Gieo sự công bình, gặt sự nhân từ của Đức Chúa Trời
“NGƯỜI nào bảo-lãnh cho người ngoại, ắt bị hại; nhưng ai ghét cuộc bảo-lãnh [“bắt tay”, “NW”], bèn được bình-an vô-sự”. (Châm-ngôn 11:15) Câu châm ngôn súc tích và đầy thuyết phục này khuyến khích chúng ta hành động với một tinh thần trách nhiệm! Đồng ký tên vay nợ với một người mượn tiền liều lĩnh tức là tạo nguy cơ gặp rắc rối. Tránh bắt tay—một cử chỉ trong Y-sơ-ra-ên xưa tương đương với việc ký tên đồng ý—là cách để khỏi bị mắc bẫy về tài chính.
Rõ ràng nguyên tắc được áp dụng ở đây là: “Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. (Ga-la-ti 6:7) Nhà tiên tri Ô-sê nói: “Hãy gieo cho mình trong sự công-bình, hãy gặt theo sự nhân-từ”. (Ô-sê 10:12) Đúng vậy, hãy gieo sự công bình bằng cách làm theo đường lối của Đức Chúa Trời và gặt hái sự nhân từ đầy yêu thương của Ngài. Liên tục áp dụng nguyên tắc này, Vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên khuyến khích một cách mạnh mẽ hành động đúng đắn, lời nói ngay thẳng và tinh thần thích đáng. Xem xét kỹ những lời khôn ngoan của ông quả thật sẽ khuyến khích chúng ta gieo trong sự công bình vì lợi ích cho chính mình.—Châm-ngôn 11:15-31.
Gieo “duyên”, gặt “sự tôn-trọng”
Vị vua khôn ngoan nói: “Người đàn-bà có duyên được sự tôn-trọng; còn người đàn-ông hung-bạo được tài-sản”. (Châm-ngôn 11:16) Câu này cho thấy một sự tương phản giữa sự tôn trọng lâu bền mà một phụ nữ có duyên có thể đạt được và tài sản phù du của một người đàn ông hung bạo.
Làm sao có được duyên dáng để mang lại sự tôn trọng? Sa-lô-môn khuyên: “Khá gìn-giữ sự khôn-ngoan thật và sự dẽ-dặt... thì nó sẽ là... đồ trang-sức cho cổ con”. (Châm-ngôn 3:21, 22) Và người viết Thi-thiên nói đến ‘ân-điển [“duyên”, Trần Đức Huân] tràn ra nơi môi một vị vua’. (Thi-thiên 45:1, 2) Đúng, sự khôn ngoan thật hay khôn ngoan thiết thực, sự dẽ dặt hay khả năng suy xét và nói năng đúng cách góp phần làm tăng nhân phẩm và vẻ duyên dáng. Điều đó chắc chắn đúng đối với một phụ nữ khôn khéo. A-bi-ga-in, vợ của tên Na-banh điên dại, là một thí dụ. Bà “thì thông-minh tốt-đẹp”, và Vua Đa-vít khen “sự khôn-ngoan” của bà.—1 Sa-mu-ên 25:3, 33.
Một phụ nữ tin kính có duyên thật sự thì chắc chắn sẽ được tôn trọng. Bà sẽ được người khác khen. Nếu có chồng, bà sẽ được chồng tôn trọng. Trên thực tế, bà sẽ làm cho cả gia đình được tôn trọng. Và sự tôn trọng đó không tạm bợ. “Danh-tiếng tốt còn hơn tiền-của nhiều; và ơn-nghĩa quí hơn bạc và vàng”. (Châm-ngôn 22:1) Danh tiếng tốt do bà tạo được trước Đức Chúa Trời có giá trị vĩnh cửu.
Đối với một “người đàn-ông hung-bạo” thì tình thế ngược lại. (Châm-ngôn 11:16) Một người hung bạo bị liệt vào hàng kẻ ác và kẻ thù của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Gióp 6:23; 27:13) Một người như thế “không để Đức Chúa Trời đứng trước mặt mình”. (Thi-thiên 54:3) Bằng cách hà hiếp và ích kỷ lợi dụng người vô tội, một kẻ như thế “thâu góp bạc tiền như cát-bụi”. (Gióp 27:16) Thế nhưng, đến một lúc nào đó, kẻ ấy sẽ nằm xuống và có thể không trỗi dậy nữa, và ngày nào hắn vẫn còn mở mắt được thì có thể là ngày cuối của cuộc đời hắn. (Gióp 27:19) Toàn bộ của cải và thành tích của hắn rồi sẽ hóa ra là hư không.—Lu-ca 12:16-21.
Châm-ngôn 11:16 dạy một bài học quan trọng thay! Bằng cách đặt trước mặt chúng ta thành quả mà người có duyên lẫn người hung bạo gặt hái, vua Y-sơ-ra-ên khuyến khích chúng ta gieo sự công bình.
“Sự nhân-từ” đem lại phần thưởng
Sa-lô-môn còn dạy thêm một bài học xử thế khác nữa khi nói: “Người nhân-từ làm lành cho linh-hồn mình; còn kẻ hung-bạo xui khổ-cực cho thịt mình”. (Châm-ngôn 11:17) Một học giả nói: “Điểm then chốt trong câu châm ngôn này là cách cư xử của một người đối với những người khác, dù tốt hay xấu, có những ảnh hưởng mình không lường trước”. Hãy xem xét trường hợp của một phụ nữ trẻ tên là Lisa.a Dù có thiện chí, chị luôn luôn đến trễ hẹn. Việc chị đến trễ 30 phút hoặc hơn nữa để gặp những người công bố Nước Trời để đi rao giảng là chuyện thường xảy ra. Qua cách này, chị không làm lành cho bản thân mình. Chị có thể nào trách móc người khác nếu họ chán phải mất thì giờ quý báu và tránh hẹn đi chung với chị nữa không?
Một người cầu toàn—người đặt tiêu chuẩn thành quả quá cao—cũng là người nhẫn tâm đối với chính mình. Cứ mải cố gắng đạt đến những mục tiêu quá cao, người đó tự đưa mình vào trạng thái kiệt sức và thất vọng. Ngược lại, chúng ta làm lành cho chính mình khi đặt những mục tiêu thực tế và phải lẽ. Có lẽ chúng ta không nhanh trí như bao người khác. Hoặc có lẽ bệnh tật hoặc tuổi già khiến chúng ta bị hạn chế. Chúng ta đừng bao giờ bực bội nếu thấy mình chậm tiến bộ về thiêng liêng, nhưng hãy luôn luôn phải lẽ khi đối phó với những giới hạn của mình. Chúng ta vui mừng nếu “cố gắng” trong phạm vi khả năng của mình.—2 Ti-mô-thê 2:15, Tòa Tổng Giám Mục; Phi-líp 4:5.
Vị vua khôn ngoan ghi thêm chi tiết về cách một người công bình nhận được lợi ích trong khi người độc ác tự hại mình: “Kẻ dữ ăn được công-giá hư-giả [“đồng lương hư ảo”, “TTGM”]; song ai gieo điều công-bình hưởng phần thưởng chắc-chắn. Người nào vững lòng ở công-bình được đến sự sống; còn kẻ săn theo ác gây sự chết cho mình. Kẻ có lòng gian-tà lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va; nhưng ai có tánh-hạnh trọn-vẹn được đẹp lòng Ngài. Quả thật [“tay trao tay”, “Nguyễn Thế Thuấn”, cước chú] kẻ gian-ác chẳng hề khỏi bị hình-phạt; song dòng-dõi người công-bình sẽ được cứu khỏi”.—Châm-ngôn 11:18-21.
Các câu Kinh Thánh này nhấn mạnh một điểm cơ bản qua nhiều cách: Gieo sự công bình và gặt hái phần thưởng. Kẻ ác tìm cách phỉnh dối hoặc cờ bạc để từ “nước lã mà vã nên hồ”. Vì tiền kiếm được ấy là hư ảo hoặc giả tạo, hắn có thể đi đến thất vọng. Một người lương thiện làm việc lĩnh một đồng lương chắc chắn, đó là sự bảo đảm cho mình. Có được sự chấp nhận của Đức Chúa Trời, người có tánh hạnh trọn vẹn được đến sự sống. Nhưng kẻ ác thì sẽ đi đến kết cuộc nào? Dù “tay trao tay” để âm mưu hành động dối trá, kẻ ác sẽ không tránh khỏi hình phạt. (Châm-ngôn 2:21, 22) Thật là một lời khích lệ tốt để gieo sự công bình!
Vẻ đẹp thật cho người khôn ngoan
Vua Sa-lô-môn nói tiếp: “Một người đàn-bà đẹp-đẽ mà thiếu dẽ-dặt, khác nào một vòng vàng đeo nơi mũi heo”. (Châm-ngôn 11:22) Vòng đeo mũi là một đồ trang sức phổ thông vào thời Kinh Thánh. Vòng vàng đeo mũi xỏ một bên của lỗ mũi hoặc xuyên qua khoảng giữa hai lỗ mũi thật là một món nữ trang của phái nữ dễ nhìn thấy. Nhưng đeo cho heo thì thật không thích hợp tí nào! Tương tự như thế, người nào thiếu “dẽ-dặt” hay khôn ngoan dù bề ngoài đẹp cũng khó coi. Đồ trang sức không xứng hợp với người nam hoặc nữ ấy. Thật chướng tai gai mắt—chẳng hấp dẫn tí nào.
Đành rằng điều tự nhiên là chúng ta quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình. Nhưng tại sao quá lo lắng hay bất mãn về ngoại hình của mình? Chúng ta không kiểm soát được nhiều đặc điểm bề ngoài của mình. Và vẻ ngoại hình không phải là tất cả. Chẳng phải là phần đông những người chúng ta thích và thán phục đều trông rất bình thường hay sao? Vẻ hấp dẫn bề ngoài không phải là bí quyết dẫn đến hạnh phúc. Vẻ đẹp nội tâm gồm những đức tính lâu bền theo ý Đức Chúa Trời mới là điều đáng kể. Vậy mong sao chúng ta hãy khôn ngoan và vun trồng những đức tính ấy.
“Lòng rộng-rãi sẽ được no-nê”
Vua Sa-lô-môn nói: “Sự ao-ước của người công-bình chỉ là điều thiện; còn điều kẻ ác trông-đợi, ấy là cơn thạnh-nộ”. Minh họa tại sao lại như thế, ông nói thêm: “Có người rải của mình ra, lại càng thêm nhiều lên; cũng có người chắt lót quá bực, nhưng chỉ được sự thiếu-thốn”.—Châm-ngôn 11:23, 24.
Khi siêng năng rải của mình ra qua việc truyền bá sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời cho người khác, chúng ta chắc chắn hiểu biết nhiều hơn về “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu”. (Ê-phê-sô 3:18) Mặt khác, người nào không đem sự hiểu biết của mình ra ứng dụng có nguy cơ mất đi những gì mình đang có. Đúng vậy, “ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều”.—2 Cô-rinh-tô 9:6.
Vị vua nói tiếp: “Lòng rộng-rãi sẽ được no-nê; còn ai nhuần-gội, chính người sẽ được nhuần-gội”. (Châm-ngôn 11:25) Khi chúng ta dùng thì giờ và của cải của mình một cách rộng rãi để phát huy sự thờ phượng thật, Đức Giê-hô-va rất hài lòng về chúng ta. (Hê-bơ-rơ 13:15, 16) Ngài sẽ ‘mở các cửa-sổ trên trời cho chúng ta, đổ phước xuống cho chúng ta đến nỗi không chỗ chứa’. (Ma-la-chi 3:10) Hãy chứng kiến sự thịnh vượng về thiêng liêng của các tôi tớ thời nay của Ngài!
Vua Sa-lô-môn cho thêm một thí dụ khác về sự tương phản giữa ước vọng của người công bình với dục vọng của kẻ ác: “Kẻ nào cầm-giữ lúa thóc, bị dân-sự rủa-sả; song sự chúc-phước sẽ giáng trên đầu người bán nó ra”. (Châm-ngôn 11:26) Đầu cơ tích trữ những hàng hóa khi giá còn thấp và đợi cho đến khi chúng hiếm và đắt rồi mới tung ra bán có thể lời to. Dù tiêu thụ hạn chế và giữ lại một ít hàng trong kho có thể có ích, thường thường người ta vẫn khinh rẻ người đầu cơ trục lợi vì tính ích kỷ của người đó. Mặt khác, người được lòng dân là người không lợi dụng nhu cầu khẩn cấp của người khác để làm giàu to.
Vua Y-sơ-ra-ên khuyến khích chúng ta tiếp tục ước muốn điều thiện hoặc công bình, bằng cách nói: “Ai tìm-cầu sự thiện, tìm-kiếm ân-điển; nhưng ai tìm-cầu điều ác, tất ác sẽ xảy đến cho nó. Kẻ nào tin-cậy nơi của-cải mình sẽ bị xiêu-ngã; còn người công-bình được xanh-tươi như lá cây”.—Châm-ngôn 11:27, 28.
Người công bình được linh hồn người ta
Sa-lô-môn minh họa việc gieo gió gặt bão bằng cách nói: “Ai khuấy-rối nhà mình sẽ được gió làm cơ-nghiệp”. (Châm-ngôn 11:29a) Việc làm sai quấy của A-can đã khiến hắn ‘tự khuấy-rối cho mình’, và hắn lẫn gia đình hắn đều bị ném đá chết. (Giô-suê, chương 7) Ngày nay, người trưởng gia đình tín đồ Đấng Christ và những người khác trong cùng gia đình có thể dính líu đến tội lỗi và bị khai trừ khỏi hội thánh Đấng Christ. Chỉ vì chính cá nhân mình không tuân thủ những điều răn của Đức Chúa Trời và dung túng tội trọng trong nhà mình, một người khiến gia đình mình bị tẩy chay. Người đó và có lẽ những người khác trong gia đình bị khai trừ khỏi đoàn thể anh em tín đồ vì là kẻ có tội không ăn năn. (1 Cô-rinh-tô 5:11-13) Và người đó gặt hái được gì? Chỉ được gió—một điều không có giá trị hoặc không có thực chất.
Câu Kinh Thánh nói tiếp: “Kẻ điên-cuồng trở nên tôi-tớ cho người có lòng khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 11:29b) Vì một người điên cuồng thiếu sự khôn ngoan thực tiễn, người đó không được giao phó trách nhiệm lớn. Hơn nữa, cách người đó xử lý vụng về công việc riêng của mình có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc người khác một cách nào đó. Một người thiếu khôn ngoan như thế rất có thể trở thành “tôi-tớ cho người có lòng khôn-ngoan”. Vậy rõ ràng, điều rất trọng yếu là chúng ta dùng sự phán đoán tốt và sự khôn ngoan thực tiễn trong mọi cách xử thế của chúng ta.
Vị vua khôn ngoan cam kết với chúng ta: “Kết quả của người công-bình giống như cây sự sống; người khôn-ngoan có tài được linh-hồn người ta”. (Châm-ngôn 11:30) Điều này xảy ra như thế nào? Qua lời nói và hạnh kiểm của mình, một người công bình bồi dưỡng người khác về thiêng liêng. Họ được khuyến khích phụng sự Đức Giê-hô-va và cuối cùng có thể nhận lãnh sự sống mà Đức Chúa Trời tạo điều kiện để ban cho.
‘Kẻ có tội sẽ bị trả giá đắt hơn nữa’
Những câu châm ngôn trên đây khuyên nhủ chúng ta thật hùng hồn làm sao hầu chúng ta gieo sự công bình! Sa-lô-môn áp dụng nguyên tắc “ai gieo giống chi lại gặt giống ấy” một cách khác nữa, ông nói: “Kìa, người công-bình được báo-đáp nơi thế-thượng; phương chi kẻ hung-ác và kẻ có tội”.—Châm-ngôn 11:31.
Dù có cố gắng làm điều thiện đến đâu, đôi khi một người công bình cũng lầm lỗi. (Truyền-đạo 7:20) Và người ấy sẽ “được báo-đáp” bằng cách được sửa trị. Nhưng về phần kẻ ác cố tình chọn con đường sai lầm và không cố gắng quay về con đường ngay thẳng thì sao? Chẳng phải là kẻ đó phải trả giá gấp bội—tức bị trừng phạt nặng hơn hay sao? Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Lại nếu người công-bình còn khó được rỗi, thì những kẻ nghịch đạo và có tội sẽ trở nên thế nào?” (1 Phi-e-rơ 4:18) Do đó, chúng ta hãy cương quyết luôn luôn gieo cho mình sự công bình.
[Chú thích]
a Tên thật đã được thay thế ở đây.
[Hình nơi trang 28]
“Duyên” mang lại “sự tôn-trọng” cho A-bi-ga-in
[Các hình nơi trang 30]
‘Kẻ dữ ăn được công-giá hư-giả, người công-bình hưởng phần thưởng chắc-chắn’
[Hình nơi trang 31]
“Ai gieo nhiều thì gặt nhiều”