“Những mưu-ý mình sẽ được thành-công”
TRONG một bài Thi-thiên do Đa-vít sáng tác, ông cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng. Xin hãy ban lại cho tôi sự vui-vẻ về sự cứu-rỗi của Chúa, dùng thần-linh sẵn lòng mà nâng-đỡ tôi”. (Thi-thiên 51:10, 12) Sau khi phạm tội với Bát-sê-ba, Đa-vít tỏ lòng ăn năn, nài xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho lòng ông được trong sạch và ban cho ông “thần-linh”, hay tinh thần, ngay thẳng để làm điều đúng.
Đức Giê-hô-va có thật sự dựng nên trong chúng ta một tấm lòng mới, ngay cả ban cho chúng ta một tinh thần sẵn sàng không? Hay chúng ta phải nỗ lực để có được và gìn giữ một tấm lòng trong sạch? “Đức Giê-hô-va thử lòng của loài người”, nhưng Ngài ảnh hưởng đến lòng của chúng ta tới mức nào? (Châm-ngôn 17:3; Giê-rê-mi 17:10) Ngài ảnh hưởng đến đời sống, động cơ và hành động của chúng ta như thế nào?
Nhắc đến danh Đức Chúa Trời tám lần, chín câu đầu của Châm-ngôn chương 16 cho thấy làm thế nào chúng ta để cho Đức Chúa Trời điều khiển đời sống mình, nhờ thế “những mưu-ý [chúng ta] sẽ được thành-công”. (Châm-ngôn 16:3) Câu 10 đến 15 nói về trách nhiệm của vua hay người cai trị.
“Việc toan-liệu của lòng”—Thuộc về ai?
Châm-ngôn 16:1a nói: “Việc toan-liệu của lòng thuộc về loài người”. Rõ ràng, “việc toan-liệu của lòng” là trách nhiệm chúng ta. Đức Giê-hô-va không chuẩn bị lòng của chúng ta bằng phép lạ, và Ngài cũng không ban cho chúng ta tinh thần sẵn sàng. Chúng ta cần nỗ lực để tiếp thu sự hiểu biết chính xác về Lời Ngài là Kinh Thánh, suy ngẫm về những gì học được, và làm cho tư tưởng của chúng ta hòa hợp với ý tưởng Ngài.—Châm-ngôn 2:10, 11.
Tuy nhiên, việc Đa-vít cầu xin có “một lòng trong-sạch” và “một thần-linh ngay-thẳng” cho thấy ông ý thức khuynh hướng tội lỗi và biết mình cần được Đức Chúa Trời giúp đỡ để làm cho lòng được trong sạch. Là người bất toàn, chúng ta có thể bị cám dỗ để làm “các việc. . . của xác-thịt”. (Ga-la-ti 5:19-21) Muốn “làm chết các chi-thể của [chúng ta] ở nơi hạ-giới, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam”, chúng ta cần sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va. (Cô-lô-se 3:5) Chúng ta phải cầu xin sự trợ giúp của Đức Chúa Trời để tránh rơi vào cám dỗ và loại bỏ khuynh hướng tội lỗi trong lòng!
Chúng ta có thể giúp người khác trong “việc toan-liệu” của lòng họ không? Kinh Thánh nói: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. (Châm-ngôn 12:18) Khi nào thì lưỡi của chúng ta là phương thuốc hay? Chỉ khi nào “sự đáp lời của lưỡi do Đức Giê-hô-va mà đến”, nghĩa là khi chúng ta nói những lời chính xác về lẽ thật trong Kinh Thánh.—Châm-ngôn 16:1b.
Kinh Thánh cho biết: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa”. (Giê-rê-mi 17:9) Lòng chúng ta có khuynh hướng tự bào chữa và tự dối mình. Cảnh báo về mối nguy hiểm này, vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên xưa nói: “Các đường-lối của người đều là trong-sạch theo mắt mình; song Đức Giê-hô-va cân-nhắc cái lòng [“tâm tính”, NW]”.—Châm-ngôn 16:2.
Yêu bản thân có thể khiến chúng ta tự bào chữa lỗi lầm, che dấu các tính nết đáng chê trách và lờ đi những việc xấu của mình. Nhưng chúng ta không thể lừa dối Đức Giê-hô-va. Ngài cân nhắc tâm tính. Tâm tính liên hệ đến lòng của một người, bao gồm tư tưởng, cảm xúc và động cơ. Đấng “thử lòng” cân nhắc tâm tính của chúng ta, và Ngài không thiên vị. Chúng ta khôn ngoan khi gìn giữ lòng mình.
“Hãy phó các việc mình cho Đức Giê-hô-va”
Lập “mưu-ý”, hay kế hoạch, đòi hỏi chúng ta phải suy tính—một hoạt động của lòng. Chúng ta thường bắt tay vào việc làm sau khi lập kế hoạch. Liệu chúng ta sẽ thành công không? Sa-lô-môn nói: “Hãy phó các việc mình cho Đức Giê-hô-va, thì những mưu-ý mình sẽ được thành-công”. (Châm-ngôn 16:3) Phó các việc mình cho Đức Giê-hô-va nghĩa là tin tưởng Ngài, nương cậy nơi Ngài, phục tùng Ngài—trao gánh nặng cho Ngài. Người viết Thi-thiên hát: “Hãy phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ-cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy”.—Thi-thiên 37:5.
Tuy nhiên, để thành công, mưu ý của chúng ta phải phù hợp với Lời Đức Chúa Trời và có động cơ tốt. Hơn nữa, chúng ta nên cầu xin sự giúp đỡ và hỗ trợ của Đức Giê-hô-va và gắng hết sức làm theo lời khuyên của Kinh Thánh. Nhất là khi đương đầu với thử thách hay khó khăn, chúng ta cần ‘trao gánh-nặng cho Đức Giê-hô-va’ vì ‘Ngài sẽ nâng-đỡ chúng ta’. Thật vậy, “Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động”.—Thi-thiên 55:22.
“Đức Giê-hô-va đã dựng nên muôn vật để dùng cho Ngài”
Phó các việc mình cho Đức Giê-hô-va sẽ mang lại kết quả nào khác? Vị vua khôn ngoan nói: “Đức Giê-hô-va đã dựng nên muôn vật để dùng cho Ngài”. (Châm-ngôn 16:4a) Đấng Tạo Hóa của vũ trụ là Đức Chúa Trời có ý định. Khi phó các việc mình cho Ngài, những hoạt động trong đời sống chúng ta sẽ có mục đích và ý nghĩa, tránh được điều hư không hay vô ích. Đức Giê-hô-va có ý định đời đời đối với trái đất và loài người sống trên đó. (Ê-phê-sô 3:11) Ngài đã tạo thành trái đất và làm ra nó “để dân ở”. (Ê-sai 45:18) Hơn nữa, ý định ban đầu của Ngài đối với loài người chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. (Sáng-thế Ký 1:28) Một đời sống tận tụy với Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ chấm dứt và có ý nghĩa mãi mãi.
Đức Giê-hô-va dựng nên “kẻ ác. . . để-dành cho ngày tai-họa”. (Châm-ngôn 16:4b) Ngài không tạo ra kẻ ác, vì “công-việc của [Ngài] là trọn-vẹn”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Tuy nhiên, Ngài cho phép chúng hiện hữu và tiếp tục sống đến thời điểm thích hợp để thi hành sự phán xét. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va phán với Pha-ra-ôn xứ Ê-díp-tô: “Vì cớ nầy ta để ngươi còn sống, là cho ngươi thấy quyền-năng của ta, hầu cho danh ta đồn khắp cả thiên-hạ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16) Đức Chúa Trời đã biểu dương quyền năng vô song khi giáng Mười Tai Vạ và hủy diệt Pha-ra-ôn cùng đạo binh của hắn tại Biển Đỏ. Đây quả là một sự kiện vĩ đại.
Đức Giê-hô-va cũng có thể điều khiển sự việc để kẻ ác vô tình đáp ứng mục đích của Ngài. Người viết Thi-thiên nói: “Cơn giận loài người hẳn sẽ ngợi-khen Chúa; còn sự giận dư lại, Chúa sẽ ngăn-trở”. (Thi-thiên 76:10) Đức Giê-hô-va để cho kẻ thù biểu lộ cơn giận đối với các tôi tớ Ngài—nhưng chỉ đến mức cần thiết nhằm sửa trị và rèn luyện họ. Nếu kẻ thù hành động quá mức, Đức Chúa Trời sẽ can thiệp.
Đức Giê-hô-va nâng đỡ các tôi tớ khiêm nhường, còn kẻ kiêu căng ngạo mạn thì sao? Vị vua Y-sơ-ra-ên nói: “Phàm ai có lòng kiêu-ngạo lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va; quả thật nó sẽ chẳng được khỏi bị phạt”. (Châm-ngôn 16:5) Những kẻ “có lòng kiêu-ngạo” có thể liên kết với nhau, nhưng họ sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt. Vậy, dù chúng ta có sự hiểu biết và khả năng đến đâu, hoặc có đặc ân phụng sự nào, điều khôn ngoan là chúng ta nên vun trồng tính khiêm nhường.
“Bởi sự kính-sợ Đức Giê-hô-va”
Vì sinh ra trong tội lỗi, chúng ta dễ phạm tội. (Rô-ma 3:23; 5:12) Điều gì sẽ giúp chúng ta tránh lập kế hoạch dẫn đến đường lối xấu. Châm-ngôn 16:6 nói: “Nhờ sự nhân-từ và chân-thật tội-lỗi được chuộc; và bởi sự kính-sợ Đức Giê-hô-va người ta xây-bỏ điều ác”. Chúng ta được chuộc tội lỗi nhờ sự nhân từ và chân thật của Đức Giê-hô-va, nhưng chính lòng kính sợ Ngài giúp chúng ta tránh phạm tội. Ngoài tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và lòng biết ơn về sự nhân từ Ngài, điều quan trọng là chúng ta vun trồng lòng kính sợ để tránh làm phật ý Ngài!
Chúng ta có lòng kính sợ Đức Chúa Trời khi chúng ta nhận biết và tôn kính sâu xa quyền năng vô hạn của Ngài. Hãy nghĩ về quyền năng Ngài thể hiện qua sự sáng tạo! Khi được nhắc nhở về điều này, tộc trưởng Gióp sửa lại lối suy nghĩ của mình. (Gióp 42:1-6) Khi đọc và suy ngẫm các lời tường thuật trong Kinh Thánh về cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Ngài, chẳng phải chúng ta cũng chỉnh sửa lối suy nghĩ hay sao? Người viết Thi-thiên hát: “Hãy đến, xem các việc của Đức Chúa Trời: Công-việc Ngài làm cho con-cái loài người thật đáng sợ”. (Thi-thiên 66:5) Chúng ta không nên xem thường lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va. Khi dân Y-sơ-ra-ên “đã bội-nghịch, đã làm cho Thần thánh Ngài buồn-rầu, Ngài bèn trở làm cừu-thù với họ, và chính mình Ngài chinh-chiến cùng họ”. (Ê-sai 63:10) Ngược lại, “khi tánh-hạnh của người nào đẹp lòng Đức Giê-hô-va, thì Ngài cũng khiến các thù-nghịch người ở hòa-thuận với người”. (Châm-ngôn 16:7) Kính sợ Đức Giê-hô-va quả là một sự che chở!
Vị vua khôn ngoan nói: “Thà ít của mà có sự công-bình, hơn là nhiều hoa-lợi với sự bất-nghĩa cặp theo”. (Châm-ngôn 16:8) Châm-ngôn 15:16 cho biết: “Thà có ít của mà kính-sợ Đức Giê-hô-va, còn hơn là tài-sản nhiều mà bối-rối cặp theo”. Để tiếp tục bước theo đường lối công bình, chắc chắn sự kính sợ Đức Chúa Trời là điều thiết yếu.
“Lòng người toan định đường-lối mình”
Loài người được dựng nên với sự tự do ý chí, có thể chọn điều đúng hoặc điều sai. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20) Lòng của chúng ta có khả năng cân nhắc nhiều lựa chọn và sau đó quyết định. Cho thấy việc chọn lựa là trách nhiệm của chúng ta, Sa-lô-môn nói: “Lòng người toan định đường-lối mình”. Sau khi một người đã định đường lối mình, “Đức Giê-hô-va chỉ-dẫn các bước của người”. (Châm-ngôn 16:9) Vì Đức Giê-hô-va có thể hướng dẫn các bước của chúng ta, điều khôn ngoan là tìm sự giúp đỡ của Ngài để ‘những mưu-ý mình được thành-công’.
Như đã lưu ý, lòng con người rất dối trá và có thể khiến người ta có lập luận sai lầm. Chẳng hạn, một người phạm tội và lòng người ấy tìm cách tự bào chữa. Thay vì lìa bỏ con đường tội lỗi, người ấy có thể lý luận rằng Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, nhân từ, thương xót và khoan dung. Người nghĩ thầm: “Đức Chúa Trời quên rồi, Ngài đã ẩn mặt, sẽ không hề xem-xét.” (Thi-thiên 10:11) Tuy nhiên, lạm dụng lòng thương xót của Đức Chúa Trời là điều sai lầm và nguy hiểm.
“Trái cân và vá cân công-bình thuộc về Đức Giê-hô-va”
Sau khi bàn về tấm lòng và hành động của con người, Sa-lô-môn nói đến một vị vua: “Lời của Chúa ở môi vua; miệng người sẽ không sai-lầm khi xét-đoán”. (Châm-ngôn 16:10) Điều này chắc chắn áp dụng cho vua được tấn phong là Chúa Giê-su Christ. Ngài sẽ cai trị trái đất theo ý muốn Đức Chúa Trời.
Xác định nguồn gốc của sự công bình, vị vua khôn ngoan nói: “Trái cân và vá cân công-bình thuộc về Đức Giê-hô-va; các trái cân trong bao là công-việc của Ngài”. (Châm-ngôn 16:11) Trái cân và vá cân là do Đức Giê-hô-va lập. Những tiêu chẩn đó không để cho một vua nào lập ra theo ý riêng. Khi sống trên đất, Chúa Giê-su phán: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì; ta xét-đoán theo điều ta nghe, và sự xét-đoán ta là công-bình, vì ta chẳng tìm ý-muốn của ta, nhưng tìm ý-muốn của Đấng đã sai ta”. Chúng ta có thể mong đợi công lý hoàn hảo đến từ người Con mà Cha đã “giao trọn quyền phán-xét”.—Giăng 5:22, 30.
Ngoài ra, còn có thể mong đợi điều gì nơi vị vua đại diện Đức Giê-hô-va? Vị vua Y-sơ-ra-ên nói: “Làm gian-ác, ấy là điều gớm-ghiếc cho vua-chúa; vì nhờ công-bình ngôi nước được lập vững-bền”. (Châm-ngôn 16:12) Nước của Đấng Mê-si cai trị dựa trên nguyên tắc công bình của Đức Chúa Trời. Nước ấy không liên minh với “ngôi kẻ ác”.—Thi-thiên 94:20; Giăng 18:36; 1 Giăng 5:19.
Được ân điển của vua
Các thần dân của vị vua oai nghiêm nên hưởng ứng thế nào? Sa-lô-môn nói: “Môi-miệng người công-bình là sự vui-vẻ cho các vua; họ ưa-mến kẻ nói ngay-thẳng. Cơn thạnh-nộ của vua khác nào sứ-giả sự chết; nhưng người khôn-ngoan làm cho nó nguôi đi”. (Châm-ngôn 16:13, 14) Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va ngày nay ghi nhớ những lời này và bận rộn trong công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Họ biết rằng dùng môi miệng theo cách này sẽ làm Vua Mê-si là Chúa Giê-su vui lòng. Làm nguôi cơn giận của một vị vua quyền lực trên đất và tìm ân huệ của vua, chắc chắn là điều khôn ngoan. Tìm kiếm sự chấp nhận của Vua Mê-si còn khôn ngoan hơn biết bao!
Vua Sa-lô-môn nói tiếp: “Nhờ sắc mặt vua sáng-sủa bèn được sự sống; ân-điển người khác nào áng mây dẫn mưa muộn”. (Châm-ngôn 16:15) “Sắc mặt vua sáng-sủa” có nghĩa là ân huệ của vua, cũng như “ánh sáng của mặt Chúa” chỉ về ân huệ của Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 44:3; 89:15) Như những đám mây báo hiệu sẽ có mưa làm mùa màng tươi tốt, thì ân điển của vua cho thấy những điều tốt lành sẽ đến. Như triều đại của vua Sa-lô-môn đã cho thấy trong phạm vi nhỏ, đời sống trên đất dưới sự cai trị của Vua Mê-si sẽ đầy ân phước và thịnh vượng.—Thi-thiên 72:1-17.
Trong khi chờ đợi Nước Trời kiểm soát mọi việc trên đất, mong sao chúng ta tìm sự giúp đỡ của Ngài để làm lòng chúng ta được trong sạch. Chúng ta cũng hãy tin cậy Đức Giê-hô-va và vun trồng lòng kính sợ Ngài. Như thế, chúng ta có thể tin chắc “những mưu-ý mình sẽ được thành-công”.—Châm-ngôn 16:3.
[Hình nơi trang 18]
Đức Giê-hô-va dựng nên “kẻ ác. . . để-dành cho ngày tai-họa” theo nghĩa nào?