‘Môi chân-thật sẽ bền vững mãi mãi’
NÓ CÓ THỂ gây tai hại cho cả một đời người, cũng như ngọn lửa nhỏ có thể đốt cháy và phá hủy toàn thể cánh rừng. Nó có thể đầy nọc độc, nhưng nó cũng có thể là “một cây sự sống”. (Châm-ngôn 15:4) Sống chết đều ở dưới quyền của nó. (Châm-ngôn 18:21) Ấy là sức mạnh của bộ phận nhỏ bé có thể làm ô uế cả thân thể: cái lưỡi. (Gia-cơ 3:5-9) Chúng ta tỏ ra khôn ngoan nếu trông chừng cái lưỡi của mình.
Phần sau chương 12 của sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh, Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa cung cấp những lời khuyên quý giá giúp chúng ta kiềm chế lời nói. Bằng những câu châm ngôn ngắn gọn nhưng thiết thực, vị vua khôn ngoan này cho thấy rằng lời nói gây nên những hậu quả cũng như cho biết nhiều về nét tính của người nói. Lời khuyên của Sa-lô-môn được soi dẫn rất cần thiết cho bất cứ ai muốn ‘canh cửa môi mình’.—Thi-thiên 141:3.
‘Sự vi-phạm gài bẫy’
Sa-lô-môn nói: “Trong sự vi-phạm của môi-miệng có một cái bẫy tàn-hại; nhưng người công-bình được thoát-khỏi sự hoạn-nạn”. (Châm-ngôn 12:13) Nói dối là sự vi phạm của môi miệng; nó trở thành cái bẫy gây tử vong cho người quen nói dối. (Khải-huyền 21:8) Nói năng thiếu trung thực có vẻ là một cách dễ dàng để tránh khỏi sự trừng phạt hoặc để thoát khỏi một tình huống không hay. Nhưng chẳng phải là lời nói dối thường đưa đến những lời nói dối khác hay sao? Y như trường hợp người cờ bạc lúc đầu đánh canh bạc nhỏ, sau bị cuốn hút vào những canh bạc càng ngày càng lớn khi anh ta cố gỡ lại tiền đã thua, người nói dối cũng sa vào vòng luẩn quẩn như vậy.
Sự vi phạm của môi miệng gài thêm bẫy theo nghĩa là người nói dối cuối cùng có thể tự dối mình. Thí dụ, người nói dối có thể tự cho rằng anh ta hiểu biết rất sâu rộng và tài ba lỗi lạc, trong khi trên thực tế thì lại biết rất ít. Do đó, anh ta bắt đầu sống cuộc đời giả mạo. Thật vậy, “hắn tự cao tự đại, nên chẳng thấy tội mình mà chê ghét”. (Thi-thiên 36:2, Tòa Tổng Giám Mục) Việc nói dối hóa ra là một cái bẫy tai hại thay! Trái lại, người công bình sẽ không tự để mình sa vào bẫy như thế. Ngay cả khi ở trong cảnh khó khăn, anh cũng không gian dối.
‘Bông trái làm no-đầy’
“Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh-dể đâu”, sứ đồ Phao-lô khuyến cáo; “vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. (Ga-la-ti 6:7) Chắc chắn, nguyên tắc này áp dụng cho lời nói cũng như hành động của chúng ta. Sa-lô-môn nói: “Nhờ bông-trái của môi-miệng mình, người sẽ được no-đầy phước; và người ta sẽ được báo lại tùy theo việc tay mình đã làm”.—Châm-ngôn 12:14.
Cái miệng “xưng điều khôn-ngoan” sinh ra bông trái làm cho no đầy. (Thi-thiên 37:30) Khôn ngoan đòi hỏi phải hiểu biết, và không ai là cái kho chứa đựng mọi sự hiểu biết. Ai cũng cần lắng nghe và áp dụng lời khuyên tốt. “Đường-lối của kẻ ngu-muội vốn ngay-thẳng theo mắt nó”, vị vua nước Y-sơ-ra-ên nói, “còn người khôn-ngoan nghe lời khuyên-dạy”.—Châm-ngôn 12:15.
Qua Lời và tổ chức của Ngài, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta lời khuyên hữu lý dùng những ấn phẩm do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. (Ma-thi-ơ 24:45; 2 Ti-mô-thê 3:16) Bác bỏ lời khuyên tốt và khư khư theo ý mình thì quả dại dột biết bao! Chúng ta “phải mau nghe” khi Đức Giê-hô-va, “Đấng dạy sự tri-thức cho loài người”, khuyên răn chúng ta qua cơ quan thông tri của Ngài.—Gia-cơ 1:19; Thi-thiên 94:10.
Người khôn ngoan và người dại dột phản ứng thế nào trước lời lăng mạ hoặc chỉ trích vô căn cứ? Sa-lô-môn giải đáp: “Sự giận-dữ của kẻ ngu-muội liền lộ ra tức thì; còn người khôn-khéo che-lấp sỉ-nhục mình”.—Châm-ngôn 12:16.
Khi bị xem thường, người dại dột phản ứng hấp tấp—hoặc “tức thì”. Nhưng một người thận trọng cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh để tự kiềm chế. Người ấy dành thời gian suy ngẫm lời khuyên trong Lời Đức Chúa Trời và cân nhắc với lòng biết ơn lời Chúa Giê-su nói: “Nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn”. (Ma-thi-ơ 5:39) Vì không muốn “lấy ác trả ác cho ai”, người khôn khéo kiềm chế môi miệng để không nói năng thiếu suy nghĩ. (Rô-ma 12:17) Tương tự như thế, khi bỏ qua bất cứ sỉ nhục nào mà chúng ta có thể gặp, chúng ta tránh kéo dài thêm cuộc tranh chấp.
‘Cái lưỡi chữa lành’
Sự vi phạm của môi miệng có thể gây ra nhiều tai hại trong việc xét xử. Vị vua nước Y-sơ-ra-ên nói: “Kẻ nào nói thật, rao truyền sự công-bình; song kẻ làm chứng gian, phô sự giả-dối”. (Châm-ngôn 12:17) Người làm chứng chân thật rao truyền sự công bình bởi lẽ lời chứng của người ấy xác thực và đáng tin cậy. Lời của người ấy góp phần thực thi công lý. Trái lại, người làm chứng gian thì đầy dối trá và tiếp tay làm băng hoại công lý.
Sa-lô-môn nói tiếp: “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm, miệng lưỡi khôn ngoan lại chữa trị cho lành”. (Châm-ngôn 12:18, TTGM) Lời nói có thể đâm thấu như lưỡi gươm, phá hủy tình bạn và gây nên chuyện không hay. Hoặc lời nói có thể tươi vui và dễ nghe, bảo toàn được tình bạn. Những lời thóa mạ, quát tháo, chỉ trích không ngớt và những lời gây sỉ nhục là gì nếu không phải là những nhát đâm gây tổn thương về tình cảm? Ngỏ lời xin lỗi chân thành, có tác dụng chữa lành nhằm sửa chữa bất cứ lỗi lầm nào khi chúng ta sẩy miệng thì thật tốt đẹp biết bao!
Trong thời kỳ khó khăn mà chúng ta đang sống, không lấy làm ngạc nhiên khi nhiều người có “tấm lòng tan vỡ” và “tâm thần thất vọng ê chề”. (Thi-thiên 34:18, TTGM) Khi nói lời “yên-ủi những kẻ ngã lòng” và “nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối”, chẳng phải là chúng ta đang vận dụng khả năng chữa lành của lời nói hay sao? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Đúng vậy, những lời thông cảm có thể khích lệ các thanh thiếu niên đang phấn đấu chống lại áp lực tai hại của những người cùng lứa tuổi. Một cái lưỡi biết suy nghĩ có thể khiến những người lớn tuổi yên lòng nhờ biết rằng họ hữu ích và được yêu mến. Những lời tử tế chắc chắn có thể nâng cao tinh thần của người đang bệnh. Ngay cả lời khiển trách cũng dễ chấp nhận hơn khi phê bình với “lòng mềm-mại”. (Ga-la-ti 6:1) Khi chia sẻ tin mừng Nước Đức Chúa Trời với những người lắng nghe, lưỡi của người sử dụng có tác dụng chữa lành biết bao!
‘Cái môi bền vững’
Sử dụng từ “môi” làm từ đồng nghĩa với “lưỡi”, Sa-lô-môn nói: “Môi chân-thật được bền-đỗ đời đời; song lưỡi giả-dối chỉ còn một lúc mà thôi”. (Châm-ngôn 12:19) Từ ngữ “môi chân-thật” trong tiếng Hê-bơ-rơ ở thể số ít và có ý nghĩa sâu xa hơn là chỉ bao gồm việc nói thật. “Nó bao hàm các đức tính như lâu bền, trường tồn và đáng tin cậy”, một sách tham khảo bình luận như vậy. “Lời nói có phẩm chất này sẽ bền vững... mãi mãi bởi vì nó sẽ được xem là đáng tin cậy, trái ngược với lưỡi gian dối... có thể lừa dối một lúc nhưng không thể tồn tại khi bị đưa ra thử thách”.
“Sự phỉnh-gạt ở trong lòng kẻ toan mưu hại”, vị vua khôn ngoan nói, “nhưng sự vui-vẻ thuộc về người khuyên-lơn sự hòa-bình”. Ông nói thêm: “Chẳng một tai-họa nào xảy đến cho người công-bình; song kẻ hung-ác sẽ bị đầy đau-đớn”.—Châm-ngôn 12:20, 21.
Người mưu hại chỉ gây ra đau đớn và khổ sở. Trái lại, những người khuyên lơn sự hòa bình gặt sự thỏa nguyện nhờ làm điều phải. Họ cũng vui mừng thấy kết quả tốt đẹp. Quan trọng hơn hết, họ hưởng sự chấp nhận của Đức Chúa Trời vì “môi-miệng nói dối-giả lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va; song ai ăn-ở trung-thành được đẹp lòng Ngài”.—Châm-ngôn 12:22.
‘Những lời nói che đậy sự hiểu biết’
Miêu tả thêm một sự khác biệt nữa giữa người nói năng thận trọng và người vô ý tứ, vị vua nước Y-sơ-ra-ên nói: “Người khôn-khéo giấu [“che đậy”, “NW”] điều mình biết; còn lòng kẻ ngu-muội xưng ra sự điên-dại mình”.—Châm-ngôn 12:23.
Một người khôn khéo, tức thận trọng, biết khi nào nên nói và khi nào không. Người ấy che đậy sự hiểu biết bằng cách tự kiềm chế để không khoe khoang điều mình biết. Điều này không có nghĩa là anh luôn giấu sự hiểu biết của mình. Thay vì thế, anh có ý tứ trong việc biểu lộ nó. Trái lại, người ngu muội nói năng hấp tấp và bộc lộ sự ngu dại của mình. Vì vậy, chúng ta hãy nói ít và giữ gìn miệng lưỡi để tránh khoe khoang.
Tiếp tục nêu lên các sự tương phản, Sa-lô-môn lập một luận điểm nổi bật về tính siêng năng và lười biếng. Ông nói: “Tay người siêng-năng sẽ cai-trị; nhưng tay kẻ biếng-nhác phải phục-dịch”. (Châm-ngôn 12:24) Làm việc chăm chỉ có thể dẫn đến sự thăng tiến và tự lực cánh sinh, tính lười biếng đưa đến việc phải phục dịch và nô lệ. Một học giả nói: “Với thời gian, người lười biếng sẽ trở thành nô lệ cho người siêng năng”.
‘Những lời làm vui mừng’
Trở lại vấn đề nói năng, Vua Sa-lô-môn đưa ra một nhận xét tinh tế về bản chất con người. Ông nói: “Sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn; nhưng một lời lành khiến lòng vui-vẻ”.—Châm-ngôn 12:25.
Nhiều điều lo lắng và quan tâm có thể khiến lòng nặng trĩu buồn rầu. Để giảm bớt gánh nặng và khiến lòng vui vẻ, cần phải có lời khích lệ tốt lành từ một người có lòng thông cảm. Nhưng làm thế nào người khác biết được mức độ lo lắng trong lòng chúng ta trừ phi chúng ta thổ lộ nỗi lo lắng ấy? Đúng vậy, khi đau khổ hoặc bị chán nản, chúng ta cần giãi bày tâm sự với một người đồng cảm, có đủ khả năng giúp đỡ. Hơn nữa, diễn đạt cảm nghĩ sẽ giải tỏa phần nào nỗi ưu phiền trong lòng. Vì thế, điều có lợi là giãi bày tâm sự với người hôn phối, cha mẹ, hoặc một người bạn có lòng trắc ẩn và đủ điều kiện về thiêng liêng.
Làm gì có lời khích lệ nào tốt bằng những lời trong Kinh Thánh? Vậy chúng ta phải đến gần Đức Chúa Trời bằng cách suy ngẫm Lời được Ngài soi dẫn với thái độ biết ơn. Suy tư như thế chắc chắn mang lại niềm vui mừng cho một tấm lòng đau khổ và sự tươi sáng cho cặp mắt buồn bã. Người viết Thi-thiên nhận thực điều này như sau: “Luật-pháp của Đức Giê-hô-va là trọn-vẹn, bổ linh-hồn lại; sự chứng-cớ Đức Giê-hô-va là chắc-chắn, làm cho kẻ ngu-dại trở nên khôn-ngoan. Giềng-mối của Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng, làm cho lòng vui-mừng; điều-răn của Đức Giê-hô-va trong-sạch, làm cho mắt sáng-sủa”.—Thi-thiên 19:7, 8.
Con đường mang lại phần thưởng
Đối chiếu nét tương phản giữa con đường người công bình với đường của người gian ác, vị vua nước Y-sơ-ra-ên nói: “Người công chính biết tránh nguy hiểm, kẻ gian ác lầm đường lạc lối”. (Châm-ngôn 12:26, Trịnh Văn Căn) Người công bình cẩn thận để tránh khỏi nguy hiểm—tức vấn đề chọn bạn bè và người mình giao du. Anh khôn ngoan chọn bạn, cố tránh tiếp xúc những người nguy hiểm. Những người gian ác lại không như thế, họ từ chối lời khuyên và khăng khăng theo ý riêng. Lầm lẫn, nên họ lạc lối.
Kế đó, Vua Sa-lô-môn trình bày sự khác biệt giữa người lười biếng và người siêng năng dưới quan điểm khác nữa. Ông nói: “Kẻ biếng-nhác không chiên-nướng thịt mình đã săn; song người siêng-năng được tài-vật quí-báu của loài người”. (Châm-ngôn 12:27) Người lười biếng không “chiên-nướng” con vật mình đã săn được. Quả thật, anh ta không thể kết thúc những việc mình đã bắt đầu. Trái lại, tính siêng năng hàm nghĩa giàu có.
Tính lười biếng tai hại đến độ sứ đồ Phao-lô thấy cần phải viết cho tín đồ Đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca và sửa sai một số người “không bước theo các điều dạy-dỗ”—họ không làm việc gì cả nhưng lại can dự vào những chuyện không liên quan đến họ. Những người như thế áp đặt gánh nặng tốn kém lên người khác. Vì vậy, sứ đồ Phao-lô công khai khuyên giục họ “phải yên-lặng mà làm việc, hầu cho ăn bánh của mình làm ra”. Nếu họ không hưởng ứng lời khuyến cáo cứng rắn này, Phao-lô khuyên những anh em khác trong hội thánh “phải lánh” họ—nghĩa là tránh các quan hệ xã giao với họ.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-12.
Không những chúng ta phải để tâm đến lời khuyên của Sa-lô-môn về tính cần mẫn, mà còn phải quan tâm đến cả lời khuyên về việc sử dụng đúng đắn cái lưỡi. Chúng ta hãy cố gắng dùng bộ phận nhỏ bé ấy để chữa lành và làm người khác vui mừng trong khi tránh sự vi phạm của môi miệng, đồng thời theo đuổi con đường ngay thẳng. “Sự sống ở nơi đường công-bình”, Sa-lô-môn đoan chắc với chúng ta như vậy, “trên lối nó không có sự chết”.—Châm-ngôn 12:28.
[Các hình nơi trang 27]
“Người khôn-ngoan nghe lời khuyên-dạy”
[Các hình nơi trang 28]
“Miệng lưỡi khôn ngoan... chữa trị cho lành”
[Hình nơi trang 29]
Giãi bày tâm sự với một người bạn thân tín có thể mang lại sự an ủi
[Hình nơi trang 30]
Suy ngẫm với thái độ biết ơn về Lời Đức Chúa Trời khiến lòng vui mừng