Sự thanh liêm dẫn dắt người ngay thẳng
KINH THÁNH nói: “Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy-dẫy sự khốn-khổ”. (Gióp 14:1) Dường như loài người thường sống trong đau khổ. Ngay cả đời sống hàng ngày cũng đầy băn khoăn và bão táp! Điều gì sẽ hướng dẫn chúng ta để vượt qua những hoàn cảnh đầy thử thách và giúp chúng ta giữ được một vị thế công bình với Đức Chúa Trời?
Hãy xem xét gương của một người giàu có tên là Gióp sống cách đây khoảng 3.500 năm ở vùng đất nay là xứ Ả-rập. Thật là một tai ương khủng khiếp mà Sa-tan đã giáng xuống cho người này kính sợ Đức Chúa Trời! Ông mất hết các đàn súc vật, và tất cả các con yêu dấu của ông đều chết. Ít lâu sau, Sa-tan giáng cho Gióp một căn bệnh ung độc từ đầu đến chân. (Gióp, chương 1, 2) Gióp không biết căn nguyên của hoạn nạn xảy đến cho mình. Thế nhưng, “Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình”. (Gióp 2:10) Ông nói: “Cho đến chết, tôi vẫn coi mình liêm chính”. (Gióp 27:5, Bản Diễn Ý) Đúng vậy, Gióp đã để sự thanh liêm hướng dẫn ông trong suốt cuộc thử thách.
Sự thanh liêm được định nghĩa là sự trọn vẹn hoặc đầy đủ về mặt đạo đức, bao gồm việc giữ mình không chỗ trách được và không có khuyết điểm trong mắt của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, điều này không hàm ý hoàn toàn trong cách ăn nói và hành động, vì người bất toàn chúng ta không thể hội đủ các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn. Đúng hơn, sự thanh liêm của con người nói lên sự toàn tâm toàn ý đối với Đức Giê-hô-va, ý muốn và ý định của Ngài. Sự tin kính như thế hướng dẫn, hoặc dẫn dắt, người ngay thẳng trong mọi tình huống và vào mọi thời buổi. Phần đầu của sách Châm-ngôn chương 11 cho thấy sự thanh liêm của chúng ta có thể hướng dẫn chúng ta trong nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống và bảo đảm cho chúng ta nhận được ân phước về sau. Vậy chúng ta hãy nhiệt tình xem xét nội dung phần ấy.
Người thanh liêm làm ăn lương thiện
Nhấn mạnh nguyên tắc phải lương thiện, bằng những ngôn từ thi vị thay vì từ pháp lý, Vua Sa-lô-môn của dân Y-sơ-ra-ên xưa nói: “Cây cân giả lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va; nhưng trái cân đúng được đẹp lòng Ngài”. (Châm-ngôn 11:1) Đây là lần đầu tiên trong bốn lần mà sách Châm-ngôn nhắc đến cán cân và trái cân để chỉ việc Đức Giê-hô-va đòi hỏi những người thờ phượng Ngài phải làm ăn lương thiện.—Châm-ngôn 16:11; 20:10, 23.
Sự thịnh vượng của những kẻ dùng cân giả—tức là bất lương—có thể quyến rũ. Nhưng chúng ta có thực sự muốn từ bỏ các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều thiện và điều ác để làm ăn thất đức chăng? Chúng ta sẽ không làm như thế nếu để cho sự thanh liêm dẫn dắt. Chúng ta tránh sự bất lương nhờ trái cân đúng, tức sự lương thiện, là điều làm Đức Giê-hô-va vui lòng.
‘Sự khôn-ngoan ở với người khiêm-nhượng’
Vua Sa-lô-môn tiếp tục: “Khi kiêu-ngạo đến, sỉ-nhục cũng đến nữa; nhưng sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng”. (Châm-ngôn 11:2) Sự kiêu ngạo—dù thể hiện qua tính tự phụ, bất tuân hoặc ghen tị—đều dẫn đến sự sỉ nhục. Trái lại, khiêm nhường thừa nhận những hạn chế của bản thân là đường lối khôn ngoan. Câu Châm-ngôn này quả được xác minh qua những câu chuyện trong Kinh Thánh!
Một người Lê-vi ghen tị, Cô-rê, xúi giục một đám dân phản nghịch lại uy quyền của những tôi tớ được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm là Môi-se và A-rôn. Hậu quả của hành vi kiêu ngạo ấy là gì? ‘Đất hả miệng ra nuốt’ một số người trong bọn phản nghịch, trong khi những người khác, gồm cả Cô-rê, thì bị lửa thiêu hóa. (Dân-số Ký 16:1-3, 16-35; 26:10; Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:6) Thật là nhục nhã! Cũng hãy xem trường hợp của U-xa, người đã tự quyền giơ tay ra nắm lấy hòm giao ước nhằm ngăn không cho hòm ngã. Ông bị trừng phạt và chết ngay tức khắc. (2 Sa-mu-ên 6:3-8) Việc chúng ta tránh kiêu ngạo thật trọng yếu thay!
Một người khiêm nhường và khiêm tốn không phải chịu hổ thẹn dù có nhầm lẫn. Dù rất mẫu mực trong nhiều phương diện, Gióp vẫn bất toàn. Qua thử thách, ta thấy một khuyết điểm nghiêm trọng trong lối suy nghĩ của ông. Gióp đã hơi mất thăng bằng khi tự bênh vực mình trước những kẻ vu cáo. Thậm chí ông còn hàm ý mình công bình hơn cả Đức Chúa Trời. (Gióp 35:2, 3) Đức Giê-hô-va chỉnh lại tư tưởng của Gióp như thế nào?
Hướng sự chú ý đến trái đất, biển cả, bầu trời đầy sao, một số thú vật và những kỳ công khác trong sự sáng tạo, Đức Giê-hô-va dạy cho Gióp một bài học về sự bé bỏng của con người so với sự vĩ đại của Đức Chúa Trời. (Gióp, chương 38-41) Không nơi nào trong cuộc đối thoại này, Đức Giê-hô-va nói cho Gióp biết lý do tại sao ông lại phải chịu khổ. Ngài không cần phải giải thích. Gióp là người khiêm tốn. Ông khiêm nhường nhìn nhận sự khác biệt lớn giữa ông và Đức Chúa Trời, giữa sự bất toàn và yếu đuối của mình với sự công bình và quyền năng của Đức Giê-hô-va. Ông nói: “Tôi lấy làm gớm-ghê tôi, và ăn-năn trong tro bụi”. (Gióp 42:6) Sự thanh liêm của Gióp đã khiến ông sẵn sàng chấp nhận sự khiển trách. Còn chúng ta thì sao? Được sự thanh liêm dẫn dắt, chúng ta có sẵn sàng chấp nhận sự khiển trách hoặc sửa trị khi cần hay không?
Môi-se cũng vừa khiêm tốn vừa khiêm nhường. Khi thấy ông vất vả vì lo liệu về những vấn đề của người khác, cha vợ ông, Giê-trô, đề nghị một giải pháp thực tiễn: San sẻ bớt trách nhiệm cho những người nam khác có khả năng. Nhìn nhận sức mình có hạn, Môi-se khôn ngoan chấp nhận lời đề nghị. (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:17-26; Dân-số Ký 12:3) Một người khiêm tốn không ngần ngại ủy quyền cho người khác, cũng không sợ sẽ mất quyền kiểm soát nếu san sẻ trách nhiệm thích hợp cho những người có khả năng. (Dân-số Ký 11:16, 17, 26-29) Trái lại, người ấy nhiệt tình giúp đỡ người khác tiến bộ về thiêng liêng. (1 Ti-mô-thê 4:15) Chẳng phải chúng ta cũng nên có thái độ như thế hay sao?
‘Đường-lối người trọn-vẹn được ban bằng’
Nhìn nhận rằng sự thanh liêm không luôn luôn che chở một người khỏi nguy hiểm hoặc tai ương, Sa-lô-môn nói: “Sự thanh-liêm của người ngay-thẳng dẫn-dắt họ; còn sự gian-tà của kẻ bất-trung sẽ hủy-diệt chúng nó”. (Châm-ngôn 11:3) Sự thanh liêm quả dẫn dắt người ngay thẳng làm điều đúng trong ánh mắt của Đức Chúa Trời, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, và về lâu về dài mang lại lợi ích. Gióp từ chối từ bỏ sự thanh liêm, và Đức Giê-hô-va “ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang-thì”. (Gióp 42:12) Còn những kẻ bất trung có thể làm giàu bằng mồ hôi nước mắt của người khác và thậm chí có vẻ phát đạt một thời gian. Nhưng chẳng sớm thì muộn, gậy ông sẽ đập lưng ông.
Vua khôn ngoan nói: “Trong ngày thạnh-nộ, tài-sản chẳng ích chi cả; duy công-bình giải-cứu khỏi sự chết”. (Châm-ngôn 11:4) Thật rồ dại làm sao nếu một người làm việc vất vả vì vật chất mà không có thì giờ để học hỏi cá nhân, cầu nguyện, đi họp và rao giảng—vốn là những hoạt động làm cho lòng yêu thương của chúng ta đối với Đức Chúa Trời sâu đậm thêm và củng cố sự tin kính của chúng ta dành cho Ngài! Không sự giàu có nào đem lại sự giải cứu khỏi hoạn nạn lớn sắp đến. (Ma-thi-ơ 24:21) Chỉ có sự công bình của người ngay thẳng mới giải cứu được người. (Khải-huyền 7:9, 14) Do đó, chúng ta nên khôn ngoan ghi tạc vào lòng lời kêu gọi của Sô-phô-ni: “Trước khi ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va chưa đến trên các ngươi. Hỡi các ngươi là mọi kẻ nhu-mì của đất, làm theo mạng-lịnh của Chúa, hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, tìm-kiếm sự công-bình, tìm-kiếm sự nhu-mì”. (Sô-phô-ni 2:2, 3) Từ đây đến đó, chúng ta hãy nhắm đến mục đích là ‘lấy tài-vật của chúng ta mà tôn vinh Đức Giê-hô-va’.—Châm-ngôn 3:9.
Nhấn mạnh thêm giá trị của việc theo đuổi sự công bình, Sa-lô-môn cho thấy kết quả tương phản giữa người trọn vẹn và người ác: “Sự công-bình của người trọn-vẹn ban bằng đường-lối người; nhưng kẻ hung-ác vì gian-ác mình mà sa-ngã. Sự công-bình của người ngay-thẳng sẽ giải-cứu họ; song kẻ bất-trung bị mắc trong sự gian-ác của mình. Khi kẻ ác chết, sự trông-mong nó mất; và sự trông-đợi của kẻ cường-bạo bị diệt. Người công-bình được cứu khỏi hoạn-nạn; rồi kẻ hung-ác sa vào đó thế cho người”. (Châm-ngôn 11:5-8) Người trọn vẹn không vấp ngã trong đường lối của mình cũng không bị sa bẫy trong chính phương kế mình. Đường lối của người được san bằng. Cuối cùng người ngay thẳng được cứu khỏi hoạn nạn. Kẻ ác dường như hùng mạnh, nhưng chúng sẽ không được cứu.
“Cả thành đều vui-vẻ”
Sự thanh liêm của người ngay thẳng và sự hung dữ của kẻ gian ác cũng có thể ảnh hưởng đến người khác. Vua Y-sơ-ra-ên nói: “Kẻ ác lấy lời nói mà làm tàn-hại người lân-cận mình; còn các người công-bình nhờ tri-thức mà được cứu khỏi”. (Châm-ngôn 11:9) Ai phủ nhận được rằng sự vu khống, thày lay, nói năng tục tĩu và nói nhăng nói cuội lại chẳng làm hại người khác? Trái lại, lời nói của người công bình trong sạch, được cân nhắc kỹ và ân cần. Bởi tri thức, người đó được giải cứu vì sự thanh liêm trang bị cho mình những luận cứ cần thiết để chứng minh kẻ vu cáo mình nói dối.
Vị vua nói tiếp: “Cả thành đều vui-vẻ về sự may-mắn của người công-bình; nhưng khi kẻ ác bị hư-mất, bèn có tiếng reo-mừng”. (Châm-ngôn 11:10) Người công bình thường được người khác mến chuộng, và làm cho người lân cận vui vẻ và hạnh phúc. Thật ra không ai thích “kẻ ác” cả. Khi kẻ ác chết, chúng thường không được người đời thương tiếc và chắc chắn cũng chẳng ai đau buồn khi ‘kẻ gian-ác bị Đức Giê-hô-va truất khỏi đất, và kẻ bất-trung bị nhổ rứt khỏi đó’. (Châm-ngôn 2:21, 22) Thay vì thế, người ta sẽ vui mừng vì kẻ ác không còn nữa. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta nên xét xem cách xử sự của mình có góp phần làm người khác vui mừng hay không.
“Thành được cao-trọng”
Sa-lô-môn nói tiếp về ảnh hưởng tương phản của người ngay thẳng và kẻ gian ác đối với cộng đồng: “Nhờ người ngay-thẳng chúc phước cho, thành được cao-trọng; song tại miệng kẻ tà-ác, nó bị đánh đổ”.—Châm-ngôn 11:11.
Người dân noi theo đường lối ngay thẳng ắt theo đuổi hòa bình, hạnh phúc và xây dựng người khác trong cộng đồng. Nhờ vậy, thành ấy được cao trọng và hưng thịnh. Những kẻ vu khống, nói hành và nói điều xằng bậy gây bất ổn, bất hạnh, bất hòa và phiền muộn. Điều này đặc biệt đúng nếu những kẻ này có chức có quyền. Một thành có dân như thế sẽ đầy xáo trộn, tham nhũng, suy đồi về đạo đức, và có lẽ cũng suy thoái về kinh tế.
Nguyên tắc ghi nơi Châm-ngôn 11:11 cũng áp dụng cho dân sự Đức Giê-hô-va được kết hợp với nhau trong hội thánh giống như những thành trì. Khi ảnh hưởng trong hội thánh là từ những thành viên có thiêng liêng tính—người ngay thẳng được sự thanh liêm hướng dẫn—thì hội thánh sẽ là một nhóm người hạnh phúc, đắc lực và hữu dụng, đem lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va ban phước cho hội thánh, và hội thánh hưng thịnh về thiêng liêng. Thỉnh thoảng có một vài người có thể không bằng lòng và bất mãn, hay vạch lá tìm sâu và chỉ trích lề lối làm việc trong hội thánh; họ giống như “rễ đắng” ăn lan và đầu độc những người lúc đầu ở ngoài cuộc. (Hê-bơ-rơ 12:15) Những kẻ ấy thường tham quyền và danh vọng. Họ tung ra tin đồn rằng có sự bất công, thành kiến về chủng tộc, hoặc những việc tương tự trong hội thánh hoặc trong vòng các trưởng lão. Quả thật, miệng họ có thể gây chia rẽ trong hội thánh. Chẳng phải chúng ta nên bịt tai làm ngơ trước những lời lẽ của họ và cố gắng làm người có thiêng liêng tính góp phần tạo hòa bình và hợp nhất trong hội thánh hay sao?
Sa-lô-môn nói tiếp: “Kẻ nào khinh-dể người lân-cận mình thiếu trí hiểu; nhưng người khôn-sáng làm thinh. Kẻ đi thèo-lẻo tỏ ra điều kín-đáo; còn ai có lòng trung-tín giữ kín công-việc”.—Châm-ngôn 11:12, 13.
Người thiếu sự phán đoán đúng, hoặc “thiếu trí hiểu” ắt gây ra tai hại lớn thay! Người ấy ăn nói bừa bãi đến độ vu khống hoặc chửi rủa. Các trưởng lão được bổ nhiệm phải nhanh chóng ngăn chặn ảnh hưởng độc hại ấy. Khác với kẻ “thiếu trí hiểu”, một người khôn sáng biết khi nào phải giữ im lặng. Thay vì tiết lộ những điều người khác thổ lộ với mình, người đó giữ kín chuyện. Biết rằng ăn nói không dè dặt có thể gây tai hại lớn, một người khôn sáng sẽ có “lòng trung-tín”. Người ấy trung tín với anh em cùng đạo và không tiết lộ những chuyện kín đáo có thể gây tai hại cho họ. Những người giữ sự thanh liêm như thế quả thật là một ân phước lớn thay cho hội thánh!
Hầu giúp chúng ta đi trên con đường của người trọn vẹn, Đức Giê-hô-va cung cấp dồi dào thức ăn thiêng liêng được chuẩn bị dưới sự chỉ dẫn của lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45) Chúng ta cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ cá nhân qua các trưởng lão tín đồ Đấng Christ trong các hội thánh giống như những thành trì. (Ê-phê-sô 4:11-13) Quả thật, chúng ta biết ơn những anh này, vì “dân-sự sa-ngã tại không chánh-trị; song nếu có nhiều mưu-sĩ, bèn được yên-ổn”. (Châm-ngôn 11:14) Dù có xảy ra chuyện gì chăng nữa, chúng ta hãy kiên quyết “bước đi trong sự thanh-liêm”.—Thi-thiên 26:1.
[Câu nổi bật nơi trang 26]
Làm việc vất vả vì vật chất mà bỏ bê các hoạt động thần quyền thật rồ dại làm sao!
[Các hình nơi trang 24]
Gióp đã để sự thanh liêm dẫn dắt ông, và Đức Giê-hô-va ban phước cho ông
[Hình nơi trang 25]
U-xa chết vì hành động tự quyền