Hỡi gia đình, hãy ca ngợi Đức Chúa Trời trong hội thánh Ngài
“Tôi sẽ ngợi-khen Đức Giê-hô-va trong các hội-chúng [“hội thánh”, NW]”.—THI-THIÊN 26:12.
1. Ngoài sự học hỏi và cầu nguyện tại nhà, điều gì là quan trọng trong sự thờ phượng thật?
SỰ THỜ PHƯỢNG Đức Giê-hô-va không phải chỉ có việc cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh tại nhà mà còn bao hàm những hoạt động trong hội thánh của Đức Chúa Trời. Dân Y-sơ-ra-ên xưa đã được phán dặn phải “nhóm-hiệp dân-sự, nào người nam, người nữ, nào con trẻ”, để học biết luật pháp của Đức Chúa Trời hầu đi trong đường Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12; Giô-suê 8:35) Cả người già lẫn ‘gã trai-trẻ và gái đồng-trinh’ được khuyến khích để cùng ca ngợi danh Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 148:12, 13) Sự sắp đặt tương tự như thế cũng áp dụng cho hội thánh tín đồ Đấng Christ. Trong các Phòng Nước Trời khắp đất, đàn ông, đàn bà và trẻ em cùng tự do tham gia vào những buổi họp có sự phát biểu của cử tọa, và nhiều người rất thích thú vì được dự phần vào đó.—Hê-bơ-rơ 10:23-25.
2. (a) Tại sao sự chuẩn bị là yếu tố chính để giúp con trẻ thích các buổi họp? (b) Gương mẫu của ai là quan trọng?
2 Thật vậy, giúp giới trẻ bước vào lề thói sinh hoạt lành mạnh của hội thánh có thể là điều khó. Nếu một số trẻ em cùng dự buổi họp với cha mẹ có vẻ không thích buổi họp, vấn đề có thể là gì? Dĩ nhiên, nhiều trẻ em không thể tập trung tư tưởng lâu và dễ thấy chán. Sự chuẩn bị có thể giúp giải quyết vấn đề này. Không có sự chuẩn bị, con cái không thể hết lòng tham gia vào buổi họp. (Châm-ngôn 15:23) Không có sự chuẩn bị, khó cho chúng tiến bộ về thiêng liêng đến mức thỏa mãn. (1 Ti-mô-thê 4:12, 15) Thế thì có thể làm gì? Trước hết cha mẹ cần tự hỏi chính họ có chuẩn bị cho buổi họp không. Gương của họ là một ảnh hưởng mạnh mẽ. (Lu-ca 6:40) Sự hoạch định kỹ lưỡng trong buổi học gia đình cũng có thể là một yếu tố quan trọng.
Bồi đắp tấm lòng
3. Trong buổi học hỏi gia đình, tại sao chúng ta nên có sự cố gắng đặc biệt để bồi đắp tấm lòng, và điều này đòi hỏi gì?
3 Cuộc học hỏi gia đình không phải chỉ để dồn sự hiểu biết vào đầu mà còn để bồi đắp tấm lòng. Điều này đòi hỏi phải có cả sự nhận thức những vấn đề mà những người trong gia đình gặp phải lẫn sự quan tâm yêu thương nhau. Đức Giê-hô-va là Đấng “dò-xét lòng người ta”.—1 Sử-ký 29:17.
4. (a) “Thiếu trí hiểu” có nghĩa là gì? (b) “Sự khôn-ngoan” bao hàm điều gì?
4 Đức Giê-hô-va tìm thấy gì khi Ngài dò xét lòng của con cái chúng ta? Phần đông con cái sẽ nói rằng chúng yêu thương Đức Chúa Trời và đó là đáng khen. Nhưng một người còn trẻ hoặc mới biết về Đức Giê-hô-va có ít kinh nghiệm về đường lối của Ngài. Vì thiếu kinh nghiệm, người trẻ ấy có thể “thiếu trí hiểu” như Kinh Thánh nói. Có lẽ không phải tất cả những động lực của người là xấu, nhưng cần thì giờ để đưa lòng vào một tình trạng mà sẽ thật sự làm hài lòng Đức Chúa Trời. Điều này bao hàm việc đem ý tưởng, ước muốn, tình cảm, cảm xúc và mục tiêu trong đời sống hòa hợp với những gì Đức Chúa Trời chấp nhận, đến mức độ mà những người bất toàn có thể làm được. Khi một người uốn nắn lòng mình theo đường lối của Đức Chúa Trời, thì người ấy có “sự khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 9:4; 19:8.
5, 6. Cha mẹ có thể giúp con cái được “sự khôn-ngoan” như thế nào?
5 Cha mẹ có thể giúp con cái có “sự khôn-ngoan” không? Đành rằng không người nào có thể đặt tình trạng tốt của lòng vào người khác. Mỗi người chúng ta được phú cho sự tự do ý chí, và phần nhiều là tùy thuộc vào việc chính chúng ta để lòng mình nghĩ về điều gì. Tuy nhiên, cha mẹ sáng suốt thường có thể khuyến khích con nói ra ý nghĩ, biết được những điều trong lòng nó và chỗ nào nó cần giúp. Hãy dùng những câu hỏi như: ‘Con thấy sao về điều này?’ và ‘Lòng con thật sự muốn làm gì?’ Rồi hãy kiên nhẫn lắng nghe. Chớ nên phản ứng quá mạnh. (Châm-ngôn 20:5) Bầu không khí nhân từ, hiểu biết và yêu thương là quan trọng nếu bạn muốn động đến lòng con cái.
6 Để củng cố khuynh hướng lành mạnh, nên thường xuyên bàn luận về trái của thánh linh—mỗi khía cạnh của nó—và cả gia đình cùng nhau vun trồng bông trái đó. (Ga-la-ti 5:22, 23) Hãy bồi đắp tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ, không chỉ nói rằng chúng ta nên yêu hai Đấng ấy nhưng bằng cách bàn luận lý do tại sao chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời và Con Ngài và chúng ta có thể biểu lộ tình thương đó như thế nào. (2 Cô-rinh-tô 5:14, 15) Hãy củng cố ước muốn làm điều đúng bằng cách suy luận về những lợi ích sẽ gặt được. Hãy bồi đắp ước muốn tránh những ý tưởng, lời nói và hạnh kiểm sai lầm bằng cách bàn luận về những tác hại của những điều đó. (A-mốt 5:15; 3 Giăng 11) Hãy cho thấy làm thế nào những ý tưởng, lời nói và hạnh kiểm—dù tốt hay xấu—có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va.
7. Có thể làm gì để giúp con cái đối phó với những vấn đề và quyết định theo cách sẽ giúp chúng gần gũi với Đức Giê-hô-va?
7 Khi con có vấn đề hoặc cần quyết định một điều quan trọng, chúng ta có thể hỏi: “Con nghĩ Đức Giê-hô-va xem vấn đề này như thế nào? Con biết gì về Đức Giê-hô-va mà trả lời như vậy? Con đã cầu nguyện với Ngài về điều đó chưa?” Bắt đầu càng sớm càng tốt, hãy giúp con bạn tập thói quen trong đời sống luôn hết lòng cố gắng nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời và làm theo đó. Khi chúng có mối quan hệ cá nhân mật thiết với Đức Giê-hô-va, chúng sẽ thấy thích thú đi trong đường lối Ngài. (Thi-thiên 119:34, 35) Điều này sẽ giúp chúng xây đắp lòng quý trọng đặc ân được kết hợp với hội thánh của Đức Chúa Trời thật.
Chuẩn bị cho buổi họp hội thánh
8. (a) Điều gì có thể giúp chúng ta đưa những điều cần sự chú ý vào cuộc học hỏi gia đình? (b) Sự học hỏi này quan trọng như thế nào?
8 Có nhiều vấn đề cần được chú ý trong giờ học hỏi với gia đình. Làm thế nào bạn có thể đưa hết những vấn đề đó vào buổi học? Không thể nào bàn hết mọi điều cùng một lúc được. Nhưng bạn có thể thấy hữu ích nếu làm một bản liệt kê. (Châm-ngôn 21:5, NW) Thỉnh thoảng, hãy ôn lại và xem xét điều gì cần sự chú ý đặc biệt. Hãy thiết tha chú ý đến sự tiến bộ của mỗi người trong gia đình. Việc học hỏi với gia đình là một phần quan trọng của sự giáo dục của tín đồ Đấng Christ, trang bị chúng ta trong đời sống hiện tại và chuẩn bị chúng ta cho sự sống đời đời sắp đến.—1 Ti-mô-thê 4:8.
9. Khi chuẩn bị cho buổi họp trong lúc học hỏi gia đình, chúng ta có thể dần dần thực hiện những mục tiêu nào?
9 Sự học hỏi của gia đình bạn có bao gồm việc chuẩn bị cho các buổi họp của hội thánh không? Có một số dự án mà bạn có thể dần dần thực hiện khi học hỏi với nhau. Một số những dự án này có thể cần nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm để hoàn tất. Hãy xem xét những mục tiêu này: (1) Mỗi người trong gia đình sẵn sàng bình luận tại buổi họp hội thánh; (2) mỗi người cố gắng trả lời bằng lời riêng của mình; (3) hãy bao gồm những câu Kinh Thánh trong lời bình luận; (4) hãy phân tích tài liệu học hỏi để áp dụng cá nhân. Tất cả những điều này có thể giúp làm cho lẽ thật thấm sâu vào lòng.—Thi-thiên 25:4, 5.
10. (a) Chúng ta có thể chú ý đến mỗi buổi họp của hội thánh như thế nào? (b) Tại sao làm điều này là đáng công?
10 Dù buổi học của gia đình bạn thường căn cứ vào bài học Tháp Canh của tuần đó, chúng ta đừng xem nhẹ tầm quan trọng của việc mỗi cá nhân hoặc cả gia đình chuẩn bị cho Buổi Học Cuốn Sách Hội Thánh, Trường Thánh Chức Thần Quyền và Buổi Họp Công Tác. Những buổi họp này cũng là những phần quan trọng của chương trình dạy dỗ chúng ta đi trên đường lối Đức Giê-hô-va. Có lẽ đôi khi gia đình bạn có thể cùng nhau chuẩn bị cho các buổi họp. Khi cùng chuẩn bị với nhau, cách học sẽ được cải tiến. Kết quả là chúng ta sẽ rút tỉa nhiều lợi ích từ những buổi họp. Ngoài những điều khác, chúng ta cũng có thể bàn luận về lợi ích của việc chuẩn bị đều đặn cho những buổi họp này và tầm quan trọng của việc dành ra thì giờ cố định để làm điều đó.—Ê-phê-sô 5:15-17.
11, 12. Sự chuẩn bị cho việc ca hát trong hội thánh có lợi cho chúng ta như thế nào và có thể làm điều này như thế nào?
11 Tại Hội Nghị “Sống theo đường lối của Đức Chúa Trời”, chúng ta được khuyến khích chuẩn bị cho một khía cạnh khác của buổi họp—đó là việc ca hát. Bạn có làm điều đó không? Làm thế có thể giúp khắc ghi lẽ thật của Kinh Thánh vào tâm trí chúng ta và đồng thời cũng làm tăng sự thích thú của chúng ta tại buổi họp hội thánh.
12 Sự chuẩn bị bao hàm việc đọc và bàn luận ý nghĩa của lời ca trong một số những bài hát được chỉ định dùng trong buổi họp. Làm thế có thể giúp chúng ta hát hết lòng. Vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, những nhạc cụ được dùng rất nhiều trong sự thờ phượng. (1 Sử-ký 25:1; Thi-thiên 28:7) Có ai trong gia đình bạn biết chơi một loại nhạc cụ không? Hãy dùng nhạc cụ đó để tập một bài hát trong tuần, rồi cả gia đình cùng hát với nhau. Một cách khác nữa là dùng nhạc đã thu băng sẵn. Tại vài xứ, anh em của chúng ta hát rất hay, không cần âm nhạc gì cả. Khi họ đi đường hoặc ra đồng làm việc, họ thường thích hát những bài sẽ hát trong những buổi họp tuần đó.—Ê-phê-sô 5:19.
Gia đình chuẩn bị cho việc rao giảng
13, 14. Tại sao sự bàn luận gia đình nhằm chuẩn bị lòng của chúng ta đối với công việc rao giảng là quí giá?
13 Làm chứng cho người khác về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài là một phần quan trọng trong đời sống chúng ta. (Ê-sai 43:10-12; Ma-thi-ơ 24:14) Dù già hay trẻ, chúng ta thích làm công việc này nhiều hơn và được nhiều kết quả hơn nếu chúng ta chuẩn bị. Chúng ta có thể làm điều này trong gia đình như thế nào?
14 Như mọi vấn đề liên hệ đến sự thờ phượng của chúng ta, điều quan trọng là phải chuẩn bị lòng mình. Chúng ta cần bàn luận không chỉ về những điều chúng ta sẽ làm mà còn về điều tại sao chúng ta sẽ làm như vậy. Trong thời Vua Giê-hô-sa-phát, dân chúng được dạy về luật của Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh nói với chúng ta rằng họ “chưa dốc lòng tìm-cầu”. Điều này khiến cho họ dễ bị dụ ra khỏi sự thờ phượng thật. (2 Sử-ký 20:33; 21:11) Mục tiêu của chúng ta không phải chỉ báo cáo số giờ rao giảng hoặc chỉ để lại sách báo mà thôi. Việc rao giảng của chúng ta phải biểu lộ tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và đối với những người cần có cơ hội để chọn sự sống. (Hê-bơ-rơ 13:15) Trong hoạt động này, chúng ta là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 3:9) Quả là một đặc ân! Khi đi rao giảng, chúng ta cùng hợp tác với các thiên sứ thánh làm công việc này. (Khải-huyền 14:6, 7) Không còn thì giờ nào tốt hơn để xây đắp lòng quý trọng đối với việc này hơn là trong buổi bàn luận gia đình, dù là trong buổi học hàng tuần của chúng ta hoặc khi bàn luận về một đoạn Kinh Thánh thích hợp trong cuốn Tra xem Kinh Thánh mỗi ngày!
15. Khi nào cả gia đình có thể chuẩn bị cho công việc rao giảng?
15 Đôi khi bạn có dùng thì giờ trong buổi học hỏi gia đình để giúp người nhà chuẩn bị cho công việc rao giảng trong tuần không? Làm thế rất có lợi. (2 Ti-mô-thê 2:15) Nó có thể giúp cho công việc rao giảng của họ có ý nghĩa và có kết quả. Đôi khi bạn có thể dành cả buổi học để chuẩn bị như thế. Nhưng bạn có thể thường xuyên giải quyết những khía cạnh khác của công việc rao giảng trong những buổi bàn luận ngắn hơn vào cuối buổi học hỏi gia đình hoặc vào những lúc khác trong tuần.
16. Hãy bàn về giá trị của mỗi bước được liệt kê trong đoạn này.
16 Những buổi bàn luận gia đình có thể nhắm vào nhiều bước, chẳng hạn như: (1) Chuẩn bị một lời trình bày và tập dượt kỹ, bao gồm việc đọc một câu Kinh Thánh nếu có cơ hội. (2) Nếu có thể được, mỗi người có riêng một cặp rao giảng, Kinh Thánh, sổ tay, bút mực hoặc bút chì, giấy mỏng và những ấn phẩm khác, mọi thứ đều đàng hoàng, tươm tất. Cặp rao giảng không cần phải đắt tiền, nhưng phải sạch sẽ ngăn nắp. (3) Hãy bàn luận rao giảng bán chính thức ở đâu và làm như thế nào. Sau mỗi bước chỉ dẫn này hãy dành ra thì giờ để cùng đi rao giảng với nhau. Đưa ra những đề nghị hữu ích, nhưng không nên khuyên bảo quá nhiều điểm.
17, 18. (a) Cả gia đình có thể chuẩn bị như thế nào để công việc rao giảng có nhiều kết quả hơn? (b) Khía cạnh nào của việc chuẩn bị này có thể làm mỗi tuần?
17 Phần chủ yếu trong công việc mà Chúa Giê-su chỉ định môn đồ ngài làm là việc đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Việc đào tạo môn đồ bao hàm nhiều hơn là rao giảng. Nó đòi hỏi phải dạy dỗ. Buổi học hỏi gia đình có thể giúp bạn như thế nào để được hữu hiệu khi làm điều này?
18 Cả gia đình hãy bàn xem mình nên thăm lại người nào. Một số có thể đã nhận sách báo, một số có thể chỉ lắng nghe mà thôi. Chúng ta có thể đã gặp những người này khi đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia hoặc khi làm chứng bán chính thức tại chợ hoặc trường học. Hãy để Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn bạn. (Thi-thiên 25:9; Ê-xê-chi-ên 9:4) Hãy quyết định mỗi người sẽ thăm lại ai trong tuần đó. Sẽ nói về điều gì? Sự bàn luận của gia đình có thể giúp mỗi người chuẩn bị. Hãy ghi rõ rệt những câu Kinh Thánh để chia sẻ với người chú ý cũng như những điểm thích hợp trong sách mỏng Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta? hoặc sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. Hãy cố đừng nói quá nhiều trong một lần thăm lại. Hãy để lại một câu hỏi với chủ nhà, lần tới bạn sẽ trở lại trả lời. Gia đình nên có chương trình hàng tuần hoạch định mỗi người sẽ thăm lại ai, khi nào nên đi, và mong thực hiện được điều gì. Làm thế có thể giúp công việc rao giảng của cả gia đình có nhiều kết quả hơn.
Hãy tiếp tục dạy họ đường lối của Đức Giê-hô-va
19. Nếu những người trong gia đình tiếp tục bước đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va thì họ phải có được điều gì, và điều gì góp phần vào việc này?
19 Trong hệ thống gian ác này, làm chủ gia đình là một điều khó. Sa-tan và các quỉ của hắn cố gắng hủy diệt tình trạng thiêng liêng của tôi tớ Đức Giê-hô-va. (1 Phi-e-rơ 5:8) Ngoài ra, ngày nay bạn, những người làm cha mẹ, bị nhiều áp lực, nhất là những người cha hay mẹ đơn chiếc. Khó có thì giờ làm tất cả những gì bạn muốn làm. Nhưng làm thế sẽ rất đáng công, dù mỗi lần bạn chỉ có thể áp dụng một lời đề nghị, và dần dần cải tiến chương trình học hỏi của gia đình bạn. Thấy được những người thân thiết trung thành bước đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va quả là một phần thưởng làm ấm lòng. Muốn bước đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va một cách thành công, những người trong gia đình cần tìm được niềm vui khi dự các buổi họp của hội thánh và khi dự phần vào việc rao giảng. Để thực hiện được điều này, chúng ta cần phải chuẩn bị—chuẩn bị sao để bồi đắp tấm lòng và trang bị mỗi người để tham gia hết lòng.
20. Điều gì có thể giúp nhiều bậc cha mẹ cảm nghiệm được niềm vui trình bày nơi 3 Giăng 4?
20 Nói về những người mà ông đã giúp về thiêng liêng, sứ đồ Giăng viết: “Tôi nghe con-cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui-mừng hơn nữa”. (3 Giăng 4) Khi điều khiển buổi học hỏi gia đình với những mục tiêu rõ rệt trong trí và khi người chủ gia đình chăm sóc những nhu cầu riêng của mỗi người trong gia đình với cung cách nhân từ, tử tế thì điều này có thể giúp cho gia đình được vui mừng. Bằng cách vun trồng lòng quý trọng đối với việc sống theo đường lối của Đức Chúa Trời, cha mẹ giúp gia đình mình hưởng được lối sống tốt nhất.—Thi-thiên 19:7-11.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Tại sao việc con cái chúng ta chuẩn bị cho buổi họp là điều rất quan trọng?
◻ Cha mẹ có thể giúp con cái có “sự khôn-ngoan” như thế nào?
◻ Buổi học của gia đình chúng ta có thể giúp chuẩn bị cho tất cả các buổi họp như thế nào?
◻ Việc gia đình chuẩn bị cho công việc rao giảng có thể giúp chúng ta trở nên hữu hiệu hơn như thế nào?
[Hình nơi trang 20]
Buổi học hỏi của gia đình bạn có thể bao gồm sự chuẩn bị cho các buổi họp hội thánh
[Hình nơi trang 21]
Tập hát cho buổi họp rất hữu ích