Chớ bỏ cuộc!
“Chớ mệt-nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt” (GA-LA-TI 6:9).
1, 2. a) Sư tử săn mồi bằng những cách nào? b) Ma-quỉ đặc biệt chú ý tấn công ai?
CON SƯ TỬ săn mồi bằng nhiều cách khác nhau. Có khi nó rình con mồi đang ở những vũng nước hoặc dọc theo những con đường mòn thường qua lại. Một cuốn sách (Portraits in the Wild) nói rằng nhưng đôi khi con sư tử chỉ “giản dị lợi dụng một tình thế—chẳng hạn, chụp bắt một ngựa vằn con đang ngủ”.
2 Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích: “Kẻ thù-nghịch” của chúng ta là “ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8). Biết mình còn ít thời giờ, Sa-tan đang gây áp lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên loài người để ngăn cản họ phụng sự Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, con “sư-tử rống” này đặc biệt chú ý tấn công các tôi tớ của Đức Giê-hô-va (Khải-huyền 12:12, 17). Cách săn mồi của hắn cũng giống như con sư tử trong giới động vật. Giống như thế nào?
3, 4. a) Sa-tan dùng những cách nào để tấn công các tôi tớ của Đức Giê-hô-va? b) Vì đây là “những thời-kỳ khó-khăn”, những câu hỏi nào được nêu ra?
3 Có khi Sa-tan tìm cách tấn công bất ngờ—bắt bớ hoặc chống đối nhằm làm chúng ta mất đi lòng trung kiên để rồi ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va (II Ti-mô-thê 3:12). Nhưng giống như con sư tử, những lúc khác Ma-quỉ chỉ giản dị lợi dụng một tình thế. Hắn đợi đến khi chúng ta bị chán nản hoặc mỏi mệt, và rồi hắn cố gắng lợi dụng lúc chúng ta bị xuống tinh thần hầu làm cho chúng ta bỏ cuộc. Chúng ta chớ dễ sa vào cạm bẫy của hắn!
4 Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử nhân loại. Trong “những thời-kỳ khó-khăn” này, đôi khi nhiều người trong chúng ta có lẽ cảm thấy chán nản hay bị gánh nặng (II Ti-mô-thê 3:1). Vậy, làm thế nào chúng ta có thể tránh bị mệt mỏi, rã rời đến độ dễ sa vào cạm bẫy của Ma-quỉ? Đúng vậy, làm thế nào chúng ta có thể nghe theo lời khuyên được soi dẫn của sứ đồ Phao-lô: “Chớ mệt-nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt”? (Ga-la-ti 6:9).
Khi người khác làm chúng ta thất vọng
5. Điều gì đã làm cho Đa-vít mỏi mệt, nhưng ông đã không làm gì?
5 Trong thời Kinh-thánh được viết ra, ngay cả những tôi tớ trung thành nhất của Đức Giê-hô-va có lẽ cũng cảm thấy mệt mỏi. Người viết Thi-thiên là Đa-vít nói: “Tôi mỏn sức vì than-thở, mỗi đêm tôi làm trôi giường tôi, dầm nó với nước mắt. Mắt tôi hao-mòn vì buồn-thảm”. Tại sao Đa-vít lại cảm thấy như thế? Ông giải thích: “Vì cớ cừu-địch tôi”. Những hành động độc ác của người khác khiến Đa-vít đau lòng đến nỗi nước mắt dầm dề. Tuy nhiên, Đa-vít không xây bỏ Đức Giê-hô-va vì người khác đã làm những điều hại ông (Thi-thiên 6:6-9).
6. a) Lời nói hoặc hành động của người khác có thể ảnh hưởng chúng ta như thế nào? b) Làm thế nào một số người tự sa vào cạm bẫy của Ma-quỉ?
6 Tương tự như thế, những lời nói hoặc hành động của người khác có thể làm chúng ta mệt mỏi và đau lòng nhiều. Châm-ngôn 12:18 nói: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm”. Khi người thiếu suy nghĩ đó lại là một anh em tín đồ thì vết ‘gươm đâm’ có thể sâu hơn. Người ta có thể có khuynh hướng cảm thấy giận, có lẽ cưu mang hờn giận. Điều này đặc biệt là đúng nếu chúng ta cảm thấy mình bị đối xử bất công hay không được tử tế. Chúng ta có thể thấy khó nói chuyện với người phạm lỗi; có lẽ chúng ta ngay cả cố tình tránh mặt người đó. Vì chan chứa nỗi hờn giận, một số người đã bỏ cuộc và ngưng đi buổi họp của tín đồ đấng Christ. Đáng buồn thay, khi làm thế họ để “cho ma-quỉ nhơn dịp” lợi dụng tình thế để gài bẫy họ (Ê-phê-sô 4:27).
7. a) Khi người khác làm chúng ta thất vọng hay đau lòng, làm thế nào chúng ta có thể tránh rơi vào cạm bẫy của Ma-quỉ? b) Tại sao chúng ta phải tránh hờn giận?
7 Khi người khác làm chúng ta thất vọng hay đau lòng, làm thế nào chúng ta có thể tránh rơi vào cạm bẫy của Ma-quỉ? Chúng ta phải cố gắng tránh cưu mang hờn giận. Ngược lại, hãy đến làm hòa trước hoặc giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt (Ê-phê-sô 4:26). Cô-lô-se 3:13 khuyên giục chúng ta: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy... tha-thứ nhau”. Khi người phạm lỗi nhìn nhận lỗi lầm và thật sự hối hận thì tha thứ là điều rất đúng. (So sánh Thi-thiên 32:3-5 và Châm-ngôn 28:13). Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng tha thứ không có nghĩa là dung túng hoặc xem nhẹ lỗi lầm mà người khác đã phạm. Tha thứ bao hàm việc bỏ qua hờn giận. Hờn giận là một gánh nặng để mang. Chúng ta có thể nghĩ mãi đến chuyện giận hờn để rồi bị mất đi niềm vui. Giận hờn còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta nữa. Ngược lại, tha thứ khi thấy thích hợp có thể có lợi cho chính chúng ta. Giống như Đa-vít, mong sao chúng ta không bao giờ bỏ cuộc và lìa xa Đức Giê-hô-va vì những điều mà người khác nói hoặc đối xử với mình!
Khi chúng ta vấp phạm
8. a) Tại sao một số người đôi khi đặc biệt cảm thấy tội lỗi? b) Có mối nguy hiểm nào khi chúng ta bị cảm giác tội lỗi dồn dập đến độ bỏ cuộc?
8 Gia-cơ 3:2 nói: “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm”. Khi chúng ta vấp phạm, cảm thấy tội lỗi là điều tự nhiên (Thi-thiên 38:3-8). Nếu chúng ta đang cố gắng khắc phục một sự yếu đuối của thể xác và có khi gặp phải thất bại, thì chúng ta có thể đặc biệt cảm thấy tội lỗi.a Một tín đồ đấng Christ phải đương đầu với sự giằng co như thế giải thích: “Vì chẳng biết là mình có hay không có phạm tội không thể tha thứ được, nên tôi chẳng muốn sống nữa. Tôi cảm thấy có lẽ tốt hơn là tôi không nên cố gắng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va vì dù sao cũng quá muộn rồi”. Khi chúng ta bị cảm giác tội lỗi dồn dập đến độ bỏ cuộc, thì chúng ta tạo cơ hội cho Ma-quỉ—và hắn có thể nhanh chóng lợi dụng cơ hội đó! (II Cô-rinh-tô 2:5-7, 11). Có lẽ chúng ta cần có một quan điểm thăng bằng hơn về tội lỗi.
9. Tại sao chúng ta nên tin tưởng nơi lòng thương xót của Đức Chúa Trời?
9 Khi chúng ta phạm tội, dĩ nhiên là mình cảm thấy có phần tội lỗi. Tuy vậy, đôi khi cảm giác tội lỗi cứ dằng dai mãi vì một tín đồ đấng Christ cảm thấy là mình không bao giờ đáng được Đức Chúa Trời thương xót. Tuy nhiên, Kinh-thánh có lời trấn an làm ấm lòng: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành-tín công-bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian-ác” (I Giăng 1:9). Có lý do chính đáng nào để tin rằng Đức Chúa Trời sẽ không tha tội cho chúng ta chăng? Hãy nhớ là Đức Giê-hô-va có nói trong Kinh-thánh rằng ngài “sẵn [sàng, NW] tha-thứ” (Thi-thiên 86:5; 130:3, 4). Vì Đức Chúa Trời không thể nói dối, ngài sẽ làm như Lời ngài hứa, miễn là chúng ta đến cùng ngài với tấm lòng ăn năn (Tít 1:2).
10. Một bài báo Tháp Canh trước đây có lời khích lệ phấn khởi nào về việc cố gắng khắc phục một sự yếu kém của xác thịt?
10 Bạn nên làm gì nếu bạn đang phấn đấu để vượt qua một sự yếu kém nhưng rồi lại tái phạm? Chớ bỏ cuộc! Sự tái phạm không nhất thiết làm tiêu tan đi sự tiến bộ mà bạn đã đạt được. Bài báo Tháp Canh số ra ngày 15-2-1954 [Anh ngữ], có lời khích lệ đầy phấn khởi này: “Chúng ta [có thể] thấy mình lao đao và vấp ngã nhiều lần vì một thói xấu mà chúng ta không ngờ đã ăn quá sâu vào lối sống trước kia của chúng ta... Đừng tuyệt vọng. Đừng kết luận rằng bạn đã phạm tội không thể nào tha thứ được. Đó chính là cách mà Sa-tan muốn bạn lý luận. Sự kiện bạn còn cảm thấy đau buồn và khó chịu với chính mình là bằng chứng cho thấy bạn đã không đi quá xa. Đừng bao giờ chán nản khi đến cùng Đức Chúa Trời với lòng khiêm nhường và sốt sắng, xin ngài tha thứ, tẩy sạch tội và giúp đỡ chúng ta. Hãy đến với ngài như đứa trẻ đến với cha khi gặp vấn đề, dù nói về một yếu kém nhiều lần đi nữa, Đức Giê-hô-va sẽ độ lượng giúp đỡ cho bạn vì ngài có lòng thương xót, và nếu bạn thành thật, ngài sẽ cho bạn có được một lương tâm trong sạch”.
Khi chúng ta cảm thấy mình làm không đầy đủ
11. a) Chúng ta nên cảm thấy thế nào về việc tham gia trong thánh chức rao giảng về Nước Trời? b) Một số tín đồ đấng Christ phải cố khắc phục những cảm giác nào về việc tham gia trong công việc rao giảng?
11 Công việc rao giảng về Nước Trời đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của tín đồ đấng Christ, và những ai tham gia vào công việc đó sẽ có được niềm vui (Thi-thiên 40:8). Tuy vậy, một số tín đồ đấng Christ cảm thấy rất có lỗi vì không thể làm nhiều hơn trong thánh chức rao giảng. Mặc cảm ấy còn có thể làm cho niềm vui của chúng ta giảm đi và khiến chúng ta bỏ cuộc vì tưởng rằng Đức Giê-hô-va nghĩ là chúng ta không bao giờ làm được đầy đủ. Hãy xem một số người phải cố khắc phục những cảm giác nào.
Một chị tín đồ đấng Christ cùng với chồng nuôi nấng ba đứa con, viết: “Bạn có biết vì nghèo nàn mà tôi phải mất bao nhiêu thời giờ không? Tôi phải chi tiêu cần kiệm nhiều thứ. Điều này có nghĩa là bỏ thời giờ tìm quần áo trong tiệm đồ cũ, những hàng hạ giá, hoặc ngay cả may quần áo lấy. Tôi cũng phải dành một hoặc hai tiếng đồng hồ mỗi tuần tìm kiếm phiếu [hạ giá thực phẩm]—cắt ra, sắp xếp cho có thứ tự và dùng nó mua thức ăn. Đôi khi tôi cảm thấy rất có lỗi vì làm những việc này, nghĩ rằng tôi nên dành thời giờ đó trong công việc rao giảng”.
Một chị có bốn đứa con và người chồng không tin đạo, giải thích: “Tôi nghĩ chắc là tôi không thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va nhiều. Nên tôi cố gắng khắc phục khó khăn để phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi cố gắng hết mình, nhưng tôi không bao giờ cảm thấy là đủ. Bạn biết không, vì tôi không cảm thấy mình xứng đáng gì cả, nên tôi không thể nào tưởng tượng được làm sao Đức Giê-hô-va có thể chấp nhận việc phụng sự của tôi”.
Một tín đồ đấng Christ thấy cần phải nghỉ làm công việc phụng sự trọn thời gian, đã nói: “Tôi không thể chịu nổi khi nghĩ là mình đã thất bại trong lời cam kết để phục vụ Đức Giê-hô-va trọn thời gian. Bạn không thể nào tưởng tượng được là tôi đã thất vọng đến độ nào! Bây giờ tôi vẫn khóc khi nhớ đến điều đó”.
12. Tại sao một số tín đồ đấng Christ mang mặc cảm có lỗi vì không thể làm nhiều hơn trong thánh chức rao giảng?
12 Ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va càng nhiều càng tốt chỉ là điều tự nhiên (Thi-thiên 86:12). Vậy thì tại sao một số người mang mặc cảm có lỗi khi không thể làm được nhiều hơn nữa? Đối với một số người, dường như điều đó có liên hệ đến cảm giác thông thường cho là mình không xứng đáng, có lẽ vì hậu quả của những kinh nghiệm đau buồn trong cuộc sống. Trong những trường hợp khác, chúng ta có thể mang cái mặc cảm không đúng vì có quan điểm không thực tế về những gì Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi mình. Một tín đồ đấng Christ thú nhận: “Tôi cảm thấy là không thể nào cho là đủ được nếu không làm cho đến khi kiệt sức”. Cho nên, chị đặt tiêu chuẩn quá cao cho chị—và rồi cảm thấy càng có lỗi hơn khi chị không đạt được.
13. Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta?
13 Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta? Nói cách đơn giản, Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải hết lòng phụng sự ngài, làm những gì mà hoàn cảnh chúng ta cho phép (Cô-lô-se 3:23). Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ rệt về những gì chúng ta muốn làm và những gì chúng ta thực tế có thể làm. Chúng ta có thể bị giới hạn vì những yếu tố như tuổi tác, sức khỏe, khả năng thể xác hoặc trách nhiệm gia đình. Tuy nhiên, khi chúng ta làm hết sức mình, chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta đang phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng—không hơn và không kém người phục vụ trong thánh chức trọn thời gian có sức khỏe và hoàn cảnh thuận tiện (Ma-thi-ơ 13:18-23).
14. Bạn có thể làm gì nếu cần sự giúp đỡ để xác định điều mà bạn có thể thực tế đòi hỏi ở chính mình?
14 Vậy, làm sao bạn có thể xác định điều gì mà bạn có thể thực tế đòi hỏi ở chính mình? Bạn có thể nói chuyện với một người bạn tín đồ thành thục và đáng tin cậy, có lẽ một trưởng lão hoặc một chị có kinh nghiệm, biết được khả năng, giới hạn và trách nhiệm gia đình của bạn (Châm-ngôn 15:22). Hãy nhớ rằng phẩm giá của bạn dưới mắt Đức Chúa Trời, không đo lường bằng mức hoạt động của bạn trong thánh chức rao giảng. Tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va đều quí giá đối với ngài (A-ghê 2:7; Ma-la-chi 3:16, 17). Những gì bạn làm trong công việc rao giảng có thể là ít hay nhiều hơn người khác, nhưng miễn là bạn cố gắng hết mình, thì Đức Giê-hô-va hài lòng, và bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi (Ga-la-ti 6:4).
Khi chúng ta bị đòi hỏi nhiều
15. Các trưởng lão hội thánh bị đòi hỏi nhiều về phương diện nào?
15 Giê-su nói: “Ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều” (Lu-ca 12:48). Chắc chắn những người phục vụ với tư cách là trưởng lão hội thánh bị ‘đòi hỏi nhiều’. Giống như Phao-lô, họ làm hết mình để giúp hội thánh (II Cô-rinh-tô 12:15). Họ phải chuẩn bị cho bài giảng, đi thăm chiên, giải quyết những vụ xét xử—làm mọi điều này mà không bỏ bê gia đình mình (I Ti-mô-thê 3:4, 5). Một số trưởng lão cũng bận rộn phụ giúp xây cất Phòng Nước Trời, phục vụ trong Ủy ban liên lạc bệnh viện, và tình nguyện làm việc tại hội nghị vòng quanh và địa hạt. Làm thế nào những người tận tụy làm việc đắc lực này có thể tránh bị mỏi mệt trong những trách nhiệm nặng ấy?
16. a) Giê-trô đưa ra cho Môi-se giải pháp thực tiễn nào? b) Đức tính nào sẽ giúp một trưởng lão phân chia những trách nhiệm thích đáng với những người khác?
16 Khi Môi-se, một người có tính khiêm tốn và khiêm nhường, bị mệt mỏi vì phải lo cho những vấn đề của người khác, cha vợ ông là Giê-trô đưa ra một giải pháp thực tiễn: phân chia một số trách nhiệm cho những người đàn ông khác có đủ điều kiện (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:17-26; Dân-số Ký 12:3). Châm-ngôn 11:2 nói: “Sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng [khiêm tốn, NW]”. Khiêm tốn có nghĩa là ý thức và chấp nhận giới hạn của bạn. Một người khiêm tốn thì không ngần ngại ủy quyền cho người khác, và người đó cũng không sợ là mình bị mất đi quyền hành nếu phân chia những trách nhiệm thích đáng cho những người khác có đủ điều kiệnb (Dân-số Ký 11:16, 17, 26-29). Thay vì vậy, người đó sốt sắng giúp người khác tiến bộ (I Ti-mô-thê 4:15).
17. a) Làm thế nào những người trong hội thánh có thể làm nhẹ gánh cho các trưởng lão? b) Vợ các trưởng lão phải hy sinh những gì, và làm thế nào chúng ta có thể tỏ ra là chúng ta không xem thường những sự hy sinh của họ?
17 Những người trong hội thánh có thể làm nhiều điều hầu làm nhẹ bớt gánh nặng cho trưởng lão. Hiểu rằng các trưởng lão cũng phải chăm sóc cho gia đình của họ, người khác sẽ không đòi hỏi các trưởng lão chú tâm đến mình quá nhiều làm mất thời giờ của họ. Và họ cũng không nên xem thường sự sẵn lòng hy sinh của vợ các trưởng lão chịu để cho chồng dùng thời giờ lo việc hội thánh. Một chị có ba đứa con và chồng là trưởng lão, giải thích: “Tôi không bao giờ than phiền về những trách nhiệm mà tôi sẵn sàng gánh vác thêm trong nhà để chồng tôi có thể phục vụ với tư cách là trưởng lão. Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho gia đình chúng tôi vì chồng tôi phục vụ hội thánh, và tôi không phàn nàn về những việc anh làm. Nhưng trên thực tế, tôi thường phải quét dọn sân cỏ và làm nhiều hơn trong việc sửa trị con cái vì chồng tôi bận rộn”. Đáng buồn thay, chị này thấy rằng một số người, thay vì quí mến chị vì phải gánh vác thêm trách nhiệm, thì lại nói những lời thiếu suy nghĩ như là: “Tại sao chị không làm người tiên phong?” (Châm-ngôn 12:18). Thật là tốt hơn biết bao khi chúng ta khen ngợi người khác về những gì họ đang làm thay vì chỉ trích họ về những gì họ không thể làm! (Châm-ngôn 16:24; 25:11).
Vì sự cuối cùng chưa đến
18, 19. a) Tại sao đây không phải là lúc ngừng chạy trong cuộc đua cho sự sống? b) Sứ đồ Phao-lô cho những tín đồ đấng Christ ở thành Giê-ru-sa-lem lời khuyên nào đúng lúc?
18 Khi một người chạy đua biết rằng mình sắp chạy xong một cuộc đua đường dài, người đó không bỏ cuộc. Thân thể của người đó có lẽ đến hết mức chịu đựng—mệt mỏi, nóng quá độ và mất nước—nhưng vì quá gần đến mức chót thì đây không phải lúc để ngừng chạy. Tương tự như thế, là tín đồ đấng Christ, chúng ta ở trong cuộc đua để đạt giải thưởng là sự sống và chúng ta rất gần đến mức chót. Bây giờ không phải là lúc để chúng ta ngừng chạy! (So sánh I Cô-rinh-tô 9:24; Phi-líp 2:16; 3:13, 14).
19 Tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất cũng phải đương đầu với một tình trạng tương tự. Khoảng năm 61 công nguyên, sứ đồ Phao-lô viết thư cho tín đồ đấng Christ tại Giê-ru-sa-lem. Thời giờ gần hết rồi—“thế hệ” gian ác, hệ thống mọi sự của dân Do Thái bội đạo, sắp “qua” đi. Tín đồ đấng Christ ở Giê-ru-sa-lem đặc biệt phải đề cao cảnh giác và trung thành; họ phải chạy khỏi thành khi thấy quân lính bao vây (Lu-ca 21:20-24, 32, Bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Vậy, lời khuyên được soi dẫn của Phao-lô thật là đúng lúc: ‘Chớ mỏi-mệt và sờn lòng’ (Hê-bơ-rơ 12:3). Ở đây sứ đồ Phao-lô dùng hai động từ sống động: “mỏi-mệt” (kaʹmno) và “sờn lòng” (e·klyʹo·mai). Theo một học giả Kinh-thánh, những từ Hy Lạp này được “Aristotle dùng để nói về những người chạy đua, sau khi vượt qua mức chót thì họ bải hoải và ngã quỵ. Những người đọc [lá thư của Phao-lô] vẫn còn trong cuộc đua. Họ chớ nên bỏ cuộc quá sớm. Họ không được để cho mình ngất đi và ngã quỵ vì mỏi mệt. Một lần nữa, có lời kêu gọi là phải kiên trì chịu đựng trước sự khó khăn”.
20. Tại sao lời khuyên của Phao-lô là đúng lúc cho chúng ta ngày nay?
20 Lời khuyên của Phao-lô thật là đúng lúc cho chúng ta ngày nay biết bao! Trước những áp lực càng ngày càng gia tăng, có khi chúng ta cảm thấy giống như người chạy đua bị kiệt sức, chân sắp ngã quỵ. Nhưng vì quá gần đến mức chót, chúng ta chớ nên bỏ cuộc! (II Sử-ký 29:11). Điều mà Kẻ thù của chúng ta, “sư-tử rống”, muốn chúng ta làm là bỏ cuộc. Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã sắp đặt để ban “sức mạnh cho kẻ nhọc-nhằn” (Ê-sai 40:29). Bài kế sẽ thảo luận về những sự sắp đặt này và làm thế nào chúng ta có thể tận dụng chúng.
[Chú thích]
a Thí dụ, một số người có lẽ cố gắng chế ngự một cá tính đã ăn sâu, chẳng hạn như tánh nóng nảy, hoặc làm sao vượt qua vấn đề thủ dâm. (Xin xem Awake!, số ra ngày 22-5-1988, trang 19-21; số ra ngày 8-11-1981, trang 16-20; và sách Questions Young People Ask—Answers That Work, trang 198-211, do Hội Tháp Canh xuất bản).
b Xin xem bài “Hỡi các trưởng lão—Hãy ủy quyền!” trong Tháp Canh, số ra ngày 15-7-1993, trang 20-23.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Khi người khác làm chúng ta thất vọng hay đau lòng, làm sao chúng ta có thể tránh bỏ cuộc?
◻ Có quan điểm thăng bằng nào về tội lỗi sẽ giúp chúng ta tránh bỏ cuộc?
◻ Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta?
◻ Làm thế nào tính khiêm tốn có thể giúp những trưởng lão hội thánh tránh bị mỏi mệt?
◻ Tại sao lời khuyên của Phao-lô nơi Hê-bơ-rơ 12:3 là đúng lúc cho chúng ta ngày nay?