là niềm ưa thích của họ. Kẻ ác chẳng biết đến những niềm vui thích như thế.
‘Sự siêng-năng làm cho được giàu-có’
Người công bình cũng được ban phước qua một cách khác nữa. “Kẻ làm việc tay biếng-nhác trở nên nghèo-hèn; còn tay kẻ siêng-năng làm cho được giàu-có. Ai thâu-trữ trong mùa hè là con trai khôn-ngoan; song kẻ ngủ lúc mùa gặt là con trai gây cho sỉ-nhục”.—Châm-ngôn 10:4, 5.
Những lời của vị vua đặc biệt đầy ý nghĩa đối với thợ gặt trong vụ mùa. Mùa gặt không phải là lúc để ngủ gà ngủ gật. Đây là lúc siêng năng làm việc quần quật suốt ngày. Thật vậy, mùa gặt là thời kỳ khẩn trương.
Chúa Giê-su nói với môn đồ, không phải về mùa gặt lúa, mà là mùa “gặt” người: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt [Đức Giê-hô-va] sai con gặt đến trong mùa mình”. (Ma-thi-ơ 9:35-38) Vào năm 2000, có trên 14 triệu người đến dự Lễ Tưởng Niệm Chúa Giê-su—hơn gấp đôi số Nhân Chứng Giê-hô-va. Vậy ai có thể chối cãi rằng ‘đồng-ruộng đã vàng sẵn cho mùa gặt’? (Giăng 4:35) Những người thờ phượng thật xin Chủ mùa gặt phái thêm thợ gặt trong khi chính họ cũng gắng hết sức làm công việc đào tạo môn đồ phù hợp với lời cầu nguyện. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào làm sao cho các nỗ lực của họ! Trong năm công tác 2000, trên 280.000 người mới đã làm báp têm. Những người này cũng cố gắng trở thành người dạy Lời Đức Chúa Trời. Mong sao chúng ta cảm nghiệm được niềm vui và sự mãn nguyện trong mùa gặt này bằng cách tham gia đầy trọn vào công việc đào tạo môn đồ.
‘Phước-lành giáng trên đầu người’
Sa-lô-môn tiếp tục: “Có phước-lành giáng trên đầu kẻ công-bình; nhưng miệng kẻ ác giấu sự cường-bạo”.—Châm-ngôn 10:6.
Người nào có lòng trong sạch và ngay thẳng đưa ra bằng chứng cụ thể về sự công bình của mình. Người đó nói năng tử tế và xây dựng, hành động tích cực và rộng lượng. Người khác thích gần gũi người đó. Một người như thế chinh phục cảm tình của người khác—sự chúc phước của họ—vì được họ nói tốt về mình.
Ngược lại, kẻ ác có lòng thù ghét hoặc tâm địa hiểm độc, và trong thâm tâm chuyên nghĩ cách làm hại người khác. Hắn có thể ăn nói ngọt ngào và “giấu sự cường-bạo” tiềm ẩn trong lòng, nhưng cuối cùng hắn dùng bạo lực hoặc mở miệng công kích. (Ma-thi-ơ 12:34, 35) Một bản dịch khác nói: “Tai họa đầy ngập [hoặc lấp kín] miệng kẻ gian ác”. (Châm-ngôn 10:6, Trịnh Văn Căn) Điều này cho thấy quả là ác giả ác báo. Cũng như là tai họa vào đầy miệng kẻ đó, lấp miệng lại, làm phải nín bặt. Một kẻ như thế có thể chờ đợi người khác chúc phước sao được?
Vua Y-sơ-ra-ên viết: “Kỷ-niệm người công-bình được khen-ngợi; song tên kẻ gian-ác rục đi”. (Châm-ngôn 10:7) Người công bình được người khác, quan trọng hơn là được Giê-hô-va Đức Chúa Trời, hài lòng nhớ đến. Nhờ trung thành cho đến chết, Chúa Giê-su “được hưởng danh cao hơn danh thiên-sứ”. (Hê-bơ-rơ 1:3, 4) Những người đàn ông và đàn bà trung thành sống trước thời Đấng Christ cũng để lại gương sáng đáng cho tín đồ thật Đấng Christ ngày nay noi theo. (Hê-bơ-rơ 12:1, 2) Điều này thật khác làm sao so với danh kẻ ác trở thành một điều ghê tởm và tồi tệ! Đúng vậy, “danh-tiếng tốt còn hơn tiền-của nhiều; và ơn-nghĩa quí hơn bạc và vàng”. (Châm-ngôn 22:1) Mong rằng chúng ta tạo được danh tiếng tốt trước mắt Đức Giê-hô-va và người đồng loại.
‘Người ngay-thẳng đi trong an toàn’
Sa-lô-môn so sánh người khôn với người dại: “Người có lòng khôn-ngoan, nhận-tiếp những điều-răn; nhưng kẻ có miệng ngu-muội phải bị sa-ngã”. (Châm-ngôn 10:8) Người khôn biết rõ rằng “người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. (Giê-rê-mi 10:23) Người đó nhìn nhận cần phải tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và sẵn sàng chấp nhận điều răn Ngài. Trái lại, người có miệng ngu muội không hiểu yếu tố căn bản này. Việc nói năng phi lý dẫn kẻ đó đến sự bại hoại.
Một người công bình cũng hưởng được sự an toàn mà kẻ ác không với đến được. “Người nào theo sự ngay-thẳng đi vững-chắc [“trong an toàn”, Nguyễn Thế Thuấn]; còn kẻ làm cong-vạy đường-lối mình bị chúng biết. Kẻ nào nheo mắt làm cho ưu-sầu; còn ai có miệng ngu-muội bị sa-ngã”.—Châm-ngôn 10:9, 10.
Một người ngay thẳng lương thiện trong cách cư xử. Người đó được người khác kính nể và tin cậy. Một người lương thiện là một người làm công đáng quý và thường được giao cho nhiều trách nhiệm hơn. Tiếng tốt về tính lương thiện có thể giúp người đó vẫn có việc làm dù công ăn việc làm khan hiếm. Hơn nữa, tính lương thiện của người đó góp phần tạo bầu không khí êm ấm và hòa nhã trong gia đình. (Thi-thiên 34:13, 14) Người đó cảm thấy an ổn với người thân trong gia đình. Sự an toàn quả là một bông trái của tính ngay thẳng.
Tình trạng của người chuyên cậy vào sự bất lương để trục lợi thì lại khác. Một kẻ lừa đảo có thể dùng miệng giả dối hoặc điệu bộ che đậy sự dối trá. (Châm-ngôn 6:12-14) Việc hắn ta nháy mắt với ẩn ý xấu hoặc dối trá có thể khiến nạn nhân của sự lừa đảo bị đau khổ. Nhưng không sớm thì muộn sự gian tà của một kẻ như thế sẽ bị phát hiện. Sứ đồ Phao-lô viết: “Có người thì tội-lỗi bị bày-tỏ và chỉ người đó ra trước khi phán-xét; còn có người thì sau rồi mới bị bày-tỏ ra. Các việc lành cũng vậy: có việc thì bày ra, lại có việc thì không bày ra, mà sau rồi cũng không giấu-kín được”. (1 Ti-mô-thê 5:24, 25) Bất luận ai là người có liên can—dù là thân nhân, bạn bè, người hôn phối hoặc người quen—cuối cùng sự bất lương cũng bị phơi bày. Ai có thể tin cậy một người nổi tiếng bất lương?
‘Miệng người là một nguồn sự sống’
Sa-lô-môn nói: “Miệng người công-bình là một nguồn sự sống; nhưng miệng kẻ hung-ác giấu sự cường-bạo”. (Châm-ngôn 10:11) Những gì thốt ra từ cửa miệng có thể xoa dịu hoặc gây tổn thương; có thể làm một người thấy khoan khoái và tươi tỉnh lại, hoặc làm người đó nản lòng.
Nhận ra động lực đằng sau những lời ra từ miệng, vua Y-sơ-ra-ên nói: “Sự ghen-ghét xui điều cãi-lộn; song lòng thương-yêu lấp hết các tội phạm”. (Châm-ngôn 10:12) Sự ghen ghét sinh ra tranh cạnh trong xã hội loài người, khơi dậy sự xung đột. Những người yêu mến Đức Giê-hô-va phải loại bỏ sự ghen ghét ra khỏi đời sống họ. Thế nào? Bằng cách thay thế bằng sự yêu thương. “Sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi”. (1 Phi-e-rơ 4:8) Tình yêu thương “dung-thứ mọi sự”. (1 Cô-rinh-tô 13:7) Tình yêu thương theo ý Đức Chúa Trời không đòi hỏi sự hoàn toàn nơi những người bất toàn. Thay vì cho mọi người biết lỗi lầm của người khác, tình yêu thương giúp chúng ta bỏ qua lỗi lầm trừ phi đó là trọng tội. Tình yêu thương giúp chịu đựng khi không được người khác đối xử tốt trong thánh chức, tại sở làm hoặc ở trường học.
Vua khôn ngoan tiếp tục: “Trên môi miệng người thông-sáng có sự khôn-ngoan; nhưng roi-vọt dành cho lưng kẻ thiếu trí hiểu”. (Châm-ngôn 10:13) Sự khôn ngoan của một người thông sáng hướng dẫn các bước của người đó. Những lời xây dựng phát ra từ miệng người đó giúp người khác bước đi trong đường lối công bình. Người đó lẫn ai nghe người đó nói đều không đợi bị trừng phạt rồi mới chịu đi đúng hướng.
‘Quý trọng sự tri-thức’
Điều gì giúp cho những lời của chúng ta giống như ‘thác nước tràn đầy khôn ngoan’ thay vì một dòng suối chảy róc rách, tràn trề chuyện tầm phào? (Châm-ngôn 18:4, NTT) Sa-lô-môn đáp: “Người khôn-ngoan dành để [“quý trọng”, NW] sự tri-thức; nhưng tại cớ miệng kẻ ngu-muội sự bại-hoại hòng đến”.—Châm-ngôn 10:14.
Điều đòi hỏi trước nhất là trí óc chúng ta phải đầy dẫy sự hiểu biết có tính xây dựng về Đức Chúa Trời. Chỉ có một nguồn duy nhất cung cấp sự hiểu biết ấy. Sứ đồ Phao-lô viết: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Chúng ta phải quý trọng sự hiểu biết và đào sâu trong Lời Đức Chúa Trời như thể tìm kiếm kho báu ẩn giấu. Cuộc tìm kiếm ấy thật hào hứng và bổ ích biết bao!
Muốn có sự khôn ngoan trên môi miệng, sự hiểu biết Kinh Thánh cũng phải động đến tận lòng chúng ta. Chúa Giê-su nói với người nghe: “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng nói ra”. (Lu-ca 6:45) Do vậy, chúng ta phải thường xuyên suy ngẫm về những gì mình học. Đành rằng học hỏi và suy ngẫm đòi hỏi nỗ lực, nhưng việc học hỏi như thế làm giàu về thiêng liêng biết bao! Không có lý do để một người đi theo đường lối bại hoại của kẻ nói năng thiếu suy nghĩ.
Đúng vậy, một người khôn ngoan làm điều thiện trước mắt Đức Chúa Trời và gây ảnh hưởng tốt trên người khác. Người đó hưởng được thức ăn thiêng liêng dồi dào và dư dật những điều bổ ích trong công việc của Chúa. (1 Cô-rinh-tô 15:58) Là một người ngay thẳng, người đó bước đi trong an toàn và được Đức Chúa Trời chấp nhận. Thật vậy, ân phước của người công bình nhiều thay. Mong sao chúng ta tìm kiếm sự công bình bằng cách sống phù hợp với các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều thiện và điều ác.
[Chú thích]
a Tên đã được đổi.
[Hình nơi trang 25]
Tính lương thiện góp phần xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc
[Hình nơi trang 26]
‘Người khôn-ngoan quý trọng sự tri-thức’